Mục Lục
Lời Nói Đầu
Phần 01 đến Phần 06
Phần 07 đến Phần 16
Phần 17 đến Phần 26
Phần 27 đến Phần 36
Phần 37 đến Phần 44
Phần 45 đến Phần 50
45- Mộng huyễn không hoa, hà lao bả tróc
46- Đắc thất thị phi, nhất thời phóng khước
47- Nhãn nhược bất thùy, chư mộng tự trừ
48- Tâm nhược bất dị, vạn pháp nhất như
49- Nhất như thể huyền, ngột nhĩ vong duyên
50- Vạn pháp tề quán, quy phục tự nhiên
Phần 51 đến Phần 57
Phần 58 đến Phần 62
Phần 63 đến Phần 69
Phần 70 đến Phần 73
.
GIẢNG GIẢI
TÍN TÂM MINH TỊCH NGHĨA GIẢI
Hòa Thượng Thích Duy Lực
Thích Đồng Thường Ghi Thành Văn Tự
45. MỘNG HUYỄN KHÔNG HOA, HÀ LAO BẢ TRÓC

Dịch

Việc mộng huyễn như hoa đốm trên không, đâu cần nắm bắt cho mệt nhọc!

Lời khai thị:

Mai rùa đen (vô minh), người ta dùng mai rùa để bói. Ở đây dùng ý thức để suy tìm, có tìm ra được cũng như trống rỗng. Không phải như trái cân thật cứng chắc. Nếu dùng ý thức để đi tìm, học hỏi có kiến giải cao siêu cho là chân lý cũng vô dụng.

Chỉ có Mộc thượng tọa tức là cây tích trượng của Tu sĩ, chẳng có cảm tình phân biệt. Không có phân biệt thì không bị xuyên tạc của người khác. Xuyên tạc là lấy tâm đi tìm giải thích. Người kiến tánh thì tự do tự tại, làm gì cũng được.

Người thường hay ham giàu có để hưởng thụ, muốn sống lâu. Nếu ở trong rừng lấy gì để hưởng thụ? Tuy có nhiều tiền đi đến Dương Châu, Thượng Hải… để hưởng thụ đầy đủ. Nhưng tạm thời không có cứu cánh. Tự tánh của mình có tất cả đầy đủ, hưởng không hết. Còn người đời giàu sang phú quí hưởng bao nhiêu, rồi cũng có giới hạn.

“Sáng cưỡi trâu Thiểm Phủ, chiều cưỡi hạt Dương Châu”. Có ý người đời dù có hưởng thụ bao nhiêu, thì người kiến tánh đều có hết. Người kiến tánh được tự do tự tại, mà người đời không bằng được. Vì người đời giàu sang bao nhiêu, có thế lực bao nhiêu đều bị hạn chế. Như có thế lực bằng vua, có tiền nhiều hơn cả nước, thì cũng không được tự do tự tại, vì không muốn già nó cũng già, không muốn bệnh nhưng cũng phải bệnh, không muốn chết rồi cũng phải chết. Tự mình làm chủ cho mình không được. Nếu làm chủ không được, làm sao được tự do tự tại!

Người kiến tánh biết mình là cái gì, thì làm chủ được mình, nên được tự do tự tại, không còn các khổ, ở  trong tâm sẵn sàng có đầy đủ tất cả, muốn đi đâu đều được. Người kiến tánh là đã về quê nhà, còn gọi là đã đập bể hư không; tức là hưởng thụ công đức của mình, chứ không cần người khác. Nếu còn cần người khác thì còn có ỷ lại, nên không được tự do tự tại.

Nếu chưa kiến tánh tức là chưa về quê hương, như mây bay trên trời, ngôi sao lặng đối với mình đâu có liên quan. Cho nên, ngài Trung Phong muốn mình kiến tánh, làm cái gì cũng được. Nếu chưa kiến tánh dù có kiến giải cao siêu cũng là vô dụng.

Lời nghĩa giải:

Tổ sư nói: “Việc mộng huyễn như hoa đốm trên không, đâu cần nắm bắt cho mệt nhọc”! Người nghĩa giải dẫn trong kinh nói: “Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bọt bóng, sương, lộ, điện chớp, nên tác quán như thế”. Sáu thứ này ở trong kinh Kim Cang không có tự thể, không có thật, chỉ tạm thời hiện ra, nếu chấp thật là sai lầm.

Lại dẫn chứng ngài Vĩnh Gia nói: “Buông tứ đại, chớ nắm bắt, trong tánh tịch diệt cứ ăn uống, các hạnh vô thường tất cả không, tức là Như Lai đại viên giác”. Tứ đại gồm địa, thủy, hỏa, phong là bốn thứ hợp thành thân thể của mình, cũng không phải thật, cho nên phải buông bỏ.

Tự tánh của mình thì tịch diệt; tịch diệt này không phải là đoạn diệt. Đây hình dung không có bản thể, nhưng cái dụng thì tự động, như đói ăn, mệt ngủ. Lúc ăn cơm không thấy mình ăn, lúc ngủ không thấy mình ngủ, gọi là tánh tịch diệt, chứ không phải không có gì! Chỉ vì các pháp là vô thường. 

Chữ “hành” là biến đổi, như thân thể này do tứ đại hợp thành tức là từ nhỏ biến thành lớn rồi lớn biến thành già cho đến biến thành đất; nó mỗi phút mỗi giây đều biến mãi, không có giây phút nào không biến đổi. Mặc dù mình ngủ nó vẫn biến đổi, thì tất cả đều như thế!

Nói đến không là hiện ra cái dụng, chứ không phải không có gì cả. Cái dụng đó là Như Lai Đại Viên Giác. Đại Viên Giác là hình dung cái dụng tự động của Tự tánh. Viên là tròn, thêm không được, bớt cũng không được. Nếu thêm được là dư, bớt được là thiếu, không phải là viên giác.

Giác là gì? Là biệt danh của Tự tánh. Như Lai cũng là biệt danh của Tự tánh. Nếu tất cả không có chấp Phật, tức là quét sạch trống rỗng, thì tự nhiên hiện ra cái dụng của Tự tánh. Nhưng những người chưa kiến tánh, không hiểu ý Phật, không hiểu ý Tổ, lấy hai lời này ở trong kinh Kim Cang của Phật, lời của Tổ ở trong Chứng Đạo Ca, để dẫn chứng rằng: “Tất cả đều không có”, làm ác, phá giới đều không sợ, chấp vào cái không, thì lọt vào cú thứ nhì, đã làm tội địa ngục mà tự mình không hay biết.

