00 Mục Lục 
01 Lời đầu sách của HT Thanh Từ
02 Đề Tựa của Tỳ Kheo Huệ Nguyên (1763)
03 Hành Trạng Thượng Sĩ
04 Đối Cơ (trả Lời Người Hỏi)
05 Tụng Cổ
06-1 Bài ca Tâm Phật 
06-2 Bài ngâm phóng cuồng, Sống chết nhàn mà thôi
06-3 Phàm Thánh không hai, Mê ngộ không khác, Ngậm bĩu môi
06-4 Bài văn Trứ Từ tự răn, Thời tiết an định, Dương chân, Vào cát bụi
06-5 Muôn việc về như, Thói đời hư dối, Họa thơ quan Huyện, Cảnh vật Tịnh Bang, Họa Thơ Hưng Trí Thượng Vị Hầu
06-6 Tụng đạo học Trần Thánh Tông, Chăn trâu đất, Vui thích giang hồ, Vật không tuỳ người, Viếng Đại Sư Tăng Điền, Thăm bệnh Đại Sư Phước Đường
06-7 Lễ Thiền sư Tiêu Dao ở Phước Đường, Cảnh vật Phước Đường, Tăng Pháp sư Thuần Nhất, Đùa Thiền Sư Trí Viễn xem kinh giải nghĩa, Điệu Tiên Sư
Khuyên đời vào đạo, Bảo chúng, Bảo chúng, Bảo học giả, Chợt hứng
06-8 Cội tùng đáy khe, Xuất trần, Đạo lớn không khó, Tâm vương, Thả trâu, Đề tịnh xá, Chợt hứng, Cây gậy, Chiếu thân, Tự đề, Chợt tỉnh, Tự tại, Bảo học trò, Bảo tu nghiệp Tây phương, Thoát đời, Vui thú giang hồ.
07 Lời Bạt

 

X
TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC GIẢNG GIẢI
Biên Soạn: Trúc Lâm Tổ Sư (Trần Nhân Tông) 
Dịch và Giảng: Hoà ThượngThích Thanh Từ
Ban Văn Hoá Trung Ương GHPGVN Xuất Bản 1996
    THI CA (tt)
    Dịch: 
    TỤNG ĐẠO HỌC 
    TRẦN THÁNH TÔNG 

     Thánh học cao minh tột cổ kim 
     Kho rồng xâu suốt tận hoa tim. 
     Thích phong đã được mở tay báu 
     Tổ ý đâu không thấu kim chìm. 
     Trí vượt cửa thiền thông Thiếu Thất 
     Tình siêu biển giáo thấu Oai Âm. 
     Người đời chỉ thấy ngàn non đẹp, 
     Ai lắng hang sâu tiếng vượn trầm. 
    Giảng: 
     Trần Thánh Tông là vị vua không xuất gia mà thấy được lý thật qua kinh điển, qua ngữ lục của các Thiền sư. Nhà vua thấy rất sâu, tột cùng lý đạo, nên Thượng Sĩ tán thán. 
     “Thánh học cao minh tột cổ kim, kho rồng xâu suốt tận hoa tim.” Về thánh điển thì nhà vua thông suốt cả sách vở xưa nay, nhất là kinh Phật. “Kho rồng” dựa theo huyền sử kể rằng Bồ-tát Long Thọ có một lần được Long vương mời xuống Long cung thuyết pháp, Long vương mở kho tàng chứa kinh Phật cho Ngài xem. Vì trên nhân gian bị giặc cướp thiêu đốt cho nên kinh sách không còn đủ, Long vương đã thỉnh hết kinh Phật đem về chứa vào kho ở Long cung. Sau khi xem, ngài Long Thọ xin thỉnh những bộ kinh như Hoa Nghiêm, Niết-bàn v.v... để đem về nhân gian dịch ra và truyền bá cho người sau biết. Bốn bộ A-hàm của hệ Nguyên thủy không có những kinh đó. Đứng về lịch sử thì kinh Hoa Nghiêm, Niết-bàn v.v... ra đời sau khi Phật niết-bàn khoảng sáu trăm năm, tức là nhằm vào thời ngài Long Thọ. Nên đây nói “kho rồng xâu suốt tận hoa tim”. Nghĩa là kho kinh ở Long cung vua Trần Thánh Tông thông suốt hết. 
     “Thích phong đã được mở tay báu, Tổ ý đâu không thấu kim chìm.” Hai câu này ý muốn nhắc đến hai sự tích: 
     1. “Thích phong đã được mở tay báu” nghĩa là mở tay ra có hòn ngọc quí trong đó. Một hôm Tổ Sư Tử đi hoằng hóa đến nước Kế-tân có ông trưởng giả dẫn đứa con đến yết kiến Ngài, thưa rằng: 
     - Thằng con tôi tên là Tư-đa hai mươi tuổi, từ khi sanh ra đến giờ bàn tay trái nó nắm chặt lại chưa từng mở ra. Xin Tôn giả từ bi nói rõ nhân đời trước của nó cho tôi hiểu. 
     Tổ nhìn thẳng vào mặt Tư-đa, rồi đưa tay bảo: 
     - Trả hạt châu lại cho ta! 
