00 Mục Lục 
01 Lời đầu sách của HT Thanh Từ
02 Đề Tựa của Tỳ Kheo Huệ Nguyên (1763)
03 Hành Trạng Thượng Sĩ
04 Đối Cơ (trả Lời Người Hỏi)
05 Tụng Cổ
06-1 Bài ca Tâm Phật 
06-2 Bài ngâm phóng cuồng, Sống chết nhàn mà thôi
06-3 Phàm Thánh không hai, Mê ngộ không khác, Ngậm bĩu môi
06-4 Bài văn Trứ Từ tự răn, Thời tiết an định, Dương chân, Vào cát bụi
06-5 Muôn việc về như, Thói đời hư dối, Họa thơ quan Huyện, Cảnh vật Tịnh Bang, Họa Thơ Hưng Trí Thượng Vị Hầu
06-6 Tụng đạo học Trần Thánh Tông, Chăn trâu đất, Vui thích giang hồ, Vật không tuỳ người, Viếng Đại Sư Tăng Điền, Thăm bệnh Đại Sư Phước Đường
06-7 Lễ Thiền sư Tiêu Dao ở Phước Đường, Cảnh vật Phước Đường, Tăng Pháp sư Thuần Nhất, Đùa Thiền Sư Trí Viễn xem kinh giải nghĩa, Điệu Tiên Sư
Khuyên đời vào đạo, Bảo chúng, Bảo chúng, Bảo học giả, Chợt hứng
06-8 Cội tùng đáy khe, Xuất trần, Đạo lớn không khó, Tâm vương, Thả trâu, Đề tịnh xá, Chợt hứng, Cây gậy, Chiếu thân, Tự đề, Chợt tỉnh, Tự tại, Bảo học trò, Bảo tu nghiệp Tây phương, Thoát đời, Vui thú giang hồ.
07 Lời Bạt

 

X
TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC GIẢNG GIẢI
Biên Soạn: Trúc Lâm Tổ Sư (Trần Nhân Tông) 
Dịch và Giảng: Hoà ThượngThích Thanh Từ
Ban Văn Hoá Trung Ương GHPGVN Xuất Bản 1996
    ĐỐI CƠ
    (Trả lời người hỏi)
     Dịch:
                Một hôm Thầy (Tuệ Trung) rảnh rang, môn đệ theo thứ tự đứng hầu. Khi đó có vị Tăng hỏi:
                - Bạch Thượng Sĩ, tôi vì việc lớn sanh tử, vô thường nhanh chóng, chưa biết thân này, sanh từ đâu lại, sau khi chết đi về đâu?
                Thầy đáp:
                Giữa trời dù có đôi vành chuyển
                Biển cả ngại gì hòn bọt sanh.
                Lại hỏi:
                - Thế nào là đạo?
                Thầy đáp:
                - Đạo không ở trong câu hỏi, câu hỏi không ở trong đạo.
                Lại hỏi:
                - Cổ đức nói: “Không tâm là đạo” phải chăng? 
                Thầy đáp:
                - Không tâm chẳng phải đạo, không đạo cũng không tâm.
                Thầy tiếp:
                - Nếu người bảo: “không tâm là đạo” thì tất cả cỏ cây đều là đạo sao? Nếu lại nói “không tâm chẳng phải đạo” thì đâu cần nói có, không. Nghe tôi nói kệ:
                Vốn không tâm không đạo
                Có đạo chẳng không tâm
                Tâm đạo vốn rỗng lặng
                Chỗ nào lại đuổi tầm?
                Vị Tăng bỗng nhiên nhận ra ý chỉ, lễ bái lui ra.
    Giảng:
                Hôm trước tôi có nói, không phải chỉ có giới cư sĩ đến học đạo với Thượng Sĩ mà có cả giới xuất gia tới học đạo với Ngài. Ở đây, người đứng ra thưa hỏi là một vị Tăng.
                “Tăng hỏi: Bạch Thượng Sĩ, tôi vì việc lớn sanh tử, vô thường nhanh chóng, chưa biết thân này, sanh từ đâu lại, sau khi chết đi về đâu?”
                Câu hỏi này là câu hỏi căn bản của người tu. Đi tu là vì chẳng biết thân này từ đâu lại, và sau khi chết đi về đâu?
                “Ngài đáp: Giữa trời dù có đôi vành chuyển, biển cả ngại gì hòn bọt sanh!”
                Tăng thắc mắc việc sanh tử; từ đâu sanh ra và chết đi về đâu? Đây là vấn đề thiết yếu trọng đại của kiếp sống con người, thế mà Ngài đáp quá đơn giản. Đôi vành chuyển là chỉ cho mặt trời mặt trăng mọc lặn trong bầu trời. Mặt trăng mặt trời mỗi ngày mọc rồi lặn trong hư không, sánh với bầu trời thênh thang chẳng có nghĩa lý gì. Và, hòn bọt nổi lên rồi tan đi trên mặt biển cũng chẳng có quan trọng gì đối với biển cả mênh mông. Ý Ngài nói chúng ta tu, khi nhận ra nơi mình có tâm thể bất sanh bất diệt rồi thì, thấy sự sống chết ở thế gian này chẳng có nghĩa lý gì hết. Thế thì bận gì mà hỏi sanh từ đâu lại chết rồi đi về đâu? Cũng giống như mặt trời mặt trăng mọc lặn trong bầu trời thênh thang và hòn bọt nổi tan trong biển cả chẳng có nghĩa lý gì. Để thấy, người tu khi nhận ra bản thể chân thật bất sanh bất diệt rồi, thấy tất cả tướng sanh diệt ở thế gian chỉ là trò chơi chẳng có gì bận tâm. Sở dĩ bận tâm với sanh tử là vì chúng ta còn thấy thân này thật, thấy thân này quan trọng. Hai câu này lấy ý từ hai câu thơ của người xưa: “Nhật nguyệt chuyển song cốc, cổ kim đồng nhất khâu.” Nghĩa là mặt trời mặt trăng xoay vần như hai bánh xe, xưa nay ai rồi cũng tới gò mả, tức là ai rồi cũng chết.
                “Lại hỏi: Thế nào là đạo? Thầy đáp: Đạo không ở trong câu hỏi, câu hỏi không ở trong đạo.” Tăng thắc mắc đạo là gì, đạo như thế nào? Thượng Sĩ đáp: Đạo không ở trong câu hỏi, câu hỏi không ở trong đạo. Bởi vì khởi niệm tìm hiểu, khởi niệm hỏi là vọng động, đạo không hiện, nên nói đạo không ở trong câu hỏi. Và, câu hỏi là tướng sanh diệt cho nên không ở trong đạo, vì đạo là thể bất sanh bất diệt.
                “Lại hỏi: Cổ đức nói: ‘không tâm là đạo’, phải chăng? - Thầy đáp: Không tâm chẳng phải đạo, không đạo cũng không tâm.” Chúng ta thường nghe nói: “Không tâm là đạo.” Tại sao ở đây Thượng Sĩ phủ nhận, nói không tâm chẳng phải đạo? Vì tâm và đạo là hai từ ngữ đối đãi dựng lập, nó chỉ là giả danh không thật có. Thể chân thật tự nó không có tên thì nói gì là đạo nói gì là tâm? Cho nên đứng về mặt thể thì không đạo cũng không tâm. Thượng Sĩ đáp như thế sợ vị Tăng ấy còn nghi nên nói tiếp: “Nếu người bảo: không tâm là đạo, thì tất cả cỏ cây đều là đạo sao?” Cỏ cây là vật vô tri, nếu nói không tâm là đạo thì cỏ cây vô tri là đạo sao? Không đúng. “Nếu lại nói: không tâm chẳng phải đạo thì đâu cần nói có, không!” Nếu nói có nói không là còn thấy hai bên, là đã ở trong chỗ có tâm rồi.
                “Nghe tôi nói kệ: Vốn không tâm không đạo, có đạo chẳng không tâm, tâm đạo vỗn rỗng lặng, chỗ nào lại đuổi tầm?” Thể chân thật tự nó không có tướng mạo, không có danh tự. Đã không tướng mạo danh tự thì nói tâm hay nói đạo, cũng chỉ là lời nói hư dối không thật, nên nói có đạo chẳng không tâm, vì thấy có đạo liền thấy có tâm, không thể nói không tâm được. Tâm hay đạo vốn rỗng lặng, nó không có tên và tướng nhất định để chúng ta có thể nhìn thấy hay sờ mó, thì làm sao theo đuổi tìm kiếm? Thượng Sĩ nói tới đây thì vị Tăng khế hội ý chỉ của Ngài dạy, nên lễ bái.
    Dịch:
                Vị khác hỏi:
                - Bạch Thượng Sĩ, thế nào là đại ý Phật pháp?
                Thầy đáp:
                Đầu trạnh vỗ sóng mắt sâu bọ
                Cánh bằng lướt gió ruột kiến trùng.
                Lại hỏi:
                - Thế ấy thì học nhân được chỗ vào.
                Thầy nói:
                Gãi ngứa không phải người khác ngứa
                Đói ăn chính thật là ông ăn.
                Lại hỏi:
                - Thế nào là pháp thân thanh tịnh?
                Thầy đáp:
                Ra vào trong nước đái trâu
                Chui rúc trong đống phân ngựa.
                Lại nói:
                - Thế ấy thì chứng nhập đi vậy.
                Thầy bảo:
                - Không niệm nhơ nhớp là thân thanh tịnh. Nghe tôi nói kệ:
                Xưa nay không dơ sạch
                Dơ sạch thảy tên suông.
                Pháp thân không ngăn ngại
                Nào sạch lại nào dơ.
    Giảng:
                Tăng muốn biết đại ý của Phật pháp, nên đến hỏi Thượng Sĩ, Thượng Sĩ trả lời bằng hai câu câu thơ rất thi vị. Câu này ngày xưa ngài Lâm Tế hỏi Tổ Hoàng Bá bị Tổ cho ăn gậy. Ở đây, Thượng Sĩ hiền quá không cho ăn gậy, mà lại nói thơ nghe như chơi. Điều này cho chúng ta thấy Thiền Trung Hoa quá táo bạo, còn Thiền Việt Nam thì thi vị hiền hòa. Con trạnh là loại rùa biển, đầu mình to, mắt thì nhỏ như sâu bọ, vì nó ở ngoài biển nên bị sóng vỗ trên đầu nó. Cánh bằng là chỉ con chim lớn, thường gọi là đại bàng, cánh to lướt gió, bay trên hư không che rợp mát cả bầu trời, ruột nó nhỏ bằng con kiến con trùng. Thiền tăng muốn hiểu về đại ý Phật pháp đến hỏi thì bị Thiền sư Trung Hoa đập một gậy, không hiểu gì hết. Ở đây thì Thượng Sĩ nói hai câu thơ nghe qua cũng chẳng biết nói gì! Tuy vậy, trọng tâm trả lời không hai, mà cách sử dụng phương tiện của Thiền sư Trung Hoa và Thiền sư Việt Nam có khác. Cả hai đều nhằm đưa người học đạo đến chỗ dứt nghĩ bàn. Câu hỏi này xưa kia ngài Lâm Tế đem hỏi Tổ Hoàng Bá bị ăn đòn, nên từ giã tìm đến Thiền sư Đại Ngu. Thiền sư Đại Ngu hỏi:
                - Ông từ đâu đến?
                - Con ở Hoàng Bá đến.
                - Hoàng Bá dạy ông lời gì?
                - Con ba phen hỏi đại ý Phật pháp, ba lần bị đánh. Chẳng biết con có lỗi hay không lỗi.
                - Hoàng Bá với tâm lão bà đã vì ngươi chỉ chỗ tột khổ, lại đến trong ấy hỏi có lỗi không lỗi.