Tịch nghĩa giải:

Nhưng lời nói trên chưa được, ngài Trung Phong còn phủ nhận.

Nhưng chẳng biết ngay lúc buông lung tình ý, làm bậy. Quả thật thấy cảnh sở duyên như mộng huyễn không hoa hay không? Nếu thấy là không hoa, thì chẳng nên đeo đuổi để hưởng thụ. Nếu trong tâm mình còn chút tìm kiếm để hưởng thụ, cũng không gọi là mộng huyễn không hoa. Phải biết, muốn làm Phật làm Tổ cũng là mộng huyễn không hoa; làm Phật, làm Tổ còn mộng huyễn không hoa, huống là những việc khác thấp hơn ư!

Ngay cái thuyết “đâu cần nắm bắt cho mệt nhọc”! Đã rơi vào mộng huyễn rồi. Vậy việc này phải làm sao mới được? Nếu chẳng đích thân chứng ngộ, mà theo lời Phật lời Tổ để giải thích thì chẳng phải ngu si là gì! Cho nên, lời nói cao siêu là vô dụng, lý giải cao siêu cũng là vô dụng, nên phải thân chứng mới được.

Kệ kết thúc:

Thích Ca nửa đêm thấy ngôi sao,
Cùng hiện bóng nghiệp trước gương đài.
Làm thành một thứ mộng điên đảo,
Chẳng biết ai là đắc tiện nghi.
(Hai câu trên nói sự tích Phật Thích Ca. Phật Thích Ca ở núi Tuyết Sơn tu hết sáu năm, ngồi dưới gốc cây bồ đề 49 ngày, đến nửa đêm thấy sao mai mà ngộ đạo; sau khi ngộ đạo, biết mình là cái gì rồi. 

Nếu không biết cái gì thì tùy nghiệp xoay chuyển; trước gương nghiệp đã biết mình là cái gì tức là đã thành Phật, làm chủ được chính mình, được tự do tự tại, vĩnh viễn giải thoát tất cả khổ. Nếu bị thời gian, số lượng hạn chế thì không gọi là tự do tự tại. Khi đã thành Phật mới biết trước kia tất cả đều là mộng tưởng điên đảo.

Không những ban đêm nhắm mắt chiêm bao, mà ban ngày cũng là mở mắt chiêm bao, đều là điên đảo mộng tưởng. Nhắm mắt chiêm bao có lúc phải tỉnh giấc, còn mở mắt chiêm bao không biết bao giờ thức tỉnh! Đến chừng nào kiến tánh rồi, thì mở mắt chiêm bao được thức tỉnh.

Vì do bệnh chấp thật nên có chiêm bao, làm cho mình không biết là cái gì, nên không làm chủ được mình. Đã không biết mình là cái gì, mà còn ai biết tiện nghi! Nói được tiện nghi là do lòng tham của mình mới có tiện nghi. Sau khi chết chôn thành đất thiêu thành tro, vậy ai được tiện nghi? Vì mình chấp thật là do ba độc của tham, sân, si. 

Cho nên, ý Tổ muốn mình biết mình là cái gì, thì phải tham thiền; nghi tình thành khối sẽ có ngày biết mình là cái gì, mới làm chủ cho mình. Lúc đó biết ai đã được tiện nghi).

46. ĐẮC THẤT THỊ PHI, NHẤT THỜI PHÓNG KHƯỚC

Dịch

Đắc, thất, thị, phi, đồng thời buông bỏ.

Lời khai thị:

Đạo tràng của Ngưỡng Sơn có 1500 người tham thiền. Tuyết Phong giữ nhiệm vụ vo gạo nấu cơm.
Một hôm Tuyết Phong đang vo gạo, Quy Sơn gặp hỏi Tuyết Phong: Vo gạo bỏ đất cát hay bỏ gạo?
Tuyết Phong đáp: Gạo và đất cát đều bỏ.
Quy Sơn nói: Vậy, đại chúng ăn cái gì?
Tuyết Phong lật úp thúng gạo.
Quy Sơn nói: Căn cơ của ông đến Đức Sơn mới thích hợp.
Tuyết Phong gặp Đức Sơn hỏi: Sự kiến tánh thành Phật, người học Phật là tôi có phần hay không? 
Câu nói vừa dứt, thì cây phản của Đức Sơn liền đập trên đầu của Tuyết Phong, ngay đó Tuyết Phong ngộ đạo, phá được sơ quan. Cây phản của Đức Sơn có tiếng bên Tổ Sư thiền gọi là Đức Sơn phản.
Có người đến hỏi đạo, thì Tuyết Phong dùng trái cầu bằng gỗ, có cột sợi dây rồi quăng ra; đây là thủ đoạn của Tuyết Phong.

Phổ Hóa giúp cho Lâm Tế để hoằng dương Tổ Sư thiền. Đến khi Ngài gần nhập tịch, Phổ Hóa nói: Tôi cần một chiếc áo. Mọi người đem áo lại cho, Sư nói không phải. Chỉ có Lâm Tế làm cho một cái hòm, rồi Phổ Hóa nhận và vác cái hòm ra thành Trấn Châu có bốn cửa: Đông, nam, tây, bắc.

Ngày đầu tự mình vác hòm đến cửa đông và nói với mọi người đi theo coi rằng: Đến cửa đông, tôi tự mình vào cái hòm nhập diệt. Khi đến nơi, Tổ nói: Hôm nay chưa được, đợi đến ngày mai vào đến cửa nam rồi nhập diệt. 

Sáng ngày mai, Tổ vác hòm đi, cũng có số người đi theo, khi đến nơi, Tổ lại nói: Hôm nay cũng không được, đợi đến ngày mai đi cửa tây mới được.

Sáng mai đó, Tổ vác hòm đi chỉ có vài người theo đến nơi, Tổ nói: Cũng chưa được, chưa có tốt; đợi ngày mai nữa mới được.

Rồi ngày mai ấy chỉ có một mình Tổ vác cái hòm đi đến cửa bắc, chẳng có ai theo. Khi đến nơi, rồi tự mình vô hòm mà thị tịch. Mọi người xung quanh thấy Tổ cầm chuông sắt đi ở trên không mà rung, đi đến lúc không còn thấy.