     Tư-đa liền xòe tay dâng hạt châu cho Tổ. Tổ giải thích: 
     - “Đời trước, ta là một Tỳ-kheo thường được Long vương thỉnh xuống Long cung tụng kinh. Một hôm sau khi tụng kinh xong, Long vương cúng ta một hạt châu, ta nhận châu rồi trao cho chú thị giả tên Bà-xá (tức là thân đời trước của Tư-đa) giữ trong tay. Ta tịch, sanh nơi đây, vì nhân duyên thầy trò chưa hết nên gặp lại nhau tại hội này.” 
     Trưởng giả nghe được tiền duyên của con mình hoan hỉ cho Tư-đa theo Ngài xuất gia. Tổ xét duyên xưa và nay, hợp hai tên đặt là Bà-xá-tư-đa. 
     Ý câu này Thượng Sĩ tán thán vua Trần Thánh Tông giống như Bà-xá-tư-đa mở tay ra liền thấy hòn ngọc báu. Đó là cái duyên thầy trò ngày xưa bây giờ gặp lại. 
     2. “Tổ ý đâu không thấu kim chìm.” Ngài Ca- na-đề- bà là Tổ thứ mười lăm đệ tử của Tổ Long Thọ. Khi Tổ Long Thọ đến Nam Ấn, Ngài đến yết kiến. Tổ muốn thử Ngài, nên sai đồ đệ múc một thau nước đầy để trước lối vào. Ngài đi qua lấy một cây kim bỏ vào thau nước rồi thẳng đến yết kiến Tổ. Tổ rất hoan hỉ, thầy trò đã hợp duyên. Việc Long Thọ sai để thau nước không phải chỉ ngầm ý cho ngài Đề-bà bỏ kim vào, mà còn muốn nói lên cái ý khó tìm. Ở đời cái gì khó tìm thì người ta nói mò kim đáy giếng. Kim rớt xuống đáy giếng tìm rất khó. Cũng vậy, duyên thầy trò ngày xưa mà nay gặp lại không phải là chuyện dễ, rất khó, khó như việc mò kim đáy giếng. Cái thau nước tượng trưng cho cái giếng, cây kim bỏ trong thau chìm xuống đáy, dụ như cây kim rớt chìm dưới đáy giếng tìm rất khó khăn. Ý của Tổ Long Thọ ngài Ca-na- đề-bà hiểu thấu, nên bỏ cây kim vào thau. Thượng Sĩ dẫn tích này để tán thán vua Trần Thánh Tông thấu suốt lý Thiền, giống như ngài Ca-na-đề-bà hội được ý Tổ Long Thọ nên bỏ kim vào thau. 
     “Trí vượt cửa Thiền thông Thiếu Thất.” Trí tuệ của vua Trần Thánh Tông vượt khỏi cửa Thiền và thông suốt được ý nghĩa của Tổ Đạt-ma ở Thiếu Thất. “Tình siêu biển giáo thấu Oai Âm.” Vua Trần Thánh Tông thấu suốt được giáo lý của Phật Thích-ca trong đời hiện tại cho đến đức Phật Oai Âm Vương ở đời quá khứ. Trong kinh có câu: “Oai Âm Vương dĩ tiền vô Phật danh vô chúng sanh danh.” Nghĩa là từ đức Phật Oai Âm Vương về trước không có tên Phật và tên chúng sanh. Phật Oai Âm Vương là đức Phật đầu của tất cảz chư Phật. Ý câu này tán thán vua Trần Thánh Tông thấu suốt được giáo lý của chư Phật một cách tường tận. 
     “Người đời chỉ thấy ngàn non đẹp, ai lắng hang sâu tiếng vượn trầm.” Nguời thế gian chỉ thích thấy những cảnh đẹp của núi non mây nước, ít ai chịu lắng nghe tiếng con vượn kêu trong hang sâu. Ở đời này có mấy người chịu ngồi im lìm để lắng nghe tiếng khỉ vượn nhảy nhót kêu ở trong lồng, mà đa số chỉ thích chạy tìm những thanh sắc tầm thường ở bên ngoài. Nhưng tất cả cái bên ngoài là tướng sanh diệt, thế mà người ta lại mê say đuổi theo. Rất ít người chịu lắng lòng nhìn lại mình thật kỹ, để nhận ra cái chân thật của mình. Tuy quí vị có lắng ở hang sâu mà chưa nghe tiếng vượn, biết đâu hôm nào đó nghe rồi bật cười và tất cả sương mù trên thế gian đều tan vỡ hết. Chúng ta thấy những bài thơ của Thượng Sĩ, hai câu kết thường nhắc đến việc quan trọng của người tu là nhận cho ra cái chân thật của mình. 

    Dịch: 
    CHĂN TRÂU ĐẤT 
     Một con trâu đất, một mình chăn 
     Xỏ mũi lôi về chẳng khó khăn. 
     Đem đến Tào Khê buông thả quách 
     Mênh mông nước chảy đánh cầu tròn. 
