.
HOÀ THƯỢNG DUY LỰC 
KHAI THỊ BAN ĐẦU TẠI HOA KỲ
Xuất Bản tại Saigon, Việt Nam 2004
ML
01
02
03
04
05
06
07
08
09
03
-Chưa giải thoát, mất thân
-Thiền không thông dụng 
-Thành tựu của Thầy
-Đời sống an lành
-Giữ nghi tình khỏi quên
-Nghi đến lúc nào vỡ
-Trực chỉ nhân tâm
-Sao Thầy thông kinh điển
-Điều tâm vào không 
-sở tri và phiền não 
-Công đức và phước đức
-Truyền tâm ấn
-Thành Phật làm chi
-Phương tiện đánh hét
-Đủ sáu thần thông - Công hiệu nhất
-Lời khai thị II
-Không thiền mà tu Tịnh độ
-Nhược hữu chúng sanh
-Thắc mắc nguyện vọng
-Thắc mắc cõi Cực Lạc 
-Đè nén và không đè nén 
-Thu và rời tất cả niệm
-Cầu siêu, cầu an, cầu phước
Hỏi:
Tham Tổ sư thiền đời này chưa giải thoát, mất thân người phải đọa thì làm sao?

Đáp: 
Đối với Phật pháp phải tin nhân quả, nhân nào quả nấy; như kinh Pháp Hoa nói “như thị nhân như thị quả”. Tổ sư thiền do Phật Thích Ca truyền là chánh nhân, chánh nhân đã gieo thì chánh quả sẽ đến. Ở Việt Nam, có Phật tử cũng hỏi vậy “ngày nay tôi tu thiền rồi ngày mai chết làm sao?” Tôi nói, mặc dù chỉ tu một ngày, nhưng chánh nhân đã gieo thì chánh quả sẽ đến, kiếp sau sẽ tiếp tục tu. 
Thí dụ mục đích kiến tánh là Sài Gòn, Chợ Lớn đi Sài Gòn là 100 bước; tuy mình đi 1 bước thì kiếp sau đi thêm 99 bước, chứ khỏi cần đi 100 bước. Nếu mình đi được 50 bước thì kiếp sau đi thêm 50 bước, kiếp này đi 99 bước thì kiếp sau đi 1 bước là đến nơi. Cho nên, tham thiền không nói sơ tham hay lão tham, sơ tham có thể mau kiến tánh hơn lão tham. Vì kiếp trước đã tu gần tới nơi thì kiếp này chỉ tu thêm ít sẽ tới nơi.

Hỏi:
Tại sao phương pháp thiền này không được thông dụng như trước kia?

Đáp:
Phương pháp thiền thực hành rất dễ, mà tin tự tâm rất khó. Pháp môn này phải tin tự tâm, tức là phải tin tự tâm mình với tâm của Phật Thích Ca bằng nhau (Phật Thích Ca nói Phật tánh bình đẳng bất nhị). Nhưng người ta khó tin, nếu không tin tự tâm thì không phát hiện tự tâm. 
Tham Tổ sư thiền là phát hiện tự tâm mình, gọi là kiến tánh thành Phật. Bây giờ tất cả thần thông trí huệ của mình bằng với Phật Thích Ca, cùng khắp không gian thời gian, siêu việt số lượng; nhưng vì bị chôn vùi ở vô thỉ vô minh lâu đời, không thể lấy ra dùng. 
Như kinh Pháp Hoa nói “mình có hạt châu như ý để trong chéo áo, cho mình nghèo phải đi ăn xin; được người trí chỉ ra thì được giàu sang”. Nhưng việc này rất khó tin, nên người thực hành rất ít. Mặc dù, rất ít nhưng đời nào cũng có người kiến tánh. 
Trước đời nhà Tống của Trung Quốc có người kiến tánh rất nhiều, chùa phần nhiều thuộc về Thiền tông. Sau này Truyền Đăng Lục ra đời, các cơ xảo của Tổ sư ghi trong đó, người tham thiền biết nên cơ xảo của Tổ không dùng được. Bất đắc dĩ dạy người ta tham công án tham thoại đầu, nên người kiến tánh ít lại. 
Tuy ít người kiến tánh, nhưng đời nào cũng có người kiến tánh. Như gần đây theo mình biết ngài Hư Vân, ngài Lai Quả, ngài Nguyệt Khê đều kiến tánh. Ngài Nguyệt Khê tịch năm 1965 để lại nhục thân ở Cửu Long (Hồng Kông). Mặc dù người ta tu ít, vì ít người hoằng dương; đó cũng là do tánh của con người, như bây giờ tôi hoằng Tổ sư thiền rất khó khăn. 
Ở Việt Nam hoằng Tổ sư thiền có nhiều người công kích, vì tôi dạy  tông chỉ Tổ sư thiền là phá ngã chấp (vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ), còn các chùa cần phải nuôi sống nên dạy người ta cầu. 
Người ta nói tôi làm như vậy phải bị nhịn đói, hoằng Tổ sư thiền rất khó vì người tin rất ít; nhưng vì hoằng dương chánh pháp, nên tôi phải vậy, nếu có nhịn đói cũng hoằng dương. Tánh của con người rất khó làm theo vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ. Vì vậy, người tu Tổ sư thiền rất ít.

Hỏi: 
Mười mấy năm Thầy tu Tịnh độ có thành tựu được gì không? Sau khi chuyển sang Thiền tông, Thầy bảo là thành tựu hơn. Vậy thành tựu của Thầy là thế nào?

Đáp:
Thành tựu của tôi vừa rồi tôi đã kể, tôi chỉ được giải ngộ và tận sức hoằng đúng theo tông chỉ Tổ sư thiền. Trước kia mười mấy năm tôi hoằng Tịnh độ, chính tôi niệm Phật sáng đêm không ngủ, muốn ngưng câu niệm Phật cũng không ngưng được. Ngài Lai Quả ban đầu cũng niệm Phật, ngủ quên niệm lớn tiếng, rồi chuyển qua Tổ sư thiền lúc 28 tuổi kiến tánh. 
Những người theo tôi học thiền, trước kia đã tu Tịnh độ rồi chuyển sang Tổ sư thiền. Nếu niệm Phật được vãng sanh Tịnh độ cũng phải chuyển sang Tổ sư thiền mới kiến tánh thành Phật. Mình đợi tới chết rồi chuyển, không bằng mình còn sống chuyển sang thì tốt hơn.

Hỏi: 
Tâm hồn con đòi hỏi có một đời sống nội tâm an lành trong sáng hữu ích và giải phóng, nhưng đời sống còn cạnh tranh, tranh chấp, thấp hèn, tàn nhẫn. Con nghĩ rằng giằng co, rách nát giữa tâm, trí tuệ và sự thật đời sống. Kính mong Thầy giúp đỡ?

Đáp:
Cuộc sống hàng ngày của mình do bộ óc làm chủ, bộ óc làm chủ phải dựa theo ngã chấp. Vì bộ óc thì có tương đối, sống trong thế giới tương đối, có lợi phải có hại. Khoa học phát minh xe hơi để tiện lợi cho giao thông, nhưng xe hơi rất nhiều nên giao thông dễ bị tắt nghẽn; có khi có chỗ xe hơi đi còn chậm hơn đi bộ, mỗi ngày toàn nước Mỹ chết vì xe hơi hơn 50 người; chưa kể người bị thương, số này có thể tiếp tục tăng thêm.
Do bộ óc làm chủ phải tranh giành với nhau, như con mắt muốn sắc đẹp, lỗ tai thích nghe âm thanh khen ngợi hay âm nhạc, cái lưỡi muốn ưa đồ ngon… Muốn thỏa mãn dục vọng của mình phải tranh giành với người khác. Anh chị em ruột trong gia đình cũng có tranh giành với nhau, gia đình này với gia đình kia cũng tranh giành với nhau, đoàn thể này với đoàn thể kia cũng tranh giành với nhau, chủng tộc này với chủng tộc kia cũng tranh giành với nhau, quốc gia này với quốc gia kia cũng tranh giành với nhau. 
Cho nên, từ chửi mắng, đánh lộn, xung đột đổ máu, chiến tranh nhỏ đến chiến tranh lớn đều do ngã chấp (bộ óc làm chủ). Phật Thích Ca dạy phát hiện Phật tánh của mình để cho Phật tánh làm chủ, Phật tánh làm chủ chỉ làm lành chứ không có làm ác, mà thông qua bộ óc để dùng, không cho bộ óc làm chủ, bộ óc làm nô lệ cho Phật tánh. Bây giờ Phật tánh bị bộ óc che khuất nên không được hiện ra. Vì vậy, Phật Thích Ca nói trong Bát Nhã Tâm Kinh là phủ định lục căn, lục trần, lục thức.

Hỏi:
Cách nào để giữ nghi tình khỏi quên?