Hai Tổ ở trên là đại cơ đại dụng, mục đích độ chúng sanh được ngộ ngay. Nếu không ngộ cũng phải phát khởi lên nghi tình, sau này sẽ được ngộ. Mặc dù Tổ làm như thế không có gì, nhưng đó là cơ dụng của Tổ. Tuy là đại dụng đại cơ, nhưng mà kết quả là tạo tác, tức là có ý muốn làm như vậy.

Đâu bằng  Nam Tuyền là Vương Lão Sư còn gọi là Vương Thái Phó. Ngài dạy học cho thái tử và tự xưng là Vương Lão Sư. Ngài ngộ triệt để là vô sanh vô diệt. Vô sanh thì không có thiện không có ác.

Người ta hỏi: Thế nào là đạo?

Tổ đáp: Tâm bình thường là đạo.

Không có gì lạ, chỉ là đói bụng thì ăn cơm, ăn no buồn ngủ thì ngủ, đó là tánh của người ta vậy. Cứ ăn no rồi ngủ, khoái lạc tiêu diêu tự do tự tại.

Có một ông Quan hỏi Thiền sư: Cách tu hành của Ngài như thế nào, nói cho tôi biết, đặng tôi học theo?

Thiền sư nói: Đói bụng thì ăn cơm, buồn ngủ thì ngủ.

Ông quan nói: Như vậy, người nào cũng tu hành hết, vì ai cũng đói bụng thì ăn cơm, buồn ngủ mà ngủ.

Thiền sư nói: Không phải! Khác. Tôi ăn cơm chỉ ăn cơm, còn các vị ăn cơm thì phân biệt đủ thứ. Tôi ngủ cứ ngủ, còn các vị ngủ mà suy nghĩ đủ thứ, đâu có giống.

Nếu mình đã kiến tánh thì vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ, lúc đói ăn cơm buồn ngủ thì ngủ. Có ai đến hỏi Tổ Sư thiền, bảo họ xem Huỳnh Phan Xước.

Huỳnh Phan Xước là cố vấn cao cấp của nhà vua Đường Minh Hoàng. Lúc An Lộc Sơn phản loạn, vua Đường Minh Hoàng sợ bỏ lánh nạn ở Tứ Xuyên cùng với Huỳnh Phan Xước.

Khi lúc trời mưa có cái Linh rung kêu, nhà vua có tâm trạng chán nản hỏi Huỳnh Phan Xước: Cái linh nói gì vậy?

Huỳnh Phan Xước trả lời: Tam Lang đừng thối chí.

Qua câu chuyện trên, ý muốn mình chưa kiến tánh đừng thối chí. Như Đường Minh Hoàng bị đánh bại không còn tinh thần, chán nản. Mình phải có chí khí dũng mãnh tiến lên tham cứu khi nào ngộ mới thôi.

Lời nghĩa giải:

Tổ sư nói: “Đắc, thất, thị, phi, đồng thời buông bỏ”. Người nghĩa giải rằng: Trong nhất chân Pháp giới (pháp giới rộng hơn vũ trụ, vũ trụ thì vạn hữu, pháp giới thì vạn hữu và vạn vô) thì ở trong tự tánh của mình bao gồm pháp giới tức là Phật tánh. Vậy tất cả ở trong pháp giới đâu có cái gì ở ngoài pháp giới. 

Cho nên Phật pháp thường nói: “Ngoài tâm không có Phật,  ngoài tâm không có pháp”. Không có trong, không có ngoài thì đâu có đắc đâu có thất, chẳng có thị chẳng có phi, chỉ vì do vọng tình sanh lên. Vọng tâm khởi lên mới có phân biệt đắc thất, thị phi, cho là khác nhau gọi là dị kiến. Đáng lẽ không có đồng không có khác, vì vọng tâm khởi lên phân biệt, khi không sanh ra đủ thứ khác nhau. Ở trong không có đắc thất mà sanh ra đắc thất, ở trong không có thị phi mà sanh ra thị phi.

Do đó Tổ sư bảo chúng ta buôn bỏ hết đã là không đúng rồi. Như mình trần đụng vào mặt bén của con dao, tự mình làm đứt mình, chứ không phải người khác. Tâm mình cũng vậy, khi không vọng tâm mình làm ra tự bó buọâc, đâu có ai làm cho mình đắc, thất, thị, phi!

Đã vốn không có đắc, thất, thị, phi mà còn buông bỏ cái gì? Cho nên buông bỏ là không đúng. Nếu nói có lý do để buông bỏ, thì đắc, thất, thị, phi buông bỏ ở chỗ nào?

Phật pháp là phá ngã chấp, nếu ngã chấp không có thì ai đắc, thất, thị, phi? Nói vậy đúng lắm, rất có lý; nhưng ngài Trung Phong còn phải phủ nhận.

Tịch nghĩa giải:

Hử! Có thể buông bỏ cũng đáng ăn gậy, nói không thể buông bỏ cũng đáng ăn gậy. Tại sao? Vì ông chưa thoát được đắc, thất, thị, phi. Vậy, đã lọt vào tứ cú rồi.

Đắc là cú thứ nhất, thất là cú thứ nhì, chẳng đắc chẳng thất là cú thứ ba, cũng đắc cũng thất là cú thứ tư. Thị phi và buông bỏ cũng vậy. Vì vậy có buông bỏ cũng đánh gậy, không buông bỏ cũng đánh gậy.

Vậy thế nào để khỏi bị đánh gậy? Chỉ có tham thiền, khởi nghi tình miên mật thì không lọt vào tứ cú, mới đưa đến chỗ giác ngộ triệt để. 

Kệ kết thúc:

Hai tay xòe ra chẳng một việc,
Thị, phi, đắc, thất thảy đều quăng.
Muốn đem cái này thoát sanh tử,
Con rắn siết chặt đôi chân ông.
(Hai bàn tay buông ra không có việc gì, tại mình nắm chặt là do chấp thật, nên có đắc, thất, thị, phi. Nếu thị, phi, đắc, thất đều bỏ hết, vậy đúng hay không? Cũng chưa đúng. Tại sao? Muốn lấy buông bỏ để siêu việt sanh tử, như bị rắn quấn siết đôi chân thì không thể đi.

Bởi vậy, không có đắc, thất, thị, phi, tại vọng tâm mình chấp thật mới có. Nếu nói buông bỏ thì buông bỏ cái gì? Sự thật không có cái gì để cho mình buông bỏ. Nếu khởi niệm buông bỏ là sai lầm, như tự mình lấy dây bó buộc mình vậy.

