00 Mục Lục 
01 Lời đầu sách của HT Thanh Từ
02 Đề Tựa của Tỳ Kheo Huệ Nguyên (1763)
03 Hành Trạng Thượng Sĩ
04 Đối Cơ (trả Lời Người Hỏi)
05 Tụng Cổ
06-1 Bài ca Tâm Phật 
06-2 Bài ngâm phóng cuồng, Sống chết nhàn mà thôi
06-3 Phàm Thánh không hai, Mê ngộ không khác, Ngậm bĩu môi
06-4 Bài văn Trứ Từ tự răn, Thời tiết an định, Dương chân, Vào cát bụi
06-5 Muôn việc về như, Thói đời hư dối, Họa thơ quan Huyện, Cảnh vật Tịnh Bang, Họa Thơ Hưng Trí Thượng Vị Hầu
06-6 Tụng đạo học Trần Thánh Tông, Chăn trâu đất, Vui thích giang hồ, Vật không tuỳ người, Viếng Đại Sư Tăng Điền, Thăm bệnh Đại Sư Phước Đường
06-7 Lễ Thiền sư Tiêu Dao ở Phước Đường, Cảnh vật Phước Đường, Tăng Pháp sư Thuần Nhất, Đùa Thiền Sư Trí Viễn xem kinh giải nghĩa, Điệu Tiên Sư
Khuyên đời vào đạo, Bảo chúng, Bảo chúng, Bảo học giả, Chợt hứng
06-8 Cội tùng đáy khe, Xuất trần, Đạo lớn không khó, Tâm vương, Thả trâu, Đề tịnh xá, Chợt hứng, Cây gậy, Chiếu thân, Tự đề, Chợt tỉnh, Tự tại, Bảo học trò, Bảo tu nghiệp Tây phương, Thoát đời, Vui thú giang hồ.
07 Lời Bạt

 

X
TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC GIẢNG GIẢI
Biên Soạn: Trúc Lâm Tổ Sư (Trần Nhân Tông) 
Dịch và Giảng: Hoà ThượngThích Thanh Từ
Ban Văn Hoá Trung Ương GHPGVN Xuất Bản 1996
    THI CA (tt)
    Dịch: 
    MUÔN VIỆC VỀ NHƯ 
     Từ không hiện có, có không thông 
     Có có không không rốt cuộc đồng. 
     Phiền não Bồ-đề vốn chẳng khác 
     Chân như vọng niệm thảy đều không. 
     Thân như cảnh huyễn, nghiệp như bóng 
     Tâm tợ gió đưa, tánh tợ bồng. 
     Đừng hỏi tử sanh, ma với Phật 
     Các sao hướng bắc, nước về  đông. 
    Giảng: 
     Muôn việc về như là tất cả mọi sự mọi việc vốn dĩ là như vậy, chẳng có gì phải nghĩ phải bàn. 
     “Từ không hiện có, có không thông, có có không không rốt cuộc đồng.” Tất cả mọi vật trên đời này từ cái không rồi thành cái có, có một thời gian hoại đi thành không, có và không nó thông nhau. Ví dụ cái nhà, trước đây là không, sau do nhiều duyên hợp lại nên có cái nhà. Cái nhà có khoảng năm bảy chục năm hư mục, không sửa chữa thì nó hoại mất không còn, trở lại không. Vậy nên có không nó thông với nhau, nó không riêng thật có và cũng không riêng thật không. Từ không, duyên hợp thành có; từ có duyên ly tán thành không. Con người cũng vậy, trước kia là không, do duyên cha mẹ gặp nhau mà có thân này, thân này sống năm bảy mươi năm thì gió lửa ly tán, hoại diệt thành không. Thế nên cái có hiện giờ gốc từ cái không thuở trước. Và, cái có hiện giờ một mai duyên ly tán cũng trở thành không. Cái có cái không nó thông nhau, chớ không riêng không khác. Thấy dường như hai, nhưng sự thật không hai. Vì trước không, sau có, có rồi lại không. Có không không hai thể. 
