Sự tích Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni

(Theo bản hiệu-chính ngày 21/05/2005) 

Soạn giả: Minh-Thiện Trần-Hữu-Danh

Với sự khuyến khích và giúp đỡ của hiền nội: 

Diệu-Xuân Nguyễn-thị Bạch-Mai

---o0o---

 

Phần 13

 

16- Hạ thứ 38 tại Jetavana (năm -552)

 

Mười hôm sau, đức Phật cùng với các Thượng tọa Sariputta, Moggallana, Ananda và độ 300 khất sĩ rời thành Rajagriha, đi lên miền bắc, vượt sông Ganga, tới thăm chúng khất sĩ ở tinh xá Mahavana, thuộc thủ đô Vesali của xứ Vajji. Rồi Phật lại lên đường hướng về thủ đô Sravasti của xứ Kosala. Mùa mưa sắp tới, ngài cần về Jetavana để kịp thời chuẩn bị cho khóa an cư.

Tới Sravasti, Phật đi thẳng về tinh xá Jetavana. Các thầy chờ Phật ở đây đông lắm. Năm nay các vị khất sĩ và nữ khất sĩ về đây an cư rất đông. Nghe tin đồn về những cuộc biến động ở thủ đô của xứ Magadha, mọi người đều mong gặp Phật để vấn an và biết thêm tin tức chính xác. Ni sư Khema lãnh đạo một đoàn nữ khất sĩ đến thăm viếng Phật. Bà được ni chúng bầu lên thay thế ni sư Pajapati nay đã 113 tuổi.

Quốc vương Pasenadi nghe Phật trở về cũng lập tức đến thăm. Phật kể lại cho vua nghe về các biến cố ở Rajagriha. Phật cho biết thái hậu Videhi, em ruột của vua, vẫn được bình yên nhưng mang trong lòng nhiều sầu khổ. Vua Pasenadi cũng cho Phật biết cách nay hơn một tháng vua đã cử sứ giả đến Rajagriha yêu cầu vua Ajatasattu giải thích tại sao có chuyện giam giữ quốc vương Bimbisara và hai vị đại thần. Ðến nay vẫn chưa thấy đoàn sứ giả trở về. Vua cũng cho Phật biết là để phản kháng hành động của Ajatasattu vua đã lấy lại các ấp thuộc địa phận xứ Kasi mà trước kia, lúc gả công chúa Videhi về làm chánh hậu của vua Bimbisara, vua Maha Kosala đã nhường lại cho xứ Magadha làm của hồi môn.

Mùa an cư đến. Các tinh xá xung quanh thủ đô Sravasti đều có rất đông khất sĩ từ các nơi tập họp về. Cứ hai tuần Phật lại thuyết pháp một lần tại Jetavana. Các khất sĩ ở các tinh xá lân cận, sau giờ ngọ trai, đều tập họp về đây nghe pháp. Các vị đại thí chủ như Sudatta Anathapindika và Visakha đều sốt sắng lo chu toàn về thực phẩm và nhu yếu phẩm cho các khất sĩ.

 

Phật thuyết kinh A-Di-Ðà 

Sau lễ khai mạc mùa an cư kiết hạ năm nay, trước đông đảo thính chúng cư sĩ, khất sĩ, chư thiên và chư đại Bồ-tát đang ngồi im lặng chờ nghe Phật thuyết pháp, Thượng tọa Sariputta từ chỗ ngồi đứng lên, trịch vai áo bên phải xuống, quỳ gối bên phải sát đất, chắp tay cung kính bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn, vừa rồi tại Griddhakuta (Linh Thứu) Thế Tôn có chỉ cho hoàng hậu Videhi cách cầu vãng sanh về cõi Cực Lạc (Sukhavati) của đức Phật A-Di-Ðà (Amita buddha), chúng con nhận thấy đó cũng là một pháp môn tu thật hay, có thể  thích hợp với căn tánh và sự mong ước của nhiều người ở cõi Ta-bà (Saha) này. Vậy, trước đông đảo thính chúng hôm nay, xin Thế Tôn hoan hỷ chỉ dạy rõ ràng về pháp môn vi diệu này.

- Lành thay! lành thay! Này Sariputta, thầy vì lợi ích của chúng sinh mà thưa hỏi đúng lúc. Như Lai sẽ giảng nói về cõi Cực Lạc (Sukhavati) của đức Phật A-Di-Ðà (Amita) và pháp môn  tu để được sanh về cõi thanh tịnh ấy. Quí vị hãy chăm chỉ lắng nghe.

- Bạch Thế Tôn, chúng con xin chăm chỉ lắng nghe.

- Này Sariputta, ở phương tây, cách đây trên một trăm tỷ cõi Phật, có một thế giới tên là Cực Lạc, nơi đó có đức Phật hiệu là A-Di-Ðà đang thuyết pháp. Sở dĩ thế giới đó tên Cực Lạc là vì nơi đó chúng sanh không hề bị khổ não mà thường được an lạc.

Này Sariputta, ở cõi Cực Lạc đầy dẫy những vật quí giá, cây cối, đất đai, đồi núi, sông rạch, nhà cửa đều bằng vàng bạc châu báu. Hoa sen to bằng bánh xe, đủ màu xanh vàng đỏ trắng, phát ra hào quang sáng rỡ và mùi hương thơm ngát. Thường có các loài chim quí hót ca hòa với tiếng gió động cành cây phát ra những điệu nhạc vi diệu làm cho chúng sanh nơi đó được tinh thần sảng khoái, phát bồ-đề tâm, thâm nhập chánh pháp, luôn luôn nghĩ đến Phật, Pháp, Tăng. Do đó, ở cõi Cực Lạc, chúng sanh không hề có ý niệm về ba ác đạo[1], trái lại có đầy đủ môi trường thuận lợi để thành tựu các công đức trang nghiêm. Hơn nữa, chúng sanh nơi cõi Cực Lạc đều do hoa sen hóa sanh, nên thân tâm đều thanh tịnh, không có nam nữ, không có ái dục.

Này Sariputta, sở dĩ đức Phật cõi Cực Lạc có hiệu là A-Di-Ðà (Amita = Vô Lượng) là vì đức Phật đó phát ra vô số hào quang chiếu khắp mười phương không hề bị chướng ngại, do đó nên có hiệu là Amitabha (Vô Lượng Quang). Ðức Phật A-Di-Ðà lại có hiệu là Amitayus (Vô Lượng Thọ) vì thọ mạng của ngài, cũng như của nhân dân nơi đó, dài vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp[2].

Này Sariputta, như có thiện nam tín nữ nào nghe nói đến đức Phật A-Di-Ðà liền phát tín tâm kiên cố, một lòng chí thành chấp trì danh hiệu một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày, đến lúc sắp mạng chung vẫn thành kính niệm danh hiệu ngài, thì đức Phật A-Di-Ðà và thánh chúng nhất định sẽ có mặt để tiếp rước người đó về cõi Cực Lạc.

Này Sariputta, những điều ta vừa nói thật vô cùng khó tin đối với chúng sanh ở cõi Ta-bà này, nhưng đó là những lời nói chân thật. Mười phương chư Phật cũng đều nói như thế và các ngài đều phát nguyện tiếp sức hộ niệm cho những ai thực hành pháp môn Tịnh-Ðộ này.

Phật vừa nói xong, các đại đệ tử liền chắp tay cung kính thưa:

- Bạch Thế Tôn, thật khó tin, thật hy hữu, thật vi diệu, chúng con xin tín thọ, phụng hành và truyền bá pháp môn Tịnh-Ðộ này.

 

Nhờ Ðức Tin có thể chứng Vô Sanh hay không?[3] 

Một hôm có 30 tu sĩ sống trong rừng đến tinh xá Jetavana gặp đức Phật, đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên chờ nghe pháp. Ðức Phật quán biết các tu sĩ này có đủ khả năng đạt được quả vị A-la-hán, bèn xoay qua hỏi Thượng tọa Sariputta về sự ích lợi của Ðức Tin như sau:

- Này Sariputta, thầy có nghĩ rằng Ðức Tin, khi đã được phát triển đầy đủ, có thể đưa đến quả vị Vô Sanh hay không?

- Bạch Thế Tôn, con không tu tiến hoàn toàn do Ðức Tin nơi Thế Tôn, không do phát triển đầy đủ Ðức Tin nơi Thế Tôn để đạt đến quả vị Vô Sanh. Nhưng dĩ nhiên, đối với những người không biết, không thấy, không nhận thức được, không nắm vững được bằng lý trí, bằng tuệ giác, thế nào là Vô Sanh, thì những người đó phải phát triển đầy đủ Ðức Tin nơi Tam Bảo mới có thể chứng được Vô Sanh.

Nhiều vị khất sĩ nghe rồi, cho rằng Thượng tọa Sariputta vẫn chưa dứt hết tà kiến, vì Thượng tọa vẫn chưa đặt hết tin tưởng vào đức Phật. Ðức Phật bảo:

- Này các thầy, Sariputta đã từng nói không ai không phát triển đầy đủ ngũ căn (Tín, Tấn, Niệm, Ðịnh, Huệ) mà có thể thành đạo được. Nhưng Sariputta không tiến tu nhờ đức tin nơi người khác, mà chính nhờ tự mình tinh tấn thực hành Thiền Ðịnh theo Chánh Pháp để đạt đến Trí Huệ cao siêu.