47. NHÃN NHƯỢC BẤT THÙY, CHƯ MỘNG TỰ TRỪ

Dịch

Mắt nếu không ngủ, chiêm bao tự dứt.

Lời khai thị:

Quanh năm ngồi kiết già, suốt ngày miệng như câm, hai mắt ngó trên vách, chẳng biết mong muốn gì? Tham cứu tự kỷ; tham thiền phải quyết tử mà tham, đặt tham thiền trên đời sống, trên tất cả mới hy vọng kiến tánh. Nếu có nửa nghi nửa tin, thì nghi tình không được nặng; mà thấy lời cổ nhân, câu thoại đầu hình như có hình như không có; tháng ngày trôi qua, năm cùng khí tận, lẩn quẩn qua ngày, giống như leo cây bắt cá.

Bắt cá phải xuống nước, leo cây làm sao bắt được! Đâu bằng quét cho nó sạch, muốn quét sạch phải dùng nghi tình nặng. Nghi tình là cái chổi automatic quét sạch hết. Gặp ma quét ma, gặp Bồ tát quét Bồ tát, gặp Phật quét Phật, rồi dạ minh châu Tự tánh của mình hiện ra. 

Hạt dạ minh châu ở trong đêm tối hiện ra ánh sáng thấy được mọi thứ. Như Tự tánh mình hiện ra, thì biết mình là cái gì, tất cả vũ trụ vạn vật đều biết rõ hết. Lúc đó đạt được tự do tự tại, không còn tất cả khổ nữa.

Lời nghĩa giải:

Tổ sư nói: “Mắt nếu chẳng ngủ, chiêm bao tự trừ”. Người nghĩa giải cho rằng: Hai câu này là lấy con mắt để thí dụ, câu sau để hợp câu trước. Nếu vọng tâm không có chấp thật, thì bình yên vô sự, chẳng có việc gì, tại do tâm mình chấp thật, mới có phân biệt đủ thứ. Ở đây thí dụ, nếu hai con mắt mở lớn không ngủ, thì thấy rõ ràng, hôn trầm làm sao có! Vì thế nó tự trừ. Đã không có hôn trầm thì chiêm bao cũng không có.

Theo nghĩa giải thì đúng, nhưng ngài Trung Phong còn phải phủ nhận. 

Tịch nghĩa giải:

Nếu có thí dụ không bằng không có thí dụ. Có thí dụ như thế, thì Tổ Tăng Xán cũng đáng ăn phản. Tại sao? Nói nhắm mắt có chiêm bao, còn mở mắt cũng là chiêm bao. Hiện nay tôi đang thuyết pháp, các vị đang nghe pháp, cũng là chiêm bao vậy. Vì sao?

Giáo môn có độc đầu ý thức biến hiện là một mình ý thức biến hiện chiêm bao, thì nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân ngưng hoạt động, chỉ có thức thứ sáu luôn luôn hoạt động, ngủ quên nó vẫn hoạt động hiện ra thân chiêm bao. Nhân vật trong chiêm bao có người quen có người không quen, thế giới trong chiêm bao, như: Nhà, cửa, xe cộ đều có. Người trong chiêm bao gặp nhau cùng nói chuyện, người chiêm bao bị đánh cũng biết đau, biết vui biết khổ, ăn uống đều biết ngon, khóc trong chiêm bao cũng ra nước mắt, trong chiêm bao sợ, lúc thức dậy, trái tim thấy đập mạnh. 

Vì chấp nhắm mắt chiêm bao là thật, nên khổ vui đều có, giống như khổ vui bây giờ không có chiêm bao vậy. Trong chiêm bao không cần cái thân, đụng nóng lạnh đều biết nóng lạnh, tất cả là do thức thứ 6 hiện ra.

Bây giờ, không có nhắm mắt chiêm bao, nhưng có mở mắt chiêm bao, gọi là đồng thời ý thức biến hiện. Tại sao gọi là đồng thời ý thức biến hiện? Như tiền ngũ thức: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân đang hoạt động bình thường. Con mắt thấy cái gì thì thức thứ 6 đồng thời nổi lên. Nhĩ thức nghe được tiếng, nhưng không biết tiếng gì, tiếng người hay tiếng chim… phải có thức thứ 6 đồng thời khởi lên, mới biết được tiếng người hay tiếng chim; lại phân biệt được tiếng đàn ông, đàn bà hay trẻ con… đều phân biệt rõ ràng.

Nếu không có nhĩ thức, thì thức thứ 6 không nghe tiếng, nên không phân biệt được. Nếu có nhĩ thức không có thức thứ 6 đồng thời khởi lên, chỉ nghe được tiếng không biết tiếng gì. Cho nên phải có 2 thức đồng thời khởi lên, gọi là đồng thời ý thức biến hiện.

Độc đầu ý thức và đồng thời ý thức đều là chiêm bao. Cho nên, kinh Hoa Nghiêm nói: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Tức là nhắm mắt chiêm bao và mở mắt chiêm bao đều do tâm tạo, cũng là do ý thức tạo ra. Chẳng qua nhắm mắt chiêm bao là chỉ một mình ý thức tạo. Mở mắt chiêm bao là 2 thức cùng tạo, đều do tâm tạo cả, chứ không có khác. Biết rằng nhắm mắt chiêm bao và mở mắt chiêm bao là 2 thí dụ, nếu Tổ Tăng Xán chấp cho là thật, thì Tổ cũng đáng ăn gậy.

Kệ kết thúc:

Kim cang chánh nhãn chưa từng ngủ,
Chẳng biết mộng lớn bao giờ thức.
Gởi lời Thiền khách cửa Tổ sư,
Chớ cho hạt hót là oanh ca.

(Kim cang chánh nhãn cũng là một biệt danh của Tự tánh. 2 chữ “kim cang” là vật ở thế gian cứng nhất, phá hoại tất cả vật, nhưng không bị tất cả vật phá hoại. Dùng cái đó để hình dung Tự tánh. Ở đây chánh nhãn là phân biệt tà nhãn.

 Tà nhãn coi cái gì cũng sai lầm, không phải thật mà chấp là thật, không phải giả nhưng chấp là giả. Không phải có mà chấp là có, không phải không nhưng chấp là không. Chánh nhãn thì ngược lại, phân biệt rõ ràng, không lọt vào tà kiến. Như kim cang phá hư được tất cả, nên gọi là kim cang chánh nhãn.