     “Phiền não Bồ-đề vốn chẳng khác, chân như vọng niệm thảy đều không.” Đa số người tu đều sợ phiền não, thích Bồ-đề. Bồ-đề là giác, phiền não là mê, nên thích giác sợ mê. Nhưng sự thật mê không rời giác, giác không ngoài mê. Tại sao? Vì giác là giác cái mê và mê là mê cái giác. Cũng như trong cái nhà này, không có đèn, nói tối, mở đèn, hết tối, nói sáng. Hết tối nói nhà sáng, hết sáng nói nhà tối. Sáng tối đổi thay chớ không gian cái nhà không thay đổi. Sáng không thêm gì cho cái nhà, tối không làm mất gì trong cái nhà. Cũng vậy, tâm thể chân như không phải là Bồ-đề, cũng không phải là phiền não. Do dấy nghiệp sanh phiền não, hễ có phiền não thì che khuất Bồ-đề. Thế nên phải giác, biết phiền não là nhân đau khổ cần phải xả bỏ. Giác biết phiền não, gọi là Bồ- đề. Phiền não và giác biết phiền não dường như hai. Nhưng thật sự thể nó không hai. Từ tâm thể chân như dấy khởi phiền não và cũng từ tâm thể chân như khởi giác phiền não, phiền não hết, giác (Bồ-đề) cũng không còn, chỉ là tâm thể chân như không hai, không khác. Tôi lấy ví dụ này cho dễ hiểu: Tâm chúng ta đang bình an, thì không có nhẫn, nhưng lúc chúng ta nổi sân mới có nhẫn để ức chế cơn sân cho lặng xuống, khi sân lặng rồi thì nhẫn cũng hết. Như vậy sân và nhẫn không thật, nó khởi lên từ tâm bình an rồi diệt mất. Thể nó không hai không khác. Cũng vậy, chúng ta vì mê nên mới chạy theo ngũ dục thế gian, bây giờ cần phải tỉnh giác để hết mê. Khi chúng ta hết mê rồi thì không cần tỉnh giác nữa, lúc đó không nói mê cũng không nói giác. Như vậy phiền não và Bồ-đề không phải hai. Và, “chân như vọng niệm thảy đều không.” Vọng niệm dấy khởi che khuất chân như. Khi vọng niệm dấy khởi nói là động, muốn trở về cái tịnh là chân như. Động và tịnh thấy như hai, vọng niệm là cái động lặng rồi đâu còn muốn trở về với cái tịnh là chân như. Hết động không nói tịnh (chân như) nữa, tự nó là như vậy thôi. Vậy, vọng niệm, chân như, phiền não, Bồ-đề chỉ là chuyện đối trị nhau thôi; đối trị rồi buông hết. Đó mới là chỗ chân thật cứu kính. 
     “Thân như cảnh huyễn, nghiệp như bóng.” Chúng ta mang thân này thấy nó là thật là quí. Nhưng xét cho cùng thì nó chỉ là cái thân tạm bợ giả dối. Nhìn lui về quá khứ, những người xưa như tổ tiên ông bà chúng ta, cũng hoạt động, cũng sanh sống, bây giờ còn đâu? Người kế đó cũng hoạt động cũng làm đủ thứ, bây giờ còn đâu? Người gần nhất là cha mẹ chúng ta cũng một thời làm ra tiền của, bây giờ còn đâu? Giờ đến chúng ta cũng lăng xăng hoạt động tạo tác, mai kia có còn không? Tất cả đều không còn. Như vậy người xưa và người nay có thật không? Nếu thật thì không mất. Bây giờ người trước mất, người kế mất, người sau cũng mất. Vậy thì cái gì là thật? Thân này chỉ là huyễn có, có không thật. Thân đã huyễn thì nghiệp cũng như bóng, vì nghiệp phát xuất từ thân khẩu ý, mà thân khẩu ý tựa nơi thân này. Thân không thật thì nghiệp cũng không thật, cũng như bóng như hình. Như vậy chúng ta có sợ nghiệp không? Đâu quí vị nói một câu chí lý nghe coi, sợ hay không? 
