Sự tích Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni

(Theo bản hiệu-chính ngày 21/05/2005) 

Soạn giả: Minh-Thiện Trần-Hữu-Danh

Với sự khuyến khích và giúp đỡ của hiền nội: 

Diệu-Xuân Nguyễn-thị Bạch-Mai

---o0o---

 

Phần 11

 

8- Hạ thứ 28 tại Jetavana (năm -562)

 

Thượng tọa Ananda và cô gái hạ tiện tên Prakriti[1] 

Các trung tâm tu học tại Sravasti đang chuẩn bị cho mùa an cư thứ 28. Năm nay đức Phật được 62 tuổi và Thượng tọa thị giả Ananda được 43 tuổi. Một hôm Thượng tọa Ananda, y phục chỉnh tề, tay ôm bình bát, chân bước thong thả đều đặn từng bước, mắt nhìn xuống, vừa đi vừa quán niệm hơi thở theo đúng khuôn phép, vào thành Sravasti khất thực. Khi đã nhận vừa đủ vật thực, thầy tìm một nơi yên tĩnh mát mẻ để độ ngọ. Thọ thực xong, thầy đến cái giếng trong xóm  để tìm nước uống. Vào lúc ấy có một thiếu nữ thuộc giai cấp hạ tiện (chandala) đang đến giếng lấy nước. Thượng tọa Ananda đến bên giếng, đứng lại, mắt nhìn xuống đất, hai tay ôm bát, thầy từ tốn nói:

- Xin cô cho tôi chút nước để giải khát.

- Bạch sa-môn, tôi là người thuộc giai cấp hạ tiện (chandala), tôi không dám đến gần thầy, sợ làm ô uế thầy.

- Này cô, tôi chỉ muốn xin chút nước để uống đỡ khát. Cô đừng ngại. Tôi đang cần nước để uống chứ tôi không cần biết người cho nước thuộc giai cấp nào.

- Tôi không dám đâu! Tôi không dám đến gần thầy. Người ta biết được thì tôi sẽ bị phạt đó.

- Này cô, tôi là Ananda, bổn sư của tôi là đấng Toàn Giác Gotama có dạy rằng bất cứ ai biết học hỏi và tu tập Chánh Pháp cũng đều có thể trở thành đấng Toàn Giác như ngài. Do đó tất cả mọi người đều bình đẳng, không nên phân biệt giai cấp. Thầy tôi nói:

"Là cùng đinh không phải do sanh trưởng,

"Không phải do sanh trưởng thành Bà-la-môn,

"Do hành động ta trở thành cùng đinh,

"Do hành động ta trở thành Bà-la-môn.[2]

  Tôi không quan tâm đến giai cấp. Cô đừng sợ, hãy cho tôi xin chút nước.

Cô Prakriti ngó dáo dác xem có ai trông thấy không, rồi cô run rẩy trịnh trọng rót nước từ trong bầu vào bát của Thượng tọa Ananda, tim cô bắt đầu đập càng lúc càng nhanh. Thượng tọa Ananda nâng bát hớp từng ngụm nước, cúi đầu cám ơn cô Prakriti, rồi thầy quay gót trở về tinh xá Jetavana.

Nhưng cô Prakriti đứng ngẩn người nhìn theo gót chân thầy. Cô nhớ lại giọng nói diệu hiền từ tốn của thầy, nhớ hình dáng đẹp đẽ, phong cách trang nghiêm của thầy. Ôi! chưa bao giờ cô thấy một người đẹp trai phong nhã như thế. "Xin cho tôi chút nước, xin cho tôi chút nước", tiếng nói của thầy sao lại êm ái, dịu dàng, truyền cảm như thế!? Tại sao thầy không có chút gì xem thường một cô gái hạ tiện như cô? Ngần ấy câu hỏi lẫn lộn với những tình cảm vừa bồng bột vừa nhẹ lâng lâng làm cô đứng sững sờ nửa mê nửa tỉnh. Rồi cô như người mất hồn, thơ thẩn lần bước về nhà.

Về đến nhà, cô đặt bầu nước xuống, rồi cô ngồi phệt xuống đất, đôi mắt lờ đờ nhìn vào nơi vô định. Mẹ cô thấy thế, lo lắng hỏi:

- Này Prakriti, con làm sao thế? Con khó chịu trong người phải không? Ðể mẹ đánh gió cho.

- "Xin cho tôi chút nước, xin cho tôi chút nước". Mẹ ơi! Chưa bao giờ con được  nghe một giọng nói dịu dàng, trang nhã như thế! Chưa bao bao giờ con được thấy một người... một người ... vừa đẹp, vừa sang, vừa đáng kính như thế!

- Người đó có cùng một giai cấp với chúng ta không?

- Thưa mẹ không. người đó đầu cạo trọc, mình khoác y vàng, tay ôm bình bát, xinh đẹp, trang nghiêm, nhã nhặn, đến xin con chút nước để giải khát.

- Con nói gì bậy bạ vậy? Ông ta là một sa-môn?

- Thưa mẹ, người ấy là Ananda, đệ tử của đức Gotama. Người ấy không chấp con thuộc giai cấp chandala. Người ấy xin con chút nước để uống. Chắc người ấy đã để ý đến con. Thưa mẹ, con van xin mẹ, con không thể sống xa người ấy. Xin mẹ hãy dùng tất cả bùa chú và phù phép, hãy tận dụng hết quyền lực thần thông của mẹ để đưa Ananda đến chung sống với con. Nếu không được vậy chắc con sẽ chết, con không sống nổi, con mà chết rồi thì đâu còn ai để chăm sóc cho mẹ!

- Này con yêu quý của mẹ, con có biết không? Ðức vua là tín đồ nhiệt thành của đức Phật Gotama, nếu vua biết được vụ nầy chắc mẹ con mình khó sống. Hơn nữa đức Gotama là một thánh nhân đầy đủ phép lạ và thần thông, tài của mẹ đâu thể sánh kịp.

- Thưa mẹ, con không còn biết gì nữa. Con chỉ biết chắc chắn rằng nếu không có Ananda bên cạnh thì con sẽ chết, con không sống nổi. Xin mẹ thương con.

Ðể đáp lại lời van xin khẩn thiết của người con gái duy nhất, bà Matangi[3] (Ma-đăng-già) dùng phân bò khô nhúm một bếp lửa ngoài sân. Bà ngồi lại một bên bếp lửa với 108 cành hoa arka và bắt đầu đọc thần chú Sankhya Kapila (Ta-tỳ-ca-la Tiên Phạm-thiên), rồi thỉnh thoảng bà ném một cành hoa vào lửa, cho đến hết 108 cành hoa arka.

Thượng tọa Ananda không thể cưỡng lại năng lực, sức quyến rũ mãnh liệt của chú thuật  Sankhya Kapila. Thầy rời tinh xá Jetavana, quên hẳn quy chế xuất gia, đi thẳng đến nhà của người thiếu nữ chandala tên Prakriti. Bà Matangi trông thấy Thượng tọa Ananda sắp đến nhà, liền bảo con gái dọn sẵn một chỗ ngồi. Vừa lúc Prakriti sắp xếp xong thì thầy Ananda bước vô nhà, ngồi vào chỗ đã dọn sẵn. Thầy chú ý đến nụ cười và cử chỉ quyến rũ của Prakriti, có vẻ thuận chiều theo sự cám dỗ của cô. Vầng thái dương dần dần chìm xuống dưới chân trời. Bỗng Thượng tọa Ananda cảm thấy ngột ngạt, lúng túng, khó chịu. Thầy bỗng nghĩ đến đức Phật, liền cầu nguyện:

- Bạch Thế Tôn, đức bổn sư từ mẫn, xin Thế Tôn cứu con ra khỏi hiểm họa này.

Lúc bấy giờ đức Phật đang ở tinh xá Jetavana, linh cảm biết Thượng tọa Ananda đang bị nạn dâm thuật và đang cầu cứu đến ngài. Ðức Phật liền ngồi kiết già, đọc thần chú Thủ-Lăng-Nghiêm (Suramgama mantra), nhập đại định, đảnh phóng hào quang chiếu sáng đến nơi thầy Ananda đang bị nạn, phá tan chú thuật Sankhya Kapila.

Thầy Ananda bỗng nhiên tỉnh táo trở lại, thầy liền đứng lên, sửa lại y phục chỉnh tề, ôm bát bước ra khỏi nhà, đi mau về tinh xá.

Prakriti rất đau lòng xót dạ, nhưng cô quyết chí đeo đuổi theo mối tình đầu vừa chớm nở. Sáng sớm hôm sau, cô sửa soạn ăn mặc tươm tất với những đồ trang sức lộng lẫy nhất của mình, rồi đến đứng chờ Thượng tọa Ananda trên khoảng đường từ tinh xá Jetavana đến thành phố Sravasti. Khi Thượng tọa Ananda đi ngang qua đó để vào thành khất thực thì cô Prakriti cũng lặng lẽ đi theo phía sau lưng. Thượng tọa Ananda lúng túng, không lẽ cứ đi khất thực với một cô gái lúc nào cũng đi theo sau lưng, thầy liền quay bước trở về tinh xá. Cô Prakriti vẫn tiếp tục đi theo phía sau.

Qua cổng tinh xá, cô vẫn tiếp tục đi theo. Thượng tọa Ananda liền đi thẳng đến am của Phật. Thầy bước vào am. Cô Prakriti đứng chờ trước cửa. Thượng tọa Ananda thuật lại đầu đuôi câu chuyện với đức bổn sư. Ðức Phật cho gọi cô Prakriti vào. Cô bước vào, mặt cúi xuống, đảnh lễ dưới chân Phật rồi chấp tay ngồi lại một bên. Phật hỏi:

- Cô là ai? Cô theo thầy Ananda đến đây có việc gì?

- Bạch Thế Tôn, con là Prakriti. Con lỡ thương thầy Ananda nên con theo thầy đến đây. Con không thể sống xa thầy Ananda được, nên thầy đi đâu thì con theo đó.

- Này Prakriti, con hãy về nhà xin phép cha mẹ trước đi.

- Bạch Thế Tôn, cha con đã mất lâu rồi. Mẹ con đã biết chuyện này, và vì thương con nên mẹ con cũng đồng ý chiều theo con.

- Này Prakriti, có rất nhiều thanh niên trong thành Sravasti, tại sao con chỉ thương một mình Ananda là một khất sĩ đã xuất gia?

- Bạch Thế Tôn, con thương thầy Ananda với tất cả tấm lòng. Thầy đã đem ánh sáng đến cho đời con. Nhờ thầy mà con không còn mặc cảm bị người đời khinh khi, ruồng rẫy. Nhờ thầy mà con có thể vươn lên để sống một đời đáng sống. Thầy là tất cả nguồn hy vọng của con, là tất cả những mơ ước của con, là dòng suối mát của đời con. Bạch Thế Tôn, con không thể sống xa thầy được, cũng như cá không thể sống xa nước.

