Sự tích Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni

(Theo bản hiệu-chính ngày 21/05/2005) 

Soạn giả: Minh-Thiện Trần-Hữu-Danh

Với sự khuyến khích và giúp đỡ của hiền nội: 

Diệu-Xuân Nguyễn-thị Bạch-Mai

---o0o---

 

Phần 6

 

H- TỪ hẠ thỨ 6 ÐẾn hẠ thỨ 20

 

Ðây là thời kỳ tu chỉnh và hoàn bị Giáo-Hội Tăng-Già bằng cách thành lập nhiều tinh-xá tu học cho tăng ni, đặt ra các điều luật và thành lập Giới Bổn, giảng dạy giáo lý căn bản về Tứ Diệu Ðế, 12 Nhân Duyên, bổn phận và trách nhiệm của người cư sĩ tại gia, cách sống hạnh phúc ngay hiện đời này.

 

1- Hạ thứ 6 tại Jetavana (năm -584

Theo quyển The Buddha and his Teachings của Narada thì Phật nhập hạ thứ 6 tại đồi Mankula, gần thủ đô Kosambi[1] của xứ Vatsa. Trong hạ này đức Phật dùng thần thông Yamaka Patihariya bay lên không trung, biến ra nhiều thân, mỗi thân đều ngồi trên hoa sen ngàn cánh, có lửa và nước đồng thời từ các lỗ chơn lông phún ra, để khắc phục ngoại đạo. Ðây là lần thứ hai. Lần thứ nhứt Phật cũng dùng thần thông này tại Kapilavastu để trừ tánh ngã mạn của các hoàng thân Sakya.

Theo quyển Buddha and the Gospel of Buddhism của Ananda K. Coomaraswamy thì Phật nhập hạ thứ 6 tại Jetavana ở thủ đô Sravasti.

 

Phật độ bà Khema ở Rajagriha[2] 

Ðức Phật từ Vesali đến Rajagriha (Vương xá) độ bà Khema, thứ hậu của vua Bimbisara. Bà Khema rất đẹp, rất thông minh, nhưng lại rất tự phụ về sắc đẹp của mình. Vì nghe nói Phật dạy mọi người không nên quý trọng sắc đẹp nên bà không bao giờ đến nghe Phật thuyết pháp. Một hôm, vua Bimbisara bày mưu đưa bà đến nghe Phật thuyết pháp tại tinh xá Venuvana. Trong khi đang thuyết pháp, đức Phật dùng thần thông cho bà thấy một thiên nữ tuyệt đẹp đang đứng hầu quạt cho Phật. Bà Khema như bị thôi miên bởi sắc đẹp của thiên nữ, bà không để ý gì đến lời nói của Phật, bà cảm thấy thiên nữ này còn đẹp hơn mình gắp bội. Nhưng được một lúc, bà lại thấy thiên nữ này từ từ biến dạng từ sắc đẹp tươi mát của tuổi trẻ đến vẻ đẹp sắc sảo của tuổi trung niên, rồi lần hồi già nua xấu xí, rồi bổng ngã xuống chết, thịt xương rục rã. Bà Khema giật mình hoảng sợ liền quỳ xuống hỏi Phật về hiện tượng kỳ lạ này. Ðức Phật nói:

- Này Khema, bà không nên nghĩ rằng sắc đẹp của bà là chắc thật, còn mãi. Bà cũng không nên nghĩ rằng điều bà vừa nhìn thấy chỉ là ảo ảnh. Trái lại, sắc đẹp của bà chỉ là ảo ảnh biến dạng từng giờ từng phút, nay còn mai mất; trong khi đó sanh già bệnh chết mới là điều chắc thật, không ai tránh khỏi.

Rồi đức Phật nhân đó giảng cho bà nghe về vô thường, vô ngã và Tứ Diệu Ðế. Nghe xong, bà liền đắc quả Tu-đà-hoàn, xin được xuất gia. Ít lâu sau, bà đắc quả A-la-hán và trở thành một tỳ-kheo-ni xuất sắc trong Giáo hội.

 

Ðại đức Pindola Bharadvaja biểu diễn thần thông[3]  

Trong lúc Phật còn ở tại Rajagriha, có một thương gia giàu có mướn thợ khéo dùng khúc gỗ chiên đàn đỏ thật quý của mình tiện thành một bình bát rất đẹp. Ông treo bình bát này lên một ngọn tre cao cắm trên nóc nhà, rồi tuyên bố:

- Nếu có vị nào ở thế gian này là A-la-hán, xin hãy bay lên lấy cái bát này xuống mà dùng

Ông làm như thế vì ông không tin có ai thật sự là A-la-hán, và ông cũng mong được gặp một vị A-la-hán thật sự để chiêm báy, tôn làm sư phụ. Các ngoại đạo sư thấy thế bảo:

- Không nên làm như thế. Hãy đem cái bát ấy xuống đây cho tôi dùng.

- Xin ngài hãy bay lên đó lấy xuống mà dùng.

Ðến ngày thứ sáu, ngoại đạo sư Nathaputta bảo các đệ tử:

- Các ngươi hãy bảo nhà trưởng giả đó như vầy Cái bát đó đúng là vật nên trao cho sư phụ chúng tôi dùng. Không nên bảo sư phụ chúng tôi bay lên đó để lấy một vật không xứng đáng như thế. Hãy trao cái bát đó cho chúng tôi.

- Vị nào bay lên đó được thì cái bát thuộc về người ấy.

Nathaputta lại bảo các đệ tử:

- Ta sẽ đưa tay chân như sắp bay lên, nhưng các ngươi phải chạy đến ôm ta đè xuống đất, rồi nói như vầy Sư phụ làm gì thế? Không nên biểu lộ thần thông của bậc A-la-hán cho nhiều người thấy chỉ vì một cái chén gỗ như thế.

Rồi Nathaputta đến nói với ông trưởng giả:

- Này ông trường giả, hãy trao cái bát ấy cho tôi. Ðừng bảo tôi phải bay lên để lấy một vật không xứng đáng gì hết.

- Xin ngài hãy bay lên đó mà lấy.

- Thôi được, này các đệ tử, hãy ra đây xem ta bay lên lấy bát đây!

Nói xong, Nathaputta đưa tay lên trời như định bay lên. Các đệ tử vội chạy đến ôm ông ta, đè xuống đất, la lớn:

- Sư phụ, sư phụ, làm gì thế? Không nên biểu lộ thần thông của bậc A-la-hán cho nhiều người thấy chỉ vì một cái chén gỗ như thế.

Ông Nathaputta đứng lên nói với ông trưởng giả:

- Này ông trưởng giả, các đệ tử của tôi không cho tôi bay lên. Vậy ông hãy lấy cái bát xuống trao cho tôi đi.

- Xin ngài hãy bay lên đó mà lấy.

Ðến ngày thứ bảy, ông trưởng giả đứng nhìn cái bát, nói với những người xung quanh:

- Ðến hôm nay tôi biết chắc rằng ở thế gian này không có ai là A-la-hán cả.

Trong lúc đó đại đức Moggallana và đại đức Pindola Bharadvaja đang đi khất thực qua đó, nghe được. Ðại đức Moggallana bảo:

- Này Pindola, sư huynh hãy bay lên lấy cái bác đó xuống đi, để cho họ thấy rằng trong hàng đệ tử Phật cũng có nhiều vị A-la-hán.

- Sư huynh là bậc thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử Phật. Vậy sư huynh hãy bay lên lấy cái bát đó đi. Tôi sẽ bay theo yểm trợ.

- Không cần. Sư huynh bay lên lấy một mình được rồi. Bay lên đi!

Ðại đức Pindola liền nhập định Thần Thông, cất mình lên không trung, bay bảy vòng xung quanh thành Rajagriha cho mọi người nhìn thấy, rồi bay đến nóc nhà ông trưởng giả, lấy cái bát bằng gỗ chiên đàn đỏ đang treo trên ngọn tre, đáp xuống sân trước nhà. Ông trưởng giả sụp xuống lạy lia lịa, rồi bảo gia nhân mang thức ăn quý giá ra cúng dường vào bát của đại đức Pindola và đại đức Moggallana. Hai đại đức im lặng, từ tốn, đi trở về tinh xá Jetavana. Dân chúng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.

