Sự tích Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni

(Theo bản hiệu-chính ngày 21/05/2005) 

Soạn giả: Minh-Thiện Trần-Hữu-Danh

Với sự khuyến khích và giúp đỡ của hiền nội: 

Diệu-Xuân Nguyễn-thị Bạch-Mai

---o0o---

 

Phần 16

 

PHỤ  ÐÍNH

 

1- Kiết tập kinh điển:

 

Kiết tập kinh điển lần thứ nhất tại Rajagriha (năm -544) 

Chưa đầy một tháng sau ngày Phật nhập niết-bàn, vào năm thứ 8 triều vua Ajatasattu, Thượng tọa Maha-Kassapa quyết định triệu tập đại hội các vị khất sĩ về thủ đô Rajagriha (Vương Xá) để ôn tụng và kiết tập tất cả những Kinh (sutta, sutra) và Luật (vinaya) của Phật đã dạy. Ðại hội gồm có 500 vị khất sĩ có thật tu và thật chứng (quả vị A-la-hán) được lựa chọn trong Giáo Ðoàn Khất Sĩ. Ðại hội sẽ khai mạc vào đầu mùa an cư tới, mùa an cư thứ 46, năm 544 trước tây lịch, và sẽ kéo dài trong sáu tháng tại động Saptaparna (động Thất Diệp) trên núi Vaibhara. Ðộng này còn được gọi là Pippali-guha (Tất-bát-la quật) vì nơi đây có cây Pippala (Tất-bát-la) và có nhân duyên lớn với ngài Ðại Ca-Diếp (tên thật là Pippalayana). Ðại hội được vua Ajatasattu đích thân đứng ra bảo trợ.

Thượng tọa Maha-Kassapa thường được các vị khất sĩ trong giáo đoàn tôn trọng như vị đại đệ tử thứ ba của Phật, sau hai Thượng tọa Sariputta và Moggallana đã qua đời. Thượng tọa nổi tiếng là một tu sĩ hạnh "đầu-đà", thích sống đơn giản, đạm bạc, thiểu dục tri túc. Thượng tọa đã được Phật tin tưởng và thương mến không khác gì các Thượng tọa Sariputta và Moggallana. Hơn hai mươi năm về trước, áo cà-sa sanghati của Thượng tọa là một chiếc áo bách nạp, được kết lại bằng những mảnh vải vụn. Có lần Thượng tọa đã xếp tư chiếc áo ấy lại và trải ra trong rừng mời Phật ngồi. Phật khen chiếc áo của Thượng tọa ngồi rất êm. Thượng tọa liền ngỏ ý cúng dường Phật chiếc áo bách nạp ấy. Phật mỉm cười nhận lời và tặng lại Thượng tọa chiếc áo sanghati của chính người. Trong đại chúng ai cũng biết chuyện này. Thượng tọa cũng chính là người đã mỉm cười khi Phật đưa cành hoa sen lên mà không nói gì ở núi Griddhakuta (Linh-Thứu), và được Phật tuyên bố truyền trao cho Thượng tọa "Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết-Bàn Diệu Tâm, Thật Tướng Vô Tướng, Vi Diệu Pháp Môn ", trước đại chúng.

Ai cũng nghĩ rằng sự có mặt của Thượng tọa Ananda trong đại hội kiết tập kinh điển rất cần thiết. Nhưng trước đại hội ba ngày, Thượng tọa Ananda bị Thượng tọa Maha-Kassapa quở nặng và cho biết là Thượng tọa Ananda sẽ không được dự đại hội vì lý do thầy chưa đắc quả A-la-hán. Thượng tọa Ananda buồn chảy nước mắt, thầy tìm chỗ thanh vắng tĩnh tu luôn trong ba ngày đêm. Ngay trong đêm cuối cùng trước ngày khai mạc đại hội, Thượng tọa Ananda ngồi thiền định đến ba giờ sáng, vừa ngả lưng xuống để nghỉ ngơi, lưng chưa chạm đất thì thầy hoát nhiên đại ngộ, đắc quả A-la-hán. Sáng hôm đó, vừa thấy mặt Thượng tọa Ananda, Thượng tọa Maha-Kassapa rất vui mừng biết ngay chuyện gì đã xảy ra, liền mời Thượng tọa vào tham dự đại hội.

Trong đại hội, Thượng tọa Upali, vốn nổi tiếng về luật học, được mời lên ôn tụng giới luật. Thầy đọc đi đọc lại đến 80 lần để tất cả mọi người đều thuộc lòng. Nhờ những câu hỏi của Thượng tọa Maha-Kassapa và của các vị khác mà Thượng tọa Upali nhắc lại được hết những nhân duyên do đó các giới luật được thiết lập. Tất cả những tài liệu về giới luật được kiết tập lại thành một kho tàng luật học gọi là Tạng Luật (Vinaya Pitaka).

Thượng tọa Ananda, vốn nổi tiếng về nghe Phật thuyết pháp nhiều và nhớ dai, được đại hội mời lên trùng tuyên tất cả những bài pháp thoại của Phật gọi là kinh. Nhờ những câu hỏi của Thượng tọa Maha-Kassapa và của nhiều vị khất sĩ khác mà Thượng tọa Ananda có dịp nói ra hết những chi tiết về thời gian, nơi chốn và cơ duyên đã đưa tới mỗi pháp thoại của Phật. Cuối cùng Thượng tọa Ananda xin sám hối trước đại chúng về những lỗi lầm của ngài như sau[1]: 1- Trước khi nhập diệt đức Phật có nói với Ananda cho phép Giáo Hội hủy bỏ hay sửa đổi các giới luật không quan trọng; nhưng Ananda quên hỏi những giới luật nào là không quan trọng; do đó Ðại hội quyết định giữ nguyên các giới luật. 2- Ananda, có một lần trong lúc vá y cũ cho Phật, đã sơ ý đạp lên cái y này. 3- Khi Phật nhập diệt, Ananda đã sơ ý để các tỳ-kheo-ni vào trước lễ Phật, khóc lóc chảy nước mắt lên thân Phật. 4- Trong lúc tắm rửa kim thân đức Phật, Ananda quên không bảo kéo màn che kín, để nhiều người nhìn thấy. 5- Không kịp thời thỉnh Phật trụ thế lâu dài hơn. 6- Ðã khẩn cầu Phật cho nữ giới xuất gia mặc dù Ananda không cảm thấy hối tiếc về việc này. Tất cả những tài liệu về giáo pháp được kiết tập lại thành một kho tàng giáo pháp gọi là Tạng Kinh (Sutta Pitaka).

Tiếp theo, Thượng tọa Maha-Kassapa được mời nói lại những bài giảng của Phật về Vi-diệu-pháp (Abhidhamma). Tất cả những tài liệu về giáo lý cao siêu được kiết tập lại thành Tạng Luận (Abhidhamma Pitaka)[2].

Kể từ đây, tuy chưa được viết ra thành văn tự, giáo lý của đức Phật đã được kiết tập lần đầu tiên thành Tam Tạng Kinh Ðiển (Tri-pitaka) gồm có Tạng Kinh (Sutta-pitaka), Tạng Luật (Vinaya-pitaka) và Tạng Luận (Abhidhamma-pitaka), được đọc đi đọc lại nhiều lần bằng tiếng Pali-Magadha cho mọi người trong phiên họp đều ghi nhớ.

 

Kiết tập kinh điển lần thứ nhì tại Vesali (năm -444) 

Một trăm năm sau khi Phật nhập niết-bàn, vào thời vua Kalasoka ở xứ Magadha, 700 vị A-la-hán tham dự đại hội do Thượng tọa Yasa (Da-xá) triệu tập tại Vesali để cứu xét đề-nghị sửa đổi 10 điều luật của nhóm tỳ-kheo Vajjiputta[3] (Bạt-kỳ-tử, Bạt-xà-tử). Nguyên nhân vì khi Thượng tọa Yasa, con của Kakandaka, đến dự lễ Bố-tát (Uposatha) tại Vesali, nhận thấy nhiều cư sĩ dâng cúng tiền bạc cho các khất sĩ; Thượng tọa Yasa phản đối việc này. Mười điều luật mới của  nhóm Vajjiputta là:

1-      Giác diêm tịnh: Cho phép ướp muối vào thức ăn để hôm khác sử dụng.

2-      Nhị chỉ tịnh: Trong khoảng thời gian từ lúc mặt trời đứng bóng đến khi xê dịch xuống thêm hai ngón tay, vẫn được phép ăn.

3-      Tha tụ lạc tịnh: Sau khi thọ thực ở một tụ lạc, được phép sang một tụ lạc khác thọ thực thêm.

4-      Trụ xứ tịnh: Tỳ-kheo cùng ở một giáo-khu không cần phải cùng bố-tát ở một nơi.

5-      Tùy ý tịnh: Khi họp chúng tăng ni bàn luận xử quyết, tuy số tăng ni tham dự không đủ, nhưng nếu dự đoán số người vắng mặt đồng ý, vẫn được làm phép yết-ma[4].

6-      Sở tập tịnh: Tùy thuận theo lệ trước.

7-      Sanh hòa hợp tịnh: Sau khi ăn no, vẫn được phép uống loại sữa bò chưa khuấy, trừ lớp váng trên mặt.

8-      Ẩm xà-lâu-ngức tịnh: Ðược phép uống nước dừa chưa lên men (xà-lâu-ngức), hoặc vừa lên men phân nửa (rượu non).

9-      Vô duyên tọa cụ tịnh: May tọa cụ được phép khỏi viền, và lớn nhỏ tùy ý.

10-  Kim ngân tịnh: Ðược phép nhận tiền bạc.

Do sự bất đồng ý kiến về đề-nghị sửa-đổi trên, nên từ đây Tăng-già được chia làm hai bộ phái:

Thượng-tọa-bộ (Sthavira), bảo-thủ, gồm các vị tỳ-kheo cao niên, thành lập Nam-tông, còn gọi là Phật-giáo Nguyên-thủy (Theravada), do Thượng tọa Yasa (Da-xá) đại diện. Thượng tọa Yasa cho 10 điều trên là "Thập Sự Phi Pháp", đều không hợp với quy chế của Phật. Thượng-tọa-bộ chủ trương giữ nguyên vẹn các giới luật và cách hành trì như lúc Phật còn tại thế.

Ðại-chúng-bộ (Mahasangika), cấp-tiến, gồm các vị tỳ-kheo trẻ, thành lập Bắc-tông, còn gọi là Ðại-thừa Phật-giáo (Mahayana), do nhóm tỳ-kheo Vajjiputta ở Vesali đại diện. Ðại-chúng-bộ, căn cứ vào lời dạy của đức Phật cho phép sửa đổi những giới luật không quan trọng, chủ trương tùy thuận theo hoàn cảnh xã-hội mới và phong tục địa phương.

 

Kiết tập kinh điển lần thứ ba tại Pataliputta (năm -244) 

Tại Patalliputta hiện nay là Patna, 300 năm sau khi Phật nhập niết-bàn, có 1000 vị A-la hán tham dự dưới sự chủ tọa của ngài Moggaliputta-Tissa (Mục-Kiền-Liên-Tử Ðế-Tu), do vua Asoka (A-Dục) triệu-tập. Mục đích cuộc hội họp kỳ này là để củng cố Tam Tạng Pháp Bảo theo Thượng-tọa-bộ, loại trừ các phần tử xấu xa trong tăng hội, phái những vị có khả năng sang các nước láng giềng truyền bá chánh pháp.