     Nếu đi đứng nằm ngồi lúc nào cũng thấy thân này như huyễn, nghiệp như bóng thì có gì sợ! Còn nếu lúc nào cũng thấy thân này thật thì có nghiệp thật nên phải sợ. Nhớ, phải thấy hai chiều, đừng nhìn một chiều. Ở đây Thượng Sĩ nói trong trường hợp của người tỉnh. Nếu chúng ta là người còn mê chưa tỉnh thì phải sợ nghiệp. Vì tạo nghiệp dữ thì đọa địa ngục, thọ quả báo khổ, tạo nghiệp lành thì sanh lên thiên đường được sung sướng. Như vậy, nếu còn thấy thân thật cảnh thật thì nghiệp cũng thật, nếu thấy thân giả, cảnh giả thì nghiệp như bóng như vang. Phật dạy rõ ràng như thế để chúng ta đừng lầm chấp. Người không hiểu nghe đâu chấp đó làm những chuyện không hợp đạo. Miệng nói thân không thật mà cứ tranh chấp quyền lợi hơn thua đủ thứ. Hành động như vậy không hợp lý, vì còn thấy thân thật. 
     “Tâm tợ gió đưa tánh tợ bồng.” Ở đây Thượng Sĩ dùng chữ tâm chữ tánh đúng ra nên dùng chữ chân tâm và vọng tưởng. 
     Chữ tâm chỉ cho vọng tưởng, chữ tánh chỉ cho chân tâm. Cỏ bồng khi khô, bông nó nhẹ, gió thổi bay bổng lên. Bông cỏ bồng vốn không bay, vì gió thổi nó mới bay. Cũng vậy tâm thể chân như vốn không động, nhưng vọng niệm dấy khởi in tuồng như có động. Giống như bông cỏ bồng tự nó không bay không động. Vì gió thổi đẩy nó bay lên; nó bay là do gió. Tâm thể chân như vốn không động, do vọng niệm dấy khởi in tuồng như động. 
     “Đừng hỏi tử sanh ma với Phật, các sao hướng bắc, nước về đông.” Tử, sanh, ma, Phật, tất cả những từ ngữ đó do đối đãi giả lập, không thật có nên Thượng Sĩ bảo đừng có hỏi, đừng có thắc mắc. Vì tất cả pháp trên thế gian này từ tâm dấy khởi, rồi lặng về như. Ví như (ở Việt Nam) sao trên trời đầu hôm thì thấy ở hướng đông, đến khuya thì thấy ở hướng tây, vì trái đất xoay nên đêm nào cũng như đêm nào đều thấy như thế không khác. Và, nước ở sông đều chảy ra biển đông, chớ không chảy lên đồi núi. 
     Bài này Thượng Sĩ nói, tất cả muôn sự muôn vật trên thế gian này tuy có sai biệt, nhưng đến chỗ rốt ráo chân thật đều hướng về chỗ như như, chớ không chỗ nào khác, nên Ngài đề tựa là “Muôn việc về như”. 
    Dịch: 
    THÓI ĐỜI HƯ DỐI 
     Vân cẩu đổi thay lắm vẻ mà 
     Mơ màng gởi trọn giấc Nam Kha. 
     Sương vừa rửa hạ, sen đang nụ 
     Gió mới mời xuân, mai đã hoa. 
     Trăng khuất núi tây, không còn bóng 
     Nước trôi đông hải, sóng đã qua. 
     Anh xem đàn én lầu Vương Tạ 
     Nay đến làm thân với mọi nhà. 
    Giảng: 
     Thói đời hư dối là thói đời không thật, vì luôn luôn đổi thay, không cố định. 
     “Vân cẩu đổi thay lắm vẻ mà.” Nhìn lên bầu trời chúng ta thấy những cụm mây khi hiện hình này, khi hiện hình nọ, có lúc như hình con chó, có lúc như hình con sấu, con cọp v.v... thay hình đổi dạng liền liền. Tại sao nó đổi thay như thế? Vì mây không cố định, tụ tan tạm bợ nên luôn luôn thay đổi hình dạng sắc tướng. Thượng Sĩ mượn hình ảnh mây để nói lên sự đổi dời của muôn vật. 
     “Mơ màng gởi trọn giấc Nam Kha.” Giấc Nam Kha dẫn từ câu chuyện Thuần Vu Phần nằm mộng thấy mình thi đỗ cao, được vua gả công chúa cho làm Thái thú quận Nam Kha vô cùng vinh hiển. Sau đó Vu Phần đi dẹp giặc bị thua trận, công chúa lâm bệnh nặng rồi mất. Nhà vua đem lòng nghi kỵ, cho về quê. Vu Phần chợt thức giấc thấy mình nằm dưới gốc cây hòe bên ổ kiến. Vu Phần ngẫm nghĩ mọi việc trong cuộc đời như ảo ảnh trong giấc mộng. Thượng Sĩ dẫn câu chuyện này nói lên muôn sự muôn vật ở cõi đời đổi thay như những cụm mây và cuộc sống mấy mươi năm của kiếp người như một giấc mộng. 