Chiều hôm đó đức Phật gọi đại đức Pindola đến quở:

- Này Bharadvaja, sự phô trương thần thông của thầy không làm cho người ngoại đạo hiểu Chánh Pháp, cũng không lợi ích gì cho người đang tu học Giải Thoát. Từ nay, ngoài thần thông thuyết pháp, các thầy không được biểu diễn thần thông trước công chúng một cách vô ích như thế nữa và cũng không được dùng bát bằng gỗ.

Nói xong Phật bảo đập vỡ cái bát gỗ chiên đàn đỏ ra dùng làm gỗ trầm hương.

Các ngoại đạo nghe được tin này, tuyên truyền với dân chúng:

- Ðệ tử của Gotama bay lên lấy bát là làm tầm bậy nên bị thầy quở là phải. Ðó là lý do vì sao chúng tôi đã từ chối không làm việc ấy. Chúng tôi chỉ biểu diễn thần thông trong trường hợp sa môn Gotama dám đứng ra so tài với chúng tôi thôi. Nhưng chắc ông ta không dám đâu.

Vua Bimbisara nghe được chuyện này, đến hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn, có phải ngài cấm các đệ tử biểu diễn thần thông không?

- Thưa Ðại Vương, đúng vậy.

- Vậy Thế Tôn nghĩ sao khi các ngoại đạo thách Thế Tôn so tài thần thông với họ?

- Nếu họ muốn so tài thần thông, tôi sẽ không từ chối.

- Như vậy Thế Tôn không tôn trọng giới điều mà Thế Tôn đã lập ra cho các đệ tử sao?

- Thưa Ðại Vương, tôi xin hỏi Ðại Vương như vầy: Ðại Vương có một vườn xoài. Ðại Vương ra lệnh cấm không cho dân chúng vào đó hái xoài ăn. Vậy Ðại Vương có vào đó hái xoài ăn không?

- Tôi được quyền ăn xoài trong vườn của tôi, nhưng người khác không được quyền ăn.

- Cũng thế, thưa Ðại Vương, tôi được quyền biểu diễn thần thông nhưng các đệ tử tôi không được làm việc này.

- Vậy Thế Tôn định chừng nào sẽ biểu diễn thần thông và tại đâu?

- Thưa Ðại Vương tôi sẽ biểu diễn thần thông vào ngày trăng tròn tháng Asalhi, tức còn bốn tháng nữa, gần Sravasti, nơi cây xoài Ganda.

 

Ðức Phật biểu diễn đại thần thông tại Sravasti[4]  

Sau đó đức Phật đến Sravasti nhập hạ thứ 6 tại Jetavana.

Nhắc lại khi lục sư ngoại đạo tại Rajagriha mất lần đồ chúng và sự ủng hộ của vua Bimbisara. Họ kéo nhau đến thủ đô Sravasti, mong tìm được sự ủng hộ nhiệt thành của vua Pasenadi và dân chúng xứ Kosala. Nhưng năm nay Phật cũng đến Sravasti nhập hạ tại tinh xá Jetavana. Lục sư ngoại đạo vào triều kiến vua Pasenadi, bài bác giáo pháp của Phật và thách thức Phật thi đua thần thông. Họ nghĩ rằng Phật đã cấm đệ tử biểu diễn thần thông trước công chúng thì chắc ngài sẽ không nhận thi đua. Mặt khác, họ cho người đi nhổ hết những cây xoài lớn nhỏ ở xung quanh thủ đô Sravasti ném vào rừng. Họ nghĩ rằng đức Phật đã nói sẽ biểu diễn thần thông dưới gốc cây xoài Ganda thì ngài không thể biểu diễn thần thông nơi nào không có cây xoài.

Ðến ngày trăng tròn tháng Asalhi, ông Ganda, người giữ vườn của vua Pasenadi lượm được một trái xoài to lớn chín mùi rất thơm ngon. Ông định đem trái xoài đó dâng cho vua. Nhưng ông nghĩ: Nếu dâng trái xoài này cho vua thì chỉ có thể được vua thưởng từ 8 đến 16 quan tiền chỉ đủ sống vài tháng là cùng, chi bằng mang đến cúng dường Phật thì có thể được phước báo vô lượng trong đời này và cả đời sau nữa. Ông Ganda bèn cầm trái xoài đi về hướng tinh xá Jetavana. Nhưng nửa đường thì gặp Phật. Ông bèn bước đến đảnh lễ rổi dâng trái xoài cho Phật. Ðức Phật đưa bát ra nhận rồi trao lại cho đại đức Ananda. Ðại đức Ananda lột vỏ rồi vắt nước xoài vào bát cho Phật dùng. Ðức Phật bảo ông Ganda:

- Này Ganda, ông hãy đào đất và trồng cái hột xoài này ngay tại đây.

Khi ông Ganda trồng hột xoài vừa xong, đức Phật dùng nước rửa tay ngay trên chỗ trồng hột xoài. Tức thì một cây xoài mộc lên, thân cây chẳng mấy chốc to bằng bắp chân, chia làm 5 nhánh, một nhánh thẳng đứng ở giữa và bốn nhánh ở bốn phía, rồi trổ hoa trái đầy cành, trái chín vô cùng thơm ngon. Vua Pasenadi được báo tin liền cho quân lính đến canh giữ cây xoài đó, và đặt tên cho cây xoài đó là cây xoài Ganda. Ðức Phật bảo cho mọi người biết chiều hôm sau ngài sẽ thị hiện thần thông nơi đây.

Ðược tin này, tối hôm đó các ngoại đạo sư từng tuyên bố sẽ thi đua thần thông với Phật đều tìm cách rút lui êm, rời khỏi Sravasti. Chẳng may đạo sư Purana Kassapa gặp một tín đồ trung thành của mình hỏi:

- Thưa đạo sư, thầy đi đâu đó, con mong ngày mai được xem thầy so tài thần thông với sa-môn Gotama tại cây xoài Ganda.

- Ta có việc phải đi gắp. Rất tiếc ta không thể dự cuộc thi tài đó được.

- Ủa! Thầy đã từng tuyên bố sẽ thi đua thần thông với sa-môn Gotama mà, bây giờ thầy lại định trốn tránh sao?

- Ta có việc cần phải đi gắp. Ngươi muốn xem biểu diễn thần thông thì cứ đến đó mà xem.

Nói xong ngoại đạo sư Purana Kassapa xấu hổ bỏ đi, rồi nhảy xuống sông tự tử.

Chiều ngày hôm sau, đức Phật tạo một đường kinh hành bằng ngọc (cầu vòng năm màu) trên không trung, từ đông sang tây. Dân chúng thấy lạ đổ xô ra đường đứng xem đông vô số. Khi đức Phật vừa bước ra thì có một tín nữ tên Gharani, một thiện nam tên Culla Anathapindika, một sa-di-ni vừa mới bảy tuổi tên Cira, sa-di Cunda, sư cô Uppalavanna và đại đức Moggallana lần lượt bước đến xin biểu diễn thần thông thay Phật, nhưng Phật đều từ chối. Ðức Phật nói:

- Này Moggallana, này quý vị, đây không phải là việc của quý vị. Ðây là trách nhiệm nặng nề của Như Lai, Như Lai phải làm cho trọn vẹn. Không ai có thể lảnh trách nhiệm nặng nề này thay thế Như Lai được.

Nói xong, đức Phật bước lên cầu vòng, đi tới đi lui thuyết pháp, khắp thân mình và thất khiếu vừa phun ra lửa vừa phun ra nước, làm tỏa ra ánh sáng sáu màu chiếu đến cõi trời Phạm Thiên. Ðồng thời một hóa thân Phật cũng xuất hiện trên cầu vòng, hoặc đi, hoặc đứng, hoặc nằm, hoặc ngồi, khi thì hỏi, khi thì đáp, cùng với Phật vừa thể hiện thần thông vừa thuyết giảng Chánh Pháp cho công chúng nghe. Nghe xong một số đông người đắc quả Tu-đà-hoàn (Dự-lưu).