Đáp:
Ngài Nhuyệt Khê nói “một niệm chưa sanh khởi gọi là vô thỉ vô minh, đã sanh khởi một niệm rồi gọi là nhứt niệm vô minh”, sanh khởi một niệm thì kế tiếp niệm thứ hai, thứ ba tiếp tục hoài tới ngày sáng đêm, cũng trong phạm vi nhứt niệm vô minh. 
Tham thiền là phá vô thỉ vô minh, vô minh là đen tối, tham thiền là nhìn ngay chỗ mịt mù chỗ đen tối, không biết là cái gì, tức là nhìn ngay vô thỉ vô minh, cũng gọi là thoại đầu.
Thoại đầu là khi chưa nổi một niệm. Đã nổi niệm muốn nói mặc dù chưa nói ra gọi là thoại vỉ, chứ không phải thoại đầu. Tham thiền là nhìn ngay chỗ một niệm chưa sanh khởi, tức là chỗ vô thỉ vô minh, nhìn ngay chỗ mịt mù không biết là cái gì, mà vừa nhìn vừa đề câu hỏi “khi chưa có trời đất ta là cái gì?” để tăng cường cái không biết (nghi tình). Đó là thực hành Tổ sư thiền.
Khi hỏi phải hỏi liên tiếp, không có cho kẽ hở; tức là vừa hỏi dứt phải hỏi nữa, nếu hỏi rồi cách một hồi hỏi nữa thì có kẽ hở; có kẽ hở thì vọng tưởng phiền não từ kẽ hở nổi lên. Nếu hỏi khít khít thì phiền não vọng tưởng, không có kẽ hở để nổi lên. Phiền não không nổi lên thì tâm mình được thanh tịnh.
 Cho nên, tham thiền được 5 phút thì 5 phút này hết phiền não, tham thiền 1 tiếng thì 1 tiếng này hết phiền não, tham thiền được 1 ngày thì 1 ngày không có phiền não. Tâm thanh tịnh lâu ngày sẽ phát trí huệ. Như có nhiều Phật tử, trước khi chưa tham thiền coi kinh không hiểu, tham thiền một thời gian rồi coi kinh tự nhiên hiểu. 
Ở chùa Từ Ân đả thiền thất, thanh niên theo cha dự thiền thất, người mẹ khuyên y ở nhà học bài để thi, nếu không lên lớp phải đi lính. Nhưng y không chịu nghe, cứ đến dự thiền thất. Qua thiền thất không có thời giờ học bài, lúc làm bài mà y không biết (vì không có học làm sao biết), rồi y tham thiền được 10 phút, tự nhiên làm được bài và nộp lên trước.
Kỳ thật, mình có công phu đến mức thì cái dụng của tự tánh hiện ra. Như Trương Quốc Anh không thấy trái banh mà chụp được trái banh, bác sĩ Thuận không thấy xe mà không đụng xe, cô Hằng Thiền không cần qua bộ óc mà cắt được cái áo. 
Sự thật chứng tỏ cái biết của tự tánh dùng ra hay hơn trí huệ của bộ óc rất nhiều. Có hai tài xế lái xe khách Sài gòn - Chợ Lớn, trước khi chưa tham thiền thường hay bị cảnh sát thổi phạt, sau này tham thiền không đụng xe và không bị cảnh sát thổi phạt.
Đang lái xe mà tham thiền rất nguy hiểm, công phu của mình chưa đến mức là còn sợ, còn biết thì làm không được, nên phải đụng xe. Lúc nghi tình liên tục là lúc đó tự mình không biết nên không biết sợ, tự nhiên không đụng xe, chứng tỏ tự tánh được dùng ra. 
Tự tánh được dùng ra là nghĩa không của nhà Phật. Thường thường người ta nói tu sĩ là chán đời mới vô cửa không đi tu. Chữ không của Phật pháp rất tích cực, bởi vì có nghĩa không mới hiển bày cái dụng. 
Trung Quán Luận nói “vì có nghĩa không nên tất cả pháp mới được thành tựu”. Như cái tách lấp bít hết, không có cái không (trống rỗng), không phải không có gì hết. Nếu cái tách không có cái không thì không đựng sữa, nước, trà… được, vì là cái tách chết. Cái tách có cái không nên hiển bày cái dụng. Cái bàn có cái không nên để đồ được, cái ghế có cái không nên ngồi được, cái nhà có cái không nên ở được.
Cái không rộng chừng nào thì dụng rộng chừng nấy. Tại sao dụng của Phật Thích Ca có vô lượng vô biên? Vì Phật Thích Ca đã không có cái không nào để không nữa, nên cái dụng cùng khắp không gian thời gian. Còn cái không của mình nhét đầy tham sân si… nên cái dụng không hiện ra. 
Tham câu thoại đầu khởi lên nghi tình tự động quét tất cả. Quét không bao nhiêu thì cái dụng hiện ra bấy nhiêu. Có nghi tình là bao gồm giới, định, huệ, lục độ vạn hạnh, cho đến công thương kỹ nghệ thế gian, không có cái nào thiếu sót. 

Hỏi: 
Khối nghi tình đến lúc nào bùng vỡ?

Đáp:
Khối nghi tình cuối cùng sẽ bùng vỡ tức là kiến tánh. Ví dụ đầu trên cây viết là thoại đầu, đầu dưới cây viết là thoại vỉ. Bắt đầu tham là từ thoại vỉ đến thoại đầu, khởi lên nghi tình là rời khỏi thoại vỉ, nhưng chưa đến thoại đầu, đang đi ở giữa đường. 
Một ngày kia đến thoại đầu (nguồn gốc của ý thức, Thiền tông gọi là đầu sào trăm thước, cũng là vô thỉ vô minh) thì đường đi ý thức đã hết, trước mắt không còn cái gì, chỉ có thanh thanh tịnh tịnh; ngoại đạo đi tới chỗ này cho là Niết bàn. Nhưng sự thật chưa phải, còn dính líu với ý thức. 
Cho nên, Thiền tông từ đầu sào trăm thước tiến lên một bước nữa mới rời khỏi ý thức. Rời khỏi ý thức, ngài Lai Quả nói là lọt vào hư không té xuống, té phải cho chết; chết rồi sống lại gọi là “tuyệt hậu tái tô”. Sống lại có 2 thứ: tiểu tử tiểu hoạt và đại tử đại hoạt.
Té xuống chết rồi sống lại nhưng còn cái xác, gọi là tiểu tử tiểu hoạt. Đại tử đại hoạt thì luôn cái xác cũng không còn, rồi sống lại gọi là đại tử đại hoạt. 
Đây là thí dụ, không phải xác thân này; tức là tiểu ngộ còn ôm cảnh giới ngộ cho mình đã ngộ, không buông cảnh giới ngộ. Do trụ cảnh giới ngộ nên bị chướng ngại, cái dụng không được dùng ra. 
Đại tử đại hoạt là cảnh giới ngộ cũng tan rã, Thiền tông gọi là ngộ rồi đồng như chưa ngộ. Vì có ngộ thì còn mê, tại sao? Có mê nên mới có ngộ. Đã ngộ rồi hết mê, hết mê phải hết ngộ.
Cái tay ví dụ Phật tánh của mình hoạt bát vạn năng, muốn lấy cây viết, cái máy, cái tách… đều được. Nếu trụ cây bút thì hoạt bát vạn năng bị mất, muốn lấy cái gì không được. Cho nên, tay trụ cây viết cần buông ra, khôi phục hoạt bát vạn năng của tay, muốn lấy cái gì cũng được. Đây là trụ nơi có làm chướng ngại cái dụng. Lại chấp trụ nơi không, tức trong tay không có gì thành chướng ngại, muốn lấy cái gì cũng không được. Vì vậy cái không phải quét để khôi phục hoạt bát vạn năng của tay. 
Cái dụng của tự tánh cũng vậy, nên Pháp Bảo Đàn nói “lấy vô trụ làm gốc”, kinh Duy Ma Cật nói “từ gốc vô trụ lập tất cả pháp”. Nếu có sở trụ thì chướng ngại dụng của tự tánh. Lục Tổ nghe Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” liền ngộ đạo. Ưng vô sở trụ là bản thể của tự tánh, sanh kỳ tâm là hiển bày cái dụng. Nếu có sở trụ, mặc dù trụ nơi Niết bàn cũng quét (xa lìa điên đảo cứu kính Niết bàn), nếu còn trụ Niết bàn cũng là điên đảo mộng tưởng. Bản thể Phật tánh là bất nhị, nghĩa bất nhị là vô trụ. 
Tất cả tên gọi của Phật đều do cái dụng mà lập danh, như Phật tánh cùng khắp không gian không khứ lai, nên gọi là Như lai; Phật tánh cùng khắp thời gian không gián đoạn (không sanh diệt), nên gọi là Niết bàn. Vô trụ, Bát nhã, tánh không… đều như vậy. Tuy nói danh từ muôn ngàn sai biệt nhưng nghĩa không khác, chỉ muốn hiển bày cái dụng của Phật tánh. 
Phật Thích Ca muốn mỗi chúng sanh đều được tự ngộ, để hiển bày cái dụng của mình sẵn có từ lâu đời. Nếu cứ chôn vùi hoài rất uổng, Phật Thích Ca dạy thực hành Tổ sư thiền cho mọi người hiển bày cái dụng của mình sẵn có bằng như Phật. Cho nên, nói bình đẳng bất nhị là vậy.

Hỏi:
Câu tuyên bố bất hủ của Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma “giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Xin Thượng tọa giảng cho về tâm và tánh theo Phật giáo trong câu trên?