                Ngay câu ấy, ngài Lâm Tế đại ngộ. Ở đây Thượng Sĩ đọc thơ diễn tả con rùa biển to mà mắt nhỏ giống như con sâu, con chim đại bàng lớn mà ruột nó nhỏ như con kiến con trùng. Diễn tả ngược ngạo như vậy cốt không cho người học đạo khởi tâm chấp trước. Thế mà vị Tăng vẫn chưa hiểu, nói:
                “Thế ấy thì học nhân được chỗ vào.” Như vậy là con vào được rồi. Thượng Sĩ bảo: “Gãi ngứa không phải người khác ngứa, đói ăn chính thật là ông ăn.” Tức là mình ngứa chỗ nào, mình gãi mới đúng chỗ mình ngứa, người khác biết đâu mà gãi cho mình. Cũng như mình đói mình ăn mình mới no, người khác không ăn thế cho mình được. Ý nói thấy được chỗ vào đó là ông thấy và ông sống chớ không ai thế cho ông được việc này.
                “Lại hỏi: Thế nào là Pháp thân thanh tịnh? Thượng Sĩ đáp: Ra vào trong nước đái trâu, chui rúc trong đống phân ngựa.” Chỗ này trong kinh Pháp Bảo Đàn Lục Tổ có dạy ba mươi sáu cách trả lời trong pháp đối đãi. Thí dụ hỏi: Thế nào là trắng? Đáp: Do đen mà có trắng. Hỏi: Thế nào là tối? Đáp: Do sáng mà có tối. Dùng sáng trả lời tối, dùng đen trả lời trắng. Vì tất cả pháp thế gian nằm trong pháp đối đãi không thật, pháp này có là do đối đãi với pháp kia mà lập ra. Nếu không có tối thì có lập sáng không? Bây giờ, nếu có ai hỏi: thế nào là sáng, chúng ta trả lời sáng là thấy mọi vật trước mắt, thấy đường đi ... Diễn tả như thế để cho người ta hiểu, nhưng không chắc là hiểu đúng. Vì sự thật nếu không có tối thì làm sao biết sáng? Từ ngữ “sáng” có là do từ ngữ “tối” mà lập. Sở dĩ nói cái này đen là do đối với cái kia trắng, do trắng mà nói đen, nếu tất cả sắc cùng một màu thì không còn nói đen. Như vậy, có trắng là do có đen, có tối là do có sáng, cho nên lấy tối mà đáp sáng, lấy đen mà đáp trắng. Ở đây hỏi Pháp thân thanh tịnh là thế nào, Ngài lấy nước đái trâu đống phân ngựa là đồ nhơ nhớp để đáp, đó là cái thuật đáp trung thành với lời dạy của Lục Tổ. Hiểu như thế mới hiểu được ý nghĩa của câu đáp, bằng không thì thấy thô tháo kỳ quái.
                “Lại nói: Thế ấy thì chứng nhập đi vậy. Thầy bảo: Không niệm nhơ nhớp là thân thanh tịnh.” Còn thấy nhơ nhớp là còn chấp hai bên đối đãi, nếu hết niệm nhơ nhớp thì ngay đó là Pháp thân thanh tịnh. “Nghe tôi nói kệ: Xưa nay không dơ sạch, dơ sạch thảy tên suông, Pháp thân không ngăn ngại, nào sạch lại nào dơ?” Thượng Sĩ nói ngôn ngữ chúng ta lập ra, đây là dơ kia là sạch là lập trong đối đãi, không thật, nên nói là tên suông. Pháp thân là Thể chân thật vượt khỏi pháp đối đãi, nên không có gì ngăn ngại. Đã không ngăn ngại thì nói thanh tịnh, dơ bẩn làm gì? Thế nên, muốn thấy được Pháp thân chân thật thì phải vượt ra ngoài cái thấy hai bên đối đãi nhơ sạch.
    Dịch:
                Lại hỏi:
                - Tổ Qui Sơn nói: “sau trăm năm, lão tăng đến dưới núi làm con trâu”, ý chỉ thế nào?
                Thầy đáp:
                Nếp đỏ mổ thừa hạt anh võ,
                Ngô đồng biếc đậu cành phượng hoàng.
                Lại hỏi:
                - Xưa Thái tử Tất-đạt-đa vào miếu thiên thần, tượng thần sụp lạy dưới chân việc ấy thế nào?
                Thầy đáp:
                Xòe nắm vẫn một bàn tay
                Ấn mắt thấy ngàn sai khác.
    Giảng:
                Câu: “Tổ Qui Sơn nói: ‘sau trăm năm, lão tăng đến dưới núi làm con trâu’ ý chỉ thế nào” được nói gọn từ câu bảo chúng của Tổ Qui Sơn: “Sau khi lão tăng trăm tuổi đến dưới núi làm con trâu, hông bên trái viết năm chữ ‘Qui Sơn tăng Linh Hựu’. Khi ấy gọi là Qui Sơn tăng hay gọi là con trâu? Gọi là con trâu hay gọi là Qui Sơn tăng? Gọi thế nào mới đúng?” Vị Tăng hỏi ý chỉ của câu nói này, được Thượng Sĩ đáp: “Nếp đỏ mổ thừa hạt anh võ, ngô đồng biếc đậu cành phượng hoàng.” Hai câu này là thơ của Đỗ Phủ. Đỗ Phủ muốn dùng lối thơ đổi ngược để diễn tả cái kỳ đặc của ông (Xem bản chữ Hán). Từ cái ý đổi ngược đó chúng ta thấy rõ ý nghĩa câu chuyện này. Câu nói xuôi là chim anh võ mổ hạt nếp đỏ, đây đổi ngược lại là nếp đỏ mổ thừa hạt anh võ. Và câu: ngô đồng biếc đậu cành phượng hoàng, nói xuôi là: chim phượng hoàng đậu cành ngô đồng biếc. Thượng Sĩ dẫn hai câu thơ của Đỗ Phủ để nói lên ý nghĩa gì? Tôi đọc lời dạy chúng của Thiền sư Bổn Tịch, thuộc tông Tào Động cho quí vị nghe để hiểu ý nghĩa này:
                Ngài dạy chúng:
                - Tình phàm kiến Thánh là khóa kín đường huyền, hẳn phải hồi hỗ.
                Người lấy chánh mạng thật phải đủ ba thứ đọa: Một là phi mao đới giác. Hai là bất đoạn thanh sắc. Ba là bất thọ thực.
                Khi ấy, Trù Bố Nạp hỏi:
                - Phi mao đới giác là cái gì đọa?
                Sư đáp:
                - Là loại đọa (bản xưa chép sa-môn đọa).
                - Bất đoạn thanh sắc là cái gì đọa?
                - Là tùy đọa (tùy loại đọa).
                - Bất thọ thực là cái gì đọa?
                - Là tôn quí đọa.
                Sau, Ngài nói kệ dạy chúng, Vân Môn hỏi:
                - Thế nào là hạnh sa-môn?
                Sư đáp:
                - Ăn lúa mạ của thường trụ ấy vậy.
                - Liền khi ấy đi thì sao?
                - Ngươi lại chứa được chăng?
                - Chứa được.
                - Ngươi làm sao chứa? 
                - Mặc y ăn cơm có cái gì khó?
                - Sao chẳng nói mang lông đội sừng?
                Những câu đáp của ngài Tào Sơn cũng nhằm nói lên ý của Thiền sư Qui Sơn nói ở trước. Theo quan niệm thông thường của chúng ta, tu là phải đi lên, chết là phải làm tiên thánh. Khi nghe ngài Qui Sơn nói Ngài chết sẽ làm con trâu dưới núi, chúng ta nghĩ tu cả đời chết mà bị đọa làm con trâu dưới núi thì buồn, sợ, thắc mắc. Ngài nói không nhằm ý này, đây chỉ là một lối nói. Ngài Tào Sơn nói muốn được chánh mạng là phải đủ ba thứ đọa, đọa thứ nhất là phi mao đới giác đọa. Phi mao đới giác chỉ cho loài cầm thú, đó là con trâu dưới núi. Ý nói sa-môn muốn đến tận chỗ cứu kính thì, phải sống như con trâu ăn cỏ lúa mà không nghĩ suy hơn thiệt, không phân biệt phải quấy. Tuy nói con trâu, nhưng ngầm ý nói sống hoạt động mà tâm không động, làm tất cả mà tâm không xao xuyến lo nghĩ. Nghe nói con trâu, chúng ta tưởng tu chết sanh làm con trâu nên lo. Vì vậy, Thượng Sĩ dùng hai câu thơ đảo ngữ để trả lời, đây là lối nói ngược chớ không phải nói theo lẽ thông thường.
                Sau Vân Môn hỏi: “Thế nào là hạnh sa- môn?” Tức là phi mao đới giác đọa thì Thiền sư Tào Sơn trả lời: “Ăn lúa mạ của thường trụ ấy vậy?” Ăn lúa mạ của thường trụ là ăn cái gì? - Sáng đánh kiểng, sa-môn tới quả đường thọ thực là ăn lúa mạ của thường trụ, ăn chỉ biết ăn, không khởi niệm khen chê hay mong cầu; ăn như trâu ăn cỏ không nghĩ suy tính toán. Vân Môn hỏi tiếp: “Liền khi ấy thì sao?” Thiền sư Tào Sơn trả lời: “Ngươi lại chứa được chăng?” Vân Môn đáp: “Chứa được.” Thiền sư Tào Sơn hỏi: “Ngươi làm sao chứa?” Vân Môn đáp: “Mặc y ăn cơm có cái gì khó?” Khi mặc y, ăn cơm, làm việc, đi, đứng... tâm không khởi niệm phân biệt so sánh mới chứa được “cái sa-môn đọa” hay “phi mao đới giác đọa”. Thiền sư Tào Sơn nói tiếp: “Sao chẳng nói mang lông đội sừng?” Chúng ta thấy các Thiền sư không ngại không e dè nói lên những điều xấu. Chúng ta ngày nay tu, lúc gần tịch muốn nói cho oai, hoặc nói cho người ta thích thì nói tốt, không dám nói những cái xấu sợ người ta buồn. Các Ngài thì không sợ, dám dùng lối nói ngược và xấu như vậy đó.
                Người khi đã đạt đạo, thực hành hạnh Bồ- tát, sống trong các loài mà không có tâm niệm dính mắc trong các loài, đó là hạnh của các Thiền sư. Trong kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn, Bồ-tát Quán Thế Âm có nguyện: Nếu chúng sanh cần đồng nam độ, Ngài hiện đồng nam độ, nếu chúng sanh cần đồng nữ độ, Ngài hiện đồng nữ độ, chúng sanh cần tể quan độ, Ngài hiện tể quan độ... Tùy sở cầu của chúng sanh mà Bồ-tát hiện thân để hóa độ, chớ không cố định hiện ở cõi người hay cõi trời thôi.
                Vị Tăng ấy nhắc lại câu chuyện: Thái tử Tất-đạt- đa vào miếu thiên thần, tượng thần sụp lạy dưới chân, hỏi Thượng Sĩ việc ấy như thế nào?
                Trong sử có ghi một đoạn nói về việc này. Lúc Thái tử lên ba, được di mẫu dẫn tới yết kiến thần Kỳ-bà Thiên, khi Ngài bước vào đền thì tượng thần đứng dậy đảnh lễ Ngài. Thượng Sĩ đáp bằng hai câu kệ: “Xòe nắm vẫn một bàn tay, ấn mắt thấy ngàn sai khác.” Nghĩa là xòe năm ngón tay ra hay co năm ngón tay lại, cũng chỉ là một bàn tay, chớ không có hai bàn tay một xòe một nắm. Cái thấy cũng vậy, đứng thấy hay ngồi thấy cũng chỉ là cái thấy thôi. Tại vì dụi mắt làm cho mắt lòa nên thấy có muôn ngàn thứ sai khác. Để thấy, những tướng lạ coi như mầu nhiệm, nhưng đối với Thiền sư, các Ngài thấy đó chỉ là một việc thường, không có gì quan trọng.
    Dịch:
                Có vị hỏi:
                - Ngài Nam Tuyền bán mình, ý chỉ thế nào?
                Thầy đáp:
                - Chính lúc chưa bán mạng, ý chỉ thế nào?
                Vị Tăng lặng câm. Thầy nạt đuổi ra. 
    Giảng:
                Một hôm, Thiền sư Nam Tuyền ở giữa chúng nói rằng:
                - Lão tăng sẵn sàng bán thân này cho các ông, có ai mua không? Bán với giá không mắc không rẻ.