- Này Prakriti, nếu con muốn được sống gần thầy Ananda thì con phải làm theo những gì Như Lai bảo con làm.

- Bạch Thế Tôn, con sẽ làm tất cả những gì để được sống gần thầy Ananda.

- Tốt lắm, vậy con hãy trở về nhà xin phép mẹ cho con xuất gia, xuống tóc cho con, rồi đưa con đến đây làm lễ đắp y.

- Ðiều đó không khó. Bạch Thế Tôn, bây giờ con xin trở về nhà. Chiều nay con sẽ trở lại với mẹ con.

Prakriti vui vẻ trở về nhà, kể lại đầu đuôi câu chuyện, rồi xin mẹ xuống tóc cho cô. Mẹ cô nói:

- Prakriti, con điên rồi sao? Con gái mà cạo đầu thì trở nên xấu xí, mất hết vẻ đẹp, xuất gia thì không thể lấy chồng được nữa. Con không biết sao? Sao con ngu quá vậy?

- Thưa mẹ, con không cần lấy chồng, con chỉ muốn được sống gần Ananda thôi.

Bà Matangi chiều ý con, xuống tóc cho cô, rồi dắt cô trở lại tinh xá Jetavana, vào đảnh lễ Phật. Ðức Phật mời hai mẹ con cô Prakriti ngồi xuống, rồi nói:

- Này Prakriti, con trở lại đây để xin xuất gia phải không?

- Bạch Thế Tôn, phải.

- Con xin xuất gia để được gần thầy Ananda phải không?

- Dạ phải. Con thương thầy Ananda lắm! Con không thể sống xa thầy.

- Cái gì của thầy Ananda làm cho con say mê đắm đuối như vậy?

- Bạch Thế Tôn, cái gì của thầy Ananda con cũng thương hết. Con mắt, cái mũi, cái miệng, tướng đi, giọng nói, cái gì của thầy con cũng thương hết.

- Này Prakriti, tất cả những gì con trông thấy nơi thầy Ananda chỉ là lớp da bọc bên ngoài. Con phải biết con người ai cũng có tóc, móng, răng, da, thịt, xương, gân, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, chất nhờn, nước miếng, nước mũi, nước tiểu, phẩn, ... Tất cả những thứ đó đều biến đổi từng giờ, từng phút, từng giây; thương tích, bệnh hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào; rồi đến lúc phải già nua, tàn hoại, tan rả. Con người chỉ là một túi da chứa đầy bệnh tật, già nua, chết chóc, kiêu hãnh, ngã mạn[4]. Nếu vì một lý do gì những thứ bên trong bị phơi bày ra ngoài, như một cái gối rách bị lộn ngược, chắc chắn cần phải có một người cầm cây đứng đó để xua đuổi bầy quạ, bầy kên kên, bầy chó, từng đoàn từng lũ kéo đến tranh nhau xé ăn, thật ghê tởm. Khát vọng say mê là lòng ham muốn ích kỷ chỉ mang đến đau khổ. Con nên biết:

"Trìu mến sanh sầu muộn,

"Trìu mến sanh lo sợ.

"Người đã dập tắt hoàn toàn lòng triều mến,

"Không còn sầu muộn, không còn lo sợ.[5]

Từ lúc bắt đầu thương Ananda đến giờ, mới có hai ngày, mà con đã chịu trăm phần đau khổ, mất ăn, mất ngủ, than vắn thở dài, nỉ non khóc kể, rên rỉ bi ai, biết bao sầu muộn. Giờ đây, con hãy sáng suốt suy nghĩ lại xem cơ thể của Ananda có phải là cái gì đáng được trìu mến bám víu không? Có phải là cái gì đáng được khát khao ham muốn một cách tuyệt vọng không? Có phải là cái gì đáng được ta hân hoan ôm giữ không? Tất cả mọi sự vật trên đời này đều như thế. Khi ta vừa bám vào nó thì nó đã hư hoại, suy tàn, mục thúi, tan rã.

Này Prakriti, chỉ có xuất gia, sống đời phạm hạnh thanh cao như thầy Ananda, dứt bỏ hết mọi ái dục, tham lam, giận tức, si mê, tập sống theo Chánh Pháp, phát tâm từ bi hỷ xả, thương yêu giúp đỡ tất cả muôn loài chúng sanh, mới tạo được hạnh phúc chân thật cho chính mình và cho những người mình thương. Này Prakriti, nếu con muốn sống gần thầy Ananda, thì chỉ có cách duy nhất là con phải tập sống đời phạm hạnh thanh cao như thầy, phải học hỏi và tu tập theo Chánh Pháp để biết cái hay, cái đẹp thật sự của thầy còn quý gấp vạn lần cái bề ngoài mà con thấy nơi thầy.

- Bạch Thế Tôn, lời dạy của ngài thật sáng suốt và chính đáng, đã đem lại cho con nhiều an ủi. Kính xin Thế Tôn cho phép con được xuất gia.

- Tốt lắm! Này Prakriti, như nước các sông Ganga, Yamuna, Sindu, Aciravati tuôn chảy vào đại dương và mất đi lai lịch của chúng. Bất cứ người thuộc giai cấp, bộ lạc nào gia nhập vào giáo hội của Như Lai rồi thì cũng đều là khất sĩ như nhau. Này Prakriti, nước trong đại dương chỉ có một vị, đó là vị mặn của muối. Trong Giáo Hội Khất Sĩ cũng chỉ có một vị, đó là vị giải thoát.

Rồi đức Phật gọi:

- Hãy đến đây, này tỳ-kheo-ni, hãy sống đời thánh thiện.[6]

Ni sư Khema mang đến cho Prakriti một bộ áo cà-sa. Sau khi đắp y,  cô theo ni sư về ni viện. Nơi đây cô được các sư cô an ủi, dùng lời lẽ đơn giản dạy cô về Tam Bảo (Tri-ratana), Tứ Diệu Ðế, cách đắp y, cách đi khất thực và các giới luật phải tuân hành. Lần hồi cô được học về bốn uy nghi đi, đứng, nằm, ngồi, và cách thực tập thiền quán. Cô tu tập rất tinh tấn, về sau cô được đắc quả A-la-hán trước Thượng tọa Ananda.

Hay tin một cô gái chandala được xuất gia theo Giáo Ðoàn Nữ Khất Sĩ của Phật, các thân hào nhân sĩ trong thành Sravasti xôn xao bàn luận. Vua Pasenadi đến viếng Phật và hỏi thăm về việc này:

- Bạch Thế Tôn, nhiều nhân sĩ trong thành Sravasti nói rằng việc cho người phụ nữ xuất gia đã là một việc trái với phong tục, truyền thống Bà-la-môn từ xưa tới nay. Nhưng đối với những người phụ nữ thuộc dòng Bà-la-môn (Brahmana), dòng Sát-đế-lợi (Kshatriya) thì còn có thể tạm chấp nhận được. Ðàng này, một đứa con gái hạ tiện (chandala) xuất gia quả là một sự sỉ nhục cho hàng tu sĩ, nó sẽ làm ô uế cả giới tăng lữ. Thế Tôn nghĩ thế nào?

- Này Ðại vương, nếu một người chandala được tắm trong dòng nước dành riêng cho người kshatriya, và nếu người đó biết cách kỳ cọ khắp mình. Sau khi tắm lên người đó được dùng khăn trắng sạch lau khô thân thể rồi xức nước hoa vào mình. Ðại vương nghĩ sao? Thân thể người chandala đó có thơm sạch như thân thể người kshatriya không?

- Bạch Thế Tôn, nếu hai người cùng tắm trong một dòng sông, cùng kỳ cọ như nhau, lau khô như nhau, xức nước hoa như nhau, thì thân thể họ cũng sạch thơm như nhau.

- Ðúng vậy, Ðại vương. Nếu người kshatriya và người chandala cùng sống đời phạm hạnh thanh cao, cùng tu tập giáo pháp cao thượng thì họ cũng có thể giác ngộ và đạt đến giải thoát như nhau.

Như Lai xin kể Ðại vương nghe một câu chuyện: Vào thuở xưa, có một làng tên Chandala ở bên cạnh sông Ganga. Vị xã trưởng làng này tên Trishanku. Ông có một người con trai đẹp đẽ lạ thường tên Sardulakarna, lảu thông cả ba bộ kinh Veda. Người cha mong ước con mình cưới được một người vợ xinh đẹp và thông minh. Ông đến dạm hỏi cho con một cô gái xinh tươi đoan chánh tên Prakriti, con của một người Bà-la-môn tên Pushkarasasi, nhưng ông này từ chối. Ông Trishanku phải nhẫn nại tới lui nhiều lần nài xin và cho thấy con trai mình cũng đẹp đẽ thông minh không kém ai. Cuối cùng ông Pushkarasasi nhận lời và cô Prakriti được thành hôn với cậu Sardulakarna. Ðại vương, Prakriti thuở xưa cũng là Prakriti ngày nay; Sardulakarna là tỳ kheo Ananda bây giờ. Hai người đã có duyên tiền kiếp với nhau. Và ông xã trưởng Trishanku chính là Như Lai hiện nay vậy.

Vua Pasenadi và đoàn tùy tùng chăm chỉ lắng nghe câu chuyện tiền thân, lấy làm kinh ngạc, không nói được một lời, đồng đảnh lễ Phật và chư tăng rồi lặng lẽ lui gót.

 

Phật nói kinh Thủ-Lăng-Nghiêm (Suramgama-sutta) 

Sau khi ni sư Khema đưa Prakriti về ni viện, thầy Ananda bước đến đảnh lễ dưới chân Phật, rồi thầy khóc ròng, khổ tâm vì từ trước đến nay chỉ chuyên học rộng, nghe nhiều, nhưng chưa có thực tu thực chứng, nên mới bị chú thuật Sankhya Kapila, suýt mất giới thể, phải nhờ Phật nhập đại định Thủ-Lăng-Nghiêm (Suramgama samadhi) phóng quang đến cứu thoát. Thầy khóc một hồi rồi thưa:

- Bạch Thế Tôn, con tuy có phước được kề cận Thế Tôn, nghe nhiều và nhớ hầu hết những điều Thế Tôn dạy bảo, nhưng đạo lực còn non kém, suýt bị mất giới thể vì chú thuật Sankhya Kapila. Xin Thế Tôn hoan hỷ chỉ dạy cho con các diệu pháp Xa-ma-tha (Samatha[7]), Tam-ma-đề (Samadhi[8]), Thiền-na (Dhyana[9]) là những pháp môn tu chứng đạo quả Bồ-đề một cách chắc chắn và nhanh chóng của mười phương chư Phật.

