.
HOÀ THƯỢNG DUY LỰC 
KHAI THỊ BAN ĐẦU TẠI HOA KỲ
Xuất Bản tại Saigon, Việt Nam 2004
ML
01
02
03
04
05
06
07
08
09
04
-Thiền lợi ích cho người
-Nóng và lo có bớt không
-Bị tẩu hỏa nhập ma
-Câu thoại thấy nhạt nhẽo
-Cách gì tâm khỏi bị phân tán
-Ngồi thiền bao nhiêu lâu
-Nghi của Thiền sư và khoa học
-Chú phải công án không
-Hiểu câu chú - Chưa đắc đã chết
-Tin thọ mạng của Như lai
-Niệm Phật tạo nhân duyên
-Định ở trong động
-Làm sao tu cho đúng
-Căn cơ chúng con yếu
-Thiền ảnh hưởng đến hành giả
-Chưa thanh tịnh có hại không
-Vai trò của các thức
-Thiền của mình đúng nhất
-Phẩm nào, nói nhân nghi quả ngộ
-Ngộ rồi cần phải tu 
-Huệ Năng tu pháp môn gì
-Thiền nên niệm Phật cầu tha lực
-Thiền lúc lái xe và đi bộ
-Nghiệp di chuyển
-Minh định cho việc này
-Thi tiển thần thông 
-Hạ, trung căn theo thượng thừa
-Cuồng vọng thuyết pháp
-Lời khai thị III
-Hương công và Thái cực quyền
-Bộ lạc Nam Mỹ 
-Trường sanh - Chân lý
Hỏi:
Thiền có lợi ích cho con người thế nào? 

Đáp:
Có đủ thứ thiền, nhưng tôi hoằng Tổ sư thiền là pháp thiền trực tiếp do Phật Thích Ca đích thân truyền. Thiền này rất lợi ích, như tham thiền được 5 phút thì 5 phút này không có phiền não, tham được một ngày thì một ngày không có phiền não, tham được một tháng thì một tháng này không có phiền não, vừa làm là có lợi ích liền. Còn các thiền kia là tọa thiền có rất nhiều nên tôi không thể nói ra được, người tu Phật pháp phải tu đúng tông chỉ của tông phái đó. 
Như tông Thiên thai có chỉ quán thiền, tông Duy thức có Duy thức quán thiền, tông Hiền thủ có Pháp giới quán thiền, mỗi  tông phái đều có thiền riêng của tông phái đó. Tông Tịnh độ cũng có 16 pháp thiền quán. Nếu tu không đúng theo tông chỉ thì có hại.
Tông chỉ của Tổ sư thiền là có chín chữ “vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ”. Đúng tông chỉ thì không có thiền bệnh, không bị tẩu hỏa nhập ma. Ma nhập được là do có sở cầu, có sở đắc, có sở sợ; thực hành được chín chữ này nên không thể nhập ma.

Hỏi:
Tánh tình nóng nảy hay lo lắng mà học thiền có thể bớt không? 

Đáp:
Những người thích xem hát, tham Tổ sư thiền một thời gian không thích đi xem hát nữa; có người ham mặc đồ đẹp, tham thiền một thời gian không ham mặc đồ đẹp nữa; có người ưa ăn uống, tham thiền một thời gian không ưa ăn uống nữa. Tại sao? Vì nghi tình là không biết, cứ tối ngày giữ không biết hoài thì sự ham thích tự nhiên không còn.
Cái nóng nảy cũng vậy, nếu không biết làm sao biết nóng nảy! Người ta chửi mắng, đánh đập mình, mình nhẫn nhục được nhưng trong tâm thấy rất khó chịu. Tham Tổ sư thiền thì người ta có chửi mắng mình cũng không biết, không thấy khó chịu; ở trong tâm không có nhẫn nhục, đó mới là chân thực nhẫn nhục.