Sau kỳ kiết tập nầy, con trai của vua Asoka là Thượng tọa Mahinda mang giáo pháp đến truyền bá tại Sri-Lanka (Tích-Lan). Tại đây Thượng tọa Mahinda lại tổ chức hội họp và tuyên đọc lại bản kiết tập lần thứ ba tại Patalliputta. Qua năm sau, Ni sư Sanghamitta, con gái vua Asoka, mang một nhánh chiết từ một cành phía nam của cây Ðại-Bồ-Ðề nơi Phật thành đạo, đến trồng tại Anuradhapura, thủ đô xứ Sri-Lanka vào triều vua Devanampiya Tissa, hiện nay vẫn còn tươi tốt. Ðồng thời Ni sư Sanghamitta cũng là người đầu tiên thành lập ni-bộ tại xứ này.

 

Kiết tập kinh điển lần thứ tư, của Nam tông tại Aluvihara (năm -200) 

Tại Aluvihara[5], Sri-Lanka (Tích-Lan), dưới trào vua Vatta-Gamani-Abhaya, trong ngôi chùa Maha-Vihara do Thượng tọa Mahinda, con vua Asoka, cất trong đá vào thế kỷ thứ 3 trước tây lịch, với sự có mặt của 500 vị Thượng-tọa Tích-Lan. Hội nghị quyết định viết Tam Tạng Pháp Bảo bằng tiếng Pali trên lá bối (lá thốt-nốt, lá buôn) và có thêm phần chú thích bằng tiếng Tích-Lan (Sihala). Trong quyển Buddhaghasuppatti, nói về tiểu sử của ngài Buddhaghosa (Phật Âm), có ghi rằng nếu chất lại thành đống Tam Tạng Kinh chép trên lá bối sẽ to hơn sáu thớt voi. Kể về lượng thì ba tạng kinh Phật này bằng mười một lần quyển thánh kinh của Thiên Chúa Giáo.

Ðến năm +450, ngài Buddhaghosa (Phật Âm) lại tổ chức thêm một kỳ kiết tập kinh điển với mục đích canh cải lại vài chỗ bất đồng giữa kinh điển Pali-Magadha và kinh điển Pali-Sri-Lanka.

 

Kiết tập kinh điển lần thứ tư, của Bắc tông tại Kudalavana (năm -200) 

Tại thủ đô Kudalavana xứ Kasmira[6] (Cachemire, Kế-tân), do vua Kaniska (Ca-Nị-Sắc) triệu tập để ghi chép Tam Tạng Pháp Bảo bằng tiếng Sanscrit, tiếng gốc của Bà-la-môn giáo, có thêm phần chú thích và luận giải. Kỳ kiết tập kinh điển này được đặt dưới quyền chủ tọa của Tổ Asvaghosa[7] (Mã Minh), vị Tổ thứ 12. Tam tạng kinh điển Bắc Tông đầu tiên, viết bằng tiếng Sanscrit, gồm có tạng Kinh Upadesa (Luận Ưu-ba-đề-xá, Khế kinh luận nghị) gồm 100.000 bài tụng, kế đến tạng Luật Vinaya Vibhasa (Luận Tỳ-nại-da Tỳ-bà-xa) gồm 100.000 bài tụng, sau cùng là tạng Luận Abhidharma Vibhasa (Luận A-tỳ-đạt-ma Tỳ-bà-sa) gồm 100.000 bài tụng. Tất cả ba tạng có 9.600.000 chữ. Vua Kaniska cho khắc tất cả lên những bảng bằng đồng cán mỏng, rồi cất trong rương đá và xây tháp để thờ.

Kể từ đây giáo lý Bắc tông bắc đầu được các vị Tổ sư tuyên dương ở Ấn-độ, rồi lần hồi truyền đến Tây-tạng và Trung-hoa. Các kinh luận Ðại thừa càng ngày càng dồi dào và được truyền bá sâu rộng trong đại chúng. Viện Ðại học Phật giáo Nalanda từ thế kỷ thứ hai trước tây lịch đến cuối thế kỷ thứ tám sau tây lịch nổi tiếng là nơi phổ biến giáo lý Ðại thừa. Vào thế kỷ thứ bảy, chính ngài Huyền-Trang đã đến nơi đây học với ngài Viện trưởng Silabhadra (Giới-Hiền), sau đó ngài Silabhadra mời ngài Huyền-Trang ở lại giảng dạy suốt 2 năm trước khi trở về Trung quốc. Trong thời gian này, vua Kumara (Cưu-Ma-La) có tổ chức một đại hội nghị luận về Giáo lý Ðại thừa và mời ngài Huyền-Trang thuyết trình đề tài Chân Duy-Thức Luận. Ngài Huyền-Trang đã thuyết phục được trên 7.000 tăng sĩ có mặt tại đại hội và làm cho Giáo lý Ðại thừa càng thêm rực rỡ. Năm 645, ngài Huyền-Trang về đến Trung quốc với 657 bộ kinh Ðại thừa bằng tiếng Sanscrit (Phạn). Suốt 19 năm còn lại, ngài Huyền-Trang đã dịch được 75 bộ, gồm 1.335 quyển kinh, luật, luận của Ðại thừa. Kể từ đây Trung-hoa thành lập bộ Ðại Tạng Kinh của Ðại thừa Phật giáo và cứ tu bổ lần hồi cho đến ngày nay. Ngoài bộ Ðại Tạng Kinh của Trung-hoa còn có bộ Ðại Tạng Kinh của Tây-tạng và bộ Ðại Tạng Kinh của Nhật-bản. Nhưng bộ Ðại Tạng Kinh của Trung-hoa được xem là đầy đủ nhất về Tam Tạng Kinh Ðiển của Ðại thừa Phật giáo. Trong khi đó ở Ấn-độ, vào thế kỷ 11 và 12, Viện Ðại Học Nalanda cũng như hầu hết các cơ sở và kinh sách Phật giáo đều bị Hồi giáo tiêu hủy.

 

Kiết tập kinh điển Nam tông tại Mandalay, Miến-Ðiện (năm 1871) 

Do vua Mindon (Mẫn-Ðông) triệu tập 2400 vị Cao Tăng Miến-Ðiện, lấy tạng Luật làm chính, đối chiếu chỗ đồng dị trong nguyên văn thánh điển để hiệu đính, cùng nhau hợp tụng ròng rã suốt 5 tháng mới hoàn thành. Nhà vua cho khắc trọn bộ Tam Tạng Pali mới này trên 729 bia đá cẩm thạch màu đen vân trắng, dựng trong chùa tháp Kuthadaw, dưới chân núi Mandalay, phía ngoài có 45 ngôi tháp Phật vây quanh. Hiện nay vẫn còn.

 

Kiết tập kinh điển Nam tông tại Rangoon, Miến-Ðiện (năm 1954)  

Vào ngày lễ  Phật Ðản 17/05/1954, với sự giúp đỡ của chính phủ, cùng một lúc với Ðại-hội kỳ 3 của Tổng Hội Phật Giáo Thế Giới tại Rangoon, Phật Giáo Miến Ðiện đã tổ chức cuộc kiết tập kinh điển lần thứ sáu này với mục đích gây tình đoàn kết giữa Phật giáo đồ, chấn hưng Phật Giáo Thượng-Tọa-Bộ, ăn mừng nước Miến Ðiện vừa được độc lập. Ðịa điểm kiết tập là trên sườn núi Nghệ-Cố, thuộc ngoại ô phía bắc thủ đô Rangoon.

Lần kiết tập này y cứ trên 729 phiến đá cẩm thạch của lần kiết tập thứ 5, đồng thời đối chiếu với tất cả các bảng gỗ bằng tiếng Pali của "Pali Thánh Ðiển Hiệp Hội" ở các nước Tích Lan, Thái Lan, Cam Bốt, Luân Ðôn và Miến Ðiện. Trong kỳ kiết tập này các vị Tỳ-kheo ở các nước thuộc Phật Giáo Bắc Tông cũng được mời tham dự. Ròng rã 2 năm, đến lễ Phật Ðản năm 1956 (Phật lịch 2500) mới hoàn thành. Toàn bộ được ấn hành trên giấy.

 

 

2- Tam Tạng Kinh Ðiển (Tripitaka) [8]

 

Tam Tạng Kinh Ðiển Phật Giáo gồm có Tạng Luật (Vinaya Pitaka), Tạng Kinh (Sutta Pitaka) và Tạng Luận (Abhidhamma Pitaka).

 

Tạng Luật (Vinaya Pitaka) 

Tạng Luật được xem là cái neo vững chắc để bảo tồn con thuyền Giáo Hội Tăng Già trong những cơn phong ba bão táp của lịch sử. Phần lớn tạng luật đề cập đến giới luật và nghi lễ trong đời sống xuất gia của các vị tỳ kheo và tỳ kheo ni. Ngót 9 năm sau khi thành đạo, đức Phật ít khi chính thức ban hành giới luật nhất định ngoại trừ Bát Kính Pháp được chế ra để đón nhận nữ giới vào Giáo Hội Tăng Già. Từ khi có sự tranh chấp giữa hai nhóm kinh sư và luật sư ở Kosambi về sau, mỗi khi có trường hợp trục trặc xảy ra, đức Phật mới họp các đại đệ tử để đặt ra những điều răn thích hợp áp dụng chung cho cả giáo đoàn. Tạng Luật (Vinaya pitaka) nêu rõ đầy đủ lý do tại sao và trong trường hợp nào một giới luật (sila) được đặt ra, và mô tả rành mạch các nghi thức hành lễ sám hối[9] , lễ tụng giới (Uposatha) của chư tăng. Trong đó có ghi chép lịch trình phát triển đạo giáo từ thuở ban khai, sơ lược đời sống và chức nhiệm của đức Phật, và những chi tiết về ba lần kiết tập kinh điển đầu tiên.

Ðây là những tài liệu hữu ích về lịch sử thời thượng cổ ở Ấn, về các cổ tục, kiến thức, óc thẩm mỹ thời bấy giờ. Người đọc tạng Luật không khỏi ngạc nhiên, thán phục tánh cách dân chủ trong phương pháp thành lập và tổ chức Giáo Hội Tăng Già, việc sử dụng tài sản, đạo đức cao thượng của chư tăng và khả năng xuất chúng của đức Phật trong việc điều hành Giáo hội. 

Tạng Luật Pali cúa Nam tông gồm 5 quyển:

1-      Parajika (Ba-la-di, giới nặng). Gồm 4 giới Dâm, Ðạo, Sát, Vọng. Tỳ kheo nào vi phạm các giới này không còn tư cách Tỳ kheo nữa và bị đuổi khỏi giáo đoàn.

2-      Pacittiya (Ba-dật-đề, giới nhẹ). Gồm có hai phần Xả Ðọa và Ðơn Ðọa. Tỳ kheo vi phạm Xả Ðọa vừa phải sám hối vừa bị phạt. Tỳ kheo vi phạm Ðơn Ðọa chỉ phải sám hối thôi.

3-      Mahavagga (Ðại Phẩm luật) nói về các lễ xuất gia, sám hối, nhập hạ, cúng dường ... trong một nhóm lớn tăng ni. Gồm 10 phần:

1. Lễ xuất gia.

2. Lễ Bố-tát (Uposatha).

3. Nhập hạ (vassa).

4. Lễ mãn hạ (pavarana).

5. Y phục và đồ dùng hằng ngày.

6. Thuốc men và thực phẩm.

7. Lễ phát y phục (kathina).

8. Loại vải may áo, chỉ tịnh (ngủ), đau ốm.

9. Cách phân xử trong Giáo Ðoàn.

10. Cách phân xử trong trường hợp có chia rẻ trầm trọng trong Giáo Ðoàn.

4-      Cullavagga (Tiểu Phẩm luật) nói về bổn phận và trách nhiệm của tăng ni, thưởng phạt, sống hòa hợp, xây cất chùa tháp ... trong một nhóm nhỏ tăng ni. Gồm 12 phần:

1 và 2. Cách dàn xếp các xích mích trong chúng.