Đáp:
Bất lập văn tự không phải phế bỏ văn tự, mà không qua văn tự lời nói, gọi là pháp thiền trực tiếp; cho nên chỉ cần cái nghi tình (không biết). Giáo ngoại biệt truyền là ở ngoài Giáo môn, vì Giáo môn có giai cấp từ Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa và Đẳng giác, Diệu giác. 
Pháp thiền trực tiếp do Phật Thích Ca đích thân truyền không có giai cấp, phàm phu ngộ và Thập địa Bồ tát ngộ bằng nhau, chỉ là cái dụng không bằng (cái lý thì bằng, cái sự không bằng). Cái dụng không bằng do phàm phu có tập khí thế gian và xuất thế gian còn nguyên. Thập địa Bồ tát hết tập khí thế gian, tập khí xuất thế gian còn ít, nên cái dụng lớn hơn nhiều, chỉ không bằng Phật. Phàm phu bị tập khí phiền não nhét đầy nên không hiển bày cái dụng. Phàm phu kiến tánh, những tập khí dứt lần lần sẽ bằng dụng của Phật.

Hỏi:
Nếu bất lập văn tự, sao Thầy thông thuộc kinh điển? Tại sao Tổ sư thiền trái lại đã viết rất nhiều sách vở nhất so với các tông phái khác?
Đáp:
Trong Tục tạng kinh có tác phẩm của Tổ sư thiền rất nhiều. Bất lập văn tự chứ không phế bỏ văn tự, chỉ là không qua văn tự, trực tiếp ngộ. Trực chỉ nhân tâm là phải tin tự tâm là Phật, ngoài tâm không có Phật. Mặc dù nói kiến tánh thành Phật, nhưng chưa phải quả vị Phật. Phàm phu và Bồ tát Thập địa đều ngộ tới Đẳng giác bằng nhau, cái dụng cách nhau rất xa. 
Cái dụng quả Phật vô lượng vô biên, vì tất cả tập khí phiền não không còn. Có người kiến tánh chưa có thần thông, nhưng thần thông bản thể của mình sẵn có bằng với Phật Thích Ca; chỉ là chưa hiển bày để dùng, khi nào tập khí mình quét sạch bao nhiêu hiện ra cái dụng bấy nhiêu.

Hỏi:
Mười sáu năm nay, con tụng kinh niệm Phật vừa thiền và quán. Con được biết các chư Tổ nói “gặp Phật giết Phật, gặp ma giết ma”, nghĩa là không trụ các cảnh giới để tu lên, nhưng con không gặp cảnh giới đó, mà con chỉ điều tâm vào chỗ không để được an lạc. Vậy con có thể giữ mãi trạng thái đó hay là phải bỏ để đi lên, nếu bỏ thì làm sao?

Đáp:
Theo chánh pháp, nếu tu pháp môn nào phải đúng tông chỉ của pháp môn đó. Phật nói trong kinh Lăng Nghiêm, kinh Viên Giác có 3 thứ thiền quán: Sa ma tha, Tam ma bát đề, Thiền na. Giáo môn của Trung Quốc có:  tông Thiên thai có Chỉ quán thiền,  tông Hiền thủ có Pháp giới quán thiền,  tông Duy thức có Duy thức quán thiền… 
Nếu tự mình coi sách mà tu rất nguy hiểm. Ở Việt Nam, tôi gặp những người tự coi sách để tu xẩy ra rất nguy hiểm, có sự thật chứng tỏ. Nhiều khổ công tu phát được thần thông, đến mức độ cao xẩy ra nguy hiểm là: ói máu, phát điên, phá giới.
Có một tu sĩ ở Rạch Giá phá giới. Tại sao? Người ấy không tu đúng theo chánh pháp, tức là không phá ngã chấp, nên tham sân si chỉ là đè nén, do dùng lục tự Di Đà để đè nén, niệm chú để đè nén hoặc dùng quán tưởng đề đè nén vọng tưởng. Theo vật lý, nếu đè nén mạnh chừng nào thì phản lực mạnh chừng nấy. Đè nén lâu ngày đến mức độ cao bộc phát lên không thể kiềm chế được, xẩy ra 3 kết quả trên.

Hỏi: 
Thế nào là sở tri chướng và phiền não chướng?

Đáp:
Tất cả do bộ óc nhận thức được gọi là sở tri chướng, cho nên Bát Nhã Tâm Kinh nói “vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn thức giới cho đến ý thức giới, cho đến vô khổ, tập, diệt, đạo (Tứ Diệu Đế của thừa Thanh văn); cho đến vô vô minh tới lão tử (Thập Nhị Nhân Duyên của thừa Duyên giác); cho đến trí huệ của Bồ tát; cho đến cứu kính Niết bàn, tất cả đều quét”.
Vì do cái biết của bộ óc là sở tri chướng làm chướng ngại, nên tự tánh không được hiện ra. Cứ cho bộ óc làm chủ thì ở trong tương đối, có lợi phải có hại; thường hại nhiều hơn lợi. Cho nên, Phật dạy mình phải quét sạch sở tri chướng thì chánh biến tri của Phật mới hiện ra.
Phiền não chướng là tất cả tham sân si, mình ham thích cái gì đều là phiền não chướng; ham thích ăn ngon, mặc đồ đẹp, muốn thỏa mãn dục vọng của mình đều là phiền não chướng.

Hỏi:
Xin Thầy giải thích sự lợi ích giữa công đức và phước đức?

Đáp:
Phước đức có thể hưởng hết, như trong kinh cuối cùng đều có thí dụ: lấy tiền tài thất bảo chất đầy tam thiên đại thiên để bố thí, chỉ được phước đức chứ không phải công đức; cho đến vô biên thế giới thất bảo để bố thí được phước đức, nhưng phước đức có thể hưởng hết. Còn công đức của tự tánh sẵn có, chỉ cần mình phát hiện; tự tánh không sanh không diệt nên công đức hưởng không bao giờ hết.
Lương Võ Đế hỏi tổ Đạt Ma: Tôi cất chùa, bố thí, cúng ường chư Tăng rất nhiều, vậy có công đức không?
Đạt Ma đáp: không có công đức, chỉ là phước đức của trời người. 
Nhưng phước báo đó hưởng lâu ngày cũng phải hết, còn công đức hưởng không thể hết. Vì công đức là tự tánh không sanh diệt, không diệt làm sao hết! Cho nên, công đức và phước đức khác nhau. 
Tham thiền là muốn phát hiện công đức của mình, không muốn phước đức. Muốn cứu kính vĩnh viễn, tức là giải thoát tất cả khổ, cái khổ không thể trở lại; không phải kiếp này hay kiếp sau, muôn triệu ngàn kiếp cũng không cần. Tại sao? Nếu muôn triệu ngàn kiếp, khổ còn trở lại thì không được gọi là chân thật bất hư.

Hỏi: 
Trong các sách có nói Tổ sư trong Thiền môn truyền tâm ấn, vậy tâm ấn là cái gì? Và truyền tâm ấn là thế nào? 

Đáp:
Bổn tâm không có hình thể, không có âm thanh; dùng bộ óc không thể tiếp xúc, văn tự lời nói cũng không diễn tả được. Vậy làm sao lấy cái gì để truyền! Thiền tông nói truyền tâm ấn là dùng tâm ngộ của thầy ấn chứng tâm của trò đã ngộ, chứ không phải có tâm ấn để cho người này cho người kia. Tâm vô hình vô thanh cùng khắp không gian thời gian, như ánh sáng đèn cùng khắp không gian thời gian làm sao truyền! Nếu có truyền được là không cùng khắp.

Hỏi:
Lục Tổ nói “bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai”, thế thì tu để làm gì? Thành Phật để làm chi?

Đáp:
Bài kệ của Lục Tổ là để phá chấp bài kệ của Thần Tú, lời nói của chư Phật chư Tổ là công cụ phá chấp; chứ không phải chân lý.
 Như chúng sanh chấp cái có là thật có thì Phật nói không, dùng cái không để phá cái có; nếu chúng sanh chấp cái không là thật không thì Phật phải nói có, dùng cái có để phá chấp không. Nếu chúng sanh thấy Phật phá có phá không, tưởng là chẳng có chẳng không thì chấp vào chẳng có chẳng không, nên Phật dùng cũng có cũng không để phá chấp chẳng có chẳng không. Cuối cùng chúng sanh cho cũng có cũng không là chân lý, còn chấp cũng có cũng không thì Phật thấy bệnh chấp vẫn còn, phải dùng chẳng có chẳng không để phá cũng có cũng không. 
Tứ cú đều phá, có cũng phá, không cũng phá, chẳng có chẳng không cũng phá, cũng có cũng không cũng phá, gọi là lìa tứ cú (vô sở trụ), không phải có câu nào là chân lý. Phật nói có, không phải có là chân lý; Phật nói không, không phải không là chân lý, chỉ là tạm mượn để phá chấp. 
Lục Tổ cũng vậy, vì Thần Tú chấp thật có cái tâm để dính bụi nên cần phải quét sạch. Tâm vô hình tướng, tức là không có chỗ đề dính bụi và vốn không có bụi để dính cái tâm. Do bộ óc chấp thật có cái tâm để dính bụi, có cái bụi để dính trong tâm. Đó là nghịch ý Phật và Tổ, tức là nghịch với bản thể Phật tánh. Cho nên Lục Tổ phải phá chấp đó. 
Nếu là bổn lai vô nhất vật (không có cái gì) thì muốn thành Phật để làm gì? Kỳ thật, muốn hiển bày cái dụng vô lượng vô biên, chứ không phải tiêu cực, nói là cửa không, không có cái gì! Bởi vì có dụng là tích tực, nhà khoa học, triết học có dụng tích cực không bằng cái dụng tích cực của Phật, do tích cực của Phật không có cuối cùng. 
Vừa rồi tôi nói “hiển bày cái dụng muôn triệu ngàn kiếp cũng không cần, là muốn hiển bày cái dụng vĩnh viễn”. Vậy làm sao nói tất cả không có! Tại giải thích trên mặt chữ cho là không có thì không đúng.