Tự tánh của mình không khi nào ngủ, vậy mình nói ngủ là không đúng. Nhắm mắt chiêm bao, khi ngủ đã thức dậy thì hết chiêm bao. Còn mở mắt chiêm bao, không biết bao giờ thức tỉnh; chỉ có tham thiền đến kiến tánh mới thức tỉnh, ngoài ra không bao giờ thức tỉnh.

Cho nên, lời của Thiền sư Trung Phong cách đây gần 1000 năm, nhắn gởi cho đại chúng biết: Đừng cho tiếng hạt là tiếng hoàng oanh.

Thức tỉnh nhắm mắt chiêm bao như là hoàng oanh kêu. Thức tỉnh mở mắt chiêm bao như là tiếng con hạt kêu. Thức tỉnh nhắm mắt chiêm bao vẫn còn cái khổ, còn thức tỉnh mở mắt chiêm bao thì hết khổ. Aáy là khác rất xa, nên đừng có lầm.

48. TÂM NHƯỢC BẤT DỊ, VẠN PHÁP NHẤT NHƯ

Dịch

Nếu tâm chẳng cho là có khác, thì muôn pháp chỉ là một “Như”.

Lời khai thị:

Chỗ hành của đạo nhân như lửa tan băng (nghi tình tự động quét sạch, gặp ma quét ma, gặt Phật quét Phật, như lửa tiêu băng). Trái lại, trước mặt Nạp Tăng như băng tiêu lửa (tại sao gọi là Nạp Tăng? Nạp là cái áo từ vải vụn ở các nơi khâu thành tấm vải gọi là nạp y, không phải lấy vải nguyên cắt ra mà khâu lại. 

Phong tục an táng đám ma của Ấn Độ thời xưa gồm có 4 thứ: Thổ táng, thủy táng, hỏa táng và điểu táng. Ở Việt Nam chỉ có thổ táng và hỏa táng, không có thủy táng và điểu táng. 

Thủy táng là bỏ xác chết xuống nước cho cá ăn. Điểu táng là đem xác chết lên núi, chỗ có xây bốn bức tường, để cho cầm thú ăn thịt, còn lại quần áo rách, rồi Tu sĩ lượm vải đó về khâu lại làm nạp y. Cho nên, cái tên vẫn còn gọi là Nạp Tăng, chỉ cho người xuất gia, nhưng đây chỉ cho người tham thiền xuất gia).

Bỏ hết băng và lửa, buông bỏ phàm thánh (tức là không phân biệt phàm thánh, lửa băng. Tham thiền đề câu thoại đầu, khởi lên nghi tình. Nghi tình là cái chổi tự động quét sạch), như Đạo sĩ không tay vẽ bùa quỷ (vì nó tự động). Xà Lê mù mắt đọc kinh Phật (cũng là tự động khỏi cần coi, 2 câu này là hình dung tham thiền, nghi tình tự động, khỏi cần quét mà tự quét. Vọng tưởng lên bao nhiêu mặc kệ, nghi tình tự động quét sạch).

Lại còn một chỗ đáng tin cậy. Tò vò nuốt cả hồ Động Đình (Tò vò là con trùng rất nhỏ, còn hồ Động Đình thì rất lớn. Trong Thiền Thất Khai Thị Lục, ngài Lai Quả thí dụ: Nghi tình  thành khối, dù khối này rất nhỏ, nhưng tất cả vật, núi, sông, đất, nước… đều ở trong đó).

Lời nghĩa giải:

Tổ sư nói: “Nếu tâm chẳng cho là có khác, thì muôn pháp chỉ là một Như”. Người nghĩa giải cho rằng: Vạn pháp vốn như, do tâm mới thành khác. Ví như núi chẳng tự cao, tâm cho là cao; nước chẳng tự sâu, tâm cho là sâu. Tâm này cho là khác thì muôn ngàn sự vật đều thành khác. Cổ và lưng vốn cùng một thân mà xem nó như nước Sở và Việt, anh em cùng giống nòi mà coi như trời với đất. Vì sự khác nên tình chí thân còn phải khác, huống là phàm với thánh, người với vật. Muốn dung hợp thành một, chẳng sanh yêu ghét này nọ, đâu có thể được.

Kinh nói: “Chưa đạt cảnh duy tâm, khởi đủ thứ phân biệt” (tức là chưa đạt tất cả cảnh, như vũ trụ vạn vật đều do tâm tạo. Nếu thấu được rồi thì không có phân biệt).

Như bọn mù mò voi (mỗi người mù rờ voi mỗi chỗ khác nhau, rồi cho con voi là thế này thế kia, chẳng biết mới chỉ rờ một bộ phận của con voi, mà cho là toàn thể con voi, thì sao đồng được!).

Như thấy bóng cung trong nước nghi là rắn… (người khách Quảng Đông uống nước trà, trong nhà có treo cây cung, ánh sáng đèn chiếu cây cung vào tách trà của người khách, hình giống như con rắn. Khi uống trà xong, người khách tưởng mình uống con rắn vào bụng. Từ cảm giác đó cái bụng mỗi ngày lớn lên, không có thầy thuốc nào chữa được. Người chủ biết người khách bệnh là do hiểu lầm bóng cây cung cho là con rắn.

Lại một hôm, người chủ mời người khách đến uống trà, cây cung và tách trà vẫn chỗ cũ, cũng thấy bóng cây cung trong tách trà, ánh đèn chiếu vào. Người chủ chỉ cho người khách thấy, rồi lấy cây cung đem đi chỗ khác, người khách thấy trong tách trà không còn bóng cây cung cho là con rắn nữa, thì biết mình đã hiểu lầm cây cung cho là con rắn. Từ đó bệnh không còn nữa. Câu chuyện đó gọi là Quãng Khách Nghi Xà).

Như vậy, chứng tỏ là do tâm tạo, ở trong không có đồng không có khác, mà sanh ra có đồng có khác. Như mắt bệnh mới thấy hoa đốm trên không, nếu trị lành bệnh mắt, thì hoa đốm trên không đâu còn nữa.

Sơn hà đại địa vạn vật đủ thứ trong pháp giới bao la, làm sao dung hợp nhất như được? Nếu có dung hợp được như gương soi gương, cũng còn là gương. Nếu chuyển sơn hà nhập vào tự kỷ, như không hợp với không cũng là không. Đến đây các duyên đều tịch lặng, thì nhị kiến không sanh như: Sáng tối, có không, thông nghẽn… tất cả đối đãi đều không sanh khởi, nên nhất pháp ấn định. Vậy mới phù hợp cái định của Tổ sư và khế hợp tâm của Phật.