                Đây là thuật khai ngộ của người xưa, vị Tăng này không thông, chỉ hiểu Thiền sư Nam Tuyền bán thân nên mới đem hỏi Thượng Sĩ. Thượng Sĩ hỏi lại: “Chính lúc chưa bán mạng, ý chỉ thế nào?” Phương tiện của người xưa nói ra, nhằm khai ngộ cho đệ tử nhận ra ý chỉ Thiền. Bán thân mà không bán mắc, không bán rẻ. Vậy bán giá nào? Ai biết được giá này để mua? Nếu bán giá cao thì mắc, bán giá thấp thì rẻ, giá nửa chừng cũng thuộc rẻ. Vậy ai mua được? - !!!
    Dịch:
                Có vị hỏi:
                - Hòa thượng Thủy Lạo mới đến tham vấn Mã Tổ, hỏi về “ý Tổ sư từ Ấn Độ sang”. Mã Tổ đạp một đạp té nhào. Thủy Lạo đứng dậy liền đại ngộ, vỗ tay cười to: Hả! Hả! Là ý thế nào?
                Thầy đáp:
                Cái đạp của voi lớn
                Không phải lừa chịu nổi.
                Lại hỏi:
                - Sau này Thủy Lạo dạy chúng, nói: “từ khi ăn cái đạp của Mã Tổ đến ngày nay cười mãi chẳng thôi”, lại là sao?
                Thầy đáp:
                - Tiếng gầm rống của sư tử thật, đâu phải tiếng kêu rú của dã can. 
                Lại thưa:
                - Tôi không hiểu.
                Thầy dùng kệ chỉ dạy:
                Một đạp ngã nhào
                Ai hay tìm xét.
                Đứng dậy cười to
                Lại sanh buồn thảm.
                Cần hiểu Tây sang
                Ngựa tơ ăn cỏ.
                Vị Tăng lễ bái, lui ra. 
    Giảng:
                Câu “thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Độ sang”, tất cả người tu Thiền ai cũng thắc mắc: Không biết Tổ Bồ-đề- đạt-ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa mang ý chỉ gì để dạy cho người? Bấy giờ ngài Thủy Lạo đem ra hỏi Mã Tổ, bị Mã Tổ đạp cho một đạp, ngài Thủy Lạo té nhào, khi đứng dậy thì đại ngộ, cười hả! hả! Vậy cái cười đó ý nghĩa thế nào? Thượng Sĩ nói cái đạp đó là cái đạp của voi lớn, hạng lừa nhỏ chịu không nổi, đừng có hỏi.
                Vị Tăng ấy lại hỏi tiếp: Sau này ngài Thủy Lạo dạy chúng nói, từ khi ăn cái đạp của Mã Tổ cho đến ngày nay cười mãi không thôi là sao? Thượng Sĩ nói tiếng gầm rống của sư tử to lớn vang dội cả núi rừng, tất cả thú rừng đều khiếp đảm, không giống tiếng kêu rè rè của dã can, chẳng thú rừng nào sợ cả đừng có bắt chước. Mã Tổ biết ngài Thủy Lạo có khả năng lãnh hội được ý chỉ Thiền, nên Ngài hỏi, Mã Tổ chỉ liền bằng cái đạp, Ngài nhận ra ngay và cười hả! hả! Nếu là kẻ tầm thường như bọn dã can chúng ta có hỏi câu ấy, chắc không được ăn đạp. Ngài Thủy Lạo được ăn đạp nên từ đó Ngài cười mãi không thôi. Theo Thượng Sĩ thì đó là tiếng gầm rống của sư tử, chớ không phải tiếng kêu của dã can.
                Thượng Sĩ dạy như thế mà vị Tăng vẫn chưa hội, nên Ngài phải nói kệ dạy tiếp: “Một đạp ngã nhào, ai hay tìm xét.” Vừa khởi niệm muốn biết ý Tổ sư từ Ấn Độ sang là đã trật rồi, huống gì đem ra hỏi. Hỏi là bị ăn đạp té nhào; ngay khi ăn đạp mà hội được ý Tổ sư như ngài Thủy Lạo thì, cười suốt đời, còn nếu thắc mắc nghĩ ngợi thì, đã lỗi lại thêm lỗi. “Đứng dậy cười to, lại sanh buồn thảm.” Ngài Thủy Lạo ăn đạp của Mã Tổ, liền hội được ý chỉ của Tổ sư, nên cười hả! hả! Thế mà người đời sau cứ thắc mắc nghi vấn nên buồn thảm; buồn ở chỗ thắc mắc nghi vấn đó. “Cần hiểu Tây sang, ngựa tơ ăn cỏ.” Hai câu này dẫn lời của Tổ Bát-nhã-đa-la huyền ký cho Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Hoa, sau này dưới Ngài sẽ có con ngựa tơ ăn cỏ. Ý của câu này nói, sau Tổ Bồ- đề-đạt-ma sẽ có Mã Tổ ra đời làm hưng thạnh Thiền tông ở Trung Hoa. Ngựa là Mã, Mã Tổ họ Mã, hiệu Đạo Nhất, đây không gọi hiệu mà gọi họ. Mã Tổ là người mà Tổ Bát- nhã-đa-la thấy sau này sẽ làm hưng thạnh Thiền tông tại Trung Hoa và Thiền tông Việt Nam chịu ảnh hưởng cũng lớn. Vì dưới Mã Tổ có Bá Trượng Hoài Hải, dưới Bá Trượng có Vô Ngôn Thông. Vô Ngôn Thông đem Thiền tông từ Trung Hoa sang Việt Nam, lập ra phái Thiền Vô Ngôn Thông sau phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Như vậy là Thiền tông Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng “ngựa tơ ăn cỏ”.
     

    Dịch:
                Có vị hỏi:
                - Kính bạch Thượng Sĩ: “Xanh xanh trúc biếc thảy là pháp thân”, phải chăng?
                Thầy đáp:
                Hôm qua Sa-di ăn măng bờ suối
                Nào khác ngày nay Pháp thân của ông.
                Lại hỏi:
                - “Hoa vàng rợp rợp đều là Bát-nhã”, ý thế nào?
                Thầy đáp:
                Hoa đào đâu phải cội bồ-đề
                Sao lại Linh Vân được nhập đạo?
    Giảng:
                Người hỏi dẫn câu “xanh xanh trúc biếc thảy là Pháp thân” của Thiền sư ngày xưa ra hỏi. Thượng Sĩ đáp: “Hôm qua Sa-di ăn măng bờ suối, nào khác ngày nay Pháp thân của ông.” Nếu trúc xanh là Pháp thân thì người ta xắn măng luộc ăn cũng là ăn Pháp thân sao? Quí vị hiểu thế nào? Người hỏi dẫn thêm câu nữa: “Hoa vàng rợp rợp đều là Bát-nhã”, ý thế nào? Thượng Sĩ đáp: “Hoa đào đâu phải cội bồ-đề, sao lại Linh Vân được nhập đạo?” Xưa có một Thiền sư nói: “Thanh thanh thúy trúc tổng thị Pháp thân, quật quật hoàng hoa vô phi Bát- nhã.” Nghĩa là trúc biếc xanh xanh là Pháp thân, hoa vàng rợp rợp là Bát-nhã. Thiền sư nói trúc biếc hoa vàng là Pháp thân là Bát-nhã. Ý nói Pháp thân, Bát-nhã đầy khắp trên tất cả mọi sự vật. Người tu khi ngộ đạo rồi, nhìn vật nào cũng thấy là Pháp thân, cũng thấy là Bát-nhã. Nhưng tại sao người hỏi đem câu đó ra hỏi, Thượng Sĩ nói: Nếu nói trúc biếc là Pháp thân thì ông Sa-di ăn măng là ăn Pháp thân sao? Và nói hoa vàng rợp rợp là Bát-nhã thì Thượng Sĩ nói hoa đào không phải là bồ-đề, tại sao Linh Vân thấy hoa đào lại ngộ đạo? Thượng Sĩ nêu lên hai ý này để cho chúng ta đừng lầm, nghe người xưa nói trúc biếc hoa vàng là Pháp thân là Bát-nhã, rồi chấp trúc biếc là Pháp thân, hoa vàng là Bát-nhã. Nếu trúc biếc là Pháp thân, hoa vàng là Bát-nhã thì Pháp thân và Bát-nhã là pháp hữu vi có hình tướng sao? Hiểu như thế là kẹt trong hình thức. Thế nên Thượng Sĩ dẫn câu chuyện của ngài Linh Vân. Ngài Linh Vân ở nơi Qui Sơn học đạo, một hôm đi ra đường bỗng thấy hoa đào nở rộ, ngay đó Ngài ngộ đạo. Ngài làm kệ:
                Tam thập niên lai tầm kiếm khách
                Kỷ hồi lạc diệp hựu trừu chi
                Tự tòng nhất kiến đào hoa hậu
                Trực đáo như kim cánh bất nghi.
    Tạm dịch:
                Ba mươi năm qua tầm kiếm khách
                Bao lần lá rụng lại vin cành
                Từ khi thấy được hoa đào nở
                Mãi đến bây giờ lại chẳng nghi.
                Ngài Linh Vân nói ba mươi năm trở lại đây, Ngài là kiếm khách đi vạch lá tìm cành, bới những cái nhỏ nhặt không đáng kể. Từ ngày thấy hoa đào nở, Ngài không còn nghi ngờ, không còn vạch lá tìm cành nữa. Bài kệ này nói lên sự ngộ đạo của Ngài. Hoa đào có phải là cái cớ làm cho Ngài ngộ đạo không? Giả sử không thấy hoa đào mà thấy hoa khác Ngài ngộ thì nói sao? - Ngộ đạo không phải tại hoa, mà do thời tiết nhân duyên chín muồi, nội tâm thanh tịnh thuần thục rồi, bất chợt một hình ảnh hay âm thanh nào đó kích thích vào mắt vào tai, chúng ta liền bừng ngộ. Ở ngài Linh Vân thì kích thích ở mắt là hoa đào, còn ở ngài Hương Nghiêm thì tiếng vang của gạch chọi vào cây trúc kích thích vào tai Ngài ngộ. Hoa đào không phải là Bồ-đề, tiếng vang của cục gạch chạm vào cây trúc cũng không phải Bồ-đề, nhưng mà ngộ là ngộ Bồ-đề. Như vậy, ngộ là ở nơi người chớ không phải từ nơi cảnh, nhưng khi tâm người tu đã thuần thục đã chín muồi rồi, bất chợt gặp một duyên nào bên ngoài, ngay đó liền ngộ. Không phải riêng ở nơi hoa hay nơi tiếng nhất định, mà bất cứ cái gì xảy ra ngay lúc tâm thuần thục chín muồi đều ngộ được. Nên biết, chư Tổ thấy trúc biếc nói là Pháp thân, thấy hoa vàng nói là Bát-nhã, là vì sau khi ngộ đạo, các Ngài nhìn ở đâu, cảnh nào cũng là Pháp thân hiện, cảnh nào cũng là đạo. Tôi thường nói lúc chúng ta mê thì thấy cảnh nào cũng phàm tục cả và khi chúng ta đã ngộ thì thấy cảnh nào cũng là cảnh giải thoát Niết- bàn. Vậy, cảnh không phải là Niết-bàn giải thoát mà do người ngộ mới thấy cảnh là Niết-bàn giải thoát. Nhớ, người ngộ đạo mới thấy cảnh là Niết-bàn giải thoát, người còn mê chưa ngộ, chớ chấp cảnh là Niết-bàn giải thoát, chấp là sai lầm.