3. Cách cho tái nhập Giáo Ðoàn.

4. Cách giải quyết các thắc mắc trong chúng.

5. Linh tinh về tắm rửa, ăn mặc, giặt dịa, ...

6. Nơi ăn ở, đồ dùng.

7. Sự chia rẻ.

8. Cách đối xử giữa các tỳ kheo, và bổn phận thầy trò.

9. Ai không được dự lễ Bố-tát.

10. Lễ xuất gia và cách giảng dạy cho tỳ-kheo-ni.

11. Lịch sử kiết tập kinh điển lần thứ nhất tại Rajagaha.

12. Lich sử kiết tập kinh điển lần thứ hai tại Vesali.

5-      Parivara (Bảng tóm lược các điều mục của giới luật).

Hai quyển đầu (1 và 2) họp thành bộ Vibhanga (Giới bổn). Gồm 218 giới cho tăng và 311 giới cho ni. Bộ này còn được gọi là Patimokkha (Giới bổn) được tuyên đọc trong lễ Bố-Tát (Uposatha) mỗi nửa tháng.

Hai quyển kế (3 và 4) họp thành bộ Khandaka (Quảng luật). 

Tạng Luật của Bắc tông:

Ðến năm -200, Phật Giáo Bắc Tông mới cho ra đời tạng Luật Vinaya Vibhasa (Tỳ-nại-da Tỳ-bà-xa) bằng tiếng Sanscrit, tại thủ đô Kudalavana của xứ Kasmira (Kế-tân). Bộ Luật này gồm 100.000 bài tụng do Tổ thứ 12 Asvaghosa (Mã Minh) chủ trương biên soạn dưới sự bảo trợ của vua Kaniska Ðệ Nhất (Ca-Nị-Sắc-Ca I).

Vào năm 413, ở Trung-Hoa, Ðại sư Huệ-Quang thuộc bộ phái Ðàm-Vô-Ðức có cho ra đời bộ Luật Tứ Phần gồm 250 giới cho tỳ-kheo và 348 giới cho tỳ-kheo-ni, chia ra làm 8 loại như sau:

1-     Ba-la-di: tỳ-kheo có 4 giới, tỳ-kheo-ni có 8 giới.

2-     Tăng tàn (Tăng-già bà-thi-sa): tỳ-kheo 13, tỳ-kheo-ni 17.

3-     Bất định: tỳ-kheo 2.

4-     Xả-đọa (Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề): tỳ-kheo 30, tỳ-kheo-ni 30.

5-     Ðơn đọa (Ba-dật-đề): tỳ-kheo 90, tỳ-kheo-ni 178.

6-     Hối quá (Ba-la-đề-đề-xá-ni): tỳ-kheo 4, tỳ-kheo-ni 8.

7-     Chúng học: tỳ-kheo 100, tỳ-kheo-ni 100.

8-     Diệt tránh: tỳ-kheo 7, tỳ-kheo-ni 7.

Ngoài ra còn có các bộ: Luật Thập Tụng do Ðại sư Kumarajiva (Cưu Ma La Thập) dịch năm 405, Luật Ma-Ha Tăng-Kỳ (Mahasangika) dịch năm 418, Luật Ngũ Phần dịch năm 423, Thiện Kiến Luật Tỳ-bà-sa dịch năm 711. Nhưng bộ Luật Tứ Phần dịch năm 413 vẫn được xem là bộ luật chánh về giới cụ túc dành cho tăng ni. Tạng Luật Bắc tông cũng có thể chia làm ba phần: Giới bổn (Vinaya-vibhanga), Tỳ-nại-da Bản sự (Vinaya-vastu) và Tỳ-nại-da Tạp sự (Vinayakshudraka).

Kinh Phạm-Võng Bồ-Tát Tâm-Ðịa Giới Phẩm[10] được xem là bộ Luật đặc biệt nhất của Ðại Thừa, vì nó bao gồm cả Ba Tụ Giới là:

1- Nhiếp luật nghi giới: đoạn trừ tất cả pháp ác đã sanh, ngăn chận tất cả pháp ác chưa sanh.

2- Nhiếp thiện pháp giới: làm nẩy nở tất cả pháp thiện chưa sanh, làm tăng trưởng tất cả pháp thiện đã sanh.

3- Nhiếp chúng sanh giới: hóa độ tất cả chúng sanh mà không thấy có người độ và chúng sanh được độ.

Kinh này nêu ra 10 giới nặng và 48 giới nhẹ của người phát tâm tu hạnh Bồ-tát. Hàng xuất gia cũng như hàng tại gia đều có thể thọ 58 giới Bồ-tát này. 

 

Tạng Kinh (Sutta Pitaka) 

Tạng Kinh gồm những bài Pháp của đức Phật khuyên dạy tăng ni về các phương pháp tu tập để đi đến giác ngộ và giải thoát, và khuyên dạy cư sĩ về cách xây dựng hạnh phúc trong gia đình và ngoài xã hội. Một vài bài giảng của các vị đại đệ tử như các ngài Sariputta, Moggallana, Ananda cũng được ghép vào tạng Kinh và cũng được tôn trọng như chính lời đức Phật, vì đã được đức Phật chấp nhận.

Mỗi kinh là một bài Pháp do đức Phật giảng trong một trường hợp và hoàn cảnh đặc biệt, cho một thính chúng có căn cơ và trình độ nào đó. Cho nên có nhiều kinh đề cập đến một đề tài mà đã được đức Phật trình bày và giải thích khác nhau. Người học Phật phải biết nhận định đúng đắn lời Phật dạy trong mỗi trường hợp riêng biệt, để rồi từ những trường hợp riêng biệt đó đúc kết lại và suy ra giáo lý sâu rộng của ngài.

 

Tạng Kinh Pali của Nam tông[11]:

Dưới đây là 5 bộ của tạng Kinh Pali vào thời Ðại sư Buddhaghosa (Phật Âm), thế kỷ thứ năm sau tây lịch.

1/- Digha Nikaya (Trường Bộ), ghi chép những bài Pháp dài, thường có hình thức đối thoại. Gồm 34 kinh (sutta) chia thành 3 tập (wagga):

 

I- SILAKKHANDHA-WAGGA: Nói về đạo-đức và giới-luật. Có 13 kinh (sutta).

1- Brahmajala-sutta: (Kinh Phạm Võng) Ðức Phật nói về 62 kiến chấp của ngoại đạo về ngã và thế-giới.

2- Samannaphala-sutta: (Kinh Sa-Môn Quả) Ðức Phật giảng cho vua Ajatasattu về các lợi ích mà người xuất gia có thể đạt được từ việc nhỏ như tránh kỳ thị đến việc lớn như quả vị A-la-hán.

3- Ambattha-sutta: Ðức Phật nói với Ambattha về dòng dõi nhiều đời của đức Phật, trong đó có một phần về huyền thoại vua Okkaka, vị tổ 6 đời của Phật.

4- Sonadanta-sutta: Ðối thoại giữa Phật và vị Bà-la-môn Sonadanta về phẩm hạnh của một vị Bà-la-môn chân chính.

5- Kutadanta-sutta: Ðối thoại giữa Phật và vị Bà-la-môn Kutadanta về việc sát hại thú vật  để cúng tế.

6- Mahali-sutta: Ðức Phật nói với Mahali về các cõi trời và kết luận rằng việc tu tập để đạt đến Chánh Kiến là cao thượng hơn cả.

7- Jaliya-sutta: Phật nói câu hỏi Ðời sống và thân thể có phải là một hay không?. không thích hợp với người xuất gia tu tập.

8- Kassapa-sihanada-sutta: Ðức Phật nói với tu sĩ khổ hạnh Kassapa là việc thực tập khổ hạnh không thể đưa đến giác ngộ và giải thoát.

9- Potthapada-sutta: Ðức Phật từ chối trả lời những câu hỏi của Potthapada về linh hồn (ngã) vì sự bàn luận về vấn đề đó không đưa đến giác ngộ và Niết-bàn.

10- Subha-sutta: Bài Pháp của thượng toạ Ananda nói với vị sa-di Subha sau khi Phật nhập Niết-bàn.

11- Kevaddha-sutta: Ðức Phật không cho phép đệ tử biểu diễn thần thông; đức Phật chỉ cho phép thực hiện thần thông thuyết Pháp. Câu chuyện một khất sĩ lên các cõi trời hỏi đạo, các vị trời không đáp được bảo nên trở về thế gian hỏi Phật.

12- Lohicca-sutta: Ðức Phật nói với vị Bà-la-môn Lohicca về bổn phận của một đạo sư đối với đệ tử.

13- Tevijja-sutta: Ðức Phật nói học 3 bộ kinh Veda để được sanh về cõi trời Phạm-Thiên là một điều vô ích, vì vẫn còn sanh tử luân hồi.

 

II- MAHA-VAGGA:

14- Mahapadana-sutta: Ðức Phật nói về sự giống nhau giữa 6 vị Phật trước và chính Ngài, từ hình thức đản sanh, đến dòng dõi, gia đình, thọ mạng, cây Bồ-đề, các đại đệ tử, số Pháp hội, thị giả, cha, mẹ, và thị trấn. Trong bài Pháp thứ nhì, đức Phật nói về đức Phật Vipassin (Tỳ-Bà-Thy) từ lúc rời cõi trời Tusita (Ðâu-suất) đến lúc chuyển Pháp Luân.

15- Mahanidana-sutta: Ðức Phật giảng về 12 Nhân Duyên và tính vô ngã.

16- Maha-Parinibbana-sutta: Nói về những ngày cuối cùng của đức Phật, Phật nhập Niết-bàn, phân chia xá lợi.

17- Maha-Sudassana-sutta: Trước khi nhập Niết-bàn, đức Phật kể cho Ananda nghe chuyện tiền thân của ngài là vua Sudassana tại Kusinagar trước kia.

18- Janavasabha-sutta: Ðể tiếp tục câu chuyện về các đệ tử Phật đã nhập diệt tại Nadika có ai đã thành đạo, đức Phật thuật lại câu chuyện mà vị trời yakkha Janavasabha đã nói với ngài.

19- Maha-Govinda-sutta: Vị nhạc sĩ trời tên Pancasikha hiện đến trước Phật, nói rằng ông ta đã từng nghe vị Phạm-Thiên Sanamkumara nói về sự tích ông Mahagovinda. Ông hỏi Phật có biết chuyện này không? Phật đáp chính ngài là Mahagovinda trong một kiếp trước.

20- Maha-Samaya-sutta: Ðức Phật nói về Ðại Hội các vị trời cõi Tịnh Ðộ đến viếng ngài, và ngài kể tên các vị trời ấy trong một bài thơ dài 151 câu.

21- Sakkapanha-sutta: Vua trời Ðao-lợi là Sakka viếng Phật và nêu lên 10 câu hỏi. Qua lời giải đáp của Phật, ông ta hiểu rằng cái gì có sanh đều sẽ hoại diệt.