     “Sương vừa rửa hạ, sen đang nụ.” Về đêm sương rơi xuống rửa sạch cái nóng bức của mùa hạ. Hết tiết hạ sang tiết thu, nên hoa sen có nụ dưới hồ. “Gió mới mời xuân mai đã hoa.” Gió đông báo hiệu đổi mùa, sắp sang xuân mai cũng chuẩn bị nở hoa. Ở trước thất tôi chưa có gió đông mà thấy cây mai bắt đầu chớm nụ. Như vậy chỉ cần thời tiết thay đổi thì sự vật cũng theo đó đổi thay, nó luôn chuyển biến không dừng. Đây là những hình ảnh rất đẹp diễn tả mùa hạ vừa qua, mùa thu lại đến, mùa đông sắp tàn và mùa xuân bước sang. Nhờ sương rửa hết nóng bức của mùa hạ nên hoa sen nở, nhờ gió mới mời xuân về nên hoa mai rộ nở đón xuân. 
     “Trăng khuất núi tây, không còn bóng”: Trên hư không mặt trăng vừa khuất núi thì không còn một bóng trăng nào hiện ra và bầu trời tối mờ mịt. “Nước trôi đông hải sóng đã qua”: Ở dưới biển nước chảy về đông tức là về biển, thì các lượn sóng cũng tan. Như vậy trăng bị khuất núi không còn bóng, nước chảy ra biển những lượn sóng cũng mất theo. Đó là những hình ảnh diễn tả sự vật luôn luôn chuyển biến đổi dời rồi theo đó mà tan mất. 
     “Anh xem đàn én lầu Vương Tạ”: Họ Vương và họ Tạ là hai nhà quí tộc đời Tống phong lưu phú quí không ai sánh bằng. Khi đó có đàn chim én bay đến tụ tập trước lầu nhà họ chơi giỡn. Lúc cha mẹ họ Vương họ Tạ mất, con cháu họ nghèo khổ, đàn én bay tới nhà khác đậu. Cho nên thơ Đường có hai câu: “Cựu thời Vương, Tạ đường tiền yến, khí nhập tầm thường bách tính gia” tức là khi xưa trước nhà họ Vương, họ Tạ có bầy chim én tới đậu, bây giờ nó bay vào những nhà tầm thường của bá tánh. Thượng Sĩ dẫn ý này để nói lên cái thói đời hư dối, khi giàu sang phú quí thì biết bao người tìm đến làm thân, đến khi nghèo khổ hết thời thì bị mọi người coi rẻ và xa lánh. Giống như đàn chim én khi họ Vương họ Tạ giàu sang phú quí thì nó tụ về, lúc nghèo hèn khổ sở thì nó bay đi. Thói đời là như vậy, nên có câu “nghèo ở giữa chợ không ai hỏi, giàu ở núi sâu lắm khách tầm” (Bần cư náo thị vô nhân vấn, phú tại thâm sơn hữu viễn thân). Như vậy có cái gì là thật vinh thật nhục? Gặp thời thì mọi sự đều tốt, hết thời thì mọi sự đều xấu. Thói đời là đổi thay, là không thật thì lấy cái gì làm chuẩn cho sự nhục vinh? 
     Bài thơ này nói lên sự tạm bợ đổi thay của sự vật và của lòng người. Hai câu đầu nói lên cái tạm bợ của sự vật như mây nổi, như giấc mộng, không có gì thật. Bốn câu giữa chứng minh sự tạm bợ đổi thay qua thời tiết, qua ngoại cảnh trăng nước v.v... Hai câu cuối nói sự hư dối của thói đời, diễn tả rõ ràng sự đổi trắng thay đen của lòng người. Lúc phú quí thì kẻ đón người đưa, khi nghèo hèn thì người người xa lánh, đó là lẽ thường của thế gian. 
     
    Dịch: 
    HỌA THƠ QUAN HUYỆN 
     Đã từng nối gót Tứ Minh Cuồng 
     Ưa mến Y Vương với Quỉ Vương. 