                Trong bài hồi hướng có câu “tình dữ vô tình tề thành Phật đạo”. Tăng Ni và Phật tử thường đem câu này hỏi tôi: Tình là chúng hữu tình như người, trời, súc vật, còn vô tình là loài vô tri như cây đá. Nguyện cho loài hữu tình thành Phật thì có lý, còn loài vô tình làm sao thành Phật? Như Tăng Ni Phật tử là loài hữu tình tu thì có ngày thành Phật, chớ cục đá cục sỏi làm sao tu để thành Phật, mà nguyện “tình dữ vô tình, tề thành Phật đạo”? Đó là vấn đề nếu nghiên cứu trên lý thuyết thì thấy rắc rối, còn nếu đã có thực hành thì chẳng có gì rắc rối. Ví dụ người bị mờ mắt nhìn thấy cái gì cũng mờ mờ, người sáng mắt nhìn thấy cái gì cũng sáng rõ ràng. Cũng vậy, khi chúng ta mê thì nhìn mọi vật chung quanh đều mê. Khi chúng ta ngộ thấy người vật đều ngộ, tức là loài hữu tình và vô tình đều ở trong cái thấy giác ngộ của chúng ta. Hoặc nói chúng ta giác ngộ thấy tất cả đều là Phật đạo; thấy người thấy súc vật (hữu tình), thấy cây cỏ, thấy đá sỏi (vô tình), thấy tất cả đều là Phật đạo, nên nói hữu tình vô tình tề thành Phật đạo. Chớ không phải chúng ta tu thành Phật rồi cây cỏ đá sỏi cũng thành Phật theo. Do mê nên thấy tất cả đều mê, do giác nên thấy tất cả đều giác, gọi là tề thành Phật đạo. Hiểu như thế mới thông suốt, bằng không thì thấy kẹt thấy rắc rối.
    Dịch:
                Lại hỏi:
                - Có ba Thiền sư đi hành cước, trên đường gặp một con cọp, mỗi vị tránh một bên đi qua, khi ấy là thế nào?
                Thầy đáp:
                Gió thổi ngại gì đám hoa rậm,
                Trăng rơi nào quản đáy khe sâu.
                Lại hỏi:
                - Qui Tông nói: “lớn như con mèo”, ý chỉ thế nào?
                Thầy đáp: 
                - Miệng nói chẳng phải mình gặp. 
                Lại hỏi:
                - Trí Kiên nói: “lớn bằng con chó”, ý chỉ thế nào?
                Thầy đáp:
                - Lão này dùng được thời cơ, gom hết quét sạch. Nhưng lại đáng tiếc!
                Lại hỏi:
                - Thầy thì thế nào?
                Thầy đáp:
                - Con chó. 
                Lại hỏi:
                - Nam Tuyền nói: “đây là con cọp”, ý chỉ thế nào?
                Thầy đáp:
                - Gót chân không chấm đất.
    Giảng:
                Có một vị Tăng đem câu chuyện của ngài Qui Tông, Trí Kiên, Nam Tuyền đi hành cước gặp cọp, mỗi người tránh mỗi bên đi qua, hỏi Thượng Sĩ khi ấy là thế nào? Thượng Sĩ đáp: “Gió thổi ngại gì đám hoa rậm, trăng rơi nào quản đáy khe sâu.” Ba vị thiện tri thức Qui Tông, Trí Kiên, Nam Tuyền ở chỗ Mã Tổ đã thông đạo lý rồi, tâm thanh tịnh, các ngài đối duyên xúc cảnh tâm không khởi niệm phân biệt suy lường hay lo sợ, việc đến hay đi các ngài vẫn bình thản an nhiên. Cũng giống như gió thổi dù cho đám hoa rậm hay đám cỏ gai, gió vẫn cứ thổi không ngại. Hay như trăng hiện bóng trong nước, chỗ nào có nước là trăng hiện bóng, trăng không nghĩ đáy khe này sâu, ngộp, không hiện, suối kia cạn thoải mái mới hiện. Trăng cứ hiện bóng trong nước mà không suy lường cân nhắc nên hiện chỗ này không hiện chỗ kia. Hai câu thơ của Thượng Sĩ ý nói ngài Qui Tông, Trí Kiên, Nam Tuyền tránh cọp để mà đi một cách tự nhiên, chớ không dấy niệm phân biệt gì cả, giống như gió thổi, như trăng hiện bóng vậy.
                Qui Tông nói: “Lớn như con mèo.” Con mèo sánh với con cọp thì quá nhỏ, thế mà ngài Qui Tông nói con cọp lớn như con mèo, nên vị Thiền tăng này thắc mắc hỏi ý chỉ thế nào? Thượng Sĩ đáp: “Miệng nói không phải mình gặp.” Tuy miệng ngài Qui Tông nói cọp lớn như mèo, nhưng không phải thật tâm nghĩ như vậy. Đó chỉ là một lối nói, nên đáp “miệng nói không phải mình gặp”. Lời nói của ngài Qui Tông là lời nói bên ngoài chơi, không phải thật tâm của Ngài nghĩ như thế.
                Trí Kiên nói: “Lớn bằng con chó.” Con chó sánh với con cọp đâu có lớn bằng, thế mà ngài Trí Kiên nói chó lớn bằng cọp, vị Thiền tăng thắc mắc nên hỏi, ý chỉ thế nào? Thượng Sĩ đáp: “Lão này dùng được thời cơ, gom hết quét sạch. Nhưng lại đáng tiếc!” Qui Tông nói cọp lớn như con mèo, Trí Kiên nói phá: cọp lớn như con chó. Thượng Sĩ nói ngài Trí Kiên khéo dùng được thời cơ, gom hết quét sạch, nhưng tiếc một chút là còn nói chó, là còn kẹt chút ít. Vị Thiền tăng hỏi, theo Thượng Sĩ thì thế nào? Ngài đáp: “Con chó.” Đây là lối nói để cho người hỏi không chấp chó chấp mèo lớn nhỏ nữa.
                Nam Tuyền nói: “Đây là con cọp.” Trước ngài Qui Tông nói cọp lớn bằng con mèo, kế đó ngài Trí Kiên nói cọp lớn bằng con chó, bây giờ ngài Nam Tuyền nói đây là con cọp. Vị Thiền tăng ấy thắc mắc ngài Nam Tuyền nói như thế ý chỉ thế nào? Thượng Sĩ đáp: “Gót chân không chấm đất.” Ngài khen Nam Tuyền hay chê? Nói như vậy mới là Thiền sư, cây gậy nói là cây gậy, con cọp nói là con cọp, không nói như con mèo, như con chó. Còn nói chó nói mèo là còn so sánh. Đối với Thiền sư thì không khởi niệm so sánh mà cũng không quán, cái gì nói cái ấy, con cọp nói con cọp. Đó là gót chân không chấm đất.
                Tại sao người thế tục thấy cái gì nói cái ấy thì chê, Thiền sư thấy cái gì nói cái ấy lại khen? - Tôi nói cho quí vị hiểu cái nhìn của Thiền sư và cái nhìn của người thế tục. Người thế tục thì nhìn với cái nhìn so sánh, chẳng hạn nhìn thấy người này đẹp là do nhớ lại người kia có những nét xấu hơn người này. Hoặc nhìn thấy hoa này đẹp là do đã thấy hoa kia xấu nên mới nói cái hoa này đẹp. Lúc nào chúng ta nhìn cũng đem cái khuôn cũ đã thấy ra so sánh đối chiếu rồi khen đẹp chê xấu v.v... Vậy nói đẹp xấu là đã mang cái quá khứ lại, để so sánh với cái hiện tại mới có khen chê. Các Thiền sư thấy thì cứ thấy, thấy cái hoa là cái hoa không khởi thêm một niệm nào thì đâu có khen đẹp chê xấu. Vì vậy mà Thiền sư Nam Tuyền thấy con cọp nói là con cọp. Thượng Sĩ khen: “Gót chân không chấm đất.” Gót chân chấm đất thì dính đất, gót chân không chấm đất thì không có dính gì cả. Ý khen Nam Tuyền không còn phân biệt chấp trước.
    Dịch:
                Có vị hỏi:
                - Ngài Hương Nghiêm thông ba tạng kinh, vì sao việc ấy chẳng hiện tiền?
                Thầy đáp: 
                - Trường Phòng cầm gậy tre.
                Lại hỏi:
                - “Chọi trúc quên sở tri”, ý nghĩa thế nào?
                Thầy đáp:
                - Lão chài mất thoi cửi vàng.
                Lại hỏi:
                - Thế nào là Pháp thân?
                Thầy đáp:
                Bên ao thấy hai cái
                Dưới trăng vui ba người.
                Lại hỏi:
                - Pháp thân cùng sắc thân là đồng hay khác?
                Thầy đáp:
                Gươm mang hiệu Long tuyền
                Ngọc xưng tên hổ phách.
    Giảng:
                Có vị thắc mắc ngài Hương Nghiêm thông suốt ba tạng giáo điển, hỏi đâu nói đó, hỏi một đáp mười. Vậy tại sao Thể chân thật không hiện tiền? Thượng Sĩ đáp: “Trường Phòng cầm gậy tre.” Chúng ta thấy như Ngài trả lời lạc đề, không dính dáng gì tới câu hỏi. Phí Trường Phòng người đời Hậu Hán được cái thuật thần tiên, có cây gậy tre, người đời gọi là cây gậy thâu đường dài trở thành ngắn. Thế nên ông tha hồ đi, dù đường dài muôn dặm, ông chỉ đi chừng ít  phút. Ý Thượng Sĩ nói dù cho thông suốt ba tạng giáo điển, mà cái chân thật chưa hiện tiền thì chẳng khác nào Phí Trường Phòng có phép lạ thâu đường. Song phép lạ đó là nhờ cây gậy tre, nếu bỏ gậy tre mà thâu được đường dài thành ngắn mới hay. Còn cầm gậy tre là còn có chỗ tựa nương. Cũng thế, ngài Hương Nghiêm tuy thông suốt tam tạng giáo điển, nhưng vẫn còn nương tựa nơi giáo điển nên Thể chân thật chưa hiện tiền.
                “ ‘Chọi trúc quên sở tri’ ý nghĩa thế nào?” Ngài Hương Nghiêm ở chỗ Tổ Qui Sơn, một hôm Tổ hỏi:
                - Ta nghe ngươi ở chỗ tiên sư Bá Trượng hỏi một đáp mười, hỏi mười đáp trăm, đó là ngươi thông minh lanh lợi, ý hiểu thức tưởng là cội gốc sanh tử. Giờ đây thử nói một câu khi cha mẹ chưa sanh xem?
                Ngài bị một câu hỏi này mờ mịt không đáp được. Trở về liêu, soạn hết sách vở đã học tìm một câu đáp trọn không thể có. Ngài than “bánh vẽ chẳng no bụng đói”. Đến cầu xin Tổ nói phá. Tổ Qui Sơn bảo: 
                - Nếu ta nói cho ngươi, về sau ngươi sẽ chưởi ta; ta nói là việc của ta đâu can hệ gì đến ngươi.
                Ngài bèn đem những sách vở đã thu thập được đồng thời đốt hết. Ngài nói:
                - Đời này chẳng học Phật pháp nữa chỉ làm TĂNG thường làm việc cơm cháo, khỏi nhọc tâm thần.
                Ngài khóc, từ giã Tổ Qui Sơn ra đi. Thẳng đến Nam Dương chỗ di tích Quốc sư Huệ Trung, Ngài trụ tại đây. Một hôm nhân cuốc cỏ trên núi, lượm hòn gạch ném trúng cây tre vang tiếng, Ngài chợt tỉnh ngộ phá lên cười, nên nói “chọi trúc quên sở tri”. Tiếng “cốc” của hòn gạch chạm vào bụi tre dội lại, khiến Ngài quên sở tri. Đoạn sau sẽ giải rõ ý nghĩa câu này.
                Thượng Sĩ đáp: “Lão chài mất thoi cửi vàng.” Quí vị xét xem lão chài lưới cá là người giàu hay nghèo? Lão chài nghèo sao có thoi cửi vàng đánh mất? Thoi cửi vàng đối với lão chài là một vật quí, phải hết sức gìn giữ bảo tồn, thế mà lão đã để mất thoi cửi vàng. Thượng Sĩ nêu sự việc này ý muốn nói gì? Nếu chúng ta tu tới chỗ cứu kính, mà ngơ ngơ không biết gì cả thì có đúng tinh thần Thiền không? Nếu lấy “cái quên sở tri” làm chỗ cứu kính thì như lão chài đã đánh mất thoi cửi vàng quí vậy! Theo ngài Hương Nghiêm thì khi ngộ đạo rồi, tất cả những hiểu biết thông thường không còn nữa, nên nói quên sở tri. Nhưng nếu nói quên sở tri, e người đời hiểu lầm rằng: tất cả người ngộ đạo tới chỗ cứu kính không còn biết gì nữa là sai lầm lớn, nên Thượng Sĩ nói “lão chài mất thoi cửi vàng”. Vì “Biết” đối với con người là của báu quí như vàng, nếu tu mà không còn “Biết” nữa thì vấp phải cái lỗi rất lớn. Tôi dẫn nguyên bài kệ cho quí vị rõ.