Hỏi:
Sau đời Lục Tổ, các Tổ dùng phương tiện đánh hét, xô đẩy… Vậy Thầy có chủ trương như vậy hay không? Và Thầy cũng thuộc dòng Lâm Tế chăng?

Đáp:
Chủ trương nói không được, chủ trương là do bộ óc. Pháp môn là do Phật Thích Ca truyền cho ngài Ca Diếp chỉ đưa cành hoa, không qua lời nói, mà ngài Ca Diếp ngộ chỉ mỉn cười cũng không nói; nên nói pháp thiền trực tiếp bất lập văn tự, nếu bất lập văn tự thì có chủ trương gì! Có chủ trương là có sở trụ. Phật nói “không pháp để thuyết mới là thuyết pháp, ai có nói Phật thuyết pháp thì người ấy phỉ báng Phật”. 
Tham Tổ sư thiền là phát hiện cái dụng của mình từ lâu nay sẵn có để dùng ra, chứ không để chôn vùi mãi mãi.

Hỏi:
Thầy có đủ sáu thần thông chưa?

Đáp: 
Có người đã kiến tánh cũng chưa có thần thông, hết tập khí hiện ra cái dụng, người ta không biết cho là thần thông. Thần thông do bộ óc luyện ra không phải thần thông của Phật tánh, thần thông của Phật tánh cùng khắp không gian thời gian. Luyện thần thông từ Mỹ bay qua Việt Nam 5 phút, chưa phải thần thông của Phật tánh. Thần thông của Phật tánh không cần bay, vì cần bay không cùng khắp không gian.

Hỏi:
Căn cơ chúng sanh ở đất Mỹ mà đời sống rất phức tạp, xin Thầy chỉ dạy phương pháp tu công hiệu nhất?

Đáp:
Cách tu công hiệu nhất là hỏi câu thoại đầu khởi lên nghi tình. Đây là một công án để cho quý vị hiểu: Có một ni cô tham câu thoại đầu “chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật là cái gì?” Tham nhiều năm không thấy gì, thường hỏi thầy “có phương pháp nào để cho con kiến tánh mau không?” Thầy lắc đầu không trả lời. Đến một ngày, ni cô ấy cũng hỏi như vậy, thầy biết công phu của ni cô ấy gần chín mùi, rồi nói: có.
Ni cô nói: sao không nói cho con biết! Xin thầy nói cho biết.
Thầy nói: chú ý nghe! Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật là cái gì?
Ni cô nghe liền kiến tánh, chính câu thoại đầu của ni cô tham; nhưng cứ cho có pháp đặc biệt để cho mình kiến tánh, thành ra tư tưởng đó làm chướng ngại nên không được kiến tánh. Vì vậy, thầy lắc đầu không trả lời là tăng cường nghi tình. Nghi tình đến gần bùng vỡ, thầy nói ra được ngộ mới biết không có cách khác. Nói cách gì cũng là câu thoại đầu, Phật Thích Ca truyền từ nghi đến ngộ, đến trước đến sau là tùy theo mình, đi nhanh đến trước, đi chậm đến sau.

Lời khai thị II:

Phương pháp tự ngộ của Thiền tông là pháp thiền trực tiếp, do Phật Thích Ca đích thân truyền đến ngày nay. Phật tánh của mình đầy đủ năng lực thần thông trí huệ bằng Phật Thích Ca, không kém hơn một chút nào. Phật Thích Ca nói “Phật tánh bình đẳng bất nhị”, nếu chúng sanh kém hơn Phật một chút thì có cao có thấp là không bình đẳng, cao với thấp là nhị. 
Cho nên, mình muốn tham Tổ sư thiền phải tin Phật tánh là tự tâm của mình bằng như Phật. Nếu lòng tin đầy đủ mới phát hiện được Phật tánh của mình, tức là cái dụng vô lượng vô biên đã có từ vô thỉ.
Pháp thiền tự ngộ, vì tổ Đạt Ma truyền sang Trung Quốc, người ta gọi là Đạt Ma thiền; từ Tổ từ Tổ truyền xuống gọi là Tổ sư thiền. Tất cả thiền nói trong kinh điển đều gọi là pháp thiền gián tiếp, khó tu khó chứng; còn pháp thiền trực tiếp dễ tu dễ chứng hơn. Như các phái Giáo môn như:  tông Pháp hoa, tông Hoa nghiêm, tông Duy thức, tông Tam luận… đều có thiền riêng.
  Tông Pháp hoa còn gọi là tông Thiên thai, vì Đại sư Trí Giả ở núi Thiên thai, nên gọi là  tông Thiên thai; vì căn cứ theo kinh Pháp hoa, nên người ta gọi là tông Pháp hoa. Tông Pháp hoa có chỉ quán thiền, bây giờ người tông Thiên thai chỉ học giáo lý của  tông Thiên thai, mà không tu chỉ quán thiền của tông Thiên thai; bởi vì phức tạp nên khó tu, nếu tu cuối cùng cũng phải khởi lên nghi tình giống như Tổ sư thiền.
Chỉ quán thiền của tông này có tam chỉ tam quán. Tam chỉ là: Hệ duyên chỉ, Tùy duyên chỉ, Thể chơn chỉ. Tam quán là: Giả quán, Không quán, Trung quán. Ban đầu quán các pháp đều giả, không có cái nào thật, quán riết thì giả cũng không phải thật giả, rồi quán không, nhưng quán riết không chẳng phải thật không, đến quán trung tức là chẳng phải giả, chẳng phải không; trung cũng không có cái trung để trụ, lúc đó tự nhiên phát khởi nghi tình “chẳng phải giả, chẳng phải không, chẳng phải trung, vậy là cái gì?” do cái nghi này mới đạt đến ngộ. 
Như thế đã trải qua bao nhiêu tinh thần khổ công phát nghi, còn Tổ sư thiền là bắt đầu đã phát nghi; chỉ nhờ câu thoại đầu, như hỏi “khi chưa có trời đất ta là cái gì?” Không biết. Cho nên giản dị mau hơn, các thiền khác cuối cùng cũng phải phát nghi rồi được ngộ, vì nghi là nhân, ngộ là quả. Tổ sư thiền do Phật Thích Ca dạy là từ nghi đến ngộ. 
Người tu Tịnh độ đã vãng sanh Cực lạc, cũng phải chuyển qua Tổ sư thiền là phát nghi được ngộ. Nghĩa chữ Phật là tiếng Ấn Độ gọi Phật Đà, dịch ra tiếng mình là giác ngộ; người nào giác ngộ thì người ấy là Phật. Có người hỏi Phật “Ngài là người gì?” Phật trả lời “tôi là người giác ngộ”. Đáng lẽ gọi Phật là người giác ngộ, nhưng không gọi mhư vậy mà gọi là Phật.
Nhiều người cho Phật là một thần linh, mình nói tu kiến tánh thành Phật nhưng người ta không tin “tại sao ông dám nói kiến tánh thành Phật!” Kỳ thật, đó là mục đích của Phật độ chúng sanh, Phật muốn mọi chúng sanh đều kiến tánh thành Phật; kiến tánh thành Phật được dứt tất cả khổ. Nếu không kiến tánh thì vĩnh viễn không giải thoát tất cả khổ. Bây giờ không tự do tự tại là không biết mình là cái gì? Nên không làm chủ chính mình.
Hiện nay mình đầu thai làm người, nhưng mình vốn không phải người; người ở trong lục đạo (trời, người, a tu la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục). Nếu mình sanh tử tự do thì làm cõi nào cũng được, mình không được sanh tử tự do nên theo nghiệp mình tạo mà đầu thai; như tạo nghiệp trời thì sanh cõi trời, tạo nghiệp người thì sanh cõi người… tùy theo nghiệp mà xoay chuyển nên không được tự do.
Phật muốn mọi chúng sanh đều được giác ngộ.  Có hai thứ chiêm bao: nhắm mắt chiêm bao và mở mắt chiêm bao. Ban đêm ngủ chiêm bao thấy có thân chiêm bao tiếp xúc thế giới chiêm bao, như tiếp xúc cái tách, cái máy, cái bàn… đều có thật chất; tiếp xúc nóng lạnh biết lạnh nóng, luôn cả thân chiêm bao mà người ta đánh thấy đau; giả sử trong chiêm bao có một thiện tri thức giải thích: cái tách, cái bàn, cái máy… đều không thật; luôn cả thân của ông không thật, người chiêm bao không thể tin.
Tại sao? Vì tiếp xúc cái nào cũng có thật chất rõ ràng. Nói tôi không thật, sao người ta đánh tôi biết đau? Nhưng thức tỉnh tự mình chứng tỏ hồi nảy những cái thật tìm không ra. Thức tỉnh thì những cái trong chiêm bao tự dứt, như trong chiêm bao bị phạm pháp luật phải ở tù, đánh đập… Thức tỉnh rồi thân chiêm bao không còn, chính phủ chiêm bao cũng mất.
Mở mắt chiêm bao cũng vậy, như tôi giảng và các vị đang nghe là trong mở mắt chiêm bao. Bây giờ tiếp xúc cái nào cũng thật, mặc dù Phật Thích Ca giảng là không thật; như Bát Nhã Tâm Kinh nói “vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý và vô sắc thinh, hương, vị, xúc, pháp”. Nhưng mình khó tin, nếu tham thiền được tự ngộ thì chứng tỏ, gọi là chứng ngộ, giống như nhắm mắt chiêm bao thức tỉnh. Nếu còn ở trong chiêm bao thì thấy tất cả các cảnh đều thật.
Theo Duy thức gọi nhắm mắt chiêm bao là độc đầu Duy thức biến hiện. Tại sao? Một mình thức thứ 6 biến hiện ra cảnh giới nhắm mắt chiêm bao. Lúc ngủ thì tiền ngũ thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) ngưng hoạt động, chỉ còn thức thứ 6 hoạt động hiện ra cảnh giới nhắm mắt chiêm bao; những cảnh trong phòng không thấy, nhưng lại thấy các việc ở xa, như ở bên Tây, Việt Nam… Do thức thứ 6 không cần nhờ 5 thức trước (tiền ngũ thức), biết được quá khứ và vị lai trong chiêm bao; nó hoạt động ngày đêm không ngừng, nên một mình biến hiện cảnh giới nhắm mắt chiêm bao.
Mở mắt chiêm bao là 5 thức trước không ngưng nghỉ thì có hai thức cùng biến hiện, gọi là đồng thời ý thức biến hiện mở mắt chiêm bao. Tại sao? Như nhĩ thức nghe được tiếng, nhưng không biết tiếng gì, tiếng đàn ông, tiếng đàn bà, tiếng con nít… phải nhờ thức thứ 6 để phân biệt biết tiếng này là tiếng người đàn ông, đàn bà, con nít… Nếu chỉ có ý thức thì không nghe được tiếng nên lấy cái gì để phân biệt là tiếng gì. Nếu chỉ có nhĩ thức thì chỉ nghe được tiếng nhưng không biết tiếng gì. Cho nên phải hai thức cùng nổi lên, gọi là đồng thời ý thức biến hiện mới thấy rõ ràng.
Nhắm mắt chiêm bao do một thức biến hiện, mở mắt chiêm bao do hai thức đồng thời biến hiện; một thức cũng là tâm, hai thức cũng là tâm. Nên kinh Hoa Nghiêm nói “nhứt thiết duy tâm tạo”. Tham Tổ sư thiền là muốn tự ngộ cái tâm này là cùng khắp không gian thời gian, mà cái dụng cũng cùng khắp không gian thời gian. 
Phật Thích Ca có thần thông trí huệ vô lượng vô biên là do Phật Thích Ca quét sạch, không còn cái gì để quét nữa, cái không rộng cùng khắp không gian thời gian, nên cái dụng cùng khắp không gian thời gian. Còn chúng ta có tham sân si rất nhiều nhét đầy thành ra không hiển bày cái dụng. 
Tham thiền là nhờ câu thoại đầu khởi lên nghi tình là không biết của bộ óc quét không bao nhiêu thì hiển bày cái dụng được bấy nhiêu. Vì vậy, hôm nay tham thiền thì hôm nay được cái dụng, tham được một ngày thì cái dụng được một ngày, tham được một tháng thì cái dụng được một tháng, quét trống nhiều thì cái dụng nhiều. 
Hỏi “khi chưa có trời đất ta là cái gì?” Không biết, trả lời không ra thì hỏi nữa, hỏi đến thình lình trả lời ra là được kiến tánh. Nhưng trả lời ra không phải đáp án câu thoại đầu, mà phát hiện bản tâm mình. 
Nếu hỏi câu thoại cách một hồi hỏi nữa thì có kẽ hở, phiền não từ kẽ hở nổi lên; hỏi khít khít không có kẽ hở thì không có phiền não nổi lên, nên tâm mình được thanh tịnh. Tham được 5 phút thì 5 phút này không có phiền não, tham được 1 tiếng thì 1 tiếng này không có phiền não… chưa kiến tánh hiển bày cái dụng phần nào. Lúc tham là giữ được không biết nên không biết có phiền não. Vì vậy, chữ nghi có sức mạnh rất lớn, nhà khoa học cũng phải nhờ chữ nghi mới ngộ.
Nhưng cái nghi của nhà khoa học gọi là hồ nghi là qua bộ óc suy nghĩ tìm hiểu, chỉ phát minh các việc thế gian có giá trị của thế gian, không biết được chính mình. Tham thiền là chánh nghi không qua bộ óc suy nghĩ tìm hiểu, phát hiện chính mình làm chủ cho mình nên được tự do tự tại. 
Bây giờ không biết mình là cái gì nên không làm chủ cho mình, mình không muốn già cũng phải già, không muốn bệnh cũng phải bệnh, không muốn chết cũng phải chết… Nếu kiến tánh triệt để là sanh tử tự do, muốn sống thì sống, muốn chết thì chết, muốn lên thiên đường, muốn xuống địa ngục…