    Giảng: 
     Theo chữ Hán con trâu và con bò viết cùng một chữ ngưu (  ) nhưng chữ ngưu thường chỉ con bò, còn chữ thủy ngưu (  ) thường chỉ con trâu. Còn bò thì màu vàng sừng ngắn, ở trên khô không lội nước, con trâu màu đen sừng dài và cong lội nước được, nên nói trâu nước. 
     Ở đây Thượng Sĩ nói chăn con trâu đất. Vậy trâu đất là trâu hay bò? Đúng ra là trâu chớ không phải bò. Vì ở Việt Nam trâu hay nằm ở vũng bùn tẩm đất đầy mình nên gọi là trâu đất, thay vì ở Trung Hoa gọi là trâu nước. Vậy nói theo Việt Nam là chăn trâu chớ không phải chăn bò. Chúng ta đừng hiểu lầm con trâu đất là con trâu làm bằng đất, trâu bằng đất thì vô tri làm sao chăn? Như vậy con trâu đất là con trâu dính bùn đầy mình, vì chữ Nê (     ) là bùn chớ không phải đất. 
     “Một con trâu đất một mình chăn.” Một con trâu đất một mình chăn thì dễ quá, chăn con trâu của mình chớ không phải của ai. Nhưng chăn bằng cách nào? “Xỏ mũi lôi về chẳng khó khăn.” Xỏ mũi lôi đầu nó chuyện đó không khó. Như vậy muốn con trâu thuần thục và qui thuận thì phải xỏ mũi lôi đầu nó mới đi, chớ chăn mà không xỏ mũi thì không được. Cũng vậy, những vọng tưởng của chúng ta nhà Thiền tạm gọi  con trâu, nó không có hình tướng chợt sanh chợt diệt. Nếu chăn mà không có phương tiện thì làm sao chăn? Vì vậy phải dùng phương tiện. Phương tiện ở đây dùng cho người sơ cơ là quán hơi thở, người thuần thục thì vọng tưởng khởi nhìn cho nó lặng xuống, không để nó tự do hoạt động. Nếu chúng ta chăn thật kỹ thì con trâu dễ điều phục. Con trâu chúng ta đang chăn có ai biết hình dáng nó thế nào không? Nó có bốn chân hai sừng phải không? - Thật ra, con trâu Thượng Sĩ nói không có hình dáng cụ thể, chẳng qua do người xưa nương lời dạy của đức Phật trong kinh Di Giáo về việc kềm chế năm căn không cho buông lung chạy theo năm dục. Ví như người chăn trâu coi chừng trâu không cho nó xâm phạm lúa mạ của người. Mượn hình ảnh con trâu để soạn ra mười bức tranh với ý chỉ hàng phục những vọng tưởng loạn động của mình gọi là chăn trâu. 
     “Đem đến Tào Khê buông thả quách.” Thả quách là buông tay chớ không còn nắm mũi, không còn kềm chế, nghĩa là để cho nó tự do. Nhưng muốn thả thì phải chăn cho thuần thục rồi mới thả. Chừng nào chúng ta được nhất hạnh tam-muội và nhất tướng tam-muội, như lời Lục Tổ dạy trong kinh Pháp Bảo Đàn thì mới thả cho con trâu tự do. Nhất tướng tam-muội là đối với tất cả tướng dù đẹp dù xấu, dù lớn dù nhỏ, chúng ta đều không dính mắc, tức là nhìn thấy tất cả tướng tâm không dấy động, luôn luôn ở trong chánh định. Nhất hạnh tam-muội là trong bốn oai nghi đi đứng ngồi nằm, khi tiếp duyên xúc cảnh tâm vẫn an nhiên tự tại, không dính không kẹt với sáu trần bên ngoài. Như vậy nếu người tu hành đạt được hai tam-muội này thì không còn phải chăn trâu, nên nói đem đến Tào Khê buông thả quách. “Mênh mông nước chảy đánh cầu tròn.” Câu kết hơi khó. Ở trong dòng nước chảy xiết mà đánh cầu. Để dễ hiểu tôi dẫn câu chuyện mang ý này: 
     Có vị Tăng đến hỏi ngài Triệu Châu: “Trẻ con mới sanh có đủ sáu thức chăng?” Triệu Châu đáp: “Trên dòng nước chảy xiết đá cầu.” Sau vị Tăng ấy đến hỏi ngài Đại Đồng Đầu Tử: “Trên dòng nước chảy xiết đá cầu, ý nghĩa thế nào?” Sư đáp: “Niệm niệm chẳng tạm dừng.” 