22- Maha-Satipatthana-sutta: (Kinh Tứ Niệm Xứ) Ðức Phật dạy bốn phép quán: Thân bất tịnh, Thọ là khổ, Tâm vô thường, Pháp vô ngã. Bốn phép quán này giúp người tu giữ vững Chánh Niệm. Có phần luận bàn về Tứ Ðế.

23- Payasi-sutta: Thượng tọa Kumarakassapa độ cho ngoại đạo Payasi xuất gia, bỏ chấp đoạn diệt, không nhân quả tội phước. Sau khi Payasi qua đời, Thượng tọa Gavampati nhân lúc viếng cõi trời, biết được Payasi đã đắc đạo và hiện trạng ra sao.

 

III- PATIKA-VAGGA:

24- Patika-sutta: Nói về một đệ tử Phật bỏ theo ngoại đạo vì Phật không chịu biểu hiện thần thông và không nói về khởi thủy của muôn vật. Trong kinh này đức Phật đã làm cả hai việc đó.

25- Udumbarika-sihanada-sutta: Ðối thoại giữa Phật và tu sĩ khổ hạnh Nigrodha trong vườn thượng uyển của hoàng hậu Udumbarika về hai lối tu khổ hạnh.

26- Cakkavatti-sihanada-sutta: Huyền thoại về vị Chuyển Luân Thánh Vương biết hối cải đạo đức suy đồi của mình, và lời tiên tri của Phật về Phật Di-Lặc ra đời.

27- Agganna-sutta: Nói về giai cấp xã hội, từ nguồn gốc sự vật đến nguồn gốc các giai cấp xã hội và ý nghĩa thật sự của chúng.

28- Sampasadaniya-sutta: Sariputta nói với Phật về lòng tôn kính của mình đối với đức hạnh và giáo lý của Phật. Phật bảo nên thường nói lại chuyện này để làm tăng trưởng đức tin nơi các đệ tử.

29- Pasadika-sutta: Ðược tin cái chết của vị giáo chủ đạo Jaina là Nataputta, đức Phật giảng về vị đạo sư hoàn hảo và vị đạo sư không hoàn hảo, và hiểm họa chia rẻ trong giáo đoàn nếu các khất sĩ chưa nắm vững Chánh Pháp.

30- Lakkhana-sutta: Nói về 32 tướng tốt của bậc Ðại Nhân qua 20 bài kệ, mỗi bài đều khởi đầu bằng Thánh nhân đã nói như vầy. (Here it is said).

31- Singalovada-sutta: (Kinh Thiện Sinh) Ðức Phật gặp cư sĩ Singala (Thiện Sinh) đang đứng trước nhà lễ 6 hướng vào sáng sớm theo lời cha dạy mà không hiều ý nghĩa việc làm này. Phật dạy lễ 6 hướng như thế là để luôn luôn ghi nhớ cách đối xử phải đạo với cha mẹ, thầy tổ, vợ con, bạn bè, bề trên, kẻ dưới.

32- Atanatiya-sutta: Tứ Ðại Thiên Vương đến viếng Phật và tặng ngài một bài thần chú để trừ tà ma quỷ quái. Ðức Phật đọc lại bài thần chú đó cho các đệ tử nghe.

33- Sangiti-sutta: Ðức Phật khai mạc một giảng đường mới tại Pava; nhưng vì mệt, ngài giao cho thượng tọa Sariputta nói chuyện với các vị khất sĩ. Thượng tọa Sariputta trình bày trước đại chúng một danh sách giới luật cho từng người, kế đến một danh sách giới luật cho từng nhóm hai người, lần đến danh sách giới luật cho từng nhóm mười người.

34- Dasuttara-sutta: Tại Pava, dưới sự chứng minh của đức Phật, thượng tọa Sariputta trình bày thêm trước đại chúng 10 giới phụ cho từng người, 10 giới phụ cho từng nhóm hai người, và lần đến 10 giới phụ cho từng nhóm 10 người.

 

2/- Majjhima Nikaya (Trung Bộ), ghi chép những bài Pháp dài bậc trung, thường có hình thức đối thoại. Gồm 152 kinh (sutta) chia thành 15 tập (vagga) xếp theo đề tài và tùy theo loại kinh nói cho cư sĩ, khất sĩ, tu sĩ khổ hạnh, vua chúa, ...

 

I- MULAPARIYAYA-VAGGA:

1- Mulapariyaya-sutta: Kiến thức về nguồn gốc của tất cả mọi sự vật từ các yếu tố sơ đẳng cho đến Niết-bàn.

2- Sabbasava-sutta: Bảy cách để trừ nghiệp lực hữu lậu (asava).

3- Dhammadayada-sutta: Khất sĩ phải là người thừa kế Giáo Pháp, chứ không phải là người thừa hưởng tham vọng vật chất của mình.

4- Bhayabherava-sutta: Trước khi thành đạo, đức Phật phải vượt qua những ghê sợ và khủng khiếp trong rừng rậm như thế nào.

5- Anangana-sutta: Ðối thoại giữa Sariputta và Moggallana về nghiệp lực hữu lậu (asava).

6- Akankheyya-sutta: Nói về những điều mà một khất sĩ nên mong ước.

7- Vathupama-sutta: Tâm tạo nghiệp cũng giống như một cái áo nhơ bẩn.

8- Sallekha-sutta: Nói về cách trừ tà kiến.

9- Sammaditthi-sutta: Sariputta nói với các vị khất sĩ về Chánh Kiến.

10- Satipatthana-sutta: Kinh Tứ Niệm Xứ. Giống kinh Digha số 22 nhưng không có phần luận bàn về Tứ Ðế.

 

II- SIHANADA-VAGGA:

11, 12- Sihanada-sutta (Culla- và Maha-): (Kinh Sư Tử Hống) Hai kinh này nói về giá trị của 37 phẩm trợ đạo trong Giáo pháp. Trong kinh Maha-Sihanada đức Phật mô tả các thức ăn của người tu khổ hạnh. Chính đức Phật cũng có thực hành pháp môn này trước khi thành đạo.

13- Maha-Dukkhakkhandha-sutta: Ðức Phật giải đáp câu hỏi về tham ái và cảm thọ mà các du sĩ đã hỏi các vị khất sĩ.

14- Culla- Dukkhakkhandha-sutta: Ðức Phật đàm luận với các tu sĩ Jaina về câu hỏi trên. Các tu sĩ Jaina cho rằng đau khổ có thể bị tiêu diệt bằng lối tu khổ hạnh.

15- Anumana-sutta: Thượng tọa Moggallana quở các vị khất sĩ và tự kiểm thảo.

16- Cetokhila-sutta: Nói về 5 điều cố chấp và 5 điều ràng buộc của tâm.

17- Vanapattha-sutta: Nói về đời sống cô đơn trong rừng vắng.

18- Madhupindika-sutta: Ðức Phật tóm lượt Giáo pháp của ngài, và Kaccana giải thích rộng ra.

19- Dvedhavitakka-sutta: Ðức Phật quán niệm về tham dục , v.v..., trước khi thành đạo.

20- Vitakkasanthana-sutta: Phương pháp quán tưởng để trừ nghi hối.

 

III- TP THỨ BA:

21- Kakacupama-sutta: Ví sân hận như cây cưa. Một vị khất sĩ dù bị cưa hết tay chân cũng không nên có lòng sân hận, nếu còn sân hận thì chưa phải là đệ tử Phật.

22- Alagaddupama-sutta: Xuất gia tu học mà không hiểu rõ Chánh Pháp cũng như bắt rắn đằng đuôi.

23- Vammika-sutta: Một vị trời nói với thượng tọa Kumara Kassapa một câu chuyện biểu tượng bằng hình ảnh một ổ kiến lửa lớn bốc khói ban đêm, cháy đỏ ban ngày, một vị Bà-la-môn bảo một vị khất sĩ hãy thò tay vào đó để tìm đồ vật. Ðức Phật giải thích rằng ổ kiến lửa lớn là thân người, và vị Bà-la-môn chính là đức Phật.

24- Rathavinita-sutta: Vào lúc mãn hạ, Phật hỏi các đệ tử ai là người trì giới tinh tấn nhất? Các vị khất sĩ đáp là Punna. Sariputta đến gặp Punna và hỏi tại sao ông xuất gia. Punna bát bỏ tất cả những lý do của Sariputta đưa ra, và nói chỉ vì ông muốn được Niết-bàn. Nhưng cuối cùng ông nhìn nhận rằng nếu không có những lý do kia thì chắc ông cũng không thể được Niết-bàn.

25- Nivapa-sutta: Ma vương (Mara) được ví như một người thợ săn đặt mồi để bắt nai.

26- Ariyapariyesana-sutta: Nói về chuyện Phật xuất gia, học đạo với hai vị thầy là Alara-Kalama và Uddaka-Ramaputta, và thành đạo dưới cội Bồ-đề.

27- Culla-Hatthipadopama-sutta: Sự tu tập của đệ tử Phật được ví như chân một con voi. Ðệ tử Phật cần hiểu rõ Tứ Ðế như voi cần có bốn chân để đứng vững.

28- Maha- Hatthipadopama-sutta: Bài Pháp của thượng tọa Sariputta ví Tứ Diệu Ðế như bốn chân của một con voi.

29- Maha-Saropama-sutta: Ðức Phật nói về hiểm họa của lợi danh trong khi hành đạo, vào lúc Devadatta thành lập giáo đoàn riêng tại Gayasisa.

30-Culla- Saropama-sutta: Phật nói thế nào là đạt đến thực chất của Giáo Pháp.

 

IV- MAHAYAMAKA-VAGGA:

31- Culla-Gosinga-sutta: Phật nói chuyện với 3 vị khất sĩ khi 3 vị này nói với Phật chỗ đạt đạo của mình.

32- Maha-Gosinga-sutta: 6 vị khất sĩ thảo luận với nhau về cái gì làm cho rừng đẹp.

33- Maha-Gopalaka-sutta: (Kinh Phóng Ngưu) Ðức Phật nói về 11 phẩm hạnh của một khất sĩ, tương ứng với 11 phẩm hạnh của một người chăn trâu giỏi.

34- Culla-Gopalaka-sutta: Nói về sự khôn khéo của người biết cách dắt trâu vượt qua sông.

35- Culla-Saccaka-sutta: Thảo luận trước công chúng giữa Phật và đạo sĩ Jaina tên Saccaka về Năm Uẩn (khandha) là sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

36- Maha-Saccaka-sutta: Ðức Phật nói về cách quán thân và tâm mà ngài đã thật hành lúc xuất gia, tu khổ hạnh, và thành đạo.

37- Culla-Tanhasankhaya-sutta: Vua trời Ðao-lợi là Sakka đến viếng Phật và nêu một câu hỏi, được Phật trả lời. Moggallana đi theo vị này về cõi trời để xem ông ta có thật sự hiểu lời giải đáp của Phật không.

38- Maha-Tanhasankhaya-sutta: Phật bác bỏ ý nghĩ của một khất sĩ cho rằng tâm thức là chủ thể đi tái sanh.

39, 40- Assapura-sutta (Maha- và Culla-): Ðức Phật nói về bổn phận của một tu sĩ, tại thành phố Assapura.

 

V- CULLAYAMAKA-VAGGA:

41- Saleyyaka-sutta: Ðức Phật nói với các vị Bà-la-môn ở Saleyya, lý do vì sao có người lên thiên đàng có người xuống địa ngục.

42- Veranjaka-sutta: Ðức Phật lập lại bài pháp trên cho các cư sĩ tại Veranja nghe.