Hỏi: 
Ngài Diên Thọ nói “không tu thiền mà tu Tịnh độ, một vạn người thì một vạn người về Tây phương thấy đức Phật A Di Đà được khai ngộ”. Xin Thầy giảng giải?

Đáp:
Có bài kệ nói:
Muôn người tuTịnh độ,
Thì muôn người thành tựu.
Tu thiền không Tịnh độ,
 Mười người, chín người sai.
Tu thiền tu Tịnh độ,
 Như con cọp thêm sừng.
Không thiền không Tịnh độ,
Phải chìm đắm muôn người.
Người tu Tịnh độ thường lấy bài kệ này cho là của ngài Vĩnh Minh để dẫn chứng. Sự thật, ngài Vĩnh Minh là tổ thứ 3 tông Pháp Nhãn của Thiền  tông, đệ tử của ngài Vĩnh Minh có truyền đến Đại Hàn, bây giờ vẫn còn. Ở Trung Quốc, hiện nay chỉ còn tông Lâm Tế và  tông Tào động;  tông Pháp Nhãn đã thất truyền. 
Ngài Hư Vân là người kiến tánh gần đây, ngài nói “tìm hết tất cả tác phẩm của ngài Vĩnh Minh không thấy bài kệ này”. Bài kệ này tự mâu thuẩn, Tại sao? Tu thiền mười người, chín người sai, mà tu Tịnh độ muôn người muôn người được. Muôn người muôn người được là tốt nhất, không sánh bằng. Tại sao còn đem thiền vô làm mất chín ngàn, chỉ còn lại một ngàn. Vậy, phải mâu thuẩn không? Chính bài kệ đã tự mâu thuần.
Sự thật, ngài Vĩnh Minh không có làm bài kệ này, vì ngài đã kiến tánh không thể làm bài kệ mâu thuẩn. Đó là người đời sau làm ra bài kệ này làm oan cho ngài Vĩnh Minh.  Tông Tịnh độ sáng lập từ Trung Quốc, sơ tổ là Huệ Viễn đời nhà Tấn truyền đến Trung Hoa Dân Quốc, mấy chục năm trước tổ thứ 13 là Ấn Quang, ngài có tác phẩm Ấn Quang Văn Sao có dạy đường lối thực hành rõ ràng, nhưng những người dạy và tu Tịnh độ không biết.
Trong đó có ba thứ tin, hai thứ nguyện và hai thứ hành. Mình pháp môn nào phải đúng tông chỉ của pháp môn đó mới được thành tựu, nếu tu không đúng làm sao thành tựu? Cho nên, ngài Ấn Quang không cho người tu Tịnh độ coi các kinh khác, chỉ được coi 3 thứ kinh của Tịnh độ (kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà). Kinh A Di Đà phổ biến, nhiều chùa thường tụng; kinh Quán Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Thọ ít người biết, mà lại coi những sách thiền.
Tôi dạy Tổ sư thiền cho người ta hỏi tự do, nên tất cả tôi phải biết; nếu tôi không biết thì người ta khó tin. Tất cả ở trong bản tâm đều đầy đủ, không có cái nào thiếu sót. Những cái không có ở trong kinh, mặc dù tôi không có coi kinh nhiều, chỉ hoằng Thiền tông nhưng các tông phái khác, mà các vị hỏi tôi đều trả lời được; ngoài ra Mật tông tôi không thể nói, vì Mật  tông là bí mật truyền thọ.
Như quý vị dùng cái tách này nhờ tôi giảng thiền thì tôi giảng thiền, nhờ tôi giảng Thiên thai thì tôi giảng Thiên thai, nhờ tôi giảng Hiền thủ thì tôi giảng Hiền thủ, nhờ tôi giảng Duy thức thì tôi giảng Duy thức, nhờ tôi giảng cái nào thì tôi giảng được. Vì ở nơi tự tánh mình sẵn có, không phải do học mới có, tất cả đều đầy đủ. Do tâm mình chấp thật (có sở trụ) nên không hiện ra cái dụng. Bản tâm mình là vô sở trụ, có hoạt bát vạn năng. 
Như cái tay dụ cho tự tánh hoạt bát vạn năng lấy cái máy, cái tách, cái dĩa… đều được. Nếu có sở trụ, như cái tay trụ cái tách thì dụng bị đánh mất, không còn hoạt bát vạn năng, nên lấy cái gì cũng không được. Tay cần buông cái tách thì khôi phục hoạt bát vạn năng, nên lấy cái nào cũng được.
Cái tách này là pháp có, nhưng tay tự làm nắm tay, trong tay không có thứ gì; nhưng cái dụng cũng bị mất, nên lấy cái gì cũng không được. Cho nên cái không này cũng phải quét thì tay được hoạt bát vạn năng. Được hoạt bát vạn năng là do vô sở trụ, khi Lục Tổ nghe Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” liền ngộ triệt để.
  Ưng vô sở trụ là bản thể, sanh kỳ tâm là cái dụng; bản thể không có sở trụ nên dụng hoạt bát vạn năng, nếu có sở trụ thì bị mắc kẹt. Mặc dù trụ có cũng bị mắc kẹt, trụ không cũng bị mắc kẹt; bất cứ trụ Bồ tát hay trụ Phật cũng đều bị mắc kẹt. Vì vậy, Pháp Bảo Đàn nói “lấy vô trụ làm gốc”, kinh Duy Cật nói “từ gốc vô trụ lập tất cả pháp”. Chư Phật chư Tổ đều phá chấp thật của mình, vì chấp thật là có sở trụ làm mất cái dụng. 
 Bát Nhã Tâm Kinh nói “vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý” là quét lục căn; “vô sắc, thinh, vị, xúc, pháp” là quét lục trần; “vô nhãn thức cho đến ý thức giới” là quét lục thức; “vô khổ, tập, diệt, đạo” là Tứ Diệu Đế; “vô vô minh diệc vô vô minh tận, cho đến vô lão tử diệc vô lão tử tận” là quét Thập Nhị Nhân Duyên; “vô trí diệc vô đắc” là quét trí huệ của Bồ tát; “xa lìa điên đảo cứu kính Niết bàn” là quét luôn cứu kính Niết bàn. 
 Tất cả quét sạch mới được thành tựu Bồ đề (thành Phật), có cái dụng vô lượng vô biên. Mình theo đó thực hành, quét từ tri kiến phàm phu, tri kiến Tiểu thừa, tri kiến Đại thừa và tri kiến Phật thì chính thức thành Phật.