Giải thích trên rất có lý, nhưng ngài Trung Phong còn phủ nhận.

Tịch nghĩa giải:

Lời này tạm gát qua một bên. Nay trước mắt sáng, tối, thông, nghẽn, thành, trụ, hoại, không, gọi cái gì là tâm bất dị? Như sắc tượng có gọi là thành, tồn tại một thời gian gọi là trụ, bắt đầu hư gọi là hoại, tiêu mất không còn gì gọi là không.

Động vật có sanh lão bệnh tử, tất cả cảnh vũ trụ pháp giới hiện ra đủ thứ sai biệt, gọi cái gì là tâm không sai biệt? Nếu chỉ không ra thì làm sao được? Nói có lý mà chỉ không ra thì có lý gì? Hoặc có người nói: “Mặc cho các pháp bày ra trước mặt, ta chỉ dùng cái lý “bất dị” để chiếu soi thì được rồi”. Thì ngài Trung Phong nói: Ứ! Nếu mà như thế, chiếu chừng nào sai biệt chừng nấy.

Vậy làm sao không có sai biệt? Chỉ có nghi tình khởi lên mới không có đủ thứ sai biệt nổi lên.

Kệ kết thúc:

Tâm chẳng khác biệt đồng vạn pháp,
Nắm tay chỉ thể dọa trẻ con.
Cứ theo hình vẽ đồ cho giống,
Lừa gạt người đời khi nào thôi.

(Nếu tâm không khác thì vạn pháp đồng nhất. Nói như thế, cũng như trong nắm tay không có gì, lại gạt con nít ở trong đó có cục kẹo. Nếu như thế mà dạy người ta, tuy nói có lý, nhưng sự thật chẳng có ích cho người và mình. Cứ mãi mãi gạt người ta chừng nào thôi! Tức là thầy gạt trò, đời này sang đời khác, liên tiếp khi nào hết.

 Nói ăn mà chẳng ăn thì không no, nói ăn mà ăn thì no. Như mình nghiên cứu chén cơm, trong đó có bao nhiêu chất bổ, biết rõ ràng không sót chút nào. Nhưng sự nghiên cứu biết đó, không thể nào no được, không bằng người ngu si không biết nghiên cứu, mà chỉ ăn cơm là được no.

Tham thiền đề lên câu thoại đầu, khởi lên nghi tình thì tự nhiên đạt đến chỗ tự do tự tại, giải thoát tất cả khổ. Nếu không, chỉ nghiên cứu giáo lý cao siêu, nói hay thì đối với việc giải thoát sanh tử  không có liên quan.

49. NHẤT NHƯ THỂ HUYỀN, NGỘT NHĨ VONG DUYÊN

Dịch

Một chữ  “Như” thể tánh huyền diệu, cùng tột bình đẳng, bặt nhân duyên đối đãi.

Lời khai thị: 

“Thiền thiền thiền, lìa lý giải”. Nói đến thiền thì không thể lý giải, dùng lời nói không thể lý giải, vì cần lìa lý giải. Hiện giờ có một số sách thiền phổ biến, họ lại giải thích công án là nghịch ý Tổ sư, vì giải thích thì hết nghi, tham thiền là cần nghi. 

Nếu lấy thiền để giải thích, theo giới luật thì người đó phải đọa địa ngục, tức là làm lấp bít cửa ngộ của người tham thiền, tức là không cho người tham thiền được ngộ. Ngộ là Phật, độ vô lượng chúng sanh.

Có người hỏi tôi (Duy Lực): Thiền là cái gì vậy?

Tôi nói: Thiền không phải là cái gì; nếu thiền là cái gì thì không phải thiền. Vậy làm sao để giải thích? 

Ông già Thích Ca truyền pháp cho Ma Ha Ca Diếp chưa được một nửa. Tổ Đạt Ma đem thiền này truyền qua Trung Quốc, một vạn thì còn thiếu tám ngàn. Ngài Lâm Tế danh tiếng hét, dù hét cho đến muốn bể miệng, ngài Đức Sơn đánh phản cho đến tay phồng lên… những cơ xảo này rất hay, nhưng đối với thật tế vẫn cách xa như trời với đất. 

Tại sao? Dù Phật, Tổ hay như thế nào cũng không truyền cái ngộ cho mình được. Người ta nói truyền tâm ấn, vậy làm sao truyền? Không thể truyền được, mà chỉ truyền cách thực hành tham thiền, rồi tự mình ngộ. 

Câu chuyện người thợ mộc đẻo bánh xe và Tề Hoàng Công: 

Tề Hoàng Công ở thời xuân thu (Trung Quốc). Tề Hoàng Công ở nhà trên, còn thợ mộc ở nhà dưới đang đẻo bánh xe. Thời xưa dùng cây để làm bánh xe.

Thợ mộc đẻo bánh xe rất giỏi hỏi Tề Hoàng Công: Ngài coi sách gì vậy?
Tề Hoàng Công đáp: Coi sách Thánh hiền. 
Thợ mộc hỏi: Thánh hiền nói gì vậy? 
Tề Hoàng Công nói: Thánh hiền lấy cái kinh nghiệm dạy cho mình
Thợ mộc hỏi: Thánh hiền ở đâu?
Tề Hoàng Công nói: Thánh hiền đã chết.
Thợ mộc nói: Thánh hiền đã chết, thì lời nói của Thánh hiền như mây khói, vậy có dùng gì được!
Tề Hoàng Công phát giận nói: Sao ông dám nói vậy? Dám phỉ báng Thánh hiền! Vậy ông phải cắt nghĩa cho tôi nghe, nếu có lý thì ta tha, còn vô lý phải bị chém đầu.

Thợ mộc nói: Tôi đẻo bánh xe, tôi ngộ được cách đẻo bánh xe, nếu đẻo bánh xe lỏng một chút, bánh xe dễ sút ra nên rất nguy hiểm; nếu chặt quá thì bánh xe quay không được. Tâm  tôi đã ngộ, dùng tay cầm búa đẻo vào bánh xe cho vừa vặn không lỏng không chặt. Tôi đã ngộ nghề này, muốn truyền cho con tôi; con tôi cũng là thợ mộc khéo, nhưng truyền không được. Tôi chưa chết, cầm búa dạy cho con tôi đẻo, tôi cầm tay con tôi cũng đẻo không được; huống là lời Thánh hiền, mà Thánh hiền đã chết từ lâu thì có ích gì! Tôi còn sống, búa và bánh xe còn đó truyền không được, chẳng phải lời của Thánh hiền là mây khói sao!