     Chúng ta thường nghĩ người lớn có ý thức phân biệt thế này thế kia, còn con nít thì ý thức nó còn non nớt nên không phân biệt. Ở đây, vị Tăng này hỏi: “Con nít có đủ sáu thức không?” Ngài Triệu Châu trả lời: “Trên dòng nước chảy xiết đá cầu.” Nghe qua vị Tăng không hiểu mới đến hỏi Thiền sư Đại Đồng, Ngài đáp: “Niệm niệm chẳng tạm dừng.” Qua câu đáp của Thiền sư Đại Đồng chúng ta mới hiểu câu trả lời của ngài Triệu Châu “trên dòng nước chảy xiết đá cầu”. Ý nói sáu thức nơi con nít đang trên dòng phát triển liên tục từ sơ sanh dần dần lớn lên. Như khi còn bé chúng ta cũng thấy nghe mà chưa khởi phân biệt đẹp xấu hay dở. Tuy nói chưa khởi phân biệt, chớ đứa bé thấy cái gì có màu sắc nó cũng đưa tay chụp, cái gì không thích thì nó giẫy nẩy không chịu, nghe tiếng nói ngọt ngào nó cười vui vẻ, nghe tiếng nói nặng nề mắng mỏ nó cũng biết tủi biết buồn. Như vậy tuy nó có cái biết phân biệt nhưng rất sơ khai chưa rõ ràng. Từ từ lớn lên cái thấy nghe hiểu biết nó càng rõ ràng hơn. Ngài Triệu Châu nói đứa bé vẫn có đủ sáu thức, nhưng phát triển dần dần từ sơ khai đến trưởng thành, liên tục như dòng nước chảy xiết, hạt nước này tiếp nối hạt nước kia chảy liên tục. Chúng ta thấy như một dòng nước nhưng thật ra nó biến chuyển không dừng. Ngài Triệu Châu nói con nít cũng có sáu thức, song nó biến chuyển dần và không dừng như dòng nước chảy xiết. Còn đá cầu, nghĩa là sao? Chính nhờ Thượng Sĩ mà chúng ta hiểu được ý này. Xin nhắc lại hai câu “đem đến Tào Khê buông thả quách, mênh mông nước chảy đánh cầu tròn”. Nếu chúng ta tu điều phục được con trâu của mình rồi, nó không còn kéo lôi chống trả nữa, lúc đó chúng ta được tự do. Như vậy là trong dòng biến chuyển của sáu thức chúng ta được tự tại. Giống như người đánh cầu trên dòng nước chảy xiết. Đánh cầu hay đá cầu của ngài Triệu Châu, ý nói người tu Thiền thì không bị sự biến chuyển của sáu thức lôi kéo nhận chìm. Giống như người đứng trên dòng nước chảy xiết mà đánh cầu một cách tự do, việc này ngoài sức tưởng tượng của con người. Vì người thế gian luôn luôn bị sáu thức kéo lôi nhận chìm. Hiểu được ý này chúng ta mới thấy giá trị của bài thơ. Bài thơ chỉ có bốn câu mà Ngài nói lên được tiến trình tu tập từ khi bắt đầu dụng tâm tu cho đến khi đạt được kết quả. 
     Tôi xin nhắc lại toàn bài để quí vị nắm cho vững: “Một con trâu đất một mình chăn.” Mấy hôm rồi quí vị chăn một mình hay có ai phụ không? “Xỏ mũi lôi về chẳng khó khăn.” Quí vị xỏ mũi được chưa hay vẫn còn cay đắng gian nan? Và, tuy đã xỏ mũi rồi có khi lôi nó không chịu đi, vì sức mình yếu nên lắm lúc cũng bị nó lôi lại. Như vậy đối với quí vị thì “xỏ mũi lôi về rất khó khăn”. Nếu “chẳng khó khăn” thì sẽ “đem đến Tào Khê buông thả quách”. Khi trâu thuần thục thì mình nằm ngủ khò chẳng còn lo lắng gì nữa, bấy giờ thì “mênh mông nước chảy đánh cầu tròn”. Tuy ở trong dòng sanh diệt mà chúng ta an nhiên, không lo sợ không dính mắc gì cả. Chỉ tóm gọn trong bốn câu thơ mà Ngài nói lên được tiến trình tu tập của một hành giả từ khi bắt đầu cho đến khi viên mãn. Chúng ta nên ghi nhớ để mà tu tập. 

    Dịch: 
    VUI THÍCH GIANG HỒ 
     Tâm xưa hồ hải chửa từng khuây 
     Ngày tháng như tên dường tợ thoi. 
     Gió mát trăng thanh sanh kế đủ 
     Non xanh nước biếc nếp sống đầy. 
     Sáng sớm giương buồm băng nước thẳm 
     Chiều nâng sáo thổi cợt khói mây. 
     Tạ Tam nay đã không tin tức 
     Để chiếc thuyền trơ bãi cát này. 
    Giảng: 
     Bài thơ này diễn tả cái thú giang hồ của những người có tinh thần hào phóng, tâm hồn thích tự do rày đây mai đó. 