                Nhất kích vong sở tri
                Cánh bất giả tu trì.
                Động dung dương cổ lộ
                Bất đọa thiểu nhiên ki.
                Xứ xứ vô tung tích
                Thanh sắc ngoại oai nghi.
                Chư nhân đạt đạo giả
                Hàm ngôn thượng thượng ki.
                “Nhất kích vong sở tri.” Ngài Hương Nghiêm nói, Ngài nghe tiếng vang của hòn gạch chạm vào cây tre, ngay đó Ngài bặt dứt mọi vọng niệm nghĩ suy. “Cánh bất giả tu trì.” Không nhờ tu hành mà tự nó tan hết, không phải cố gắng tu mới dẹp được nó. “Động dung dương cổ lộ, bất đọa thiểu nhiên ki.” Dung là gương mặt, động dung là nhướng mày chớp mắt hay thay mặt đổi mày, tức là hiện tượng vui buồn thoát ra trên gương mặt, nghĩa là vẻ mặt đang buồn nghe người nói một câu vừa ý, liền đổi gương mặt buồn thành vui, hoặc vẻ mặt đang vui nghe người nói một câu bất như ý, liền đổi vẻ mặt vui thành buồn, đó là động dung. “Dương cổ lộ” là tỏ rõ đường xưa. Cái đổi thay của gương mặt làm tỏ rõ đường xưa; “đường xưa” chỉ cho Thể chân thật có sẵn nơi mỗi người. Nó hiển lộ nơi nhướng mày chớp mắt; nó không ở nơi bộ não trên đầu, không ở nơi quả tim trong lồng ngực, mà tất cả mọi động dụng của con người đều có mặt “đường xưa”. Thế nên có người được quạt mát liền ngộ, quạt mát là xúc chạm; đó là do xúc chạm ngộ, có người do nghe ngộ, có người do thấy ngộ, có người do ngửi ngộ, có người do nếm ngộ. Mỗi căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều có “đường xưa” hiện. Nhưng vì chúng ta mê lầm nên chạy theo cái vui buồn ưa thích mà quên, nên không biết “đường xưa” lúc nào cũng hiện nơi sáu căn. “Bất đọa thiểu nhiên ki.” Nên biết mỗi động dụng nhướng mày chớp mắt đều hiện bày “đường xưa”, không rơi vào lối nhỏ. “Xứ xứ vô tung tích.” “Đường xưa” ở mỗi nơi mỗi nơi không có tung tích. “Thanh sắc ngoại oai nghi.” Oai nghi của “đường xưa” ở ngoài thanh sắc. Tại sao nói chỗ nào, cũng bày ra “đường xưa”, mà lại nói chỗ nào cũng không có tung tích của nó? - Vì “đường xưa” không thuộc về pháp hữu vi có hình tướng, nên tìm tung tích không được. Tuy “đường xưa” có hiện ra, mà hiện ra ngoài thanh sắc, chớ không hiện trong thanh sắc. “Chư nhân đạt đạo giả, hàm ngôn thượng thượng ki (cơ).” Những người đạt đạo đều gọi là bậc thượng thượng cơ (ki), ngài Hương Nghiêm nhận ra Thể chân thật (đường xưa) hiện đủ nơi sáu căn, không thiếu.
                Trường hợp ngài Lâm Tế bị Tổ Hoàng Bá đánh, rồi tới ngài Đại Ngu, nghe ngài Đại Ngu nói: “bà già Hoàng Bá đã vì ngươi chỉ chỗ tột khổ, lại đến trong ấy hỏi có lỗi không lỗi”, ngay đó Ngài ngộ đạo. Ngài Lâm Tế nhận ra “đường xưa” từ nơi ý biết lỗi và không lỗi. Ngài Linh Vân thấy hoa đào nở ngộ đạo; ngài Linh Vân nhận ra “đường xưa” từ nơi mắt thấy. Ngài Hương Nghiêm nghe tiếng cục gạch chạm vào cây tre ngộ đạo; ngài Hương Nghiêm nhận ra “đường xưa” từ nơi tai nghe tiếng. Đó là chỗ ngộ đạo của người xưa từ nơi mỗi giác quan khác nhau; giác quan nào “đường xưa” cũng hiện sẵn, tùy theo duyên tu mà mỗi vị nhận ra đường xưa ở mỗi giác quan khác nhau.
                Câu “chọi trúc quên sở tri” mà vị Tăng dẫn ra để hỏi Thượng Sĩ chỉ là câu đầu trong tám câu kệ ngộ đạo của ngài Hương Nghiêm. Nếu lấy đó làm chỗ cứu kính thì bị Thượng Sĩ quở “mất thoi cửi vàng”. Hiểu cho rõ mới hiểu được ý nghĩa Thượng Sĩ dạy.
                Tăng hỏi “thế nào là Pháp thân” Thượng Sĩ đáp: “Bên ao thấy hai cái, dưới trăng vui ba người.” Trên hồ nước trong, nếu chúng ta đi trên bờ hồ thì thấy bóng mình hiện dưới nước, mình đi đâu bóng đi theo đó, giống như có hai người cùng đi. Và, trong đêm trăng sáng, chúng ta đứng trên sân thì thấy bóng mình, mình và chú cuội trên mặt trăng, gồm ba người. Hỏi “thế nào là Pháp thân”, Thượng Sĩ dùng hai câu thơ “bên ao thấy hai cái, dưới trăng vui ba người”. Vì khi nói tới pháp thân thì người ta nghĩ tới báo thân; pháp thân và báo thân là hai thân. Hoặc nói tới pháp thân, người ta nhớ tới hóa thân, báo thân; hóa thân, báo thân, pháp thân là ba thân. Đó là mượn hình ảnh bên ao, dưới trăng để nói pháp thân có báo thân và hóa thân. Hỏi một, Thượng Sĩ đáp ba.
                Tăng hỏi: “Pháp thân cùng sắc thân là đồng hay khác?” Thượng Sĩ đáp: “Gươm mang hiệu Long Tuyền, ngọc xưng tên Hổ Phách.” Pháp thân cùng sắc thân nếu đồng thì là một, nếu khác thì là hai. Thượng Sĩ nói cây gươm được khắc hiệu Long Tuyền. Cây gươm và hiệu Long Tuyền là một hay là hai? Cây gươm không rời hiệu Long Tuyền và hiệu Long Tuyền không ngoài cây gươm. Và, hòn ngọc tên Hổ Phách; hòn ngọc và Hổ Phách là một hay là khác? - Không phải một cũng không phải khác, vì hòn ngọc không rời tên Hổ Phách và tên Hổ Phách không ngoài hòn ngọc. Cây gươm hòn ngọc và hiệu Long Tuyền tên Hổ Phách gắn liền nhau, nhưng cây gươm và hòn ngọc thì thật, còn hiệu Long Tuyền và tên Hổ Phách là giả danh. Giả sử bây giờ đem thanh gươm và hòn ngọc bán cho người khác, người ta không gọi thanh gươm là Long Tuyền, mà khắc trên thanh gươm một cái hiệu khác và cũng không gọi hòn ngọc là Hổ Phách, mà gọi bằng một cái tên khác có được không? - Vẫn được. Cũng vậy, pháp thân là thực thể, sắc thân là giả tướng; pháp thân cùng với sắc thân không phải đồng cũng không phải khác, hay không phải một cũng không phải hai. Thế mà người đời cứ thấy hai bên hoặc là đồng hoặc là khác. Vì vậy khi hỏi về Pháp thân, Thượng Sĩ trả lời “gươm mang hiệu Long Tuyền, ngọc xưng tên Hổ Phách”, rất khéo, không kẹt không dính.
    Dịch:
                Có vị hỏi:
                - Thế Tôn nói: “Suốt bốn mươi chín năm, ta chưa từng nói một chữ.” Vậy mười hai phần giáo từ đâu mà được?
                Thầy đáp: 
                Hơi xông khỏi hộp mong về lại,
                Thuốc báu mở bình muốn bệnh tiêu.
                Lại hỏi:
                - Thế nào là Phật của chính mình?
                Thầy đáp:
                Chẳng đến rượu bồ đào
                Khó gặp người đập hũ.
                Lại hỏi:
                - Làm sao lý hội?
                Thầy đáp:
                Nhà lớn một đêm ngủ
                Sông dài chung đò qua.
                Lại hỏi: 
                - Thế nào là tâm cổ Phật?
                Thầy đáp:
                Trọn nói khắp thành không quốc sắc
                Đâu hay cửa tía có thuyền quyên.
                Lại hỏi:
                - Cổ nhân nói “tức tâm tức Phật” vì sao Phật không hiện tiền?
                Thầy đáp:
                Phanh trai tìm ngọc dù khó gặp
                Mổ cá cầu châu uổng công thôi.
                Lại hỏi:
                - “Không thể dùng trí biết, không thể dùng thức hiểu” thì thế nào?
                Thầy đáp:
                Người gỗ vào biển hát vô sanh
                Gái đá xuyên mây thổi tất lật.
                Lại hỏi:
                - Thế ấy thì không hiểu cũng không biết?
                Thầy đáp:
                Khổng Nhân chưa đến, truy phong biết
                Tiết Chúc chẳng nhờ, tiệt vũ hay.
                Lại hỏi:
                - “Thấy sắc liền biết tâm”, ý chỉ thế nào?
                Thầy đáp:
                Vào nước lõa thể nên cởi khố
                Chớ học Hàm Đan quên ngọc đào.
    Giảng:
                Câu “suốt bốn mươi chín năm, ta chưa từng nói một chữ” trích dẫn từ kinh Lăng-già. Nếu Phật nói suốt bốn mươi chín năm hoằng hóa, Ngài chưa từng nói một chữ, Phật đã không nói một chữ, như vậy thì mười hai phần giáo từ đâu mà được?
                Mười hai phần giáo theo luận Trí Độ nguyên chữ Phạn gồm có:
                1- Tu-đa-la, 2- Kỳ-dạ, 3- Già-đà, 4- Ni-đà-na, 5- Y- đế-mục-đa, 6- Xà-đà-già, 7- A-phù-đạt-ma, 8- A- ba-đa- na, 9- Ưu-ba-đề-xá, 10- Ưu-đà-na, 11- Tỳ-phật-lược, 12- Hòa-già-la. Đây là mười hai chủng loại của tất cả kinh điển mà đức Phật đã thuyết trong đời Ngài.
                1- Tu-đa-la dịch theo tiếng Trung Hoa là Khế Kinh, là những lời Phật dạy khế hợp với chân lý phù hợp với căn cơ của chúng sanh.
                2- Kỳ-dạ dịch theo tiếng Trung Hoa là Trùng TụNG, là văn kệ lập lại ý của đoạn văn xuôi ở trên. Thể loại này có rất nhiều trong kinh Pháp Hoa.
                3- Già-đà dịch theo tiếng Trung Hoa là PHÚNG TụNG. PHÚNG TụNG VÀ TRÙNG TụNG KHÁC NHAU ở CHỗ, trùng tụng là phần văn kệ lập lại ý của đoạn văn kinh ở trên, còn phúng tụng là phần kệ tụng riêng, không lập lại ý của đoạn kinh ở trên.
                4- Ni-đà-na dịch theo tiếng Trung Hoa là NHÂN DUYÊN; TRƯớC SAU TƯƠNG SANH LÀ NHÂN, HIệN TƯớNG trợ thành là duyên. Trong các kinh do nhân duyên Phật vì người khác diễn nói. Ví dụ trong nước Xá-vệ có một chàng trai giăng lưới bắt chim, bắt được chim nhốt trong lồng, cho ăn lúa uống nước rồi lại thả đi. Đức Thế Tôn biết nhân duyên đó mà nói kệ:
                Chớ khinh tội nhỏ
                Cho là không họa
                Giọt nước dầu nhỏ
                Lần đầy lu lớn.
                5- Y-đế-mục-đa dịch theo tiếng Trung Hoa là Bản Sự, là thể loại kinh kể lại tiền thân của đệ tử Phật. Thí dụ ngài A-nan đa văn bậc nhất là do đời trước Ngài tu hạnh tụng kinh đúng thời khóa thầy qui định, không lơi lỏng biếng trễ.