Rồi đức Phật nói kệ:

Người không tin mù quáng,

Người không còn tạo tác,

Người đã đạt vô sanh,

Không còn nghĩ thiện ác,

Không ham muốn lợi danh,

Là người cao thượng nhất. (Kinh Pháp Cú, bài 97)

 

Phật dạy cách xây dựng hạnh-phúc[4] 

Ðề tài bài pháp thứ hai trong mùa an cư năm nay là cách xây dựng hạnh phúc ngay trong đời này. Phật nói đại ý như sau:

" Khi Như Lai nói cuộc đời dẫy đầy đau khổ, nào là sanh già bệnh chết, nào là ái ly, oán hội, cầu bất đắc ...là để nhắc nhở những người đang đam mê, mong tìm hạnh phúc trong dục lạc, quên mất cuộc đời vô thường, thân vô thường, tâm vô thường, mà vô thường là sanh diệt, là khổ đau. Cũng như một người bị bệnh hủi, bị bắt buộc vào sống biệt lập ở trong rừng. Mỗi khi cảm thấy ngứa ngáy, xốn xang, khó chịu, ông ta đào một cái hố, đốt củi khô cháy đỏ, rồi đứng bên miệng hố mà hơ mình mẩy tay chân. Trong khi làm như thế ông ta cảm thấy rất đã ngứa và rất sung sướng. Ðến khi ông hết bệnh, trở về đời sống bình thường. Một hôm ông trở vào rừng để thăm những người bạn còn đang bệnh. Khi đến bên cạnh hố than hồng, chỗ họ đang đứng hơ mình, thì ông cảm thấy nóng quá, chịu không nổi, phải tránh ra xa. Dục lạc như hố than hồng đối với người mắc bệnh hủi, chỉ có người bệnh mới thấy dục lạc là vui. Người lành mạnh đều tránh xa.

" Một khi đã nhận thức được đời là đau khổ, những ai muốn tìm hạnh phúc trước hết phải tìm cách diệt trừ đau khổ. Muốn diệt trừ đau khổ phải biết gốc của nó là mê lầm (vô minh), ham muốn (tham ái) và cố chấp (kiến thủ). Mê lầm là thân vô thường mà cho là thường; tâm vô thường mà cho là thường; ái dục là đau khổ mà cho là vui; không biết luật nhân quả. Ham muốn là ham danh, ham lợi, ham giàu sang, ham sắc đẹp, ham âm thanh êm ái dịu dàng, ham hương thơm, ham được người khen, ham rồi muốn được, được rồi muốn giữ, nhưng tất cả đều vô thường làm sao giữ mãi được. Cố chấp là cho ý mình là đúng là hay, con người vô ngã mà chấp là có ngã, chấp ngã là thường, chấp ngã là đoạn, chấp có, chấp không, chấp đúng, chấp sai, chấp phải, chấp quấy ...; do cố chấp nên có bất đồng ý kiến, cãi lẫy và chiến tranh.

" Một khi đã biết được nguyên nhân của khổ thì phải biết cách diệt trừ nó. Diệt trừ hết mê lầm, hết ham muốn, hết cố chấp là hết khổ, là được hạnh phúc chân thật vĩnh cửu, là được giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Mà muốn diệt trừ hết mê lầm, hết ham muốn, hết cố chấp thì phải biết Chánh pháp, thực tập thiền quán, giữ giới thanh tịnh, tập quen sống đời phạm hạnh, thiểu dục, tri túc. Người sống theo Chánh Pháp sẽ thực chứng được hạnh phúc chân thật ngay trong hiện tại, và tiến dần lên các thánh quả từ Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, đến A-la-hán và quả vị Phật.

 

Phật thăm cư-sĩ Sudatta trên giường bệnh[5] 

Sau buổi thuyết pháp, bà Punnalakkhana, vợ của cư sĩ Sudatta Anathapindika, đến đảnh lễ Phật và báo tin cho Phật biết cư sĩ Sudatta đã bị bệnh gần mười hôm nay. Ông rất tiếc không dự được buổi thuyết pháp này. Bệnh ông càng ngày càng nặng, sợ không được nhìn thấy mặt Phật trước khi qua đời.

Ngày hôm sau, đức Phật cùng với hai Thượng tọa Sariputta và Ananda đến thăm ông Sudatta. Ông Sudatta ngồi trên một chiếc ghế dựa, nét mặt xanh xao. Phật bảo:

- Này Sudatta, ông đã sống một đời đầy ý nghĩa và hạnh phúc. Với công đức bố thí rộng lớn, ông đã làm vơi nổi khổ của biết bao nhiêu người. Biệt danh Cấp-cô-độc mà người ta xưng tặng ông thật xứng đáng. Ngoài ra ông còn trải vàng mua đất, thành lập tinh xá Jetavana cho tăng chúng có nơi tu học dễ dàng, thuận lợi, cho dân chúng Sravasti có nhiều cơ hội học hỏi Chánh Pháp. Công đức hộ trì Chánh Pháp của ông thật to lớn. Ông đã tinh tấn sống theo Chánh Pháp, tạo dựng hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình và cho nhiều người trong xã hội. Bây giờ ông nên an nghỉ và tịnh dưỡng. Như Lai sẽ nhờ Thượng tọa Sariputta thỉnh thoảng tới thăm ông và hướng dẫn sự tu học cho ông. Ông không nên cố gắng đến tinh xá trong lúc này, vì sự di chuyển sẽ làm cho ông mất nhiều sức lực.

- Kính lạy đức Thế Tôn, con xin vâng lời ngài dạy.

 

Phật dạy Singala cách  sống đạo-đức để có hạnh phúc 

Hai tuần sau, trong buổi thuyết pháp, Phật kể cho đại chúng nghe câu chuyện Phật gặp ông Singala[6] (Thiện-Sinh). Một buổi sáng nọ, ở thành Rajagriha, trong khi đi khất thực, Phật gặp một thanh niên tên Singala đang đứng giữa sân trước nhà cúi lạy sáu phương đông, tây, nam, bắc, trên, dưới một cách cung kính. Phật tới gần hỏi chàng lạy như thế để làm gì. Singala thưa là từ hồi còn bé, chàng đã được thân phụ dạy mỗi buổi sáng phải ra sân lạy sáu phương. Chàng chỉ biết vâng lời cha, sáng nào cũng lạy như thế, nhưng không biết để làm gì.

Phật nói: Lạy như thế là để thực tập một lối sống có hạnh phúc trong hiện tại và tương lai. Lạy phương đông là để quán chiếu[7] cách đối xử với công ơn cha mẹ. Lạy phương nam là để quán chiếu cách đối xử với công ơn thầy tổ. Lạy phương tây là để quán chiếu cách đối xử với tình nghĩa vợ con. Lạy phương bắc là để quán chiếu cách đối xử với tình nghĩa bạn bè. Lạy phương dưới là để quán chiếu cách đối xử với người cộng sự. Lạy phương trên là để quán chiếu cách đối xử với bậc hiền nhân. Nhưng phải biết điều kiện căn bản trong các cách đối xử là phải giữ gìn năm giới (không giết hại, không tham lam trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không say rượu), không nên hành động vì tham lam, vì giận hờn, vì sợ hãi, hay vì mê lầm trong lúc chưa có đủ yếu tố quyết định. Ngoài ra phải tránh xa sáu loại hành động có thể đưa đến tán gia bại sản: uống rượu say sưa, đi lang thang trong thành phố vào giờ khuya khoắt, lui tới những nơi cờ bạc, lui tới những nơi ăn chơi trác táng, la cà với những người bạn xấu, và lười biếng ỷ lại. Này Singala, ông phải lạy sáu phương với sự quán chiếu như thế mới thật sự có ý nghĩa và lợi ích, vì hành động đó có thể mang đến cho ông hạnh phúc thiết thực trong cuộc sống.

Ðức Phật nói tiếp: Hạnh phúc chân thật là điều có thể thực hiện được ngay trong đời này, nếu chúng ta biết:

1-     Chọn một nghề sinh sống có ích lợi cho nhiều người.

2-     Thân cận với những người hiền đức, với những thiện tri thức.

3-     Phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc vợ chồng con cái.

4-     Chia xẻ thì giờ, tài vật, hạnh phúc với kẻ khác.

5-     Biết ơn, khiêm nhượng, ít ham muốn, biết đủ.

6-     Chọn môi trường sinh sống thuận tiện cho sự tu học, và sự làm lành.

7-     Sống một cuộc đời trong sạch và cao thượng.

8-     Chuyên cần học hỏi giáo pháp giác ngộ[8] và giải thoát[9].

9-     Cách thiền quán để diệt trừ mê lầm[10] và phiền não[11].

Sau cùng, Phật nêu gương sáng của ông Sudatta Anathapindika, một cư sĩ biết sống theo Chánh pháp đã mang lại hạnh phúc cho chính mình, cho gia đình và cho nhiều người trong xã hội trong đời hiện tại. Hành động tốt đẹp này còn là những nhân lành sẽ mang đến những hoa trái xinh tươi trong các đời vị lai.

Bà Punnalakkhana, vợ của cư sĩ Sudatta, cảm động đến rơi nước mắt. Bà đứng lên bạch Phật:

- Bạch đức Thế Tôn, cuộc sống của người cư sĩ nhiều khi thật bận rộn, nhất là khi mình được thừa hưởng một gia sản lớn. Con nghĩ nếu mình có một cơ nghiệp bình thường có lẽ việc tu học sẽ được dễ dàng hơn. Nhiều khi nhìn những vị khất sĩ không nhà, không cửa, không vợ, không con, tay ôm bình bát đi thong dong trên các nẻo đường khất thực, thật nhàn hạ, chúng con ước mong được sống như thế. Nhưng chúng con có nhiều trách nhiệm quá, nhiều sự ràng buộc quá, không biết làm sao?

- Này Punnalakkhana, người khất sĩ cũng có nhiều trách nhiệm: phải học hỏi giáo pháp, phải thực tập thiền quán, phải tôn trọng giới luật, phải sống đời phạm hạnh trong sạch, phải an trú ngày đêm trong chánh niệm, phải hoằng pháp lợi sinh. Như có vị cư sĩ nào muốn làm quen với đời sống xuất gia của các khất sĩ thì có thể xin thọ Bát Quan Trai giới.

 

Phật dạy Bát Quan Trai giới[12] 

Hoặc nửa tháng một lần, hoặc mỗi tháng một lần, hoặc ba tháng một lần, các vị cư sĩ nào muốn tập sống như người xuất gia có thể đến chùa xin thọ Bát Quan Trai giới với vị sư trưởng. Người thọ Bát Quan Trai giới phải sống trọn một ngày một đêm trong chùa, thọ ngọ trai, thực tập thiền tọa, thiền hành, sống trong phạm hạnh[13], tỉnh thức[14], tinh cần, thong dong và an lạc giống hệt như các vị tu sĩ. Sau thời gian sống một ngày một đêm như thế, các vị lại xả giới và trở về đời sống thế gian, chỉ giữ lại tam quy, ngũ giới.