Dân chúng Sravasti được chứng kiến một cảnh tượng không thể nghĩ bàn. Hiện nay có tháp Gandhabba Rukkamula, gần Jetavana, kỷ niệm nơi này.

Sau khi thực hiện thần thông Yamaka Patihariya tại Sravasti, đức Phật đi một mình đến làng Samkassa, thuộc vùng thượng lưu sông Ganga, ẩn cư nhập hạ.

 

2- Hạ thứ 7 tại làng Samkassa (năm -583

Năm 583 trước tây lịch, Phật được 41 tuổi. Vào mùa an cư, ngài ở ẩn ba tháng trên núi gần làng Samkassa (Sankissa), thuộc vùng thượng lưu sông Ganga.

 

Ðức Phật thuyết pháp tại cung trời Ðao-Lợi[5] 

Trong thời gian ẩn cư trong vùng núi Samkassa, đức Phật lên cung trời Ðao-Lợi (Tavatimsa) thuyết Vi-diệu-pháp (Abhidhamma) cho thiên chúng và bà Maha Maya nghe. Các vị khất sĩ không biết Phật hiện đang ở đâu, đến hỏi đại đức Moggallana. Ðại đức Moggallana tuy biết nhưng bảo đến hỏi đại đức Anuruddha. Ðại đức Anuruddha nói:

- Ðức Thế Tôn hiện đang ngự trên ngai vàng dưới cây San-hô ở cung trời Ðao-Lợi, thuyết Vi-diệu-pháp cho thiên chúng và mẹ ngài là bà Maha Maya nghe.

- Chừng nào ngài sẽ trở về với chúng ta?

- Sau khi mãn hạ.

Trong khi đó, ở cung trời Ðao-Lợi, đức Phật ngồi trên ngai vàng dưới cây San-hô, bên tay phải có thánh mẫu Maha Maya và Yakkha Indaka, bên tay trái có Ankura, xung quanh có vô số thiên chúng từ mười phương tựu đến nghe pháp. Indaka và Ankura vừa được tái sanh đến trời Ðao-Lợi không bao lâu. Ðức Phật bắt đầu chỉ cách cúng dường như thế nào để được nhiều phước báo. Ðức Phật nói:

- Này Ankura, ông Indaka chỉ cúng dường một muỗng thức ăn của mình cho đại đức Anuruddha mà được tái sanh về trời Ðao-Lợi, trong khi đó ông bố thí vô số thực phẩm trong mười ngàn năm và gần đây cúng dường rất nhiều cho Giáo Ðoàn Khất Sĩ mới được tái sanh về trời Ðao-Lợi. Tại sao vậy?

Ví như người nông dân gieo giống phải chọn đất tốt mới thu hoạch được nhiều hoa lợi. Còn ông, vì không biết chọn người để cúng dường nên việc cúng dường của ông không được nhiều lợi lạc.

Rồi đức Phật nói kệ:

Làm nông dân gieo giống

Nên chọn đất phì nhiêu.

Làm thiện tín cúng dường

Nên chọn người hiền đức.

 

Cỏ dại hại ruộng đất,

Tham sân si hại người.

Cúng dường bậc thánh nhân,

Sẽ được nhiều quả tốt. (Kinh Pháp Cú, bài 356, 357, 358, 359)

Sau đó đức Phật giảng Vi-diệu-pháp (Abhidhamma) và nói kinh Ðịa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện cho thiên chúng và thánh mẫu Maha Maya nghe liên tục trong ba tháng. Khi đức Phật nghỉ mệt hoặc thọ thực thì có Hóa Thân Phật thay thế thuyết pháp. Sau khi nghe pháp, thánh mẫu Maya đắc quả Tu-đà-hoàn (Sotapanna). Mỗi ngày đại đức Sariputta lên trời Ðao-Lợi nghe Phật thuyết pháp, rồi trở về địa cầu tóm tắt bài pháp cho ngài Maha Kassapa và đại chúng nghe. Về sau, trong kỳ kiết tập kinh điển lần thứ nhứt, chính ngài Maha Kassapa đã tuyên đọc lại Vi-diệu-pháp làm thành Tạng Luận gồm bảy tập, còn lưu truyền đến ngày nay.

Sau ba tháng, khi đức Phật từ cung trời Ðao-Lợi (Tavatimsa) trở về làng Samkassa thì có vua trời Brahma (Phạm-Thiên) bên phải, vua trời Sakka Indra (Ðế-Thích) bên trái, tiển đưa ngài xuống bằng ba cầu thang báu bằng vàng, bằng bạc và bằng thất bảo, từ đỉnh núi Tu-di (Sineru) đến cổng làng Samkassa. Có vô số chư thiên rải hoa tấu nhạc cúng dường. Về đến cổng làng Samkassa có đại đức Moggallana, sư cô Uppalavanna là hai đệ tử thần thông đệ nhất đến trước, đại đức Sariputta và đông đão các vị khất sĩ khác đến sau đón tiếp Phật.

Sư cô Uppalavanna vui mừng bước đến đảnh lễ Phật và nói:

- Bạch Thế Tôn, đệ tử là Uppalavanna, người đầu tiên đến nghinh đón Thế Tôn, xin Thế Tôn chứng minh cho.

Ðức Phật mỉm cười nói:

- Này Uppalavanna, người nghinh đón Như Lai trước nhất chẳng phải là sư cô đâu.

Uppalavanna lấy làm lạ hỏi:

- Bạch Thế Tôn, nếu chẳng phải con vậy là ai?

Ðức Phật nhìn các đệ tử, ôn tồn nói:

- Cám ơn quý vị khất sĩ đã từ xa xôi đến đây tiếp đón Như-Lai, nhưng người gặp Như-Lai trước nhất chính là Subhuti (Tu Bồ Ðề). Thầy Subhuti hiện đang quán Tánh Không của các pháp và thực hành Tâm Không trong hang núi ở Griddhakuta, do đó thầy mới là người thấy Phật trước nhất.

Vào thế kỷ thứ ba trước tây lịch, vua Asoka có dựng một trụ đá kỷ niệm nơi Phật thị hiện thần thông Giáng Trần tại cổng làng Samkassa (Sankissa, Samkasya). Trên đầu trụ đá có tượng một con voi.

 

Pho tượng Phật đầu tiên 

Vì vắng mặt Phật quá lâu nên vua Udayana (Udena, Ưu-Ðiền) tại thủ đô Kosambi[6] (Kiều-thường-di), xứ Vatsa (Bạt-ta), buồn khổ sanh bệnh. Các quan đại thần thuê thợ điêu khắc giỏi dùng gỗ chiên đàn ở núi Ngưu-đầu khắc một tượng thật giống Phật, cao năm thước, dâng lên vua. Vua liền hết bệnh. Ðó là pho tượng Phật Thích-Ca Mâu-ni đầu tiên trong lịch sử[7]. Ðức Phật có thấy pho tượng này và tỏ lời ngợi khen công đức tạc tượng. Tương truyền về sau khuôn tượng Phật này có được truyền đến Trung-Hoa vào thời Tam Quốc, và sau đó cũng có truyền đến Nhật-Bản[8].

 

Làm sao trở thành Sakka, vua Trời Ðao-Lợi?[9] 

Ông Mahali[10], một vương tử Lichavi ở thủ đô Vesali, một hôm, nhân nghe Phật ca ngợi sự vẻ vang của vua Trời Ðao-Lợi là Sakka , bèn hỏi:

- Bạch Thế Tôn, ngài có quen biết hoặc có bao giờ gặp mặt vua Trời Ðao-Lợi là Sakka không?

- Này Mahali, dĩ nhiên Như Lai có gặp mặt và biết rõ về Sakka.

- Bạch Thế Tôn, do những phẩm hạnh và thiện nghiệp nào mà Sakka được trở thành vua Trời Ðao-Lợi?