                6- Xà-đà-già dịch theo tiếng Trung Hoa là Bản Sanh, là thể loại kinh kể lại tiền thân của đức Phật. Ví dụ khi chưa thành đạo, đức Phật Thích-ca có một kiếp làm quốc vương thực hành hạnh từ bi và bố thí lóc thịt cứu con bồ câu đói.
                7- A-phù-đạt-ma dịch theo tiếng Trung Hoa là Vị TằNG HữU; LÀ THể LOạI KINH Kể NHữNG VIệC Kỳ đặc chưa từng có trong hàng đệ tử Phật, từ hàng xuất gia đến cư sĩ. Ví dụ trưởng giả Úc-già một hôm dẫn một đoàn thể nữ vào rừng hoan lạc. Ông uống rượu say túy lúy đi lạc đường, từ xa trông thấy đức Thế Tôn ở giữa rừng cây uy nghi đẹp đẽ, các căn thanh tịnh, tức thì ông tỉnh rượu, liền đảnh lễ Thế Tôn. Đó là việc thứ nhất chưa từng có của trưởng giả Úc-già. Sau đó, ông nghe Thế Tôn thuyết Tứ Diệu Đế, nghe xong, tại chỗ ngồi ông thấu suốt được lý khổ, tập, diệt, đạo. Đó là việc thứ hai chưa từng có của trưởng giả Úc-già. Sau đó, ông đắc pháp dứt nghi, qui y Phật Pháp Tăng, giữ năm giới, trọn đời lấy phạm hạnh làm đầu, chưa từng phạm giới. Đó là việc thứ ba chưa từng có của trưởng giả Úc-già. Sau khi qui y Phật Pháp Tăng xong, về nhà họp hết các thể nữ tuyên bố trả tự do cho họ, tùy ý ai muốn đi đâu thì đi, hoặc muốn lập gia đình với những người đàn ông khác tùy ý, ông sẵn lòng gả cho không chút lòng hối tiếc. Đó là việc thứ tư chưa từng có của trưởng giả Úc-già. Khi ông đến chúng Tỳ- kheo thực hành hạnh bố thí, dù có chư thiên trụ ở giữa hư không bảo ông nên cúng dường vị Tỳ-kheo này, không nên cúng dường vị Tỳ-kheo kia, nhưng ông luôn luôn cúng dường với tâm vô phân biệt. Đó là việc thứ năm chưa từng có của trưởng giả Úc-già...
                8- A-ba-đa-na dịch theo tiếng Trung Hoa là Thí Dụ; là thể loại kinh mượn ví dụ làm sáng tỏ ý Phật nói. Kinh Pháp Hoa có nhiều thí dụ như Gã cùng tử, Dược thảo, Hóa thành...
                9- Ưu-ba-đề-xá dịch theo tiếng Trung Hoa là LUậN NGHị; LÀ THể LOạI KINH VĂN PHậT LÝ LUậN VớI NGOạI đạo, hoặc lý luận với những vị công thần vua chúa như kinh Tu-nhàn-đề, kinh Sa-môn quả...
                10- Ưu-đà-na dịch theo tiếng Trung Hoa là Tự THUYếT; LÀ THể LOạI KINH VĂN PHậT THấY CầN DạY bảo cho đệ tử điều gì, nhóm chúng lại giảng cho nghe, không đợi các Tỳ-kheo thắc mắc thưa hỏi mới giảng dạy.
                11- Tỳ-phật-lược dịch theo tiếng Trung Hoa là Phương Quảng; là thể loại kinh văn nói rộng thênh thang diễn đạt nghĩa lý cao siêu mầu nhiệm cho hàng Thượng căn nghe.
                12- Hòa-già-la dịch theo tiếng Trung Hoa là Thọ Ký; là thể loại kinh văn Phật thọ ký cho hàng đệ tử sau này sẽ thành Phật do nhờ tu hạnh Bồ-tát.
                Trong kinh Pháp Hoa, chúng ta thấy có nhiều thể loại kinh văn như Khế kinh, Trùng tụng, Phúng tụng, Nhân duyên, Bản sanh, Bản sự, Thí dụ, Thọ ký... Như vậy, trong một bộ kinh có nhiều phần giáo (thể loại) trong đó. Chớ không phải nói mười hai phần giáo là mười hai bộ kinh.
                Phật nói kinh đủ mọi phần giáo, mọi lãnh vực, thế mà Ngài nói Ngài chưa từng nói một chữ, làm cho vị này thắc mắc hỏi Thượng Sĩ. Thượng Sĩ đáp: “Hơi xông khỏi hộp mong về lại, thuốc báu mở bình muốn bệnh tiêu.” Ý Ngài nói tất cả ngôn ngữ Phật nói ra khỏi miệng cho đệ tử nghe, chẳng khác nào hơi xông ra khỏi hộp. Tuy Ngài nói rất nhiều cho người nghe, nhưng qui lại không ngoài tự tâm. Thượng Sĩ ví Pháp Phật được Phật nói ra như là thuốc báu đựng trong bình vàng, vì muốn cho chúng sanh hết bệnh, nên mới mở nắp bình rót ra cho người uống, để được hết bệnh. Tất cả công dụng làm cho chúng sanh hết bệnh gốc từ trong bình mà ra. Như vậy dù cho nói bao nhiêu kinh điển, rốt cuộc cũng không ngoài khai thị cho mọi người nhận ra tâm thể thanh tịnh có sẵn nơi mình. Thế nên mười hai phần giáo đức Phật nói xong, Ngài phủ nhận là Ngài chưa từng nói một chữ. Ngôn ngữ chỉ là phương tiện không phải là cái thật, thể thanh tịnh có sẵn nơi mỗi người mới là chân thật cứu kính. Đứng về Thể chân thật thì không có ngôn ngữ nào diễn tả được, không có văn tự nào ghi được, nên mới nói chưa từng nói một chữ. Đây Thượng Sĩ nói hơi xông ra từ cái hộp, nhưng hơi là cái tạm chớ không phải cái thật. Cũng như thuốc báu đem ra trị hết bệnh, gốc từ cái bình chớ không phải cái ra ngoài, cái trị bệnh. Nói tóm lại, tất cả ngôn ngữ Phật nói ra chỉ là phương tiện không phải cứu kính chân thật, cứu kính chân thật chỉ là tâm.
                Hỏi: “Thế nào là Phật của chính mình?” Thầy đáp: “Chẳng đến rượu bồ đào, khó gặp người đập hũ.” Thượng Sĩ dạy, nếu muốn biết Phật của chính mình thì phải ngộ; ngộ là nhận ra ngay, không cần hỏi, giống như muốn thấy những gã say thì phải tới quán rượu; tới đó sẽ thấy không cần hỏi.
                Hỏi: “Làm sao lý hội?” Thầy đáp: “Nhà lớn một đêm ngủ, sông dài chung đò qua.” Phật của chính mình là ở ngay nơi mình. Thiền sư Phó Đại Sĩ nói: “Đêm đêm ôm Phật ngủ.” Vậy là Phật và mình không xa lạ, không cách biệt. Nhưng, chúng ta ôm Phật ngủ mà không biết Phật. Lúc nào cũng cùng đi với Phật, cũng cùng ngủ với Phật mà hỏi Phật ở đâu, yêu cầu chỉ, có ngớ ngẩn không? Đa số chúng ta ai cũng ngớ ngẩn hết.
                Hỏi: “Thế nào là tâm cổ Phật?” Thầy đáp: “Trọn nói khắp thành không quốc sắc, đâu hay cửa tía có thuyền quyên.” Tâm cổ Phật là tâm Phật xưa. Tâm Phật xưa là cái gì? Thượng Sĩ nói: hỏi tâm cổ Phật giống như nói cả thành không có người nào đẹp cả, nhưng đâu ngờ trong thành có nhiều nhà sang trọng, trong đó có lắm người đẹp (thuyền quyên). Như vậy đâu có nơi nào thiếu người đẹp. Người hỏi thế nào là tâm cổ Phật, tức là người đó không nhìn nhận nơi mình có tánh Phật, nên Thượng Sĩ nói nhà giàu nào mở cửa cũng có các cô tiểu thơ đẹp, có thiếu đâu mà đi tìm kiếm? 
                Hỏi: “Cổ nhân nói ‘tức tâm tức Phật’, vì sao Phật không hiện tiền?” Thượng Sĩ đáp: “Phanh trai tìm ngọc dù khó gặp, mổ cá cầu châu uổng công thôi.” Thượng Sĩ nói muốn cho Phật hiện tiền thì phải ngay nơi sáu căn mình mà nhận, cũng như muốn lấy ngọc trai (con trai có chứa ngọc gọi là ngọc trai) thì phải ngay con trai mà mổ để lấy mới có, chớ còn mổ cá để lấy ngọc trai thì không bao giờ được. Qua lời đối đáp của Thượng Sĩ, chúng ta thấy Thiền sư Việt Nam thật là nên thơ, hỏi câu nào cũng đáp thành thơ hết.
                Hỏi: “Không thể dùng trí biết, không thể dùng thức hiểu” thì thế nào? Thượng Sĩ đáp: “Người gỗ vào biển hát vô sanh, gái đá xuyên mây thổi tất lật.”(1) Chỗ cứu kính là Thể chân thật không hình không tướng nên không thể dùng trí để biết, dùng thức để hiểu, thế mà Thiền khách muốn biết muốn hiểu, đến hỏi Thượng Sĩ, nên Thượng Sĩ đáp: _________________________________________________________
    (1) Kèn của một giống dân xưa, thổi nghe rất buồn.
    “Người gỗ vào biển hát vô sanh, gái đá xuyên mây thổi tất lật.” Người gỗ có tri thức không mà hát bài vô sanh? Nếu hát được thì không còn là gỗ. Đây Thượng Sĩ nói người gỗ vào biển hát được lời vô sanh, chớ không phải người gỗ vô tri vô giác. Và, gái đá xuyên qua mây thổi kèn tất lật. Gái đá thổi kèn là sao? - Tới chỗ rốt ráo dường như không có trí để nhận xét, không có thức để phân biệt, nhưng lại bình an, dường như là vô tri mà có đầy cả diệu dụng, giống như người bằng gỗ biết hát vô sanh, gái bằng đá biết thổi kèn tất lật. Ý Thượng Sĩ nói người tu đến chỗ cứu kính giống như người gỗ, giống như gái đá dường như vô tri nhưng có những diệu dụng không thể lường.
                Chỗ này trong Thiền sử, có đoạn Thiền khách hỏi ngài Thần Hội: tới chỗ không còn có trí biết thức hiểu thì thế nào? Và, một vị Tăng hỏi ngài Nam Nhạc: “Như gương đúc tượng, sau khi tượng thành không biết cái sáng của gương đi về chỗ nào?” Ngài bảo: “Như Đại đức tướng mạo lúc trẻ thơ hiện giờ ở đâu?” Tăng hỏi: “Tại sao khi thành tượng không chiếu soi?” Ngài nói: “Tuy không chiếu soi, nhưng dối y một điểm cũng không được.” Ý nói người tu tới chỗ cứu kính không dùng trí để quán, không dùng thức để phân biệt, song cái gì cũng biết, không dối gạt được những bậc này. Nên tôi thường dụ cái gương sáng để ở trước, gương tự nó không phân biệt, không hiểu biết. Nhưng người mặc áo vàng đứng trước gương, thấy bóng người mặc áo vàng hiện trong gương. Người mặc áo tím đứng trước gương, thấy bóng người mặc áo tím hiện trong gương, không lẫn lộn, hình nào hiện ra bóng nấy. Như ở trước tôi  nói thấy con cọp nói là con cọp. Nghĩa là tới chỗ cứu kính không dùng trí cũng không dùng thức để phân biệt so sánh, mà vẫn có cái biết hiện tiền. Cái biết hiện tiền không có tác dụng đối đãi so sánh, mà thấy cái gì là cái nấy, thấy cọp là cọp. Nếu không biết làm sao nói là cọp? Song, không so sánh khác với mèo, khác với chó. Như vậy, ý câu này nói khi chúng ta tu đến chỗ cứu kính thì không dùng trí để biết không dùng thức để hiểu, mà vẫn có cái giác sáng rỡ, không phải là vô tri.
