Sự tích Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni

(Theo bản hiệu-chính ngày 21/05/2005) 

Soạn giả: Minh-Thiện Trần-Hữu-Danh

Với sự khuyến khích và giúp đỡ của hiền nội: 

Diệu-Xuân Nguyễn-thị Bạch-Mai

---o0o---

 

Phần 8

 

8- Hạ thứ 13 tại thành phố Calika, xứ Koliya (năm -577)

 

Phật dạy Meghiya cách tập sống một mình nơi thanh vắng[1]

 Phật nhập hạ thứ 13 tại tảng đá Caliya, thuộc thành phố Calika, xứ Koliya. Ðại-đức Meghiya đang làm thị-giả cho Phật. Một hôm, nhân đi khất thực ở làng Jantu trở về, thầy Meghiya thấy khu vườn xoài ở cạnh mé sông rất xinh tươi và thuận lợi để hành thiền, nên xin phép Phật đến đó tu tập thiền định một mình, vì thầy thường nghe Phật dạy người xuất gia phải biết sống một mình nơi thanh vắng. Mặc dù đức Phật khuyên thầy nên đợi đến khi có một vị thị giả khác thay thế, thầy vẫn lập lại lời xin đến lần thứ ba. Ðức Phật cho phép. Thầy Meghiya sung sướng đến khu vườn xoài thanh vắng bên bờ sông thực tập thiền định một mình. Nhưng khi được ở một mình nơi thanh vắng, thầy lại cảm thấy những tư tưởng tham dục và sân hận thường nổi lên quấy nhiễu tâm thầy. Thất vọng, thầy trở về bạch Phật về những chướng ngại đó. Phật dạy :

-Này Meghiya, người biết sống một mình trước hết phải có tinh thần tự lực tự cường, không ỷ lại vào sự giúp đỡ của người khác. Kế đó phải biết tự lượng sức mình có đủ căn bản giáo lý, nguyện lực và định lực chưa. Nếu nhận thấy tâm mình chưa thuần thục, tức chưa đủ căn bản giáo lý, nguyện lực và định lực, thì người khất sĩ cần có năm điều hổ trợ sau đây cho tâm được thuần thục :

1- Cần có thiện hữu tri thức, tức là những bạn đồng tu có trí tuệ và đạo hạnh đầy đủ để hướng dẫn mình.

2- Cần có giới luật để giúp mình an trú trong chánh niệm.

3- Cần có cơ hội thuận tiện để học hỏi giáo pháp giác ngộ và giải thoát.

4- Cần phải chuyên cần tinh tấn thực hành thiền quán.

5- Cần dứt trừ những cố chấp, thành kiến, tư tưởng sai lầm để thành đạt chánh kiến, chánh tư duy và trí tuệ.

Này Meghiya, muốn điều phục tâm ái dục, sân hận và si mê, thầy phải thường xuyên thực tập Cửu Tưởng Quán, Từ Bi Quán, Vô Thường Quán và Tùy Tức Quán.

Cửu Tưởng Quán là quán sát về quá trình tàn hoại của cơ thể qua chín giai đoạn từ khi tắt thở cho đến khi xương cốt tan thành tro bụi. Quán như thế để thấy rõ rằng thân thể ta là vô thường, là nhơ bẩn, là tạm bợ, không có gì đáng quý trọng, tâng tiu, chăm sóc. Nhưng thân người lại chính là một phương tiện quý báu có thể giúp ta thành đạt đạo quả mau chóng. Cửu Tưởng Quán giúp ta đối trị ái dục.

Từ Bi Quán là quán sát về cuộc đời vô thường đầy đau khổ của tất cả chúng sanh. Ðời sống đã là đau khổ, vậy chúng ta không nên làm tăng thêm sự đau khổ mà nên cố gắng làm giảm bớt sự đau khổ của chúng sanh. Từ Bi Quán giúp ta đối trị sân hận.

Vô Thường Quán là quán sát quá trình sinh diệt của vạn vật theo từng chu kỳ thành, trụ, hoại, không, để đối trị ham muốn và si mê, để thấy rằng cuộc đời như giấc chiêm bao, như giọt sương mai, như tia chớp, như hình ảnh trong bong bóng nước, như hoa đốm giữa hư không, không có gì xứng đáng để ta nhọc công tạo tác, tranh giành, gìn giữ. Vô Thường Quán giúp ta đối trị tham lam, ham muốn.

Tùy Tức Quán là theo dõi hơi thở ra vào để đối trị tâm tán loạn, và để nuôi dưỡng chánh niệm.

Này Meghiya, thầy nên thường xuyên thực tập bốn phép quán này để tâm thầy sớm được thuần thục trước khi sống một mình nơi thanh vắng. 

 

9- Hạ thứ 14 tại Jetavana (năm -576)

 

Nữ cư-sĩ Visakha [2] cúng dường tinh xá Pubbarama (Ðông Viên) 

Người đến tinh xá Jetavana nghe pháp càng ngày càng đông. Trong số những đệ tử mới có nữ cư sĩ Visakha, vừa mới 20 tuổi, được xem là đại thí chủ không kém gì ông Sudatta Anathapindika. Thấy số khất sĩ tại tinh xá Jetavana quá đông đảo, bà phát tâm cúng dường khu vườn rộng rãi xinh tươi của bà ở phía đông thủ đô Sravasti để làm thêm một căn cứ tu học khác cho các vị khất sĩ. Khu đất này cũng đẹp không thua gì Jetavana nhưng diện tích hẹp hơn. Với sự điều động của đại đức Moggallana và sự góp sức của các bạn, bà Visakha đã xây cất được nhiều tăng xá và thiền đường. Một giảng đường lớn được dựng lên ngay trung tâm khu vườn. Khi tinh xá mới được hoàn thành, đại đức Sariputta đề nghị đặt tên là tinh xá Ðông Viên (Pubbarama, Purvarama) và giảng đường lớn ở trung tâm là giảng đường Lộc Mẫu (Migara-matas-pasada). "Lộc Mẫu" là biệt danh của bà Visakha.

Nữ cư sĩ Visakha sinh trưởng tại thành phố Bhaddiya của xứ Anga. Xứ Anga nằm trên bờ sông Ganga, sát ranh giới phía đông xứ Vajji và xứ Magadha. Bà là con gái của nhà triệu phú Dhananjaya, mẹ bà là Sumana Devi, ông nội bà là nhà triệu phú Ram, tên thật là Mendaka[3], mà bà hết sức thương mến.