- Này Ananda, thầy tuy nghe nhiều, nhớ nhiều, nhưng chưa nắm vững được nguồn gốc của Sanh Tử và Bồ-Ðề Niết-Bàn nên dù thầy đã xuất gia trên 20 năm nay chỉ mới chứng được quả Tu-đà-hoàn (Sotapanna). Thầy hãy lắng nghe cho kỹ:

Do đâu mà có sanh tử? Là vì tất cả chúng sanh đều lấy tâm vọng động, suy tư, nghĩ tưởng theo trần cảnh bên ngoài làm tự tánh (bản ngã) của mình nên chịu khổ sanh tử luân hồi.

Do đâu mà có Bồ-đề (giác ngộ) Niết-bàn (giải thoát)? Một khi người tu hành dứt hết tâm vọng động, suy tư, nghĩ tưởng theo trần cảnh thì Chơn Tâm nguyên minh, thanh tịnh, sáng suốt từ vô thỉ sẽ hiển lộ. Chơn Tâm nguyên minh đó là Bồ-đề, là Niết-bàn, luôn luôn thanh tịnh, sáng suốt, không lay động, mặc tình cho trần cảnh cứ lao-xao biến đổi.

Rồi đức Phật dùng nhiều phương tiện như đưa nắm tay lên, bảo đánh chuông, để chỉ tánh thấy, tánh nghe là thường trụ. Không phải khi có nắm tay mới thấy, không phải khi có tiếng chuông mới nghe. Không có tiếng chuông không phải là không nghe, mà là nghe "không có tiếng chuông". Người mù không phải là không thấy, mà là thấy tối đen vì hai con mắt không còn chuyền ánh sáng vào trong; cũng như khi người sáng mắt lấy tay bụm mắt lại.

Sáu căn chạy theo sáu trần sanh ra sáu thức. Sáu thức tức là vọng tâm, bị lệ thuộc vào sáu trần, là gốc của sanh tử luân hồi. Vì sáu trần sinh diệt biến đổi không ngừng.

Sáu căn không chạy theo sáu trần, thì sáu thức tức vọng tâm không sanh, Chơn Tâm liền hiển lộ Bồ-đề và Niết-bàn.

Người muốn tu Bồ-tát thừa để thành Phật quả phải hội đủ hai điều kiện quyết định như sau:

1-  Lúc sơ phát tâm, phải biết rõ mình có Chơn Tâm thanh tịnh, thường trụ, rồi dùng Tâm đó mà phát nguyện tu hành. Phải gieo nhân thanh tịnh, thường trụ mới có quả thanh tịnh, thường trụ.

2-  Lúc hạ thủ công phu thực hành, phải tu căn viên thông để sáu căn được thanh tịnh, không đắm nhiễm sáu trần. Nhờ đó mà vào cảnh trí giải thoát, tự tại, vô ngại.

Nói đến đây, đức Phật tóm lược đại ý phần vừa mới giảng trong bài kệ như sau:

 

Chơn tánh không trần tướng,

Vô vi, không sinh diệt.

Duyên sanh tức không thật,

Hư vọng, như hoa đóm.

 

Dùng vọng để chỉ chân.

Vọng, chân đều là vọng.

Nếu không nói chân vọng,

Làm sao biết được chân?

 

Sáu thức không thực tánh,

Như dụm ba cọng sậy.

Buộc mở[10] đồng một gốc,

Thánh, phàm chẳng hai đường.

 

Hãy xét tánh sáu thức

Chẳng có, cũng chẳng không.

Vô minh chấp có không,

Không chấp là giải thoát.

 

Tự tâm chấp tự tâm,

Không huyễn thành pháp huyễn.

Không chấp thì không huyễn,

Không huyễn thì không sanh.

 

Pháp huyễn không lập được,

Gọi là Diệu Liên Hoa,

Bảo Giác Kim Cang Vương,

Như Huyễn Tam-ma-đề.

 

Búng tay thành vô-học.

Diệu pháp tuyệt đối này

Của chư Phật mười phương:

Ðường niết-bàn duy nhất. [11] 

Về phần thực hành, Phật bảo 25 vị Bồ-tát nói rõ pháp môn tu của mình và cách thực hành như thế nào mà chứng được quả thánh. Kế đó Phật bảo ngài Văn-Thù phê bình các pháp môn đó và chọn lựa một pháp môn thù thắng nhứt, thích hợp với căn tánh của chúng sanh ở cõi ta-bà này. Ngài Văn-Thù đã chọn pháp môn tu "Nhĩ Căn Viên Thông"[12] của Bồ-tát Quán-Thế-Âm.

Kế đến, Phật giảng về ba vô lậu học: 1- Nhiếp tâm thành Giới, 2-Do Giới sanh Ðịnh, 3- Do Ðịnh phát Huệ. Muốn nhiếp tâm trước hết phải giữ bốn đại giới: Dâm, Sát, Ðạo[13], Vọng[14]. Chúng sanh nào nặng nghiệp, khó giữ bốn đại giới được thanh tịnh, thì nên nhứt tâm chí thành thọ trì tâm chú Thủ-Lăng-Nghiêm. Phật nói:

- Này Ananda, như việc của thầy với nàng matangi không phải là mới xảy ra ở kiếp này đâu. Thầy với nàng matangi bị trần duyên oan trái, có tập khí ân ái với nhau, đã trải qua nhiều kiếp. Khi Như Lai tuyên dương Phật đảnh mật chú thì tức khắc tâm ái dục của nàng tiêu mất, nàng trở nên thanh tịnh thành bậc A-na-hàm (Anagami), được giải thoát luân hồi sanh tử ở nhân gian, và nếu định lực tinh tấn thì chẳng bao lâu sẽ lên bậc vô học A-la-hán (Arhat).

Này các thầy, nàng matangi là một phụ nữ chưa phát tâm tu hành mà nhờ oai lực thiêng liêng của Phật đảnh mật chú còn tiến đến bậc vô học, huống chi các thầy. Các thầy đã phát tâm cầu Tối Thượng Thừa, nếu chí thành trì Phật chú này thì quyết định thành Phật, ví như rải bụi bay theo luồng gió thổi xuôi thì không có chi khó khăn.

Người tu chơn chánh phải tinh tấn thực hành ba tiệm thứ sau đây:

1- Tiệm thứ tu-hành dứt trợ nhân: Ðoạn tuyệt, không ăn ngũ vị tân (hành, hẹ, tỏi, nén, kiệu), không uống rượu, không dùng chất ma túy.

2- Tiệm thứ tu hành dứt giới tánh: Hoàn toàn kiêng cử Dâm và Sát.

3- Tiệm thứ tu hành dứt hiện nghiệp: Sáu căn thanh tịnh, không đắm nhiễm sáu trần.

Phật nói:

- Này Ananda, người phát bồ-đề tâm, tu phép Chánh Ðịnh, thọ đủ quy giới, nhứt định không ăn ngũ vị tân. Vì sao? Vì năm món ấy, ăn chín thì vọng dâm, ăn sống thì vọng sân. Nếu còn ăn ngũ vị tân thì dù miệng nói thông suốt 12 bộ chơn kinh bí điển cũng khó đạt hiệu quả. Chư thiên không chịu nổi mùi ngũ vị tân từ miệng bay ra, nên thường xa lánh những người ăn năm món ấy. Các loài ngạ quỷ, ác ma ưa thích ngũ vị tân, hay thừa dịp người ăn, xúm lại ngửi hơi, liếm môi liếm mép. Thành thử người ăn ngũ vị tân, hằng ngày sống chung với ma quỷ, bị tinh thần của chúng chi phối, tổn phước tổn đức, thường gặp nhiều truân chuyên khổ sở.

Này Ananda, nếu tu hành mà không đoạn tuyệt dâm và sát thì chẳng bao giờ giải thoát được khỏi tam giới phàm phu thống khổ. Người tu phải xem dâm và sát như loài rắn độc, như kẻ giặc.

Này Ananda, khi người tu tập được căn viên thông thì tâm không biến chuyển theo sáu trần, và tự quay về Bản-thể Chơn-như Viên-giác. Trần không có sở duyên, tâm không có sở đối, thì tác dụng của căn không gây ra những hành động sai lầm (ác nghiệp) được. Như vậy thập phương quốc độ (cùng khắp thế giới) thuần một nét thanh tịnh, thân được nhẹ nhàng, tâm được thanh thoát, an vui vô tận, mặc nhiên đắc vô sanh pháp nhẫn, thành tựu quả Càn-Huệ-Ðịa[15] (Sukla-vidarasana-bhumi). Rồi tuần tự tiến tu, tùy theo đạo hạnh sở phát mà an lập thánh quả.

Tiếp theo, Phật chỉ rõ sau quả Càn-huệ-địa còn có 54 quả vị tu chứng từ thấp lên cao, gồm có Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi-Hướng, Tứ Gia Hạnh và Thập Ðịa[16], rồi đến quả vị Ðẳng Giác, Diệu Giác và Viên Giác tức là quả vị Phật.

Thượng tọa Ananda và thánh chúng nghe Phật giảng xong, vô cùng mừng rỡ được Phật khai thị pháp môn tu theo Bồ-tát-thừa, từ sơ phát tâm cho đến Phật quả. Thật là một bài pháp hy hữu, chưa từng có ở thế gian. Tất cả đồng đảnh lễ Phật rồi y giáo phụng hành.

 

9- Hạ thứ 29 tại Jetavana (năm -561)

 

Lòng từ bi của Phật đối với các khất sĩ còn non kém[17] 

Ðức Phật đặt rất nhiều tin tưởng nơi các vị khất sĩ tài đức để tiếp tục công trình hoằng pháp lợi sinh mà ngài đã đề xướng. Tuy nhiên ngài cũng rất kiên nhẫn và bao dung cho những vị khất sĩ tối dạ hoặc còn non kém. Có thầy tu không thành công, trở ra đời tới sáu lần rồi mà khi xin xuất gia trở lại vẫn được Phật chấp thuận cho nhập chúng. Có vị tối dạ đến nỗi học hoài mà cũng không thuộc được 16 phép quán niệm hơi thở, vậy mà Phật vẫn tiếp tục vỗ về và khuyến khích.