                Hỏi: “Thế ấy thì không hiểu cũng không biết?” Thượng Sĩ đáp: “Khổng Nhân chưa đến, truy phong biết, Tiết Chúc chẳng nhờ, tiệt vũ hay.” Người hỏi thắc mắc nếu như vậy thì như không hiểu không biết, vì có trí mới biết, có thức mới hiểu. Thượng Sĩ đáp rằng con ngựa truy phong (đuổi gió) là con ngựa chạy nhanh như gió, Khổng Nhân tuy mắt chưa thấy con ngựa, chỉ nghe người diễn tả cũng có thể biết là ngựa truy phong. Và ông Tiết Chúc tuy mắt chưa thấy cây gươm tiệt vũ (cây gươm bén chặt sợi lông cũng đứt) nghe người diễn tả cây gươm, ông cũng biết đó là gươm tiệt vũ. Chuyện này lấy từ điển tích Khổng Phương Nhân là người có tài xem ngựa, khi ngựa chưa chạy mà Khổng Nhân đã thấy cái thế chạy nhanh ở chân ngựa, ngựa nào chạy nhanh như gió, nhìn chân ngựa là Khổng Nhân biết ngay không đợi thấy ngựa chạy. Còn Tiết Chúc là người giỏi xem kiếm, kiếm chưa chém vật trên cạn hay sợi lông nhẹ ở dưới nước, mà Tiết Chúc đã thấy sắc bén của kiếm. Ý Thượng Sĩ nói tuy không hiểu không biết, tức là không dùng trí không dùng thức để đối chiếu so sánh, mà vừa nghe qua là đã nắm được rồi, không đợi phải thấy và phân biệt mới biết. Đó là cái dụng phi thường của người tu tới chỗ cứu kính.
                Hỏi: “Thấy sắc liền biết tâm, ý chỉ thế nào?” Thượng Sĩ đáp: “Vào nước lõa thể nên cởi khố, chớ học Hàm Đan quên ngọc đào.” Hàm Đan là kinh đô nước Triệu, người dân ở đây đi bộ rất tài. Những người tuổi trẻ ở nước Yên muốn học đi bộ phải qua Hàm Đan học. Nhiều người nước Yên qua Hàm Đan học đi bộ chưa giỏi, mà đã quên nước Yên nên nói quên ngọc đào. Người hỏi: “Thấy sắc liền biết tâm” ý chỉ thế nào? Thượng Sĩ dạy vào nước lõa thể nên cởi khố cùng lõa thể như người ta. Vì thấy sắc liền biết tâm; khi nhìn cái hoa này quí vị liền biết tâm chưa? Tâm ở chỗ nào? - Tâm ở ngay nơi thấy hoa đó. Từ lâu tất cả chúng ta cứ nghĩ tâm là cái gì xa lạ ngoài mình, chớ không ngờ ngay khi thấy sắc là tâm; tâm thấy. Vậy muốn biết tâm thì đừng tìm kiếm ở đâu xa mà ngay khi thấy liền biết tâm đang thấy. Vậy nên Thượng Sĩ dạy vào nước lõa thể nên lõa thể theo. Và, muốn tới xứ Hàm Đan học nghề thì chớ quên quê hương của mình.
    Dịch:
                Xin hỏi:
                - Thế nào là gia phong của Thượng Sĩ?
                Thầy đáp:
                Nhàn ném trái rừng kêu vượn tiếp
                Lười câu cá suối khiến hạc tranh.
                Lại hỏi:
                - Tổ ý cùng giáo ý là đồng hay khác?
                Thầy đáp:
                Sóng, nước tên tuy khác
                Búp, nở một đóa hoa.
                Lại hỏi:
                - Bồ-đề, phiền não đồng khác thế nào?
                Thầy đáp:
                Vị muối trong nước
                Trong sắc màu keo.
                Lại hỏi:
                - Thế nào là nghiệp sanh tử?
                Thầy đáp:
                Sương thu lấm tấm phủ hoa lau
                Đêm tuyết tung tăng trời trăng sáng.
                Lại hỏi:
                - Ngài Dật-đa (Di-lặc) không tu định tuệ, vì sao thành Phật không nghi?
                Thầy đáp:
                Đào đỏ trên cây đúng thời tiết,
                Cúc vàng bên dậu nào phải xuân.
                Lại hỏi:
                - Tọa thiền tập định thì thế nào?
                Thầy đáp:
                - Vua chúa xuống xe chọi ếch nhái.
                Lại hỏi:
                - Chẳng tọa thiền tập định thì thế nào?
                Thầy đáp:
                - Thuyền Phạm Lãi sông hồ vui thú.
    Giảng:
                Hỏi “thế nào là gia phong của Thượng Sĩ” là hỏi nếp sống trong nhà của Ngài, được Thượng Sĩ đáp “nhàn ném trái rừng kêu vượn tiếp, lười câu cá suối khiến hạc tranh”. Nghĩa là khi rảnh rang thì ném trái cây rừng kêu vượn khỉ tới ăn. Và, khi lười thì ngồi câu bên bờ suối, được cá thì kêu hạc tới mổ ăn. Ý nói tất cả những gì Thượng Sĩ được thảy trao cho chúng sanh hết; làm tất cả việc cho chúng sanh, mà không bận không rối vẫn thường tự tại là gia phong của Thượng Sĩ. Chúng ta ngày nay sở dĩ chao đảo là vì không biết nhàn không biết lười, làm việc gì cũng thấy quan trọng, nên lo lắng không yên.
                Hỏi: “Tổ ý cùng giáo ý là đồng hay khác?” Tức là ý Tổ và ý Kinh là đồng hay khác? Thượng Sĩ đáp: “Sóng, nước tên tuy khác, búp nở, một đóa hoa.” Nghĩa là sóng và nước tên tuy khác nhưng thể không hai. Và, đóa hoa khi còn búp và khi nở tên tuy khác nhưng thể không hai.
                Hỏi: “Bồ-đề phiền não đồng khác thế nào?” Ở trên nói ý Tổ và ý Kinh không khác thì dễ hiểu, tới đây hỏi Bồ- đề và phiền não đồng hay khác thì khó trả lời, nhưng Thượng Sĩ đáp: “Vị muối trong nước, trong sắc màu keo.” Nước thì không mặn, nhưng có muối tan trong nước thì nước mặn. Vậy vị mặn của nước biển và nước biển là một hay khác? Con người trong cõi đời này đang khổ, nên thích Bồ-đề ghét phiền não, vì vậy đi tu để thoát khổ. Nhưng Bồ-đề và phiền não có cách xa không? - Tôi ví dụ có ai đó tới nói vài lời xúc chạm mình thì mình nổi giận. Khi cơn giận nổi lên thì lúc đó mình phiền não. Nhưng, nếu người chọc mình, cười, nói: “ê, mắc mưu tôi rồi!” mình chợt tỉnh, hết buồn, phiền não lặng, lúc đó Bồ- đề hiện. Vậy, phiền não và Bồ-đề có tách rời nhau không? - Thật ra phiền não và Bồ-đề không hai, nhưng vì chúng ta cố chấp phân biệt nên thấy có hai. Từ lâu chúng ta quen có quan niệm những tánh xấu là phiền não, những tánh tốt là Bồ-đề. Nếu có một chút phiền não khởi lên là chúng ta buồn khổ, muốn vất đi, nhưng vất cho ai cũng không được. Vậy phải làm sao?
                Tôi xin hỏi quí vị khi nào chúng ta phiền não? Lúc tâm yên lặng có phiền não, hay tâm dấy niệm chạy theo sắc, thanh... mới có tham sân khởi lên? - Khi tâm dấy niệm chạy theo sắc thanh... mới có phiền não; mắt thấy sắc đẹp khởi tâm tham, muốn chiếm đoạt cho mình, không được thì buồn khổ, tai nghe tiếng không êm dịu xúc chạm đến mình thì bực tức sân giận đỏ cả mặt mày. Vậy, khi nghe người nói xúc chạm đến mình liền quán xét, thân này do đất nước gió lửa hợp thành không phải là ta, ý niệm chợt khởi chợt mất cũng không phải là ta thì xúc chạm ai? Lời nói như gió thổi qua tai thì có gì xúc chạm? Mình không thật, lời nói không thật, phiền não cũng không thật, nghe qua, nằm cười chơi, không ngồi dậy đi ăn thua với người, thì đâu có phiền não. Thế thì những thứ buồn giận... gọi là tâm phiền não, chúng ta thấy nó không thật nó tự mất, tâm lặng yên, lúc đó là Bồ-đề. Nhìn đúng thì tất cả là Bồ-đề, nhìn sai thì phiền não khởi dậy ầm ầm. Tóm lại, do chấp, thấy sai, nên phiền não khởi, tỉnh giác thấy đúng,  phiền não tự lặng tức Bồ-đề. Như vậy phiền não Bồ-đề vốn không hai, từ tâm dấy động là phiền não, tâm lặng yên là Bồ-đề. Vì vậy mà Thượng Sĩ nói “vị muối trong nước, trong sắc màu keo”. Trong màu xanh, vàng, đỏ, trắng... pha chất keo lẫn trong màu sơn mới dính. Keo và màu không rời nhau, cũng như vị mặn và nước biển không hai. Như vậy là Thượng Sĩ trả lời phiền não Bồ- đề không hai.
                Hỏi: “Thế nào là nghiệp sanh tử?” Thượng Sĩ đáp: “Sương thu lấm tấm phủ hoa lau, đêm tuyết tung tăng trời trăng sáng.” Chúng ta ai cũng sợ nghiệp sanh tử, song nghe Thượng Sĩ nói sao thảnh thơi quá, đẹp vô cùng. Người tu ai cũng có quan niệm tu là để thoát khỏi nghiệp sanh tử, được Niết-bàn giải thoát. Nhưng hỏi thế nào là nghiệp sanh tử, Thượng Sĩ trả lời “sương thu lấm tấm phủ hoa lau”. Về đêm sương rơi phủ lấm tấm trên hoa lau sáng ngày mặt trời mọc, rọi ánh nắng thì sương tan mất. Và “đêm tuyết tung tăng trời trăng sáng”. Ban đêm trời lạnh tuyết rơi cả bầu trời, sáng ngày mặt trời lên nắng ấm thì tuyết tan hết. Ý Thượng Sĩ nói nghiệp sanh tử có đó rồi mất đó không thật, giống như sương hay tuyết đêm rơi ngày tan vậy. Đối với nghiệp sanh tử, trong Chứng Đạo Ca Thiền sư Huyền Giác nói rằng: “Liễu tức nghiệp chướng bản lai không, vị liễu ưng tu hoàn túc trái.” Nghĩa là tu đã liễu ngộ thì thấy nghiệp chướng sanh tử xưa nay là không thật. Nếu chưa liễu ngộ, còn mê thì tạo nghiệp nào phải đền trả quả nấy không trốn tránh đ ư ợc.
    Thiền sư Hạo Nguyệt hỏi Thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm rằng:
                - Cổ đức nói: “Liễu tức nghiệp chướng bản lai không, vị liễu ưng tu hoàn túc trái.” Như Tổ Sư Tử và Tổ Huệ Khả vì sao lại đền nợ trước?
                Trường Sa bảo:
                - Đại đức chẳng biết bản lai không.
                - Thế nào là bản lai không?
                - Nghiệp chướng.
                - Thế nào là nghiệp chướng?
                - Bản lai không.
                Với con mắt mê của chúng ta thì thấy Tổ Sư Tử và vua Kế-tân có nợ trước nên phải trả. Và Tổ Huệ Khả có nợ trước nên phải trả là bị tù rồi chết trong khám. Nhưng đối với Tổ Sư Tử và Tổ Huệ Khả thì thấy thân này là duyên hợp không thật, chết sống như trò chơi có gì thật đâu mà trả. Nên khi vua Kế-tân hỏi Tổ Sư Tử:
                - Thầy được không tướng chưa?
                - Đã được.
                - Đã được, thì còn sợ sống chết chăng?
                - Đã lìa sống chết thì đâu có sợ.
                - Chẳng sợ có thể cho ta cái đầu chăng?