Tề Hoàng Công nói: Có lý. Thôi! Tha chém đầu.

Bánh xe có hình tướng còn truyền không được, huống chi Tự tánh không hình tướng, làm sao truyền được? Cho nên Phật, Tổ rất hay chỉ được phân nửa, Tổ còn thiếu tám ngàn.

Nếu mình tiến tới trước trước mắt, như vạch sóng tìm nước; nếu thối lui như cuốc đất kiếm trời. Nếu không tới lui muốn cầu tương ưng với Tự tánh, thì cần tham 30 năm nữa mới được.

Lời nghĩa giải:

Tổ sư nói: “Một chữ Như thể tánh huyền diệu, cùng tột bình đẳng, bặt nhân duyên đối đãi”. Người nghĩa giải cho rằng: Thể Tánh của chữ Như, huyền diệu lại thêm huyền diệu. Chẳng do nhân duyên mà có, chẳng phải tự nhiên mà thành. 
Như: Con gà và trứng gà. Nếu nói con gà và trứng gà do nhân duyên mà có. Nhân duyên thì phải có sự bắt đầu nhân thứ nhất. Nhân thứ nhất con gà hay nhân thứ nhất trứng gà? Nếu nhân thứ nhất là con gà, thì không có trứng gà, làm sao nở ra con gà? Nếu nhân thứ nhất là trứng gà, thì không có con gà, làm sao đẻ ra trứng gà? Thì vô lý! Lý nhân duyên không đủ lý do, nên không đúng.

Nếu cho tự nhiên mà thành; nói nhân thứ nhất là tự nhiên sanh ra. Nếu tự nhiên thì không cần nhân duyên, thì tự nhiên ở trên trời rớt xuống con gà hoặc trứng gà. Tại sao bây giờ con gà do trứng gà nở ra và trứng gà do con gà đẻ? Vậy tự nhiên cũng vô lý, lý này không thành lập được.

Cho nên, Phật dạy mình lìa tứ cú tuyệt bách phi. Vì tất cả đều không đúng, có đối đãi là tứ cú. Như tôi thuyết pháp cũng lọt vào tứ cú. Tham thiền cũng lọt vào tứ cú, còn cái gì không lọt vào tứ cú? Chỉ có khởi lên nghi tình thì không lọt vào tứ cú, lìa tứ cú và tuyệt được bách phi.

Vậy con mắt của Phật cũng không thấy được, tâm của Phật không thể suy lường. Nên quăng đại thiên thế giới ra ngoài hư không, cuốn pháp giới thành sợi lông, tức là một không thì tất cả đều không, chẳng cần mổ xẻ; Nếu một có thì tất cả đều có, đâu cần tạo tác mới có. Chẳng thể lấy số cát sông hằng cho là nhiều và cũng không cho một sợi lông là ít.

Nói “tuyệt nhân duyên, bặt đối đãi”, tức là thể tánh huyền diệu của một chữ “Như” vậy. Nói như thế, thì lý cao siêu nhưng ngài Trung Phong còn phải phủ nhận.

Tịch nghĩa giải:

Nói thì nói gần giống, ngươi chứa lời này trong lòng, muốn tương ưng với thể tánh huyền diệu của của chữ Như, chẳng khác nào ôm lửa trong lòng mà cầu cho đừng cháy, vậy làm sao được? Tức là đạo lý cao siêu hơn Phật cũng vô dụng, chỉ cần mình tự tham tự ngộ mới được.

Kệ kết thúc:

Nói Như ngoài Như đâu còn Như?
Núi khe trùng điệp ẩn nhà xưa.
Mặt trời lên cao ngủ mới dậy,
Nhàn thấy mục đồng cưỡi ngược lừa.

(Nếu không có cái Như thì đâu cần Như, cũng như mình cất nhà lá ở trên núi, có suốt có khe. Một chùm núi thì có một dòng nước, mình muốn ngủ cho đến mặt trời lên 3 sào, đâu có ai đánh thức dậy. Có ý là mình  muốn nghiên cứu giáo lý cao siêu hơn Phật, cũng không làm chủ được thân mình. 

Muốn đạt tự do tự tại thì phải làm chủ. Muốn làm chủ thân phải biết mình là cái gì? Cần phải tham thiền, hỏi câu thoại đầu khởi lên nghi tình sẽ đưa đến chỗ ngộ, thì làm chủ cho mình được tự do tự tại. 

Hiện nay không biết mình là cái gì? Không làm chủ cho mình, mình không muốn già cũng phải già, không muốn chết cũng phải chết, bị sanh tử nên không được tự do. Nếu nói vậy, có người lại hỏi: Tại sao Phật Thích Ca, lịch đại Tổ sư, chứng ngộ rồi cũng phải chết? Sao nói là sanh tử tự do?

Thí dụ có 2 loại người:

Người phạm tội ở trong tù; người làm việc ở trong tù. Người phạm tội ở trong tù không được tự do đi ra vô; người làm việc trong tù tự do đi ra vô. Hai hạng người này dụ cho sanh tử vậy.

Người ngộ đạo được tự do, người chưa ngộ đạo không được tự do. Nếu người làm việc ở trong tù không thích làm việc nữa, thì xin nghĩ việc rời khỏi nhà tù. Như sự chết của Phật, Tổ khác hơn người thường, vì được tự do. Mình chưa ngộ không được tự do, thấy thì giống, nhưng sự thật lại khác; như 2 loại người ở trong tù thì giống, nhưng sự tự do có khác.

Nếu được tự do tự tại, như cất căn nhà lá ở trên núi sâu, mình ngủ mặt trời lên 3 sào, cũng không có ai nói đến; dù thế lực nhà vua cũng không có ảnh hưởng đến mình. Vậy mình tự do tự tại, xem thần tiên cưỡi ngược lừa.

Tự do ai cũng muốn, nhưng phải có cách? Phật và Tổ sư dạy mình tham thiền rất công hiệu đạt đến tự do tự tại.

50. VẠN PHÁP TỀ QUÁN, QUI PHỤC TỰ NHIÊN

Dịch

Muôn pháp cùng quán một lượt, tất cả trở về Tự Tánh.