     “Tâm xưa hồ hải chửa từng khuây.” Hồ hải chỉ cho ngũ hồ tứ hải. Lúc nhỏ đã có tâm hào phóng, nay tuy già mà vẫn còn thích đi đây đi kia chớ không chịu ở một nơi. “Ngày tháng như tên dường tợ thoi.” Ngày tháng trôi qua nhanh như tên bắn như thoi đưa, không chờ đợi ai cả. Hai câu này ý nói tâm hồn của Thượng Sĩ lúc nào cũng muốn dạo chơi hồ hải, nhưng bây giờ nhìn lại thì ngày tháng trôi qua nhanh và tuổi đã già. Tuy nhiên: 
     “Gió mát trăng thanh sanh kế đủ, non xanh nước biếc nếp sống đầy.” Sanh kế của Thượng Sĩ là gió mát trăng thanh. Có gió mát trăng thanh là đủ sống rồi, không cần phải ăn ngon mặc đẹp. Nếp sống của Ngài là phải gần gũi thiên nhiên, cho nên non xanh nước biếc làm cho đời sống của Thượng Sĩ thêm đầy đủ. Đó là phong độ sống của Ngài. Chúng ta bây giờ ở Thiền viện Trúc Lâm có đủ những điều kiện về sanh kế như Ngài nói chưa? Ở đây cũng có rừng thông xanh mướt, gió thổi vi vu, hồ nước Tuyền Lâm trong vắt, mỗi đêm trăng sáng soi bóng xuống hồ... Chúng ta có đủ cả, có thể nói là dư thừa. Vậy có ai là người có tâm hồn giang hồ muốn tìm non xanh nước biếc gió mát trăng thanh nữa không? Hay đã an lòng ở đây vừa tu vừa thưởng thức cảnh đẹp? 
     “Sáng sớm giương buồm băng nước thẳm, chiều nâng sáo thổi cợt khói mây.” Sáng thả buồm rong chơi, chiều nâng sáo thổi cợt đùa với mây gió. Thượng Sĩ là một cư sĩ thì sống như thế được. Chúng ta là Thiền sinh thì phải sửa hai câu này lại cho phù hợp: “Sáng sớm vác cuốc ra làm cỏ, chiều ôm tọa cụ đến Thiền đường.” 
     “Tạ Tam nay đã không tin tức, để chiếc thuyền trơ bãi cát này.” Tạ Tam tức là Tạ Tam Lang, tên cũ của Thiền sư Huyền Sa Sư Bị, lúc còn cư sĩ ông là một người thả thuyền câu dưới sông, vui thú giang hồ nay đầu ghềnh mai cuối bãi, lúc ba mươi tuổi ông đem thuyền lên bãi để rồi bỏ đi tu, sau trở thành một Thiền sư nổi tiếng. Do đó nên Thượng Sĩ so sánh Tạ Tam trước là một chú chèo thuyền câu cá, bây giờ không còn nghe tin tức, mà chỉ thấy chiếc thuyền nằm trơ trên bãi cát cạn. Ý muốn nói tuy tâm hồn hồ hải, là tâm hồn của những người thích phóng khoáng tự do, nhưng không phải chỉ thỏa mãn cái tâm yêu thích non xanh nước biếc, gió mát trăng thanh của thi sĩ, hoặc của kẻ thường tình hướng về cõi hồng trần để lụy thân, mà là tinh thần tự do phóng khoáng của người hướng về với đạo. Vì người ưa thích thiên nhiên tâm hồn phóng khoáng dễ phù hợp với Thiền, nên Thượng Sĩ nói “Tạ Tam nay đã không tin tức, để chiếc thuyền trơ bãi cát này”. Ai là chàng Tạ Tam Lang bỏ thuyền trên bãi cát đi tu? Ai có tâm hồn hồ hải thì hãy bắt chước Tạ Tam Lang! 

    Dịch: 
    VẬT KHÔNG TÙY NGƯỜI 
     Ở xứ lõa thân cởi áo đi 
     Phải đâu bỏ lễ, chỉ tùy nghi. 
     Trâm vàng mụ sói treo làm móc 
     Gương báu lão mù lấy đậy ly. 
     Trâu chẳng thèm nghe đàn ngọc tháo 
     Hoa trang anh lạc, voi biết gì. 
     Hỡi ôi! Một khúc đàn huyền diệu 
     Nên lấy vàng ròng đúc Tử Kỳ. 
    Giảng: 
     Đồ vật nếu người dùng đúng nhu cầu thì vật đó có ích, ngược lại tuy có vật quí trong tay mà dùng không đúng chỗ thì nó trở thành vô nghĩa, nên vật không tùy người mà chính nhu cầu người sử dụng vật. Vật trở thành quí là do người cần dùng nó, rồi cho nó là quí, chớ nó không quí đối với tất cả. 
     “Ở xứ lõa thân cởi áo đi, phải đâu bỏ lễ chỉ tùy nghi.” Nếu chúng ta đến nước lõa thể thì họ sao mình vậy, họ ở trần thì chúng ta cũng phải cởi áo, như vậy mới hợp với họ. Cởi áo để hòa hợp với họ chớ không phải bỏ lễ phép, mà chỉ tùy nghi, sống ở đâu thì phải thích hợp với phong tục tập quán ở đó. Cũng vậy, người tu muốn làm lợi ích cho người thì phải biết thích ứng với thời cơ. Chữ KINH TRONG NHÀ PHậT HÀM CHứA NGHĨA KHế LÝ VÀ khế cơ. Người tu muốn đem giáo lý của Phật dạy cho người khác tu thì phải có đủ hai điều kiện: một là đúng với chân lý, hai là hợp với căn cơ người nghe. Dù lời nói của chúng ta phù hợp với chân lý, mà không hợp với căn cơ người nghe họ không lãnh hội được, thì lời nói của chúng ta trở thành vô ích. Ngược lại hợp với căn cơ mà sai chân lý thì cũng thành vô nghĩa. Ví dụ người thích tu bố thí để cầu phước mà chúng ta đem lý Thiền nói với họ, họ chẳng hiểu gì, hoặc người căn cơ thích hợp với pháp tu Thiền mà chúng ta dạy họ pháp tu của ngoại đạo thì sai với chân lý của Phật dạy. Thế nên chúng ta muốn làm lợi ích cho người thì người đang ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta phải tùy theo hoàn cảnh nấy của họ mà giúp đỡ. Có khi việc làm thấy như trái với nghi quỹ của người tu, nhưng vì người nên chúng ta phải làm để người được lợi ích. Đó là khế lý và khế cơ. 