                - Thân chẳng phải cái của ta, huống nữa là đầu.
                Vua liền chặt đầu Ngài rơi xuống đất. Nơi cổ phun lên giọt sữa trắng cao chừng một trượng. Cánh tay mặt của vua Kế-tân cũng đứt lìa. Bảy ngày sau vua băng hà.
                Tôi thường dùng ví dụ khi xưa chưa biết đạo, chúng ta là người có quyền thế lấn hiếp kẻ dưới tay mình, họ thù oán mình nhưng vì yếu thế không trả thù được. Khi hết thời mất quyền thế, chúng ta thức tỉnh phát nguyện tu hành. Học đạo thấm nhuần lý Bát-nhã, biết tất cả pháp đều không thật, thân năm uẩn này không thật. Người bị lấn hiếp ngày xưa bây giờ có quyền thế tìm chúng ta để trả thù. Khi xưa chúng ta lấn hiếp họ chừng năm, sáu phần, vì họ không biết đạo nên họ kết oán thù. Ngày nay họ lấn hiếp chúng ta tới chín, mười phần, nhưng, nhờ chúng ta biết đạo thấy rõ các pháp không thật nên không giận, chỉ cười thôi. Như vậy thì có gì là trả! Còn họ thì thấy có trả, vì họ đã làm được những việc để thỏa mãn lòng oán hận đã ôm ấp bấy lâu nay. Như vậy, còn mê thì thấy có đền có trả nghiệp thật. Nếu giác ngộ rồi thì thấy nghiệp sanh tử vốn là không. Thế nên Thượng Sĩ nói “sương thu lấm tấm phủ hoa lau, đêm tuyết tung tăng trời trăng sáng” để nói lên nghiệp sanh tử không có thật. Nghiệp không thật thì sanh tử đâu có gì quan trọng.
                Hỏi: “Ngài A-dật-đa (Di-lặc) không tu định tuệ, vì sao thành Phật không nghi?” Người hỏi dẫn một đoạn trong kinh Pháp Hoa kể giai thoại khi xưa Bồ-tát Di- lặc cũng là bạn đồng tu với đức Phật Thích-ca, nhưng vì Bồ- tát Di-lặc thích đi vào xóm làng chơi, thân cận với các vị trưởng giả, nên có biệt hiệu là Cầu Danh. Ngài không lo tu thiền định, vậy mà Phật vẫn thọ ký cho Ngài sau sẽ thành Phật. Đó là cái nghi của người đưa ra hỏi. Thượng Sĩ đáp: “Đào đỏ trên cây đúng thời tiết, cúc vàng bên dậu nào phải xuân.”  Ở Trung Hoa cúc nở vàng rực bên hàng rào không phải là mùa xuân, nhưng đào nở hoa đỏ trên cây đó là đúng tiết xuân. Ý Thượng Sĩ nói tuy Bồ-tát Di- lặc không chuyên tu định tuệ, nhưng có trì tụng kinh nên khi công đức tích lũy đầy đủ rồi, nhân duyên thời tiết đến thì Ngài thành Phật. Sở dĩ Phật Thích-ca dẫn chuyện Bồ- tát Di-lặc cùng tu một lượt với Ngài, mà Ngài đã thành Phật, còn Bồ-tát Di-lặc thì chưa thành Phật là, để nói lên người tu tinh tấn và người tu giải đãi kết quả khác nhau. Thời gian tu của người giải đãi phải trải qua bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp, không thể nói năm năm hay mười năm. Nhưng, dù sao người tu giải đãi cũng đã gieo chủng tử, nhân đã gieo rồi quả ắt sẽ đến, tuy thời gian tu rất lâu, song rồi cũng sẽ thành Phật. Vậy, quí vị tu học ai tinh tấn thì tới nhanh, ai giải đãi rồi cũng tới, mà tới chậm, đừng nói người đó giải đãi là tu không được. Ở đây Tăng Ni cũng vậy, ai tu tinh tấn thì tiến nhanh, ai giải đãi thì tiến chậm.
                Hỏi: “Tọa thiền tập định thì thế nào?” Thượng Sĩ đáp: “Vua chúa xuống xe chọi ếch nhái.” Câu này lấy từ điển tích: vua nước Việt là Câu Tiễn đi đánh nước Ngô, trên đường đi vua thấy có con ếch to phùng mang có vẻ chống lại xe. Vua bảo dừng xe bước xuống, kính cẩn chào con ếch rồi lên xe đi lại. Khi đó những người hầu cận hỏi: “Tại sao bệ hạ xuống xe chào con ếch?” Vua đáp: “Vì con ếch dũng cảm dám chống lại xe.” Ếch nhái là loài thấp hèn, tại sao vua chúa phải xuống xe chào? Vua xuống xe là vì trọng dũng khí của con ếch. Người tu cũng vậy, không phải tọa thiền tập định là thành Phật, nhưng đó là dũng khí của người tu. Nhờ có dũng khí mới gan dạ ngồi bất động không cựa quậy suốt hai ba giờ đồng hồ. Do dũng khí mới khả dĩ vươn lên tiến đạo.
                Hỏi: “Chẳng tọa thiền tập định thì thế nào?” Thượng Sĩ đáp: “Thuyền Phạm Lãi sông hồ vui thú.” Người tu đến lúc thấy không cần phải tọa thiền tập định, đi đứng nằm ngồi thấy tất cả pháp như tất cả pháp; thấy cái nhà là cái nhà, thấy con chim là con chim, thấy cái hoa là cái hoa, không có một niệm nào khác khởi thì như ông Phạm Lãi ngồi thuyền dạo chơi trên sông hồ rất vui thú. Ý này dẫn từ điển tích Phạm Lãi là người sống trong thời Xuân Thu. Ông giúp Việt vương Câu Tiễn diệt được Ngô Phù Sai, khôi phục lại nước Việt. Việc nước lo xong ông từ bỏ quan chức, lênh đênh trên con thuyền dạo chơi vùng Ngũ Hồ, nên nói “thuyền Phạm Lãi sông hồ vui thú” là vậy.
    Dịch:
                Có vị hỏi:
                - Muốn đạt đường vô sanh, cần phải biết cội nguồn. Thế nào là cội nguồn?
                Thầy đáp:
                Tầm nguồn chẳng có cội
                Bám cội cũng không nguồn.
                Lại hỏi:
                - Trong kinh nói: “không tức là sắc, sắc tức là không”, ý chỉ thế nào? 
                Thầy im lặng giây lâu, hỏi:
                - Hiểu chăng? 
                Thưa:
                - Chẳng hiểu.
                Thầy hỏi:
                - Ông có sắc thân không?
                Thưa:
                - Có.
                Thầy bảo:
                - Sao nói sắc tức là không?
                Thầy hỏi tiếp:
                - Ông thấy không (hư không) có tướng mạo chăng?
                Thưa:
                - Không.
                Thầy bảo:
                - Sao nói không tức là sắc?
                Lại hỏi:
                - Rốt cuộc thế nào? 
                Thầy đáp:
                Sắc vốn không không
                Không vốn không sắc.
                Vị Tăng lễ tạ.
                Thầy bảo: 
                - Nghe tôi nói kệ:
                Sắc tức là không, không là sắc,
                Ba đời Như Lai phương tiện đặt.
                Không vốn không sắc, sắc không không
                Thể tánh sáng ngời không được mất.
                Hét!
    Giảng:
                Hỏi: “Muốn đạt đường vô sanh thì phải thấu được cội nguồn. Thế nào là cội nguồn?” Thượng Sĩ đáp: “Tầm nguồn chẳng có cội, bám cội cũng không nguồn.” Cội là chỗ phát sanh ra thân cây cành cây lá cây, còn gọi là gốc. Nguồn là chỗ phát sanh ra dòng nước chảy, gọi là nguồn suối nguồn sông. Thượng Sĩ nói tìm nguồn thì không có cội, nếu bám vào cội thì đâu có nguồn. Ngài dạy muốn thấu triệt được cội nguồn thì đừng có tìm, đừng có bám. Tìm bám thì không thấu triệt được cội nguồn vì còn chấp.
                Hỏi: “Trong kinh nói: ‘không tức là sắc, sắc tức là không’ ý chỉ thế nào?” Thượng Sĩ im lặng giây lâu, hỏi: “Hiểu chăng?” Thưa: “Chẳng hiểu.” Thượng Sĩ hỏi: “Ông có sắc thân không?” Thưa: “Có.” Thượng Sĩ bảo: “Sao nói sắc tức là không?” Thượng Sĩ hỏi tiếp: “Ông thấy không (hư không) có tướng mạo chăng?” Thưa: “Không.” Thượng Sĩ bảo: “Sao nói không tức là sắc?” Hư không không có tướng mạo sao nói không tức là sắc. Thượng Sĩ nói câu này là để phá chấp người hỏi. Người hỏi hoang mang nên hỏi: “Rốt cuộc thế nào?” Thì Thượng Sĩ đáp: “Sắc vốn không không, không vốn không sắc.” Nói sắc vốn không có cái không, và không vốn không có cái sắc, nói như thế có trái với kinh không? - Các Thiền sư thấy không nói là không, thấy sắc nói là sắc, chớ không thấy cái này nói qua cái kia, thấy cái kia nói qua cái này. Vì vậy nên Thượng Sĩ nói “sắc vốn không không, không vốn không sắc”. Đối với Thiền sư sắc là sắc, không là không, nhưng kinh nói khác nên người hỏi không hiểu bèn lễ tạ. Thượng Sĩ bảo hãy nghe Ngài nói kệ: “Sắc tức là không, không là sắc, ba đời Như Lai phương tiện đặt.” Sở dĩ nói sắc tức là không, không tức là sắc là phương tiện của ba đời chư Phật nói ra để phá chấp cho chúng sanh; ngay sắc thân này không có thật thể khiến cho chúng sanh đừng chấp ngã. “Không vốn không sắc, sắc không không. Thể tánh sáng ngời không được mất. Hét!” Tới chỗ cứu kính thì không và sắc tự nó có riêng bản vị của nó; không là không, sắc là sắc, thấy như thế thì tâm mới được thông sáng. Nếu còn dùng ý để so sánh, dùng trí để phân tích quán chiếu thì chưa phải là thể tánh sáng ngời thanh tịnh. Thấy như ngài Vân Môn cây gậy nói là cây gậy, đóa hoa nói là đóa hoa, không dùng thức phân biệt mà cũng không dùng trí quán chiếu, vì còn quán chiếu là còn dùng phương tiện. Hiểu như vậy mới thấy cái hay trong câu đáp của Ngài.
     
     
     
     

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

chùa trấn quốc nằm trong top những ngôi Thể di nam dieu dao duc nguoi phat tu chan chinh can thuc 有人願意加日我ㄧ起去 cÃƒÆ ri chay Vài về Đức Dhakpa Tulku Rinpoche Tiếng nói của Phật pháp tho de thay chinh minh Bảo kiếm kim cang Blogger và mẹ dùng nåç chua kim cang 泰卦 o 07 bardo va nhung thuc tai khac nÃ Æ 人生是 旅程 風景 doi se tu te voi ban Hành Quảng Bí quyết ăn khuya giảm thiểu gây hại 抢罡 Một bậc Thầy sáng ngời đạo hạnh Nỗi mầu phÒ dùng tử Đồng Tháp Húy kỵ cố Hòa thượng hÃnh của 持咒方法 Bạn Nấm phát sáng Nên ngâm dứa trong nước muối trước khi sam hoi phai sam noi tam hoẠHoằng 佛說父母 Cuối năm tha thẩn chùa Hương Bớt chủ giới Lễ tưởng niệm Tổ sư khai sơn chùa Sài Lợi Bình minh quê mình Làm gì để khỏe mạnh sau tuổi 40 Sử Ít ăn ngủ sức khỏe tốt tinh Bức ảnh đoạt giải World Press Photo năm u buồn và cô đơn sẽ chẵng còn Có nên bảo quản cà chua trong tủ lạnh le Cách bảo quản đậu phụ tươi ngon tu tanh quan am 1 12 van de xa hoiduoi cai nhin phat giao Một mot huong di cho the gioi duong dai Mẹ 不空羂索心咒梵文 lòng từ bẠchua keo