Hỏi:
Đức Phật A Di Đà nói “nhược hữu chúng sanh dục sanh ngã quốc, chí tâm tín nhạo nãi chí thập niệm, nhược bất sanh giả bất thủ chánh giác”. Xin Thầy giải thích?

Đáp
Lúc gần lâm chung có mười câu niệm Phật được vãng sanh Tây phương, nhưng phải tu đúng  tông chỉ Tịnh độ; tức là phải phát đại nguyện, thực hành đại nguyện của mình phát. Nếu theo đúng tông chỉ, khỏi cần mười niệm mà chỉ một niệm cũng được vãng sanh. 
Trái lại, không đúng  tông chỉ, dù có một trăm ngàn niệm cũng không được vãng sanh. Cho nên cần nhất là thực hành đại nguyện. Kinh Di Đà nói “đã phát nguyện thì đã vãng sanh, đương phát nguyện thì đương vãng sanh, sau này phát nguyện thì sau này vãng sanh” là chú trọng cái nguyện. Quyết định được vãng sanh là do cái nguyện.
Nguyện gồm có hai thứ: tiểu nguyện và đại nguyện.
Nếu phát tiểu nguyện là chỉ cầu cho một mình được vãng sanh thì trái với nhân quả, nên không được vãng sanh. Tại sao? Vì vãng sanh là không thể chết nữa, tiếp tục tu đến thành Phật. Bởi vãng sanh ở cõi Cực Lạc nghe gió thổi chim kêu đều làm cho mình thích tu, như mình ở đây ham tiền vậy, tự nhiên rồi sẽ thành Phật. Vãng sanh là không chết, làm sao đi đầu thai để trả nợ? 
Từ nhỏ đến lớn, tự xét mình có giết một con kiến không? Có ăn cá ăn tôm không? Có ăn thịt heo thịt gà không? Nếu có phải đầu thai để trả nợ trước, chứ đâu được vãng sanh. Bởi vì theo nhân quả thì nhân nào quả nấy, như kinh Pháp Hoa nói “như thị nhân như thị quả”. Nếu chỉ cầu cho mình vãng sanh là không trả nợ sao? Phải đầu thai để trả nợ trước chứ! Như vậy tiểu nguyện không thể vãng sanh, phải phát đại nguyện.
Đại nguyện là hồi hướng, mà bây giờ nhiều người hiểu lầm hai chữ hồi hướng; hai chữ hồi hướng theo Giáo môn là phá ngã chấp. Giáo môn có Thập hồi hướng, qua Thập hồi hướng lên Sơ địa (phá hết ngã chấp lên Bồ tát Sơ địa). 
Người ta lấy hồi hướng để tăng cường ngã chấp. Tại sao? Vì nói là cái này công đức của tôi, tôi thương người này, tôi hồi hướng cho người này; tôi thương người kia, tôi hồi hướng cho người kia; lấy tôi làm chủ muốn cho người nào cũng được. Đó là ngã.
Hồi hướng là tất cả công đức của tôi, làm tất cả phước thiện, cúng dường Tam bảo đều hồi hướng cho tất cả chúng sanh, tôi chỉ là một trong chúng sanh. Cho nên, phát đại nguyện không phải một mình tôi được vãng sanh, mà tất cả chúng sanh đều được vãng sanh; tất cả chủ nợ mạng, chủ nợ thịt đều cùng với tôi được vãng sanh, không sót một chúng sanh nào mới là đại nguyện. 
Phát đại nguyện thì đối với chúng sanh bình đẳng, nếu mình đã vãng sanh rồi tu thành Phật trở lại độ những người chưa vãng sanh. Phát đại nguyện phải thực hành đại nguyện của mình phát.
Tôi đã hoằng Tịnh độ mười mấy năm, gặp nhiều người tu Tịnh độ không coi chúng sanh bình đẳng. Đừng nói đối với thú vật, mà đối với con người cũng không bình đẳng. Vậy đối với con chó, con mèo, con chuột, con kiến, con muỗi… làm sao bình đẳng? Vì muỗi chích tôi nên tôi phải đập nó, con chó dơ dấy gần tôi nên tôi phải đá cho nó đi. Nếu đối với chúng sanh không bình đẳng thì nghịch với đại nguyện mình phát. Như vậy là nguyện suông nguyện giả, làm sao vãng sanh? Cho nên chỗ này rất khó.
Trương mục trong ngân hàng của mình không có tiền, nhưng mình thiếu nợ người ta; mình ký biên nhận cho người ta là năm mười sau mới trả, mỗi ngày có bao tiền nạp vô ngân hàng. Người ta đem biên nhận đến ngân hàng mới lãnh được tiền. Trong ngân hàng không có tiền, sau này người ta đến ngân hàng lấy tiền không có thì mình phải bị bắt ở tù. 
Mình không thực hành đại nguyện của mình phát là có tội, không có đức làm sao được vãng sanh! Cho nên phát đại nguyện và thực hành đại nguyện của mình phát (mỗi ngày nạp tiền vô ngân hàng, mình ký biên nhận mới có giá trị). Người ta cho ăn chay, niệm Phật, tụng kinh gõ mõ là Tịnh độ. Kỳ thật không phải Tịnh độ, phải đúng theo tông chỉ Tịnh độ là Tín, Nguyện, Hành.

Hỏi: 
Khi còn ở Việt Nam, con tha thiết cầu nguyện Phật cho các con và con đi ra nước ngoài sinh sống. Đã đến lúc con không còn tin gì nữa, bổng một đêm trong giấc ngủ có một tiếng nói văng vẳng, nói với con rằng “con sẽ được ý nguyện”. Cho dù đã mười năm qua, con thắc mắc nguyện vọng của con đã được chư Bồ tát nghe đến hoặc chỉ là tưởng tượng?

Đáp:
Tất cả nguyện thiện hay nguyện ác đều được thỏa mãn. Trong kinh Phật nói, hồi trước Phật Thích Ca theo ngoại đạo 6 năm tu chứng quả ngoại đạo, biết là sai liền bỏ. Uất Đầu Lam Phất chứng quả cõi trời cao nhất là phi tưởng phi phi tưởng, thọ mạng được 8 muôn đại kiếp (1 đại kiếp = 4 trung kiếp, 1 trung kiếp = 20 tiểu kiếp, 1 tiểu kiếp = 16 triệu năm). Phật Thích Ca thành Phật muốn đi đến người đó liền, nhưng trể một ngày, vì người đó đã sanh vào phi tưởng phi phi tưởng.
Uất Đầu Lam Phất tu ở gần sông, cá lội làm cho ông phát giận, ở trong rừng chim kêu làm cho nổi sân; lúc đang giận, ông chỉ nổi lên một niệm “sau này tôi sẽ làm chồn bay vô rừng ăn chim, vào nước ăn cá”. Qua một niệm ấy thì ông quên. Hết 8 muôn đại kiếp của cõi trời phi tưởng phi phi tưởng, ông phải đầu thai làm con chồn bay để thỏa mãn cái nguyện đó. Đó là ác nguyện cũng được thỏa mãn.
Phật nói trong kinh Hoa Nghiêm “tất cả do tâm tạo”, tâm mình tạo là nhân, có nhân phải có quả. Mình khởi tâm động niệm, mặc dù chưa đi làm nhưng đã có nhân rồi.
Những người có tiền mới đi vượt biên được, nhưng người có tiền không sợ chết đói. Vì kiếp trước đã tạo nhân chết đói, kiếp này mặc dù có tiền nhưng cũng phải bị chết đói, Bởi nhân quả không thể trừ với nhau, tạo nhân thiện được quả phước, tạo nhân ác phải chịu quả khổ. Họ tạo nhân ác làm cho người chết đói, kiếp này có tiền vượt biên ở ngoài biển hết lương thực phải chịu chết đói. 
Theo nhân quả có thể sửa lại, vì tất cả do tâm tạo. Như thiếu nợ, người chủ nợ có thế lực mạnh phải trả trước, chủ nợ yếu rồi trả sau. Nhân quả cũng vậy, nhân mạnh thì quả đến trước, nhân yếu thì quả đến sau.
Thí dụ người không có tu là tâm lực một độ, người tu thành Phật là tâm lực một triệu độ (sự thật vô lượng vô biên, không phải một triệu độ). Mình đã cho người ta bị chết đói là tâm lực một độ, kiếp này cũng là một độ thì phải chịu cái quả chết đói. Nếu mình có tham thiền thì tâm lực từ một độ lên đến mười độ tuy mới tạo nhân, nhưng quả phải đến trước, vì nhân mạnh hơn. Nhân một độ làm cho người ta chết đói thì yếu, nên cái quả chậm lại sau.
Nếu tham thiền được mười độ, rồi không tham thiền nữa, quả của mười độ đến hết rồi tới chín độ, chín độ hết thì tới quả tám độ…rồi một độ cũng phải đến. Được mười độ, không ngưng tham thiền, tham tới một triệu độ thành Phật. Nhưng nhân một độ làm cho người ta chết đói chưa tiêu được, nên phải trở lại độ người đó. Những người mình đã tạo chết đói thì được ưu tiên độ trước, đó là tự nhiên như vậy. Độ họ hết khổ được tự do thì nhân làm cho chết đói mới được tiêu.