Trường hợp không thể đến chùa, người cư sĩ có thể thỉnh ít nhất hai vị tỳ-kheo đến nhà mình để tuyên giới, hướng dẫn và chỉ dạy trong các ngày tu Bát Quan Trai.

Bát Quan Trai gồm có tám giới:

1-     Không sát hại sinh mạng.

2-     Không trộm cướp.

3-     Không dâm dục.

4-     Không nói dối.

5-     Không uống rượu.

6-     Không trang sức.

7-     Không nằm và ngồi trên giường ghế sang trọng.

8-     Không sử dụng tiền bạc.

Tám giới ấy là để phòng ngừa vọng niệm[15]tạp niệm[16] phát sanh trong thời gian tu tập. "Quan" có nghĩa là phòng ngừa. Còn "trai" có nghĩa là chỉ ăn một bữa chay trước hoặc trong giờ ngọ, để có thì giờ tu tập.

Ðược Phật chỉ dạy phép Bát Quan Trai, giới cư sĩ hôm ấy rất lấy làm sung sướng.

 

Sariputta dạy Sudatta cách quán tưởng lúc hấp hối[17] 

Mười ngày sau, được tin bệnh của ông Sudatta trở nặng, Thượng tọa Sariputta và Thượng tọa Ananda liền đến thăm. Ông Sudatta nằm trên giường bệnh. Sariputta và Ananda ngồi trên ghế bên cạnh giường. Biết ông Sudatta không còn sống được bao lâu nữa, Thượng tọa Sariputta khai thị:

- Ông Cấp-cô-độc Sudatta, ông đã sống một cuộc đời cao thượng và hữu ích cho gia đình, cho xã hội và cho giáo pháp. Trong buổi thuyết pháp vừa qua tại Jetavana, đức Thế Tôn đã tán thán công đức của ông như thế. Mọi việc đáng làm ông đã làm trong suốt cuộc đời. Giờ đây ông nên bình tỉnh lắng nghe tôi nói và làm theo. Này ông Sudatta, ông nên quán tưởng như sau: mắt không phải là tôi, tai không phải là tôi, mũi, lưỡi, thân cũng không phải là tôi.

Ðợi cư sĩ quán tưởng xong, Thượng tọa nói tiếp:

- Bây giờ ông nên tiếp tục quán tưởng như sau: những gì tôi thấy không phải là tôi, những gì tôi nghe không phải là tôi, những gì tôi ngửi, nếm, xúc chạm cũng không phải là tôi.

Ngưng một lúc, Thượng tọa Sariputta chẫm rãi nói tiếp:

- Ông nên quán tưởng rõ ràng như thế này: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không phải là tôi; sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không phải là tôi; thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc giác, suy nghĩ, cũng không phải là tôi. Vì nếu mất một hay tất cả 18 thứ đó thì tôi vẫn là tôi, không bị sứt mẻ gì. Tôi không bị ràng buộc và giới hạn trong những yếu tố ấy.

Ngưng một lúc, Thượng tọa Sariputta nói tiếp:

- Bây giờ ông nên quán tưởng như thế này: thân xác này không phải là tôi, cảm giác đau đớn này không phải là tôi, sự suy nghĩ này không phải là tôi, sự biến đổi của thân xác và tư tưởng không can hệ gì đến tôi. Sinh tử không chạm được tới tôi. Sinh không làm cho tôi có, tử không làm cho tôi mất. Tôi mỉm cười biết rằng cái tôi chân thật chưa hề sinh nên cũng không bao giờ diệt.

Thực tập tới đây, cư sĩ Sudatta mỉm miệng cười. Rồi bỗng nhiên nước mắt chảy ràng rụa trên hai má ông. Thượng tọa Ananda hỏi:

- Ông Sudatta, sao ông lại khóc? Ông có nuối tiếc gì không? Ông quán chiếu không thành công hả?

- Thưa Thượng tọa, tôi không nuối tiếc gì. Nhờ đã nhiều lần được nghe đức Thế Tôn thuyết pháp nên hôm nay tôi quán chiếu rất thành công. Nhưng tôi cảm động quá vì suốt 35 năm được phụng sự đức Thế Tôn và gần gũi các vị Thượng tọa mà chưa bao giờ tôi được nếm mùi vị giáo lý thậm thâm vi diệu như hôm nay.

- Ông Sudatta, pháp môn Quán 18 Giới Phân Biệt  và Quán Bát Nhã này các vị khất sĩ và nữ khất sĩ thường được nghe đức Thế Tôn giảng dạy luôn.

- Thưa Thượng tọa, xin Thượng tọa bạch với Phật cho phép giới cư sĩ cũng được nghe để hiểu và thực hành giáo lý thâm diệu này.

Cư sĩ Sudatta Anathapindika từ trần ngay buổi chiều hôm đó. Hai Thượng tọa Sariputta và Ananda đã ở lại hộ niệm rất lâu cho cư sĩ. Theo kinh sách, sau khi trút hơi thở cuối cùng, ông Sudatta liền tái sanh vào cung trời Tusita (Ðâu-suất) và tối hôm đó trở về tinh xá Jetavana với một thân thể nhẹ nhàng, linh hoạt, chiếu sáng, đảnh lể Phật. Ông Sudatta có ba người con gái là Maha Subhadda, Culla Subhadda và Sumana, và một người con trai duy nhất là Kala. Tất cả đều đắc quả Tu-đà-hoàn, riêng Sumana đắc quả Tư-đà-hàm.

 

Chiến tranh giữa hai xứ Magadha và Kosala[18] 

Mùa an cư thứ 38 vừa chấm dứt, các vị khất sĩ chưa kịp lên đường đi hoằng pháp thì nghe chiến tranh bùng nổ giữa hai nước Magadha và Kosala. Ðại binh của nước Magadha, do vua Ajatasattu đích thân lãnh đạo, đã vượt sông Ganga gần thị trấn Benares đi vào lãnh thổ Kosala. Bên xứ Kosala, sau khi được quân đội biên phòng thông báo, vua Pasenadi cũng thân hành điều động binh mã đến Kasi. Việc binh quá cấp bách, vua không kịp đến thông báo và từ giã Phật. Vua nhờ thái tử Jeta đến gặp Phật để trình bày mọi việc.

Phật đã từng được thông báo rằng sau khi nghe tin Ajatasattu mưu sát cha để lên ngôi, vua Pasenadi đã tỏ ý phản kháng bằng cách lấy lại một ấp thuộc làng Kasika mà ngày xưa vua Maha Kosala đã tặng cho vua Bimbisara như vật hồi môn của công chúa Videhi. Ấp này đã đem lại cho xứ Magadha mỗi năm một số tiền thuế trị giá một trăm ngàn đồng vàng. Vua Ajatasattu vừa lên ngôi, muốn củng cố uy thế của mình trong xứ cũng như đối với các nước ngoài, liền cất binh sang đánh để lấy lại.

Thượng tọa Sariputta thông báo cho các vị nam nữ khất sĩ ở đâu thì nên hành đạo ngay tại đó, đừng di chuyển nhiều trong thời buổi chiến tranh. Thượng tọa cũng xin Phật ở lại Sravasti cho đến khi tình hình yên tĩnh.

Hai tháng sau, dân chúng kinh hoàng nghe tin binh tướng Kosala đã thất trận ba lần tại Kasika[19]. Vua Pasenadi và các tướng phải rút tàn binh chạy về thủ đô Sravasti. Tình hình rất khẩn trương, may nhờ hệ thống phòng thủ tại Sravasti rất là kiên cố. Binh tướng của vua Ajatasattu đã đuổi theo và công kích ngày đêm mà cũng không hạ được thành. Sau đó, nhờ kế hoạch của tướng Bandhula,  vua Pasenadi phối hợp được quân trong thành và quân từ các địa phương kéo về tiếp ứng kịp thời, mở một cuộc tổng phản công toàn thắng. Vua Ajatasattu cùng các tướng soái dưới quyền đều bị bắt sống với trên một vạn tù binh. Số binh lính còn lại, hoặc chết hoặc bỏ chạy tán loạn. Ngoài ra, quân đội Kosala còn chiếm được rất nhiều voi, ngựa, xe của bên địch.

Chiến tranh kéo dài hơn sáu tháng. Dân chúng Sravasti được lệnh tổ chức ăn mừng thắng trận. Sau khi thu xếp công việc binh đội và triều chính, vua Pasenadi đến thăm Phật tại tinh xá Jetavana. Vua kể cho Phật nghe những gian nan của cuộc chiến. Vua nói rằng chính Ajatasattu đã gây ra chiến tranh nên ngài phải chiến đấu tự vệ. Vua nói tiếp:

- Bạch Thế Tôn, Ajatasattu dù sao cũng là cháu gọi trẫm bằng cậu ruột. Trẫm không nỡ giết, cũng không nỡ bỏ nó vào chốn lao tù. Xin Thế Tôn chỉ dạy cho trẫm nên xử trí như thế nào?

- Thưa đại vương, xung quanh đại vương có rất nhiều quan tướng và bạn hữu trung thành, nên đại vương thắng trận này không có gì là lạ. Nhưng xung quanh Ajatasattu có rất nhiều phần tử xấu, vì vậy Ajatasattu đã đi lầm đường lạc nẻo, triều đình rối ren, quan quân và dân chúng mất lòng tin, nên phải thất bại. Như Lai đề nghị đại vương nên lấy lễ tiếp đãi quốc vương Magadha theo đúng cung cách của một ông vua đối xử với một ông vua. Nhưng đại vương cũng phải có thì giờ dạy dỗ Ajatasattu như dạy một người cháu ruột. Ðại vương hãy nhấn mạnh đến sự cần thiết có những người bạn hữu tốt và những phần tử trung kiên. Cuối cùng đại vương có thể đặt tiệc tiễn đưa vua xứ Magadha về nước. Sự bình an của trăm họ tùy thuộc nơi sự khéo léo của đại vương.