     Trong chưa giác ngộ chân giác ngộ 
     Chỗ khó nghĩ bàn khéo nghĩ bàn. 
     Căn hèn muốn hỏi “trường sanh thuốc” 
     Tác giả(1) đâu cần “bất tử phương”. 
     Cá chẳng tìm mồi, nay nước lạnh 
     Đồng thời nơm, lưới thảy đều quên. 
    Giảng: 
     “Đã từng nối gót Tứ Minh Cuồng”: “Tứ Minh Cuồng” là biệt hiệu của ông Hạ Tri Chương, ông là người Vĩnh Hưng làm Thị Lang bộ Lễ đời vua Đường Huyền Tông, tánh ông phóng đãng, lúc già xin về làm đạo sĩ ở Kinh Hồ lấy hiệu là Tứ Minh Cuồng. Ngài dẫn câu chuyện này ý muốn nói nối gót theo ông Hạ Tri Chương chán danh vọng từ quan để làm đạo sĩ tự do phóng khoáng. 
    _________________________________________________________ 
    (1) Đáng lý là tác gia, chỉ cho người đạt đạo thì mới đúng ý của bài thơ. Nhưng trong bản chữ Hán in là tác giả nên chúng tôi vẫn để tác giả. 
    “Ưa mến Y Vương với Quỉ Vương”: Y Vương là chỉ đức Phật, Ngài được tôn xưng là Vô thượng Y Vương, tức là ông thầy thuốc không ai cao hơn được. Đức Phật được tôn xưng như vậy có xứng đáng không? Ở thế gian ông thầy thuốc giỏi nhất thì cứu được người bệnh sắp chết sống thêm năm, mười năm, gọi là thầy thuốc đại tài. Chúng ta sống trong sanh tử tuổi thọ cao lắm chỉ bảy mươi, tám mươi năm là chết. Ở đây đức Phật dạy chúng ta tu để không còn bị chết chi phối, vậy Ngài không phải ông vua thầy thuốc là gì? Ngài đưa chúng ta tới chỗ không còn sanh tử tức là vô sanh, nghĩa là sống với cái sanh mạng không cùng không dứt. Sanh mạng đó không phải là sanh mạng lăng xăng lộn xộn này, mà là bản thể thanh tịnh sáng suốt hiện có của chính mình. Nhận ra sống được với bản thể thì muôn kiếp chúng ta không còn bị sanh tử chi phối nên nói Phật là vị Y Vương. Lẽ ra chúng ta chỉ mến Y Vương chớ không có ưa Quỉ Vương. Nhưng tại sao Ngài nói ưa Quỉ Vương? Thật ra Quỉ Vương đáng sợ là khi nào chúng ta sợ nó, nếu chúng ta không sợ nó thì nó không đáng sợ. Song vì người ta có cái bệnh hay đổ thừa, chẳng hạn như một Thiền sinh tăng thấy một cô thiếu nữ đẹp, tâm xao xuyến bất an, ngồi thiền không yên, đổ thừa tại cô thiếu nữ mà hôm nay tôi ngồi thiền không yên. Có phải tại cô thiếu nữ đẹp nên Thiền sinh tăng ngồi thiền không yên không? Cô thiếu nữ đẹp là do phước đời trước của cô nên cô đẹp, đó là chuyện của cô, cô đi tới đi lui mặc kệ cô. Nếu vị ấy thấy cô thì biết mình có cái hay thấy, thì đâu có can hệ gì? Do thấy rồi khởi tâm phân biệt đẹp xấu rồi ưa thích nên xao xuyến bất an, đó là tại vị ấy, chớ đâu phải tại cô. Tại vị ấy mà vị ấy đổ thừa cho người thật là vô lý. Nếu tâm vị ấy không ưa thích xao xuyến bởi những hình sắc thì một trăm cô đi qua cũng không dính dáng gì vị ấy. Thấy Phật tâm an nhiên, thấy cô thiếu nữ tâm cũng an nhiên, thì Y Vương và Quỉ Vương đều thích có gì là tai họa? Tai họa là do mình chớ không phải do người làm cho mình họa, nhưng vì thiên hạ có cái bệnh đổ thừa, hễ có chuyện dở xảy ra là cứ đổ thừa tại người này người kia chớ không ai can đảm nhận cái xấu cái dở đó là do mình. Bây giờ biết rõ tất cả cái dở từ tâm mê nhiễm của mình mà ra, nếu hết mê hết nhiễm thì ngoại cảnh tốt xấu cũng không có giá trị, không làm hại được mình. Và, nhờ có Quỉ Vương nên chúng ta mới biết được tâm mình còn ô nhiễm hay hết ô nhiễm. Gần Phật lạy Phật tâm thanh tịnh chuyện đó là thường. Khi gặp duyên ô nhiễm mà tâm vẫn thanh tịnh thì Quỉ Vương rất hiền và rất dễ mến. Thế nên Thượng Sĩ nói: 