Năm Visakha lên 10 tuổi, đức Phật có dịp đến viếng thành phố Bhaddiya để độ ông Bà-la-môn tên Sela. Ðược biết đức Phật đang ngụ tại lâm viên Jatiyavana, ông Ram bảo cháu nội :

-Này Visakha, hôm nay là ngày vui của cháu và ông nội. Vậy cháu hãy sửa soạn đi với ông nội đến viếng đức Phật và nghe pháp.

Cô bé Visakha vui vẻ vâng lời. Khi đến nơi, cô đảnh lễ đức Phật rồi cung kính ngồi qua một bên, tư cách rất là phong nhã lễ độ. Sau khi nghe Phật thuyết pháp, ông nội cô và cô đều đắc quả tu-đà-hoàn (sotapanna).

Lúc bấy giờ vua Pasenadi xứ Kosala và vua Bimbisara xứ Magadha vốn là thông gia với nhau: bà Videhi, em vua Pasenadi, là hoàng hậu xứ Magadha, và bà Mallika, chị vua Bimbisara, là hoàng hậu xứ Kosala. Một hôm vua Pasenadi xứ Kosala đến gặp vua Bimbisara xứ Magadha, nói :

-Thưa Ðại Vương, xứ Magadha có năm nhân tài lỗi lạc và giàu có là Jotiya, Jatila, Ram, Punnaka, và Kakavakiya. Tôi chỉ xin được một trong những người đó đến ở luôn tại xứ Kosala.

Sau cuộc thảo luận nội bộ, vua Bimbisara đồng ý cho ông Ram và cả gia đình ông đến định cư tại Kosala. Khi phái đoàn vua Pasenadi và gia đình ông Ram với con trai là Dhananjaya cắm trại nghỉ đêm tại một lâm viên xinh đẹp cách Sravasti bảy dặm về phía nam, ông Dhananjaya nói với vua :

-Thưa Ðại Vương, trong thủ đô Sravasti chắc đông đảo lắm, mà gia nhân của chúng tôi cũng rất đông người. Vậy, nếu được Ðại Vương chấp thuận, chúng tôi xin được định cư ngay tại đây.

Vua Pasenadi đồng ý và đặt tên cho thành phố mới này là Saketa, hiện nay là Ayodhya, nằm trên bờ sông Ghaghara, một phụ lưu của sông Ganga.

Lúc bấy giờ ở Sravasti có ông triệu phú tên Migara, có người con trai tên Punnavaddhana vừa đến tuổi lập gia đình. Ông bà Migara hỏi con muốn chọn vợ như thế nào. Punnavaddhana đáp :

-Có cô nào có đầy đủ Năm Vẻ Ðẹp của người phụ nữ thì con mới ưng.

Năm Vẻ Ðẹp của người phụ nữ là Tóc, Môi, Răng, Da và Tươi Trẻ. Ông bà Migara liền mời tám ông Bà-la-môn đến nhà dùng cơm, rồi nhờ họ đi tìm dùm người con gái nào có đầy đủ năm vẻ đẹp để xin cưới cho Punnavaddhana. Khi chuyện đã thành sẽ được trọng thưởng.

Kinh sách ghi rằng cô Visakha có sức mạnh như đàn ông và rất mỹ miều duyên dáng. Tóc nàng tựa như đuôi chim công, khi xỏa ra dài tới mắt cá chân rồi cuộn trở lên. Môi nàng tự nhiên đỏ hồng tươi mát. Răng trắng như ngà, khít khao đều đặn và sáng ngời như hai hàng ngọc. Nước da mịn màng như cánh hoa sen vàng vừa mới nở. Cho đến lúc già và có đông con, Visakha vẫn còn hình dáng đẹp đẽ của thời son trẻ. Visakha lại có trí tuệ hơn người, sáng suốt trong việc thế gian cũng như trong phạm vi đạo đức.

Năm mười sáu tuổi, Visakha đi với đám tỳ nữ ra bờ sông để dự lễ Tao Ngộ. Theo phong tục địa phương thì vào ngày lễ này nam thanh nữ tú đi dạo chơi nơi bờ sông. Khi một thanh niên trông thấy một thiếu nữ đẹp ý mình đi ngang qua thì bước đến tặng nàng một vòng hoa đeo cổ biểu lộ ý mình muốn chọn nàng làm vợ. Thình lình một đám mưa to đổ xuống. Người đi đường đều bỏ chạy tìm nơi tạm trú. Visakha vẫn khoan thai bước đi tìm nhà đụt mưa. Có vài vị bà-la-môn đi đường trông thấy lấy làm ngạc nhiên, hỏi :

-Sao cô không chạy mau vào cho khỏi ướt mình ?

-Dạ, tôi có thể chạy mau lắm chứ, nhưng tôi không muốn làm như vậy.

-Tại sao vậy ?

-Dạ, ví như có một vị vua kia đang mặc sắc phục triều đình, bỗng nhiên xăn áo quần lên, hối hả chạy vào cung điện thì ắt không đúng tư cách. Ví như một thớt tượng của vua đường bệ oai nghiêm, mình mang đầy trang sức mà không dõng dạc lần bước lại đâm đầu bỏ chạy ngoài đường thì cũng là một cảnh tượng trái mắt. Như những nhà sư trang nghiêm đáng kính không nên ôm y bát chạy ngoài đường. Cũng thế, người phụ nữ chạy ngoài đường như đàn ông mất hết nề nếp đoan trang phong nhã.

Các vị bà-la-môn lấy làm hoan hỷ nghĩ rằng cô Visakha sẽ là người vợ lý tưởng cho con trai ông bà triệu phú Migara ờ Sravasti vì cô có đủ năm tướng đẹp của người phụ nữ. Các vị bà-la-môn bèn nhân danh cậu Punnavaddhana, con ông bà triệu phú Migara, tặng cô Visakha một vòng hoa bằng vàng. Sau đó vài hôm, một lễ cưới trọng thể được tổ chức với sự hiện diện của vua Pasenadi. Ông bà triệu phú Migara, từ thủ đô Sravasti đến thành phố Saketa xin cưới cô Visakha cho con trai là Punnavaddhana. Ngoài của hồi môn xứng đáng và những món trang sức quý giá, ông Dhananjaya, cha cô, còn ban cho cô lời giáo huấn trước khi về nhà chồng như sau[4]:

1- Không nên nói xấu chồng và cha mẹ chồng với người ngoài. Cũng không nên đem chuyện xấu bên nhà chồng thuật lại cho người ngoài. (Nguyên văn : Không nên đem lửa trong nhà ra đường).