     “Trâm vàng mụ sói treo làm móc, gương báu lão mù lấy đậy ly.” Người sói đầu có cây trâm vàng họ không biết làm gì, nên gắn trên tường làm cái móc treo đồ. Với Ni cô thì trâm vàng cũng treo làm móc luôn! Có tóc đâu mà cài? Và, cái gương dù có quí báu, nhưng đối với người mù, gương xài không được. Vì mù có thấy đâu mà soi gương, nên dùng cái gương đậy ly. Ý Thượng Sĩ muốn nói, dù vật quí nhưng với người không cần thì nó trở thành vô dụng. 
     “Trâu chẳng thèm nghe đàn ngọc tháo, hoa trang anh lạc voi biết gì.” Đối với trâu dù chúng ta có đem đàn bằng ngọc khảy lên tiếng thanh tao bên tai nó cũng chẳng biết gì. Hoặc đem đồ trang sức bằng anh lạc máng vô cổ con voi nó cũng không biết quí. Những vật quí mà không thích hợp với con vật thì cũng trở thành vô dụng. Ý Thượng Sĩ nói, phàm làm việc gì không hợp thời, không thích nghi với hoàn cảnh, không đúng với căn cơ của người thì dù có cố gắng làm cho nó đẹp cũng trở thành vô nghĩa, và không có kết quả. 
     “Hỡi ôi! Một khúc đàn huyền diệu, nên lấy vàng ròng đúc Tử Kỳ.” Khúc đàn hay của Bá Nha nếu không có người tri kỷ như Tử Kỳ nghe thì có ai biết thưởng thức? Cho nên có khúc đàn hay thì phải có người tri kỷ biết nghe đàn thì khúc đàn mới có giá trị. Vì có giá trị nên quí. Và “nên lấy vàng ròng đúc Tử Kỳ”. Phải đúc tượng Tử Kỳ bằng vàng mới xứng đáng, vì là người tri kỷ biết được khúc đàn hay. Đó là Thượng Sĩ lấy việc thế gian để nói việc trong đạo. Pháp của Phật rất là cao siêu, pháp tu Thiền rất là đơn giản nhưng giúp người được giải thoát. Song, không phải ai nghe cũng hiểu cũng thấm nhuần. Chỉ có người đủ duyên nghe, mới biết được những điều Phật dạy là cao siêu mầu nhiệm, đưa con người đến chỗ an vui giải thoát. Người nhận được lý sâu xa của Thiền thì người đó mới quí. Thượng Sĩ bảo Tử Kỳ nghe được khúc đàn hay của Bá Nha, nếu Tử Kỳ chết nên lấy vàng đúc tượng để thờ. Như vậy đứng trước người hiểu được Phật pháp, nhận được lý Thiền, chúng ta nên trân trọng họ. Đó là nói về ý nghĩa vật không tùy người. 

    Dịch: 
    VIẾNG ĐẠI SƯ TĂNG ĐIỀN 
     Chẳng cần cửa tía, chẳng cần rừng 
     Rốt cuộc chỗ nào chẳng an tâm. 
     Thế nhân trọn thấy ngàn non sáng 
     Mấy kẻ lắng nghe tiếng vượn trầm. 
    Giảng: 
     Chữ viếng khác chữ thăm, người Nam thì dùng chữ thăm, còn người Bắc thì dùng chữ viếng. Nếu là người bình thường thì người Bắc nói đi thăm, nếu là người lớn hơn hay quí hơn thì nói đi viếng. Ví dụ như nói đi viếng đền Hùng chớ không nói đi thăm. 
     “Chẳng cần cửa tía chẳng cần rừng.” Cửa tía là chỉ cho những nơi thành thị giàu sang, “chẳng cần rừng” là chẳng cần vào nơi rừng rậm xa vắng. Vậy chỗ thành thị ồn náo và nơi rừng vắng đều không cần. “Rốt cuộc chỗ nào chẳng an tâm.” Nếu tâm chúng ta không động không rong ruổi theo ngoại cảnh thì ở giữa thành thị hay trong rừng vắng đều như nhau. Nếu tâm còn dính mắc với cảnh thì ở thành thị thua ở rừng. Vậy Tăng Ni và Phật tử hiện có mặt cần cái nào? Chẳng cần cửa tía chẳng cần rừng hay chẳng cần cửa tía mà rất cần rừng? Vì ở ngoài cửa tía lộn xộn quá bất an khó tu, ở rừng vắng vẻ dễ tu hơn. Người tu nếu tâm nhất như thì không cần chọn cảnh tịnh hay cảnh động, nếu chưa nhất như thì phải tránh chỗ động tìm chỗ tịnh. 