Hỏi:
Con thường nghe nói bây giờ là thời mạt pháp, chỉ có Tịnh độ là thích hợp với căn cơ mọi người; vì Tịnh độ vừa tự lực vừa tha lực. Người tu pháp môn này, ngoài vấn đề niệm Phật cầu vãng sanh còn phải tu thập thiện, giữ thân khẩu ý cho trong sạch, có hiếu với cha mẹ như Phật nói trong kinh Quán Vô Lượng Thọ. 
Như vậy, khi quá vãng mới sanh về Cực Lạc, do đó con nhận định rằng vẫn không ra ngoài nhân quả. Nhưng có một điều con còn thắc mắc có một cõi Cực Lạc nào đó không hay chỉ là phương tiện, do đức Phật chỉ dạy chúng sanh như trong kinh Pháp Hoa, phẩm Hóa Thành Dụ chỉ là hóa thành?

Đáp:
“Tất cả do tâm tạo” thì tất cả đều là hóa thành, cho đến Cực Lạc cũng vậy, chỉ là tâm tạo thôi. Cõi Cực Lạc do tất cả người tu Tịnh độ vọng tạo. Bây giờ, mình được thân này giàu sang hay nghèo khổ là biệt nghiệp của mình tự tạo, tất cả đều không ngoài tâm. Kinh Lăng Nghiêm nói “nhiếp cả lục căn, tịnh niệm tương tục”, câu này bao gồm hết thảy. 
Làm sao nhiếp cả lục căn? Con mắt không phân biệt xấu đẹp thì nhiếp được nhãn căn, lỗ tai không phân biệt khen chê thì nhiếp được nhĩ căn, cái lưỡi không phân biệt vị ngon hay dỡ thì nhiếp được thiệt căn… tất cả lục căn đều không phân biệt, đúng lời Phật nói là “vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý” ở trong kinh Bát Nhã Tâm Kinh vậy.
Nhưng bây giờ người tu Tịnh độ có được nhiếp lục căn không? Tôi hoằng Tịnh độ mười mấy năm, chưa có gặp một người nào thực hành được. Nhiếp được lục căn rồi thì niệm mới trong sạch (tịnh niệm), mà tịnh niệm liên tiếp khắp thời gian không có gián đoạn, gọi là tịnh niệm tương tục thì mới được vãng sanh; chứ đâu phải dễ! 
Vì không hiểu nghĩa trong kinh nói, cứ nói nhờ tự lực nhờ tha lực. Nhưng phải làm sao đúng lời dạy trong kinh Phật mới được. Mình phân biệt xấu đẹp rõ ràng, người ta chê thì mình đã giận, người ta khen ngợi thì mình mừng, vậy đâu có nhiếp được! Nếu không nhiếp được, làm sao đi đúng lời kinh để được vãng sanh!

Hỏi: 
Thầy đã giảng kỳ trước, niệm Phật hay trì chú chỉ có tác dụng đè nén vọng tưởng; nhưng con nghĩ mục đích niệm Phật để một lòng không tán loạn, đạt được nhứt tâm bất loạn, con nghĩ đó là tâm bất nhị của Phật tánh. Sự nhận xét của con có đúng không? Xin Thầy phân biệt rõ tác dụng đè nén vọng tưởng của niệm Phật và không đè nén vọng tưởng của tham thoại đầu?

Đáp:
Ai cũng biết do vô minh mới thành chúng sanh. Tại sao gọi là vô minh? Vô minh có hai thứ: 
Vô thỉ vô minh (căn bản vô minh) là không có sự bắt đầu. Vô thỉ vô minh đó cảnh giới thế nào? Là một niệm chưa sanh cũng là thoại đầu của người tham thiền. Tham thiền là muốn phá vô thỉ vô minh mới được kiến tánh, cho nên đến thoại đầu phải tiến thêm một bước nữa, tan rã vô thỉ vô minh thì giây phút đó được kiến tánh. 
Còn nổi lên một niệm rồi gọi là nhứt niệm vô minh, cuộc sống hàng ngày như: mừng, giận, buồn, vui… đều là hóa thân nhứt niệm vô minh. Trong Đại Thừa Tuyệt Đối Luận, ngài Nguyệt Khê giảng rất rõ về nhứt niệm vô minh. Mình gặp chuyện vui mà cho vui là nhứt niệm vô minh, gặp chuyện buồn cho buồn là nhứt niệm vô minh, gặp chuyện giận cho giận là nhứt niệm vô minh; tức là tâm trạng mình biến đổi mức nào cũng là ở trong nhứt niệm vô minh, đã nổi một niệm thì niệm thứ hai thứ ba cứ tiếp tục hoài, nên gọi là nhứt niệm vô minh.
Vô minh là không sáng, tức tự mình không làm chủ được, mà theo dục vọng mình để thỏa mãn tạo ra đủ thứ nghiệp, phải chịu nghiệp thọ ác báo. Theo nhân quả, tạo nhân lành được phước báo, tạo nhân ác phải chịu khổ báo. 
Kinh Hoa Nghiêm nói “tâm mình như một họa sĩ rất hay”, họa thiên đường thì mình thấy vui, họa địa ngục thì mình thấy sợ; nếu mình không họa thì bình an vô sự. Vì do tâm mình muốn họa cái này cái kia là nhứt niệm vô minh, có muốn ngưng cũng không ngưng được.
Nói dùng niệm Phật để ngưng, nhưng niệm Phật cũng là nhứt niệm vô minh. Niệm đến nhứt tâm bất loạn là trở về vô thỉ vô minh thì cũng còn ở trong vô minh, chưa phá được vô minh thì không giải thoát. Uất Đầu Lam Phất sanh cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng, sắc thân không có, tất cả tập khí phiền não không có, ông nhập định 8 muôn đại kiếp, không có một chút vọng tưởng, mà người niệm Phật không có được vậy! Nhưng rồi ông mãn hết 8 muôn đại kiếp cũng đầu thai con chồn bay, không được giải thoát.
Niệm Phật không đúng tông chỉ Tịnh độ, làm thập thiện sanh cõi người hưởng vinh hoa phú quý hay sanh cõi trời hưởng thú vui; nhưng hưởng hết rồi cũng phải đọa xuống chịu khổ báo, vì không đúng  tông chỉ Tịnh độ thì không vãng sanh cõi Cực Lạc. Bởi làm phước hưởng phước, làm ác cũng phải chịu quả ác vậy! 
Làm phước được phát tài mới có tiền đi vượt biên, nhưng làm ác cho người ta chết đói cũng phải chịu quả chết đói; chứ không có thiện và ác trừ với nhau được, vì không ra ngoài chiêm bao; chưa phá được vô thỉ vô minh, phá vô thỉ vô minh là ra ngoài chiêm bao, không bị chiêm bao trói buộc.
Câu hỏi vừa rồi từ nhứt niệm vô minh đến vô thỉ vô minh, vô thỉ vô minh bị kích thích thì sanh nhứt niệm vô minh, đó là còn trong luân hồi.

Hỏi:
Trong Thiền Thất Khai Thị Lục, ngài Lai Quả nói rằng “suốt ngày nổi vọng tưởng bên này, rồi nổi vọng tưởng bên kia, vui vẻ, giận hờn, tất cả phiền não vô minh, gieo những thứ nhân như vậy thì sanh tử có lúc nào dứt không? Niệm Phật có thể dứt được không?” Ngài trả lời: Ta nói có thể được, nhưng niệm Phật chỉ có thể thu tất cả niệm, câu thoại đầu có thể rời tất cả niệm. Kính xin Thiền sư giảng rõ sự khác biệt giữa niệm Phật và câu thoại đầu, thế nào là thu tất cả niệm và thế nào rời tất cả niệm?