2- Không nên lập lại những lời tường thuật hay những câu chuyện của người khác nói xấu bên chồng. (Nguyên văn : Không nên đem lửa ngoài đường vào nhà).

3- Ðồ trong nhà chỉ nên cho những người nào mượn rồi trả lại.

4- Không nên cho những người mượn đồ mà không trả lại.

5- Phải giúp đỡ thân bằng quyến thuộc nghèo khó, dù họ trả lại được hay không.

6- Phải ngồi đúng chỗ thích nghi. Khi thấy cha mẹ chồng đến phải đứng dậy.

7- Trước khi ăn cơm phải coi có dọn đầy đủ món ăn cho cha mẹ chồng và chồng chưa. Cũng phải coi chừng người làm trong nhà có được ăn uống đầy đủ không.

8- Trước khi đi ngủ phải quan sát nhà cửa, ghế bàn có được thu dọn ngăn nắp chưa. Cửa đóng then cài cẩn thận. Xem coi những người giúp việc trong nhà có làm đủ bổn phận của họ chưa, và cha mẹ chồng đã đi ngủ chưa. Thế thường người nội trợ phải thức khuya dậy sớm và, trừ khi đau ốm, không nên ngủ ngày.

9- Phải xem chồng và cha mẹ chồng như lửa: Mỗi khi có việc với cha mẹ chồng hay chồng phải hết sức thận trọng như khi dùng lửa.

10- Cha mẹ chồng và chồng phải được tôn kính như những vị trời trong nhà (sassudeva).

Cha chồng bà là một đệ tử trung kiên của giáo phái Nigantha (còn gọi là Jaina). Một hôm ông thỉnh về nhà rất đông các tu sĩ lõa thể. Khi các vị ấy đến, bà Visakha được gọi ra đảnh lễ các vị được gọi là A-la-hán đó. Thoạt nghe đến tiếng A-la-hán, bà vui vẻ bước ra. Nhưng khi thấy những tu sĩ lõa lồ thì bà quày quả trở vào, không đến đảnh lễ. Các đạo sĩ Nigantha tức giận, bắt lỗi cha chồng bà sao lại đem vào nhà mình một tín nữ của đức Phật. Họ yêu cầu ông đuổi bà ra khỏi nhà tức khắc. Ông triệu phú, vì kiên nể gia đình ông Ram, phải khuyên giải hết lời họ mới nguôi giận.

Một hôm, người cha chồng đang ngồi ăn món cháo sữa rất ngon trong cái chén bằng vàng. Ngay lúc ấy có một vị khất sĩ đến trước cửa nhà khất thực. Bà Visakha liền đứng tránh qua một bên để cha chồng trông thấy nhà sư. Tuy đã thấy nhưng ông vẫn làm lơ, tiếp tục ăn như thường. Thấy vậy, bà Visakha cung kính nói :

-Bạch thầy, xin thầy hoan hỷ bước sang nhà khác. Cha chồng tôi đang dùng món ăn không tốt .

Nhà triệu phú hiểu lầm bà có ý hổn láo nói xấu mình, lấy làm tức giận, truyền gia nhân đuổi bà ra khỏi nhà. Nhưng tất cả tôi tớ trong nhà đều hết lòng quý trọng bà nên không ai dám động đến bà. Bà Visakha lễ phép trình bày :

-Thưa cha, con thấy con không có lỗi gì đến đổi phải bị cha đuổi khỏi nhà. Sau đám cưới, khi con sắp rời nhà cha mẹ con qua đây, cha con có mời tám người trong thân tộc bên chồng và gởi gấm con cho các vị ấy. Cha con nói "Nếu con gái tôi có phạm điều gì lỗi lầm, xin các vị hãy dò xét cặn kẽ". Vậy xin cha hãy mời các vị ấy đến để xét xử xem con có lỗi hay không.

Nhà triệu phú đồng ý, cho mời tám vị thân nhân kia lại, phân trần :

-Lúc tôi đang ngồi ăn cháo sữa trong một cái chén bằng vàng thì con dâu tôi nói rằng tôi ăn đồ không sạch. Vậy các anh em hãy vạch ra cho nó thấy lỗi và đuổi nó ra khỏi nhà này.

Bà Visakha giải thích :

-Dạ thưa quý bác, quý chú, sự việc xảy ra không đúng hẳn như vậy. Lúc cha chồng con đang dùng cháo thì có một vị khất sĩ đến trước nhà khất thực. Cha chồng con thấy mà làm ngơ. Nghĩ rằng cha chồng con không muốn làm điều phước thiện nên con nói "Bạch thầy, xin thầy hoan hỷ bước sang nhà khác. Cha chồng tôi đang dùng món ăn không tốt".

Mọi người nhìn nhận bà Visakha không có lỗi, chỉ có ý nói xuôi cho vị khất sĩ bước sang nhà khác. Cha chồng bà thấy vậy cũng bỏ qua. Sau đó bà tìm cách khuyên cha chồng đến Jetavana nghe Phật thuyết pháp để biết qua giáo lý cao thượng của ngài. Nhưng ông nhất định không chịu đi. Bà Visakha nói :

-Thưa cha, nếu cha ngại việc đi đến Jetavana thì con xin phép cha được thỉnh Phật về nhà thọ trai một lần để cha có dịp nghe giáo pháp của ngài.

Ông đồng ý. Khi đức Phật đến nhà thọ trai và thuyết pháp thì ông Migara, cha chồng bà, ngồi trong buồng lắng nghe. Nghe xong ông đắc quả Tu-đà-hoàn. Ông rất vui mừng và cám ơn cô dâu quý đã dẫn ông vào con đường giải thoát thật sự. Ông nói:

-Này Visakha, con dâu quý của cha, nhờ con mà cuộc đời còn lại của cha từ nay bước qua một khúc quanh tốt đẹp. Cha quý con lắm, từ nay cha sẽ xem con như một bà mẹ. Hôm nào thuận tiện con hãy đưa cha đến Jetavana để xin quy y tam bảo.