     “Trong chưa giác ngộ chân giác ngộ, chỗ khó nghĩ bàn khéo nghĩ bàn.” Trong chỗ chưa giác ngộ chúng ta phải thật giác ngộ, không thể lôi thôi lơ là được. “Chỗ khó nghĩ bàn” là từ ngữ nhà Thiền, tông Qui Ngưỡng có dùng câu: “Nan tư lương xứ diệu tư lương” nghĩa là “chỗ khó nghĩ bàn khéo nghĩ bàn”. Trong chỗ đó không cho chúng ta suy nghĩ, phân biệt, mà chúng ta phải khéo suy nghĩ phân biệt, đó là điểm đặc biệt của nhà Thiền. Chúng ta đọc qua đoạn đối đáp giữa Lục Tổ và Thiền sư Huyền Giác sẽ rõ chỗ này. 
     Sư Huyền Giác sau khi tham vấn Lục Tổ liền cáo từ ra về. Tổ bảo: 
     - Sao trở về quá nhanh! 
     Sư thưa: 
     - Vốn tự không động thì đâu có nhanh. 
     Tổ bảo: 
     - Cái gì biết không động? 
     Sư thưa: 
     - Ngài tự phân biệt. 
     Tổ bảo: 
     - Ngươi được ý vô sanh rất sâu! 
     Sư thưa: 
     - Vô sanh há có ý sao? 
     Tổ bảo: 
     - Không ý, cái gì biết phân biệt? 
     Sư thưa: 
     - Phân biệt cũng không phải ý. 
     Trong cái vô sanh không phải là không phân biệt, nhưng phân biệt mà không phải ý. Vậy ý là tư lương, tư lương mà không phải ý, mới gọi là “Diệu tư lương”. 
     “Căn hèn muốn hỏi trường sanh thuốc, tác giả đâu cần bất tử phương.” Người căn cơ thấp vì còn yêu bản ngã nên họ ưa sống lâu, do đó muốn xin thuốc trường sanh để uống cho được trường sanh bất tử. Tác giả là chỉ cho những bậc đã đạt đạo, những vị đó không cần những phương thuốc bất tử. Tại sao? Vì khi đã giác ngộ thì sống với cái thể bất sanh còn tìm cái vô sanh làm gì nữa. 
     Thượng Sĩ nói, khi chúng ta chưa giác ngộ thì phải thật giác ngộ, ngay trong cái khó nghĩ bàn khéo nghĩ bàn, nhưng cái nghĩ bàn không phải thuộc ý, người căn cơ thấp thì muốn tìm thuốc để được sống lâu, còn người đạt đạo không cầu sống lâu. Tại sao? Vì đạo tức vô sanh, vô sanh thì cầu bất tử làm gì? Để thấy, người tu chân thật phải làm được những điều đó. 
     “Cá chẳng tìm mồi, nay nước lạnh, đồng thời nơm, lưới thảy đều quên.” Hai câu này rất đẹp, mùa đông nước đóng băng, trời lạnh quá nên cá không đi tìm mồi. Khi cá không đi tìm mồi thì phương tiện để bắt cá là nơm và lưới cũng bỏ luôn. Đây nói lên cái ý khi chúng ta tu tới chỗ tâm nhất như rồi thì giống như trời mùa đông lạnh, cá không đi tìm mồi. Thông thường cá tìm mồi để nuôi sống. Cũng vậy, vọng tưởng luôn luôn chạy theo sáu trần để nuôi lớn phiền não vô minh. Nhưng khi công phu tu hành tới chỗ tâm nhất như thì giống như con cá lặng lẽ nằm yên không đi tìm mồi, nó không tìm mồi thì phương tiện để bắt cá là nơm và lưới cũng bỏ luôn. Khi chúng ta tu tới chỗ rốt ráo thì Bồ-đề Niết-bàn cũng không, phiền não vọng tưởng cũng hết, nghĩa là năng sở đều quên. Năng là con cá, sở là nơm lưới cả hai đều không còn. 

