00 Mục Lục 
01 Lời đầu sách của HT Thanh Từ
02 Đề Tựa của Tỳ Kheo Huệ Nguyên (1763)
03 Hành Trạng Thượng Sĩ
04 Đối Cơ (trả Lời Người Hỏi)
05 Tụng Cổ
06-1 Bài ca Tâm Phật 
06-2 Bài ngâm phóng cuồng, Sống chết nhàn mà thôi
06-3 Phàm Thánh không hai, Mê ngộ không khác, Ngậm bĩu môi
06-4 Bài văn Trứ Từ tự răn, Thời tiết an định, Dương chân, Vào cát bụi
06-5 Muôn việc về như, Thói đời hư dối, Họa thơ quan Huyện, Cảnh vật Tịnh Bang, Họa Thơ Hưng Trí Thượng Vị Hầu
06-6 Tụng đạo học Trần Thánh Tông, Chăn trâu đất, Vui thích giang hồ, Vật không tuỳ người, Viếng Đại Sư Tăng Điền, Thăm bệnh Đại Sư Phước Đường
06-7 Lễ Thiền sư Tiêu Dao ở Phước Đường, Cảnh vật Phước Đường, Tăng Pháp sư Thuần Nhất, Đùa Thiền Sư Trí Viễn xem kinh giải nghĩa, Điệu Tiên Sư
Khuyên đời vào đạo, Bảo chúng, Bảo chúng, Bảo học giả, Chợt hứng
06-8 Cội tùng đáy khe, Xuất trần, Đạo lớn không khó, Tâm vương, Thả trâu, Đề tịnh xá, Chợt hứng, Cây gậy, Chiếu thân, Tự đề, Chợt tỉnh, Tự tại, Bảo học trò, Bảo tu nghiệp Tây phương, Thoát đời, Vui thú giang hồ.
07 Lời Bạt

 

X
TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC GIẢNG GIẢI
Biên Soạn: Trúc Lâm Tổ Sư (Trần Nhân Tông) 
Dịch và Giảng: Hoà ThượngThích Thanh Từ
Ban Văn Hoá Trung Ương GHPGVN Xuất Bản 1996
    THI CA (tt)
    Dịch: 
    PHÀM THÁNH KHÔNG HAI 
     Thân từ vô tướng xưa nay không 
     Huyễn hóa phân chia thành nhị kiến. 
     Ta, người như móc cũng như sương, 
     Phàm, Thánh như sấm cũng như chớp. 
     Công danh phú quí đồng mây trôi 
     Năm tháng đời người dường tên bắn. 
     Chút tình thương ghét chợt dấy lên 
     Khác nào bỏ bột đi tìm bánh. 
     Mày ngang mũi dọc cũng như nhau 
     Phật với chúng sanh không khác mặt. 

    Ai là phàm chừ ai là Thánh 
     Nhiều kiếp kiếm tìm không căn tánh. 
     Không tâm chẳng thị cũng chẳng phi, 
     Chẳng kiến không tà cũng không chánh. 
     Đồ tể Quảng Ngạch thành nguyện vương 
     Tỳ-kheo Khánh Hỷ công đức thánh. 
     Tự giác giác tha độ đường mê 
     Khắp cõi mát lành không nóng bức. 
     Anh thấy chăng 
     Người mất trước đó là ai? 
     Người được sau đó là ai? 
     Hai tâm sai khác một dòng mạng. 
     Rốt cuộc vào tám muôn bốn ngàn pháp môn đà-la-ni. 
     Đồng nhiếp vào gương trí rộng lớn tròn đầy Như Lai. 
     Chao! 
    Giảng: 
     Ai tu cũng có quan niệm chuyển phàm thành Thánh, hay tiến từ nhân vị phàm phu lên quả vị Thánh. Đây là ước nguyện chân chánh, nhưng sao ở đây Thượng Sĩ nói Phàm Thánh không hai? Đây Ngài giải thích: 
     “Thân từ vô tướng xưa nay không, huyễn hóa phân chia thành nhị kiến.” Thân của chúng ta từ thể vô tướng, xưa nay vốn là không, do duyên hợp tạm có hình tướng huyễn hóa. Thế mà chúng ta phân chia hai thứ ta người, phàm Thánh, phải quấy... Tất cả những cái thấy phân biệt hai bên gọi là nhị kiến. Đã là cái thân huyễn hóa không thật thì thân nào là phàm, thân nào là Thánh? 
     “Ta, người như móc cũng như sương, phàm, Thánh như sấm cũng như chớp.” Thấy ta khác thấy người khác, nhưng sự thật ta và người huyễn hóa tạm bợ như sương như móc, sáng thấy mờ mờ nắng lên tan mất không còn. Và, phàm Thánh cũng vậy. Vừa nói phàm vừa gọi Thánh thoáng chốc là mất đi, giống như sấm vừa nổ vang sau đó liền dứt tiếng, chớp vừa lòe sáng cũng tắt ngay. Vì nó là ý niệm ngôn ngữ hai bên đối đãi, không thật, không bền. 
     “Công danh phú quí đồng mây trôi, năm tháng đời người dường tên bắn.” Sự giàu sang danh vị ở cõi đời, ai cũng thèm khát mong muốn, muốn cho mình có địa vị trong xã hội để nở mặt nở mày, muốn cho mình được giàu sang sung sướng. Nhưng giàu sang danh vị không bền lâu, mới tiền rừng bạc bể đó chẳng bao lâu trắng tay, vừa tiền hô hậu ủng đó trở thành kẻ lưu đày. Giàu sang danh vị chẳng khác nào chòm mây trôi nổi bồng bềnh trong hư không, vừa thấy đó là mất đó. Tuổi đời mấy mươi năm chúng ta tưởng chừng như dài lắm, nhưng ngồi nhớ lại ngày tháng qua thấy nhanh như tên bắn. Những câu này Thượng Sĩ chỉ cho chúng ta thấy tính chất của nhân ngã, phàm Thánh, công danh phú quí, thời gian năm tháng chỉ là ý niệm hai bên không thật, thoáng có rồi không, đừng có mê chấp. 