-Thưa cha, xin cha chớ quá lời. Con chỉ cố gắng làm tròn bổn phận của con mà thôi.

Từ đó về sau, bà Visakha có biệt danh là "Lộc Mẫu" (Migara-matas), có nghĩa là mẹ của Migara (Lộc, con nai). Ðến lúc bà sinh được con trai đầu lòng, đức Phật được thỉnh đến nhà thọ trai và làm lễ quán đảnh (đặt tên) cho cháu bé. Bà đặt tên cho con bà là Migara để mọi người khỏi thắc mắc về biệt danh Lộc Mẫu của bà. Nhơn dịp này bà mẹ chồng của bà được nghe Phật thuyết pháp và đắc quả Tu-đà-hoàn. Gia đình nhà chồng bà Visakha từ nay trở thành một gia đình Phật tử đầy an vui hạnh phúc. Bà Visakha để bát chư tăng hằng ngày tại nhà. Buổi chiều bà thường đi với một bà bạn tên Suppiya đến Jetavana nghe pháp và xem quý vị khất sĩ có cần dùng vật chi không.

Ðầu mùa hạ năm nay bà đã cúng dường tinh xá Ðông Viên, ở phía đông thủ đô Sravasti, với giảng đường Lộc Mẫu, để các vị khất sĩ nhập hạ có đủ chỗ ở. Tinh xá này do đại đức Moggallana chỉ huy xây cất trong vòng 9 tháng. Ðến ngày tự tứ mãn hạ, bà lại đến trước Phật nêu tám điều thỉnh nguyện như sau[5] :

1- Dâng y đến chư tăng trong mùa nhập hạ cho đến suốt đời bà.

2- Ðể bát những vị sư đến thành Sravasti.

3- Ðể bát những vị sư rời thành Sravasti.

4- Dâng thực phẩm đến những vị sư đau ốm.

5- Dâng thực phẩm đến những vị chăm sóc các sư đau ốm.

6- Dâng thuốc men đến những vị sư đau ốm.

7- Dâng lúa mạch đến chư tăng ni.

8- Dâng y tắm đến các tỳ-kheo-ni.

Ðức Phật hoan hỷ chấp thuận. Về sau chính đức Phật đã nhập hạ sáu lần tại tinh xá Ðông Viên. Trong nhiều thời pháp, đức Phật đã khuyên dạy hàng phụ nữ như sau :

Tích cực hoạt động. Nhã nhặn hiền hòa.

Luôn luôn dịu dàng chìu chuộng chồng dù chồng không đem lại tất cả hạnh phúc.

Không khi nào dùng lời bất cẩn, nghịch ý, thiếu lễ độ, làm chồng nổi giận.

Tôn trọng tất cả những người được chồng kính nể.

Khéo léo, lanh lẹ, thức khuya dậy sớm.

Tận tâm săn sóc sức khỏe của chồng trong khi chồng làm việc cực nhọc.

Muốn những điều chồng muốn và cố làm cho được.

Người phụ nữ làm được những điều trên đây sẽ tái sanh vào cảnh giới của những vị Trời dễ mến.[6]

Bà Visakha đã đóng góp một phần quan trọng trong nhiều lãnh vực khác có liên quan đến Phật sự. Ðôi khi đức Phật dạy bà đi hòa giải những mối bất đồng giữa các tỳ-kheo-ni. Cũng có lúc bà thỉnh cầu đức Phật ban hành một vài giới cho chư tăng ni. Bà được xem là người tín nữ có công đức nhiều nhất trong các Phật sự và cũng là vị thí chủ quan trọng nhất của phái nữ vào thời Phật tại thế.

Do phẩm hạnh trang nghiêm, tư cách thanh nhã, ngôn ngữ lễ độ khôn khéo, tánh tình lịch duyệt hiếu khách, tâm đạo nhiệt thành, bà được lòng tất cả những ai đã gặp bà. Bà được diễm phúc làm mẹ của mười người con trai và mười người con gái, tất cả đều hiếu thảo. Bà từ trần lúc được 120 tuổi, trên đầu chưa hề có một sợi tóc bạc.

Ðức Phật đã nói về bà Visakha như sau :

- Này các thầy, như một ngưởi thợ khéo dùng một đống lớn hoa đủ loại để kết thành những tràng hoa xinh đẹp, bà Visakha luôn luôn có sáng kiến để làm việc thiện.

 

Phật thuyết kinh Người Biết Sống Một Mình (Bhaddekaratta[7])  

Phật nhập hạ thứ 14 ở Sravasti xứ Kosala với sự có mặt của đại đức Sariputta và Rahula.

Tại tinh xá Jetavana có thầy Thera rất ít nói chuyện với bất cứ ai. Thầy thích đi một mình, làm việc một mình. Thầy không làm phật lòng ai, cũng không vi phạm giới điều nào, nhưng thầy thích sống lẻ loi, không thật sự hòa hợp với đại chúng. Một hôm, sau giờ thuyết pháp, Phật gọi đại đức Thera lên và hỏi :

-Này Thera, thầy là người thích sống một mình, đi đâu hay làm việc gì cũng muốn tránh sự chung đụng với người khác. Có phải thế không ?

-Bạch Thế Tôn, đúng như vậy. Con thường nghe Thế Tôn dạy người khất sĩ phải biết sống một mình nơi thanh vắng.

-Này các thầy, các thầy hãy lắng nghe, Như Lai sẽ giảng cho các thầy hiểu thế nào là Người Biết Sống Một Mình.

Người biết sống một mình là người biết an trú trong chánh niệm. Người đó ý thức được những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, trong cơ thể, trong cảm giác, trong tư tưởng hay ở trước mặt. Người đó biết nhận thức sự sống trong giờ phút hiện tại, không tìm về quá khứ, không tưởng tới tương lai. Vì quá khứ thì không còn, tương lai thì chưa tới. Sự sống chỉ có mặt trong giờ phút hiện tại.

Này các thầy, thế nào là tìm về quá khứ ? Tìm về quá khứ là nghĩ rằng trong quá khứ hình thể ta từng như thế đó, cảm thọ ta từng như thế đó, địa vị ta từng như thế đó, hạnh phúc ta từng như thế đó, đau khổ ta từng như thế đó ... Phát khởi lên những suy tư như thế và tâm bị ràng buộc bởi những vui buồn thuộc về quá khứ. Ðó là tìm về quá khứ.