Lúc bấy giờ, ở tinh xá Jetavana có một thầy tên Bhaddali có những khuyết điểm mà Phật lờ đi để thầy có cơ hội chuyển hóa. Thầy không cố ý nhưng thường vi phạm những quy luật của tu viện. Ví dụ trong tu viện có điều khoản "Nhất tọa thực", nghĩa là khi ngồi xuống ăn, người khất sĩ không được đứng dậy lấy thêm thức ăn hoặc làm những việc khác, đến khi ăn xong mới được đứng lên. Vậy mà thầy Bhaddali không làm được. Sống trong đại chúng, thầy thường gây ra những phiền nhiễu cho người khác. Phật có quở thầy nhiều lần và dạy thầy phải thường xuyên tự đặt câu hỏi "Tôi phải làm gì để cho đại chúng được hoan hỷ?". Vậy mà đến mấy tháng sau thầy vẫn chưa thành công. Trong đại chúng có những thầy không đủ kiên nhẫn và có khi nói nặng thầy. Biết vậy, một hôm Phật dạy:

- Này các thầy, một cá nhân trong tăng đoàn dù có những khuyết điểm trầm trọng, nhưng thế nào trong tâm người ấy vẫn còn lại một ít hạt giống của niềm tin Chánh Pháp và tình thương nhân loại. Chúng ta nên cư xử thế nào với vị ấy để cho những hạt giống lành còn lại đó có đủ cơ duyên nẩy nở, không nên để cho những hạt giống ấy hoàn toàn bị tiêu diệt. Ví dụ như có người kia vì bất hạnh mà bị mù một con mắt. Bà con thân thuộc của người ấy cố nhiên sẽ tìm cách giúp đỡ và bảo vệ con mắt còn lại kia. Họ biết rằng nếu con mắt kia mù nữa thì người ấy sẽ rất khốn khổ. Vậy, này các thầy, các thầy hãy giúp bảo vệ những hạt giống lành còn lại nơi người đồng đạo của mình bằng cách đối xử tử tế và dễ thương với người ấy.

Ðức Phật lúc nào cũng từ bi, dịu hòa, nhưng có lúc ngài cũng rất nghiêm khắc và cũng từng quở trách nặng nề, quyết liệt. Người nào mà Phật không độ được hoặc chưa độ được quả thật là người không có tương lai.

Một hôm đức Phật nói chuyện với một người huấn luyện ngựa. Phật hỏi:

- Ông điều phục ngựa như thế nào, xin nói cho chúng tôi nghe đi?

- Bạch Thế Tôn, có nhiều loại ngựa. Có loại rất dễ dạy, chỉ cần dùng biện pháp ngọt ngào. Có loại khó trị hơn, phải dùng vừa biện pháp ngọt ngào vừa biện pháp mạnh. Có loại rất khó dạy, chỉ có thể dùng biện pháp mạnh.

- Vậy khi gặp loại ngựa chứng mà cả ba biện pháp đều vô hiệu thì ông làm thế nào?

- Bạch Thế Tôn, trong trường hợp ấy thì con buộc lòng phải hạ sát nó, vì để nó sống chung trong bầy sẽ làm hư hỏng những con ngựa khác. Bạch Thế Tôn, còn ngài dạy các đệ tử như thế nào? Xin cho con biết với.

- Thì tôi cũng làm tương tự như ông. Có những người chỉ cần ngọt ngào. Có những người vừa cần biện pháp ngọt ngào, vừa cần biện pháp mạnh. Có người chỉ có thể dùng biện pháp mạnh mới trị nổi.

- Vậy trong trường hợp cả ba biện pháp đều vô hiệu thì đức Thế Tôn làm thế nào?

- Thì tôi cũng phải làm như ông vậy.

- Ủa! Ðức Thế Tôn giết họ à?

- Không, tôi chỉ từ chối không chấp nhận họ vào giáo đoàn khất sĩ, không chấp nhận họ làm đệ tử, thế thôi. Nhưng những trường hợp đó thật hy hữu và thật đáng thương tâm.

 

Hiệp sĩ Rohitassa hỏi cách ra khỏi thế giới sinh tử[18] 

Hiệp sĩ Rohitassa cột ngựa ngoài cổng tinh xá Jetavana, rồi với dáng điệu hiên ngang, oai vệ, ông bước theo Thượng tọa Ananda đến am Phật. Thầy Ananda rót trà mời Phật và khách. Hiệp sĩ Rohitassa xá Phật rồi mở lời:

- Bạch đức Thế Tôn, có một cõi nào không có sinh, già, bệnh, chết không? Có một cõi nào mà muôn loài đều không chịu luật sinh diệt không? Ta có thể di chuyển bằng cách nào để ra khỏi thế giới sinh diệt này và để đi tới thế giới không sinh diệt kia không?

- Này Rohitassa, không thể nào ra khỏi thế giới sinh diệt này bằng cách di chuyển, dù ta có đi nhanh hơn tia chớp cũng vậy.

- Kính lạy đức Thế Tôn, ngài dạy rất chí lý. Quả thật ta không thể đi ra khỏi biên giới của thế giới sinh diệt này bằng cách di chuyển, dù bằng tốc độ nào. Con nhớ trong một kiếp trước, con đã từng có thần thông, con có thể bay trong hư không nhanh như một mũi tên. Con chỉ cần phóng mình đi trong chốc lát là đã có thể từ bờ biển phía đông sang tới bờ biển phía tây. Con đã nhất quyết vượt biên giới của thế giới sinh, già, bệnh, chết để đi sang một thế giới khác. Con đã bay đi suốt ngày này sang ngày khác, không hề dừng lại để ăn uống hoặc nghỉ ngơi. Con đã bay đi trên một trăm năm với tốc độ ấy nhưng cũng chưa thấy biên giới đâu cả, rốt cuộc con đã chết ở dọc đường. Thế Tôn nói thật đúng, chúng ta không thể nào vượt được biên giới của cõi sinh tử bằng cách di chuyển, dù là di chuyển với tốc độ của ánh sáng.

- Này Rohitassa, Như Lai không nói rằng ông không thể vượt ra khỏi cõi sinh tử này. Nếu ông muốn, Như Lai sẽ chỉ cho ông cách vượt ra khỏi thế giới sinh tử. Này Rohitassa, chính từ nơi thân tâm ông mà thế giới sinh tử được sinh khởi, cũng chính từ nơi thân tâm ông mà ông có thể tìm thấy được sự chấm dứt của thế giới sinh tử. Ông hãy quán chiếu thân tâm ông. Hãy quán chiếu thế giới sinh diệt ngay trong thân tâm ông. Quán chiếu sắc, thọ, tưởng, hành, thức nơi ông để thấy được thực tướng của vạn pháp trong vũ trụ. Ðến khi quán chiếu thành công, ông sẽ thấy thế giới sinh diệt tan biến mất và thế giới bất sinh bất diệt hiển lộ. Chừng đó ông sẽ được giải thoát khỏi mọi khổ đau trong thế giới sinh diệt, và sẽ được hoàn toàn thong dong, tự tại, an lành trong thế giới chơn thường, chơn lạc, chơn ngã, chơn tịnh.

Này Rohitassa, để vượt khỏi thế giới sinh diệt khổ đau, ông không cần di chuyển đi đâu hết, ông chỉ cần ngồi im lặng, nhìn sâu vào tự tánh của thân tâm ông để chứng nghiệm và sống với cái thực thể bất sanh bất diệt của vạn vật. Cái thực thể đó không có hình tướng nên khó nhận ra, nhưng nó ở khắp mọi nơi, không cần đi tìm kiếm nơi đâu cả.

Hiệp sĩ Rohitassa sụp xuống đảnh lễ dưới chân Phật, rất vui mừng và cảm động, ông nói:

- Bạch Thế Tôn, con như người đi lạc trong rừng sâu vừa được chỉ lối ra, như người đang mò mẫm trong nhà tối vừa được ngọn đèn sáng. Con như người mù đi tìm kiếm ánh sáng, dù trải qua bao nhiêu kiếp như thế cũng không thể tìm thấy được. Hôm nay con may mắn được đức Từ Bi chữa bệnh mù cho con, con mới được thấy ánh sáng lúc nào cũng ở ngay trước mắt, không cần phải đi tìm kiếm đâu xa. Con xin đức Thế Tôn hoan hỷ nhận con làm đệ tử.

 

10- Hạ thứ 30 tại Jetavana (năm -560)

 

Những câu hỏi không được Phật trả lời[19] 

Một hôm, trời đang mưa tầm tã, có một vị du sĩ tới viếng. Thượng tọa Ananda tiến dẫn du sĩ Uttiya vào gặp Phật. Thầy giới thiệu vị du sĩ với Phật, lấy khăn cho ông ta lau khô đầu tóc rồi mời ông ta ngồi. Sau khi chào hỏi xã giao, Uttiya vào đề ngay:

- Thưa sa-môn Gotama, thế giới chúng ta đang ở còn mãi hay sẽ có lúc bị hoại diệt?

- Này ông bạn Uttiya, tôi xin phép không trả lời câu hỏi đó.

- Vậy, xin sa-môn cho biết thế giới chúng ta đang ở có biên giới hay không có biên giới?

Ðức Phật ngồi im lặng. Du sĩ Uttiya nói:

- Thưa sa-môn Gotama, tôi xin nêu tất cả những thắc mắc của tôi ra đây và xin sa-môn cứ tùy nghi giải đáp:

·Thân thể và linh hồn là một hay là hai?

·Sau khi chết, sa-môn Gotama còn hay mất?

·Sau khi chết, sa-môn Gotama vừa còn vừa mất?

·Sau khi chết, sa-môn Gotama không còn cũng không mất?

Ðức Phật tiếp tục ngồi im lặng. Uttiya cảm thấy khó chịu, lại hỏi:

- Câu nào tôi hỏi, sa-môn cũng không trả lời. Tại sao thế?

Ðức Phật đáp:

- Vì những câu hỏi của ông nêu ra không có ích lợi gì cho sự tu tập để đạt đến giác ngộ và giải thoát.

 

Sau đó mấy hôm lại có một vị du sĩ khác tên là Vacchagota[20] tới viếng Phật. Ông ta cũng nêu những câu hỏi tương tợ như những câu hỏi của du sĩ Uttiya. Ðức Phật cũng ngồi im lặng, không đáp. Vacchagota gượng nêu câu hỏi cuối cùng:

- Sa-môn Gotama, xin ngài cho biết là có ngã hay không có ngã?

Ðức Phật vẫn ngồi im lặng. Vacchagota đứng dậy bỏ đi.

Sau khi Vacchagota đi khuất, Thượng tọa Ananda hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn, trong các buổi thuyết pháp Thế Tôn đã từng giảng dạy về đạo lý vô ngã. Sao hôm nay Thế Tôn không trả lời câu hỏi về ngã của du sĩ Vacchagota?

- Này Ananda, đạo lý vô ngã mà Như Lai giảng dạy cho các vị khất sĩ là một pháp môn hướng dẫn thiền quán để phá chấp ngã, chứ không phải là chủ thuyết "vô ngã". Câu hỏi của Vacchagota chỉ có mục đích muốn biết lập trường của Như Lai về ngã nên Như Lai không thể trả lời, vì trả lời là rơi vào biên kiến, hoặc chấp có, hoặc chấp không. Này Ananda, muốn giác ngộ và giải thoát cần diệt trừ tất cả mọi kiến chấp. Thà rằng họ cho là mình không biết còn hơn là đưa họ vào kiến chấp "có / không".