     “Chút tình thương ghét chợt dấy lên, khác nào bỏ bột đi tìm bánh.” Trong lãnh vực tu hành, muốn nhận ra pháp thân thanh tịnh có sẵn nơi mình mà khởi niệm thương ghét thì pháp thân bị che khuất, không làm sao nhận ra được. Giống như muốn ăn bánh mà bỏ bột, vì bỏ bột thì không có bánh. Vậy, muốn cho pháp thân hiển lộ thì phải dứt niệm thương ghét, vì thương ghét là niệm hai bên; những niệm hai bên lặng hết thì pháp thân hiện tiền. Cũng như biết lấy bột làm bánh thì có bánh ăn. Mục đích tối thượng của sự tu hành là chúng ta nhận ra pháp thân hằng hiện hữu nơi mình, nếu để niệm thương ghét, buồn giận, hơn thua, phải quấy dấy lên là nuôi dưỡng cái thứ phản bội che đậy pháp thân trong sáng của mình. Nó là giặc phá hoại của báu nhà mình, phải gan dạ xa lìa xả bỏ chớ theo nó. Quí vị có gan dạ xa lìa vọng niệm, hay nó dấy lên lưu luyến nuôi dưỡng? Nuôi dưỡng dòng niệm trước độ mười lăm phút mới bỏ, dòng niệm sau khởi tiếp tục nuôi nữa, cứ như thế nuôi hết niệm này tới niệm kia! Nuôi thương ghét buồn vui... hết ngày này tới tháng kia, tới năm nọ, cho tới già chết. Ai nuôi nó thì không nhận ra pháp thân chân thật của mình, ai buông sạch vọng niệm, không cầu ngộ, pháp thân vẫn hiện tiền. 
     “Mày ngang mũi dọc cũng như nhau, Phật với chúng sanh không khác mặt.” Phàm và Thánh là một hay hai? Nói một không được, nói hai cũng không thông. Giả sử có một người phát tâm tu; khi mới phát tâm phiền não vẫn còn, nên gọi là phàm. Nhưng nhờ họ tinh tấn tu hành dẹp bỏ hết phiền não, dứt sạch niệm hai bên, ngộ được pháp thân thanh tịnh gọi là Thánh. Vậy, người còn phiền não khi trước và người ngộ pháp thân lúc sau là một hay hai? Nếu là một tại sao trước kia không gọi người đó là Thánh mà gọi là phàm? Và, tu hết phiền não giác ngộ mới gọi người đó là Thánh? Nói phàm nói Thánh dường như hai,  nhưng sự thật không phải hai. Vậy, tất cả người phàm, nếu khéo tu buông hết vọng tưởng, ngộ được pháp thân chân thật thì là Thánh, nên nói Phật với chúng sanh không khác mặt. Chỗ này còn một ý nữa là, đa số người đời cho rằng Phật là nhân vật có ba mươi hai tướng tốt, có hào quang phóng ra sáng rỡ, ngự trên tòa sen rất uy nghiêm. Người tu chỉ là con người bằng xương bằng thịt, tầm thường như bao nhiêu người đời. Giả sử như vị ấy tu dẹp hết vô minh phiền não, hoàn toàn giác ngộ thành Phật, nhưng không đủ ba mươi hai tướng tốt, không phóng hào quang, không ngồi tòa sen, mà đi vào xóm làng để hóa duyên, gặp quí vị, quí vị cho đó là Phật hay là chúng sanh? Nhìn qua thân hình thì thấy cũng như mọi người! Khi còn mê cũng là thân này, cũng mày ngang mũi dọc, khi giác ngộ rồi cũng là thân này cũng mày ngang mũi dọc. Nhưng chỉ khác ở mê và ngộ chớ thân tứ đại không khác. Thế nên Thượng Sĩ nói: “Mày ngang mũi dọc cũng như nhau, Phật với chúng sanh không khác mặt.” 
     “Ai là phàm chừ ai là Thánh, nhiều kiếp kiếm tìm không căn tánh.” Căn cứ vào thân tứ đại này, hỏi ai là phàm ai là Thánh làm sao phân định để trả lời? Phàm và Thánh không cố định, người mê gọi là phàm người giác gọi là Thánh. Mê giác là ở nội tâm người, chớ không do thân thể hình hài mà nên. Con người ai cũng mang thân tứ đại như nhau, không khác; nhưng khi mê là phàm khi giác là Thánh. Muốn tìm kiếm nguồn gốc căn tánh của mê và giác khó mà tìm được, dù trải qua nhiều đời nhiều kiếp cũng không tìm được. Vì mê giác không có cội gốc làm sao mà tìm? 
     “Không tâm chẳng thị cũng chẳng phi, chẳng kiến không tà cũng không chánh.” Không tâm đây không phải là tâm không ngơ, mà là tâm không dấy niệm. Tâm không dấy niệm thì không có chuyện phải (thị) quấy (phi). Sở dĩ chúng ta thấy đây là phải kia là quấy, là do chúng ta khởi niệm phân biệt, nếu tâm hằng lặng lẽ không khởi niệm thì đâu có phải quấy. Người tu mà không khởi niệm phân biệt, không cho đây là phải kia là quấy, thường bị người đời cho là ba phải. Vì người đời khởi động niệm nên nói đây phải kia quấy. Người không khởi niệm làm sao xác định cái nào phải cái nào quấy? Nếu cần phải nói thì nói không phải không quấy, mà nói như thế thì người đời cho là ngu, không biết phải quấy. Người đời do quá khôn nên thấy phải quấy, tốt xấu, hơn thua đủ thứ. Còn người thật tu không phân biệt phải quấy thì bị cho là ngu. Như vậy quí vị có gan dạ làm kẻ ngu không? Đa số người đời thích khôn hơn là ngu, vì khôn mới cãi lý hơn người, còn ngu thì đâu có cãi, cũng không hơn ai. Không khởi niệm phải quấy thì có gì để cãi! Giả sử tất cả Tăng Ni ở đây, không có ai còn khởi niệm phân biệt phải quấy thì, đi từ thiền đường đến phòng tăng đến trai đường, đi đâu cũng không có tiếng cãi lý hơn thua. Còn nếu quí vị còn niệm phải quấy thì đi đâu cũng nghe quí vị nói cãi ồn ào, từ bên TĂNG LẫN BÊN NI. CHẳNG HạN NHƯ THấY CÀNH HOA hồng, người nói tốt người nói xấu, rồi cãi nhau. Xế chiều thì hoa hồng rã cánh rụng hết, vậy hoa hồng tốt hay xấu? Thật là vô lý, vật hết sức là tạm bợ, thế mà chúng ta cứ chấp chặt vào đó để tranh cãi, cãi cho ra lẽ, nhưng rốt cuộc rồi chẳng tới đâu! Đó là nghiệp thức của chúng sanh, do có tâm thức phân biệt, nên mới có phải có quấy. Nếu không tâm phân biệt, nào có thị có phi. Và, do tâm phân biệt phải quấy, nên mới khởi kiến chấp pháp này là tà, pháp kia là chánh; tà chánh là do tâm chấp trước mà ra. Nếu không khởi niệm không chấp trước thì cái gì tà cái gì chánh? 