- Này Mahali, trước khi tái sanh làm vua Trời Ðao-Lợi, Sakka là hoàng tử  Magha ở xứ Magadha, có biệt danh là Maghava. Hoàng tử Magha thường thực hành hạnh bố thí (pure danam adasi) nên có biệt danh là Purindada. Magha cũng thường xuyên cúng dường thực phẩm đều đặn (sakkaccham) cho chư tăng nên có biệt danh là Sakka. Magha cũng đã cúng dường một chổ ở (avasatham) nên có biệt danh là Vasava. Magha rất thông minh có thể nghĩ đến một nghìn việc (sahassam attham) cùng một lúc nên có biệt danh là Sahassakkha. Sakka có vợ là A-tu-la (Asura) tên Sujata nên có biệt danh là Sujampati. Sakka lãnh đạo chư thiên ở cung trời Ðao-Lợi (Tavatimsa) nên có biệt danh là Ðế Thích (Indra) hay Thích Ðề Hoàn Nhơn. Hoàng tử Magha nhờ đã hoàn thành bảy đại nguyện của mình nên sau khi mạng chung được tái sanh làm Sakka, vua trời Tavatimsa. Bảy đại nguyện đó là:

1.  Trong suốt đời này, tôi nguyện nuôi dưỡng cha mẹ tôi đầy đủ.

2.  Trong suốt đời này, tôi nguyện cung kính đối với tất cả các bậc trưởng thượng.

3.  Trong suốt đời này, tôi nguyện lúc nào cũng ăn nói hòa nhã dễ thương với tất cả mọi người.

4.  Trong suốt đời này, tôi nguyện không bao giờ nói xấu bất cứ ai.

5.  Trong suốt đời này, tôi nguyện sống đời cư sĩ với tấm lòng luôn luôn rộng rãi, vị tha, giúp đỡ mọi người.

6.  Trong suốt đời này, tôi nguyện luôn luôn nói lời chân thật.

7.  Trong suốt đời này, tôi nguyện không bao giờ hờn giận. Nếu lòng hờn giận có nổi lên, tôi sẽ mau mau dập tắt ngay.

Này Mahali, chính nhờ đã hoàn thành bảy đại nguyện trên mà hoàng tử Magha được tái sanh làm Sakka, vua trời Tavatimsa.

 

3- Hạ thứ 8 tại rừng Bhesakala (năm -582)

 

Ngoại đạo dùng cô Cinca vu cáo Phật[11] 

Ðức Phật từ Samkassa đến Sravasti, ngụ tại tinh xá Jetavana. Lục sư ngoại đạo di cư từ Rajagriha đến Sravasti lại bị mất mặt trong cuộc biểu diễn thần thông của Phật nơi cây xoài Ganda, lấy làm tức tối vì bị mất tín đồ, mất quyền lợi, tìm cách bôi nhọ uy tín Phật bằng cách tung ra những tin thất thiệt nói xấu Phật và Giáo đoàn khất sĩ. Vài vị khất sĩ đem những dư luận không tốt này trình lại với Phật để xin ngài có biện pháp đối phó. Ðức Phật an ủi: "Quý vị đừng phiền muộn về những lời đồn đãi đó. Những lời đồn đãi đó trước sau gì cũng sẽ im bặt."

Các ngoại đạo họp nhau với đạo-sư Ajita-Kesakambala lập mưu kế với một tín nữ tên Cinca Manavika (Chiên-già Ma-na), là một cô gái rất kiêu hảnh về sắc đẹp của mình, sai nàng lui tới tinh xá Jetavana cho mọi người quen mặt, rồi thỉnh thoảng lui tới lúc vắng người. Vào buổi chiều, lúc mọi người từ tinh xá Jetavana đi trở về Sravasti thì cô Cinca đi ngược lại từ Sravasti đến Jetavana. Có người hỏi cô đến Jetavana vào giờ này để làm gì? Cô đáp: Việc riêng của tôi, bà hỏi làm gì! Rồi lần lần cô dùng rơm độn bụng lên như có thai.

Một hôm, cô Cinca dùng một cái gáo bằng gỗ độn nơi bụng, dùng dây cột lại, mặc áo rộng bên ngoài, tới tinh xá Jetavana lúc Phật đang thuyết pháp trong giảng đường. Cô đến đứng trước mặt Phật, chỉ cái bụng mình rồi nói lớn:

- Này sa-môn Gotama, ông đừng dùng lời đạo đức dối gạt thiên hạ nữa. Chính tôi đã tin nơi lời đường mật của ông đến nỗi bụng mang dạ chửa như thế này. Ðến nay tôi sắp đến ngày sanh nở rồi mà ông vẫn chưa hề chăm sóc lo lắng gì cho tôi và đứa con của ông trong bụng tôi. Ông chỉ biết hưởng lạc thú rồi bỏ mặc mẹ con tôi như thế này cho thiên hạ chê cười! Tôi khổ lắm!

Nói đến đây cô Cinca giả bộ khóc lớn tiếng. Ðức Phật bình tĩnh lắng nghe, rồi ôn tồn đáp:

- Này Cinca, những điều cô vừa nói chẳng có chứng cớ gì đích xác. Chỉ có cô và tôi là biết sự thật mà thôi.

Vua trời Ðao-lợi là Sakka bỗng cảm thấy ghế ngồi của mình phát nóng, dùng thiên nhãn nhìn thấy Cinca Manavika đang vu cáo Phật, liền cùng bốn thiên nữ tức tốc hiện đến nơi để giải cứu. Bốn thiên nữ biến thành bốn con chuột nhỏ, cắn đứt dây làm cái gáo gỗ nơi bụng cô Cinca rơi xuống đất. Nhiều tiếng người la lớn:

- Con quỷ này dám đến đây vu cáo đức Thế Tôn!

Nhiều người xông đến đánh đập và lôi Cinca ra khỏi giảng đường, định mang đi giao cho nhà chức trách. Nhưng vừa ra khỏi cổng tinh xá thì đất dưới chân cô Cinca nứt làm hai, lửa bốc cháy thân cô, cô bị rơi vào điạ ngục A-tỳ, rồi mặt đất liền lại như cũ. Từ đó những lời đồn đãi nói xấu Phật im bặt.

 

Chuyện ông bà Nakula gọi Phật bằng con[12] 

Sau đó Phật nhập hạ thứ 8 tại tinh xá Anjanavana, cạnh rừng Bhesakala và tảng đá Sumsumara, gần thị trấn Saketa (Ayodhya). Một hôm, Phật vừa vào thành khất thực thì gặp ông Nakulapita. Vừa trông thấy Phật, ông ta liền chạy đến quỳ mọp xuống nắm chặc hai cườm chân Phật, thốt lên:

- Con! Con! Con ơi, sao con bỏ cha mẹ đi đâu lâu quá vậy con? Bãy lâu nay con ở đâu? Ðến bây giờ cha mới được gặp con đây. Con hãy theo cha về nhà thăm mẹ con đi.

Rồi ông Nakulapita đứng dậy, nắm tay dắt Phật về nhà ông, các vị khất sĩ cùng đi theo sau. Vừa vào đến nhà, bà Nakulamata đứng nhìn sửng sốt một hồi, rồi cũng vội vàng bước đến đảnh lễ Phật, vồn vã hỏi:

- Con ơi, bấy lâu nay con ở đâu mà không đến thăm cha mẹ? Cha mẹ nay đã già rồi, con đừng bỏ cha mẹ mà đi nữa nhé!

Rồi bà bảo các con trai và gái của bà:

- Các con hãy đến chào anh của các con đi.

Ông bà mời Phật và các vị khất sĩ ở lại độ ngọ trai tại nhà. Ông Nakulapita nói:

- Thưa Thế Tôn, từ nay mỗi ngày Thế Tôn cứ đến đây độ ngọ, khỏi đi đâu hết.

- Không được đâu đạo hữu, chư Phật không bao giờ thọ trai đều đặn ở một nơi.

