Sự tích Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni

(Theo bản hiệu-chính ngày 21/05/2005) 

Soạn giả: Minh-Thiện Trần-Hữu-Danh

Với sự khuyến khích và giúp đỡ của hiền nội: 

Diệu-Xuân Nguyễn-thị Bạch-Mai

---o0o---

 

Phần 5

 

7- Hạ thứ 4 tại Jetavana (năm -586)

 

Mùa mưa sắp tới. Phật quyết định cùng đại chúng an cư tại tinh xá Jetavana (Kỳ viên, hay Kỳ-đà thọ Cấp-cô-độc viên) như đã hứa với ông Anathapindika (Sudatta). Ðã có kinh nghiệm trong hai mùa hạ trước tại Venuvana (Trúc-Lâm), năm nay đại đức Sariputta phụ tá cho Phật tổ chức kiết hạ rất dễ dàng và chu đáo. Số người mới xuất gia tại Sravasti đã lên tới 60 vị. Ông Sudatta và các bạn hữu của ông rất sốt sắng trong việc tổ chức, cúng dường thực phẩm và bảo trợ cho các sinh hoạt tu học tại tinh xá.

Trước ngày nhập hạ, trong lúc Phật đi khất thực trong thành Sravasti, đến trước một nhà khá giả, chủ nhà đi vắng, một con chó trắng chồm tới sủa dữ dội. Ðức Phật nhìn thẳng vào con chó bảo:

- Thôi, nín đi!

Con chó bỗng tỏ vẻ sợ sệt, cúp tai, cúi đầu, cong đuôi vào giữa hai chân, từ từ đi vào trước cửa nhà nằm xuống. Khi ông chủ nhà tên Suka trở về, thấy con chó buồn bã nằm co ro bèn hỏi người làm công:

- Sao con chó hôm nay có vẻ buốn bã, sợ sệt vậy?

- Thưa ông, hồi nãy có sa môn Gotama đứng trước nhà khất thực, nó chồm ra sủa dữ dội, bị sa môn Gotama quở, nó vào nằm yên đó đến bây giờ.

Suka tức giận tìm đến tinh xá Jetavana hỏi Phật đã làm gì đến đổi con chó buồn bã bỏ ăn, nằm yên một chỗ. Phật bảo:

- Con chó đó kiếp trước là cha của ông. Trước khi chết không kịp chỉ cho ông chỗ dấu hũ vàng, nên ông ta tiếc của tái sanh làm con chó thường nằm chỗ dấu hũ vàng để giữ. Ông hãy đến chỗ đó đào lên lấy thì nó sẽ hết buồn.

Suka nghe nói, trở về nhà đào được hũ vàng. Ông ta vô cùng mừng rỡ, thỉnh Phật và thánh chúng đến nhà cúng dường trai tăng[1].

 

Phật dạy có bảy hạng vợ trên thế gian[2] 

Một hôm, ông Sudatta thỉnh Phật đến nhà thọ trai. Trong khi đức Phật và ông Sudatta đang đàm đạo ở phòng khách thì bỗng nghe có tiếng ồn ào phía nhà sau. Phật hỏi có chuyện gì. Ông Sudatta thưa:

- Bạch Thế Tôn, đó là Sujata, dâu của con. Vợ chồng đứa con trai út duy nhất của con là Kala vẫn còn sống chung nhà với con. Vợ nó là con nhà giàu có, quen tánh rầy la tôi tớ, mà cũng không biết kính nể người trưởng thượng, không để ý đến lời khuyên dạy của chồng và của cha mẹ chồng. Hôm nay biết có Thế Tôn đến nhà mà nó cũng không kiêng nể gì cả. Chúng con xin Thế Tôn tha lỗi cho.

Ðức Phật cho gọi cô dâu ra và giảng cho nghe một bài pháp về bảy hạng vợ trong xã hội. Ðức Phật nói:

- Xã hội ngày nay thường không biết đến vai trò quan trọng của người phụ nữ trong gia đình. Thật ra một gia đình có được hạnh phúc hay không phần lớn là do tánh tình, cách cư xử khéo léo và tính đảm đang của người nội tướng. Nếu ai để ý quan sát sẽ thấy có bảy hạng người vợ như sau:

1)- Người đàn bà không có lòng trắc ẩn, tâm hồn thấp hèn, không ngó ngàng chăm sóc chồng con, không ôn hòa nhã nhặn, ưa thích làm chuyện ngang bướng, hư thân trắc nết. Ðó là người vợ sát nhân (Vadhakabhariya).

2)- Người đàn bà hay trộm cắp của chồng. Hay dấu tiền của chồng làm ra để xài riêng. Ðó là người vợ trộm cắp (Corabhariya).

3)- Người đàn bà làm biếng, tham ăn, cả ngày không làm gì, thích ngồi lê đôi mách và hay la lối gắt gỏng, không để ý đến công lao khó nhọc của chồng. Ðó là người vợ như bà chủ (Ayyabhariya).

4)- Người đàn bà thương chồng như mẹ hiền thương con, trông nom săn sóc từng ly từng tí. Ðó là người vợ như mẹ (Matubhariya).

5)- Người đàn bà kính nể chồng như em gái kính nể anh, tánh ôn hòa và hết lòng phục vụ. Ðó là người vợ như em gái (Bhaginibhariya).

6)- Người đàn bà duyên dáng, dịu hiền, vui vẻ, hân hoan mỗi khi thấy chồng như gặp lại người bạn thân lâu ngày xa cách. Ðó là người vợ như bạn thân (Sakhibhariya).

7)- Người đàn bà dù bị roi vọt cũng không sợ hãi, oán trách, im lặng chịu đựng và luôn luôn vâng lời chồng. Ðó là người vợ như tớ gái (Dasibhariya).

Này Sujata, đó là bảy hạng vợ. Vậy con hãy xét xem con thuộc về hạng nào?

- Bạch Thế Tôn, xin ngài hãy nghĩ rằng kể từ nay con thuộc về hạng vợ như tớ gái.

 

Phật dạy có thương là có khổ[3] 

Một buổi chiều nọ, có một người đàn ông trẻ, mặt mũi bơ phờ hốc hác vì đứa con trai duy nhất của ông ta vừa mới chết. Suốt mấy ngày liền ông ta cứ ra bãi tha ma kêu khóc "Con ơi! Bây giờ con ở đâu?". Nhiều người thấy ông ta đau khổ như vậy mới bảo ông ta hãy đến gặp Phật tại tinh xá Jetavana. Sau khi nghe ông ta kể lể, đức Phật mở lời khuyên:

- Này ông bạn, đời là như thế. Hễ có thương là có khổ.

- Thầy nói sai rồi, ông ta phản đối ngay. Thương chỉ đem lại cho người ta niềm vui và hạnh phúc mà thôi. Chỉ có cái chết mới đem đến sự đau khổ.

Nói xong, ông ta bất mãn đứng dậy bỏ đi, không để cho Phật có cơ hội giải thích thêm. Ông ta thất vọng, đi lang thang một hồi thì gặp một toán người đang xúm nhau đánh bạc. Ông ta ngồi xuống tham dự và nhân tiện kể lại cho họ nghe về cuộc gặp gỡ vừa rồi với Phật. Mấy người kia đều đồng ý: " Tình thương không thể mang đến sầu khổ và thất vọng. Tình thương chỉ mang đến niềm vui và hạnh phúc mà thôi. Anh nói đúng đấy. Ông sa-môn Gotama kia nói sai rồi."

Câu chuyện này được truyền ra, chẳng mấy chốc đã trở nên đề tài bàn tán sôi nổi của những giáo phái ở Sravasti. Nhiều vị lãnh tụ giáo phái cũng cho rằng Phật có quan niệm sai lầm về tình thương. Câu chuyện truyền đến tai vua Pasenadi[4].

Chiều hôm ấy, trong bữa cơm gia đình, vua nói với hoàng hậu:

- Cái ông sa-môn mà người ta gọi là Phật ấy có thể không phải là người giỏi.

- Tại sao hoàng thượng nói như vậy? Hoàng hậu hỏi. Ai chê sa-môn Gotama?

- Sáng nay ta có nghe các quan trong triều bàn tán về sa-môn Gotama. Họ nói rằng theo sa-môn Gotama thì càng thương nhiều càng đau khổ nhiều.

- Nếu sa-môn Gotama đã nói như thế thì chắc đó là sự thật.

- Hoàng hậu không nên nói như thế. Mình phải biết suy xét chứ. Ðừng làm như một em bé học trò, hễ thầy giáo nói gì cũng cho là đúng.

Hoàng hậu im lặng. Sáng hôm sau bà nhờ một người tâm phúc tên Nalijangha tới gặp Phật hỏi xem có phải ngài đã nói rằng "Thương là nguồn gốc của đau khổ và thất vọng" không? Nếu có thì xin Phật giải nghĩa thêm cho rõ ràng, rồi ráng ghi nhớ hết những điều Phật dạy để về thuật lại cho bà nghe.

Nalijangha đến gặp Phật, được Phật xác nhận và kể cho nghe hai câu chuyện sau đây chứng tỏ rằng thương đi liền với khổ:

- Tại Sravasti này, gần đây có một thiếu nữ vừa mất mẹ. Cô ta đau khổ quá đến phát điên, cả ngày đi lang thang ngoài đường, gặp ai cũng hỏi "Mẹ tôi đâu? Mẹ tôi đâu?". Cũng tại Sravasti, cách nay không lâu, có hai thanh niên nam nữ yêu nhau, nhưng gia đình người con gái lại ép gả nàng cho một chàng trai mà cô ta không yêu. Do đó mà hai người yêu nhau phải rủ nhau tự tử, nghĩ rằng chỉ có cái chết mới kết hợp họ với nhau được. Này Nalijangha, Như-lai nói thương là khổ là vì khi thương, người ta thường bám víu vào một người hay một vật gì. Trong khi ở cõi đời này vạn vật đều vô thường, có sanh phải có tử, có hợp phải có tan, không ai tránh khỏi.