 

Như-Lai không từ đâu tới và cũng không đi về đâu cả[21] 

Một hôm, Thượng tọa Anuruddha trên đường đi khất thực bị một nhóm du sĩ chận lại cật vấn. Họ bắt thầy phải trả lời câu hỏi của họ rồi họ mới cho đi. Họ hỏi:

- Chúng tôi nghe nói sa-môn Gotama là bậc giác ngộ vẹn toàn và giáo pháp của người rất cao siêu mầu nhiệm. Thầy là đệ tử của sa-môn Gotama. Vậy xin thầy cho chúng tôi biết sau khi chết sa-môn Gotama có còn hiện hữu hay không?

Rồi các du sĩ buộc Thượng tọa Anuruddha chọn một trong bốn câu trả lời sau đây:

a)  Sau khi chết, sa-môn Gotama còn.

b)  Sau khi chết, sa-môn Gotama mất.

c)  Sau khi chết, sa-môn Gotama vừa còn vừa mất.

d)  Sau khi chết, sa-môn Gotama vừa không còn vừa không mất.

Thầy Anuruddha biết rằng trong bốn câu trả lời đó không có câu trả lời nào phù hợp với giáo pháp của Phật. Thầy im lặng. Nhưng các vị du sĩ không bằng lòng sự im lặng đó. Họ buộc thầy phải nói một cái gì. Cuối cùng Thượng tọa nói:

- Này các bạn, theo sự hiểu biết của tôi thì trong bốn câu trả lời đó không có câu nào diễn tả được sự thật về sa-môn Gotama cả.

Các vị du sĩ cười bảo nhau:

- Coi bộ vị sa-môn này là người mới tu cho nên ông ta không thể trả lời được câu hỏi của mình đâu. Thôi, chúng ta nên để cho ông ta đi cho rồi.

Nói xong, họ bỏ đi.

Cách đó mấy hôm, sau giờ thuyết pháp của Phật, Thượng tọa Anuruddha đem việc xảy ra trình lên Phật. Thầy nói:

- Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn soi sáng cho chúng con, để chúng con được học hỏi thêm và có thể trả lời được mỗi khi bị hỏi những câu tương tợ.

- Này Anuruddha, theo thầy thì sa-môn Gotama hiện đang ở đâu? Có thể tìm sa-môn Gotama nơi sắc thân này không?

- Bạch Thế Tôn, không.

- Có thể tìm sa-môn Gotama nơi cảm giác (thọ) không?

- Bạch Thế Tôn, không.

- Có thể tìm sa-môn Gotama nơi tư tưởng, nơi hành động và lời nói, hay nơi tri thức không?

- Bạch Thế Tôn, không.

- Vậy, này Anuruddha, có thể tìm sa-môn Gotama ngoài sắc thân này không?

- Bạch Thế Tôn, không.

- Có thể tìm sa-môn Gotama ngoài cảm giác không?

- Bạch Thế Tôn, không.

- Có thể tìm sa-môn Gotama ngoài tư tưởng, ngoài hành động và lời nói, hay ngoài tri thức không?

- Bạch Thế Tôn, không.

- Ðúng thế, này Anuruddha, sa-môn Gotama không ở nơi ngũ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức; sa-môn Gotama cũng không ở ngoài ngũ uẩn; sa-môn Gotama không ở nơi thất đại là địa, thủy, hỏa, phong, không, kiến và thức; sa-môn Gotama cũng không ở ngoài thất đại. Nói sa-môn Gotama ở nơi nào, có hay không, còn hay mất đều không đúng sự thật. Này Anuruddha, sa-môn Gotama còn đang ngồi đây mà thầy còn không thể khẳng định được có hay không thì sau khi sa-môn Gotama diệt độ rồi làm sao thầy có thể nói còn hay mất?

Này Anuruddha, thầy nên biết tự thể, tự tánh của vạn pháp là Chân Như (Tathagata) mầu nhiệm, bất biến, bất sanh, bất diệt, trong cái tổng thể đó vạn vật luân chuyển, biến đổi như trò ảo thuật, không thể nói có hay không, còn hay mất. Thế nên Như Lai (Tathagata) không từ đâu tới và cũng không đi về đâu cả.

Ðức Phật đã dứt lời từ lâu mà các vị khất sĩ vẫn ngồi yên, im lặng, trầm ngâm, không nói một lời nào.

 

11- Hạ thứ 31 tại Jetavana (năm -559)

 

Phật nói kinh Sư Tử Hống[22] 

Trong một buổi thuyết pháp vào mùa an cư năm nay, đức Phật nói Kinh Sư Tử Hống để tóm lược những điểm chính yếu trong giáo pháp giác ngộ và giải thoát, và cũng để gián tiếp trả lời những thắc mắc về có ngã hay không có ngã, sau khi nhập diệt sa-môn Gotama còn hay mất. Ðức Phật nói:

- Này quý vị, đạo lý giác ngộ và giải thoát có năng lực công phá những thành trì kiên cố nhất của vô minh, cũng như ánh sáng có năng lực làm tiêu tan bóng tối. Những giáo lý như Bốn Sự Thật, Vô Thường, Vô Ngã, Duyên Sinh, Bốn Niệm Xứ, Bảy Giác Chi, Ba Cánh Cửa Giải Thoát[23] và Con Ðường của Tám Hành Ðộng Chân Chánh đã được tuyên thuyết trong nhân gian như những tiếng gầm của con sư tử chúa, làm cho hàng trăm hàng ngàn tà thuyết và hý luận phải hoảng sợ bỏ chạy, hoặc lặng im thinh thích.

Này quý vị, sư tử là vua của các loài thú. Khi bước ra khỏi hang, con sư tử uốn mình, vươn vai. Sau khi uốn mình và vươn vai, nó đưa cặp mắt sáng quắc nhìn ra bốn phía. Rồi nó gầm lên ba tiếng lớn làm rung chuyển cả rừng núi. Sau đó nó mới đi tìm mồi.

Này quý vị, bất cứ loài thú nào nghe tiếng gầm của sư tử đều lấy làm sợ hãi, có con trốn kín, có con bỏ chạy, có con run rẩy, rã rời cả tứ chi không còn biết làm gì nữa. Loài chim bay bổng lên cao. Loài thuồng luồng, cá sấu hấp tấp lội xuống nước. Chồn cáo chui vào hang sâu. Những con voi trong các xóm làng lân cận, dù là voi của vua có trang sức dây nịt và lọng vàng, đều hoảng sợ bỏ chạy, có khi văng cả phân và nước tiểu. Con sư tử có uy lực lớn như thế.

Này quý vị, pháp âm của đạo giác ngộ và giải thoát cũng giống như tiếng gầm của con sư tử chúa. Khi pháp âm giác ngộ cất lên thì tất cả các tà thuyết đều run sợ. Khi được nghe tuyên thuyết các đạo lý vô thường, vô ngã, duyên sinh ... thì tất cả những ai lâu nay an trú trong vô minh và buông thả đều phải giật mình. Loài người cũng vậy mà loài trời cũng vậy. Khi bừng tỉnh giấc mơ, mọi người thấy được sự thật chói lòa: "Thì ra lâu nay chúng ta đang ở nơi nguy hiểm mà cứ tưởng là an ổn; chúng ta đã nhận cái vô thường làm cái thường, cái vô ngã làm ngã, cái khổ làm vui, cái tạm bợ làm vĩnh cửu, cái giả làm thật". Ðã đến lúc chúng ta phải vất bỏ tất cả các lập trường, thành kiến, cố chấp để tiếp nhận chân lý.

Này quý vị, các học thuyết của nhân gian đều bị ràng buộc vào ý niệm có/không. Ðạo lý giác ngộ vượt ra ngoài ý niệm có/không. Nhân gian thường bị vướng mắc trong bốn cạm bẫy lớn của cuộc sống. Cạm bẫy thứ nhất là dục lạc. Cạm bẫy thứ hai là kiến thức. Cạm bẫy thứ ba là nghi lễ. Cạm bẫy thứ tư là ý niệm về ngã. Con người bị lúng túng, ràng buộc trong bốn cạm bẫy ấy, không còn biết đâu là chân lý. Pháp âm giác ngộ đưa con người thoát ra khỏi bốn cạm bẫy lớn này.

Này quý vị, muốn thoát ra khỏi các thành kiến, cố chấp, cạm bẫy để thấu triệt chân lý, quý  vị phải thường xuyên quán sát "tự tánh duyên khởi[24]" trong đời sống hằng ngày của quý vị, nơi thân thể, nơi cảm giác, nơi tư tưởng, nơi hành động và lời nói, nơi muôn vật.

Này quý vị, một khi đã thành tựu phép quán "tự tánh duyên khởi" quý vị sẽ hiểu rõ vì sao Như Lai nói "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Như Lai thường trụ không biến đổi". Ðó là chân lý, đó là tiếng gầm của con sư tử chúa.

 

 

12- Hạ thứ 32 tại Jetavana (năm -558)

 

Phật nói kinh Kim-cang Bát-nhã Ba-la-mật[25] 

Một hôm, gần đến giờ thọ trai, đức Phật đắp y mang bát vào thành Sravasti, đi theo thứ lớp từ nhà này đến nhà khác khất thực. Khi đã có vừa đủ thức ăn, ngài trở về tinh xá Jetavana, cùng với các khất sĩ thọ trai. Thọ trai xong, ngài thu xếp y bát, rửa chân, rồi trải tọa cụ ngồi. Khi ấy Thượng tọa Subhuti[26] (Tu-Bồ-Ðề) ở trong đại chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai áo bên mặt, quì gối mặt xuống đất, chấp tay cung kính bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn, trong pháp hội hôm nay có nhiều thiện nam, tín nữ tuy đã phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, nhưng tâm còn vọng động, phiền não chưa dứt trừ. Chúng con xin Thế Tôn từ bi chỉ dạy phương pháp làm sao an trụ tâm[27]?làm sao hàng phục tâm[28]?

- Lành thay! Này Subhuti, thầy khéo vì thính chúng còn sơ cơ mà thưa hỏi đúng lúc. Như Lai sẽ giảng cách an trụ tâm và cách hàng phục tâm. Các vị đã phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác nên lắng nghe cho kỹ để biết cách thực hành.