     “Đồ tể Quảng Ngạch thành nguyện vương, Tỳ- kheo Khánh Hỷ công đức Thánh.” Thượng Sĩ trình bày phàm Thánh không khác, không thị phi, không chánh tà. Tiếp theo Ngài dẫn câu chuyện người đồ tể tên Quảng Ngạch bỏ nghề giết hại phát nguyện tu, chẳng bao lâu được giác ngộ, nên nói đồ tể Quảng Ngạch thành nguyện vương (kinh Đại Bát-niết-bàn). Khánh Hỷ nghĩa là vui mừng, là tên của tôn giả A-nan, em con nhà chú của Thái tử Sĩ-đạt-ta. Ngài ra đời ngay khi Thái tử Sĩ-đạt-ta thành Phật. Thái tử thành Phật là niềm vui mừng lớn của nhân loại, nên Ngài được đặt tên là Khánh Hỷ. Khi lớn lên Ngài xuất gia làm Tỳ-kheo, làm thị giả hầu cận bên Phật, là một trong những đệ tử lớn của đức Phật, là bậc đa văn có đức hạnh đầy đủ, tu chứng được quả Thánh. Thượng Sĩ nói Tỳ-kheo Khánh Hỷ hầu cận Phật tu thành Thánh, người đồ tể tu cũng thành Thánh. Chỗ này cho thấy, chẳng riêng người gần gũi Phật như thị giả A-nan tu mới thành đạo, mà tên đồ tể từng làm nghề giết hại sanh vật, nếu khéo tu cũng thành tựu đạo quả. Như vậy nói ai phàm ai Thánh? Đâu phải đồ tể là phàm, đâu phải Tỳ-kheo là Thánh, mà phàm Thánh chỉ ở mê và giác. Vậy, với người giác ngộ không nói ai là phàm ai là Thánh. 
     “Tự giác giác tha độ đường mê, khắp cõi mát lành không nóng bức.” Tự mình tu được giác ngộ rồi, ra giáo hóa giúp cho người người được giác ngộ như mình, cũng ra khỏi mê lầm, khiến cho cõi đời này được an vui thanh thoát. Nói theo Thượng Sĩ là khắp cõi mát lành không nóng bức. Vậy, trọng tâm của người tu là phải làm sao tu cho mình được giác ngộ, sau đó giáo hóa cho người cũng được giác ngộ, như thế mới đem lại an vui lợi ích cho chúng sanh. Ví dụ Tăng Ni trong Thiền viện, nếu ai cũng tỉnh giác biết thân này và ý niệm của tâm là huyễn hóa không thật, biết niệm khởi là gốc tạo nghiệp, không khởi vọng niệm, không chạy theo cảnh, không chấp thân là thật. Toàn chúng cả trăm người ai cũng thấy như vậy thì từ sáng tới chiều đâu có bực bội phiền não, ngày nào cũng an lành mát mẻ. Quí vị thấy như thế nhắc nhở cho mọi người cũng thấy như thế, thì cõi đời này thanh tịnh an vui dường nào! Sở dĩ bây giờ có vui buồn phiền não là tại chúng ta chưa tỉnh giác, nên sanh khởi nhiều chuyện lôi thôi. 
     “Anh thấy chăng, người mất trước đó là ai? người được sau đó là ai?” Thượng Sĩ hỏi chúng ta có thấy chăng, thân này hư hoại chết đi là ai? Và người chết tái sanh thân khác là ai? Thân cũ thân mới (thân tiền ấm thân hậu ấm) dường như là hai thân hai tâm. Song, sự thật nó chỉ là một dòng sanh mạng; thân trước hoại mất là tử, thân sau được tức là sanh. Sanh tử thấy như có đây được kia, nhưng thật chỉ là mình chớ không có ai khác. Thế nên Thượng Sĩ nói: “Hai tâm sai khác một dòng mạng.” Tất cả niệm được niệm mất đều không thật. Nó là gốc của nghiệp dẫn chúng sanh đi trong luân hồi sanh tử. Không phải cái này được sanh cái kia bị mất là hai cái khác biệt. 
     “Rốt cuộc vào tám muôn bốn ngàn pháp môn Đà- la-ni, đồng nhiếp vào gương trí rộng lớn tròn đầy Như Lai. Chao!” Đà-la-ni là tổng trì, gồm giữ tất cả. Tất cả pháp hữu vi có hình tướng sai biệt có sanh có diệt, đồng nhiếp chung một Tánh Giác như nhau, hay nói cách khác là đồng nhiếp chung một gương trí tuệ Phật rộng lớn của mình. Vậy, gương trí tuệ Phật của mình mới là cái gốc, còn tất cả tướng sanh diệt chỉ là cái tạm giả dối không thật. Thấy như vậy mới là thấy tột cùng. 
     Tóm lại, với đôi mắt giác ngộ thấy phàm Thánh không hai. Nhưng người đời thấy là hai và lúc nào cũng nghĩ phàm phu tu để được làm Thánh. Phàm Thánh không hai, mê là phàm, giác là Thánh; tuy mê giác có khác ở nội tâm, chớ thân không khác. Chúng ta tu muốn được giác ngộ là phải biết rõ vọng niệm là si mê dẫn đi trong luân hồi sanh tử, nên không dấy niệm phải quấy hơn thua không chạy theo ngoại cảnh. 
    Dịch: 
    MÊ NGỘ KHÔNG KHÁC 
     Mê đi sanh không sắc 
     Ngộ lại chẳng sắc không. 
     Sắc không mê ngộ ấy, 
     Một lý xưa nay đồng. 
     Vọng dấy tam đồ dấy 
     Chân thông ngũ nhãn thông. 