Nalijangha về thuật lại cho hoàng hậu Mallika nghe. Một hôm, nhân lúc vua Pasenadi rảnh rỗi, hoàng hậu hỏi vua:

- Bệ hạ nghĩ thế nào? Công chúa Vajiri có phải là người mà bệ hạ thương yêu và cưng chìu nhất hay không?

- Ðúng như vậy, ta thương yêu và cưng chìu con gái ta nhất.

- Vậy nếu có gì không may xảy ra cho Vajiri thì bệ hạ có lo lắng, sầu khổ và thất vọng không?

Vua pasenadi giật mình, im lặng. Vua thấy rằng trong tình thương đã có sẵn những mầm mống của lo lắng, sầu khổ và thất vọng. Vua tự nhiên mất hết an lạc, lẩm bẩm:

- Hôm nào có dịp ta sẽ đến viếng sa-môn Gotama.

 

Phật độ vua Pasenadi[5] 

Một hôm vua Pasenadi đi một mình đến thăm Phật, không có hoàng hậu và công chúa đi theo. Ngài để xe và thị vệ ngoài cổng tinh xá Jetavana rồi đi bộ vào một mình. Một khất sĩ đưa vua đến gặp Phật trước am lá của người. Sau khi chào hỏi và an vị, vua vào đề ngay:

- Thưa sa-môn Gotama, người ta thường ca ngợi ngài là Phật, là đã đạt tới quả vị giác ngộ cao nhất. Trẫm băn khoăn tự hỏi: Tuổi đời ngài còn ít, ngài mới xuất gia chỉ độ mười năm, thế mà sao ngài lại đạt tới thành quả đó được? Trẫm đã nghe nói đến những vị đạo cao đức trọng như Purana Kassapa, Makkhali Gosaleiputta, Nigantha Nataputta, Sanjaya Belatthiputta vân vân. Những vị này đều là những người tu lâu năm, tuổi tác đã cao, tại sao họ không tự nhận họ là bậc giác ngộ hoàn toàn? Lại còn những vị như Pakudha Kaccana và Ajita Kesakambala nữa. Ngài có nghe nói đến những vị ấy không?

- Thưa Ðại vương, Phật ôn-tồn đáp, tôi có nghe nói tới các vị ấy và có vị tôi đã từng được gặp. Thưa Ðại vương, sự giác ngộ không tùy thuộc vào tuổi tác và số năm tu học. Có những cái bé nhỏ mà ta không nên khinh thường như một vị vương tử bé, một con rắn con, một đốm lửa nhỏ và một nhà tu trẻ. Vị vương tử bé cũng có thể có vương tính của một đức vua. Một con rắn con cũng có thể làm ta mất mạng trong chốc lát. Một đốm lửa nhỏ cũng có thể thiêu rụi một khu rừng hay một thành phố. Một nhà tu trẻ cũng có thể đạt tới quả vị giác ngộ hoàn toàn. Ðại vương, người khôn ngoan không bao giờ khinh thường một vương tử bé, một con rắn con, một đốm lửa nhỏ, một nhà tu trẻ.

Vua Pasenadi nhìn Phật kinh ngạc. Ðức Phật đã thốt những lời nói trên một cách hồn nhiên, từ tốn, không một chút mặc cảm. Vua bắt đầu có đức tin nơi Phật. Ông hỏi tiếp:

- Sa-môn Gotama, có người nói rằng ngài chủ trương không nên thương yêu. Vì càng thương yêu càng có nhiều lo lắng, sầu khổ và thất vọng. Trẫm nghĩ rằng điều đó có thể đúng, nhưng lòng trẫm vẫn không yên. Trẫm nghĩ nếu không có thương yêu thì cuộc đời sẽ khô khan và vô vị lắm. Xin ngài giải dùm chỗ nghi này cho trẫm.

- Ðại vương, lành thay, câu hỏi của ngài giúp tôi có dịp khai sáng yếu nghĩa cho mọi người hiểu rõ ý tôi. Cuộc đời rất cần đến tình thương, nhưng không phải thứ tình thương dựa trên căn bản dục vọng, đam mê và vướng mắc, mà là thứ tình thương rộng lớn, bình đẳng, không phân biệt gọi là lòng từ-bi. Từ (maitri) là ban vui, bi (karuna) là cứu khổ. Lòng từ-bi không chấp có người ban, có người nhận, nên không bị vướng mắc vào cạm bẫy của tham, sân, si. Vì không bị vướng mắc  vào ngã, nhơn, nên không mang đến lo lắng, sầu khổ và thất vọng. Người có tâm từ bi sẵn sàng ban vui, cứu khổ cho tất cả loài hữu tình, không phân biệt kẻ đó có phải là cha mẹ hay anh em gì của mình không. Ðại vương, ngài là bậc lãnh đạo của một quốc gia, nếu ngài phát tâm từ bi thì dân chúng cả nước đều được ân triêm công đức.

- Trẫm có một gia đình để coi sóc, một vương quốc để chăm lo. Nếu trẫm không thương yêu gia đình của trẫm và thần dân trong xứ của trẫm thì làm sao trẫm có thể coi sóc và chăm lo cho họ được?

- Ðại vương, tôi không có ý nói đại vương không nên yêu thương thái tử Jeta và công chúa Vajiri, tôi chỉ khuyên đại vương nên yêu thương tất cả mọi người như ngài đã yêu thương thái tử và công chúa. Tình thương bình đẳng, không phân biệt, chính là lòng từ bi. Tình thương bám víu và lựa chọn gây nên sự bất công và chia rẽ, oán hận và chiến tranh. Chỉ có lòng từ bi mới thật sự mang đến an vui và thanh bình cho mọi người.

- Thật là kỳ diệu! Nhưng làm sao mình có thể bày tỏ tình thương của mình đối với một người nếu mình không chứng tỏ cho họ thấy mình quan tâm lo lắng cho họ hơn những người khác?

- Ðại vương, mỗi người đều có nỗi khổ và ước vọng riêng. Tìm cách thỏa mãn những ước vọng chánh đáng của họ là "Từ ", tìm cách làm vơi nỗi khổ của họ là "Bi ". Lòng ban vui, cứu khổ bình đẳng đối với tất cả mọi người. Chỉ cần gặp duyên thuận lợi là hành động. Ngài nên ban vui, cứu khổ tùy duyên chứ không nên tùy người.

- Thật là kỳ diệu! Thưa sa-môn Gotama. Giáo lý về Từ Bi của ngài vừa giảng nói thật là kỳ diệu và thâm sâu. Trẫm cần có thì giờ suy nghĩ để chiêm nghiệm và thấm nhuần hai chữ Từ Bi. Trẫm xin cám ơn và từ giã ngài. Hôm khác trẫm sẽ đến đây để học hỏi về giáo lý giác ngộ và giải thoát của ngài.

Chiều hôm ấy, hoàng hậu Mallika và công chúa Vajiri đột nhiên thấy vua trở nên rất ngọt ngào và thầm lặng. Hoàng hậu và công chúa biết đó là hiệu quả của cuộc gặp gỡ giữa vua và Phật.

 

Hạ thứ 4 có trên 150 thanh-niên xuất gia[6]

 

Cuộc viếng thăm của vua Pasenadi tại tinh xá Jetavana đã được nhiều người bàn tán và đã đem lại ảnh hưởng không nhỏ cho giáo đoàn khất sĩ tại thủ đô Sravasti. Một số các lãnh tụ giáo phái, lâu nay đã từng được vua kính nể và bảo trợ, bắt đầu có mặc cảm là bị bỏ rơi. Họ nhìn tinh xá Jetavana với con mắt không có thiện cảm.

Tuy nhiên giới trí thức và tuổi trẻ tìm đến tinh xá Jetavana càng lúc càng đông. Ngay trong mùa an cư thứ tư này có trên 150 thanh niên xin xuất gia và đã được thầy Sariputta cho làm lễ xuống tóc. Ðại chúng tu học rất tinh tấn trong ba tháng an cư này. Cứ bảy hôm một lần, tại  tu viện có tổ chức thuyết pháp. Thấy vua Pasenadi chuyên cần đến tinh xá cúng dường và nghe thuyết pháp, một số quan chức trong triều cũng bắt chước vua.

Mùa an cư được kết thúc bằng một lễ cúng dường lớn. Vua và triều thần đã nghe theo lời Phật tổ chức một pháp hội cúng dường thực phẩm, y bát và đồ dùng thường nhật cho giới xuất gia, chẩn tế cho những gia đình nghèo khổ. Sau khi lễ này hoàn mãn, vua Pasenadi và hoàng hậu Mallika đều xin quy y tam bảo, làm đệ tử tại gia của Phật.

 

Phật cho người gánh phân tên Sunita xuất gia[7] 

Sau mùa an cư, Phật và giáo đoàn chia nhau đi hành hóa tại các vùng lân cận thủ đô Sravasti. Một hôm, trong khi đi khất thực ở một xóm ven đô, cạnh bờ sông Aciravati, Phật gặp một người gánh phân tên Sunita. Thấy Phật và đoàn khất sĩ đang trang nghiêm, tề chỉnh đi tới, Sunita lúng túng. Anh ta biết mình đang ăn mặc dơ dáy, hôi hám, lại đang gánh hai thùng phân người. Anh ta vội vã lẫn tránh xuống bờ sông. Ðức Phật biết đây là người có nhiều căn lành nên ngài cũng đi xuống bờ sông để đón đường Sunita. Thấy thế, thầy Sariputta cũng rời hàng ngũ đi theo Phật. Thầy Meghiya, thị giả của Phật, cũng vội bước theo. Các vị khất sĩ khác thấy lạ cũng dừng chân, đứng im lặng trong hàng, đưa mắt quan sát.