- Vậy thì mỗi ngày Thế Tôn thọ trai ở đâu hãy cho chúng tôi biết để chúng tôi mang thức ăn đến đó cùng ăn chung với Thế Tôn cho vui.

Trước sự ngạc nhiên của các đệ tử, đức Phật giải thích: Ông Nakulapita và bà Nakulamata đã từng làm cha mẹ hoặc ông bà của ngài trong nhiều kiếp trước. Thọ trai xong, Phật thuyết pháp cho hai ông bà nghe. Nghe xong cả hai đều đắc quả Tu-đà-hoàn (Sotapanna). Sau đó cứ ngày nào Phật rổi rảnh, ông bà Nakula đều thỉnh Phật đến nhà cúng dường và nghe pháp, ít lâu sau cả hai đều đắc quả A-na-hàm. Ðức Phật đã có dịp nhắc lại rằng trong suốt 1500 kiếp trước hai ông bà luôn luôn khắng khít thương yêu nhau, chưa bao giờ làm hay nói điều gì mất lòng nhau, hai ông bà là người cư sĩ biết sống trong hạnh phúc và có niềm tin vững chắc nơi Tam Bảo.

Sau ba tháng hạ, cả hai ông bà Nakula đều đắc quả A-la-hán và nhập niết-bàn, được Phật chứng minh lễ trà tỳ rất chu đáo.

 

4- Hạ thứ 9 tại tinh-xá Ghosita, Kosambi (năm -581)

 

Tại thủ đô Kosambi, thuộc vương quốc Vatsa, nằm trên tả ngạn sông Yamuna, có một giám đốc ngân khố tên là Ghosaka dâng cúng rừng cây simsapa của ông để làm tinh xá Ghosita. Ngoài ra còn có ông giám đốc ngân khố tên Kukkuta cúng dường tinh xá Kukkuta, và ông giám đốc ngân khố tên Pavariya cúng dường tinh xá Pavariya[13].

 

 Bà Magandiya, thứ hậu vua Udayana, phỉ báng Phật[14]

Vài năm trước, ở Kosambi có một thiếu nữ xinh đẹp tên Magandiya sanh trưởng trong một gia đình Bà-la-môn. Cha mẹ cô rất hãnh diện về sắc đẹp tuyệt trần của cô, chỉ muốn gả cô cho một người thật xứng đáng. Một hôm đức Phật đến nơi vị Bà-la-môn đang cúng tế thần lửa ngoài trời. Nhìn thấy hình dáng tốt đẹp của đức Phật, ông nghĩ thầm rằng đây quả thật là người rể đông sàng mà ông hằng mong ước từ lâu. Ông liền ân cần thỉnh Phật ở nán lại chờ ông đi một chốc sẽ trở lại, rồi ông vội vã chạy về nhà kêu con gái. Lúc ấy đức Phật cố ý dẫm dấu chân trên mặt đất rồi đi sang một chỗ khác gần đó. Khi người Bà-la-môn dẫn vợ và cô con gái ăn mặc đẹp đẽ đến nơi thì chỉ nhìn thấy dấu chân Phật. Bà vợ, giỏi về khoa tướng số, biết rằng dấu chân này không phải của người tầm thường mà phải là của người rất thanh tịnh, đã tận diệt mọi dục vọng. Ông Bà-la-môn chế nhạo vợ hay tin bói toán, kế thấy đức Phật đứng cách đó không xa, ông bèn dẫn con gái đến đề nghị gả cho ngài. Ðức Phật muốn độ hai ông bà Bà-la-môn này nên thuật lại lúc ngài thành đạo và chiến thắng ba cô con gái của Ma Vương như thế nào, rồi ngài nói kệ:

- " Ðã nhận thấy Ái-Dục, Bất-Mãn và Tham-Vọng[15],

" Ta không thích thú gì trong dục lạc của ái tình.

" Thể xác chỉ là túi da chứa đầy nước tiểu và phẩn dơ,

" Ta không bao giờ muốn rờ đến nó, dù chỉ rờ bằng chân.

Nghe đến đây hai ông bà Bà-la-môn liền chứng quả A-na-hàm (Anagami). Nhưng cô Magandiya bị chạm tự ái, cho đó là lời sỉ nhục, nên lấy làm tức giận, cô nghĩ:

- Nếu người này không cần đến ta thì cứ nói thật ra. Tại sao ông ta lại nói thể xác ta đầy nước tiểu và phẩn dơ? Hay lắm, đến chừng ta có một người chồng danh giá ta sẽ có cách đối xử với sa-môn Gotama.

Ít lâu sau, hai ông bà Bà-la-môn giao cô Magandiya cho chú ruột của cô nuôi, rồi xuất gia đi tu đắc quả A-la-hán. Người chú đưa cô vào triều làm thứ hậu cho vua Udayana[16] xứ Vatsa.

Trong hạ thứ 9, bà Magandiya dùng tiền mua chuộc ngoại đạo và xúi dục những người  nô lệ mắng chưởi, xua đuổi Phật ra khỏi thành phố Kosambi. Khi thấy đức Phật vào thành khất thực, họ xúm lại hô to:

- Ông là tên trộm, là tên khờ dại, là người điên cuồng, là con lạc đà, là bò, là lừa, là người ở địa ngục; là thú vật. Ông không mong gì được lên nhàn cảnh. Ông sẽ chịu khổ hình ở địa ngục.

Ðại đức Ananda không thể chịu đựng được những lời nguyền rủa đê tiện, hung ác như vậy. Thầy bạch Phật:

- Bạch đức Thế Tôn, người ta đang chưởi rủa và nhục mạ chúng ta thậm tệ. Xin ngài cho dời đi nơi khác.

- Này Ananda, bây giờ ta nên đi đâu?

- Bạch đức Thế Tôn, đến một thị trấn khác.

- Nếu ở đó người ta cũng chưởi rủa và nhục mạ ta như vậy thì ta sẽ đi đâu?

- Bạch đức Thế Tôn, lại đi đến một nơi khác nữa.

- Này Ananda, không nên nói như vậy. Nơi nào chúng ta gặp chuyện khó khăn thì chúng ta phải giàn xếp ổn thỏa ngay tại nơi ấy. Và chỉ khi giàn xếp xong ta mới có quyền đi nơi khác. Nhưng, này Ananda, ai chưởi rủa nhục mạ thầy vậy?

- Bạch đức Thế Tôn, ai cũng chưởi rủa ta. Những người nô lệ, tôi tớ và ... tất cả mọi người.

Ðức Phật nhân cơ hội này dạy ngài Ananda thực hành pháp nhẫn như sau:

- Này Ananda, như một thớt tượng lâm trận phải bị lằn tên mũi đạn từ bốn phía dồn dập bắn tới. Như thế ấy, ta phải chịu đựng những lời nguyền rủa chưởi mắng từ mọi nơi. Thật vậy, người ta phần đông sống không giới đức.

Nhiều voi ngựa được dẫn đến trước vua quan để chọn lựa. Giữa đám đông voi ngựa ấy, vua chọn con nào thuần thục nhứt để cỡi. Giữa đám người, người xứng đáng nhất là người thuần thục, chịu đựng được những lời nguyền rủa.

Những con lừa thuần thục, những con ngựa rặt giống xứ Sindh và những thớt tượng sang trọng có ngà, đều thật xứng đáng và quý báu. Nhưng con người thuần thục, giới đức trang nghiêm là hơn tất cả.[17]

Rồi đức Phật nói tiếp:

- Này Ananda, thầy nên an lòng, những người này chỉ chưởi mắng thầy trong bảy ngày thôi, đến ngày thứ tám họ sẽ lặng im. Một chuyện khó khăn xảy đến cho một vị Phật không thể kéo dài quá bảy ngày.[18]

Không xua đuổi Phật được, lại thấy hoàng hậu Samavati là người rất cung kính và tin tưởng Phật, Magandiya lập mưu cho chú mình gây hỏa hoạn đốt chết Samavati. Vua Udayana biết được chuyện này, ra lệnh dùng rơm thiêu sống Magandiya và những người đồng lỏa[19].