     Niết-bàn tâm vắng lặng 
     Sanh tử biển trùng trùng. 
     Chẳng sanh lại chẳng diệt 
     Không thủy cũng không chung. 
     Chỉ hay quên nhị kiến 
     Pháp giới thảy bao dung. 
    Giảng: 
     “Mê đi sanh không sắc, ngộ lại chẳng sắc không.” Con người khi còn mê không biết mình từ đâu sanh ra và khi chết cũng không biết mình sẽ về đâu? Nói cách khác là do mê nên không biết đường sanh tử thế nào, vì vậy mà thấy có sắc có không; không là cái không hình tướng, sắc là cái có hình tướng, hai cái đối đãi nhau. Ví dụ như thân người, cái bàn, cái ghế... là sắc, khoảng trống trong không gian thì gọi là không. Do mê nên thấy có sắc có không đối đãi nhau, khi ngộ rồi thì không thấy có sắc có không đối đãi nhau nữa. Tại sao vậy? Vì con người chúng ta ai cũng quen nhìn cái có hình tướng gọi đó là sắc, còn cái không hình tướng gọi đó là không, thành ra có sắc và không tương đối. Nhưng chỗ rốt ráo thì sắc không thật là sắc, không không thật là không. Như thiền đường này, bên ngoài là một lớp trống không, kế đó là một lớp vách, cửa, mái bao bọc phủ kín gọi là cái nhà (sắc ), bên trong nếu đặc kín thì không phải là cái nhà. Bên trong cái nhà cũng là một khoảng trống không. Như vậy, cái trống không trùm cả trong lẫn ngoài cái dáng che đậy tạm bợ gọi là cái nhà, chớ không thật. Đó là đứng trên phương diện đối đãi mà nói, nếu đứng trên bình diện cùng tột thì, thiền đường này trước đây là sắc hay là không? Nếu nói là sắc thì chỉ là những cây thông thôi, chớ không có cái thiền đường. Do duyên hợp lại lập thành cái nhà gọi là thiền đường. Như vậy thiền đường trước không tự có, do duyên hợp tạm có thiền đường. Nhưng, năm bảy mươi năm sau nếu nó hư không sửa, nó cũng trở lại thành không. Vậy trước không sau không, giữa chỉ có tạm bợ, có không thật có. Vậy, sắc thể nó vốn là không, và không thể cũng là không; không và sắc đồng một thể, không hai. Thế nên khi ngộ thấy được tột cùng thì không có cái sắc thật cái không thật, chẳng qua là đối đãi giả lập thôi. Vì vậy mà Thượng Sĩ nói khi mê thấy có sắc và không, khi ngộ thấy sắc và không đều không thật chỉ là giả danh. 
     “Sắc không mê ngộ ấy, một lý xưa nay đồng.” Trước Thượng Sĩ nói sắc không không phải hai, giờ đây Ngài nói mê và ngộ lý xưa nay đồng. Người chưa tu là còn mê, nhưng phát tâm tu công phu viên mãn hốt nhiên ngộ được lý đạo; khi chưa ngộ và khi ngộ rồi vẫn là một người, chỉ khác nhau ở chỗ mê và ngộ thôi. Ví dụ nhà đang tối, bật đèn thì nhà sáng, vừa rồi nhà tối giờ đây nhà sáng, hai hiện tượng tối sáng khác nhau rõ ràng, nhưng cùng ở trong nhà mà thấy có tối và sáng dường như hai. Song không phải hai, vì tối cũng ở trong nhà mà sáng cũng ở trong nhà, chớ không ngoài cái nhà. Khi nhà tối chúng ta nói là tối, khi bật đèn sáng chúng ta nói là sáng. Thấy tối thấy sáng là do mắt nhìn chớ khoảng không gian đâu có tối sáng, không đổi thay vẫn là khoảng không gian trong nhà. Cũng vậy, tâm thể con người không mê không ngộ, vì tâm thức loạn tưởng không thấy suốt được lẽ thật thì gọi là mê, khi thấy suốt được lẽ thật thì gọi là ngộ. Vậy, mê ngộ là do thấy được lẽ thật và không thấy được lẽ thật, chỉ khác nhau chỗ đó thôi, chớ tâm thể trước sau không đổi dời. Như trong nhà trước tối sau sáng, khoảng hư không trong nhà trước sau không đổi. Khi có ánh sáng thì bóng tối chạy đi đâu quí vị có thấy không? Và, khi đèn tắt mất ánh sáng, bóng tối từ đâu chạy tới quí vị thấy không? - Sáng tối có ở đâu đến và có đi đâu không? - Thấy sáng thấy tối là do mắt của người mê loạn thấy, chớ sáng tối không thật, hư không trong cái nhà trước sau là một. Cũng vậy, mê ngộ khác nhau trên cái dụng biết và không biết được lẽ thật, chớ tâm thể trước sau không khác. 
     “Vọng dấy tam đồ dấy, chân thông ngũ nhãn thông.” Khi vọng niệm dấy lên thì tạo nghiệp đi trong luân hồi sanh tử, nếu niệm lành thì tạo nghiệp lành sanh cõi người cõi trời, nếu khởi niệm ác thì tạo nghiệp ác, đi trong ba đường dữ là địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh chịu bao nhiêu thứ khổ đau. Và, nếu không khởi niệm, thấu suốt được lý chân thật thì được ngũ nhãn lục thông. Như vậy, nếu chúng ta sống với vọng niệm thì lục đạo tam đồ hiện, nếu chúng ta sống với lý chân thật thì ngũ nhãn lục thông hiện. Hai đường mê ngộ rõ ràng, thế nên chúng ta tu, chủ yếu là phải buông xả vọng niệm, vì còn dấy niệm là còn đi trong luân hồi, dứt vọng niệm thì Thể chân thật hiện bày. 
     “Niết-bàn tâm vắng lặng, sanh tử biển trùng trùng.” Niết-bàn là quả của tâm thanh tịnh vắng lặng, sanh tử là quả của tâm thức dấy khởi dồn dập như sóng biển trùng trùng. Thế nên nói tới sanh tử là nói tới vọng niệm dấy khởi liên miên, giống như sóng biển nối tiếp không ngừng. Còn tâm thanh tịnh vắng lặng chính là Niết-bàn. Như vậy, chúng ta tu không tìm cầu Niết-bàn ở đâu xa mà phải dừng vọng niệm, tâm vắng lặng thanh tịnh thì Niết- bàn hiện tiền. Niết-bàn sanh tử không rời tâm người. 