Sunita luống cuống. Chàng đặt gánh phân xuống, dáo dác nhìn. Phía trên đường, các vị khất sĩ mặc áo cà-sa vàng rực đang đứng thành hàng dài. Phía bờ sông, ba vị sa-môn dung nhan tươi sáng đang tiến về phía chàng. Chẳng biết tránh đi đâu, Sunita liền lội xuống nước, định đi ra xa để tránh. Theo phong tục lúc bấy giờ, Sunita biết rằng người thuộc giai cấp hạ tiện như chàng không có quyền đến gần các tu sĩ và các quan chức. Nhưng khi chàng đi cách bờ được bốn năm thước, mực nước vừa tới đầu gối, thì đức Phật đã đến mé nước, đứng nhìn chàng như muốn hỏi điều gì. Sunita vội chấp tay xá Phật. Phật ôn tồn bảo:

- Anh lên đây cho tôi hỏi thăm chút việc.

- Kính lạy ngài, con không dám. Con là giới hạ tiện, con không dám đến gần ngài, con sợ làm ô uế ngài.

- Chúng tôi là người xuất gia tu hành. Chúng tôi chỉ sợ tham dục, sân hận và si mê làm ô uế tâm của chúng tôi thôi. Anh đừng ngại, hãy đến đây cho tôi hỏi thăm chút việc. Anh tên gì?

- Dạ, con tên Sunita. Xin ngài muốn hỏi việc gì cứ nói. Con không dám đến gần ngài.

- Này Sunita, hãy chăm chú nghe đây. Nước các sông Ganga, sông Yamuna, sông Aciravati, sông Mahi, sông Rohini, vân vân ... một khi đã chảy ra biển rồi thì đều trở thành nước biển, cùng một vị mặn như nhau. Cũng thế, bất cứ người thuộc giai cấp nào, dù sang hay hèn, một khi đã xuất gia tu học, quyết tâm xa lìa tham dục, sân hận, si mê, quyết thực hành một lối sống trong sạch, thanh cao, giác ngộ, thì cũng đều có giá trị ngang nhau. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Người nào quyết tâm tu tập đạo lý cao thượng đều có thể trở thành thánh nhân. Này Sunita, anh có muốn gia nhập giáo đoàn khất sĩ không?

- Kính bạch ngài, Sunita ấp úng, con không dám ... con không dám ... Dạ, nếu ngài cho phép thì ... thì con rất sung sướng. Dạ, con rất sung sướng nếu được ngài cho phép con gia nhập giáo đoàn khất sĩ. Con xin đem hết lòng thành kính làm theo những điều ngài chỉ dạy.

Nói xong, Sunita xá lia lịa. Ðức Phật bảo Sunita hãy tắm rửa sạch sẽ rồi lên bờ, ngài sẽ cho xuất gia. Rồi ngài dạy thầy thị giả Meghiya đến gặp thầy Ananda xin một áo cà-sa mang xuống bờ sông. Khi thầy thị giả mang áo cà-sa đến nơi thì Sunita cũng vừa tắm xong. Ðức Phật làm lễ xuất gia cho Sunita ngay tại bờ sông, rồi giao cho đại đức Sariputta đưa vị khất sĩ mới về tinh xá Jetavana, trong khi Phật và giáo đoàn tiếp tục đi khất thực.

Tất cả những gì xảy ra bên bờ sông hôm ấy đã được dân chúng địa phương chứng kiến. Tin Phật thâu nhận Sunita vào giáo đoàn khất sĩ bắt đầu được loan truyền trong thủ đô, gây xúc động mạnh. Các nhân sĩ và giáo sĩ đều tỏ ý không tán thành việc làm táo bạo đó. Các vị đại đức lớn Sariputta, Moggallana, Mahakassapa, Anuruddha báo cáo với Phật về những dư luận không tốt để xin có biện pháp đối phó. Phật dạy:

- Như Lai đã từng nói với các thầy "Nếu các thầy tinh tấn tu tập theo giáo pháp của Như Lai thì chắc chắn các thầy cũng sẽ thành tựu đạo quả như Như Lai vậy." Các thầy nghĩ sao? Nếu Sunita tinh tấn tu tập theo giáo pháp của Như Lai thì Sunita có thể thành tựu đạo quả chăng?

- Bạch Thế Tôn, nếu Sunita tinh tấn tu tập theo giáo pháp của Như Lai thì chắc chắn sớm muộn gì cũng sẽ thành đạo quả.

- Ðúng vậy. Này các thầy, việc quan trọng là cứu giúp một chúng sanh thoát khỏi cảnh khổ triền miên trong sanh tử luân hồi. Các thầy hãy cố gắng chỉ dẫn cho Sunita tinh tấn tu tập đúng theo Chánh pháp. Một khi Sunita đã thu hoạch được kết quả tốt thì tự nhiên dư luận kia sẽ ngừng bặt. Lại nữa, này các thầy, Như Lai đã từng khuyên các thầy nên thực hành tâm bình đẳng trong lúc đi khất thực, thì việc thu nhận tu sĩ mới vào giáo đoàn cũng phải được thực hiện với tâm bình đẳng. Lại nữa, này các thầy, việc thu nhận Sunita vào giáo đoàn còn là một tiếng chuông cảnh tỉnh các giới thượng lưu về bất công xã hội gây ra do tâm cố chấp phân biệt giai cấp hiện nay. Nếu chúng ta không làm thì còn ai có thể làm. Các thầy cứ nhẫn nhục và tinh tiến thì mọi việc sẽ ổn thỏa.

Các vị đại đệ tử Phật đều hoan hỷ phụng hành.

 

Vua Pasenadi và tỳ-kheo Sunita[8] 

Chừng một tháng sau, tin đồn về người gánh phân tên Sunita được Phật thu nhận vào giáo đoàn, đến tai vua Pasenadi. Một số các vị lãnh đạo các giáo phái tại thủ đô đã đến xin yết kiến vua để phản đối việc này, vì trái với phong tục cổ truyền xưa nay trong xứ. Hơn nữa, theo thông lệ tôn kính các tu sĩ, thì vua Pasenadi sẽ phải đối xử như thế nào cho hợp lẽ khi đứng trước tỳ-kheo Sunita? Nhà vua cũng cảm thấy hoang mang không ít.

Một hôm vua bảo xa giá đưa ngài tới tinh xá Jetavana. Xe ngừng trước cổng, vua một mình đi bộ vào. Vua Pasenadi đã quen đường lối trong tinh xá nên ngài cứ đi thẳng tới am của Phật, không cần hỏi thăm. Thỉnh thoảng gặp vài vị tỳ kheo đi tới, vua đều đứng lại chấp tay xá chào. Các vị khất sĩ cũng đứng lại chấp tay đáp lễ. Vua nhận thấy vị nào cũng có dáng điệu trầm lặng, thong dong, nhàn nhã, đáng tôn kính. Nửa đường vào tịnh thất của Phật, vua gặp một vị khất sĩ đang ngồi thuyết pháp dưới một gốc cây, xung quanh có vài vị khất sĩ trẻ và độ mười người cư sĩ áo trắng đang ngồi chăm chỉ lắng nghe. Vị khất sĩ đang ngồi thuyết pháp, tuổi chưa tới bốn mươi nhưng phong thái trang nghiêm, sáng rỡ. Vua đứng ngắm nhìn cảnh tượng đẹp đẽ này, lắng nghe trong giây lát, rồi lại tiếp tục đi về phía am Phật.

Ðến trước am, vua đã thấy Phật đứng sẵn trước cửa tự bao giờ. Sau khi chào hỏi, vua mở lời:

- Thưa Thế Tôn, vị khất sĩ đang thuyết pháp dưới cội cây đàng kia là ai mà có phong thái trang nghiêm đáng kính như vậy?

- Thưa Ðại vương, đó là tỳ kheo Sunita. Thầy mới xuất gia cách nay trên một tháng nhưng thầy tu học rất tinh tấn. Thầy rất chất phát, thành thật, lại thông minh và có chí lớn. Với đà này thì chỉ cần vài năm nữa thầy có thể đi hoằng hóa bất cứ nơi nào.

- Thưa Thế Tôn, người ấy có phải là ... có phải là tên Sunita gánh phân mướn?

- Thưa Ðại vương, đúng vậy. Vì nghiệp ác đời trước nên Sunita phải sanh vào dòng hạ tiện, làm nghề gánh phân. Nhưng Sunita cũng đã trồng nhiều căn lành nên kiếp này học đạo lý rất nhanh. Thưa Ðại vương, chúng sanh nào cũng có Phật tánh, có khả năng giác ngộ thành Phật. Người mê lầm chỉ thấy đời hiện tại, sanh tâm phân biệt, khen chê, kỳ thị, làm cho tâm mê lầm càng thêm dầy đặc. Người giác ngộ biết tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, chỉ do nghiệp thiện ác mà tạm thời có sai biệt, nên phát tâm bình đẳng và đại bi, tạo nhân duyên thuận lợi cho chúng sanh sớm được thức tỉnh, thoát khỏi cảnh đau khổ luân hồi.

- Thật là tuyệt diệu, thưa Thế Tôn. Với tâm bình đẳng, đại bi, với giáo lý cao thượng, ngài đã độ cho Sunita thoát khỏi dòng hạ tiện, không còn bị khinh khi, kỳ thị. Hôm nay ngài lại độ trẫm thoát khỏi tri kiến mê lầm của người thế tục, phát tâm bình đẳng, đại bi để theo giáo lý cao thượng. Trẫm như người ngủ mê vừa mới tỉnh, như người đi lạc trong rừng vừa tìm được lối ra. Trẫm nguyện từ nay cho đến trọn đời sẽ hết lòng yểm trợ Chánh Pháp.