Đáp:
Niệm Phật đến nhứt tâm bất loạn là thu tất cả niệm thành một niệm, thành một niệm là nhứt niệm vô minh, chưa tới vô thỉ vô minh; dù đến vô thỉ vô minh, như Uất Đầu Lam Phất cũng còn đọa xuống làm con chồn bay. 
Hỏi câu thoại đầu khởi lên nghi tình, nghi tình là cây chổi automatic thì niệm gì cũng quét, cái quét này tự động chứ không có nổi niệm muốn quét. Tại sao? Vì nghi tình là không biết, không biết thì nhứt niệm cũng không biết, nhứt niệm không biết thì đâu có còn niệm gì nữa; tức là quét sạch cái niệm rồi, luôn cả vô minh không biết thì quét luôn cả vô minh. Nhưng cuối cùng cũng phải tới vô thỉ vô minh (thoại đầu), từ thoại đầu (đầu sào trăm thước) tiến lên một bước là kiến tánh.
Niệm Phật gom tất niệm thành một niệm, còn tham thiền bất cứ niệm gì cũng quét, vì nghĩa là vô sở trụ, niệm không cũng quét, niệm có cũng quét, chẳng có chẳng không cũng quét, cũng có cũng không cũng quét. Tại không biết làm sao có biết niệm nào! Có biết là có niệm rồi, không biết thì không có niệm nào hết; không có năng niệm, không có sở niệm, không có tất cả đối đãi thì lìa tất cả niệm. Kỳ thật, niệm Phật và tham câu thoại đầu nghịch với nhau.

Hỏi: 
Cầu siêu cho người chết, nếu người tụng kinh A Di Đà với tấm lòng thành thì tâm lực mạnh mẽ chuyển tâm thức người chết được chư Phật tiếp dẫn về cõi Tịnh độ hoặc đi đầu thai đến cảnh giới an lành. Nếu người chết đã đi đầu thai ở các cõi khác, nhờ cầu siêu mà hưởng được nhiều phước báo ở cõi ấy. Như vậy việc cầu siêu, cầu an, cầu phước có phù hợp với chánh pháp không?

Đáp:
Chuyện cầu siêu phải nói thân trung ấm, tôi kể thân trung ấm phát sanh ở Đài Loan: Thường người ta quan niệm người chết biến thành quỷ, nhưng sự thật không phải vậy.
 Chết rồi tùy theo nghiệp mà đi đầu thai, nếu tạo nghiệp trời nhiều sanh cõi trời, tạo nghiệp người sanh cõi người, tạo nghiệp súc sanh sanh cõi súc sanh, tạo nghiệp quỷ sanh cõi ngạ quỷ, tạo nghiệp địa ngục đọa xuống địa ngục. Thường thường giờ phút chết là giờ phút sanh, ít có thân trung ấm; nếu người đó làm thiện và làm ác bằng nhau thì không sanh thiện đạo hay ác đạo mới có thân trung ấm.
Tại sao gọi là thân trung ấm? Ấm là ngũ uẩn (thân này), thân ngũ ấm trước đã chết rồi, thân sau chưa sanh, ở trước và sau có chính giữa gọi là thân trung ấm, tức là cái trước đã mất, cái sau chưa sanh, ở giữa trước và sau gọi là trung, có thân trung ấm. Thân trung ấm bảy ngày thay đổi một lần, nếu lúc đó tâm của người đó nghiên về thiện một chút thì sanh về tam thiện đạo, nghiên về ác một chút thì sanh tam ác đạo.
Có Ung Bá Huy từ đại lục Trung Quốc sang Đài Loan, lúc đó ông được 40 tuổi. Đến Đài Loan quy y Pháp sư Nam Đình. Vì muốn người ta tin luân hồi, nên nói người nghe pháp: Tôi có một đệ tử biết kiếp trước đầu thai một con heo, bây giờ ra vô trong chùa mà các vị cũng có thể gặp, nhưng tôi không thể nói ra tên ông đó.
Những người nghe pháp không biết ai đầu thai con heo! Có một hôm trong chùa ăn cơm, có một tay dùng túi bao lại của một ông, một tay bới cơm khó khăn, người bên cạnh thấy vậy muốn bới giùm, mà ông không chịu, hai người giựt qua lại làm túi sút ra, người bên cạnh thấy giò heo, khúc trên là tay người, khúc dưới là chân trước con heo. Ông ấy nhanh tay bao túi lại và nói với người bên cạnh không được nói. 
Đến chừng người ta đi hết, đến một chỗ vắng, người bên cạnh hỏi: Có phải Pháp sư Nam Đình nói người đầu thai con heo là ông phải không?
Ung Bá Huy không chịu nói. 
Người ấy nói: nếu ông không nói mà tôi cũng biết vậy! Nói cho tôi biết thì không nói với người khác.
Ung Bá Huy kể:
“Tôi biết hai kiếp trước, kiếp đầu tiên tôi dạy học ở thôn quê, lúc tôi chết nhưng không biết chết, đi lang thang ngoài đường thấy trong thân nhẹ nhàng (lúc đó là thân trung ấm, nhưng ông không biết). Một ngày đó đi ngang nhà lớn gặp gió bấc thổi lạnh quá, chịu không nổi thấy trong nhà mở cửa mà không có ai, nên tôi vô trong nhà để tránh gió bấc. Nhưng ở trong nhà cũng còn lạnh, thấy trên vách tường treo mười mấy áo lớn, lạnh quá chịu không nổi nên phải lấy một cái áo mặt vô thấy ấm, ngủ hồi nào không hay, khi thức dậy thấy bên cạnh mình có con heo mẹ và các con heo nhỏ. Lúc ấy biết mình đã thành con heo nhỏ, nghĩ trong bụng nếu heo lớn lên thì người ta làm thịt, bây giờ phải làm sao? Tính tự tử nên không ăn. Người chủ tưởng là bệnh, rồi đem thuốc trộn với sữa cho ăn nhưng heo không chịu.
Qua 7 ngày heo chết thì khôi phục thân trung ấm, thân trung ấm cũng đi lang thang ngoài đường, gặp gió bấc lạnh, đi ngang nhà đó và vô trong nhà cũng thấy mười mấy cái áo lớn, tay muốn lấy một cái áo để mặc, tay vừa đụng áo thì rút tay lại và nói “kỳ trước lấy áo đã đầu thai thành con heo, sao bây giờ còn lấy! Chẳng thà bị lạnh chết”, lạnh đến chịu không nổi rồi bị chết giấc. Đến chừng tỉnh lại nghe người ta nói là sanh con trai (Ung Bá Huy). Cái tay đụng vô cái áo thành chân heo. Mẹ tôi may túi vải bao tay lại lúc tôi còn nhỏ để không cho người ta biết”.
Ung Bá Huy sống được 62 tuổi, bệnh rồi chết tại bệnh viện Diêm Vương, Đài Bắc. Sau khi ông chết, người hỏi ông mới viết sự thật ra đăng lên Phật San, tôi coi mới biết. Ăn cắp là ác nên phải đầu thai con heo, không ăn cắp là thiện nên sanh con người. Tùy theo tạo nghiệp gì thì sanh cõi đó. 
Cầu siêu phải làm ảnh hưởng người chết, để tâm lực người đó sửa lại mới được. Cho nên, người chết, cha mẹ hay anh em người đó sát sanh để cúng làm ảnh hưởng người chết nổi lên ác niệm, nên người chết có hại chứ không có lợi ích. Nếu có người chết thì cả gia đình ăn chay, biết tham thiền nên trước linh cửu tham thiền, biết niệm Phật thì trước linh cửu niệm Phật, người chết được ảnh hưởng tốt sanh vào ba đường thiện.
 
 

ML
01
02
03
04
05
06
07
08
09
Xem Thêm: 
Duy Lực Ngữ Lục Quyển Thượng
Duy Lực Ngữ Lục Quyển Hạ
Khai Thị Thiền Thất Tại Chùa Tam Bảo, HT. Duy Lực
Giảng Kinh Lăng Nghiêm, HT. Thích Duy Lực
c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Quảng Ngãi Húy kỵ Tổ sư khai sơn Tổ Chai sự dung hợp từ ba vị tổ huệ Phật giáo Thông điệp ăn chay cho mọi người y su song M nhung diem den khong the bo qua khi du lich tay thé Cồn giû chướng Thông CÃn Ùng Hình tượng Phật Rắn song va chet tự tánh di đà 7 tiếp theo âm Bí quyết nấu chè đỗ đen thật nhừ 20 Cần Thơ Hòa thượng Thích Huệ Thành chùa hòa thạnh vÃƒÆ ÃƒÆ Miên vấn đáp về việc ăn chay Thương Lễ Đại tường khánh tạ bảo tháp Nuoc mam chay Mỗi Tiểu sử Hòa thượng Kesaravinayo Maha luat nơi lưu giữ số lượng lớn các tác Nhất bẠo LÃm may rủi mùa Yoga tốt cho cả người lớn và trẻ em 2012 tiểu sử hòa thượng thích vĩnh đạt lá thư chưa dám gửi mẹ yêu dieu uoc sao bang Ngoại Lễ Đau tim thầm lặng nguy cơ tử vong nằm 佛教中华文化 mo o 1934 Tự làm đậu hủ mua an cu kho quen Giòn đức phật trong đời Mắt Phật ở Lumbini niềm tin vào phật dược sư bai hoc tu chiec thuyen khong nguoi Ăn chay ăn khôn ngoan phat la giac ngo ngã rẽ con nguoi hanh huong trong tho thien ly tran va y nghia ve su chet Số thiền sư thích nhất hạnh được liên võ chương iii nguyên thỉ phật giáo và tam