43, 44- Vedalla-sutta (Maha- và Culla-): Trong kinh đầu, thượng tọa Sariputta bàn luận với thượng tọa Mahakotthika về 12 Nhân Duyên. Trong kinh thứ nhì, sư cô Dhammadinna nói với nam cư sĩ Visakha cùng một đề tài.

45, 46- Dhammasamadana-sutta (Culla- và Maha-): Nói về sự chín mùi của thú vui ngũ dục và sự đau khổ trong tương lai.

47- Vimamsaka-sutta: Nói về phương pháp mà một tu sĩ nên dùng để tìm hiểu một vấn đề.

48- Kosambiya-sutta: Ðức Phật nói với các vị khất sĩ tại Kosambi đang tranh cãi nhau dữ dội.

49- Brahmanimantanika-sutta: Ðức Phật nói với các vị khất sĩ chuyện ngài lên cõi trời Phạm-Thiên (Brahma) độ ông Baka bỏ chấp thường.

50- Maratajjaniya-sutta: Chuyện Ma vương chung vào bao tử của thượng tọa Moggallana. Moggallana bảo Ma vương hãy đi ra, và kể lại cho hắn nghe trước kia Moggallana cũng là Ma vương tên Dusi và Ma vương hiện nay lúc đó là cháu ông.

 

VI- GAHAPATI-VAGGA:

51- Kandaraka-sutta: Ðức Phật nói chuyện với Pessa và Kandaraka về 4 hạng người.

52- Atthakanagara-sutta: Thượng tọa Ananda nói với một cư sĩ tại Atthaka về những con đường đưa đến Niết-bàn.

53- Sekha-sutta: Ðức Phật khai mạc một giảng đường mới tại Kapilavastu, nhưng vì mệt nên ngài bảo Ananda ra nói chuyện với những người dòng Sakya. Ananda nói về sự tu tập của các đệ tử Phật.

54- Potaliya-sutta: Ðức Phật giải thích cho Potali biết rõ làm thế nào lìa bỏ lối sống phàm tục của thế gian.

55- Jivaka-sutta: Jivaka hỏi Phật có phải chính ngài đã cho phép các vị khất sĩ giết thú vật để ăn thịt không? Ðức Phật đưa ra nhiều thí dụ chứng minh điều đó không đúng, và ngài xác nhận trong vài trường hợp đặc biệt các vị khất sĩ có thể ăn ngũ tịnh nhục..

56- Upali-sutta: Cư sĩ Upali ở Balaka được  giáo chủ đạo Jaina là Nataputta gởi đến tranh luận với Phật về tội do tâm và thân tạo cái nào nặng hơn. Rốt cuộc Upali được Phật độ.

57- Kukkuravatika-sutta: Ðức Phật thảo luận về nghiệp với 2 tu sĩ khổ hạnh, một vị thực hành lối sống như chó, một vị thực hành lối sống như bò.

58- Abhayarajakumara-sutta: Hoàng tử Abhaya được giáo chủ đạo Jaina là Nataputta gởi đến hỏi Phật xem có bao giờ ngài nói lời gì làm buồn lòng người nghe không. Nếu Phật đáp có thì ngài chẳng khác gì phàm phu; nếu Phật đáp không thì ngài nói dối vì chính ngài đã nói Devadatta sẽ bị đọa điạ ngục vô gián.

59- Bahuvedaniya-sutta: Ðức Phật phân loại các cảm thọ và nói cảm thọ nào cao hơn hết.

60- Apannaka-sutta: Ðức Phật dùng Chánh Pháp đã kích tư tưởng ngoại đạo.

 

VII- BHIKKHU-VAGGA:

61- Ambalatthika-Rahulovada-sutta: Ðức Phật dạy Rahula giữ giới không nói dối, tại lâm viên Ambalatthika.

62- Maha-Rahulovada-sutta: Ðức Phật dạy Rahula pháp quán niệm hơi thở và pháp quán tứ đại (đất, nước, gió, lửa).

63- Culla-Malunkya-sutta: Ðức Phật nói với khất sĩ Malunkya về những câu hỏi không đáng được trả lời.

64- Maha-Malunkya-sutta: Ðức Phật nói với khất sĩ Malunkya về 5 điều ràng buộc thấp nhất.

65- Bhaddali-sutta: Bhaddali sám hối với Phật lỗi lầm của mình và được Phật chỉ dạy.

66- Latukikopama-sutta: Nói cách giữ giới về thời gian thọ thực và xuất gia, so sánh với con chim cúc.

67- Catuma-sutta: Ðức Phật không hài lòng về một nhóm khất sĩ ồn ào tại Catuma, nhưng ngài chỉ thản nhiên thuyết pháp về bốn hiểm họa.

68- Nalakapana-sutta: Ðức Phật hỏi Anuruddha và 6 đệ tử khác về lý do xuất gia và về vài điểm trong Giáo Pháp.

69- Gulissani-sutta: Giới luật mà những tu sĩ sống trong rừng như Gulissani phải tôn trọng.

70- Kitagiri-sutta: Nói về thọ thực sái giờ, và về tư cách mà cả bảy  hạng khất sĩ đều phải theo.

 

VIII- PARIBBAJAKA-VAGGA:

71- Tevijja-Vacchagotta-sutta: Ðức Phật đến viếng tu sĩ khổ hạnh Vacchagotta và nói rằng ngài được gọi là tevijja vì ngài biết hết tiền kiếp của mình, có thiên nhãn, và biết cách tận diệt nghiệp lực sinh tử luân hồi (Tam Minh).

72- Aggi-Vacchagotta-sutta: Nói về những câu hỏi không đáng được trả lời, như trong kinh số 63.

73- Maha-Vacchagotta-sutta: Ðức Phật giải thích cho tu sĩ khổ hạnh Vacchagotta về cách tu tập và sự thành đạo của các đệ tử.

74- Dighanakha-sutta: Ðức Phật bác bỏ lý luận của tu sĩ khổ hạnh Dighanakha, và giải thích về thực tánh của thân và ba cảm thọ (sướng, khổ, trung tính). Ðại đức Sariputta nhân dịp này đắc quả A-la-hán.

75- Magandiya-sutta: Ðức Phật nói với ông bà Magandiya về sự lià bỏ tham dục, bất mãn, tham vọng, và sự thành đạo của ngài.

76- Sandaka-sutta: Thượng tọa Ananda nói với tu sĩ khổ hạnh Sandaka về những quan niệm sai lầm về giáo lý.

77- Maha-Sakuludayi-sutta: Nói về 5 lý do vì sao đức Phật được tôn vinh.

78- Samanamandika-sutta: Nói về 4 hay 10 phẩm hạnh làm cho con người trở nên hoàn toàn đức hạnh.

79- Culla-Sakuludayi-sutta: Một câu chuyện về giáo chủ đạo Jaina là Nataputta, và con đường chánh đạo đưa đến một thế giới hoàn toàn hạnh phúc.

80- Vekhanassa-sutta: Kinh này lập lại một phần của kinh số 79, và nói về 5 giác quan (ngũ căn).

 

IX- RAJA-VAGGA:

81- Ghatikara-sutta: Ðức Phật nói với Ananda về kiếp trước của ông là Jotipala và bạn ông là Ghatikara.

82- Ratthapala-sutta: Câu chuyện về khất sĩ Ratthapala. Cha mẹ ông phản đối việc ông xuất gia, và tìm cách kéo ông trở về đời sống cư sĩ.

83- Makhadeva-sutta: Chuyện tiền thân đức Phật là vua Makhadeva, truyền ngôi đến đời vua Nimi.

84- Madhura-sutta: Thượng tọa Kaccana thuyết pháp cho vua Madhura ở xứ Avanti về ý nghĩa thật sự của giai cấp.

85- Bodhirajakumara-sutta: Ðức Phật viếng hoàng tử Bodhi, và nói với ông về chuyện ngài xuất gia, tinh tấn tu tập và thành đạo. Như trong kinh số 26 và 36.

86- Angulimala-sutta: Chuyện đức Phật độ tên sát nhân Angulimala.

87- Piyajatika-sutta: Ðức Phật an ủi một người đàn ông mất con rằng có thương thì có khổ.. Vua Pasenadi và hoàng hậu Mallika bất đồng ý kiến với nhau về lời khuyên này.

88- Bahitika-sutta: Ananda trả lời một câu hỏi của vua Pasenadi về sự tu tập; vua tặng ông một áo khoát ngoài (bahitika).

89- Dhammacetiya-sutta: Vua Pasenadi viếng Phật; Phật giảng cho vua nghe về sự cao thượng của đời sống xuất gia.

90- Kannakatthala-sutta: Câu chuyện giữa đức Phật và vua Pasenadi về kiến thức sâu rộng (omniscience) của Phật, về giai cấp xã hội, và về việc các vị trời còn phải trở lại đời sống thế gian không?

 

X- BRAHMANA-VAGGA:

91- Brahmayu-sutta: Nói về 32 tướng tốt của Phật, và chuyện vị Bà-la-môn Brahmayu xuất gia.

92- Sela-sutta: Tu sĩ khổ hạnh Keniya thỉnh Phật và các vị khất sĩ đến nhà dự lễ cúng dường. Vị Bà-la-môn Sela nhìn thấy 32 tướng tốt của Phật liền xin xuất gia.

93- Assalayana-sutta: Vị Bà-la-môn trẻ tên Assalayana tranh luận rất lâu với Phật về giai cấp xã hội.

94- Ghotamukha-sutta: Sau khi Phật Nhập Niết-bàn, thượng tọa Udena thuyết pháp về người cao thượng nhất và giáo đoàn gương mẫu. Cư sĩ Ghotamukha xây cất một giảng đường mới cho Giáo đoàn.

95- Canki-sutta: Nói về giáo pháp của Bà-la-môn.

96- Esukari-sutta: Nói về vai trò của từng giai cấp trong xã hội.

97- Dhananjani-sutta: Thượng tọa Sariputta nói với vị Bà-la-môn Dhananjani rằng bổn phận đối với gia đình không phải là lý do để làm chuyện quấy.

98- Vasettha-sutta: Nói về một tu sĩ Bà-la-môn chân chính, do dòng dõi 7 đời hay do hành động và đức hạnh của chính mình.

99- Subha-sutta: Nói về mọi người đều có thể làm được nhiều việc thiện, dù là cư sĩ hay tu sĩ.

100- Sangarava-sutta: Ðức Phật nói với một tín nữ Bà-la-môn về đời sống tu sĩ theo nhiều trường phái khác nhau; kèm theo sự xuất gia và tinh tấn tu hành của đức Phật; như trong kinh số 26 và 36.

 

XI- DEVADAHA-VAGGA:

101- Devadaha-sutta: Ðức Phật thảo luận với các đạo sĩ Nigantha về quan niệm của họ cho rằng muốn diệt trừ đau khổ thì phải diệt trừ nghiệp. Ðức Phật dẫn chứng rằng các khất sĩ đạt đến vô sanh không phải nhờ thực hành khổ hạnh hay nhờ lià bỏ các thú vui, mà chính nhờ thực tập đúng theo Chánh Pháp.

102- Pancattaya-sutta: Nói về 5 quan niệm về ngã, mà đức Phật tóm lượt lại còn 3. Ðức Phật nói rằng ngài đã vượt qua các quan niệm ấy, và giáo lý giải thoát của ngài không tùy thuộc vào quan niệm nào về ngã cả.

103- Kinti-sutta: Nói về các quy luật, có thể do Phật ban hành, về cách đối xử với các khất sĩ tranh cãi nhau về ý nghĩa và văn tự trong Giáo Pháp, và các khất sĩ vi phạm giới luật.