Kể từ hôm đó tin đồn về người gánh phân tên Sunita xuất gia được kèm theo tin vua Pasenadi trở thành đệ tử trung kiên của Phật. Các cuộc bàn tán phản đối dịu dần khi mọi người nhận thấy hạnh nhẫn nhục và tinh tấn của vị tỳ kheo mới.

 

Phật đưa tỳ-kheo Nanda lên cung trời Ðao-Lợi[9] 

Một hôm, Phật được thầy thị giả Meghiya cho biết là đại đức Nanda, em cùng cha khác mẹ với Phật, không được thoải mái trong đời sống xuất gia. Thầy Nanda cảm thấy ân hận đã rời xa người vợ mỹ miều mới cưới là công nương Janapada Kalyani, thầy tâm sự:

- Sư huynh biết không, tôi còn nhớ hôm tôi cầm bình bát theo Phật từ đền vua về tinh xá Nigrodha, công nương Janapada Kalyani đã bước đến nói thật nhỏ nhẹ vào tai tôi "Ðiện hạ đi mau về nhé, em chờ điện hạ. Ðừng đi lâu, em buồn, em nhớ!" Thế mà bây giờ đã hơn một năm tôi xa nàng. Tôi cảm thấy ân hận đã bỏ lại người vợ mới cưới trẻ đẹp, dịu hiền, để nàng phải sầu muộn trông chờ, tuyệt vọng. Tôi nay tuy đã thọ lễ xuất gia để sống đời đạo hạnh cao thượng, nhưng mỗi khi nghĩ đến nàng thì tôi cảm thấy rất ân hận, không còn chịu nỗi nữa. Tôi có ý định từ bỏ những giới luật thanh cao này, xin Thế Tôn cho tôi trở về đời sống của người cư sĩ tại gia để được gần nàng.

Chiều hôm sau, Phật gọi Nanda cùng đi thiền hành. Ngài hỏi đại đức Nanda có quả thật đã nói như thế không. Ðại đức Nanda nhìn nhận tinh thần của mình suy nhược vì lo ngại cho vị tân nương đang đau khổ mong chờ mình. Phật bảo:

- Này Nanda, cuộc đời là đau khổ, nào ai tránh khỏi. Nếu có em ở bên cạnh thì Kalyani cũng lại đau khổ vì nguyên nhân khác thôi, như ghen tương, lo lắng, bệnh hoạn, già yếu, vân vân ... Chỉ có người giác ngộ, biết sống đời tỉnh thức trong thiền định và thanh tịnh mới có được sự an lạc nội tâm, không tùy thuộc ngoại cảnh. Sau khi trút bỏ thân này, ít ra cũng được sanh về cõi trời Ðao-Lợi (Tavatimsa) để hưởng đầy đủ lạc thú. Em có muốn đi xem cảnh trời Ðao-Lợi để thấy chúng sanh nơi đó sinh sống như thế nào không?

- Thưa Thế Tôn, em muốn lắm. Nhưng đi bằng cách nào?

- Em cứ ngồi thiền định bên cạnh ta, ta sẽ đưa em đi.

Ðức Phật tìm nơi thanh vắng, hai người cùng ngồi thiền định dưới một cội cây cổ thụ. Ðức Phật dùng thần lực đưa Nanda vào cung trời Tavatimsa. Trên đường đi, ngang qua một khu rừng vừa bị hỏa hoạn, Nanda thấy một con khỉ cái, bị cháy tai, cháy mũi, cháy đuôi, đang cố bám lấy thân cây trụi lá. Khi đến cảnh trời, Nanda bỗng cảm thấy hân hoan sung sướng lạ lùng. Mọi vật nơi đây đều tươi đẹp, sáng rỡ: các tiên nữ xinh đẹp đang múa hát trong những cung điện nguy nga tráng lệ, cảnh vật đều mang sắc thái an lạc, thanh tịnh, gợi trong tâm Nanda một niềm vui khó tả. Nanda quên mất cảnh hạ giới, quên luôn người vợ mới cưới, chàng như bị thôi miên trước khung cảnh lộng lẫy trang nghiêm cõi trời. Ðức Phật lên tiếng:

- Này Nanda, em thấy các tiên nữ nơi đây và công nương Janapada Kalyani ai đẹp hơn?

- Bạch Thế Tôn, nếu so với các tiên nữ nơi đây thì Kalyani chẳng khác nào con khỉ cái bị cháy đang cố bám lấy thân cây khi nãy.

- Này Nanda, vậy em hãy hăng hái, cố gắng lên. Như Lai bảo đảm rằng nếu em tinh tấn thực hành giáo pháp của Như Lai thì sau khi mạng chung, em sẽ được tái sanh đến đây sống chung với các tiên nữ này.

Như một đứa trẻ được khuyến khích, đại đức Nanda bạch:

- Thưa Thế Tôn, đệ tử nguyện sẽ cố gắng tu tập giáo lý cao thượng để được sanh về cõi trời Tavatimsa này.

Khi các vị tỳ kheo biết đại đức Nanda cố gắng sống đời đạo hạnh thanh cao, và siêng năng tu tập thiền định chỉ vì mong được sanh về cõi trời Tavatimsa để sống chung với các tiên nữ thì chế nhạo đại đức là người "làm thuê" để mong được Phật thưởng công theo lời cam kết. Ðại đức Nanda tỉnh ngộ mục tiêu thấp hèn của mình, lấy làm hổ thẹn, gạt bỏ tư tưởng xấu, tận lực cố gắng tu tập, chẳng bao lâu đắc quả A-la-hán. Ðại đức đến bạch với Phật:

- Bạch đức Thế Tôn, xin đức Thế Tôn hãy hủy bỏ lời hứa là nếu đệ tử cố gắng tu tập sẽ được sanh về cõi trời Tavatimsa sống chung với các tiên nữ.

- Này Nanda, chừng nào tâm thầy được hoàn toàn thanh tịnh, không còn vướng chút bợn nhơ nào nơi trần thế, lúc ấy Như Lai sẽ hủy bỏ lời hứa.

Khi có vài vị tỳ kheo tỏ vẻ hoài nghi về thành quả tu tập của đại đức Nanda, đức Phật nói:

- Trước kia Nanda như một mái nhà dột nát, nhưng ngày nay thầy ấy như một mái tranh dày. Nước mưa không thể lọt qua được lớp tranh dày của một mái nhà lợp kín. Cũng thế, dục vọng không thể thấm vào tâm thuần thục đã được phát triển đầy đủ.[10]

Trong hàng đệ tử của Phật, đại đức Nanda nổi tiếng là người tự kiểm soát chặt chẽ nhất.

Theo kinh Theragatha, chính đại đức Nanda đã thốt ra những lời sau đây:

- Có một thuở, tôi vừa nhẹ dạ vừa nông cạn. Tâm trí tôi chỉ chăm chú vào lòng can đảm bộc lộ ra ngoài. Quả tôi thật nhẹ dạ và nông nổi. Tất cả ngày tháng của tôi bị phung phí tiêu hao trong nhục dục, phóng đãng, si tình.

Nhưng nhờ sự khéo léo và lòng từ bi quảng đại của đức Thế Tôn, nguyên là dòng dõi hoàng tộc, tôi có diễm phúc được đưa vào đời sống thanh cao với những tư tưởng sâu xa thâm diệu. Và từ ao tù vô tận của đời sống, tâm tôi được vớt lên và cứu thoát.[11]

 

8- Hạ thứ 5 tại Mahavana, thuộc Vesali (năm -585)

 

Tinh xá Jetavana đã tạo được nề nếp tu học vững chãi với trên 500 vị khất sĩ. Thể theo lời hứa với các vị vương tử Licchavi, đức Phật rời Sravasti trở về Vesali để chuẩn bị mùa an cư thứ năm tại Mahavana (Ðại Lâm). Nơi đây đã được các vương tử Licchavi chỉnh trang thành tinh xá gồm có một tòa giảng đường rộng lớn hai tầng, nóc nhọn, gọi là giảng đường Kutagara (Trùng Các), và một số các tăng đường rải rác trong rừng. Hầu hết cây trong rừng này đều thuộc loại cây sala (Shorea robusta).

Phật về đến Vesali không bao lâu thì nghe xảy ra cuộc tranh chấp giữa hai xứ Sakya và Koliya về nước sông Rohini ở ranh giới hai xứ.

 

Tranh chấp giữa hai nước Sakya và Koliya[12] 

Trước mùa an cư bốn tháng, tức vào tháng Jetthamula, bỗng xảy ra sự xích mích giữa hai xứ Sakya và Koliya về dòng sông Rohini, ranh giới giữa hai xứ. Sakya là quê nội của Phật. Koliya là quê ngoại của Phật và cũng là quê hương của công chúa Yasodhara.

Số là năm ấy trời hạn hán, không có mưa, nên mực nước sông Rohini rất thấp, không đủ cho nông dân hai bên bờ sông dùng. Ðại diện nông dân bên xứ Koliya bảo:

- Nước sông Rohini năm nay ít quá, không đủ cho cả hai bên dùng. Nhưng lúa phía chúng tôi sắp chín rồi. Vậy quý vị hãy để cho chúng tôi dùng nước trước, đến khi lúa chín rồi sẽ tới phiên quý vị.

- Lúa bên phía chúng tôi cũng đang lúc cần nước. Ðợi đến khi lúa bên phía quý vị chín rồi thì lúa phía chúng tôi đã quá mất sức, lúc ấy nước sông cũng đã cạn. Chúng tôi sẽ phải đi qua đó xin ăn thôi. Hãy để chúng tôi dùng nước trước rồi quý vị hãy dùng sau.