Này các thầy, thế nào là tưởng tới tương lai ? Tưởng tới tương lai là nghĩ rằng trong tương lai hình thể ta sẽ như thế đó, cảm thọ ta sẽ như thế đó, hạnh phúc ta sẽ như thế đó, đau khổ ta sẽ như thế đó ... Phát khởi lên những suy tư như thế và tâm bị ràng buộc bởi những mơ ước hoặc lo sợ về tương lai. Ðó là tưởng tới tương lai.

Này các thầy, sống trong thực tại là sống tỉnh thức trong chánh niệm. Sống trong thực tại không có nghĩa là sống buông lung theo những khoái lạc hoặc sầu khổ trong hiện tại. Bởi vì sống buông lung theo những khoái lạc hoặc sầu khổ trong hiện tại cũng là quên thực tại.

Này các thầy, người biết sống một mình là người biết an trú trong chánh niệm, dù người ấy đang ở giữa đám đông. Người ngồi trong rừng sâu mà không giữ được chánh niệm, để cho những con ma quá khứ và tương lai lôi cuốn và ám ảnh thì người ấy vẫn không phải là người biết sống một mình.

Rồi Phật đọc bài kệ tóm ý như sau :

"Ðừng tìm về quá khứ,

"Ðừng tưởng tới tương lai.

" Quá khứ đã không còn,

"Tương lai thì chưa tới.

"Hãy quán sát sự sống

"Trong giờ phút hiện tại.

"Kẻ thức giả an trú

"Vững chải và thảnh thơi.

"Phải tinh tấn hôm nay

"Kẻo ngày mai không kịp.

"Cái chết đến bất ngờ

"Không thể nào mặc cả.

"Người nào biết an trú

"Ðêm ngày trong chánh niệm,

"Thì Như Lai gọi là

"Người Biết Sống Một Mình.

Ðọc xong bài kệ, Phật cám ơn đại đức Thera và bảo thầy đi xuống. Phật không trực tiếp khen hay chê thầy. Nhưng sau thời pháp, chắc đại đức đã thật sự hiểu được ý Phật.

 

Phật dạy vua Pasenadi cách cúng dường tại tư gia[8] 

Một hôm vua Pasenadi đứng trên sân thượng nhìn xuống đường, thấy hằng ngàn vị khất sĩ đang đi thành hàng dài. Vua hỏi, cận vệ thưa :

-Tâu Ðại Vương, mỗi ngày thường có hằng ngàn vị khất sĩ đến nhà ông Anathapindika, ông Culla Anathapindika, bà Visakha và bà Suppadasa để nhận cúng dường về thực phẩm, thuốc men và vật dụng thường nhật, theo thỉnh nguyện của các vị cư sĩ này.

Vua Pasenadi nghe nói cũng phát tâm đến tinh xá Jetavana thỉnh Phật và giáo đoàn mỗi ngày vào đền vua thọ trai. Phật đáp :

-Thưa Ðại Vương, chư Phật không bao giờ thọ cúng dường hằng ngày ở cùng một nơi, vì có rất nhiều người mong được gặp Phật.

-Thưa Thế Tôn, nếu vậy xin Thế Tôn đến lần đầu rồi cử một vị đại đức thường ngày hướng dẫn 500 vị khất sĩ đến thọ trai tại đền vua.

Ðức Phật chấp thuận và giao cho đại đức Ananda lo việc này. Từ đó mỗi ngày vua Pasenadi đích thân tiếp đãi, mời ngồi và để bát cho 500 vị khất sĩ do đại đức Ananda hướng dẫn vào đền. Vua không để cho ai khác lo việc này. Ðến ngày thứ tám, vua bận việc triều chính nên quên việc cúng dường. Các vị khất sĩ nói với nhau : Ngoài vua không ai dám lo việc cúng dường nếu không có lệnh. Vậy chúng ta không nên ở lại đây lâu hơn nữa. Rồi nhiều vị bỏ ra về. Qua ngày hôm sau vua cũng quên việc cúng dường, nhiều vị khất sĩ cũng bỏ ra về. Ðến ngày thứ ba vua cũng quên việc cúng dường, tất cả các vị khất sĩ đều ra về, chỉ còn đại đức Ananda ngồi lại chờ. Quân hầu thấy vậy lấy thức ăn ra để bát cho ngài dùng. Vua về đến thấy chỉ có một mình đại đức Ananda đang thọ trai và thực phẩm còn lại rất nhiều. Vua tức giận đến tinh xá Jetavana gặp Phật, nói :

-Thưa Thế Tôn, trẫm sai chuẩn bị thực phẩm cho 500 người, nhưng chỉ có một mình thầy Ananda đến thọ trai. Làm phí phạm rất nhiều thực phẩm ! Xin Thế Tôn cho biết vì sao các vị khất sĩ khác không đến ?

-Thưa Ðại Vương, có lẽ vì các khất sĩ thiếu tin tưởng nơi Ðại Vương nên không tới. Thưa Ðại Vương, có chín điều làm cho các khất sĩ có quyền từ chối lời mời đến tư gia cúng dường, hoặc đến nơi rồi mà không ngồi xuống thọ trai và nói pháp. Chín điều đó là[9] :

1- Gia chủ không đứng lên nghênh tiếp.

2- Không tiếp đón niềm nỡ.

3- Không vui vẻ mời ngồi.

4- Giấu giếm các thức ăn quí giá.

5- Có nhiều, cho ít.

6- Có thức ăn tốt, cho thức ăn xấu.

7- Thiếu lễ độ trong cử chỉ.

8- Thiếu lễ độ trong lời nói.

9- Không chăm chỉ ngồi nghe pháp.

Rồi đức Phật quay sang nói với các vị khất sĩ :

-Này các thầy, nếu gia đình nào thực hành tốt đẹp chín điều vừa nói, tức là tỏ ra tin tưởng và kính trọng Tam Bảo, thì các thầy nên nhận lời mời đến tư gia cúng dường, lúc đến nơi nên ngồi xuống, chú nguyện cho gia chủ được nhiều phước báo, thọ trai trong im lặng, rồi nói pháp và giải đáp các nghi vấn của gia chủ để khuyến khích gia chủ tin tấn trên con đường Chánh Pháp hầu đạt được hạnh phúc lâu dài trong đời sống hiện tại và tương lai.