Rồi Phật cho gọi một vị khất sĩ trẻ tuổi tên Silavat đến và giới thiệu vị này với vua Pasenadi. Khất sĩ Silavat là em cùng cha khác mẹ với Ajatasattu, tư chất rất thông minh. Lúc 16 tuổi ông đã theo học với Thượng tọa Moggallana, đến 20 tuổi ông xin xuất gia với Thượng tọa và đã trở thành một đệ tử lỗi lạc. Sau biến cố tại thủ đô Rajagriha, Silavat được Thượng tọa Moggallana gởi về tinh xá Jetavana tu học.

Vua Pasenadi hỏi thăm đại đức Silavat về tình trạng hoàng gia ở Rajagriha. Ðại đức đã cung kính nói cho vua nghe những gì thầy đã tai nghe mắt thấy. Ðại đức cho biết là năm ngoái đã có một người từ thủ đô xứ Magadha tới đây với sứ mạng ám sát đại đức, nhưng đại đức đã cải hóa được người ấy và độ cho người ấy được xuất gia. Hiện vị khất sĩ kia đang tu học ở một trung tâm không xa thành phố.

Vua Pasenadi lạy tạ Phật rồi trở về cung. Vua Ajatasattu sau đó được trả tự do và đưa về nước, lại được vua Pasenadi gả công chúa Vajira cho, và hứa sẽ trả lại ấp ở làng Kasika mà ngày xưa vua Maha Kosala, cha của vua Pasenadi, đã tặng cho xứ Magadha. Lấy tình thương xóa bỏ hận thù, vua Pasenadi đã làm theo lời Phật dạy. Vua Ajatasattu bây giờ vừa là cháu ruột vừa là con rể của ngài.

 

17- Hạ 39 tại Jetavana (năm -551)

 

Chiến tranh vừa kết thúc nhưng những tàn tích đau thương do chiến tranh gây ra còn ảnh hưởng sâu đậm trong lòng các chiến sĩ và dân chúng cả hai xứ Magadha và Kosala. Các vị khất sĩ bắt đầu lên đường hoằng pháp ở các vùng lân cận trú xứ của mình để an ủi, khuyên nhủ và khuyến khích dân chúng làm việc thiện, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, xoa diệu các tàn tích chiến tranh. Sau một thiên tai hay một thảm nạn, người ta càng thấy rõ cuộc đời tạm bợ, mạng sống vô thường, danh lợi, tài sản nay còn mai mất; người ta dễ dàng trở về đời sống nội tâm, nêu cao các giá trị tinh thần, hướng về đạo pháp. Ðây là lúc thuận lợi nhất cho việc hoằng pháp của các vị khất sĩ.

 

18- Hạ 40 tại Jetavana (năm -550)

 

Vua Pasenadi truyền xây dựng một tinh xá mới cho giáo đoàn khất sĩ tại ven thủ đô Sravasti. Tinh xá mới này lấy tên là Rajakarama. Ðức Phật ở tại Kosala liên tiếp trong hai năm, đi giáo hóa các nơi trong xứ và nhập hạ tại Jetavana.

Trong thời gian này, tại Rajagriha, thủ đô của Magadha, Thượng tọa Devadatta không còn được vua Ajatasattu kính nể nữa. Trong số hơn một trăm vị khất sĩ còn ở lại với Thượng tọa, 80 vị đã bỏ Thượng tọa để trở về giáo đoàn của Phật ở tinh xá Venuvana. Devadatta càng ngày càng bị cô lập. Thầy bị bệnh nằm liệt trên núi Gayasisa suốt chín tháng, không đi đâu được cả.

Từ ngày chấm dứt chiến tranh giữa hai nước Kosala và Magadha, vua Ajatasattu cũng không còn gặp gỡ Thượng tọa Devadatta, và cũng không có liên lạc nào với giáo đoàn khất sĩ của Phật ở Venuvana. Vua chỉ thân cận với những vị lãnh đạo của các giáo phái khác. Tuy vậy các khất sĩ vẫn được hành đạo một cách yên ổn. Dân chúng cũng như các vị khất sĩ ở Griddhakuta (Linh Thứu) và Venuvana (Trúc Lâm) rất mong Phật trở về. Y sĩ Jivaka cũng rất tha thiết mong Phật trở về.

 

Phật chỉ cách chấn chỉnh tư-pháp và kinh-tế[20] 

Sau mùa an cư năm -550, hoàng hậu Mallika xứ Kosala từ trần. Vua Pasenadi buồn quá, đến thăm Phật để tìm nguồn an ủi. Hoàng hậu Mallika là chị ruột của vua Bimbisara và là người bạn đời rất xứng đáng của vua Pasenadi, rất được vua thương yêu hết lòng. Hoàng hậu là người thuần kính theo Phật, thông minh, sáng suốt, thông hiểu giáo pháp một cách sâu xa. Chính bà đã can gián vua bỏ lệ sát hại thú vật để cúng thần linh, và hướng dẫn vua theo đạo giác ngộ của Phật.

Ðau khổ vì bị mất người bạn đời yêu quí đã từng chia xẻ vui buồn với mình trên 50 năm, vua Pasenadi tìm đến Phật. Ngồi im lặng thật lâu bên Phật, vua cảm thấy tâm hồn an tịnh trở lại. Sau khi an ủi vua bằng cách nhắc nhở cuộc đời là vô thường, sầu khổ là có hại, Phật khuyên vua nên dành thêm thì giờ vào việc tu tập thiền quán, lúc tuổi già nên cố gắng sống đúng theo Chánh Pháp để làm nhân lành cho kiếp sau. Phật khuyên vua nên tìm cách cải tổ guồng máy tư pháp và kinh tế để mang đến an vui và hạnh phúc cho dân. Phật nói những hình phạt như đánh đập, tra tấn, giam cầm, tử hình, không phải là những biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa trộm cướp. Gặp thời đói kém và loạn lạc, trộm cướp và bạo động tự nhiên gia tăng. Nhà cầm quyền cần có chính sách kinh tế hợp thời để an dân như giảm thuế, giúp thực phẩm, lúa giống, phân bón cho nông dân nghèo, cấp vốn cho nhà buôn, tăng lương cho công tư chức vân vân ... Chính sách kinh tế muốn được kết quả tốt phải là một chính sách nhằm khuyến khích và giúp đỡ những người tự nguyện có khả năng chứ không thể căn cứ vào sự bắt buộc và đe dọa.

Vua Pasenadi nghe Phật nói xong, lòng thấy nguôi ngoai, nguyện dành thêm nhiều thì giờ để tu học và chấn chỉnh kinh tế cho dân chúng được an vui.

Thượng tọa Ananda cũng đã chăm chỉ ngồi nghe. Về sau ngài trùng tuyên lại ý này trong kinh Kutadanta.

 

19- Hạ 41 tại Jetavana (năm -549)

 

Một buổi chiều, sau mùa an cư, Thượng tọa Ananda thấy Phật ngồi xoay lưng về phía mặt trời. Thượng tọa lấy làm lạ, hỏi:

- Bạch Thế Tôn, con thường thấy Thế Tôn hay nhìn cảnh mặt trời khuất bóng. Sao hôm nay Thế Tôn lại ngồi xoay lưng về phía mặt trời?

- Này Ananda, hôm nay Như Lai cảm thấy hơi lạnh nên ngồi như thế để sưởi ấm lưng.

Thượng tọa Ananda lấy tay xoa lưng Phật một hồi lâu cho ấm. Rồi thầy ngồi xuống, vừa xoa bóp hai chân cho Phật, vừa nói:

- Bạch Thế Tôn, con đã được làm thị giả cho Thế Tôn 20 năm nay. Con nhớ mấy năm trước màu da của Thế Tôn vàng óng ánh. Nay da đã nhăn, và những bắp thịt nơi chân Thế Tôn đã teo lại rất nhiều. Các ống xương lộ ra thấy rõ.

- Sống lâu thì phải già, ai cũng thế. Năm nay Như Lai đã 75 tuổi rồi. Mắt và tai của Như Lai cũng không còn được tinh nhuệ như trước. Này Ananda, Như Lai muốn trở về núi Griddhakuta để tịnh dưỡng một thời gian. Nơi đó có nắng ấm và không khí trong lành. Thầy có thích trở lại núi Linh Thứu ngắm cảnh mặt trời lên và cảnh mặt trời lặn không?

- Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn về Griddhakuta, con rất sung sướng được theo hầu Thế Tôn.

 

20- Hạ 42 tại Venuvana (năm -548)

 

Ðầu mùa xuân năm -548, Phật lên đường trở về thủ đô xứ Magadha. Ngài đi thong thả. Lộ trình được chia ra nhiều chặng để Phật có thể nghỉ ngơi một hai ngày tại các tinh xá dọc đường, và nhân tiện có thể chỉ dạy và sách tấn các vị khất sĩ và cư sĩ tại những nơi ấy. Phật lần lượt đi qua các xứ Sakya, Malla, Videha, Vajji và cuối cùng vượt sông Ganga đến Magadha. Phật ghé thăm tinh xá Nalanda và Ambalatthika trước khi đến Venuvana.

Lúc gần đến Venuvana thì thấy có đông đảo thợ thuyền và dân chúng đang xúm nhau xây cất tường thành và nhà cửa. Thượng tọa Ananda hỏi thăm, được biết vua Ajatasattu đang dời thành Vương xá cũ ở trong thung lũng giữa các núi Vaibhara, Vipula, Ratna và Sona, đến thành Vương xá mới đang xây cất phía bắc tinh xá Venuvana, vì lý do kinh tế, chính trị và quân sự. Vương xá cũ nằm giữa các núi nên đất đai chật hẹp, lại bất tiện cho việc giao thông và phòng thủ. Dường như kế hoạch này cũng đã được vua Bimbisara dự trù từ trước. Ðến bây giờ vua Ajatasattu cũng đang muốn có sự đổi mới, nên đem ra thực hiện.