Lời khai thị:

Phật pháp khỏi cần trừ vọng tâm, tham thiền đâu lìa trung đạo và nhị biên. Vì không có nhị biên để lìa và cũng không có trung đạo để lìa. Do tâm chấp thật nên có nhị biên và trung đạo để lìa. Nếu khởi lên tâm tìm cầu thì xa cách Tự tánh mình 10 vạn 8 ngàn dặm, tức là rất xa, mà tìm chừng nào xa chừng nấy. Cho nên nói: “Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ”. Nếu lấy tâm đi tìm hiểu là hồ nghi, chứ không phải chánh nghi, không phải tham thiền.

Tông Lâm Tế nói: “Một câu đủ tam quyền, một quyền đủ tam yếu, gọi là tam quyền tam yếu”. Nhưng Thiền sư Trung Phong là con cháu của Lâm Tế, ở đây quét tam quyền tam yếu. Nói có gì đâu mà tam quyền tam yếu! Tự tánh của mình không có hình tướng, cả bóng cũng không có nữa. Vì bản thể Tự tánh còn lìa ngôn ngữ giải thích. Nếu lấy ngôn ngữ để giải thích thì lọt vào tứ cú, làm sao Tự tánh hiện ra được?

Vậy người tham thiền làm sao còn cầu tương ưng? Tương ưng là cú thứ nhất, không tương ưng là cú thứ nhì, chẳng tương ưng chẳng không tương ưng là cú thứ ba, cũng tương ưng cũng không tương ưng là cú thứ tư. Nếu cầu tương ưng thì lọt vào tứ cú. Như vậy, không được cầu; từ xưa đến nay Tự tánh đâu có mất! Nếu Tự tánh mất thì bị sanh diệt. Vì Tự tánh chẳng sanh chẳng diệt, nên hiện tiền, do vọng tâm chấp thật mình không thấy.

Lời nghĩa giải:

Tổ sư nói: “Muôn pháp cùng quán một lượt, tất cả trở về Tự Tánh”. Người nghĩa giải dẫn chứng Giáo môn nói: “Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên”. Bởi vì tùy duyên, chơn như là vạn pháp; bởi vì bất biến, vạn pháp là chơn như.

Lại nói: “Ngoài tâm không có pháp”, kinh Hoa Nghiêm nói: “Nhất thiết duy tâm tạo”, nghĩa là tất cả đều do tâm tạo ra, làm sao ngoài tâm có pháp được? Ngoài tâm không có pháp, thì đâu có pháp nào để làm duyên cho tâm? Tất cả nhân duyên do pháp có pháp không đều do tự tâm sanh ra, lại làm tướng cho tâm. Nếu tâm chấp tướng có thì hiện ra tướng có; nếu tâm chấp tướng không thì hiện ra tướng không.

Lời này so với cái lý “vạn pháp tề quán” của Tổ sư cũng chẳng cách xa vậy; hoặc nói “tề quán” cũng là cái bóng của “chẳng lựa chọn”, nếu còn lựa chọn thì chẳng thể cùng quán.

Tuy lời giải thích rất có lý, như ngài Trung Phong còn phải phủ nhận.

Tịch nghĩa giải:

Dẫn chứng thì chẳng phải không đúng. Như mặt trời mọc, mặt trăng lặn, ban đêm tối, ban ngày sáng, rõ ràng chẳng thể lẫn lộn. Vậy có cái gì để nói tề quán? Lìa khỏi lời này, xin cho một tin tức tốt hơn thử xem?

Vậy Tổ sư muốn mình tề quán còn cách nào nữa? Ngoài ra câu thoại đầu khởi nghi tình thì không biết tối, không biết sáng, không biết mặt trời mọc, không biết mặt trăng lặn, thì đã tề quán rồi.

Kệ kết thúc:
 
Vạn pháp làm sao khiến cho bằng?
Đâu thể trở về lúc tự nhiên.
Xưa nay tri âm rất khó gặp,
Bá Nha, Tử Kỳ đi đâu tìm?

(Người tham thiền thì tri âm rất ít, không những tri âm ít, mà không chịu tri âm, lại muốn phá hoại phỉ báng. Sự tham thiền rất cần cho mình, vì mình đã ở trong sanh tử luân hồi, đã chịu biết bao khổ cực. Nay gặp được chánh pháp tham thiền, như Cổ Đức nói: “Gặp được chánh pháp thì kiếp này phải độ thân này, chứ đợi kiếp nào nữa”!

Tham thiền là tự độ cho mình và độ cho người, để đạt đến tự do tự tại, vĩnh viễn hết tất cả khổ. Bây giờ đề câu thoại đầu, khởi nghi tình, cứ tham! Tri âm có hay không cũng không biết, vạn pháp bằng nhau hay không cũng không biết, tự nhiên hay không tự nhiên cũng không biết; khi nghi tình vỡ thì ngộ đạo. Không tự nhiên nó cũng tự nhiên, không tề quán nó cũng tề quán, không có tri âm thì tất cả đều tri âm. Ý của ngài Trung Phong là vậy.
 

c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

cuối toa sang nhac phat giữa Phát nghệ thuật sống tỉnh thức mà người Quảng Trị Lễ giỗ tổ khai sơn tổ Làm sao biết chứng hiếu động Trì Vài điều về thực phẩm chay học phật hoa niết chua linh ung nuoc 西南卦 thưởng chúng ta sống chứ không đơn thuần chỉ Phật ngọc Dâng trào lòng kính ngưỡng Vì sao con người nên ăn uống thuần lay phat va nhung trai nghiem cua tu than Đậu hũ cay xốt nấm Học tr០Trăng tỷ kheo khất thực nuôi cha mẹ được mua trâu phóng sinh được trâu báo đáp gieo trong hanh phuc Tây An Cổ Tự Chùa Tây An to khoa nghi Nằm bún Äác bÃÆo dao phat co phai nhu ban nghi tâm và tánh mot nen huong long tien dua huong linh nghe si kim rÑi Ä á ƒ Gánh Luyện Chùa Đức La lược sử 13 vị tổ tịnh Độ tông ï¾ï¼ Ä i suoi nguon binh dang tanh hóa thân của lạt ma yeshe sống toi da giac ngo dao phat nhu the nao thiện tầm quan trọng của chánh ngữ trong đời si mÃ Æ ra Mat mû² Bỏ động î ï mặc Ngài Kyabjé Taklung Tsetrul Rinpoche viên thien tho de thay chinh minh Tháºy khói Người xuất gia