     “Thế nhân trọn thấy ngàn non sáng, mấy kẻ lắng nghe tiếng vượn trầm.” Người đời chỉ thích nhìn cảnh trời mây non nước đẹp đẽ, mà ít ai chịu lắng nghe tiếng vượn trầm. Ý Ngài muốn nói người đời thích chạy theo ngoại cảnh mà ít chịu quay về lắng nghe tiếng dấy động của nội tâm. Tiếng con vượn là chỉ cho tâm viên ý mã của mình, ít ai để ý nhìn lại nội tâm mình, nghe tiếng đang réo gọi trong tầng sâu thẳm nhất, mà chỉ hướng ra ngoài khen cái này, chê cái nọ v.v... Chỉ có những ai ngồi lặng yên gạt bỏ sáu trần, mới nghe được tiếng con vượn của mình kêu, nghe nó nói đủ thứ, nào chuyện của mình của người, chuyện năm trước năm sau. Chuyện không ra gì nó cứ kể hoài không chịu dừng. 
     Tóm lại, Thượng Sĩ muốn nói rằng: Nếu người tu tâm thuần thục rồi thì không cần tránh cảnh, ở chốn phồn hoa hay nơi rừng vắng đều là chỗ an tâm. Đa số người thế tục thì chỉ hướng ra ngoài chạy theo trần cảnh, mà không chịu quay về nhìn kỹ mình để lắng nghe những dấy động của nội tâm mình. Chỉ bốn câu thơ mà Thượng Sĩ diễn tả được người tu thoát tục không vướng mắc và người thế tục không tu nên luôn luôn bị vướng mắc với sáu trần. 

    Dịch: 
    THĂM BỆNH 
    ĐẠI SƯ PHƯỚC ĐƯỜNG 
     Gió, nước gặp nhau sóng dấy lên 
     Lửa, cây chạm phải chùm lửa bùng. 
     Mới hay bốn đại không ranh giới 
     Núi kiếm mặc tình men theo dòng. 
    Giảng: 
     Phước Đường là tên Tinh xá, Đại sư là chỉ cho Thiền sư Tiêu Dao, Ngài ở Tinh xá Phước Đường, vì kính trọng thầy nên Thượng Sĩ không dám gọi tên mà chỉ gọi hiệu của Tinh xá. 
     “Gió nước gặp nhau sóng dấy lên.” Gió, nước là phong đại và thủy đại, hai đại đó mà không hòa thì chống nhau làm dấy động khiến cho thân sanh ra bệnh hoạn. Khi nào thân chúng ta khỏe mạnh thì lúc đó bốn đại hòa thuận. Lúc nào gió mạnh nước yếu thì nghe trong mình ê ẩm nhức nhối khó chịu. 
     “Lửa, cây chạm phải chùm lửa bùng.” Lửa và cây gặp nhau thì lửa bùng cháy. Cây thuộc về đất là địa đại, lửa là hỏa đại. Hai đại đó bất hòa thì làm cho lửa trong người của chúng ta tăng thêm. Khi nào trong người chúng ta nóng, mà ăn uống những thứ nóng thì nó hừng hừng nổi nóng lên. Khi đó muốn kiếm thứ gì mát uống vô cho hạ nhiệt xuống. Như vậy đất nước gió lửa bốn đại chống chọi nhau làm cho chúng ta sanh bệnh. Thượng Sĩ đi thăm bệnh nên phải truy nguyên bệnh từ đâu ra? - Bệnh là do bốn đại bất hòa. Nếu gió nhiều nước ít thì sanh ra đau nhức, lửa nhiều thì nóng hừng hực đỏ cả mặt mày... 