Sau khi ghé thăm và ở lại Venuvana hai ngày để khuyến khích và chỉ dạy thêm cho tăng chúng, Phật và Thượng tọa Ananda đi lên núi Griddhakuta (Linh-Thứu). Qua hôm sau y sĩ Jivaka đến thăm Phật. Ông kể cho Phật nghe những chuyện đã xảy ra tại Rajagriha. Ông nói hiện nay thái hậu Videhi đã tìm lại được nếp sống an bình. Bà ăn chay trường, siêng năng niệm Phật A-Di-Ðà, thực tập thiền quán, và thường lui tới tinh xá Venuvana để cúng dường tam bảo và học hỏi giáo pháp. Vua Ajatasattu bị ám ảnh bởi cái chết của thượng hoàng, bị lương tâm cắn rứt ngày đêm, tinh thần trở nên suy nhược, hay giựt mình, mất bình tĩnh và thường nằm mơ thấy những cơn ác mộng, lúc tỉnh dậy mồ hôi ra đầm đìa. Y sĩ thường đến chữa trị cho vua, tới nay phần suy nhược đã giảm, nhưng phần tâm bệnh vẫn chưa an. Vua không còn tiếp xúc với Thượng tọa Devadatta nữa, nhưng cũng không liên lạc với Trúc Lâm. Vua mời các đạo sĩ nổi tiếng của các giáo phái Makkhali Gosaleiputta, Sanjaya Belatthiputta, Nigantha Nataputta, Ajita Kesakambala, Pakudha Kaccana và Purana Kassapa đến để tham vấn và chữa trị tâm bệnh. Vị nào cũng muốn làm vừa lòng vua để được hưởng ân huệ, nhưng không vị nào thành công.

Gần đây, vua mời thái hậu vào ăn cơm chung với hoàng hậu Vajira và thái tử Udayibhadda. Thái tử Udayibhadda chưa đầy ba tuổi, hôm đó nhất định đòi đem con chó vào phòng ăn. Ajatasattu chìu con. Nhưng trong bữa ăn, con chó chạy lung tung, chồm cả lên mình thái hậu. Vua hơi ngượng với thái hậu, nói:

- Ðem chó vào phòng ăn thật khó chịu. Nhưng không cho thì thằng bé này khóc chịu không nổi.

Thái hậu nói:

- Con thương con của con nên để cho nó đem chó vào phòng ăn, đâu có gì là lạ. Con có nhớ ngày xưa, cha con vì thương con mà kê miệng hút máu mủ trong ngón tay của con không?

- Con không nhớ, xin thái hậu kể lại cho con nghe.

- Một hôm, ngón tay trỏ của con bị đau và sưng vù lên. Một mụt nhọt đã mọc ngay dưới móng tay, làm nhức nhối khiến con khóc suốt ngày đêm trong ba bốn hôm liền. Cha con sốt ruột, ngày nào cũng ẵm con đặt lên bắp đùi, ngậm ngón tay đau của con trong miệng để truyền hơi ấm qua, hy vọng làm con bớt đau và làm cho mụt nhọt mau mùi, sớm vỡ mủ ra. Ðến khi mụt nhọt chín mùi, cha con dùng miệng hút mủ ra từ từ. Ðến khi hết mủ máu độc rồi, cha con vẫn tiếp tục ngậm ngón tay của con trong miệng, sợ rút ra làm con rát đau. Một lúc sau cha con bị sặc, nuốt luôn máu mủ vào bụng. (Bà vừa nói vừa khóc nức nở) Mẹ nhắc lại chuyện này để con biết ngày xưa cha con thương con như thế nào. Bây giờ con có thương chìu con của con nhiều lắm thì cũng đến như thế là cùng.

Nghe thái hậu Videhi nói đến đó, vua Ajatasattu ôm đầu chạy luôn về phòng, bỏ dở bữa ăn. Thái hậu ngồi khóc thút thít một lúc rồi cũng đi về phòng mình.

Khi Jivaka đến chữa trị cho vua, nghe vua kể lại đủ thứ chuyện, từ chuyện những cơn ác mộng đến chuyện tham vấn các đạo sĩ, nhưng Jivaka vẫn làm thinh không nói gì. Vua hỏi:

- Jivaka, tại sao anh không nói gì hết?

- Tôi không dám có ý kiến về những chuyện riêng tư của bệ hạ. Tôi chỉ xin nói với bệ hạ một điều thôi. Tôi nghĩ chỉ có sa-môn Gotama mới giúp được bệ hạ dứt trừ những uẩn khúc trong tâm. Bệ hạ nên tìm tới đức Phật để được người chỉ dạy.

Im lặng một lúc, vua nói:

- Trẫm sợ sa-môn Gotama còn thù ghét trẫm.

- Bệ hạ đừng nói thế. Sa-môn Gotama không hề thù ghét ai cả. Ðức Phật là thầy của thượng hoàng, và cũng là người bạn thân thiết nhất của thượng hoàng. Bệ hạ tới viếng Phật thì cũng như tới viếng thượng hoàng vậy. Chỉ có đức Phật mới có thể đem lại sự an ổn tinh thần cho bệ hạ. Tài y khoa của tôi không làm nổi điều này. Ðức Phật là bậc y vương có thể chữa lành tất cả các tâm bệnh. Xin bệ hạ đừng ngại, đức Phật thường dạy các đệ tử nên thực hành Từ Bi Hỷ Xả để cứu độ chúng sanh ra khỏi mê lầm và đau khổ, thì không lẽ chính ngài lại không thực hành những điều đó.

Sau cuộc đàm đạo đó, vua Ajatasattu đã chấp nhận sẽ đi thăm Phật.

 

Phật nói kinh Sa-Môn Quả[21] (Samanna-phala-sutta) 

Y sĩ Jivaka Komarabhacca sắp đặt cuộc gặp gỡ giữa vua Ajatasattu và Phật tại vườn xoài của ông ở chân núi Griddhakuta (Linh Thứu). Lần đầu vua tìm đến gặp Phật vào một đêm trăng sáng giữa mùa sen nở, khoảng tháng 10 tháng 11 dương lịch, có quân lính đi hộ tống, và y sĩ Jivaka dẫn đường. Khi gần đến vườn xoài bỗng nhiên vua phát sợ vì thấy cảnh vật yên tĩnh quá. Jivaka có cho vua biết hiện Phật đang cư trú tại vườn xoài của ông với gần một ngàn vị khất sĩ, vậy mà đến đây vua vẫn nghe im lìm không một tiếng động, cũng không thấy bóng dáng ai cả. Vua hỏi:

- Jivaka, có phải anh đang lừa ta vào hiểm địa của kẻ thù chăng?

- Thưa bệ hạ, tôi đâu dám thế. Có lẽ đức Phật và chư tăng đang ở trong giảng đường có đèn sáng đằng kia. Chúng ta hãy đi đến đó. Xin bệ hạ chớ nghi ngại điều chi hết.

Vua xuống voi, đi với Jivaka và một số cận vệ. Tới cửa giảng đường, vua thấy đức Phật đang ngồi trên một pháp tòa cao thuyết giảng, trước mặt có mấy trăm khất sĩ đang ngồi xếp bằng, im lặng, chăm chỉ lắng nghe. Cảnh tượng thật trang nghiêm và đầm ấm. Y sĩ Jivaka bước vào báo tin có vua đến. Ðức Phật bước ra cửa mời vua vào giảng đường, ngồi vào ghế thượng khách. Phật mở lời:

- Thưa Ðại vương, hôm nay Ðại vương đến viếng Như Lai có điều chi cần hỏi, xin ngài cứ tự tiện.

- Bạch Thế Tôn, trẫm chỉ được nghe Thế Tôn giảng đạo có một lần ở hoàng cung, hồi trẫm còn nhỏ. Hôm nay trẫm muốn hỏi Thế Tôn câu này: Tu hành có kết quả lợi ích gì mà trẫm thấy có hằng ngàn, hằng chục ngàn người bỏ nhà cửa, cha mẹ, vợ con đi tu như thế?

- Ðại vương đã hỏi ai câu ấy chưa?

- Trẫm đã hỏi nhiều vị giáo chủ và đạo sư nổi tiếng nhưng chưa có câu trả lời nào làm trẫm vừa lòng cả, kể cả câu trả lời của Thượng tọa Devadatta.

- Ðại vương, hôm nay Như Lai sẽ nói cho Ðại vương nghe về những hoa trái, những lợi ích của sự tu học theo Chánh Pháp. Những hoa trái có thể gặt hái được ngay trong hiện tại, và những hoa trái có thể gặt hái được trong tương lai. Ðại vương không cần phải dùng đến các phương pháp suy luận phức tạp. Ðại vương chỉ cần dùng trực tâm để nhận xét, tức khắc sẽ thấy những hoa trái của sự tu học, rõ ràng như nhìn thấy trái xoài trong lòng bàn tay.

Ðại vương, ví dụ như có một người đang làm tôi tớ cho người ta, phải thức khuya dậy sớm hầu hạ và làm theo mệnh lệnh của chủ; một hôm bỗng có tư tưởng như sau: Chủ là người, mình cũng là người, tại sao mình phải đày đọa mình như thế này? Nghĩ như thế, người ấy từ bỏ thân phận tôi đòi, xin xuất gia, tu theo Chánh Pháp, sống đời phạm hạnh, tinh cần, tỉnh thức, ăn ngày một bữa, tập thiền hành, thiền tọa, đi đứng trang nghiêm, trở nên một vị khất sĩ có uy nghi, có dung hạnh, có đạo đức. Ðại vương nghĩ sao? Biết được vị khất sĩ ấy ngày xưa vốn là thân phận tôi đòi, Ðại vương có gọi người ấy tới và nói "Này người kia, hãy lại đây làm nô bộc cho ta, hãy thức khuya dậy sớm và thi hành mọi mệnh lệnh của ta" hay không?

- Thưa Thế Tôn, trẫm sẽ không làm như vậy, sẽ không nói như vậy. Trái lại trẫm sẽ cung kính đảnh lễ người ấy, mời người ấy ngồi xuống để cúng dường, và sẽ ra lệnh bảo vệ cho người ấy đúng theo luật pháp.