Hỏi: 
Con nghe nói người hay lo lắng suy nghĩ nhiều mà tu thiền có thể bị tẩu hỏa nhập ma phải không?

Đáp:
Chính tẩu hỏa nhập ma là do lo lắng suy nghĩ, còn Tổ sư thiền là không cho bộ óc suy nghĩ. Nếu có suy nghĩ không phải tham thiền, không cho bộ óc lo lắng, lo lắng và suy nghĩ là biết. Tham thiền không suy nghĩ, không cho tìm hiểu câu thoại đầu; học thiền học đạo cũng không cho. Tại sao tham thiền mà không cho học thiền học đạo? Vì tham thiền đã có thiền có đạo rồi, nếu còn học thiền học đạo thì ở trong Thiền tông gọi là đầu thượng an đầu (trên đầu mọc thêm đầu). 
Mình đã có một cái đầu đủ dùng rồi, nếu mọc thêm một cái đầu nữa làm cho cái đầu này khó chịu, phải mời bác sĩ cắt bỏ mới được, không cắt bỏ thì rất cực khổ. Tìm hiểu thiền tìm hiểu đạo còn không cho, huống là cái khác mà lo lắng gì nữa!

Hỏi:
Chúng con là kẻ sơ cơ tham câu thoại thấy nhạt nhẽo vô vị quá, làm sao câu đó giúp con đạt đến kiến tánh được?

Đáp:
Tổ thứ 18 của tông Lâm Tế là Thiền sư Trung Phong dạy mình phải thống thiết sanh tử, hôm nay mình sống đây, không biết ngày mai còn sống không! Như tôi năm nay 68 tuổi, rồi 10 năm sau 78 tuổi, 10 năm sau nữa là 88 tuổi, 10 năm sau nữa 98 tuổi, 10 năm nữa 108 tuổi, cứ suy nghĩ hoài tới chừng đó làm sao? Nếu trước khi chết, mình không giải quyết vấn đề sanh tử, không biết chết rồi sẽ ra sao? 
Trước khi chết, phải giải quyết, phải thống thiết vấn đề sanh tử của mình. Dẩu cho mình ở ngoài thế gian có sự nghiệp bằng vua, thế lực cũng mạnh, tiền tài cũng nhiều hơn cả nước; nhưng kết cuộc bi thảm là phải già phải bệnh phải chết. Nếu giải quyết sanh tử không được thì cái khổ vẫn tiếp tục mãi mãi.
Cho nên, tham thiền không được nhờ hứng thú, nếu nhờ hứng thú để tham thiền thì hết hứng thú lại bỏ tham. Ngài Hư Vân nói “năm đầu là sơ tham, năm thứ nhì là lão tham, năm thứ ba hết hứng thú thì hết tham”. Nếu sanh tử được giải quyết thì sanh tử tự do, không tham nữa. Chưa giải quyết sanh tử nên phải tiếp tục tham. Vì vậy, mình phải thống thiết sanh tử, chứ đừng nhờ hứng thú để tham.

Hỏi:
Khi ngồi thiền, tâm hay bị phân tán thì có cách gì tâm khỏi bị phân tán?

Đáp:
Tâm phân tán là có muốn đắc, có muốn cầu, có sở sợ. Nếu thực hành được 9 chữ “vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ”, tự nhiên tâm không bị phân tán. Lại chính nghi tình là không biết, không biết làm sao phân tán, biết mới phân tán. 
Nghi tình là do Phật Thích Ca truyền rất hay, chỉ giữ một chữ nghi thì được thành tựu tất cả. Khi đã không biết nên tất cả đều được giải quyết. Giới định huệ, lục độ vạn hạnh cho đến công thương kỹ nghệ ở xã hội, niệm Phật, trì chú, sám hối cũng gồm trong đó, chứ không có ở ngoài.

Hỏi:
Tối thiểu ngồi thiền là bao nhiêu lâu?