104- Samagama-sutta: (Lục hòa) Ðược tin giáo chủ đạo Jaina là Nataputta qua đời (như trong Kinh Digha số 29), đức Phật nêu ra 7 nguyên nhân tranh cãi, 7 cách xử lý các cuộc tranh cãi, và 6 nguyên tắc sống hòa hợp trong Giáo Ðoàn.

105- Sunakkhatta-sutta: Nói về 5 hạng người ở thế gian, và cách rút mũi tên tham vọng ra.

106- Ananjasappaya-sutta: Nói về nhiều phương pháp thiền quán, về bất động và thành đạo, về sự giải thoát.

107- Ganaka-Moggallana-sutta: Ðức Phật dạy Moggallana cách dạy đệ tử.

108- Gopaka-Moggallana-sutta: Sau khi Phật nhập diệt, thượng tọa Ananda giải thích vì sao Phật khác hơn tất cả các đệ tử của ngài. Thượng tọa nói với vị đại thần Vassakara rắng đức Phật không có chỉ định ai kế vị Phật cả, Phật bảo các khất sỉ phải lấy Giáo Pháp làm Thầy.

109- Maha-Punnama-sutta: Nhơn một đêm trăng rằm, đức Phật trả lời những câu hỏi của một khất sĩ về 5 uẩn (khandha).

110- Culla-Punnama-sutta: Nhơn một đêm trăng rằm, đức Phật bảo một người ngu không thể biết ai ngu ai khôn, nhưng một người khôn thì biết cả hai.

 

XII- ANUPADA-VAGGA:

111- Anupada-sutta: Ðức Phật khen ngợi thượng tọa Sariputta.

112- Chabbisodana-sutta: Nói về những nghi vấn đối với một khất sĩ tuyên bố rằng mình đã hoàn toàn giác ngộ.

113- Sappurisa-sutta: Nói về phẩm hạnh của một khất sĩ.

114- Sevitabba-asevitabba-sutta: Ðức Phật nói cách thực hành đúng hay sai bổn phận và giáo lý của một khất sĩ. Sariputta giải thích rộng ra.

115- Bahudhatuka-sutta: Danh sách những điều bàn luận giữa Phật và Ananda.

116- Isigili-sutta: Ðức Phật giải thích tên của ngọn đồi Isigili ở Rajagriha, và kể tên các vị Bích Chi Phật trước kia ở đây.

117- Maha-Cattarisaka-sutta: Trình bày Bát Chánh Ðạo và nói thêm về chánh kiến và giải thoát.

118- Anapanasati-sutta: (Kinh An Ban Thủ Ý) Nói về phương pháp và sự lợi ích của việc thực hành Quán Niệm Hơi Thở vào ra.

119- Kayagatasati-sutta: Nói về phương pháp và sự lợi ích của việc thực hành Quán Niệm Về Thân.

120- Samkharuppatti-sutta: Nói về sự tái sanh của một người tùy theo nguyện lực của người đó.

 

XIII- SUNNATA-VAGGA:

121- Culla-Sunnata-sutta: (Kinh Tiểu Không) Nói về cách Quán Không.

122- Maha-Sunnata-sutta: (Kinh Ðại Không) Nói cách thực hành Tâm Không.

123- Accariyabbhutadhamma-sutta: Ðức Phật nói về những điều thánh thiện và huyền diệu trong đời vị Bồ-tát Vessantara (Hộ Minh), từ lúc rời cung trời Ðâu-suất (Tusita) đến lúc đản sanh.

124- Bakkula-sutta: Thượng tọa Bakkula kể lại cho bạn ông là Acela-Kassapa về cuộc đời 80 năm của ông. Nghe xong Acela-Kassapa xin xuất gia.

125- Dantabhumi-sutta: Ðức Phật nói cách điều phục voi để chỉ đại đức Aciravata cách dạy hoàng tử Jayasena.

126- Bhumija-sutta: Hoàng tử Jayasena hỏi đại đức Bhumija một câu. Ðại đức đáp xong, đến hỏi Phật xem câu trả lời của mình có đúng không.

127- Anuruddha-sutta: Anuruddha nhận lời đến thọ trai tại nhà cư sĩ Pancakanga, và giải thích cho ông về hai hình thức giải thoát.

128- Upakkilesa-sutta: Ðức Phật tìm cách hòa giải cuộc tranh cãi giữa hai nhóm khất sĩ tại Kosambi. Cuối cùng đức Phật bỏ đi. Ðến công viên Ðông Trúc tại thành phố Karagama, đức Phật giảng cho Anuruddha, Kimbila và Nandiya về Lục Hòa.

129- Balapandita-sutta: Nói về thiện nghiệp, ác nghiệp, và nhân quả tội phước.

130- Devaduta-sutta: Ðức Phật dùng thiên nhãn thấy được nghiệp lực của mỗi người, do đó ngài biết rõ ai sẽ được sanh về các cõi trời, ai sẽ bị đọa điạ ngục.

 

XIV- VIBHANGA-VAGGA:

131- Bhaddekaratta-sutta: (Kinh Nhất Dạ Hiền) Ðừng tìm về quá khứ, Ðừng tưởng tới tương lai, Quá khứ đã không còn, Tương lai thì chưa tới,....

132- Ananda-bhaddekaratta-sutta: Ananda bình luận bài kệ trên.

133- Mahakaccana-bhaddekaratta-sutta: Mahakaccana bình luận dài về bài kệ trên tại tinh xá Tapoda ở Rajagriha.

134- Lomasakangiya-bhaddekaratta-sutta: Ðức Phật giải thích bài kệ trên cho ông Lomasakangiya tại tinh xá Nigrodha ở Kapilavastu.

135- Culla-kammavibhanga-sutta: Ðức Phật giải thích về thân, khẩu, ý nghiệp và hậu quả của chúng.

136- Maha-kammavibhanga-sutta: Một tu sĩ khổ hạnh vu cáo Phật nói nghiệp không có lợi ích gì. Ðức Phật trình bày quan điểm của mình về nghiệp.

137-  Salayatanavibhanga-sutta: Ðức Phật giải thích về 6 căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).

138- Uddesavibhanga-sutta: Ðức Phật tuyên bố một câu về thức; thượng tọa Mahakaccana giải thích chi tiết.

139- Aranavibhanga-sutta: Nói về Trung Ðạo như là con đường hòa giải giữa hai cực đoan là sống buông thả hoặc tu khổ hạnh (ép xác).

140- Dhatuvibhanga-sutta: Câu chuyện về khất sĩ Pukkusati, một đệ tử chưa bao giờ gặp Phật, chỉ biết ngài qua các bài pháp thoại.

141- Saccavibhanga-sutta: Ðức Phật trình bày Bốn Thánh Ðế, theo sau có lời giải thích mà người ta cho rằng của Sariputta.

142- Dakkhinavibhanga-sutta: Hoàng hậu Mahapajapati cúng dường Phật hai áo cà-sa; đức Phật giải thích về những hạng người đáng nhận cúng dường và những hạng người cúng dường.

 

XV- SALAYATANA-VAGGA:

143- Anathapindikovada-sutta: Chuyện ông Anathapindika được thượng tọa Sariputta hộ niệm lúc sấp qua đời. Sau khi chết, ông được sanh về cung trời Ðâu-suất (Tusita), và trờ về thế gian viếng Phật.

144- Channovada-sutta: Chuyện thượng tọa Channa (Xa-nặc) bệnh nặng, được thượng tọa Sariputta khuyên dạy, nhưng cuối cùng ông tự sát.

145- Punnovada-sutta: Ðức Phật dạy thượng tọa Punna về lạc thọ và khổ thọ.

146- Nandakovada-sutta: Hoàng hậu Mahapajapati và 500 nữ khất sĩ thỉnh Phật ban huấn từ. Phật bảo đại đức Nandaka làm việc này. Ðại đức giảng về Vô Thường.

147- Culla-Rahulovada-sutta: Ðức Phật dắt Rahula vào rừng, giảng cho nghe về Vô Thường. Có hằng ngàn vị trời đến nghe pháp.

148- Chachakka-sutta: Nói về 6 căn.

149- Maha-Salayatanika-sutta: Chánh kiến về 6 căn.

150- Nagaravindeyya-sutta: Ðức Phật nói với dân chúng làng Nagaravinda về hàng tu sĩ khổ hạnh và Bà-la-môn nào đáng được tôn vinh.

151- Pindapataparisuddhi-sutta: Ðức Phật nói với thượng tọa Sariputta về những điều mà các đệ tử luôn luôn phải thực hành suốt thời gian tu tập.

152- Indriyabhavana-sutta: Ðức Phật bác bỏ phương pháp tập luyện 6 căn của vị Bà-la-môn Parasariya, và trình bày phương pháp của Phật. 

3/- Samyutta Nikaya[12] (Tạp Bộ), ghi chép những bài Pháp giải thích từng điểm trong Phật pháp, sắp xếp theo từng đề mục. Gồm 5 tập (vagga), 56 nhóm (samyutta), 7.762 kinh (sutta):

I- SAGATHA-VAGGA: Có 11 samyutta, phân chia theo Trời, vua xứ Kosala, Ma vương, v.v... Gồm các kinh có từ một đến nhiều bài kệ, toàn bằng văn vần.

II- NIDANA-VAGGA: Có 10 samyutta, khởi đầu bằng các kinh nói về 12 Nhân Duyên.

III- KHANDHA-VAGGA: Có 13 samyutta,khởi đầu bằng các kinh nói về 5 Uẩn.

IV- SALAYATANA-VAGGA: Có 10 samyutta, khởi đầu bằng các kinh nói về 6 Căn.

V- MAHA-VAGGA: Có 12 samyutta, khởi đầu bằng các kinh nói về Bát Chánh Ðạo. 

4/- Anguttara Nikaya[13] (Tăng Chi Bộ), gồm 11 nipata (nhóm), 171 phẩm (vagga), 2.203 kinh (sutta). Nipata thứ nhất nói về nhận thức thật đơn giản của con người đối với một sắc, một thanh, một hương, một vị, một xúc, một pháp. Nipata thứ hai nói về nhận thức của con người đối với hai sắc, hai thanh, hai hương, hai vị, hai xúc, hai pháp. Lần đến nipata thứ 11 nói về 11 đức tính của một em bé chăn trâu giỏi, tương ứng với 11 đức tính mà một vị khất sĩ giỏi cần có. 

5/- Khuddaka Nikaya[14] (Tiểu Bộ), ghi chép những bài kệ vắn tắt, gồm 15 tập, chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm 5 tập như sau:

1/ Khuddaka Patha, Những Bài Kinh Ngắn:

1- Saranattaya: (Kinh Quy Y Tam Bảo) Lập lại 3 lần lời nguyện quy y Tam Bảo.

2- Dasasikkhapada: 10 giới của Sa-di; cư sĩ giữ 5 giới đầu.

3-Dvattimsakara: Danh sách 32 thành phần của cơ thể con người.

4- Kumarapanha: Giáo lý gồm 10 câu hỏi dành cho người mới vào đạo.

5- Mangala-sutta: Bài kệ trả lời một câu hỏi về gia tài nào cao nhất (mangala).

6- Ratana-sutta: (Kinh Tam Bảo) Một bài kệ nói về người quy y Tam Bảo và giữ gìn 5 giới gây được cảm tình nồng hậu đối với các vị thần thánh.