- Ðại vương, đó là hoa trái đầu tiên mà người sa-môn có thể gặt hái được ngay sau khi xuất gia. Người ấy thoát được sự kỳ thị giai cấp, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giàu nghèo, và khôi phục được nhân phẩm của mình.

- Xin Thế Tôn chỉ dạy tiếp.

- Ðại vương, nhân phẩm chỉ là hoa trái đầu tiên của vị sa-môn. Nhờ hành trì 250 giới mà vị sa-môn được an trú trong một trạng thái vô ưu và thanh tịnh. Những người không giữ giới có thể phạm vào các tội lỗi như giết người, trộm cắp, tà dâm, dối gạt, say sưa và tự dấn thân vào những hình phạt đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Vị sa-môn không những giữ năm giới không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không dối gạt, không say sưa, mà còn giữ trên hai trăm giới khác. Nhờ vậy vị ấy luôn luôn sống trong tình trạng an ninh, tinh thần thoải mái; không lo sợ, không ân hận vì không làm điều gì sai quấy; không thất vọng lo buồn vì không tham cầu mong muốn. Ðó là một loại hoa trái khác mà vị sa-môn có thể gặt hái ngay trong đời hiện tại.

- Hay lắm! Thưa Thế Tôn, xin ngài chỉ dạy tiếp.

- Ðại vương, vị sa-môn không có tài sản hoặc vật sở hữu gì có giá trị ngoài ba chiếc áo cà-sa và một bình bát. Do đó không có gì để sợ mất, sợ cướp. Không gây thù oán nên không sợ bị ai ám hại. Do đó có thể ngủ một mình trong rừng, dưới một gốc cây trong sự thanh thản, vô ưu, lặng lẽ. Không lo sợ là một hạnh phúc lớn. Ðó là một loại hoa trái khác mà vị sa-môn có thể gặt hái ngay trong đời hiện tại.

- Hay lắm! Thưa Thế Tôn, xin ngài chỉ dạy tiếp.

- Ðại vương, vị sa-môn do biết thiểu dục tri túc (ít muốn, biết đủ) nên có nếp sống đơn giản tới mức tối đa. Mỗi ngày chỉ ăn một bữa, không nhà cửa ruộng vườn, không màng giàu sang danh vọng, nên được thong dong, tự tại, thảnh thơi. Sự thảnh thơi là một hạnh phúc lớn. Ðó cũng là một loại hoa trái mà vị sa-môn có thể gặt hái ngay trong đời hiện tại.

- Hay lắm! Thưa Thế Tôn, xin ngài chỉ dạy tiếp cho trẫm.

- Ðại vương, nếu Ðại vương biết quán niệm hơi thở, biết thực tập thiền quán, thì Ðại vương mới có được ý niệm về hạnh phúc của người tu. Hạnh phúc đó là sự thiền duyệt. Nhờ thiền duyệt, vị sa-môn biết cách giữ gìn sáu căn thanh tịnh, không bị sáu trần gây ra phiền não và ô nhiễm trong tâm. Nhờ thiền duyệt, vị sa-môn được tâm hỷ lạc, một niềm vui đầy an lạc, thanh tịnh, siêu thoát, từ sơ thiền đến tứ thiền. Tâm hỷ lạc này còn có một năng lực kỳ diệu trị lành các chứng bệnh suy nhược của cơ thể và tinh thần. Ðây là loại hoa trái quí báu của sự tu học mà vị sa-môn có thể gặt hái được ngay trong đời hiện tại.

- Hay lắm! Thưa Thế Tôn, xin ngài chỉ dạy tiếp cho trẫm.

- Ðại vương, vị sa-môn nhờ an trú tinh cần trong giới luật và chánh niệm mà có định tâm. Dùng năng lực của tâm định, quán chiếu vạn pháp trên thế gian, thấy được tính cách vô thường, vô ngã của muôn vật. Nhờ thấy được tính cách vô thường và vô ngã của muôn vật nên không bị ràng buộc, vướng mắc vào bất cứ sự vật nào trên thế gian. Nhờ không bị vướng mắc nên được giải thoát, thảnh thơi, tự tại. Ðại vương, giải thoát mới là hạnh phúc chân thật, trường tồn, không bao giờ mất, là hoa trái quí báu nhất của sự tu học. Trong số những vị khất sĩ ngồi trong giảng đường này, nhiều vị đã thưởng thức được thứ hoa trái quí báu đó. Ðó cũng là loại hoa trái mà một vị sa-môn có thể gặt hái được ngay trong đời hiện tại.

- Hay lắm! Thưa Thế Tôn, xin ngài hoan hỷ chỉ dạy tiếp.

- Ðại vương, vị sa-môn nhờ giữ gìn giới luật mà tâm được định, nhờ tâm định mà phát sinh trí huệ rộng lớn. Rồi dùng trí huệ bát-nhã đó mà quán chiếu sâu vào tự tánh các pháp, thấy tự tánh của muôn sự muôn vật đều không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm, do đó mà được cái thấy biết thanh tịnh, sáng suốt, không phân biệt. Nhờ dứt trừ được mọi ý thức phân biệt, nên vị sa-môn nhìn đời bằng con mắt bình tĩnh, không lo lắng, không sợ hãi, cỡi trên sóng sinh tử mà an nhiên tự tại đi vào cuộc đời để cứu độ chúng sanh, chỉ bày cho chúng sanh con đường chánh pháp, để chúng sanh cũng được nếm hương vị giải thoát. Ðại vương, giúp đỡ cho người khác hết khổ được vui cũng là một niềm vui lớn cho chính mình. Niềm vui này cũng là một loại hoa trái xinh tươi của sự tu học, vị sa-môn có thể thực hiện được phần nào trong hiện tại và sẽ tiếp tục thực hiện trong tương lai. Ðại vương, các vị khất sĩ trong khi đi khất thực hằng ngày, có nhiệm vụ hướng dẫn dân chúng đi trên con đường đạo đức, hành động theo chánh pháp để được hạnh phúc giải thoát. Ðại vương, hoa trái của sự tu học không phải chỉ dành riêng cho vị sa-môn hưởng thụ mà là gia tài của cả quốc gia và nhân loại.

Vua Ajatasattu đứng dậy, chấp hai tay cung kính bạch:

- Vi diệu thay! Bạch Thế Tôn, bằng những lời đơn giản, Thế Tôn đã soi sáng cho trẫm, đã giúp trẫm thấy được giá trị chân thật của Chánh Pháp. Thế Tôn đã dựng lại những gì đã ngã xuống, phơi bày những gì đã bị che kín, chỉ đường cho người lạc lối, soi sáng nơi tối tăm. Xin Thế Tôn hoan hỷ nhận trẫm làm đệ tử tại gia của người, cũng như ngày xưa Thế Tôn đã nhận thượng hoàng và thái hậu làm đệ tử của Thế Tôn vậy.

Nói xong, vua Ajatasattu cung kính đảnh lễ dưới chân Phật. Phật mỉm cười chấp thuận, rồi bảo Thượng tọa Sariputta hướng dẫn vua và hoàng hậu làm lễ quy y tam bảo và thọ trì năm giới. Sau lễ quy y, vua từ tạ Phật, xin phép trở về cung. Phật bảo:

- Ðại vương hãy làm những gì Ðại vương nghĩ là phải làm.

Sau lần gặp gỡ đó, vua Ajatasattu thường đến thăm Phật mà không cần qua sự sắp đặt của y sĩ Jivaka nữa. Vua cũng không cần đem theo voi ngựa và binh sĩ hộ tống. Vua Ajatasattu cũng lại bước lên những bậc thang đá để lên núi Griddhakuta như vua Bimbisara ngày xưa. Kể từ nay vua Ajatasattu cũng trở thành người hộ pháp rất đắc lực của Phật như vua Bimbisara trước kia.

 

Phật nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa[22] 

Sau vài ngày nghỉ ngơi dưỡng sức, đức Phật bảo Thượng tọa Ananda và các đại đệ tử thông báo rộng rãi cho các vị khất sĩ ở các vùng lân cận tập họp về Linh Thứu để nghe một bài pháp rất quan trọng.

Hôm ấy, cả vùng núi Griddhakuta (Linh Thứu) đông như hội chợ. Có mười hai ngàn khất sĩ A-la-hán mặc áo cà-sa vàng rực rỡ, hai ngàn khất sĩ thuộc bậc hữu học và vô học, tám mươi ngàn Bồ-tát bất thối chuyển từ các cõi Phật, hai mươi ngàn thiên thần từ các cõi Trời và Long cung, vua Ajatasattu (A-Xà-Thế) cùng các đại thần, thân hào nhân sĩ và hoàng tộc đều tựu hội đến nghe pháp.

Khởi đầu đức Phật nói vắn tắt kinh "Vô-Lượng-Nghĩa Giáo Bồ-tát Pháp Phật Sở Hộ Niệm" cho các vị Bồ-tát nghe. Rồi đức Phật ngồi kiết già, nhập chánh định "Vô lượng nghĩa xứ", thân và tâm của Phật đều không lay động. Trời bắt đầu mưa hoa Mạn-đà-la (Mandara) và hoa Mạn-thù-sa (Manjusaka), khắp cõi Phật vang động. Ðức Phật từ giữa hai chặn lông mày trắng phóng ra một đạo hào quang chiếu khắp mười tám ngàn cõi phương đông, phía dưới đến địa ngục A-tỳ và phía trên đến cõi trời Sắc-cứu-cánh. Tất cả thính chúng đều vui mừng được thấy việc chưa từng có, chắp tay cung kính nhìn Phật, chờ nghe diệu pháp.

Ðức Phật từ trong chánh định, bảo ngài Sariputta:

- Này Sariputta, trí huệ của chư Phật[23] rất sâu xa, khó thấy, khó hiểu, khó vào. Tất cả hàng Thanh-văn cùng Duyên-giác đều không biết được. Từ khi ta thành Phật đến nay chỉ rộng dùng phương tiện giảng nói nhân duyên, bốn sự thật, tám hành động chơn chánh, 37 phẩm trợ đạo ... để dìu dắt chúng sanh xa lìa mê chấp. Thật ra, để tỏ bày tri kiến thâm diệu của chư Phật, Như Lai chưa từng nói một lời. Ngoài chư Phật ra, không ai có thể hiểu nổi.