     “Chẳng sanh lại chẳng diệt, không thủy cũng không chung.” Tâm thể của mỗi người vốn không sanh cũng không diệt, không trước cũng không sau. Nếu tâm mê chạy theo vọng tưởng đó là sanh tử. Nếu tâm giác thì dứt vọng tưởng, thanh tịnh là Niết-bàn. Như vậy, Niết-bàn là cái chẳng sanh chẳng diệt, không trước không sau, nhưng nếu mê khởi vọng niệm thì bao nhiêu thứ trần lao dấy khởi không thể kể hết. 
     “Chỉ hay quên nhị kiến, pháp giới thảy bao dung.” Nhị kiến là cái thấy hai bên theo sở chấp. Như thấy thân mình là thật, thấy thân người là thật, chấp chặt là ta là người... đó là nhị kiến. Giờ chỉ cần buông bỏ cái chấp hai bên thì pháp giới thảy bao dung, tâm trùm cả pháp giới. Nhị kiến là chỉ cho cái thấy hai bên là sắc không, mê ngộ, có không, Niết-bàn sanh tử... Tức là tâm không khởi niệm về sắc không, mê ngộ, có không, Niết-bàn sanh tử... Ý niệm về những sự việc đó là hư dối không thật. Vì nếu hết sanh tử thì không còn nói đến Niết-bàn; Niết- bàn nghĩa là vô sanh; sanh tử là sanh rồi chết, chết rồi sanh lại liên miên. Khi dứt sanh tử thì không còn danh từ sanh tử, danh từ sanh tử đã không thì danh từ Niết-bàn cũng không có. Thế nên, Niết-bàn, sanh tử, mê ngộ... đều không thật. Vậy mà lúc nào chúng ta cũng sống trong tương đối hai bên không thật. Mở mắt ra nhìn sự vật thì thấy thật, mở miệng nói thì nói hai bên, cử động nào cũng hai bên hết. Giờ đây nói sắc nói không, nói thị nói phi... tất cả những cái đó cùng một thể như nhau. Nếu chúng ta biết tất cả pháp đối đãi cùng một thể thì nghe khen cũng như nghe chê không có gì khác. Vậy, nếu chúng ta biết tất cả pháp đối đãi hai bên đều không thật thì tâm không chấp không kẹt, tâm mở rộng khắp cả bầu trời. Nếu thấy tất cả pháp đối đãi hai bên là thật thì tâm chấp trước không kẹt chỗ này cũng dính chỗ kia, lúc nào cũng vướng mắc. Quí vị tu muốn tâm mình bao dung trùm khắp hay lúc nào cũng vướng mắc? - Ai tu cũng muốn mình tự do tự tại, chớ không muốn kẹt dính. Vậy, muốn tự do tự tại thì phải buông xả, không cố chấp, bằng không thì cứ thấy mình đúng người sai, mình tốt người xấu... Cả ngày giận tức, phiền lo, bực bội không yên, đủ thứ khổ. Đứng trên mặt thể mà nói thì thân ai cũng là thân tứ đại, không người nào là không mang thân tứ đại. Tứ đại là cái thể của thân người, nhưng trên thân, phân biệt có đẹp có xấu, có nam có nữ. Từ cái phân biệt đó sanh ra đủ thứ chuyện. Nếu tất cả chúng ta ai cũng thấy thân người do tứ đại hòa hợp mà thành, không ai khác ai thì không còn thấy đẹp thấy xấu, thấy nam thấy nữ. Bấy giờ tâm chúng ta bao dung, không còn nghe khen đẹp thì vui, nghe chê xấu thì buồn... tâm lúc nào cũng thênh thang rộng rãi. Do thấy phải là tốt, thấy quấy là xấu, nên ai cũng thích phải ghét quấy; thấy đúng là tốt, thấy sai là xấu nên làm điều gì ai cũng muốn mình đúng mình hay để được khen. Ngược lại thì bất mãn phiền não. Cái phải, cái đúng, cái hay nó không thật, thế mà chúng ta chấp nên sanh ra bao nhiêu thứ bệnh. Nếu chúng ta thấy tất cả pháp đối đãi không thật, chỉ là giả tướng giả danh thì không kẹt không dính vào đâu cả, tâm tự tại vô ngại. Quí vị có muốn làm người tự do tự tại không? Nếu muốn thì đừng khởi niệm phân biệt chấp trước, kẹt dính hai bên, buông xả niệm phân biệt chấp trước hai bên thì giải thoát mọi ràng buộc. Hiểu như thế mới thấu cái lý mê ngộ không khác và nhận chân lẽ thật. 
    Dịch: 
    NGÂM BĨU MÔI 
     Xưa nay một vật chừ cũng sai, 
     Thân sanh mang nghiệp chừ cũng phải. 
     Vì sao ngũ uẩn chừ lăng xăng 
     Bám chặt tứ đại chừ nương tựa. 
     Bỗng có cao thấp chừ ngắn dài 
     Tự chịu sanh già chừ bệnh chết. 
     Người có thạnh chừ thì có suy 
     Hoa có tươi chừ thì có héo. 
     Nước có hưng chừ thì có vong 
     Thời có thái chừ thì có bĩ. 
     Ngày có chiều chừ thì có mai 
     Năm có chung chừ thì có thủy. 
     Trở về ẩn đạo chừ núi rừng 
     Nguội lạnh lợi danh chừ triều thị. 
     Thiếu Thất chín năm chừ cùng ta đồng tâm 
     Hoàng Mai nửa đêm chừ với ta tri kỷ. 
     Tùy phần chừ Liên Xã châu mày 
     Rộng chí chừ Triệu Châu răng gõ. 
     Dù cho trước tiếng chừ gật đầu 
     Đâu được trong giày chừ động ngón 
     Lò hồng không đúc chừ dùi trong đãy 
     Cọp mạnh đói chừ chẳng liếc mồi. 
     Minh châu há ngại chừ sóng gió 
     Sắc chánh sá gì chừ tía hồng. 
     Đến đây rồi chừ sự lý toàn bày 
     Cầm giữ, buông bỏ chừ đâu cần nghĩ ngợi. 