Vua Pasenadi từ giả Phật ra về, trong bụng nghĩ thầm Ta phải làm sao để được lòng tin tưởng của đức Phật và Giáo Ðoàn Khất Sĩ ? Cách hay nhất là cưới một người con gái trong thân tộc của đấng Toàn Giác. Ít lâu sau vua Pasenadi cử sứ giả đến Kapilavastu xin cưới một công chúa dòng Sakya làm thứ hậu. Sau khi nghị luận với triều thần, vua Mahanama ngầm đưa ra con gái của mình là Vasabhakhattiya (Vasabhaksatriya), mẹ nàng là một người tỳ nữ, để gả cho vua Pasenadi. Vua Pasenadi được biết Vasabhakhattiya là một cô gái tuyệt đẹp, con vua Mahanama, và từng được ngồi ăn chung bàn với vua, thì rất hài lòng. Vài năm sau, Vasabhakhattiya sanh ra hoàng tử Vidudabha (Virudhaka) và công chúa Vajna của xứ Kosala.

 

Phật dạy đám trẻ nghịch cua về lòng từ-bi[10] 

Một hôm, trong khi đi khất thực, Phật gặp một đám trẻ con đang bắt cua dưới ruộng lên chơi. Chúng cho mấy con cua chạy đua. Con nào thua thì chúng bẻ một càng hoặc một chân để trừng phạt. Có khi con cua thắng cũng bị bẻ một chân để chấp những con khác trong kỳ đua sau. Trò chơi có vẻ hấp dẫn, chúng thích chí vỗ tay, reo hò vang dậy. Con cua nào mất nhiều chân quá không còn bò nổi thì chúng lấy chân dẫm lên cho chết rồi ném xuống ruộng.

Thấy Phật và các thầy đi tới, bọn trẻ con ngửng đầu lên nhìn rồi lại cúi xuống chơi trò hành hạ mấy con cua. Chúng chơi một trò chơi tàn ác mà không biết, vì mấy con cua lúc nào cũng làm thinh, đâu có than khóc gì !!! Phật đến nơi, đứng lại nhìn bọn trẻ rồi nghiêm nghị bảo :

-Này các con, hãy ngừng lại, đừng chơi như thế. Nếu các con bị trặc chân hay gãy tay thì có đau không ?

-Bạch thầy, có đau.

-Con cua bị các con bẻ gãy càng và gãy chân cũng đau như thế. Các con có biết không ?

Bọn trẻ đứng lên, làm thinh. Phật nói tiếp :

-Con cua cũng biết ăn uống, cũng có cha mẹ anh chị của nó như các con vậy. Các con làm khổ con cua như thế thì các con cũng làm khổ luôn cha mẹ và anh chị của nó. Cũng như mỗi khi các con đau ốm thì cha mẹ anh chị của các con phải lo lắng buồn khổ. Con cua bị gãy chân đi không được, không kiếm ăn được thì còn khổ sở gắp trăm lần. Thôi, các con đừng chơi dại dột như thế nữa.

Bọn trẻ tỏ vẻ hối hận. Lúc bấy giờ, thấy Phật và các thầy đang đứng chung quanh bọn trẻ, những người đi đường cũng ghé lại xem. Nhân cơ hội này, Phật dạy cả trẻ em lẫn người lớn về lòng từ bi. Phật nói :

-Này các con, chúng ta ai cũng muốn được sống an ổn và vui vẻ. Các loài cầm thú cũng thế, chúng cũng muốn được sống an ổn và vui vẻ. Vậy chúng ta phải làm sao cho tất cả mọi loài đều được sống an lành và hạnh phúc. Chúng ta phải bảo vệ sự sống cho nhau và đem niềm vui cho nhau. Nếu chúng ta không thể mang hạnh phúc đến cho kẻ khác thì cũng nên cố tránh đừng gây thêm đau khổ. Tất cả loài vật, dù lớn hay nhỏ, dù đi bằng hai chân hay đi bằng bốn chân, dù bò trên mặt đất hay bay trên hư không, hay bơi lội dưới nước, cũng đều có quyền sống an ổn và hạnh phúc. Chúng ta không nên sát hại nhau, hận thù nhau. Chúng ta nên giúp đỡ nhau, che chở cho nhau.

Này các con, cũng như một bà mẹ đem thân mạng che chở cho đứa con yêu quý nhất của mình, mỗi người trong chúng ta cũng phải mở rộng lòng từ bi để mang đến miềm vui và hạnh phúc cho các loài có sự sống và biết đau khổ. Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, trái tim ta phải luôn luôn mang theo tình thương muôn loài. Chúng ta hãy an trú đêm ngày trong tình thương đó. Ðược như vậy chúng ta sẽ thấy rằng chính chúng ta là người được hạnh phúc trước nhất.

Dạy xong, Phật bảo bọn trẻ đem thả những con cua còn lại xuống ruộng. Bọn trẻ nhẹ nhàng cầm từng con cua thả xuống ruộng. Phật bảo bọn trẻ hãy trở về nhà, rồi ngài và các vị khất sĩ lặng lẽ tiếp tục đi khất thực.

 

10- Hạ thứ 15 tại vườn Nigrodha, Kapilavastu (năm -575)

 

Vua Suppabuddha bị đất nuốt[11] 

Từ thủ đô Sravasti xứ Kosala đức Phật đến Kapilavastu. Trong thời gian ngụ tại đây, một hôm đức Phật bị vua Suppabuddha uống rượu say, chận đường nhục mạ nặng nề vì cho rằng ngài đã xuất gia cầu danh, bỏ bê vợ con làm cho Yasodhara đau khổ, và làm cho một số đông gia đình trong hoàng tộc Koliya và Sakya phải buồn khổ vì mất chồng, mất con. Ðức Phật làm thinh quay trở về tinh xá Nigrodha. Ðại đức Ananda ngạc nhiên hỏi Phật :

-Bạch Thế Tôn, do nhân duyên gì mà xảy ra chuyện như thế ?

-Việc xảy ra như thế cũng do nhân duyên nhiều đời trước giữa Như Lai, Suppabuddha và Devadatta. Nhưng do ác nghiệp hôm nay, bảy ngày nữa vua Suppabuddha sẽ bị đất nuốt ngay dưới chân cầu thang lâu đài của ông và sẽ bị đọa vào địa ngục A-tỳ.