 

Nắm lá simsapa và tỳ-kheo Malunkyaputta[20] 

Trong mùa an cư thứ chín, các đại đệ tử như Mahakassapa, Moggallana, Sariputta không có ở bên Phật vì phải chủ trì các trung tâm kiết hạ khác. Chú Rahula phải theo học với thầy Sariputta. Kề cận Phật có thầy thị giả Nagita và thầy Ananda.

Tinh xá Ghosita nằm trong rừng cây simsapa. Một buổi chiều từ rừng về, đức Phật cầm trong tay một nắm lá simsapa. Ngài đưa nắm lá lên và hỏi các vị khất sĩ có mặt:

- Này các thầy, lá trong tay Như Lai nhiều hay lá trong rừng nhiều?

- Bạch đức Thế Tôn, số lá trong tay Thế Tôn rất ít, còn lá trong rừng thì nhiều vô số không sao đếm siết.

- Ðúng vậy, này các thầy, tri kiến của Như Lai nhiều như số lá trong rừng, nhưng những điều Như Lai chỉ dạy quý thầy chỉ như số lá trong nắm tay. Tại sao vậy? Vì Như Lai chỉ muốn trình bày với quý thầy những gì thật sự có ích lợi cho sự tu tập để đạt đến giác ngộ và giải thoát mà thôi. Một khi đã hoàn toàn giác ngộ rồi thì đương nhiên quý thầy có đầy đủ tri kiến của một vị Phật mà không cần phải học. Nhưng bây giờ quý thầy nên để hết tâm trí vào công phu tu học thiền quán có lợi ích cho sự giác ngộ và giải thoát, không nên bận tâm và để mất thì giờ trong các cuộc hý luận vô bổ.

Sở dĩ Phật có lời khuyên như thế là vì mấy hôm trước thầy Malunkyaputta và vài vị khất sĩ khác, sau khi tranh luận với nhau khá sôi nổi, kéo nhau đến hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn, vũ trụ này là hữu biên hay vô biên? Hữu hạn hay vô hạn?

Ðức Phật làm thinh không đáp. Malunkyaputta không chịu nổi sự im lặng của Phật, nói tiếp:

- Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn trả lời những câu hỏi của con thì con nguyện sẽ tiếp tục theo học với ngài suốt đời. Nếu không, con sẽ xin từ bỏ giáo đoàn khất sĩ. Nếu quả thật ngài biết vũ trụ là hữu biên hay vô biên, thì xin ngài cứ nói ra. Còn nếu ngài không biết thì cứ nói thẳng là ngài không biết.

Ðức Phật nhìn thầy Malunkyaputta thông thả nói:

- Này Malunkyaputta, hồi thầy xin xuất gia, Như Lai có hứa với thầy là sẽ giảng giải cho thầy về những câu hỏi như thế không? Như Lai có nói " Này Malunkyaputta, anh cứ xuất gia đi, rồi Như Lai sẽ dạy cho anh về những vấn đề siêu hình " không?

- Bạch Thế Tôn, không.

- Vậy sao bây giờ thầy lại đặt điều kiện với Như Lai?

Này Malunkyaputta, ví như có một người nọ bị trúng một mũi tên có tẩm thuốc độc. Bà con mời một ông thầy thuốc tới để nhổ mũi tên ra rồi băng bó và cho uống thuốc trừ độc. Nhưng người bị trúng tên không cho ông thầy thuốc đụng vào vết thương mình. Người ấy nói " Khoan đã, trước khi chữa vết thương, tôi muốn biết ai đã bắn mũi tên này, tên họ người đó là gì, mấy tuổi, ở đâu, làm nghề gì, thuộc giai cấp nào, vì cớ gì mà bắn tôi. Tôi cũng muốn biết cây cung làm bằng loại gỗ gì, và thuốc độc đó được chế biến ra sao." Này Malunkyaputta, người bị thương sẽ chết trước khi anh ta tìm hiểu được hết những điều đó. (Trung A-hàm: Kinh Tiển Dụ)

Người xuất gia cũng vậy. Những điều mà người xuất gia phải biết và phải thực hành là những điều căn bản mà Như Lai đã và đang dạy các thầy. Còn những điều khác, vì không có ích lợi thiết thực cho sự tu học và hành trì để đi đến giác ngộ và giải thoát, cho nên Như Lai không nói tới.

Nghe đến đây, thầy Malunkyaputta thành tâm xin sám hối, rồi lạy tạ lui ra.

 

Tranh chấp giữa một vị kinh-sư và một vị luật-sư[21] 

Sau khi mãn hạ độ hai ba tuần, tại tinh xá Ghosita ở thủ đô Kosambi, xứ Vatsa, có xảy ra một vụ tranh chấp giữa một vị kinh sư và một vị luật sư trong giáo đoàn khất sĩ. Kinh sư là các thầy chuyên ôn tụng và giảng dạy các khế kinh mà Phật đã nói, như kinh Chuyển Pháp Luân, kinh Vô Ngã Tướng, kinh Nhân Duyên, kinh Bát Chánh Ðạo ... Luật sư là các thầy chuyên ôn tụng và giảng dạy các giới luật, như các giới của người xuất gia, các giới của người tập sự xuất gia ...

Một hôm, sau khi tắm xong, một vị kinh sư quên ra giếng múc nước đổ vào cho đầy lu trong nhà tắm. Một vị luật sư vào tắm sau đó, thấy không có nước liền quở vị kinh sư:

- Này đạo hữu, có phải đạo hữu đã tắm xong rồi quên xách nước vào nhà tắm không?

- Thưa đạo hữu, phải.

- Ðạo hữu không biết làm như thế là sái nội quy  à?

- Thưa đạo hữu, tôi lỡ quên. Vậy để tôi đi xách nước vào cho đầy lu.

- Tốt lắm! Này đạo hữu, nếu phạm lỗi mà không biết, không cố ý, thì không có tội.

Sau đó vị luật sư nói với học trò mình:

- Thầy kinh sư phạm lỗi mà không biết.

Học trò thân của vị luật sư nói với học trò thân của vị kinh sư:

- Thầy dạy luật nói thầy dạy kinh có tội mà không biết.

Học trò thân của vị kinh sư nói lại với thầy mình:

- Thầy luật sư nói thầy có tội mà không biết.

- Tôi chỉ lỡ quên xách nước vào lu sau khi tắm. Hôm qua ông ấy nói tôi không có tội, sao hôm nay lại nói tôi có tội? Ổng ấy  nói dối!

Học trò thân của vị kinh sư đến gặp học trò thân của vị luật sư nói:

- Thầy kinh sư nói thầy luật sư nói dối.

Hai bên lời qua tiếng lại. Cuối cùng vị luật sư tuyên bố vị kinh sư đã phạm lỗi mà không sám hối thì theo luật sẽ không được phép tham dự các buổi bố-tát tụng giới mỗi nửa tháng nữa. Vị kinh sư nói ông ta không có tội, chính vị luật sư ăn nói hàm hồ mới là người có tội cần phải sám hối. Cuộc tranh luận từ nhỏ xé ra to. Các vị khất sĩ chia ra làm hai phe tranh cãi sôi nổi. Tình trạng trở nên căng thẳng. Các khất sĩ không theo phe nào, than thở với nhau:

- Chết mất! Chết mất! Thế nào cũng có chia rẽ trầm trọng trong giáo đoàn.

Vài vị khất sĩ trình lên Phật hiện tình chia rẽ trong đại chúng. Ðức Phật gọi vị luật sư đến trình bày sự việc xảy ra như thế nào, rồi ngài nói:

- Ðã đành việc gìn giữ giới luật phải thật nghiêm minh để thân tâm được thanh tịnh. Nhưng giới luật chỉ là phương tiện để giúp cho việc tu tập được dễ dàng và nhanh chóng tiến đến mục tiêu cứu cánh là giác ngộ và giải thoát. Nếu vì giới luật mà động tâm, tranh cãi, sanh ra bất hòa, thối bồ-đề tâm, thì giới luật đã mất hết ý nghĩa và mục tiêu cao thượng của nó. Trong trường hợp này thầy nên hỷ xả là tốt đẹp hơn hết.