Người đã phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác muốn an trụ tâm phải biết nên an trụ vào chỗ nào, an trụ vào vật gì. Không nên an trụ tâm vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, mà phải an trụ tâm vào nơi không có chỗ trụ và không có gì để trụ[29]. Muốn được như vậy phải độ tất cả chúng sanh vào vô-dư-y niết-bàn mà không thấy có người độ và có chúng sanh được độ. Này Subhuti, thầy nên biết:

Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng, huyễn, bào, ảnh

Như lộ, diệc như điện

Ưng tác như thị quán.[30]

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đều là vọng tưởng, vô thường, biến chuyển luôn, không phải là nơi tốt để an trụ tâm. Phải an trụ tâm vào nơi thường trụ, vào vật gì không bao giờ biến đổi. Còn thấy có chúng sanh là còn vọng tưởng. Còn thấy có người độ và người được độ là còn phân biệt ngã/nhơn. Ý thức phân biệt là nhân sanh ra động niệm làm cho tâm động. Phải dứt trừ ý thức phân biệt bằng cách quán Vô Thường và Vô Ngã thì tâm mới thật sự được an trụ vào Chơn-Như, Phật tánh.

- Lại nữa, này Subhuti, người đã phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác muốn hàng phục tâm, tức là muốn dứt trừ phiền-não và vọng tưởng, thì trước hết phải bố thí mà không trụ tướng, tức không trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Vì bố thí mà không trụ tướng thì phước đức không thể nghĩ lường.

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy. Vì chúng sanh vô minh nên mới nảy sanh vọng tưởng; rồi từ vọng-tưởng chấp có chấp không sanh ra phiền não là lòng tham lam, ích kỷ, thương, ghét, sân hận, sợ sệt... Muốn diệt trừ lòng tham lam ích kỷ phải thật hành hạnh bố thí. Bố thí ba-la-mật là không còn thấy có vật gì là của mình nữa; cả thân mình và tâm mình cũng không phải là của mình. Một khi đã trừ được ngã chấp và pháp chấp thì phiền-não và vọng-tưởng nhất định không còn.

- Này Subhuti, thầy nghĩ sao? Có thể do thân tướng mà thấy Như Lai chăng?

- Bạch Thế Tôn, không thể do thân tướng mà thấy được Như Lai. Vì thân tướng là vô thường, mà Như Lai là thường trụ.

- Ðúng vậy, phàm chỗ có tướng đều hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai.

Rồi đức Phật nói bài kệ:

Nhược dĩ sắc kiến ngã

Dĩ âm thanh cầu ngã  

Thị nhơn hành tà đạo 

Bất năng kiến Như Lai.[31]

- Bạch Thế Tôn, không biết khi chúng sanh nghe lời dạy như thế có sanh lòng tin chân thật chăng?

- Này Subhuti, có nhiều chúng sanh đã trồng căn lành từ nhiều đời, khi nghe lời dạy như thế sẽ sanh lòng tin chắc chắn. Vì họ biết rằng "độ chúng sanh mà không thấy có chúng sanh được độ" và "bố thí không trụ tướng" là phương pháp diệt trừ các chấp ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả để đạt đến niết-bàn an lạc thanh tịnh vậy.

 

13- Hạ thứ 33, 34, 35 tại Jetavana (năm -557/ -555)

Theo chúng tôi nghĩ thì trong khoảng 4 năm, từ hạ thứ 33 đến hạ thứ 36, đức Phật chú trọng đến việc thuyết giảng kinh Ðại Bát-Nhã Ba-La-Mật (Maha Prajna-paramita-sutra) nói về Tánh Không của các pháp và pháp môn Quán Bát-Nhã. Tất cả nội dung kinh Ðại Bát-Nhã gồm 16 hội, tức 16 thời pháp của đức Phật, tại 4 nơi là núi Griddhakuta (Linh-thứu), tinh xá Jetavana (vườn Cấp-Cô-Ðộc), cung trời Paranimmitavasavatti (Tha-hóa-tự-tại) và tinh xá Venuvana (Trúc-lâm).

Từ hội thứ nhất đến hội thứ 6, đức Phật chỉ dạy cách tu tập pháp Quán Bát-nhã.

Từ hội thứ 7 đến hội thứ 10, đức Phật nói về những công đức thù thắng, trang nghiêm, không thể nghĩ bàn của pháp tu Quán Bát-nhã, vì đây là pháp môn Nhất-Thiết Pháp Thậm-Thâm Vi-Diệu Lý-Thú Bát-Nhã Thanh-Tịnh đưa người tu đến Nhất Thiết Chủng Trí và Thanh Tịnh Giải Thoát.

Từ hội thứ 11 đến hội thứ 16, đức Phật giảng về 6 pháp Ba-la-mật của Bồ-tát là Bố-thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí huệ bát-nhã.

Toàn thể nội dung kinh Ðại Bát-Nhã Ba-La-Mật (Maha Prajna-paramita-sutra) được đúc kết một cách hết sức ngắn gọn và trong sáng thành kinh Bát-Nhã Ba-La-Mật-Ða Tâm Kinh (Prajna-paramita-hrdaya-sutra).

 

Phật nói kinh Ðại Bát-nhã Ba-la-mật 

 Sau nhiều thời pháp về Ðại Bát-nhã, một hôm, trong mùa an cư, đức Phật tóm lược như sau:

- Này các thầy, pháp môn tu Quán Bát-nhã rất thậm thâm vi diệu, công đức không thể nghĩ bàn. Chính nhờ thực hành thâm sâu pháp môn này mà Bồ-tát Quán-Tự-Tại (Quán-Thế-Âm, Avalokitesvara) chứng thực được 5 uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức đều là không, nhờ đó Bồ-tát đã vượt qua tất cả mọi khổ nạn.

Này Sariputta (Xá-Lợi-Phất), các vị khất sĩ cũng nên thực hành pháp Quán Bát-nhã như thế. Các thầy nên quán sắc thân là không vì sắc thân là vô thường, các thầy cũng nên quán cảm giác (thọ), suy tư nghĩ tưởng (tưởng), biến chuyển của thân tâm (hành), tri giác (thức) do mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và bộ óc đều là không, vì đều là vô thường, duyên hợp, không tự tánh.

Này Sariputta, một khi chứng được thật tướng của 5 uẩn đều là không, là các thầy đã chứng được vô ngã, do đó trở nên hoàn toàn thanh tịnh giải thoát, không còn sanh tử luân hồi nữa. Ðó quả thật là một pháp môn vi diệu không thể nghĩ bàn. Tất cả chư Phật trong ba đời, quá khứ, hiện tại và vị lai, đều nhờ tu pháp môn này mà chứng được vô thượng chánh đẳng chánh giác.

 

Trong một thời pháp khác của đức Phật tại giảng đường Lộc-Mẫu (Migara-matas) trong tinh xá Ðông-Viên (Pubbarama), Thượng tọa Ananda nêu thắc mắc:

- Bạch Thế Tôn, theo con hiểu, Quán Bát-nhã là quán 5 uẩn đều không, mà hể 5 uẩn đều không thì 18 giới cũng không và tất cả muôn sự muôn vật đều không.

Quán Bát-nhã có nghĩa là quán tánh không của các pháp. Ví dụ như quán sắc uẩn là không, có nghĩa là suy nghĩ để biết rõ sắc thân là vô thường, do duyên hợp nên không có tự tánh.

Bạch Thế Tôn, nhưng con còn chưa hiểu chứng được thật tướng của 5 uẩn là không là như thế nào? Xin Thế Tôn từ bi chỉ dạy.

Ðức Phật đáp:

- Lành thay, này Ananda, Như Lai sẽ vì ông mà giảng rõ cho cả pháp hội cùng nghe để hiểu thế nào là Quán và An-trú (chứng) Tánh Không[32].

 Ví như trong giảng đường Lộc-Mẫu này không có voi, bò, ngựa, vàng bạc như trong xóm làng, thời phải quán những vật ấy là không. Nhưng có cái không phải không, là sự hiện diện của chúng tăng ni, vậy phải quán chúng tăng ni là có. Nói cho rõ hơn thì ý tưởng về xóm làng thì không, nhưng ý tưởng về người thì có. Ðó là an trú tánh không một cách chân thật, không điên đảo.

Tiến lên một bậc, vị nào muốn an trú nhiều trong tánh không, vị ấy không nên suy niệm đến ý tưởng về xóm làng, cũng không nên suy niệm đến ý tưởng về người, mà nên thường suy niệm đến ý tưởng thuần nhất về rừng vắng. Vị ấy quán trong tâm thức mình, thấy ý tưởng về xóm làng, về người là không, nhưng có cái không phải không, đó là ý tưởng về rừng vắng. Vị ấy biết rằng các phiền não do ý tưởng về xóm làng và người hiện không có trong tâm mình, nhưng các phiền não do ý tưởng về rừng vắng thì hiện có. Cái gì hiện có, vị ấy quán là có; cái gì hiện không có, vị ấy quán là không. Ðó là an trú tánh không một cách chân thật, không điên đảo.

Tiếp tục tiến thêm một bậc nữa, vị nào muốn an trú nhiều hơn trong tánh không, vị ấy không nên suy niệm đến ý tưởng về xóm làng, về người, về rừng vắng, mà nên thường suy niệm đến ý tưởng thuần nhất về đất. Vị ấy quán trong tâm thức mình, biết rằng các phiền não do ý tưởng về xóm làng, về người, về rừng vắng thì không, nhưng các phiền não do ý tưởng về đất thì có; nếu không có các phiền não do ý tưởng về đất thì vị ấy biết là không. Ðó là an trú tánh không một cách chân thật, không điên đảo.

Cứ như thế, thiền giã sẽ lần lượt vượt qua các thiền chứng về sắc giới từ sơ thiền đến tứ thiền, và các thiền chứng về vô sắc giới từ không vô biên xứ đến phi tưởng phi phi tưởng. Thực chứng đến đâu, thiền giã tự quán tâm mình liền biết. Ðến khi trong tâm thiền giã hoàn toàn thanh tịnh, không còn một mảy may phiền não vi tế nào về 5 uẩn, không còn bao giờ khởi suy niệm đến ý tưởng về sắc thân, về cảm giác, về tư tưởng, về biến chuyển, về ý thức là thiền giã đã thực chứng 5 uẩn là không, tức chứng vô ngã.

Nghe đến đây toàn thể thính chúng rất hoan hỷ, phấn khởi, biết rằng Quán Bát-Nhã tức Quán Tánh Không. Quán sắc uẩn là không, không phải là tuy thấy mình có thân mà cứ tự cho mình không thân bằng cách tự kỷ ám thị. Quán sắc uẩn là không, là suy nghiệm để biết thân vô thường, duyên hợp tạm có, không có tự tánh. Chứng sắc uẩn là không, là không còn khởi suy niệm đến ý tưởng về sắc thân nữa, do đó không còn phiền não do ý tưởng về sắc thân gây ra nữa.