     Trâu đá giữa đêm vào biển đông 
     Càn ngã san-hô, trăng như nước. 
    Giảng: 
     Bĩu môi là trề môi tỏ thái độ không bằng lòng, Thượng Sĩ là người đã giác ngộ mà còn bĩu môi tỏ thái độ không bằng lòng việc gì? Chúng ta hãy đọc kỹ sẽ thấy cái bĩu môi của Ngài. 
     “Xưa nay một vật chừ cũng sai, thân sanh mang nghiệp chừ cũng phải” là cái bĩu môi của Thượng Sĩ. Lục tổ Huệ Năng đâu không nói “bản lai vô nhất vật” là bản thể chân thật có sẵn nơi mỗi người; vì không hình tướng, không sanh diệt, không bị vô thường chi phối nên nói không một vật. Nếu nói có một vật là không đúng. Khi ngài Hoài Nhượng tới Lục Tổ. Lục Tổ hỏi: 
     - Ở đâu đến? 
     Hoài Nhượng thưa: 
     - Ở Tung Sơn đến. 
     - Vật gì đến? 
     - Nói in tuồng một vật tức không trúng. 
     - Lại có thể tu chứng chăng? 
     - Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được. 
     Qua câu nói này Lục Tổ liền ấn chứng cho sau này làm Tổ. Khi ngài Hoài Nhượng đáp: “nói in tuồng một vật tức không trúng” là đã khế hợp với “bản lai vô nhất vật” mà Lục Tổ đã nói. Tuy ngài Hoài Nhượng trả lời khế hợp với chỗ thấy của Lục Tổ, nhưng Lục Tổ muốn trắc nghiệm xem Ngài đã thấu suốt chưa mới hỏi tiếp: “Lại có thể tu chứng chăng?” Ngài đáp: “Tu chứng tức chẳng không (chẳng không tức là có), nhiễm ô không thể được.” Vì Thể chân thật không tướng mạo làm sao nhiễm nhơ được, nên Thượng Sĩ nói “xưa nay một vật chừ cũng sai”. Nhưng, khi đã “sanh thân mang nghiệp chừ cũng phải”. Tại sao lạ vậy? Vì đã mang nghiệp sanh ra trên đời này rồi thì thấy thân mình là thật có, thấy muôn vật là thật có; cái gì có cũng phải hết. Thượng Sĩ nói khi tỉnh ngộ chỉ nói một vật cũng là sai, khi mê tạo nghiệp đi trong luân hồi sanh tử, thì thôi vô số sự vật cái nào cũng phải. Đó là hai câu đầu nói về Thể chân thật xưa nay vốn không một vật của người đã giác ngộ. Và, người mê tạo nghiệp sanh thân thì thấy muôn ngàn sự vật đều có. 
     “Vì sao ngũ uẩn chừ lăng xăng, bám chặt tứ đại chừ nương tựa.” Tại sao chúng ta bị năm uẩn tụ họp làm rối loạn, rồi chúng ta nương bám vào sắc uẩn là thân tứ đại này, cho đó là thân mình? Thượng Sĩ bĩu môi không bằng lòng là không bằng lòng chỗ này. Tại sao trước không có một vật mà bây giờ ngũ uẩn tập hợp, chúng ta nương bám sắc thân tứ đại cho là mình, có vô lý không? 
     “Bỗng có cao thấp chừ ngắn dài, tự chịu sanh già chừ bệnh chết.” Từ chỗ bám chặt vào sắc thân tứ đại cho là mình, nên thấy mình cao người thấp, mình hay người dở, tạo bao thứ nghiệp, rồi chịu quả khổ sanh già bệnh chết. Khi đã mang thân sanh già bệnh chết, cứ chấp chặt vào thân, mất thân này chụp thân khác, tiếp nối kiếp kiếp đời đời không ngừng. Đây là hiện tượng mà Thượng Sĩ bĩu môi không bằng lòng. Đối với hiện tượng này chúng ta bĩu môi hay vui mừng hỉ hạ? - Chúng ta sanh ra là tổ chức ăn mừng, Thượng Sĩ thì thấy vô lý, nên Ngài diễn tả cho chúng ta thấy cái vô nghĩa của cuộc đời. 
     “Người có thạnh chừ thì có suy, hoa có tươi chừ thì có héo, nước có hưng chừ thì có vong, thời có thái chừ thì có bĩ, ngày có chiều chừ thì có mai, năm có chung chừ thì có thủy.” Tất cả mọi sự vật cái nào cũng chịu luật vô thường chi phối. Con người sanh ra có trẻ thì có già, hoa có tươi thì có héo, nước có hưng thì có vong, thời có thái (hưng thạnh) thì có bĩ (xấu), ngày có chiều thì có mai, năm tháng có chung thì có thủy. Sự vật nào cũng ở trong vòng tương đối, ở dạng này rồi đổi qua dạng kia. Không có một vật cố định không đổi dời. Như vậy ở đời cái gì là vui? Nếu trẻ là vui thì già là buồn, nếu hoa nở là vui thì hoa tàn là buồn, nếu đất nước hưng thạnh là vui thì suy vong là buồn, nếu gặp thời cơ thuận tiện được lợi thì vui, thời cơ bất tiện bất lợi thì buồn... Tóm lại tất cả người, vật, thời tiết, năm tháng đều nằm trong pháp đối đãi, đã là pháp đối đãi thì có cái gì là thật, đã là không thật thì bám víu để làm gì? 
     “Trở về ẩn đạo chừ núi rừng, nguội lạnh lợi danh chừ triều thị.” Thôi không bám víu pháp đối đãi ở thế gian, tránh xa thành thị, vào núi rừng ở ẩn để tu hành, bỏ hết chuyện lợi danh chốn ồn náo, mà thiên hạ đang bon chen giành giựt. 