     “Mới hay bốn đại không ranh giới. Núi kiếm mặc tình nương theo dòng.” Nếu chúng ta nhìn cho tột cùng thì bốn đại vốn không có ranh giới. Thủy đại giới hạn của nó ở đâu? Lâu nay hễ nói tới nước là chúng ta nghĩ nước chỉ ở trong ao, hồ, sông, biển chớ đâu nghĩ trong hư không có nước. Nếu hư không không nước thì làm gì có mưa? Như vậy thủy đại không có giới hạn, nước không chỉ có ở ao, hồ, sông, biển... mà nước còn ở trong hư không. Lửa cũng không có giới hạn, nếu đủ duyên thì nó xẹt ra, gió cũng vậy đủ duyên thì gió nổi lên. Còn đất? Lâu nay chúng ta cứ tưởng cái gì cứng ở trên quả địa cầu này là đất, chớ đâu nghĩ rằng trong hư không cũng có đất. Mỗi sáng mặt trời vừa lên tia nắng rọi qua cửa sổ, chúng ta thấy bụi bay lăng xăng đầy trong hư không. Vậy, bụi cũng là đất; đất cứng chúng ta đạp dưới chân và đất nhỏ thành bụi bay trong hư không không có giới hạn. Đất nước gió lửa không giới hạn, khi nó hợp lại thành thân này thì thân này đâu có thường còn. Và thân này bại hoại đâu phải là mất, nó luôn luôn mênh mông cùng khắp. Biết được như vậy thì “núi kiếm mặc tình men theo dòng”. Chữ “núi kiếm” dịch từ chữ “Kiếm Các” là tên dãy núi ở huyện Kiếm Các tỉnh Tứ Xuyên bên Trung Hoa, còn gọi là Đại Kiếm Sơn và Tiểu Kiếm Sơn, vì núi có nhiều đá bén nhọn nên gọi là núi kiếm. Ở đây dùng chữ núi kiếm hàm ý diễn tả những cảnh hiểm nguy trong địa ngục, như ngục tốt bắt trèo lên cây có đao nhọn, leo lên núi có kiếm bén làm cho thân người tội phải tan nát. Khi biết rõ thân này do bốn đại hợp thành, bốn đại không giới hạn ở trong thân mà trùm khắp. Thế thì thân mình là một bộ phận nhỏ của cái trùm khắp, khi tan rã nó trở về bốn đại. Vậy thân này mất nhưng bốn đại không mất! Nói chết mà có chết đâu! Sanh là bốn đại tạm hợp; hợp thì thấy có thân. Chết là bốn đại tan; tan thì thấy như mất thân, nhưng bốn đại có mất bao giờ? Vậy chúng ta còn sợ chết không? Nếu ai hiểu tường tận như vậy thì dù cho đứng trước cảnh núi kiếm rừng đao nguy hiểm cũng không lo sợ. Chúng ta thường sợ chết, sợ chết là sợ mất thân, mà thân là bốn đại; bốn đại nơi thân tan rã hòa cùng bốn đại bên ngoài đầy khắp hư không; thân mất mà bốn đại không mất thì sợ cái gì? Nếu bốn đại tan rã mất hết thì chúng ta tiếc công mình nuôi dưỡng mấy chục năm bây giờ không còn. Sự thật nó không mất vậy mà sợ chết, vô lý làm sao! Đây là chỗ mà chúng ta phải để ý cho kỹ! Giá trị của người tu không phải ở ngoài hình thức làm việc này việc nọ, mà phải tu cho giác ngộ, dùng trí tuệ quán sát tường tận bản chất của bốn đại. Khi thấy được bản chất của bốn đại trùm khắp và không mất thì, đối với sự còn mất của thân này không nghĩa lý gì hết, nên chúng ta không còn sợ chết, sợ khổ. Thường khi thân này đau thì chúng ta sợ chết; vì đau rồi tới chết. Nhưng chết không sợ vậy đau có sợ không? - Nếu nhớ đau là do bốn đại bất hòa nó xô xát lẫn nhau không phải mình. Thấy vậy chỉ cười thôi! Bây giờ tứ đại đang nóng chăng, đang lạnh chăng? Đó là tứ đại nóng tứ đại lạnh chớ tôi đâu có nóng có lạnh; nóng lạnh là do bốn đại bất hòa! 
     Giả sử chúng ta là người lớn ngồi thấy mấy đứa nhỏ múa võ vật lộn với nhau đứa này quật đứa kia ngã, đứa kia quật đứa nọ ngã, chúng ta chỉ cười thôi. Bọn nó giỡn với nhau chớ đâu phải chúng ta. Thế nên chúng ta thản nhiên cười trước cái thắng bại của chúng. Cũng vậy bốn đại bất hòa thì nó lộn xộn, chớ tâm thể đâu có lộn xộn. Quí vị có thấy như vậy không? Hay khi thân suy yếu cũng ảo não theo, bốn đại bất hòa sanh ra đau bệnh mình cũng nhăn nhó theo? Có khi còn thối tâm Bồ-đề. Nghĩ: tu gì mà bệnh hoài về nhà dưỡng cho khỏe, có người thân lo lắng chu đáo hơn ở chùa! Bệnh quá tu không được v.v... Song, quí vị không phải là con nít, sao thấy chúng giỡn chơi đứa này đuổi đứa kia té, lại nhăn nhó khổ sở theo nó làm gì? Như vậy quí vị đồng hóa mình là mấy đứa con nít rồi! Chúng ta phải là người lớn có trí nhìn bọn con nít đùa, chớ không phải là con nít. Tóm lại người thấy bốn đại không ranh giới thì, dù có núi kiếm rừng đao cũng mặc tình leo lên chơi không sợ sệt gì cả, đó mới là người thật hiểu đạo. 
     

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

nghiệp Dục Thiền tập với trẻ em çŠ đò Phúc nen bao dung 四大皆空 mẹ ï¾ï½½ Đất Ä Lẩu chay vừa ngon vừa tốt cho sức Cha mẹ nên làm gì khi trẻ nhút hoa Câu thơ cúi hái bên đường lễ nen cung tat nien nhu the nao Duyên lành với khóa tu thiền thất 持咒方法 có Chú Ðại bi và kinh Từ bi phần ii tình thiên thu những câu nói ý nghĩa giúp bạn thay luâ n tức Mẹ tôi lÃÅ chÙa tĨnh lÂu Mùa hoa sấu ben thoi gian nguy ß cũng テ hÏa chùa tường long van phap giai khong la gi Đổi thanh âm mùa sanh Lễ húy kỵ tổ khai sơn chùa Long Hải tri hue Thức không dung cac