Đáp:
Tham thiền không phải ngồi thiền, ngồi thiền không phải tham thiền; tham thiền không cần ngồi, Lục Tổ nói “Đạo do tâm ngộ bất tại tọa”, ngộ là do tâm, chứ không phải do thân. Thân này sau khi chết, đi thiêu thành tro, chôn thành đất; còn tâm mình không thể biến thành tro, biến thành đất, vĩnh viễn tồn tại, cho nên mới cần tu, tu cái tâm này; tâm này ngộ thì tất cả khổ đều được giải thoát, tự do tự tự tại, tự làm chủ tâm mình.
Bộ óc làm chủ thì có ngã chấp, tranh giành trong xã hội, chửi mắng, xung đột sanh ra đổ máu. Nếu phát hiện được Phật tánh của mình thì Phật tánh làm chủ, bộ óc làm đầy tớ. Phật tánh làm chủ thông qua bộ óc để dùng ra, nên ngã chấp không còn. Vì vậy tất cả đều được giải quyết. Như tất cả đèn đều chung một ánh sáng, tất cả chúng sanh đều chung một hạnh phúc, không có ta với người làm tương đối để tranh giành với nhau.

Hỏi:
Kính xin Thầy giải thích phân biệt giữa nghi tình của một Thiền sư và nghi tình của một nhà khoa học? Sự ngộ của một Thiền sư và sự khám phá ra của nhà khoa học?

Đáp:
Trong Đường Lối Thực Hành Tham Tổ Sư Thiền, tôi đề ra ông Newton thấy trái bôm trên cây rớt xuống, ông khởi lên nghi tình “tại sao trái bôm rớt xuống đất, mà không rơi lên trời?” Do nghi tình này, ông nghiên cứu tìm hiểu, phát minh được định luật hấp dẫn lực vạn hữu, đó là hồ nghi, nhà khoa học nghi việc thế gian chỉ phát minh những đồ vật của thế gian, có giá trị thế gian; nhưng không phát minh được chính mình, nên không làm chủ cho mình, không được giải thoát khổ.
Nghi của tham thiền là chánh nghi, không cho bộ óc suy nghĩ, tìm hiểu, nghiên cứu; để cho tự ngộ, tức phát hiện chính mình là Phật tánh. Biết được chính mình mới tự làm chủ, tự do tự tại, giải thoát tất cả khổ. 
Cho nên, danh từ nghi thì giống, nhưng sự thực khác. Cái nghi của nhà khoa học là hồ nghi, phải bộ óc suy nghĩ nghiên cứu. Còn cái nghi của Thiền tông không cho bộ óc nghiên cứu, tìm hiểu; chỉ là nuôi cái nghi cho thật mạnh, (giống như bôm bong bóng đến bong bóng căng rồi sẽ nổ) đến lúc nghi tình vỡ gọi là kiến tánh thành Phật.
Mặc dù, cuối cùng ngộ, nhưng hai thứ ngộ có khác. Cái ngộ của nhà khoa học là ngộ pháp thế gian, cái ngộ của Thiền tông là ngộ tâm chính mình cùng khắp không gian thời gian, thần thông trí huệ vô lượng vô biên bằng như Phật, cho nên được tự do tự tại, dứt hết tất cả khổ vĩnh viễn, muôn ngàn kiếp sau cái khổ không thể trở lại.

Hỏi: 
Câu kết của kinh Bát Nhã, đức Bồ tát có dạy “ga tê, ga tê, ba ra ga tê, ba ra ga tê, bo di sa va ha”. Câu chú này có phải là một công án không? 