     “Thiếu Thất chín năm chừ cùng ta đồng tâm, Hoàng Mai nửa đêm chừ với ta tri kỷ.” Tổ Bồ-đề- đạt-ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa, lúc chưa gặp cơ hội truyền bá thiền, Ngài lên ngọn Tung Sơn ngồi xây mặt vào vách chùa Thiếu Lâm để chờ thời, đủ duyên mới ra giáo hóa. Xưa, ở hội Huỳnh Mai, lúc nửa đêm Lục Tổ được Ngũ Tổ trao y bát xong là vào rừng núi, ở ẩn hơn mười năm. Thượng Sĩ tự thấy Tổ Bồ-đề-đạt-ma lúc ngồi xây mặt vào vách, ở chùa Thiếu Lâm trên ngọn Tung Sơn là bạn đồng tâm với Ngài. Và, Lục tổ Huệ Năng hơn mười năm ẩn náu trong rừng là bạn tri kỷ của Ngài. 
     “Tùy phần chừ Liên Xã châu mày, rộng chí chừ Triệu Châu răng gõ.” Liên Xã châu mày dẫn điển tích Đào Uyên Minh là một nhà văn thơ giỏi, được ngài Huệ Viễn ở Lô Sơn mời đến hội Bạch Liên Xã để chuyên niệm Phật. Tuy không xứng hợp, song Đào Uyên Minh nể tình ngài Huệ Viễn đến, đến với đôi mày nhíu lại, lòng không thích mà cũng phải chiều vậy. Câu chuyện Triệu Châu răng gõ, tôi tra nhiều tài liệu mà vẫn không tìm ra điển tích này, chỉ thấy trong thiền sử, Hàn Văn Công hỏi Thiền sư Bảo Thông: 
     - Hòa thượng tuổi được bao nhiêu? 
     Sư cầm xâu chuỗi dở lên, bảo: 
     - Hội chăng? 
     - Chẳng hội. 
     - Ngày đêm trăm lẻ tám. 
     Văn Công không hiểu trở về. 
     Hôm sau Văn Công lại đến, vừa tới cửa gặp thủ tọa, Văn Công thuật câu nói hôm qua của Sư, hỏi ý kiến thế nào? Thủ tọa vỗ răng ba cái. Văn Công vào trong gặp Sư, hỏi lại ý kiến hôm qua, Sư cũng vỗ răng ba cái. 
     Chuyện Triệu Châu gõ răng, tôi đọc hết Ngữ lục và Quảng lục của Ngài, chỉ thấy có hai trường hợp nói đến răng. Trường hợp thứ nhất: Có một vị Đại vương ở Trấn Châu hỏi Ngài: 
     - Sư tôn năm nay bao nhiêu tuổi? 
     Triệu Châu đáp: 
     - Chỉ có một cái răng. 
     - Làm sao nhai được thức ăn? 
     - Tuy nhiên, một cái từ từ nhai được. 
     Trường hợp thứ hai: Có một vị Tăng hỏi ngài Triệu Châu: 
     - Hoa Phật chưa nở làm sao biện được chân thật? 
     Ngài đáp: 
     - Đã nở. 
     Vị Tăng đem việc này thuật lại cho ngài Lạc Phổ nghe. Nghe xong Lạc Phổ gõ vào răng một cái. 
     Nếu gõ vào răng thì ngài Lạc Phổ gõ chớ không phải Triệu Châu gõ. Triệu Châu răng gõ e dùng lộn một tên chăng? 
     “Dù cho trước tiếng chừ gật đầu, đâu được trong giày chừ động ngón.” Đoạn đầu Thượng Sĩ trình bày cho chúng ta thấy cái Thể chân thật của mình xưa nay không một vật, do mê tạo nghiệp nên có thân năm ấm, chấp thân năm ấm là mình thì thấy có cao thấp, tốt xấu... mới có sanh già bệnh chết khổ đau. Xét kỹ cuộc đời từ con người cho tới muôn vật, cái nào cũng có lúc thạnh lúc suy, có hưng có vong... Không có cái nào trước sau như nhất ở một thể cố định. Thấy rõ như vậy nên không đuổi theo không nắm bắt, mà lui vào núi rừng vắng vẻ để tu, trút hết mọi lợi danh ở chốn thị thành. Việc làm này giống như Tổ Bồ-đề-đạt-ma, khi chưa gặp người truyền đạo, ngồi xoay mặt vào vách ở chùa Thiếu Lâm núi Tung Sơn, giống như Lục Tổ ẩn trong rừng hơn mười năm khi chưa đủ duyên giáo hóa, giống như Đào Uyên Minh bị mời vào hội Bạch Liên Xã, giống như Triệu Châu người chí rộng... Các Thiền sư đã giác ngộ nhận ra Thể chân thật, mà chưa đủ duyên để giáo hóa nên phải ẩn nhẫn chờ đợi cơ duyên. Lúc các Thiền sư chưa gặp thời duyên giáo hóa không khác đoạn: 
     “Dù cho trước tiếng chừ gật đầu, đâu được trong giày chừ động ngón.” Đối diện với người, người chưa nói mà đã biết trước họ muốn nói cái gì rồi nên gật đầu. Thông minh thấu suốt như vậy mà “đâu được trong giày chừ động ngón”. Chân mang giày không thể khoe chân đẹp, chân xấu, vì giày phủ kín che khuất, dù trong giày ngón chân có ngo ngoe cục cựa cũng không ai thấy. Như vậy, khi bị che khuất dù có muốn ngoi đầu lên cũng không ai thấy được, thôi thì cứ yên phận ở trong đó. 
     “Lò hồng không đúc chừ dùi trong đãy, cọp mạnh đói chừ chẳng liếc mồi.” Cây dùi trong đãy lò lửa hồng không đúc được. Ý này dẫn từ điển tích: Bình Nguyên Vương sang nước Sở, Mao Toại xin đi theo. Bình Nguyên Vương bảo: 
     - Người hiền sĩ trong đời giống như chiếc dùi trong đãy, mũi nó tất ló ra ngoài. Cái đãy bằng vải tuy kín, nhưng đựng cây dùi mũi nhọn cây dùi xuyên qua lớp vải ló đầu ra, không giấu kín được mũi dùi. Cũng vậy, ở đời người tài ba, người có khả năng thoát khỏi sanh tử, dù có đúc, đúc cũng không được. Thế nên chư Tổ hay nói dùi ở trong đãy. “Cọp mạnh đói chừ chẳng liếc mồi.” Con cọp mạnh đang đói thấy mồi không thèm ngó. Ý câu này muốn nói, tuy các Thiền sư ẩn dật không làm gì để hiển lộ tài năng và sức mạnh cho mọi người thấy, nhưng ở nơi các ngài đã có sẵn sức sống mãnh liệt và tinh thần lợi tha không giới hạn, cũng giống như con cọp đói tuy thấy mồi mà không thèm nhìn, nhưng bản chất con cọp đó là cọp mạnh. 