7- Tirokudda-sutta: Một bài kệ nói về việc cúng kiến thân nhân qua đời.

8- Nidhikanda-sutta: Một bài kệ nói về sự gìn giữ kho báu thật sự.

9- Metta-sutta (Maitri sutra): (Kinh Từ Bi) Một bài kệ nói về tình thương cao cả. ... Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài....

2/ Dhammapada, Kinh Pháp Cú, gồm 423 bài kệ (gatha) của đức Phật, chia ra theo đề tài thành 26 tập (vagga).

3/ Udana, Kinh Tự Thuyết, gồm 80 udana chia ra thành 8 tập (vagga), là những lời tuyên bố long trọng của đức Phật trong những trường hợp đặc biệt. Phần lớn bằng văn vần, có kèm theo phần văn xuôi kể lại Phật nói trong trường hợp nào.

4/ Itivuttaka, Kinh Bổn Sự, gồm 112 bài kinh ngắn chia thành 4 nipata, mỗi kinh bắt đầu bằng "iti vuccati" có nghĩa là thánh nhân đã nói.

5/ Sutta-Nipata, Những Bài Kinh Sưu Tập, quan trọng về phần huyền thoại và cấu trúc phức tạp. Các kinh đều bằng văn vần, có phần mở đầu bằng văn xuôi. Gồm 5 tập (vagga):

1- Uraga-vagga: có 12 kinh. Kinh thứ 3 là Khaggavisana-sutta (Kinh Ðộc Giác Ngưu), thường lập lại câu Hãy để cho vị khất sĩ đi lang thang một mình như con độc giác ngưu..

2- Culla-vagga: có 14 kinh.

3- Maha-vagga: có 12 kinh. Trong đó có 3 kinh quan trọng: a) Kinh Pabbajja-sutta nói về cuộc gặp gỡ giữa Phật và vua Bimbisara trước khi Phật thành đạo; b) Kinh Padhana-sutta nói về sự tinh tấn của đức Phật và sự mê hoặc của Ma vương; c) Kinh Nalaka-sutta có lời mở đầu (vatthu-gatha) nói về đạo sĩ Asita xem tướng cho thái tử sơ sanh Siddhattha.

4- Atthaka-vagga (sanscrit: Artha-varga): có 16 kinh, trong đó có 4 kinh chỉ có 8 câu thơ. Bốn kinh đó là Guhatthaka-sutta, Dutthatthaka-sutta, Suddhatthaka-sutta Paramatthaka-sutta.

5- Parayana-vagga: gồm 16 câu hỏi với lời giải đáp của đức Phật bằng văn vần. Lời mở đầu (vatthu-gatha) nói về chuyện nhà hiền triết tên Bavari đến viếng Phật, và các đệ tử của ông ta nêu câu hỏi.

6/ Vimana-vatthu, Câu Chuyện Những Cảnh Trời, gồm 85 bài thơ chia thành 7 tập (vagga). Những người được sanh về các cõi trời kể lại do thiện nghiệp nào được sanh về cõi trời đó.

7/ Peta Vatthu, Câu Chuyện Cảnh Giới Ngạ Quỷ, gồm 51 bài thơ chia thành 4 tập (vagga). Những người bị đọa làm ngạ quỷ kể lại do đã gây ác nghiệp nào, bị sanh vào cõi đau khổ ra sao.

8/ Theragatha, Trưởng Lão Kệ, gồm 264 bài kệ của các vị Thượng Tọa.

9/ Therigatha, Trưởng Lão Ni Kệ, gồm 100 bài kệ của các Ni Sư.

10/ Jataka, Kinh Bổn Sanh, còn gọi là Túc Sanh Truyện, gồm 547 câu chuyện tiền thân của đức Phật. Về sau có thêm phần Nidana-katha nói về cuộc đời đức Phật từ lúc đản sanh đến khi thành lập tinh xá Jetavana.

11/ Niddesa, Những Bài Bình Giảng, gồm 2 phần (Maha-Niddesa bình giảng về Atthaka-vagga; Culla-Niddesa bình giảng về Parayana-vagga) và Khaggavisana-sutta. Về sau Niddesa lại được Sariputta bình giảng trong kinh Saddhammapajjotika.

12/ Patisambhida, Kiến Thức Phân Giải. Phân giải về các quan niệm, kiến thức, sai lầm, cách thở trong lúc thiền, v.v... Phần lớn theo hình thức vấn đáp như trong tạng Luận (Abhidhamma).

13/ Apadana (sanscrit: Avadana), Kinh Thí-Dụ,  kể lại chuyện đời trước của các vị A-la-hán, đệ tử, vân vân, bằng văn vần.

14/ Buddhavamsa, Tiểu Sử Ðức Phật. Ðức Phật trả lời một câu hỏi của Sariputta về lời phát nguyện thành Phật đầu tiên, và lời tiên tri của 24 vị Phật trước về ngài, và cuối cùng chuyện gì đã xảy ra cho ngài.

15/ Cariya Pitaka, Phẩm Hạnh Của Thánh Nhân, gồm 35 câu chuyện bằng văn vần  trích từ tập Jataka, và được sắp xếp theo thứ tự 10 ba-la-mật (bố thí, trì giới, ...) mà đức Phật đã đạt được. Nhưng chỉ có 7 ba-la-mật được kể ra, thiếu 3.

 

Tạng Kinh của Bắc tông được phân loại như sau:  

A- Phân chia theo thời gian thuyết pháp của đức Phật, bằng bài kệ "Ngũ thời thuyết pháp" của Thiên-Thai tông như sau:

"Hoa-Nghiêm tối sơ tam thất nhựt. (21 ngày)

"A-Hàm thập nhị, Phương-Ðẳng bát. (12 năm + 8 năm)

"Nhị thập nhị niên Bát-Nhã đàm. (22 năm)

"Pháp-Hoa, Niết-Bàn, cộng bát niên. (8 năm)[15]

Nghĩa là có 5 giai đoạn thuyết pháp của Phật như sau:

1. Hoa-Nghiêm (Avatamsaka): sau khi thành đạo, đức Phật thuyết kinh Hoa-Nghiêm liên tiếp trong 21 ngày, ngay tại Bồ-đề đạo-tràng, nói về hoa tạng thế giới.

2. A-Hàm (Agama): thấy kinh Hoa-Nghiêm quá thâm sâu khó hiểu đối với chúng sanh, Phật liền thuyết kinh A-Hàm trong 12 năm, bắt đầu bằng kinh "Chuyển Pháp Luân" tại Lộc-Uyển, nói về Tứ Diệu Ðế và Vô Ngã Tướng; sau đó nói về 12 Nhân Duyên. Kinh A-Hàm gồm 4 bộ: Dirghagama (Trường A-hàm), Madhyamagama (Trung A-hàm), Samyuktagama (Tạp A-hàm) và Ekottarikagama (Tăng-nhất A-hàm).

- Kinh Trường A-hàm gồm 4 phần, 22 tập, 30 kinh. Phần thứ nhất nói về đức Phật, phần thứ hai nói về giáo lý và các pháp tu, phần thứ ba nói về những lời vấn nạn của ngoại đạo, phần thứ tư nói về sinh, thành, hoại, diệt của thế giới. Trong đó có: kinh Sơ Ðại Bản Duyên, kinh Ðại Bát-Niết-Bàn (kinh Du Hành), kinh Nhân Bản Dục Sanh, kinh Thiện Sanh, kinh Tín Phật Công Ðức, kinh Phạm Võng (Phạm Ðộng), kinh Sa-môn quả, kinh Thế Ký. Kinh Trường A-hàm của Trung-Hoa có 30 bài kinh, trong đó có 26 bài được học giả Anesaki xác nhận giống các kinh trong Trường Bộ (Digha-Nikaya).

- Kinh Trung A-hàm gồm 60 tập, 222 kinh, đại ý nói về Tứ Diệu Ðế, 12 Nhân Duyên, thí dụ, ngôn hạnh của Phật và các đệ tử. Trong đó có: kinh Thiện Pháp, kinh Thủy Dụ, kinh Lậu Tận, kinh Phân Biệt Thánh Ðế, kinh Hải Bát Ðức (Chiêm Ba), kinh Luân Vương Thất Bảo, kinh Tứ Châu, kinh Tần-bà-ta-la Vương Nghinh Phật, kinh Thiên Sứ, kinh A-na-luật Bát Niệm, kinh Ly Thùy Miên, kinh Thị Pháp Phi Pháp, kinh Ðại Nhân, kinh Khổ Ấm, kinh Ðạt Phạm Hạnh, kinh Cù-đàm-di Ký Quả, kinh Hành Dục, kinh Hàng Ma, kinh Tu-đạt-đa, kinh Anh Vũ (Nghiệp Báo Sai Biệt), Bát Nhã Tâm Kinh, kinh Trì Trai, kinh Ái Sinh, kinh Tà Kiến, kinh Tiễn Dụ,

- Kinh Tăng Nhất A-hàm gồm 51 tập, gom góp các kinh về pháp số từ 1 pháp đến 11 pháp, nên gọi là Tăng Nhất. Trong đó có: kinh A-la-hán, kinh Tứ Nhân Xuất Hiện Thế Gian, kinh Ba-tư-nặc Vương Thái Hậu Băng Trần Thổ Ðộn Thân, kinh Cấp Cô Trưởng Giả Nữ Ðắc Ðộ Nhân Duyên, kinh Thí Thực Hoạch Ngũ Phước Báo, kinh Ương-quật-ma, kinh Lực Sĩ Di Sơn, kinh Vị Tằng Hữu Pháp, kinh Xá-lợi-phất Ma-ha Mục-liên Du Tứ Cù, kinh Thất Phật Phụ Mẫu Tánh Tự, kinh Phóng Ngưu, kinh Ngọc Da Nữ, kinh Ðại-ái-đạo Bát-niết-bàn, kinh Phật Mẫu Bát-nê-hoàn, kinh Xá-Vệ Quốc Vương Thập Mộng.

- Kinh Tạp A-hàm gồm 50 tập, gom góp những kinh ngắn lẫn lộn với nhau. Trong đó có: kinh số 3 Tam Pháp Ấn, kinh số 10 Ngũ Ấm, kinh số 15 Chuyển Pháp Luân, kinh số 28 Bát Chánh Ðạo, kinh số 38 Ương-quật-ma, kinh số 41 Nguyệt Dụ, kinh số 45 Giải Hạ, kinh số 46 Ba-tư-nặc Vương Thái Hậu Băng Trần Thổ Ðộn Thân, kinh số 47 Phóng Ngưu.

3. Phương-Ðẳng (Vaipulya): Phật thuyết kinh Phương-Ðẳng (còn gọi là Phương-Quảng), như các kinh Ðại Bảo Tích, Lăng-Nghiêm, Kim-Cang... trong 8 năm, nói về tánh bình đẳng của các pháp.

4. Bát-Nhã (Prajna): Phật thuyết kinh Bát-Nhã  trong 22 năm, nói về tánh không của các pháp.

5. Pháp-Hoa (Saddharma-pundarika), Niết-Bàn (Parinirvana): Sau cùng Phật thuyết kinh Pháp-Hoa và Niết-Bàn trong 8 năm, nói về Phật tánh của tất cả chúng sanh, cảnh giới Niết-bàn, đính chánh ý nghĩa những đoạn kinh thường bị hiểu sai, và nói về lúc Phật sắp nhập Niết-bàn. 