- Bạch Thế Tôn, Thượng tọa Sariputta nói, xin Thế Tôn hoan hỷ chỉ bày tri kiến thâm diệu của chư Phật. Con tin rằng trong pháp hội này có rất nhiều người đã trồng căn lành từ nhiều đời nhiều kiếp sẽ hiểu được và vui mừng tin thọ.

- Thôi thôi! Này Sariputta, nếu nói việc đó ra thì tất cả trời, người, a-tu-la (asura) đều sẽ kinh sợ và nghi ngờ, tỳ-kheo tăng thượng mạn sẽ bị đọa lạc.

Ðức Phật nói đến đây thì trong thính chúng có năm nghìn người đứng lên xá Phật rồi ra về. Họ nghĩ rằng mình đã theo Phật tu học mấy chục năm nay, đã đắc thánh quả A-la-hán, hết phiền não, được niết-bàn, sao hôm nay đức Phật lại xem thường mình đến thế, mình đâu cần phải học thêm gì nữa. Ðức Phật ngồi yên không ngăn cản. Khi hội trường trở lại yên lặng, đức Phật nói tiếp:

- Này Sariputta, bây giờ thì Như Lai có thể nói được rồi, vì bọn người tăng thượng mạn, chưa chứng mà cho đã chứng, đã rời khỏi hội trường, chỉ còn lại những người đã được trí huệ thanh tịnh. Quí vị hãy chăm chỉ lắng nghe, Như Lai sẽ vì quí vị mà giảng nói.

Này Sariputta, các đức Phật Thế Tôn ra đời đều chỉ vì một đại sự nhân duyên là "khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật". Chư Phật đều dùng vô lượng phương tiện, nhân duyên, thí dụ để dẫn dắt chúng sanh đến Phật thừa. Nhưng vì Phật thừa rất thậm thâm vi diệu khó hiểu nên mới phân biệt nói thành ba thừa[24]. Cũng như con đường dài được chia ra làm nhiều chặng để cho người đi không ngại dài lâu mỏi mệt. Nhưng đến mỗi trạm nghỉ ngơi, người đi phải biết là cần phải đi thêm nữa mới đến đích. Cũng thế, tuy đến nay đa số quý thầy đã đến quả vị A-la-hán, hết phiền não, vượt khỏi sanh tử, an hưởng niết-bàn, nhưng như thế chưa đủ, quý thầy cần phải tinh tấn thêm nữa để đạt đến mục đích tối hậu là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Lại nữa, nếu ai thấy mình đã được thánh quả thì đúng là kẻ tăng thượng mạn, vì bậc thánh nhân đã thật sự dứt trừ ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, không còn thấy có ngã và ngã sở thì làm gì còn thấy có chứng đắc.

- Bạch Thế Tôn, Thượng tọa Sariputta nói, con từ xưa đến nay theo hầu Phật, chưa từng được nghe pháp vô thượng thừa như thế này. Hôm nay được nghe Phật nói pháp vô thượng, con rất vui mừng, xin tin nghe và ghi nhớ.

- Này Sariputta, hôm nay Như Lai sẽ vì chúng Thanh văn mà nói kinh đại thừa tên là "Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ-tát Pháp Phật Sở Hộ-Niệm". Này Sariputta, đến đời vị lai, quá vô lượng vô biên bất khả tư nghì kiếp, sau khi cúng dường nhiều nghìn muôn ức Phật, phụng trì chánh pháp đầy đủ đạo tu hành của Bồ-tát, thầy sẽ thành Phật hiệu là Hoa-Quang Như Lai.

Kế đến, đức Phật lại thọ ký cho Thượng tọa Maha-Kassapa (Ma Ha Ca Diếp) sẽ thành Phật hiệu là Quang-Minh Như Lai, Thượng tọa Subhuti (Tu Bồ Ðề) sẽ thành Phật hiệu là Danh-Tướng Như Lai, Thượng tọa Maha Kaccana (Ma Ha Ca Chiên Diên) sẽ thành Phật hiệu là Diêm-Phù-Na-Ðề-Kim-Quang Như Lai, Thượng tọa Moggallana (Mục Kiền Liên) sẽ thành Phật hiệu là Ða-Ma-La-Bạt-Chiên-Ðàn-Hương Như Lai, Thượng tọa Punna Mantaniputta (Phú-Lâu-Na Mãn Từ Tử) sẽ thành Phật hiệu là Pháp-Minh Như Lai, Thượng tọa Kondanna (Kiều Trần Như) sẽ thành Phật hiệu là Phổ-Minh Như Lai. Rồi Phật theo thứ lớp thọ ký cho cả 1200 vị đệ tử A-la-hán đều sẽ thành Phật. Tiếp đến, đức Phật lại thọ ký cho Ananda, Rahula và hai nghìn người thuộc hàng hữu học và vô học đều sẽ thành Phật.

Năm trăm vị A-la-hán vừa được Phật thọ ký xong, vui mừng hớn hở, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật đảnh lễ rồi thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn, chúng con thường có ý nghĩ cho rằng mình đã được rốt ráo diệt độ. Ðến nay mới biết đó là người vô trí. Chúng con cần phải tinh tấn nhiều hơn nữa mới được trí huệ của Như Lai.

Tất cả thính chúng nghe Phật thọ ký cho trên ba ngàn người sẽ thành Phật, đều  vui mừng, được điều chưa từng có. Họ tin chắc rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, và con đường tu tập Chánh Pháp tuy có dài lâu, cần nhiều kiên trì và tinh tấn, nhưng cứ tiến tu thì nhất định sẽ đến mục đích tối hậu là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.

Lúc bấy giờ đức Phật quay sang nói với Bồ-tát Dược Vương:

- Này Dược Vương, trong đại chúng đây, từ hàng chư Thiên cho đến hàng tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di đã tùy hỷ ở trước Phật nghe kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Như Lai đều thọ ký cho sẽ đặng vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Nếu sau này có người cung kính thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép kinh Diệu Pháp Liên Hoa, dù chỉ có một bài kệ, ông nên biết đó là người sẽ thành Phật.

Này Dược Vương, nếu có người thiện nam, tín nữ nào, sau khi Như Lai diệt độ, muốn vì bốn chúng[25] mà nói kinh Pháp Hoa này cho đúng cách, thì người đó phải vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai, rồi mới nên vì bốn chúng mà rộng nói kinh này[26]. Nhà Như Lai chính là tâm từ bi rộng lớn đối với tất cả chúng sanh. Áo Như Lai chính là tánh nhu hòa, nhẫn nhục. Tòa Như Lai chính là "tất cả pháp đều không". Khi có người nói kinh Pháp Hoa như thế thì Như Lai dù đang ở đâu cũng sẽ sai thiên thần, hộ pháp, hóa nhân đến ủng hộ người đó về mọi phương diện.

Ðức Phật vừa nói đến đây thì có tháp bằng bảy báu cao 500 do tuần (10.000 km), rộng 250 do tuần (5.000 km) từ dưới đất nổi lên trụ giữa hư không[27]. Tháp được trang trí toàn bằng châu báu cực kỳ lộng lẫy trang nghiêm, hương thơm ngào ngạt cùng khắp ... Bảo tháp này, như một bức tranh siêu thực, hiển bày đầy đủ thể, tướng, dụng của "tri kiến Phật" một cách bình đẳng cho tất cả thính chúng trong hội đều thấy Phật tánh trang nghiêm, quí báu, thanh tịnh, diệu dụng, không thể nghĩ bàn, ở khắp cả không gian và thời gian. Nhưng chỉ những ai trụ vào "hư không"[28] mới có thể trông thấy rõ ràng được, còn những người thấp bé thì phải nhờ thần lực của đức Phật đưa lên "hư không" mới có thể nhìn thấy. Ðức Phật lớn tiếng tuyên bố:

- Ở trong cõi Ta-bà này, ai có thể rộng nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì Như Lai sẽ đem kinh phó chúc cho người đó, vì không còn bao lâu nữa Như Lai sẽ nhập Niết-bàn.

Tất cả thính chúng vừa thấy được Pháp Thân của Phật Ða Bảo (thể) cùng ngồi chung một tòa với Báo Thân của Phật Thích Ca (tướng) trong tháp bảy báu[29], xung quanh có vô số ứng hóa thân Phật Thích Ca (dụng), vừa nghe Phật tuyên bố phó chúc kinh, đều phát tâm thọ trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Ðức Phật dạy muốn thọ trì kinh Pháp Hoa cho có hiệu quả nhanh chóng và tốt đẹp thì người trì kinh phải từ nơi Phật tánh của mình mà phát tâm[30] trì kinh và đồng thời phải tu các hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục[31], tinh tấn, thiền định và trí huệ[32]. Công đức của người trì kinh Pháp Hoa như thế thật rất thù thắng vô lượng vô biên, mau đến bậc nhất thiết chủng trí. Lại nữa, người trì kinh như thế sẽ sớm được sáu căn thanh tịnh, mỗi căn đều viên mãn công đức[33].

Khi thấy thính chúng đã dũng mãnh phát tâm thọ trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đức Phật bèn kể lại gương sáng của những vị Bồ-tát đã thọ trì kinh Pháp Hoa như Bồ-tát Dược Vương, Bồ-tát Diệu Âm, Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Phổ Hiền. Trong mỗi câu chuyện, đức Phật đều nêu rõ phương pháp trì kinh Pháp Hoa của những vị Bồ-tát đó, và những lợi ích thù thắng không thể nghĩ bàn của việc trì kinh Pháp Hoa.

Tất cả thính chúng từ hàng đại Bồ-tát đến hàng cư sĩ được nghe Phật thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa đều vui mừng không xiết, biết rằng mình đã sẵn có Phật tánh, đều phát tâm thọ trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa, và nguyện sẽ dõng mãnh tinh tấn tu hành cho đến mục tiêu tối hậu là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.