Đáp:
Thần chú là muốn cho mình không biết, nhưng không có nghi tình, vì không có dấu hỏi. Còn nghi tình của Thiền tông là không biết nhưng có dấu hỏi, có hỏi thì phải có đáp, mình đáp không ra thấy tức lắm thì phải tiếp tục hỏi nữa, hỏi đến một ngày đáp ra được là kiến tánh. Thần chú không có dấu hỏi, thành ra khác xa với tham công án hay tham thoại đầu.
Công án là một chuyện tích, như tham công án chữ vô của Triệu Châu, chữ vô không có dấu hỏi, dưới đây là công án: 
Tăng hỏi Triệu Châu: con chó có Phật tánh không?
Triệu Châu đáp: có.
Tăng khác hỏi: con chó có Phật tánh không?
Triệu Châu đáp: không.
Tại sao một người trả lời có, một người trả lời không? Thì đã có dấu hỏi rồi. Lại kinh Phật nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tại sao Triệu Châu nói không? Vì con chó cũng là chúng sanh vậy. Tại sao con chó không có Phật tánh? Cũng là dấu hỏi. Tham công án thì cả chuyện tích, chứ không phải khán chữ vô. Nếu chữ vô thì không có dấu hỏi, làm sao gọi là nghi tình? Nghi tình phải có dấu hỏi.
Niệm chú chỉ là để cho mình không biết, nếu dịch ra thì thần chú không còn nữa. Thần chú không thể dịch được. Thần chú là thay mặt cho mệnh lệnh, thay mặt cho sự dụng của tâm; cho nên kinh Lăng Nghiêm gọi là tâm chú, tôi dịch kinh Lăng Nghiêm có lược giải tâm chú này.

Hỏi: 
Con có thể hiểu câu chú này như là “thả buông, thả buông, con hãy thả buông, mau con hãy thả buông, bồ đề hiện nơi con” không?

Đáp: 
Nếu dịch chú ra nghĩa thành kinh, không phải là chú; chú là không cho mình hiểu nghĩa, mới có tác dụng cho mình không biết. Cho nên chú không có dịch nghĩa, như trên đã dịch ra là phá hoại tác dụng của chú.

Hỏi:
Tham Tổ sư thiền chưa đắc thì đã chết, tâm và thân đời sau sẽ ra sao? Nếu như không có duyên gặp lại Phật pháp để tu theo pháp tham thiền Tổ sư rồi mình sẽ như thế nào? Còn Tịnh độ tông ít ra mình cũng có một chỗ đỡ khổ để tu tiếp, có phải dễ không?