Ðức Phật lại cho gọi vị kinh sư đến trình bày sự việc, rồi ngài nói:

- Ðã đành việc thầy quên lấy nước vào lu cho đầy sau khi tắm là việc nhỏ nhặt. Nhưng nếu thầy chịu nhẫn nhục sám hối với thầy kia ngay từ lúc đầu thì mọi việc đã được ổn thỏa. Nhưng cũng chưa muộn, bây giờ thầy nên nhẫn nhục sám hối đi để mọi việc trở nên tốt đẹp.

Nhưng sự can thiệp của Phật không có hiệu quả. Cả hai bên vì lời qua tiếng lại đã nhiều nên bị chạm tự ái trầm trọng. Các vị khất sĩ đứng giữa không đủ sức để giàn xếp một cuộc hòa giải. Nội vụ tới tai các cư sĩ tại gia, và chẳng bao lâu các giáo phái bên ngoài đều biết. Uy tín của giáo đoàn khất sĩ bị tổn thương nặng. Ðại đức thị giả Nagita lại đem nội vụ trình lên Phật và yêu cầu Phật tới can thiệp một lần nữa. Sáng hôm sau, đức Phật khoác y, đi thẳng tới giảng đường, bảo thầy thị giả Nagita đánh chuông triệu tập đại chúng. Khi mọi người đã tụ họp đông đủ tại giảng đường, Phật nói:

- Này các thầy, xưa kia vua xứ Kosala là Dighiti bị vua xứ Kasi là Brahmadatta đánh bại. Vua Dighiti cùng với con là Dighavu giả dạng trốn đến Benares ẩn náo. Nhưng Dighiti bị người thợ hớt tóc thân tín làm phản, tố cáo, nên bị bắt giết. Trước khi chết, ông ta căn dặn con là Dighavu như sau: Này con, chớ nên nhìn xa, chớ nên nhìn gần[22]; hận thù không thể chấm dứt bằng hận thù, hận thù chỉ có thể chấm dứt bằng hành động khoan dung tha thứ. Về sau Dighavu trở nên người hầu cận thân tín của vua Brahmadatta. Một hôm, trong lúc đi săn trong rừng vắng, Dighavu đang ở thế mạnh, nói cho Brahmadatta biết mình là con của Dighiti, và theo lời cha dặn, ông đã hoàn toàn xóa bỏ hận thù. Vua Brahmadatta liền cho Dighavu trở về làm vua xứ Kosala[23].

Này các thầy, hận thù là liều thuốc độc cho chính bản thân mình. Tự ái, giận hờn và chia rẽ là ba trở ngại lớn cho sự tu tập. Các thầy hãy chấm dứt ngay việc tranh chấp cãi cọ vì một chuyện không đâu làm mất sự hòa hợp giữa chúng tăng. Hòa hợp tăng là điều kiện thiết yếu để thực hành thiền định và quán tưởng. Các thầy không nên để lửa sân đốt hết công đức tu tập của các thầy. Các thầy không nên bước lên con thuyền si mê cố chấp, vì nó sẽ đưa các thầy vào cõi địa ngục tối tăm. Thái độ sân si của các thầy đã làm thương tổn đến sứ mạng hoằng hóa của giáo đoàn, và thái độ đó chỉ mang đến đau khổ luân hồi cho các thầy mà thôi. Các thầy nên chấm dứt ngay sự chia rẽ đố kỵ. Các thầy hãy cùng nhau sám hối để trở về với Chánh Pháp.

Một vị khất sĩ đứng lên, nói:

- Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn hãy đứng ra ngoài vụ tranh chấp này. Xin ngài cứ an trú trong niềm vui tịnh lạc của thiền định. Chúng tôi đã lớn, chúng tôi có thể tự mình giải quyết vụ này được. Xin ngài chớ can thiệp vào việc riêng giữa chúng tôi.

Vị khất sĩ nói xong, mọi người đều im lặng. Ðức Phật cũng im lặng. Một chốc sau, ngài đứng dậy, rời giảng đường, trở về am lấy y bát, rồi một mình đi vào thành phố Kosambi khất thực. Khất thực xong, Phật vào rừng một mình để thọ trai. Thọ trai xong, Phật đứng dậy, ôm bát đi dọc theo bờ sông Yamuna, rời thành phố Kosambi. Không ai được phép đi theo Phật, kể cả thầy thị giả Nagita và thầy Ananda.

 

Ðại-đức Bhagu gặp Phật tại thành-phố Balaka[24] 

Ðức Phật đi lần tới thành phố Balaka (Balajalonakara). Tại đây ngài gặp đại đức Bhagu. Thấy Phật, đại đức Bhagu rất vui mừng. Thầy rước Phật vào một cụm rừng, mời Phật ngồi, rồi đi lấy nước và khăn cho Phật rửa mặt và tay chân. Phật hỏi thăm về sự tu học của thầy. Thầy đáp:

- Bạch Thế Tôn, con cảm thấy rất thoải mái, an lạc, mặc dù chỉ ở một mình.

- Ở một mình đôi khi mà khỏe hơn là ở với nhiều người.

Rồi Phật nói bài kệ sau đây:

Nếu gặp thiện tri thức,

Nên sống chung hòa hợp,

Tương trợ và hoan hỷ,

Cùng nhau vượt hiểm nguy. (Pháp Cú, bài 328)

Không gặp thiện tri thức

Ðáng sống chung hòa hợp,

Thà sống riêng một mình

Như vua bỏ nước bại,

Voi chúa giữa rừng sâu. (Pháp Cú, bài 329)

Nếu biết sống một mình,

Không bạn với ngưi ngu,

Thảnh thơi, không làm ác,

Không lo, như voi rừng. (Pháp Cú, bài 330)

Sau khi giảng dạy thêm về giáo lý và khích lệ đại đức Bhagu về sự tu học, Phật từ giã thầy để đi về phía công viên Ðông Trúc cách đó không xa.

 

Ðại-đức Anuruddha gặp Phật tại công viên Ðông-Trúc[25] 

Lúc đến cổng công viên Ðông Trúc thuộc thành phố Karagama, Phật bị người gác vườn ngăn lại. Ông ta nói:

- Sa môn, ông đừng vào công viên lúc này, e làm phiền các thầy đang thiền định trong đó.

Phật chưa biết nói sao thì thấy đại đức Anuruddha từ trong công viên đi ra. Thấy Phật, đại đức mừng rỡ vái chào, rồi nói với người gác vườn:

- Ðây là thầy của chúng tôi, xin ông cứ để cho người vào.

Ðại đức đưa Phật vào công viên gặp đại đức Nandiya và Kimbila. Thầy Nandiya nâng bát, thầy Kimbila nâng áo sanghati cho Phật. Họ thỉnh Phật đến ngồi bên cạnh một khóm tre vàng, đem nước và khăn đến cho ngài rửa mặt và rửa chân. Rồi cả ba chấp tay đảnh lễ Phật. Phật hỏi:

- Các thầy ở đây có được an tịnh không? Sự tu học có thuận lợi không? Việc khất thực và hoằng hóa có dễ dàng không?

- Bạch Thế Tôn, thầy Anuruddha đáp, chúng con ở đây rất an ổn, khung cảnh thật an tịnh, việc khất thực và hoằng hóa cũng không có gì trở ngại. Nhờ khung cảnh thuận lợi nên chúng con đã đạt được nhiều tiến bộ trong sự tu học.

- Các thầy có thương mến và hòa hợp với nhau không?

- Thưa Thế Tôn, chúng con rất thương mến nhau. Chúng con hòa hợp với nhau dễ dàng như nước với sữa. Mỗi khi có điều gì quan trọng chúng con đều họp nhau lại để lấy quyết định chung. Trong khi học tập về giáo pháp, nếu có điều gì còn nghi ngờ hoặc không hiểu rõ, thì chúng con cùng nhau thảo luận để tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm với nhau. Thưa Thế Tôn, nhờ có ba người ở chung nên chúng con thấy việc tu học của chúng con được dễ dàng và thuận lợi hơn.