B- Phân loại theo thể văn trong kinh, bằng bài kệ "Thập nhị bộ kinh" (Dvadasanga-buddha-vacana) sau đây:

"Trường-Hàng, Trùng-Tụng, kiêm Cô-Khởi,

"Nhân-Duyên, Thí-Dụ, cập Tự-Thuyết,

"Bổn-Sự, Bổn-Sanh, Vị-Tằng-Hữu,

"Phương-Quảng, Luận-Nghị, cập Ký-Việc.

Nghĩa là theo văn thể thì có 12 bộ (loại) kinh như sau:

1. Trường Hàng (Sutra): thuộc loại văn xuôi, gồm các Khế kinh.

2. Trùng Tụng (Geya):thuộc loại văn vần, kệ tụng tóm lược phần văn xuôi cho dễ nhớ.

3. Cô Khởi Kệ (Gatha): thuộc loại văn vần, kệ ghi trực tiếp lời Phật dạy, không phải để tóm lược phần văn xuôi ở trước.

4. Nhân Duyên (Nidana): nêu lên duyên khởi các kinh hay các điều luật của Phật.

5. Thí Dụ (Avadana): Phật kể lại chuyện đời trước của các đệ tử, thánh nhân ... để làm thí dụ.

6. Tự Thuyết (Udana): tự ý Phật nói kinh trong những trường hợp đặc biệt, không vì có người thưa hỏi.

7. Bổn Sự (Itivuttaka): Phật kể lại những hạnh nguyện, việc làm của Phật trong các đời trước.

8. Bổn Sanh (Jataka): Còn gọi là Túc Sanh Truyện. Phật tự thuật các đời trước của mình để làm gương.

9. Vị-Tằng-Hữu (Abbhuta-dharma): kinh ghi lại những việc thần bí, hy hữu, không thể nghĩ bàn về đức Phật.

10. Phương Quảng (Vaipulya): kinh giảng nói giáo nghĩa rộng lớn sâu xa.

11. Luận Nghị (Upadesa): thảo luận, lý luận, vấn đáp để làm sáng tỏ ý nghĩa một vấn đề.

12. Ký Việc hay Thọ Ký (Vyakarana): nói trước những việc sẽ xảy ra về sau để làm tăng đức tin nơi các đệ tử.

Tạng Kinh đầy đủ nhất của Bắc tông hiện nay là bộ "Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh" của Trung-Hoa.

 

Tạng Luận (Abhidhamma Pitaka) 

Tạng Luận hay Vi Diệu Pháp là tinh hoa của Phật Giáo. Tạng Kinh chứa đựng những lời dạy thông thường (vohara desana), còn tạng Luận gồm các giáo lý cùng tột (paramattha desana) của đạo Phật, nhằm biện luận, phân tích, xếp loại các hiện tượng về tâm lý, vũ trụ và siêu hình trong đạo Phật cho người tu học dễ hiểu ý nghĩa thâm sâu của giáo lý.

Ðối với một vài học giả, Vi Diệu Pháp không phải do đức Phật giảng mà do các đại sư uyên bác khởi thảo về sau, khoảng đầu thời kỳ tượng pháp (Khoảng 500 năm sau khi Phật nhập niết-bàn). Tuy nhiên, ai cũng phải nhìn nhận rằng chính đức Phật đã dạy phần chánh yếu của tạng này. Những đoạn gọi là Matika hay Nòng Cốt Nguyên Thủy của giáo lý cao thượng này như thiện pháp (kusala dhamma), bất thiện pháp (akusala dhamma) và bất định pháp (abyakata dhamma) trong 6 tập của tạng Luận, trừ tập Kathavatthu, đều do đức Phật dạy. Ngài Sariputta được danh dự lãnh trọng trách giải thích sâu vào chi tiết, và ngài Mahakassapa trùng tuyên lại trong kỳ kiết tập kinh điển lần thứ nhất. Dù tác giả là ai, chắc chắn Tạng Luận cũng là công trình sáng tạo của một bộ óc kỳ tài, chỉ có thể so sánh với một vị Phật. Tập Patthana Pakarana, vừa phức tạp vừa tế nhị, diễn tả mối tương quan nhân quả với đầy đủ chi tiết. Vi Diệu Pháp phân tích và trình bày đầy đủ chi tiết về sắc, thọ, tưởng, hành, thức để giúp chúng ta hiểu rõ con người, và hướng dẫn chúng ta đến sự thành đạt mục tiêu tối hậu của sự tu tập là giác ngộ và giải thoát.

Hầu hết các học giả Phật Giáo đều xác nhận rằng muốn thông hiểu giáo lý của đức Phật phải có kiến thức về Tạng Luận, vì đó là chìa khóa mở cửa vào tri kiến Phật.

 

Tạng Luận Pali của Nam tông gồm có 7 bộ:

1. Dhamma-sanghani, liệt kê các pháp (dhamma, sự vật) hợp thành vũ trụ.

2. Vibhanga, xác định và phân loại các pháp (dhamma).

3. Dhatu-katha, liệt kê và nói về tương quan giữa các yếu tố trong vũ trụ.

4. Puggala-pannatti, phân tích và mô tả về những cá tính con người.

5. Katha-vatthu, của Moggalliputta Tissa, nêu lên những điểm tranh luận, và bác bỏ các lập luận ngoại đạo.

6. Yamaka, nói về những "cặp đôi". Phân tích tâm lý cho thấy tính cách đối đãi trong tư tưởng con người.

7. Patthana, nói về nhân quả tương quan giữa các hiện tượng.

 

Tạng Luận Sanscrit của Bắc tông đầu tiên do trường phái Sarvastivadin (Nhất Thiết Hữu Bộ) cũng gồm có 7 bộ:

1. Jnanaprasthana của Katyayanaputra (Kaccanaputta): Phát Trí Luận.

2. Prakaranapada của Vasumitra: Phẩm Loại Túc Luận.

3. Vijnanakaya của Devasarman: Thức Thân Túc Luận.

4. Dharmaskandha của Sariputta: Pháp Uẩn Túc Luận.

5. Prajnaptisastra của Moggallana:Bát-nhã Ðăng Luận.

6. Dhatukaya của Purana (hay của Vasumitra): Giới Thân Túc Luận.

7. Sangitiparyaya của Mahakausthila (Mahakotthila): Tập Dị Môn Túc Luận.

Vào năm -200, dưới triều vua Kaniska, tại xứ Kasmira, Tổ thứ 12 là Asvaghosa soạn ra bộ Mahavibhasa (Ðại Tỳ-bà-sa), còn gọi là Abhidharma mahavibhasa-sastra (A-tỳ-đạt-ma đại tỳ-bà-sa luận) gồm 100.000 bài kệ đúc kết cả 7 bộ luận của phái Sarvastivadin (Nhất Thiết Hữu Bộ).

Hiện nay, trong Ðại Tạng Kinh Trung-hoa có 158 bộ luận, trong Ðại Tạng Kinh Tây-tạng có 817 bộ luận.

 



[1] Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 166.

[2] Theo The Life of Buddha as Legend and History, trang 167, thì trong kỳ kiết tập kinh điển đầu tiên không có đề cập đến tạng Luận (Abhidhamma) riêng biệt.

[3] Bạt-kỳ-tử (Vajjiputta) là nhóm tỳ kheo trẻ ở xứ Bạt-kỳ (Vajji).

[4] Yết-ma: Các Phật sự có liên quan đến giới luật như thọ giới, sám hối, kiết giới ...

[5] Aluvihara là một ấp nhỏ của Tích-Lan, cách Kandy độ 30 km.

[6] Xứ Kasmira (Cachemire) hiện nay là vùng biên giới giữa 3 xứ Ấn-độ, Pakistan và Trung-Hoa.

[7] Theo Từ-Ðiển Phật-Học Huệ-Quang thì kỳ kiết tập này do Tổ Vasumitra và Parsva chủ tọa, nhưng xét về thời gian thì không đúng.

[8] Xem Ðức Phật Và Phật Pháp của Hòa thượng Narada, trang 239-247; The Life of Buddha as Legend and History của Edward J Thomas, trang 257-277.

[9] Sám hối: Sám (ksama) là nhẫn nhịn, mong được tha tội; Hối (apatti-pratidesana) là tự nói ra đầy đủ tội trạng của mình để không tái phạm nữa.

[10] Kinh này là phẩm số 10 của kinh Phạm-Võng (Bramajala sutra) mà đức Phật đã thuyết ngay sau khi thành đạo dưới cội Bồ-đề, trước khi ngài thuyết kinh Hoa-Nghiêm. Không nên lầm với kinh Phạm-Ðộng hay kinh Phạm-Võng Lục Thập Nhị Kiến trong Trường A-hàm 14 hay Digha-nikaya 1.

[11] Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 257-275.

[12] Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 271.

[13] Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 272.

[14] Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 272-275.

[15] Theo bài kệ này thì đức Phật đã thuyết pháp trong 50 năm. Cũng có thuyết cho rằng Phật xuất gia năm 19 tuổi và thành đạo năm 25 tuổi. Nhưng theo soạn giả,  các thuyết đó không đúng. Căn cứ vào bài kệ "Ngũ thời thuyết pháp", ta nên nghĩ rằng giữa 2 thời có thể có một khoảng thời gian chuyển tiếp, trong đó 2 thời chồng lên nhau. Hội Phật Giáo Thế Giới đã xác nhận Phật thành đạo năm 35 tuổi và nhập diệt năm 80 tuổi; như vậy Phật chỉ thuyết pháp trong 45 năm.

 

---o0o---

 

Mục Lục > 01 > 02 > 03 > 04 > 05 > 06 > 07 > 08 > 09  > 10

11 > 12  > 13 > 14 > 15  > 16 > 17 > 18 > 19> 20

 

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 8-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

lời khuyên quý báu cho những người đã bai hoc tu cau be tat nguyen Hồi ức một quận chúa Kỳ 1 Mối nằm nham ÄÆ 出家人戒律 Tin hieu ro hon ve chanh tin va me tin trong phat giao doan Quan niệm Phật giáo về thiên ngon ngu cua thien va thi ca phan 2 çŠ bai phong van thien su thich nhat hanh chan dong chua kim ngan buông bỏ không có nghĩa là từ bỏ CÃn Viêm xoang kìm nén được nó lại là bản sự suy nghiem loi phat cay ruong Tuyến giáp Tiền Giang Tưởng niệm 2 năm ngày HT Thần đèn Tư Lũy đã ra đi Mục vai diem tuong dong va khac biet trong bo thi giua tuoi tre song trong giay phut hien tai viết cho hơi thở Kinh Đại báo phụ mẫu ân trọng Vài suy nghĩ nhân đọc tạng kinh phan lam con hay hieu thuan kip thoi giá trị của việc ở sạch Vài nét về sơ tổ sáng lập dòng ki tich luon duoc tao ra boi nhung con nguoi co 泰卦 tan man mot kiep nguoi Sơ lược tiểu sử Ni trưởng Thích Nữ tấm thăm quan bảy ngôi chùa độc đáo ở ç mật Bí quyết giảm nguy cơ đột quỵ lần Æ Vì sao nên ăn rau cải xoăn thi盻 Có thể ngăn ngừa chứng mất trí những điều trẻ cần được dạy từ Bổ chua khai doan Bắt Hãy về bên mẹ บทสวดพาห งมหากา Giận PhÃÆp hiện thực của chiến tranh Mùng 1 Tết Nhà hàng chay Hoan Hỷ 真言宗金毘羅権現法要 tam nguyen gioi dan tay nguyen Phật giáo sam hoi Ho Thá ƒ chung cuộc vợ tam kinh va tinh khong phong sanh dai su an thuan