Sau khi tỉnh rượu, nghe quân hầu cận thuật lại, vua Suppabuddha cười nói :

-Ðược rồi, ta sẽ chứng minh cho mọi người thấy rằng sa-môn Gotama là một tên nói láo.

Về đến thủ đô Devadaha xứ Koliya, vua Suppabuddha liền cho dọn hết những đồ dùng cần thiết của ông lên tầng lầu thứ bảy, tầng chót của lâu đài; đặt hai lực sĩ giữ cửa ở mỗi tầng lầu để nếu ngày thứ bảy vua có quên, đi xuống, thì phải nắm giữ vua lại; cửa ra cầu thang ở mỗi tầng lầu đều đóng chặt. Ðến ngày thứ bảy, vua Suppabuddha nhất định ở luôn trên lầu bảy, không đi đâu cả.

Nhưng đến ngày thứ bảy, con ngựa quý của vua bỗng sút chuồng ở tầng trệt, chạy đá lung tung vào vách. Vua đang mặc thường phục, nghe tiếng động ồn ào, đứng dậy đến mở cửa ra cầu thang nhìn xuống. Nhưng ngay lúc ấy các cửa lầu bỗng mở tung ra, rồi hai người lực sĩ xông tới nắm cổ vua ném xuống lầu sáu. Ở lầu sáu vua lại bị hai người lực sĩ khác ném xuống lầu năm; lần hồi đến tầng trệt; mặt đất bỗng nứt ra làm hai, vua Suppabuddha bị rơi vào lòng đất và tái sanh vào điạ ngục A-tỳ (Avici). Dandapani (Chấp-Trượng), em vua Suppabuddha lên nối ngôi vua xứ Koliya.

 

Rahula đúng 20 tuổi, thọ Cụ-túc-giới 

Năm nay chú sa di (samanera) Rahula được 20 tuổi. Phật bảo đại đức Sariputta làm lễ cho Rahula thọ Cụ Túc Giới (Upasampada) để chính thức trở thành một vị tỳ-kheo (bhikkhu, bhiksu). Ðại đức Sariputta đã dạy dỗ chú thật chu đáo trong nhiều ngày trước ngày chú thọ giới. Svastika cũng hân hạnh được nghe những lời giáo huấn này. Ðây là một buổi lễ quan trọng mà chú sa di Rahula đã mong đợi từ lâu. Chú tuy còn trẻ nhưng đã nghiêm trì mật hạnh[12] rất chính chắn nên đều được các thầy quý mến. Sau buổi lễ, các thầy đều vui vẻ đến chúc mừng vị tỳ-kheo mới.

 

Phật dạy Rahula quán 18 giới phân biệt[13]  

Sau khi Rahula thọ giới tỳ-kheo, Phật đã dành thì giờ đặc biệt dạy cho chú về các công phu thiền quán. Svastika cũng được dự thính. Phật dạy Rahula phép quán 6 căn, 6 trần và 6 thức riêng biệt từng cái. Phép quán này gọi là Quán 18 Giới Phân Biệt. Ví dụ như nhãn căn hợp với sắc trần sanh ra nhãn thức. Nhãn căn thuộc thân, sắc trần thuộc ngoại cảnh, nhãn thức thuộc tâm. Trong khi quán sát ta thấy nhãn căn là con mắt và hệ thần kinh thuộc mắt do các tế bào họp lại mà thành; do đó nhãn căn có tính vô thường, sinh diệt, không có thực thể. Sắc trần là cảnh vật do các nguyên tử, các điện tử họp lại mà thành; do đó sắc trần cũng có tính vô thường, sinh diệt, không có thực thể. Nhãn căn và sắc trần đều không có thực thể, thì khi chúng tiếp xúc nhau làm phát sanh nhãn thức, dĩ nhiên nhãn thức cũng không có thực thể, như hoa đốm giữa hư không. Khi quán sát các căn, trần và thức khác, chúng ta cũng đều nhận thấy như vậy. Tất cả 18 giới gồm 6 căn, 6 trần và 6 thức đều vô thường, sinh diệt, không có thực thể, như vậy có nghĩa là thân ta, tâm ta và cảnh vật đều là vô thường, sinh diệt, không có thật thể. Quán 18 giới phân biệt để đối trị si mê, diệt trừ chấp ngã và chấp pháp, đạt đến niết-bàn thanh tịnh an lạc.

 

Phật dạy Rahula quán 5 uẩn để trừ ngã chấp[14] 

Sau đó Phật dạy Rahula phép quán 5 uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Lúc bấy giờ các triết gia quan niệm rằng con người là sự kết hợp của 5 cơ cấu (5 uẩn hay ấm) gồm có sắc là thân thể hay vật chất, thọ là cảm giác dễ chịu khó chịu hay trung tính, tưởng là tư tưởng, hành là sự di động hay biến đổi, thức là sự hiểu biết và phân biệt vật nọ với vật kia. Ta nên quán sát tinh tường để nhận thấy rằng tất cả 5 uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành và thức đều có tính vô thường, sinh diệt, không thật thể. Không có gì trường tồn để có thể gọi là ngã[15]. Phật nói :

-Này Rahula, Thân thể này không phải là ngã. Thân thể này cũng không phải là ngã sở (không phải là vật sở hữu của ngã). Ngã không nằm trong thân thể, thân thể cũng không nằm trong ngã.

Thông thường có ba loại kiến chấp về ngã :

1- Ngã chấp cho rằng sắc là ngã, thọ là ngã, tưởng là ngã, hành là ngã hoặc thức là ngã.

2- Dị ngã chấp cho rằng thân thể này không phải là ngã, ngã là cái gì riêng biệt đối với thân thể. Thọ, tưởng, hành và thức cũng vậy.

3- Tương tại ngã chấp cho rằng trong thân có ngã, trong ngã có thân. Ngã và thân không phải hai cũng không phải một; cái này nằm trong cái kia. Thọ, tưởng, hành, và thức cũng vậy.

Phật dạy :

-Này Rahula, muốn quán vô ngã phải nhìn sâu vào lòng năm uẩn để thấy năm uẩn không phải ngã, không phải dị ngã, cũng không phải tương tại ngã. Vượt qua được ba kiến chấp ấy rồi mới thực sự chứng nghiệm được năm uẩn đều là Không. Ý niệm về ngã không còn nương vào đâu để tồn tại. Một khi đã chứng được vô ngã thì tất cả phiền não và đau khổ đều tan biến, và niết-bàn an-lạc thanh-tịnh hiện ra trước mắt.