- Tốt lắm, Ðức Phật nói, ở chung mà có sự hòa hợp với nhau là điều kiện thuận lợi nhất cho việc tu học.

Ðức Phật ở lại công viên Ðông Trúc một tháng để quan sát cách ăn ở và tu học của ba thầy, đồng thời chỉ dạy thêm về giáo lý và cách thực hành. Trước khi từ giã các đại đức Anuruddha, Nandiya và Kimbila, đức Phật nói:

- Này các thầy, nếu tất cả khất sĩ trong giáo đoàn có thể đối xử với nhau như các thầy thì rất lợi lạc và dễ dàng cho việc tu học chung. Từ nay Như Lai đề nghị áp dụng phép Lục Hòa sau đây đối với các khất sĩ ở chung:

1- Thứ nhất là thân hòa đồng trú, nghĩa là cùng hòa thuận chia xẻ với nhau một trung tâm tu học, một khu rừng hay một mái nhà.

2- Thứ hai là lợi hòa đồng quân, nghĩa là cùng chia đồng đều với nhau các thức ăn và các tiện nghi trong cuộc sống.

3- Thứ ba là giới hòa đồng tu, nghĩa là cùng nhau tôn trọng những giới luật chung.

4- Thứ tư là khẩu hòa vô tránh, nghĩa là nói chuyện với nhau phải dùng lời hòa nhã, không được dùng lời lẽ gây xích mích và tranh cãi.

5- Thứ năm là kiến hòa đồng giải, nghĩa là cùng nhau học hỏi và trao đổi kiến thức trong sự ôn hòa, không được dấu diếm hoặc tranh luận.

6- Thứ sáu là ý hòa đồng duyệt, nghĩa là khi có ý kiến khác nhau thì phải cùng nhau duyệt lại để mọi người cùng hòa thuận và thông cảm với nhau.

Này các thầy, từ nay về sau, tất cả khất sĩ trong giáo đoàn phải lấy sáu nguyên tắc hòa hợp này mà đối xử với nhau.

Ba vị khất sĩ hoan hỷ nghe lời Phật dạy. Ðức Phật từ giã ba thầy, lên đường đi về hướng bắc. Bảy ngày sau Phật đến khu rừng Rakkhita, gần thành phố Parileyyaka. Phật đến ngồi nghỉ dưới một gốc cây sala tươi đẹp, cành lá sum sê. Nhận thấy phong cảnh nơi đây thật thanh nhàn, khí hậu mát mẻ, Phật có ý định ở lại đây một mình trong mùa an cư sắp tới.



[1] Kosambi (Kausambi) ngày nay là một làng nhỏ tên Kausam hay Kosam  nằm cạnh bờ sông Yamuna, cách thành phố Allahabad 51 km về hướng tây-nam.

[2] Xem Buddha and the Gospel of Buddhism, trang 47; Buddhist Legends, quyển III, trang 225-226.

[3] Xem Buddhist Legends, quyển III, trang 35-40; Buddha and the Gospel of Buddhism, trang 48.

[4] Xem Buddhist Legends, quyển III, trang 41-47; The Life of The Buddha của A.Foucher, trang 208-211; Buddha and the Gospel of Buddhism, trang 48-49.

[5] Xem Buddhist Legends, quyển III, trang 47-56, và trang 242: Trong cùng một tài liệu này có sự lẫn lộn giữa trời Ðao-Lợi (Tavatimsa) và trời Ðâu-Suất (Tusita). Theo soạn giả thì trời Ðao-Lợi có lẽ đúng hơn, vì cõi trời náy dành cho những người có phước báo, còn trời Ðâu-Suất dành cho những người có tu chứng.

[6] Kosambi (Kausambi) hiện nay là một làng nhỏ tên Kausam nằm cạnh bờ sông Yamuna, cách thành phố Allahabad 51 km về hướng tây-nam.

[7] Xem Từ Ðiển Phật Học Huệ-Quang; Tăng-nhất A-hàm 28; kinh Phương Tiện Phật Báo Ân 3; kinh Quán Phật Tam Muội Hải 6; kinh Ðại Thừa Tạo Tượng Công Ðức, thượng.

[8] Có lẽ tượng Phật vĩ đại của Nhật tại thành phố Kyoto được làm theo mẫu này.

[9] Xem Buddhist Legends, quyển I, trang 313-314; Samyutta-nikaya, xi.2. 3: i. 230-231.

[10] Vương tử Mahali xứ Vajji, vương tử Pasenadi xứ Kosala và vương tử Bandhula xứ Malla là ba người bạn thân cùng học với một ông thầy nổi tiếng ở Takshasila(Xem Buddhist Legends, quyển II, trang 31).

[11] Xem Buddhist Legends, quyển III, trang 19-23; Buddha and the Gospel of Buddhism, trang 49; Sự Tích Phật Giáng Thế của Hòa thượng Thích Trung-Quán, trang 132; Jataka: kinh Maha Paduma.

[12] Xem Phật Giáo Nhìn Toàn Diện, trang 52; The Life of Buddha as Legend and History, trang 115; Buddhist Legends, quyển III, trang 108110; Jataka 68: i 308-310.

[13] Xem Buddhist Legends, quyển I, trang 280.

[14] Xem Ðức Phật và Phật Pháp, trang 190-192; The Life of Buddha as Legend and History, trang 115; Buddhist Legends, quyển III, trang 31-32 và 199-200.

[15] Ðó là tên ba người con gái của Ma Vương: Tanha (Ái dục), Arati (Bất mãn) và Raga (Tham vọng).

[16] Vua Udayana còn gọi là Udena có hoàng hậu là Samavati và hai thứ hậu là Vasuladatta và Magandiya. (Buddhist Legends, quyển I, trang 247-293).

[17] Dhammapada (Pháp Cú Kinh) bài 320, 321, 322.

[18] Buddhist  Legends, quyển 1, trang 282-288.

[19] Buddhist  Legends, quyển 1, trang 288-290.

[20] Xem Majjhima-nikaya 63; Trung A-Hàm 221: Tiển Dụ Kinh; Ðại Chánh TTÐT Kinh 94: Phật thuyết Tiển Dụ Kinh; Majjhima-nikaya 48: Kosambiya sutta.

[21] Xem Buddhist Legends, quyển I, trang 175-183; Majjhima-nikaya 128; Mahavagga X, 1-5; Jataka 428; Udana IX, 5; Ðường Xưa Mây Trắng, trang 296-298.

[22] Nghĩa là: Chớ nên đắn đo, do dự.

[23] Xem The Life of Buddha as Legend and History, trang 116.

[24] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 298.

[25] Xem Majjhima-nikaya 128; Trung A-Hàm 72; Ðường Xưa Mây Trắng, trang 298-301.

 

---o0o---

 

Mục Lục > 01 > 02 > 03 > 04 > 05 > 06 > 07 > 08 > 09  > 10

11 > 12  > 13 > 14 > 15  > 16 > 17 > 18 > 19> 20

 

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 8-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Não Xuân về trên phố trong XÃ Æ tot Chạy Húy t diệu liên lý thu linh chuyển ngữ cả hãy tạo ra một mùa an cư thật ý nghĩa nhẫn chůa Rau kỳ xuan xa xu phan ii tinh thien thu luÃÆn Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ vì sao ta cứ trôi lăn trong vòng sanh tử biet VÃƒÆ nao Cồn su co chap cua dan ong vi quan niem gia truong Ẩm bao tu Họa tich mãå hÓn quê Kính Thiếu hàm ý phẩm phổ môn trong kinh diệu pháp oàn Cà phê không làm não bộ hoạt bát nhã Kính mời đón đọc chuyên đề Quan Vipassana Vipassana minh niệm ï¾ å 無量義經 Cõi Tầm xung 15 điều bạn không nên chấp nhận trong 五痛五燒意思