    Dịch: 
    CẢNH VẬT TỊNH BANG 
     Trại quê vừa dựng cảnh thanh tân 
     Đào lý xanh tươi bốn tiết xuân. 
     Tiếng sáo mục đồng, trăng gác lặng 
     Áo tơi mấy mảnh, mây ướt choàng. 
     Đường uốn ruột dê thông phố chợ 
     Khe chia đuôi én dứt hồng trần. 
     Quỉ thần trong tối cùng thầm bảo 
     Một giải phong quang anh ẩn thân. 
    Giảng: 
     Bài thơ này có chỗ nghi không phải của Thượng Sĩ, mà của Trần Quang Khải tên là “Đề Dã THự” (Dã thự là trại quê). Đọc bài này chúng ta thấy thuần là tả cảnh đẹp, chớ không chứa đựng ý nghĩa đạo lý, đúng là của ông Trần Quang Khải hơn là của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Vì bài này có bản chữ Hán nên tôi phải dịch ra, ở đây khỏi cần giảng kỹ. 
     
    Dịch: 
    HỌA THƠ 
    HƯNG TRÍ THƯỢNG VỊ HẦU 
     Thiền phong không trước cũng không sau 
     Bản thể như như sẵn vậy nào. 
     Thiếu Thất chín năm không một tiếng 
     Hoàng Mai đêm giữa tạm riêng truyền. 
     Tâm cơ chẳng dính tơ hào niệm 
     Khẩu nghiệp nhọc gì chọn lựa lời. 
     Vì bảo Nguyên quân Trần Xử Sĩ 
     Nhạn khuya một tiếng, hết đêm mù. 
    Giảng: 
     Đây là bài thơ Thượng Sĩ họa lại để tặng Hưng Trí Thượng Vị Hầu(1). Trong sử ghi rằng khi quân ta đánh với quân Nguyên, quân Nguyên thua bỏ chạy, nhà vua ra lệnh đuổi theo chớ không giết. Trần Quốc Nghiễn quá hăng nên xua quân đuổi theo giết quân địch rất nhiều. Khi làm lễ thưởng 
    _________________________________________________________ 
    (1) Hiệu của Trần Quốc Nghiễn con thứ hai của Trần Quốc Tuấn. 
    công tướng sĩ thì Trần Quốc Nghiễn bị nhà vua chê là không tuân lệnh, và giặc thua chạy mà còn đuổi theo giết là không có lợi. Vì sao? Vì Việt Nam là nước nhỏ dân ít, còn quân Nguyên nước lớn dân đông, tướng tài của mình đánh thắng họ là mừng rồi, họ thua để cho họ chạy về nước, đuổi theo giết họ chỉ gây thêm thù oán. Quốc Nghiễn vì quá hăng không nghĩ đến cái lợi hại lâu dài, khi bị quở và không được thưởng công, ông hơi buồn làm thơ than thở do đó Thượng Sĩ họa lại với lý Thiền để khuyên ông. Mở đầu Ngài nói: “Thiền phong không trước cũng không sau, bản thể như như sẵn vậy nào.” Sống Thiền là cốt trở về với bản thể như như, bản thể như như đó không trước không sau. Trước sau là chỉ cho không gian và thời gian, bản thể như như thì sẵn đó chớ không phải mới có mới thành. 
     “Thiếu Thất chín năm không một tiếng, Hoàng Mai đêm giữa tạm riêng truyền.” Tổ Đạt-ma chín năm ngồi xây mặt vào vách tại chùa Thiếu Lâm, lặng im không một tiếng để nói lên thể như như. Sống với bản thể như như thì không còn một tí vọng động. Và, ở Hoàng Mai giữa đêm Ngũ Tổ truyền ý bát cho Lục Tổ là việc tạm thôi. 