     “Minh châu há ngại chừ sóng gió, sắc chánh sá gì chừ tía hồng.” Hạt minh châu để dưới đáy hồ, dầu có gió làm nước dậy sóng chao động trên mặt hồ, hạt minh châu ở đáy hồ vẫn nằm yên, không động lay, nó vẫn tỏa ánh sáng hoặc trắng hoặc vàng..., không ngại màu pha trộn như màu tía màu hồng... Vì nó là sắc chánh. Ý hai câu này nói người thật có tài đức thật giác ngộ dù trú ẩn ở đâu, dù ở hoàn cảnh nào, những chướng duyên không thể chi phối làm lay chuyển được. Khả năng trí tuệ và đức hạnh của họ, lúc nào cũng nguyên vẹn không bị phai mờ hay hao mất. 
     “Đến đây rồi chừ sự lý toàn bày, cầm giữ buông bỏ chừ đâu cần nghĩ ngợi. Trâu đá nửa đêm vào biển đông, càn ngã san-hô trăng như nước.” Người tu mà nhận ra Thể chân thật nơi mình rồi, tuy chưa ra làm việc lợi ích cho đời, nhưng không còn mắc kẹt, không bị lu mờ. Vì đến đây sự lý hiện bày rõ ràng không còn mờ mịt che giấu, ngang đó thì cầm giữ hay buông bỏ không cần nghĩ ngợi. Giống như trâu đá vào biển đông. Ngày xưa nói sắt biết nói, trâu đá chạy là nói chuyện không đâu. Nhưng ngày nay người bằng sắt bằng gỗ, lắp máy vào cũng nói cũng hát được, trâu bằng gỗ bằng đá lắp máy vào cũng chạy được. Ở đây Thượng Sĩ đề cập đến trâu đá là để nói, người tu khi tới chỗ không còn thấy hai bên đối đãi là không còn niệm phân biệt, song vẫn hằng giác hằng tri, có diệu dụng không thể lường được. Giống như trâu đá tuy không tri giác, nhưng ban đêm nó nhào xuống biển đông, làm ngã hết những cây san-hô ở dưới biển. Và, thấy trăng cũng như nước. Nước là cái mờ che đậy, trăng thì sáng soi. Khi lý sự toàn bày rồi thì cái mờ cái sáng đều như nhau. 
     Tóm lại, Thượng Sĩ bĩu môi tỏ thái độ không bằng lòng bởi những lý do: Một là Thể chân thật từ xưa không có một vật, thế mà giờ đây ngũ uẩn tụ hợp, bám chặt ngũ uẩn cho là mình, nên mới có ta người, cao thấp, dài ngắn... rồi tự chịu sanh già bệnh chết từ đời này tới đời kia. Hai là cuộc đời từ con người cho đến muôn vật, thời tiết tháng ngày đều ở trong vòng đối đãi sanh diệt vô thường giả dối. Thế mà người đời cứ mải đắm đuối kiếm tìm đuổi bắt. Đối với những sự việc này Thượng Sĩ bĩu môi tỏ thái độ không bằng lòng. Vậy Ngài có lỗi chê khen không? Và, chúng ta có thấy để bĩu môi như Ngài, hay bằng lòng chấp nhận để chịu chung số phận, cho sanh diệt vô thường chi phối hết kiếp này tới kiếp khác? Đối với sự việc này Thượng Sĩ bĩu môi không bằng lòng, dứt khoát sống đời ẩn dật, trước hết là làm lạnh tâm danh lợi, sau làm người đồng tâm với Tổ Bồ-đề-đạt-ma, làm người tri kỷ với Lục tổ Huệ Năng, chơi với nhà thơ Đào Uyên Minh, chơi với những vị thanh thản như Triệu Châu. Tuy sống ẩn dật, chớ đạo đức giác ngộ không thể che giấu được, giống như ngón chân không cử động được ở trong trong giày, nhưng không phải không có ngón chân, hay như lò không đúc được dùi trong đãy, cọp mạnh đói mà không thèm ăn mồi, minh châu không sợ sóng gió. Thượng Sĩ thấy rõ kiếp người tạm bợ, cuộc đời giả dối không thật, nên bĩu môi cười không chấp nhận. Ngài sống đời ẩn dật nuôi dưỡng đạo tâm, khi sự lý hiện bày rõ ràng thì không còn cầm giữ hay buông bỏ, không còn niệm hai bên đối đãi thì sẽ được cái diệu dụng không thể nghĩ bàn. 
     
     

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

phạm cach cung ram thang bay va nhung dieu can luu y ngay trong phút giây hiện tại c½u lo cay va con rua mu tự lực và tha lực là những phương Vận động là chìa khóa ngăn ngừa ung hanh phuc tu nhung dieu binh di nhat Sinh thÒ bàn về vấn đề nhân quả trong đời Gió có dặt dìu lời thủ thỉ 1 vong niem sao bang 泰卦 Cơm chay ngày Rằm chè Gene và môi trường tác động lớn đến mua đau thấu tận tâm can ắt sẽ tự buông suy nghiem loi phat cay ruong tay thay trong tay con than lòng biết ơn cần thể hiện thế nào cho truong chùa hoa nghiêm thay bàn về đức tin trong đạo phật 真言宗金毘羅権現法要 Kinh Vu lan Khảo về nguồn gốcHán tạng hoc Thân thảnh Thử áp dụng thiền Vipassana trong sÃƒÆ món ăn tinh thần không thể thiếu của khám vai y nghi ve viec dich thuat nhung bai chu phan dễ láºng khẩu テ mua xuan qua lang kinh mau hong giup Hoàng cung trinh nữ Ngủ nhiều duyen va no trong phat giao nick vujicic niệm Phật hay chung song than ai voi cac ban dac biet bồ tát đạo hay tám tiết thơ giúp tập Phát hiện mới về Thái sư Trần Thủ 23 Cảm CHA ba phương thức giáo dục tuổi trẻ phật c½u thích tử aryasimha Phật giáo Tháng Bảy đi qua việt nam Nam Thanh đạm với bì cuốn chay suy ngam ve tien phap hạnh len