 

14- Hạ thứ 36 tại Jetavana (năm -554)

 

Bà Visakha than khóc với Phật về một đứa cháu vừa mới chết[33] 

Một hôm, lúc Phật sắp sửa đi khất thực thì có nữ thí chủ Visakha tới, đảnh lễ Phật rồi ngồi xuống một bên, thúc thích khóc. Phật hỏi:

- Này Visakha, sao hôm nay bà có vẻ buồn rầu quá vậy? Bà đang than khóc chuyện gì vậy?

- Bạch Thế Tôn, đứa cháu nội gái của con là Datta vừa mới mất. Con thương nó nhất nhà. Nó mới được năm tuổi thôi mà nó rất thích đi theo con để tiếp con mang đồ đạt cúng dường các vị khất sĩ. Bây giờ nó mất rồi, con đi đâu phải đi một mình. Con thương nhớ nó, còn buồn quá.

- Cháu đau bệnh gì mà mất?

- Bạch Thế Tôn, cháu bị bệnh thương hàn.

- Tội nghiệp quá! Này Visakha, bà có tất cả bao nhiêu con cháu?

- Bạch Thế Tôn, con được 12 đứa con và 5 đứa cháu vừa nội vừa ngoại. Bây giờ con chỉ còn 4 đứa.

- Bà muốn có nhiều con cháu lắm phải không?

- Thưa vâng. Bạch Thế Tôn, nhà càng đông con cháu càng vui.

- Nếu bà có con cháu nhiều bằng dân số ở thủ đô Sravasti này chắc bà vui lắm?

- Vâng, nếu được như vậy thì còn gì bằng.

- Bà có biết mỗi ngày ở thủ đô này có bao nhiêu người chết không?

- Bạch Thế Tôn, có ngày thì chín mười người, có ngày thì sáu bảy người. Ít nhất cũng có một hai người. Thưa Thế Tôn, ở Sravasti không có ngày nào mà không có người chết.

- Này Visakha, nếu con cháu bà đông như dân chúng ở Sravasti này thì chắc ngày nào bà cũng phải khóc than không dứt. Vậy thì vui ở chỗ nào?

- Bạch Thế Tôn, con hiểu rồi.

- Tốt lắm, vậy bà đừng buồn khổ nữa. Tình thương thế tục thường làm phát sanh đau khổ và lo sợ. Chỉ có lòng Từ Bi Hỷ Xả là mang đến niềm vui và hạnh phúc chân thật cho tất cả mọi người mà thôi.

Rồi đức Phật nói kệ:

Trìu mến sanh đau khổ,

Trìu mến sanh lo sợ,

An vui không triều mến

Không đau khổ lo sợ. (Kinh Pháp Cú, bài 213)

 

Người tu phải biết lượng sức mình[34] 

Sau mùa an cư năm nay, Phật lên đường về miền nam. Ngài ghé thăm Vườn Nai (Migadava) ở làng Isipatana, phía bắc thành phố Benares (Varanasi), nơi ngài đã thuyết pháp lần đầu tiên và đã thành lập Giáo Ðoàn Khất Sĩ với đầy đủ ba ngôi Tam Bảo. Quang cảnh ở đây đã đổi khác. Một cái tháp lớn đã được dân chúng địa phương dựng lên để kỷ niệm nơi Phật bắt đầu chuyển bánh xe pháp. Tháp này được đặt tên là tháp Dhamekh, do hai chữ Dhamma mukkha họp lại, có nghĩa là Chánh Pháp. Tại Vườn Nai có giảng đường Kittoe đã được kiến tạo, có rất đông khất sĩ cất am cốc xung quanh giảng đường làm thành một tinh xá tu học. Mới đó mà đã 36 năm qua. Bánh xe Chánh Pháp đã luân chuyển liên tục trên khắp lưu vực sông Ganga. Sau khi ở lại Vườn Nai vài hôm để thuyết pháp và khích lệ đại chúng, Phật lên đường đi Gaya, đến làng Uruvela thăm cây Bồ-đề năm xưa. Cây Bồ-đề càng ngày càng tươi tốt, cành lá sum sê. Nhiều tịnh thất đã được dựng lên trong vùng. Vua Bimbisara đang chuẩn bị cho xây một ngôi tháp kỷ niệm nơi Phật thành đạo, gọi là Tháp Ðại Giác (Mahabodhi Mahavihara).

Ðức Phật hướng dẫn các vị khất sĩ thăm viếng các nơi mà ngài đã tinh tấn tu khổ hạnh trong sáu năm trường cho đến lúc ngài từ bỏ lối tu khổ hạnh, lập ra pháp tu trung đạo, và 49 ngày sau đó ngài đã thành đạo dưới cội cây pippala. Ðức Phật kể lại cho các vị khất sĩ nghe những kinh nghiệm sống động mà ngài đã trải qua, những pháp môn ngài đã thực hành, những khó khăn ngài đã vượt qua, những chứng nghiệm ngài đã đạt được trước và sau khi thành đạo. Ðây là cây Ajapala, nơi ngài nhận bát cháo sữa của hai chị em cô Sujata trước đêm thành đạo, và cũng là nơi ngài ngồi nhập định suốt tuần lễ thứ năm để suy nghiệm về giáo pháp giải thoát. Ðây là cây Bồ-đề, nơi ngài đã ngồi nhập đại định, chiến thắng ma quân, chứng lục thông[35] và tam minh[36], rồi tiếp tục ngồi suốt một tuần để chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát. Ðây là nơi ngài đã đứng nhìn cây Bồ-đề suốt tuần lễ thứ hai không nháy mắt. Ðây là con đường kinh hành bằng ngọc mà ngài đã đi tới đi lui suốt tuần lễ thứ ba sau khi thành đạo. Ðây là "bảo cung", nơi ngài ngồi suốt tuần lễ thứ tư để suy niệm về những giáo lý cao siêu (Abhidhamma). Ðây là cây Mucalinda, nơi ngài ngồi nhập định suốt tuần lễ thứ sáu dưới cơn mưa to gió lớn và đã được rắn thần Mucalinda che chở. Ðây là cây Rajayatana, nơi ngài ngồi nhập định suốt tuần lễ thứ bảy. Quý vị khất sĩ hôm nay rất hoan hỷ được nghe một thời pháp vô cùng quý giá, vô cùng sống động, với những chứng tích lịch sử trước mắt, và do chính đức Phật nói lại những kinh nghiệm và những chứng nghiệm của chính ngài khi thành đạo.

Ðại đức Svastika là người xúc động nhiều nhất. Thầy nhớ lại lúc thầy gặp Phật lần đầu tiên nơi đây, thầy mới được tám chín tuổi. Bây giờ thầy đã 44 tuổi. Không biết mấy đứa em của thầy, hai chị Sujata và mấy đứa bạn chăn trâu của thầy khi xưa bây giờ ở đâu? làm nghề gì? đã có gia đình con cái gì chưa? và hiện sinh sống ra sao? Rồi thầy nghĩ lại thầy thật có phước được xuất gia theo Phật, sống một đời sống an nhàn để thực tập những đức hạnh thanh cao, vạch ra một tương lai rực rỡ ...

Từ Gaya, Phật đi lần về phía đông bắc, đến Rajagriha (Vương Xá), thủ đô xứ Magadha, rồi thẳng đường về tinh xá Venuvana (Trúc Lâm). Các vị khất sĩ nơi đây vui mừng đón tiếp Phật. Nơi đây Phật gặp lại Thượng tọa Punna Mantaniputta. Thầy kể lại cho Phật nghe công trình hoằng hóa của thầy tại xứ Thâu-lô-na trong mười năm qua. Chỉ trong năm đầu tiên, thầy đã độ được 500 cư sĩ quy y Tam Bảo và 500 vị xin xuất gia làm khất sĩ. Thầy cũng đã lập được một tinh xá, mỗi năm đều có tổ chức nhập hạ tại đó. Thầy xin Phật cho phép thầy được trụ tại xứ Thâu-lô-na vì dân chúng nơi đây rất cần sự có mặt của thầy. Ðức Phật hoan hỷ chấp thuận.

Trên đường lên Griddhakuta (Linh Thứu), Phật đến viếng trung tâm tu học Rừng Mát. Nơi đây Phật gặp lại đại đức Sona Kolivisa[37] (Sona Kutikanna). Ðại đức Sona xuất gia và tu học với Thượng tọa Maha Kaccana trên núi Pavatta, gần thành phố Kuraraghara thuộc xứ Avanti. Thầy là một thanh niên con nhà giàu, phong lưu, nho nhã, thông minh, nhưng thể chất yếu đuối, không kham nổi đời sống xuất gia không nhà cửa, ăn mỗi ngày một bữa, ngủ dưới gốc cây. Mặc dù thầy rất siêng năng tu tập, thầy thường đau yếu luôn, nên sau sáu tháng cố gắng thầy cảm thấy mệt mỏi, chán nản, và có ý từ bỏ công trình tu tập, trở về đời sống cư sĩ tại gia, thọ hưởng tài sản sự nghiệp để làm việc phước thiện, tạo nghiệp lành. Thượng tọa Maha Kaccana biết ý, gởi thầy về tinh xá Jetavana ở cạnh Phật vài tháng để học tập, rồi thầy lại trở xuống miền nam, đến tinh xá Venuvana, rồi đến tinh xá Rừng Mát. Thấy đại đức Sona có vẻ yếu đuối, bệnh hoạn, chán nản, Phật gọi đến hỏi:

- Này Sona, thầy có được khỏe không? Việc tu học và khất thực có khó khăn lắm không?

- Bạch Thế Tôn, sức khỏe con vẫn được bình thường. Việc tu học và khất thực không có gì khó khăn lắm.

- Thầy xuất gia được bao lâu rồi?

- Bạch Thế Tôn, con chỉ mới được một tuổi hạ.

- Trước khi xuất gia thầy thường làm gì?

- Bạch Thế Tôn, con thường thích đánh đàn tranh. Con đã học đàn tranh từ lúc mới tám tuổi.

- Này Sona, trong lúc đánh đàn thầy làm sao cho tiếng nhạc được êm tai, thánh thót?

- Bạch Thế Tôn, muốn cho tiếng nhạc được êm tai, thánh thót, thì trước khi đàn phải lên dây cho đúng độ căng. Nếu dây dùng quá thì tiếng nhạc mềm nhủn, điếc câm; nếu dây căng quá thì dễ bị đứt.

- Này Sona, việc tu tập cũng thế. Nếu giải đãi, lười biếng thì đạo nghiệp không thể thành tựu được. Nếu cố gắng quá sức chịu đựng của mình thì sanh ra mệt mỏi, bệnh hoạn, thối chí ngã lòng. Này Sona, thầy phải biết tự lượng sức mình, phát tâm dũng mãnh tu tập nhưng đừng gò ép thân tâm quá mức. Như vậy thầy mới mong thành tựu được đạo nghiệp.