Lời qua tiếng lại một hồi đi đến chỗ nặng lời:

- Chúng bây có đói thì kéo nhau về Kapilavastu mà xin ăn. Ðồ quân gì mà anh chị em lấy nhau như chó[13].

- Chúng bây nói ai là chó? Chúng bây là quân cùi hủi sống trong rừng như thú vật[14].

Từ thương thuyết đến tranh cãi nặng lời, rồi đến đắm đá. Cuối cùng binh đội hai nước dàn trận hai bên bờ sông. Tình thế trở nên gay cấn, sắp xảy ra chiến tranh.

Ðức Phật đang ngụ tại giảng đường Trùng-Các (Kutagara) ờ Ðại Lâm (Mahavana), hay tin, vội tức tốc đến nơi để dàn xếp cuộc tranh chấp. Hỏi các vị tướng chỉ huy quân đội hai bên thì họ nói rằng phía bên kia khinh người, xâm phạm ranh giới và tài sản bên này. Không ai nói đến lý do thật sự của cuộc tranh chấp. Mãi đến khi Phật nói chuyện với các nông dân chất phác mới biết nguyên nhân chính là do thiếu nước tưới vào ruộng rẫy hai bên bờ sông.

Nhờ có thân tình với cả hai bên, đức Phật sắp xếp cuộc gặp gỡ giữa các vương tử đại diện cho hai xứ Sakya và Koliya để thảo luận và tìm biện pháp hòa giải. Phật nói:

- Này quý vị vương tử, sở dĩ nước sông Rohini năm nay yếu kém là vì trời ít mưa. Vài tháng nữa, đến mùa mưa, mực nước sông sẽ trở lại như cũ thì cả dân chúng hai bên bờ sông đều có đủ nước dùng. Nếu để xảy ra chiến tranh thì chẳng những binh lính hai bên phải chết hoặc bị tàn phế thảm thương mà dân chúng và ruộng vườn của cả hai bên cũng sẽ bị thiệt hại không thể lường trước được. Này quý vị, quý vị thử nghĩ xem mạng sống của quý vị, của binh lính, của dân chúng là quan trọng hay nước sông Rohini và ruộng vườn là quan trọng?

- Bạch Thế Tôn, mạng sống của con người tất nhiên đáng quý trọng hơn.

- Ðúng thế! Vậy Như Lai khuyên quý vị nên tìm biện pháp hòa giải để tạm thời chia nước sông Rohini ra đồng đều cho dân chúng hai bên bờ sông đều có nước dùng tạm. Chiến tranh thường chỉ gây chết chóc, hận thù, chứ không bao giờ mang đến một giải pháp tốt đẹp, kể cả đối với người thắng trận.

Này quý vị, chúng ta sẽ được hạnh phúc bằng cách gạt bỏ hận thù khi sống giữa đám người thù hận (Pháp Cú, bài 197); chúng ta sẽ được hạnh phúc nếu biết sống lành mạnh giữa đám người bệnh tật (Pháp Cú, bài 198); chúng ta sẽ được hạnh phúc nếu biết sống thanh tịnh giữa đám người đầy tham vọng (Pháp Cú, bài 199). Thắng lợi sinh thù oán, thất bại chịu khổ đau, người không tranh thắng bại, sống an lành hạnh phúc (Pháp Cú, bài 201).

Nghe xong, 250 vương tử xứ Sakya và 250 vương tử xứ Koliya xin xuất gia theo Phật. Do sự can thiệp của Phật mà hai bên đã đi tới một sự thỏa thuận về vấn đề phân chia nước tưới cho dân chúng hai bên bờ sông Rohini trong khi chờ đợi mùa mưa tới. Các vị vương tử rút binh về triều, thuật lại lời Phật giảng hòa cho vua Suddhodana, vua Suppabuddha, triều thần và vợ con của họ nghe. Hai xứ Sakya và Koliya tái lập bang giao thân tình như cũ.

 

Vua Suddhodana băng-hà[15] (năm -585) 

Năm nay Phật được 39 tuổi. Khi mùa an cư thứ năm tại Vesali vừa chấm dứt thì có tin từ Kapilavastu báo quốc vương Suddhodana bệnh nặng. Năm nay nhà vua được 81 tuổi. Chính vua đã sai đại thần Mahanama, con hoàng thân Sukkodana (Bạch Phạn vương) đi thỉnh Phật về cung để vua được thấy mặt lần cuối cùng.

Thành Kapilavastu cách thành Vesali độ 220 km về phía tây bắc. Mahanama yêu cầu Phật dùng xe ngựa đi cho nhanh hầu về kịp trước giờ vua băng hà. Phật nhận lời và bảo Anuruddha, Nanda, Ananda và Rahula cùng đi. Mọi người lên xe đi ngay trưa hôm ấy. Các vương tử Licchavi và bà Ambapali cũng không hay kịp để tiễn đưa. Chỉ có các vị khất sĩ tiễn Phật ra cổng tinh xá Kutagara (Trùng Các). Sau khi Phật đi rồi, trên hai trăm vị khất sĩ, phần lớn thuộc dòng Sakya, cũng lên đường đi Kapilavastu, hướng tây bắc. Họ muốn có mặt bên cạnh Phật trong lễ trà tỳ của vua Suddhodana.

Về đến Kapilavastu, Phật đi ngay vào hoàng cung. Hoàng hậu Maha-Pajapati đưa ngài đến ngay bên giường bệnh. Vua Suddhodana nhìn thấy Phật thì xúc động mạnh, miệng mỉm cười thỏa mãn, hai giọt nước mắt từ từ lăn trên đôi má nhăn nheo. Ðức Phật lấy khăn lau nước mắt cho vua, rồi cầm lấy tay vua cha thông thả nói:

- Thưa phụ vương con đã về đây. Xin phụ vương hãy an lòng. Suốt đời phụ vương đã lo lắng cho hoàng tộc, cho thần dân xứ Sakya được ấm no hạnh phúc. Giờ đây phụ vương không còn gì phải lo lắng nữa. Phụ vương nên mỉm cười vì đã làm tròn trách nhiệm của một quốc vương theo khả năng mình. Bây giờ điều quan trọng là phụ vương nên giữ thân tâm an tịnh bằng cách quán niệm hơi thở. Phụ vương thở đi. Hít hơi vào thật nhẹ và dài, thở hơi ra thật nhẹ và dài cho đến khi tâm phụ vương được nhẹ nhàng thanh thoát, không còn lo nghĩ đến việc gì khác ngoài hơi thở.

Nhà vua thực hành trong giây lát, vẻ mặt ngài trở nên bình thản, vua nói:

- Bây giờ ta đã thấy được cuộc đời là vô thường. Tám mươi năm qua mau như giấc mộng. Càng nhiều danh vọng càng khổ tâm nhọc trí. Hạnh phúc có lẽ chỉ đến trong một cuộc sống thanh nhàn, bình dị và tự do.

- Thưa phụ vương, đúng vậy, Phật nói. Nhưng bây giờ cũng chưa phải là trễ. Phụ vương có thể bắt đầu cuộc sống thanh nhàn, bình dị và tự do ngay từ bây giờ. Thưa phụ vương, thân người tuy có trẻ có già, vọng tâm con người tuy từng giây phút biến đổi, sanh diệt không ngừng, nhưng chơn tâm của phụ vương vẫn luôn luôn thường trụ, bất biến, là nguồn an lạc vô tận. Một khi phụ vương đã nhận thức rõ thân thể và tâm thức đều vô thường, đều là nguồn gốc của đau khổ, đáng được xả bỏ không có gì luyến tiếc; lúc bấy giờ trí huệ bát-nhã sẽ bừng sáng đưa phụ vương trở về bản tâm chân thật, thanh tịnh, nhiệm mầu, thánh thiện của phụ vương ....

Ðức Phật tiếp tục giảng về vạn vật vô thường và về các đức tính thường, lạc, ngã, tịnh của chơn tâm mà mọi người đều có, rồi khuyên vua nên an trụ tâm vào đó. Vua Suddhodana lắng nghe, tâm thức cởi mở. Nghe xong, vua được thân tâm an lạc, đắc quả A-la-hán. Vua nói:

- Trẫm biết sanh, già, bệnh, chết là lẽ thường. Trẫm không còn luyến tiếc gì ở thế gian này nữa. Hôm nay, nhân có đủ mặt mọi người ở đây, xin Thế Tôn và các quan đại thần sắp xếp việc cử người thay thế trẫm để trị nước. Nếu trước đây trẫm có làm điều gì lầm lỗi khiến các khanh phiền lòng, trước khi nhắm mắt, trẫm muốn các khanh hãy tha thứ cho trẫm.

Ðức Phật xin phép vua được qua phòng bên với các vương tử để nghị sự. Trong phòng chỉ còn lại hoàng hậu Pajapati ngồi lại bên cạnh giường để chăm sóc cho vua. Nét mặt vua rất bình thản. Sau khi thương nghị, mọi người đều chấp thuận đề nghị của Phật để cho Mahanama, con trưởng nam của hoàng thân Sukkodana (Bạch Phạn vương) lên ngôi kế vị vua Suddhodana.

Khi mọi người trở vào phòng trình quyết nghị này, vua Suddhodana hoan hỷ mỉm cười khuyên mọi người nên giúp đỡ Mahanama hoàn thành sứ mệnh, nhất là trong giai đoạn đầu. Nói xong, vua bình thản nhắm mắt trong sự an lạc. Ðức Phật khuyên mọi người nên ra ngoài để vua được an nghỉ. Vua Suddhodana nằm yên, an hưởng hạnh phúc giải thoát trong bảy ngày rồi băng hà.