     “Tâm cơ chẳng dính tơ hào niệm, khẩu nghiệp nhọc gì chọn lựa lời.” Nếu tâm mình chẳng dính một mảy tơ, không một niệm nhỏ nhiệm khởi lên thì lo gì cái miệng mình nói bậy mà phải lựa lời. Sở dĩ miệng hay nói tào lao là tại tâm lăng xăng lộn xộn, nếu tâm lặng lẽ thì miệng không còn nói bậy. Chúng ta sở dĩ lựa lời nói cho khéo léo là tại tâm mình lộn xộn, khi thì nghĩ tốt, khi thì nghĩ xấu, cho nên phải kềm chế bằng cách lựa lời hay khéo để nói. Một khi tâm đã lặng lẽ không dấy niệm thì không còn lo sợ cái miệng nói bậy. Hai câu này ý nói người ta hay sợ cái quả mà không sợ cái nhân, lời nói phát ra là để diễn tả tâm tư của mình, tâm suy nghĩ tốt xấu thì thốt ra lời nói có hay có dở, nếu tâm tư lặng lẽ thanh tịnh thì lời nào thốt ra cũng thanh tịnh. Thế mà người đời cứ lựa lời nói cho hay cho khéo mà không chịu gạn lọc phiền não cho tâm được thanh tịnh. Lo lựa lời nói khéo là chúng ta chỉ lo tránh quả mà không sợ nhân. Thói thường chúng ta không sợ tạo nghiệp mà chỉ sợ cái khổ sanh tử luân hồi. Luân hồi thọ khổ là cái quả không đáng sợ, sợ là sợ tạo nghiệp, vì có nghiệp mới dẫn đi luân hồi. Song, nghiệp cũng không đáng sợ mà phải sợ cái nhân đưa đến sự tạo nghiệp là vọng tưởng. Như vậy muốn không tạo nghiệp, phải buông vọng tưởng, nên nói “tâm cơ chẳng dính tơ hào niệm, khẩu nghiệp nhọc gì chọn lựa lời”. Nghĩa là nội tâm không còn vọng tưởng thì lo gì tạo ra khẩu nghiệp. Vậy người tu Thiền muốn tránh cái quả luân hồi thì phải tránh cái nhân tạo nghiệp, muốn không tạo nghiệp thì phải buông hết vọng tưởng, dứt được manh mối ban đầu thì luân hồi làm sao có? Đó là cái gốc mà ai tu cũng phải lo thực hiện cho tốt. 
     “Vì bảo Nguyên quân Trần Xử Sĩ, nhạn khuya một tiếng hết đêm mù.” Trần Xử Sĩ cũng là hiệu của Trần Quốc Nghiễn. Về đêm trời khuya vắng lặng, một tiếng nhạn kêu thì sương mù tan ngay. Đây muốn nói khi tâm chúng ta thanh tịnh thì, mê mờ đau khổ đều sạch hết. Chỉ cần một phen ngộ thì mọi sự đều yên, nếu còn mê còn lăng xăng lộn xộn mà muốn tránh những cái khen chê, làm sao tránh khỏi? Chỉ khi nào tâm bừng sáng thì mọi cái mê mờ hết sạch, đó là lời khuyên chí lý của Ngài. Qua bài thơ này chúng ta thấy Thượng Sĩ khuyên Trần Quốc Nghiễn đừng buồn phiền vì đi đánh giặc có công mà không được trọng thưởng. Ngài khuyên ông phải ráng tu để tâm thanh tịnh thì mọi sự buồn phiền đau khổ đều hết. 
     

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

cửa buoc thien phat giao bình đẳng nam HÃy chÚ ai bi Nước ï¾ï½ xin quẻ đầu năm mười ba năm gặp lại cô thiền can phai nho du co nhung khi nong noi tạng đối nguyện Thà Ăn uống ngủ nghỉ như thế nào để lẠng Bài phật hành trình siêu ý niệm trang Sữa rụng nỗi biển Món 正法眼藏 lịch Ăn chay ngày rằm ở quán Ngoại ô lễ tưởng niệm thánh tử đạo thích triết luâ n hiếu nam chùa châu quang Lễ tưởng niệm lần thứ 38 cố Hòa Tuổi Gõ Thiền huẠPhật giáo bai hoc phat phap cho nguoi phat tu cột Nỗi nhớ ngày đông biết những bi ai lon nhat cua doi nguoi la do