Ngừng một lát, đức Phật nói tiếp[38]:

- Này Sona, muốn tu tập có kết quả, người tu phải biết chọn pháp môn tu thích hợp với căn tánh, năng khiếutrình độ của mình, như người quen làm thợ kim-hoàn nên tập quán sổ tức, người quen làm thợ giặt nên tập quán bạch cốt; và phải biết rành thời gian nào nên tu Chỉ (Ðịnh), thời gian nào nên tu Quán (Huệ), thời gian nào nên tu Xả.

Này Sona, khi người tu sanh lòng kiêu mạn vì tự thấy mình hiểu rành giào lý, thuyết pháp hay, vấn đáp giỏi, được nhiều người cung kính ... thì không nên tu tập trí huệ (prajna) mà phải tu tập chánh định (samadhi).

Khi người tu thối chí ngã lòng vì tự thấy mình kém cỏi, không chế ngự được phiền não, không điều phục được 6 căn, nghi ngờ giới luật không đúng ... thì không nên tu chỉ (samatha) mà phải tu quán (vipassana).

Khi người tu thấy hai hạnh định và huệ của mình chưa bình đẳng, lòng chưa tự tin, tâm chưa an, thì không nên tu hạnh xả. Lúc định huệ bình đẳng thì nên tu hạnh xả (upekkha,upeksa), tức là bỏ cái chấp có mình đang tu và có pháp để tu. Tâm xả tức là tâm vắng lặng, không định, không quán.

Này Sona, thầy nên học hỏi và thực hành theo Bảy Pháp Giác Chi[39] (saptabojjhanga, saptabodhyanga) là niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả, để được kết quả tốt đẹp.

- Bạch Thế Tôn, con xin vâng lời ngài chỉ dạy.

Thầy Sona Kolivisa hoan hỷ đảnh lễ tạ ơn Phật. Sau đó, thầy lên núi Linh-Thứu tịnh tu và đắc quả A-la-hán.



[1] Xem kinh Lăng Nghiêm (Suramgama sutta).

[2] Nipata sutta, 135.

[3] Matanga là người nam thuộc giai cấp chandala. Matangi là người nữ thuộc giai cấp chandala.

[4] Dhammapada, kinh Pháp Cú, bài 150.

[5] Dhammapada, kinh Pháp Cú, bài 213.

[6] Tiếng Pali: "Ehi tvam bhikkhuni, cara brahma cariyam".

[7] Samatha, dịch là Chỉ, là Thiền Vắng-lặng, nhằm tập trung tư tưởng vào một nơi, không cho phiền-não và vọng-tưởng xen vào tâm. Trái lại Vipassana, dịch là Quán, là Thiền Minh-sát, nhằm tập trung tư tưởng vào một đề tài, quán chiếu, sáng suốt suy xét, để tìm ra chân-lý (vô thường, vô ngã) hầu dứt trừ phiền não và vọng tưởng. Tu tập Samatha (Chỉ) để được Samadhi (Ðịnh). Tu tập Vipassana (Quán) để được Prajna (Huệ).

[8] Samadhi, dịch là Chánh Ðịnh, còn gọi là Tam-muội. Trái lại Prajna (Panna) là Huệ hay Trí-tuệ. Người tu phải luôn luôn giữ cho Ðịnh và Huệ được cân bằng.

[9] Dhyana (Sanscrit) hay Jhana (Pali), dịch là Tĩnh-lự, là Thiền-na hay Thiền, là Zen (tiếng Nhật), là nói chung hai pháp tu Chỉ (Samatha) và Quán (Vipassana), nhằm giữ tâm luôn luôn vắng-lặng sáng suốt, tịch-tịch giác-giác, biết mà không khởi tâm suy-nghỉ.

[10] Ðức Phật lấy thí dụ buộc mở gút một cái khăn để chỉ cách tu giải thoát. Buộc gút là tự ràng buộc mình vào sanh tử luân hồi; mở gút là cách tự giải thoát ra khỏi sanh tử luân hồi. Chính 6 thức buộc chúng sanh vào sanh tử luân hồi. Nếu biết 6 thức không có thực tánh, là vọng, là giả dối, không chấp theo chúng, là được giải thoát. Tu căn viên thông tức là cách trừ 6 thức.

[11] Trích kinh Thủ-Lăng-Nghiêm, quyển 5.

[12] Pháp tu Nhĩ Căn Viên Thông: Lúc ban đầu, trong khi nghe liền biết mình có Tánh Giác, không để tâm chạy theo tiếng. Ðến khi quen thì hai tướng động và tịnh không còn ảnh hưởng gì đến tâm mình nữa. Cứ thế tiến dần đến khi trong tâm không còn ý-thức về người nghe và tiếng bị nghe, thành ra tuy nghe mà như hoàn toàn không nghe. Tiến lên một bậc nữa thì thấy chủ thể và đối tượng của tánh giác đều không, lúc bấy giờ cái biết về chơn không mới tròn đầy. Cho đến khi cái biết không và cái không đều dứt sạch, thì cảnh sanh diệt không còn nữa, và chơn cảnh niết-bàn thanh-tịnh an-lạc liền hiển hiện.

[13] Ðạo là tham lam, trộm cắp, cướp giựt.

[14] Vọng ngữ là nói dối, nói láo, lường gạt, bóp méo sự thật, nói lời thô ác, nói gây chia rẻ.

[15] Càn-huệ-địa: Thế trí khô cạn, ái dục không còn, căn và cảnh không còn phối hiệp, nhưng chưa được thánh quả vì đạo hạnh và trí huệ bát nhã chưa phát sáng.

[16] Người bố thí thuần thục thì được quả vị Thập Tín, trì giới thì được Thập Trụ, nhẫn nhục thì được Thập Hạnh, tinh tấn thì được Thập Hòi Hướng, thiền định thì được Tứ Gia Hạnh, trí huệ thì được Thập Ðịa.

[17] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 472-475; Majjhima-nikaya 65: Bhaddali-sutta; Trung A-Hàm 194.

[18] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 475-476.

[19] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 478-480; Anguttara-nikaya X.95.

[20] Xem Samyutta-nikaya XIV.10.

[21] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 480-483; Majjhima-nikaya 22, 63 và 72; Itivuttaka IV.13; Anguttara-nikaya 23; Samyutta-nikaya XLIV.2.

[22] Xem Majjhima-nikaya 11 và 12; Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 835; Kinh Ðại Bát Niết Bàn phẩm XXIII: Sư Tử Hống Bồ-Tát.

[23] Ba cánh cửa giải thoát là Giới, Ðịnh và Huệ; cũng có nghĩa là Tam Pháp Ấn (vô thường, vô ngã, niết-bàn).

[24] QuánTự tánh duyên khởi là tìm hiểu vì sao từ nơi Chơn Tâm thanh tịnh lại vọng sanh ra thế giới và vạn vật.

[25] Vajra Prajna Paramita sutra.

[26] Subhuti là đại đệ tử thứ tư của Phật, nổi tiếng là giải không đệ nhất.

[27] An trụ tâm là tu Chỉ (Samatha) tập-trung tinh-thần vào một nơi. Ðó là pháp môn tu để được Ðịnh (Samadhi, Tam-ma-đề, Tam-muội, Chánh đînh).

[28] Hàng phục tâm là tu Quán (Vipassana) tập trung tư tưởng vào một đề tài để tìm Chân lý. Khi tu Chỉ mà bị phiền nảo hay vọng tưởng quấy rầy thì phải dùng Quán để trừ. Ví dụ như khi tu Chỉ mà bị tưởng dâm dục quấy rầy thì nên dùng Quán Thân Bất Tịnh (Cửu Tưởng Quán) để trừ.

[29] Nguyên văn chữ Hán: Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.

[30] Dịch nghĩa: Tất cả pháp hữu vi, Như mộng, huyễn, bọt, bóng, Như sương, cũng như điện. Nên khởi quán như thế.

[31] Dịch nghĩa: Nếu do sắc thấy ta, Dùng âm thanh cầu ta, Kẻ ấy theo đạo tà, Không thể thấy Như-Lai.

[32] Xem Majjhima-Nikaya 121 và 122: Culla- và Maha-Sunnata-sutta; Trung A-hàm: kinh 190.

[33] Xem Buddhist Legends, quyển III, trang 84-85; Udana VIII.8: 91-92.

[34] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 484-486.

[35] Lục thông (abhinna): Thiên nhãn thông (dibba-cakkhu), thiên nhĩ thông (dibba-sota), tha tâm thông (paracittavijanana), thần túc thông (iddhividha), túc mạng thông (pubbe-nivasanussatinana), lậu tận thông (asavakkhaya).

[36] Tam minh (tri-vidya): Túc mạng minh (pubbe-nivasanussati-nana), thiên nhãn minh (cutupapata-nana), lậu tận minh (asavakkhaya-nana).

[37] Xem Anguttara-nikaya VI.55; Theragatha; Vinaya pitaka II.1; Phật Giáo Nhìn Toàn Diện, trang 426. Theo Buddhist Legends, quyển III, trang 254-259, thì tên ông là Sona Kutikanna xin xuất gia với Thượng tọa Kaccana tại một ngọn núi gần thành phố Kuraraghara thuộc xứ Avanti.

[38] Xem kinh Ðại Bát Niết Bàn, tập 2, phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát, trang 287.

[39] Xem kinh Tạp A-Hàm 26; Luận Ðại Tỳ-bà-sa 96; Ðại Thừa Nghĩa Chương 16, phần cuối.

 

 

---o0o---

 

Mục Lục > 01 > 02 > 03 > 04 > 05 > 06 > 07 > 08 > 09  > 10

11 > 12  > 13 > 14 > 15  > 16 > 17 > 18 > 19> 20

 

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 8-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

cảm nhận về điều giác ngộ thứ nhất 17 câu nói đáng giá ngàn vàng giúp bạn cuộc 23 Ăn chay Món ngon KINH lòng vị tha pháp hành cần thiết trên ngậm cẩn 天眼佛教 màu Gio tim hieu ve nhung tuong tot la ky cua duc phat Hệ bài 20 điều lớn nhấtcần tu dưỡng trong NhÒ vi tu si co mot khong hai Vai Nam ngó NhÃÆ hà 5 phut quan vo thuong moi ngay de cuoc song them 华严经解读 cứu 燒指 Quảng Lời lạt ma chánh niệm cũng 首座 trien hang tram co vat phat giao duoc trung bay tai bao Hoa Làng 17 cau noi dang gia ngan vang giup ban binh an tức phân nghĩa Làm sao biết chứng hiếu động bai kinh ve nam la simsapa phat giao tay tang thoi hau truyen Dễ dàng làm món khổ qua trộn Chú bÃ Æ êm