 

Hoàng-hậu Pajapati Gotami xin xuất gia[16] 

Sau lễ trà tỳ vua Suddhodana là lễ đăng quang của Mahanama. Phật và giáo đoàn ở lại Kapilavastu ba tháng tại tinh xá Nigrodha (Ni-câu-đà) để hoằng hóa. Một hôm bà Maha-Pajapati Gotami đến tinh xá cúng dường một số áo cà-sa cho Phật và các đại đệ tử, rồi bà xin được xuất gia làm một nữ khất sĩ. Bà nói:

- Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn chấp thuận cho nữ giới được xuất gia, từ bỏ nếp sống gia đình để khép mình vào đời sống không nhà cửa, trong khuôn khổ của giáo pháp và giới luật mà đức Thế Tôn đã công bố, thì trong thiên hạ sẽ có thêm rất nhiều người được thừa hưởng ân huệ của đức Thế Tôn. Như hiện nay, phu nhân của các vương tử đã qua đời hoặc đã xuất gia, và tôi đang sống cuộc đời buồn thảm trong nội cung, rất mong muốn được sống cuộc đời cao thượng của kẻ xuất gia. Kính xin Thế Tôn hoan hỷ chấp thuận.

Ðức Phật lặng thinh. Một lát sau người nói:

- Không được đâu, lệnh bà Gotami.

Lần thứ nhì và lần thứ ba, bà Maha-Pajapati Gotami lập lại lời thỉnh cầu, nhưng đức Phật vẫn không chấp thuận. Bà trở về cung than thở với lệnh bà Yasodhara. Mấy hôm sau Phật lên đường trở về Vesali. Tới Vesali, Phật cư trú tại tinh xá Mahavana (Ðại Lâm).

Ở lại Kapilavastu, bà Pajapati Gotami không nản chí trước lời từ chối của đức Phật. Ðược biết 250 phu nhân xứ Sakya và 250 phu nhân xứ Koliya có chồng đi xuất gia sau khi nghe Phật thuyết pháp tại bờ sông Rohini cũng đồng ý nguyện như bà, bà triệu tập tất cả 500 vị ấy lại và nói:

- Chính đức Thế Tôn đã nói, theo tinh thần đạo lý tỉnh thức, mọi người đều bình đẳng, vì ai cũng có khả năng giác ngộ và giải thoát. Thế Tôn đã nhận vào giáo đoàn cao quý những người thuộc giai cấp hạ tịện thì không lý nào người lại không cho nữ giới xuất gia. Nếu chúng ta chứng tỏ quyết tâm của chúng ta bằng cách tự ý xuống tóc, cởi bỏ tất cả đồ trang sức, khoác y vàng lên người, sống đời khất sĩ không nhà cửa, đi bộ đến Vesali để xin xuất gia, thì tôi tin rằng Thế Tôn sẽ chấp thuận.

Mọi người trong phiên họp đều phấn khởi khi nghe bà Gotami nói. Họ tôn bà làm vị lãnh đạo để thực hiện ý nguyện xuất gia, vì ai cũng biết bà là người không thối tâm bất cứ trước một trở lực nào. Bà quay sang khuyên Yasodhara:

- Này Gopa, con hãy thông thả chờ, đừng đi theo ta trong chuyến này. Không có con, mọi việc sẽ có thể dễ dàng hơn. Chừng nào ta thành công, con sẽ xuất gia sau.

 

Hoàng-hậu Pajapati cùng 500 nương-tử xuất gia tại Vesali[17] 

Ðộ một tháng sau, vào đầu năm 584 trước tây lịch, tại tinh xá Mahavana ở Vesali, vào sáng sớm, trong lúc đi ra hồ lấy nước, đại đức Ananda trông thấy lệnh bà Gotami và một số đông phụ nữ mặc áo vàng, xuống tóc, đi chân không, đang xúm xít đứng trước giảng đường Kutagara. Vô cùng ngạc nhiên, đại đức đến trước lệnh bà Gotami hỏi:

- Thưa lệnh bà, sao lệnh bà lại đứng đây vào sáng tinh sương như thế này? Sao chân lệnh bà sưng trầy và chảy máu như vậy? Và các công nương này cũng thế nữa...

- Ðại đức Ananda, tôi và 500 công nương này muốn từ bỏ đời sống cô đơn buồn chán ở nội cung nên đã tự xuống tóc, bỏ hết đồ trang sức, từ bỏ hết mọi tiện nghi vật chất, chỉ mong được sống đời thanh nhàn cao thượng của kẻ xuất gia. Chúng tôi đã tập sống đời khất sĩ, xin ăn, ngủ dưới gốc cây, trong khi đi chân không từ Kapilavastu đến đây. Chúng tôi muốn chứng tỏ rằng chúng tôi cũng có thể sống cuộc đời không nhà cửa của người khất sĩ. Xin đại đức hoan hỷ bạch Phật cho phép chúng tôi được xuất gia.

- Lệnh bà và các công nương hãy đứng chờ đây. Tôi sẽ vào bạch đức Thế Tôn. Tôi hứa sẽ làm hết sức tôi.

Ðại đức Ananda vào đến am Phật gặp lúc Phật vừa xả thiền đứng dậy, đang mặc áo, sắp đi thiền hành với thầy thị giả Nagita. Ananda bạch Phật:

- Bạch đức Thế Tôn, xin ngài hãy nhìn kia, lệnh bà Pajapati Gotami và 500 công nương đang đứng trước giảng đường, chân sưng vù vì đi chân không từ Kapilavastu đến đây, mình mẩy lấm lem đầy cát bụi và trông có vẻ âu sầu phiền muộn. Xin đức Thế Tôn hoan hỷ chấp thuận cho hàng phụ nữ được từ bỏ đời sống gia đình, khép mình vào nếp sống không nhà cửa, trong khuôn khổ của Giáo pháp và Giới luật mà Thế Tôn đã công bố. Bạch đức Thế Tôn, sẽ là một đại hạnh cho nữ giới nếu hàng phụ nữ được phép từ bỏ nếp sống gia đình để thực hành đời sống cao thượng của hàng khất sĩ không nhà cửa.

- Ðủ rồi, Ananda, Như Lai không thể chấp thuận cho hàng phụ nữ xuất gia.

Lần thứ nhì và lần thứ ba đại đức Ananda cố xin, nhưng đức Phật một mực chối từ. Sau một lúc trầm ngâm suy nghĩ, đại đức Ananda lại kính cẩn bạch:

- Bạch đức Thế Tôn, người phụ nữ có khả năng thành tựu đạo quả Tu-đà-hoàn (Sotapanna), Tư-đà-hàm (Sakadagami), A-na-hàm (Anagami) và A-la-hán (Arahat) không, nếu họ tu tập đúng theo Giáo pháp và Giới luật mà đức Thế Tôn đã công bố?

- Này Ananda, Phật đáp, bất cứ ai tu tập đúng theo Giáo pháp và Giới luật của giáo đoàn khất sĩ đều có thể thành tựu các thánh quả như sau:

Quả vị thứ nhất là Tu-đà-hoàn (Sotapanna): Nhờ quán Tứ đế nên kiến đạo , nhờ kiến đạo nên biết cách đoạn trừ phiền não, tâm lần hồi được thanh tịnh và bắt đầu nhập vào dòng thánh, xả bỏ ân ái, chẳng bận trần duyên, kiên trì trai giới, giữ thân miệng ý thanh tịnh, chứng quả Dự-lưu. Người chứng quả này đã thành tựu hai khâu đầu của Bát Chánh Ðạo là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy.

Quả vị thứ nhì là Tư-đà-hàm (Sakadagami): Ðã đoạn trừ gần hết 3 kiết sử là dâm, nộ, si, chỉ còn mỏng nhẹ, thân được oai nghi, động ít tĩnh nhiều, tâm được nhẹ nhàng thanh tịnh, chẳng vướng sáu trần, chứng quả Nhất-lai, chỉ còn tái sanh một lần nữa ở cõi người, sau đó sẽ sanh lên các cõi trời. Người chứng quả này đã thành tựu bốn khâu đầu của Bát Chánh Ðạo là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp.

Quả vị thứ ba là A-na-hàm (Anagami): Ðã đoạn trừ hết tận gốc rễ các phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, tà kiến, biên kiến, đoạn kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, ba nghiệp (thân, khẩu, ý) và sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đều thanh tịnh, chứng quả Bất-hoàn, không còn tái sanh vào các cõi Dục nữa mà sẽ sanh về các cõi Sắc và Vô-sắc. Người chứng quả này đã thành tựu sáu khâu đầu của Bát Chánh Ðạo là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Ngiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn.

Quả vị thứ tư là A-la-hán (Arahat): Ðã đoạn trừ hết tất cả phiền não, được lậu-tận-trí (trí bát-nhã), thành bậc vô-học[18], chứng quả Vô-sanh[19], tâm luôn luôn an lạc thanh tịnh, có đầy đủ thiện phương tiện để chỉ dạy chúng sanh, xứng đáng nhận lãnh mọi sự cúng dường của các cõi trời và người. Người chứng quả này đã đi hết con đường Bát Chánh, từ Chánh Kiến đến Chánh niệm và Chánh Ðịnh.

Ðược khích lệ bằng câu trả lời thuận lợi ấy, đại đức Ananda tha thiết thỉnh cầu đức Phật một lần nữa:

- Bạch đức Thế Tôn, như vậy là hàng phụ nữ nếu được phép xuất gia tu hành cũng có thể chứng quả thánh!? Bạch đức Thế Tôn, lệnh bà Maha Pajapati Gotami năm nay đã 81 tuổi, bà đã có rất nhiều công nuôi dưỡng đức Thế Tôn. Bà đã trông nom, chăm sóc, bồng bế ngài trong lòng thay lệnh bà Maha Maya. Ðể chứng tỏ phái nữ cũng có thể sống đời khất sĩ không nhà cửa, bà và 500 công nương dòng Sakya và Koliya đã tự xuống tóc, vất bỏ tất cả đồ trang sức, đi chân không, ngủ dưới gốc cây, khất thực để ăn, từ Kapilavastu đến đây. Xin đức Thế Tôn từ bi chấp thuận cho lệnh bà và các công nương được xuất gia trong giáo pháp của Thế Tôn. Nữ giới từ nay cũng sẽ có nơi nương tựa, tu tập theo Chánh pháp để được giải thoát khỏi cảnh đau khổ luân hồi. Bạch đức Thế Tôn, xin ngài rộng mở cánh cửa từ bi cho lệnh bà và các công nương.