Cuối mùa an cư năm ấy, y sĩ Jivaka xin xuất gia, ông được 55 tuổi, được Phật ban cho pháp tự là Vimala Kondanna.

Khi mùa an cư hoàn mãn, Phật tiếp tục ở lại Griddhakuta tịnh dưỡng dưới sự chăm sóc của y sĩ Jivaka. Sức khỏe của Phật được hồi phục rất nhiều. Ðến mùa xuân, Phật lại lên đường đi hoằng hóa về phương bắc, rồi lần hồi trở về Jetavana để nhập hạ thứ 43.

 

21- Hạ 43 tại Jetavana (năm -547)

 

Ni-sư Pajapati và Thượng tọa Rahula viên tịch 

Mùa mưa năm nay, Phật an cư tại tinh xá Jetavana. Giáo đoàn khất sĩ được hai tin buồn: ni sư Pajapati Gotami đã viên tịch vào mùa đông năm ngoái (-548) tại Vesali, thọ 117 tuổi, vài tháng sau Thượng tọa Rahula cũng đã viên tịch tại Jetavana, thọ 48 tuổi. Thượng tọa Rahula nổi tiếng là vị khất sĩ mật hạnh[34] đệ nhất. Sự ra đi của thầy làm cho mùa an cư giảm đi phần nào sinh khí. Nhất là thầy Svastika cảm thấy bị mất mát rất nhiều. Thầy mất đi một người bạn đạo tinh cần để ý nhắc nhở và hướng dẫn thầy từng ly từng tí. Hiện nay khách hành hương còn thấy di tích tháp thờ xá lợi của Thượng tọa Rahula (tháp số 12) tại Jetavana, cạnh vòng rào phía nam.

 

Vua Pasenadi giết oan tướng Bandhula 

Vua Pasenadi đi du hành mãi tới giữa mùa an cư mới trở về thủ đô. Vừa về tới Sravasti, vua Pasenadi liền đến tinh xá Jetavana thăm Phật. Vua nói với Phật là vì tuổi đã cao, không thích ở hoài trong cung điện, nên vua thường hay đi đây đi đó để tinh thần được thoải mái và có dịp thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên. Vua giao công việc triều chính cho các quan đại thần, chỉ đem theo một đoàn tùy tùng nhỏ để đi du ngoạn các nơi trong và ngoài nước. Trong dịp này vua được rảnh rang để thực tập thiền quán, vui thú cảnh nhàn. Vua Pasenadi nói tiếp:

- Thưa Thế Tôn, trẫm năm nay đã 77 tuổi. Thế Tôn cũng vậy. Trẫm nghe nói gần đây Thế Tôn cũng thường đi du ngoạn các nơi danh lam thắng cảnh. Nhưng đi đến đâu Thế Tôn cũng mang ánh sáng chánh pháp đến dạy dỗ và hướng dẫn cho mọi người tu học. Còn trẫm đi du ngoạn thì chỉ được an nhàn, lợi lạc phần mình.

Rồi vua tâm sự với Phật về nỗi đau buồn thầm kín của mình từ nhiều năm nay. Số là do mật tin có âm mưu đảo chính tại kinh đô 5 năm về trước, sau khi chiến thắng quân đội của Ajatasattu, vua Pasenadi đã kết tội lầm vị tổng tư lệnh quân đội hoàng gia là tướng Bandhula và đã xử tử ông. Gần một năm sau vua mới biết là mình lầm. Vua hối hận lắm. Tướng Bandhula vừa là người bạn học cũ của vua ở Taxashila, vừa là người đã có công lớn trong cuộc chiến thắng quân đội Magadha. Vua đã tìm mọi cách để phục hồi danh dự cho tướng Bandula và bồi thường thiệt hại cho gia đình ông. Ngoài ra vua cũng đã cất nhắc cháu của ông là tướng Karayana lên chức tổng tư lệnh quân đội hoàng gia.

Có Phật an cư tại thủ đô, vua Pasenadi thường đến tinh xá Jetavana hầu như mỗi ngày để nghe thuyết pháp, hoặc nghe Phật chỉ điểm thêm những chỗ khó hiểu cho các khất sĩ, hoặc để thực tập thiền tọa và thiền hành. Mãn mùa an cư, Phật lại lên đường hoằng pháp, và vua cũng lại cùng đoàn tùy tùng đi tuần du khắp nơi.

 



[1] Ba ác đạo là giết cha mẹ, phá hòa hợp tăng, làm thân Phật chảy máu.

[2] A-tăng-kỳ kiếp (asamkhya kalpa). Asamkhya là số rất lớn khó tính đếm được (10 lũy thừa 47). Kalpa (kiếp) là đơn vị thời gian rất dài. A-tăng-kỳ kiếp là khoảng thời gian rất lâu dài khó tính đếm được.

[3] Xem Buddhist Legends, quyển II, trang 208-209.

[4] Xem Majjhima-nikaya 45, 75.

[5] Xem Majjhima-nikaya 143: Anathapindikovada-sutta; Trung A-Hàm 28.

[6] Xem Digha-nikaya 31: Singalovada-sutta; Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 16; Trường A-Hàm, quyển 11: kinh Thiện Sinh.

[7] Quán chiếu: suy nghĩ chính chắn để biết rõ ràng.

[8] Giác ngộ: biết rõ chân lý.

[9] Giải thoát: ra khỏi mọi sự ràng buộc, đau khổ về vật chất cũng như về tinh thần.

[10] Mê lầm: hiểu biết không đúng sự thật, không đúng chân lý.

[11] Phiền não: trạng thái tâm lý xáo trộn như vui, buồn, thương, ghét, giận, tham ...

[12] Xem Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 89; Trung A-Hàm 153.

[13] Phạm hạnh: giữ giới luật trong sạch.

[14] Tỉnh thức: giữ tinh thần sáng suốt, 6 căn thanh tịnh.

[15] Vọng niệm: những ý niệm hoặc tư tưởng không đúng sự thật, không đúng chân lý.

[16] Tạp niệm: những ý niệm hoặc tư tưởng lăn xăng, tán loạn, làm mất chánh định và chánh niệm.

[17] Xem Majjhima-nikaya 143.

[18] Xem Samyutta-nikaya III.14-15.

[19] Xem Buddhist Legends, quyển III, trang 73.

[20] Xem Digha-nikaya 5: Kutadanta-sutta.

[21] Xem Digha-nikaya 2: Samannaphala-sutta; Trường A-Hàm 27.

[22] Kinh Diệu Pháp Liên Hoa = Saddharma-Pundarika sutra.

[23] Trí huệ của chư Phật cũng có nghĩa là Phật tánh sẵn có của chúng ta.

[24] Ba thừa: Thinh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa.

[25] Bốn chúng là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc (thiện nam), Ưu-bà-di (tín nữ).

[26] Xem kinh Pháp Hoa, phẩm 10 "Pháp sư".

[27] Xem kinh Pháp Hoa, phẩm 11 "Hiện bửu tháp".

[28] "Trụ vào hư không" ở đây có nghĩa bóng là "có tâm rổng rang thanh tịnh như hư không".

[29] Tháp bảy báu tượng trưng cho chơn tánh của muôn vật đều do bảy yếu tố căn bản (thất đại) là đất, nước, gió, lửa, thức, trí và hư không.

[30] Xem kinh Pháp Hoa, phẩm 15 "Tùng địa dõng xuất".

[31] Bố thí thì được pháp không; trì giới thì được thanh tịnh; nhẫn nhục thì được ngã không.

[32] Xem kinh Pháp Hoa, phẩm 17 "Phân biệt công đức".

[33] Xem kinh Pháp Hoa, phẩm 19 "Pháp sư công đức".

[34] Mật hạnh là nghiêm cẩn giữ gìn tất cả các giới hạnh, gồm 3.000 oai nghi và 84.000 tế hạnh.

 

---o0o---

 

Mục Lục > 01 > 02 > 03 > 04 > 05 > 06 > 07 > 08 > 09  > 10

11 > 12  > 13 > 14 > 15  > 16 > 17 > 18 > 19> 20

 

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 8-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

xấu lê hôm nay thầy về đây Làm bắp cải cuốn cho mâm cỗ chay Phật HT Thể dục giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Phát co tinh yeu nao hon tinh yeu cua cha va me Đức tin mầu nhiệm 真言宗金毘羅権現法要 nuoc mat me gia da HoẠhay danh lua trai tim cua ban sữa Những lá thư xuân Lễ húy kỵ lần thứ 106 Tổ sư Minh 泰卦 16 nen tang nghe hạnh phúc lan tỏa Mùa Vu Lan nhớ mẹ Vu lan Tản mạn về mẹ 不空羂索心咒梵文 hai cot hoa thuong chon may chuc nam ma khong phan bất Đau lưng làm tăng nguy cơ tử vong Ðịnh luật của nghiệp phà t Tiểu sử Hòa thượng Kesaravinayo Maha thiền và làm chủ bản thân thắng tài kinh diệu pháp liên hoa chua tra am vào chùa là đi tìm cái tâm trong sạch tac hai cua dien thoai thong minh voi doi toi thay phat 10 nghiệp lành mang lại phước đức Vài suy nghĩ nhân đọc tạng kinh Nikaya nhị đế từ hiện tượng đến bản nhiệt độ trái đất gia tăngbăng tan ở tien si my chi ra 7 loi ich khi thien va yoga moi dòng bát chánh đạo GiÃi çš Phở cuốn chay Saigon Xuân về trên phố thiç Khủng vi sao hoa sen sinh soi chon bun lay o troc suy nghi ve phuong phap dich thuat kinh dien trong chuột cắn khố rách Chùa Bạch Sa 首座 cuộc đời thánh tăng ananda phần 1 Tin biet chet va biet song bÊo VẠMối åº Sài Gòn mùa ngóng gió Si Ăn uống khoa học giúp giảm suy nhược cça Stress gây nguy hại cho sức khỏe tim mạch 5 nghich ly nguoc doi cua nguoi hien dai tieng