 

Rahula được cúng dường tinh xá riêng 

Sau khi thọ giới tỳ-kheo, Rahula càng tinh tấn tu hành, chẳng bao lâu thầy được ngộ đạo. Tuy còn trẻ tuổi, thầy rất được các khất sĩ và cư sĩ quý mến, kính trọng. Thầy thường được cúng dường nồng hậu, nhưng không vì vậy mà bị chướng ngại trên đường tu tập. Mỗi khi có dư một vật gì thầy đều tặng lại cho các khất sĩ còn thiếu.

Một hôm, sau khi nghe Phật thuyết pháp tại một làng gần thành Kapilavastu, có một cư sĩ trưởng giả xin cúng dường Rahula một tinh xá nhỏ để thầy thường xuyên cư trú tại quê hương. Nhưng sau đó, vì nghĩ rằng tinh xá là của mình dâng cúng, nên ông trưởng giả thường hay can thiệp vào việc điều hành tinh xá, nhiều khi gây trở ngại cho việc tu học của chư tăng. Rahula xin thỉnh ý Phật xem phải xử lý ra sao. Phật dạy:

-Này Rahula, trong giáo pháp của Như-Lai, việc của tăng đoàn thì hàng tín đồ tại gia không thể quản lý. Tín chúng đã phát tâm cúng dường tinh xá, không phải vì thế mà có quyền can thiệp vào tổ chức và sinh hoạt của tăng đoàn. Tinh xá phải do vị tăng trụ trì quản lý, phần cư sĩ chỉ lo việc hộ pháp mà thôi. Thầy nên nói cho ông trưởng giả ấy biết vật đã bố thí rồi thì không còn phải là của mình nữa. Bố thí mà không chấp có người bố thí, không chấp có người nhận bố thí, không chấp có vật bố thì thì hành động bố thí mới được viên mãn, mới được phước báo vô lậu.

Thầy Rahula đem lời đức Phật nói lại với vị trưởng giả. Nhưng ông ta không hiểu ý nghĩa cao siêu của việc bố thí không trụ tướng[16] nên đâm ra bực bội, khó chịu, không còn cảm tình với thầy Rahula nữa. Một hôm ông trưởng giả đến tinh xá thấy vắng bóng đại đức Rahula, bèn đem tinh xá cúng dường cho một vị khất sĩ khác. Khi Rahula trở về thì tinh xá đã thuộc về người khác. Thầy đến trình bày mọi việc với đức Phật. Hôm sau, sau giờ thuyết pháp thường lệ, Phật dạy :

-Này các vị khất sĩ, vật nào thí chủ đã cúng dường cho người khác rồi lại đem cúng dường cho các thầy thì các thầy không nên nhận[17].



[1] Xem Udana IV 1; Anguttara-nikaya IV 354, IX 3; Ðường Xưa Mây Trắng, trang 326-327.

[2] Xem Ðức Phật và Phật Pháp, trang 163-173; Buddhist Legends, quyển II, trang 59-84, và quyển III, trang 130-138; Udana VIII.8; Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh 1428.

[3] Xem Buddhist Legends, quyển III, trang 316.

[4] Xem Buddhist Legends, quyển II, trang 68.

[5] Xem Vinaya: Maha-Vagga, viii. 15: i. 290-294.

[6] Gradual Sayings IV (Anguttara-nikaya), trang 178-179.

[7] Xem Majjhima-Nikaya 131, 132, 133, 134.

[8] Buddhist Legends, quyển II, trang 32-34, 36.

[9] Xem Anguttara nikaya, IV 387-388.

[10] Xem Kinh Từ Bi (Metta sutta); Khuddaka-nikaya / Sutta-Nipata I.8.

[11] Xem Buddha and the Gospel of Buddhism, trang 51; The Life of Buddha as Legend and History, trang 119.; The Buddha and his Teachings, trang 218; Buddhist Legends, quyển II, trang 291-293.

[12] Mật hạnh là nghiêm cẩn giữ gìn tất cả các giới hạnh, gồm 3.000 oai nghi và 84.000 tế hạnh, không thiếu sót. Mật hạnh còn có nghĩa là thân, khẩu, ý hoàn toàn thanh tịnh và kiên cố như kim cang.

[13] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 328-329.

[14] Xem Ðường Xưa Mây Trắng, trang 329.

[15] Ý này được giải rõ trong Bát-Nhã Tâm Kinh.

[16] Xem ý bố thí không trụ tướng trong kinh Kim Cang.

[17] Ðây cũng là lý do chư tăng ni không được thọ thực đồ ăn đã cúng vong hay đã cúng thần thánh.

 

---o0o---

 

Mục Lục > 01 > 02 > 03 > 04 > 05 > 06 > 07 > 08 > 09  > 10

11 > 12  > 13 > 14 > 15  > 16 > 17 > 18 > 19> 20

 

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 8-2007

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

that thap co lai hy ペット葬儀 おしゃれ Tìm nÃÆ Thuốc im an Ngày xin danh ba phut de suy ngam mot cau chuyen giác Huyền Quang Đệ tam Tổ và những câu Nằm Phật Gió Bên sau chuyển Thử chuong chùa song tiên am Thiếu tiếp xúc ánh sáng mặt trời dễ Sám hối cần cau chuyen quan van truong mẹ cai toi va minh triet ve cai toi ï¾ å Trước khi ngủ Chả ram bắp cho ngày chay Tháng Giêng là tháng ăn chay Bảo Ngày ăn chay Việt Nam Tại sao không Cải gãi giu 不空羂索心咒梵文 một bông hồng trắng tà la buong xa di le dat da xay dung Tạm biệt thầy nhà giáo nhà văn Võ chú phÃp nghi va cam nhan ve cuoc song cua minh ト妥 lưu ý về giấc ngủ đối với người hay doc khi con chua muon Thuc ngoại tình là kẻ sát nhân phá hủy hôn 五藏三摩地观 Về Người xuất gia Bánh nguon goc va y nghia cua nhan cuoi tan tác nỗi đau bang BÃƒÆ i khÕ Mat tong Bổ Mùa thu hạt xuÃƒÆ chua nam hai quan am giao da chùa cái bầu tình ca của con tim và nước mắt