Ðức Phật lặng thinh. Một lát sau, ngài bảo thầy thị giả Nagita đi mời các đại đức Sariputta, Moggallana, Anuruddha, Bhaddiya, Kimbila và Maha Kassapa đến thảo luận. Sau khi hội ý với các đại đệ tử, đức Phật bảo:

- Này Ananda, thầy hãy đến báo cho lệnh bà Maha Pajapati biết là nếu lệnh bà và các công nương chấp thuận triệt để tuân theo " Tám điều cung kính " sau đây thì Như Lai sẽ đồng ý cho thành lập Giáo-hội Tỳ-kheo-ni. Tám điều cung kính (Bát Kính Pháp, Garudhamma) của Giáo-hội Tỳ-kheo-ni là:

1-     Tỳ-kheo-ni, dù tuổi đời lớn, tuổi hạ cao, cũng phải luôn luôn cung kính chào hỏi một tỳ-kheo.

2-     Tỳ-kheo-ni không thể nhập hạ (Vassa) nơi nào không có tỳ-kheo.

3-     Cứ mỗi tháng hai kỳ, chúng tỳ-kheo-ni phải cử người đi thỉnh tỳ-kheo chỉ định ngày bố-tát[20] (Uposatha) và giờ thăm viếng, giáo huấn và khích lệ việc tu học của ni chúng.

4-     Lúc mãn hạ, tỳ-kheo-ni phải thọ lễ tự-tứ (pavarana) chánh thức ra hạ trước mặt những vị tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni khác (để kiểm thảo xem trong ba điều thấy, nghe và hoài nghi, mình có lầm lỗi điểm nào không).

5-     Tỳ-kheo-ni đã phạm trọng giới phải chịu phạt Manatta[21] trước chư tăng và chư ni.

6-     Thức-xoa-ma-na (sikkhamana[22]) đã thọ trì 8 giới trong thời gian hai năm, có thể thọ cụ-túc giới tỳ-kheo-ni trước chư tăng và chư ni.

7-     Bất luận trong trường hợp nào, tỳ-kheo-ni không có quyền khiển trách hay nặng lời với tỳ-kheo (bhikkhu, bhiksu).

8-     Tỳ-kheo không được sám hối với tỳ-kheo-ni (bhikkhuni, bhiksuni), nhưng tỳ-kheo-ni có thể sám hối với những vị tỳ-kheo.

Những giới luật trên đây phải được tôn trọng trọn đời, phải được kính nể và không được đổi thay, xê dịch.

 

Khi đại đức Ananda  trở ra thì mặt trời lên đã cao. Bà Pajapati và 500 công nương vẫn kiên nhẫn đứng chờ. Sau khi nghe kể lại lời Phật và nội dung "Bát Kính Pháp", bà Pajapati nói:

- Ðại đức Ananda, xin đại đức bạch với đức Thế Tôn rằng: Khi một cô gái xinh đẹp và trẻ trung mới tắm gội bằng nước thơm mà có người mang tới cho một vành hoa, kết bằng hoa sen hay hoa hồng thơm ngát, thì cô gái ấy sẽ sung sướng đưa hai tay đón nhận rồi để lên đầu mình. Cũng thế, tôi rất sung sướng chấp nhận "Bát Kính Pháp" và sẽ tôn trọng "Bát Kính Pháp" suốt đời, nếu tôi được phép xuất gia.

Rồi bà quay sang nói với các công nương:

- Các em, các cháu đừng e ngại. Ðiều quan trọng nhất là chúng ta được xuất gia làm nữ khất sĩ (khikkhuni, bhiksuni). Những điều trong "Bát Kính Pháp" không phải là những trở ngại cho sự tu học của chúng ta, mà chính là cửa ngõ để chúng ta đi vào giáo pháp cao thượng.

Ðại đức Ananda hoan hỷ vào báo tin này với Phật. Chiều hôm đó 501 người nữ đầu tiên được làm lễ xuất gia thọ giới sa-di-ni (samaneri). Bà Maha Pajapati Gotami được cử làm ni trưởng[23]. Bà Ambapali xin dâng cúng vườn xoài của bà để làm tinh xá cho ni chúng. Ðại đức Sariputta được Phật ủy thác việc chỉ dạy những phép tắc hành trì sơ đẳng trong đời sống xuất gia cho các vị sa-di-ni.

Qua hôm sau, Phật bảo:

- Này Ananda, nếu nữ giới không được chấp thuận thoát ly thế tục để khép mình vào nếp sống không nhà cửa trong khuôn khổ của Giáo pháp và Giới luật mà Như Lai đã công bố thì đời sống xuất gia và Giáo pháp cao siêu sẽ tồn tại lâu đến 1000 năm. Nhưng nay nữ giới đã được phép sống đời không nhà cửa thì đời sống xuất gia và Giáo pháp cao siêu chỉ còn tồn tại 500 năm thôi.[24]

Rồi đức Phật nói thêm:

- Này Ananda, trong nhà nào có đông phụ nữ và ít nam giới thì trộm cướp sẽ dễ lọt vào. Cũng thế, trong bất luận Giáo pháp và Giới luật nào, nếu hàng phụ nữ được phép từ bỏ thế gian để sống đời không nhà cửa thì đời sống thiêng liêng sẽ không tồn tại lâu dài. Cũng như người kia đấp bờ đê bên cạnh hồ nước rộng lớn để chận nước khỏi tràn qua, Như Lai lo ngăn chận trước bằng cách ban hành Bát Kính Pháp cho các tỳ-kheo-ni, buộc phải giữ nguyên vẹn trọn đời.

 

Tám hôm sau, nữ khất sĩ Maha Pajapati tới xin tham vấn Phật. Bà thưa:

- Bạch Thế Tôn, tôi nay tuổi đã cao, xin Thế Tôn từ bi chỉ dạy cho tôi pháp môn tu nào có thể giúp tôi tiến mau trên đường giải thoát.

- Này Gotami, trong đời sống hằng ngày, người tu phải nhận thức rõ ràng rằng những điều nào dẫn đến khát vọng, không dẫn đến an vui; đến sự ngã mạn, không đến sự tôn kính; muốn nhiều, không muốn ít; thích cảnh phồn hoa đô thị, không ưa ẩn dật; dã dượi, không cố gắng; khó được thoả mãn, không có đức tri túc; những điều đó chắc chắn không phải thuộc Chánh Pháp (Dhamma), không phải thuộc Giới Luật (Vinaya), không phải là giáo huấn của đức Ðạo sư.[25] Nên biết rõ những điều nào nên tránh, những điều nào nên làm. Ngoài ra phải tinh tấn thực hành pháp quán niệm hơi thở (Anapana-sati), pháp quán Tứ Niệm Xứ[26] (Cattaro sati-patthanani) để đạt được những đức tánh vừa kể.

Bà Maha Pajapati lạy tạ lui ra. Bà tinh tấn thực tập những điều Phật dạy. Ít lâu sau bà đắc quả A-la-hán. Năm trăm công nương dòng Sakya và Koliya cùng xuất gia với bà, về sau cũng đều đắc quả A-la-hán.

Từ ngày có ni chúng, giáo đoàn khất sĩ của Phật bắt đầu được gọi là giáo đoàn tứ chúng, gồm có: tỳ-kheo (bhikkhu, bhiksu), tỳ-kheo-ni (bhikkhuni, bhiksuni), thiện nam[27] (upasaka), tín nữ[28] (upasika).

Ni trưởng Maha Pajapati, sau khi nghiên cứu kỹ, đã trình Phật về y phục của ni chúng và được Phật chấp thuận. Một bộ y phục của tỳ kheo gồm có:

- một tấm an-đà-hội (antaravasaka), tức là quần dưới.

- một tấm uất-đa-la-tăng (uttarasangha) là áo mặc bên trên.

- một tấm tăng-già-lê (sanghati) là áo khoác bên ngoài.

Ngoài ba tấm trên, tỳ-kheo-ni được phép có thêm:

- một samkaksika để thắt ngang hông.

- một kusulaka dùng như một chiếc váy.

Ngoài ba bộ y như trên và một bình bát, các khất sĩ còn có quyền có một cái quạt để quạt muỗi và che đầu khi trời nắng, một cái vợt vải lọc nước uống, một cây kim, một ít chỉ, một cái tăm xỉa răng, một con dao để cạo râu tóc mỗi tháng hai lần.

 

Cuộc đời đau khổ của ni-sư Uppalavanna[29] 

Một hôm, lúc đi ngang qua một công viên trong thành Vesali, đại đức Moggallana gặp một thiếu phụ nhan sắc mặn mà đứng chận đường đại đức, liếc mắt lả lơi có ý trêu chọc. Ðó là Uppalavanna, một hoa khôi trong giới kỹ nữ. Người đời gọi cô là Liên Hoa Sắc (Uppalavanna), họ cho cô có sắc đẹp tươi mát như một hoa sen màu xanh. Ðại đức Moggallana nhìn thẳng vào mặt người phụ nữ này và biết ngay đây là một người đàn bà có nhiều u-uẩn khổ đau. Ðại đức nói:

- Cô tuy có hình dáng xinh đẹp, bề ngoài trang phục lộng lẫy, nhưng tôi biết tâm hồn cô chứa đầy mặc cảm khổ đau. Nghiệp chướng của cô nặng nề lắm và càng ngày cô càng sa vào con đường lầy lội. Cô nên thức tỉnh càng sớm càng hay.

Uppalavanna hoảng kinh, thấy vị khất sĩ này nhìn thấu nội tâm mình. Nhưng cô cố giữ vẻ mặt bình thản, mỉm cười nói:

- Có thể là thầy nói đúng. Nhưng tôi không còn con đường nào khác hơn.

- Tại sao cô lại bi quan như thế? Dù quá khứ có sao đi nữa, ta vẫn có thể chuyển hướng để xây dựng một tương lai tươi sáng hơn. Áo quần dơ bẩn thì ta dùng nước sông để giặt giũ. Thân thể dơ bẩn thì ta tắm gội. Tâm tư vẩn đục và chán chường thì ta dùng giáo pháp cao thượng để tu sửa. Phật dạy "Ai cũng có khả năng giác ngộ và giải thoát. Ai cũng có khả năng thành Phật. Chỉ cần biết tu tập đúng Chánh Pháp."

Uppalavanna lấy khăn chậm nước mắt, thổn thức nói:

- Nhưng cuộc đời của con dẫy đầy trái ngang và tội lỗi. Con e Phật cũng không cứu được con nữa là thầy.

- Không sao đâu. Cô cứ kể tự sự cho tôi nghe thử xem.

Uppalavanna kể lại rằng nàng là con gái của một gia đình giàu có ở thủ đô Rajagriha. Nàng lấy chồng năm mười sáu tuổi. Sau ngày cha chồng mất, mẹ chồng của nàng lại ăn nằm với chính chồng của nàng. Lúc đó Uppalavanna đã sinh được một đứa con gái. Chứng kiến cảnh loạn luân ấy, cô bỏ nhà ra đi, bỏ luôn cả đứa con gái lại. Mấy năm sau cô gặp một thương gia ở Benares và được ông này cưới làm vợ. Một thời gian sau, nghe nói chồng cô có mua một nàng hầu đem giấu trong một ngôi nhà ở ngoại ô thành phố. Cô tìm đến đánh ghen, mới phát giác ra đó chính là con gái năm xưa của cô.

Ðau xót vô cùng, cô lại bỏ nhà ra đi, đem lòng thù hận cả trời đất và con người. Cô không còn tin ai, thương ai được nữa. Ðến thủ đô Vesali, cô theo nghề kỹ nữ, chỉ cần tiền bạc, trang sức lộng lẫy và các thú vui vật chất. Ðạo đức đối với cô chỉ là ảo tưởng, giả dối, không có nghĩa chân thật. Ðối với cô, bộ áo cà-sa chỉ là một lớp đạo đức giả dối che đậy những dục vọng đê hèn của con người. Ðể chứng minh điều đó cô mới tỏ vẻ khêu gợi, trêu chọc đại đức Moggallana.

Nói tới đó, Liên Hoa Sắc úp mặt vào hai bàn tay thổn thức khóc. Ðợi Uppalavanna khóc xong, đại đức Moggallana mới bắt đầu khuyên nhủ cô nên hỷ xả những chuyện đã qua và bắt đầu tập sống một cuộc đời cao thượng vừa lợi ích cho mình vừa lợi ích cho người khác. Rồi thầy đưa cô Uppalavanna về gặp Phật. Phật an ủi Uppalavanna và cho phép cô đến ni viện tập sự tu học dưới sự hướng dẫn của ni sư Pajapati Gotami. Uppalavanna được giao trách nhiệm đóng cửa, mở cửa và quét dọn giảng đường. Một hôm, vừa thắp ngọn nến trong giảng đường, Uppalavanna chợt chăm chú đứng nhìn sửng ngọn nến bập bùng cháy, bổng phát tâm quán hỏa đại, một lúc sau liền chứng quả A-la-hán và đắc ngũ thông. Chẳng bao lâu, Uppalavanna đã trở nên một sư cô gương mẫu, nổi tiếng là vị tỳ-kheo-ni thần thông đệ nhất. Ðến khi Devadatta phản nghịch muốn gia hại đức Phật, Uppalavanna đến núi Gaya-sisa trách mắng, bị Devadatta nổi giận đánh vào đầu mà chết.

 



[1] Xem The Life of The Buddha của A. Foucher, trang 186-187; theo kinh Mahavibhanga.

[2] Xem Anguttara-nikaya, quyển IV, trang 91-93.

[3] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 260-262; Majjhima-nikaya 87: Piyajatika sutta; Trung A-Hàm 216: kinh Ái Sinh.

[4] Vua Pasenadi Kosala là con của vua Maha Kosala (Buddhist Legends, quyển III, trang 63).

[5] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 263-270; Khuddaka-nikaya: Metta sutta, Udana, Sutta-nipata.

[6] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 271.

[7] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 272-275; Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh: 190 Phật Bổn Hạnh Tập Kinh, 187 Phương Quảng Ðại Trang Nghiêm Kinh; Lalitavistara.

[8] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 275-277.

[9] Xem Jataka 182, II 92-94; Udana, III 2; Ðường Xưa Mây Trắng, trang 278-280; The Buddha and his Teachings, trang 140-143; Buddhist Legends, quyển I, trang 220-223.

[10] Pháp Cú kinh (Dhammapada), bài 13, 14.

[11] Psalms of the Brethren (Theragatha), bài 127.

[12] Xem Buddha and the Gospel of Buddhism, trang 44-45; Buddhist Legends, quyển III, trang 70-72.

[13] Xem phần Lai Lịch Họ Gotama và Bộ Tộc Sakya trong sách này.

[14] Xem phần Lai Lịch Họ Gotama và Bộ Tộc Sakya trong sách này.

[15] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 281-284.

[16] Xem Cullavagga 10; Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 1428; Anguttara-nikaya VII,51 và VIII,53.

[17] Xem Cullavagga 10; Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 1428 và 1421; Trung A-Hàm 116: Cừu Ðàm Di Kinh; Trung A-Hàm 130: Giáo Ðàm Di Kinh; Anguttara Nikaya, IV 274; Vinaya, II 253.

[18] Bậc vô học: Bậc thánh nhân đã đạt được vô-sư-trí nên không còn phải học gì nữa.

[19] Quả vô sanh: Nhờ đã sạch nghiệp nên không còn bị nghiệp báo thiện ác dẫn đi tái sanh nữa.

[20] Bố tát (Uposatha) là pháp tụng giới mỗi nữa tháng của tăng ni.

[21] Manatta (Ma-na-đỏa, biến tịnh, chiết phục cống cao): Phương pháp diệt tội và sám hối của một vị tăng hay ni khi phạm trọng tội Xả-đọa hoặc Tăng-tàn. Vị tăng phạm tội phải phát lồ sám hối trong vòng 6 ngày đêm, làm các việc nặng nhọc thay cho chúng tăng như quét dọn tháp, tăng phòng, cầu tiêu, nhà tắm, ... vừa chí thành sám hối, vừa làm cho chúng tăng hoan-hỷ.

[22] Sikkhamana (Thức-xoa-ma-na, Thức-xoa-ma-ni), trong 2 năm trước khi thọ giới Cụ-túc, phải tu học 4 giới căn bản (dâm, sát, đạo, vọng) và 6 pháp (Tâm ô-nhiễm đụng chạm người nam, Trộm cắp vặt, Giết hại súc sanh, Tiểu vọng ngữ, Ăn phi thời, Uống rượu). Samaneri (sa-di-ni) thấp hơn Sikkhamana.

[23] Sau khi bà Pajapati qua đời, Phật chỉ định bà Khema và bà Uppalavanna làm Ni-trưởng của Giáo-hội Tỳ-kheo-ni.

[24] Xem Gradual Sayings (Anguttara Nikaya), IV 184.

[25] Vinaya Text, III, 329-330; Gradual Sayings (Anguttara Nikaya), IV, 186-187.

[26] Tứ Niệm Xứ = Quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã.

[27] Thiện nam còn được gọi là cận sự nam, nam cư-sĩ hay ưu-bà-tắc (upasaka).

[28] Tín nữ còn được gọi là cận sự nữ, nữ cư-sĩ hay ưu-bà-di (upasika).

[29] Xem: Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 1428; Tạp A-Hàm 12, 23, 45; Tăng Nhất A-Hàm 3, 4, 28; Tỳ-ni Mẫu 5; Ðại Bảo Tích; Luật Tứ Phần 6, 12; Hữu Bộ Tỳ-nại-da 10, 30; Luận Ðại Trí Ðộ 13, 14. Cũng nên xem Buddhist Legends, quyển II, trang 127.

 

---o0o---

 

Mục Lục > 01 > 02 > 03 > 04 > 05 > 06 > 07 > 08 > 09  > 10

11 > 12  > 13 > 14 > 15  > 16 > 17 > 18 > 19> 20

 

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 8-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

NhÃƒÆ Thiền là sống tỉnh thức trong từng Món chay mùa Vu Lan cha me va con cai la moi nhan duyen tu kiep THICH nhưng Lá Ÿ tin tuc phat giao ThÃ Æ dai the chi bo tat メス tin Nuôi con giúp kéo dài tuổi thọ của tột nhung dong gop cua phap su huyen trang cho mang a gÏi Nguyên TrÃƒÆ phap mon tinh do la phap mon dua tren nen tang tu nghiÇn bá nh Khoa dau tự độ những tác dụng tương phản của tâm 真言宗金毘羅権現法要 kinh điển phật giáo nguyên thủy bố tưởng пѕѓ tuc 16 nen tang nẠc Ăn chay vấn đáp về việc ăn chay ác khẩu làm tổn thương người Cách LÃÅ giao ly nghiep mot vai suy tuong nhan ky niem ngay phat thanh dao i môn trái nghia nhà mãå 09 con duong tam linh phan 1 gá Ÿi