Đáp:
Kinh Pháp Hoa nói “như thị nhân như thị quả” (nhân nào quả nấy), mình đã gieo chánh nhân thì được chánh quả. Tại sao gọi là chánh nhân? Vì pháp Tổ sư thiền do Phật Thích Ca thân truyền là chánh nhân. Ở Việt Nam có người hỏi “hôm nay tôi tu Tổ sư thiền, rồi ngày mai chết sẽ ra sao?” Mặc dù chỉ tu có một ngày, nhưng chánh nhân đã gieo thì chánh qiả sẽ đến. 
Ở Việt Nam, tôi thường ví dụ Chợ Lớn đi Sài Gòn là 100 bước, mục đích đến là Sài Gòn. Tuy kiếp này mình chỉ đi một bước, nhưng kiếp sau mình tiếp tục đi 99 bước, khỏi cần đi 100 bước. Mình đi 1 bước cũng không uổng công. Nếu mình đi được 50 bước thì kiếp sau tiếp tục 50 bước nữa. Nếu mình đi được 99 bước thì kiếp sau đi thêm 1 bước là đến nơi. Đó là tùy theo sự đi của mình, đi nhanh hay đi chậm, mình quyết tử tham thì mau đến. 
Cho nên, pháp môn này không kể sơ tham hay lão tham. Tại sao? Vì sơ tham có thể đi 99 bước rồi, mặc dù kiếp này họ mới tham, chỉ cần bước thêm 1 bước thì đến nơi. Người lão tham kiếp trước chưa đi hay mới một hai bước thì kiếp này phải đi chín mươi mấy bước nữa, nên phải chậm hơn. Vì vậy, người nào đi nhanh thì tới trước. 
Từ Chợ Lớn đi Sài Gòn, mình cứ cuối đầu đi, chứ không phải luôn nói “tôi đi Sài gòn”, mình cứ đi sẽ đến nơi; hay giữa đường gặp rạp hát ghé lại để coi, hoặc gặp hồ bơi vô coi người ta tắm… nếu vậy biết bao giờ mới đến Sài gòn! Cho nên mình cứ đi thẳng sẽ đến nơi. Như tham thiền mà còn tìm hiểu cái này cái kia, làm sao mau ngộ!
Nhưng mình gieo chánh nhân thì chánh quả sẽ đến. Tôi hoằng Tổ sư thiền ở Việt Nam, tôi không ngờ tôi đến Hoa Kỳ. Tại sao? Tôi không có làm hồ sơ đến Hoa Kỳ, chỉ có cô Như đến học thiền, ở thiền đường của tôi một tháng. Hôm đó, cô Như đi gặp phái đoàn Mỹ, đến gặp tôi và nói “Sư Phụ đi với con gặp phái đoàn Mỹ, có thể Sư Phụ đi Mỹ”.  Chỉ có lấy tên tôi ghi vào hồ sơ của cô Như. Tôi đi với cô Như gặp phái đoàn Mỹ, cô Như vào trước, người Mỹ chỉ tên tôi trong hồ sơ và hỏi cô Như: người này là ai vậy?
Cô Như đáp: cha nuôi tôi.
Người Mỹ nói: ở đâu?
Cô Như đáp: Ở bên ngoài.
Người Mỹ nói: bảo ông ấy vô.
Rồi cho tôi đi, bảo tôi khám sức khỏe và chích thuốc ngừa. Chỉ có mấy tiếng mà đã đi được qua bên này, nên các vị mới gặp tôi giảng Tổ sư thiền. Kiếp trước đã gieo trồng chánh nhân, nên kiếp này nghe tôi giảng Tổ sư thiền. Tôi tự mình không thể biết mình đến Hoa Kỳ.

Hỏi:
Đức Phật bảo rằng “người nào tin tưởng thọ mạng của Như lai là bất khả tư nghì, thì công đức vô lượng gấp trăm ngàn lần, so với công đức của một hành giả tu năm ba la mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn và thiền định”. Kính xin Thiền sư giảng giải?

Đáp:
Đường Lối Thực Hành Tham Tổ Sư Thiền, sau cùng có 2 cơ bản: Tin tự tâm và phát nghi tình. 
Tin tự tâm là thế nào? Thọ mạng của Phật không có cuối cùng, vì cùng khắp thời gian, không có bắt đầu. Tuy mình chưa kiến tánh, nhưng bản tâm của mình cùng khắp không gian thời gian, không có khác với Phật tánh của Phật, như Phật đã nói Phật tánh bình đẳng bất nhị.
Tôi muốn chứng tỏ cùng khắp không gian thời gian cho các vị dễ hiểu, vì không gian và thời gian mênh mông nên khó hiểu. Tâm là thể tinh thần không có hình tướng, không có âm thanh để mình nhận biết được thì lấy gì để chứng tỏ cùng khắp không gian thời gian?
Những người học khoa học biết ánh sáng cùng khắp không gian. Chỉ nói ánh sáng khắp trung tâm này. Hiện có 1 cây đèn, 2 cây đèn, 3 cây đèn… mỗi cây đèn có ánh sáng cùng khắp, cũng như mình ngồi đây cả trăm người thì có cả 100 tâm cùng khắp, mỗi tâm đều cùng khắp.
Nhưng tâm mình cùng khắp mà không tin vì mình không thấy, còn ánh sáng đèn thì mình thấy cùng khắp; đã cùng khắp nên sự tương đối không còn, như diệu minh là không có sự tương đối nên gọi là diệu minh. 
Nếu có năng minh và sở minh thì mất cái diệu, bản thể của mình cũng vậy; nếu đã cùng khắp thì trở thành diệu, không có năng sở. Nguồn gốc của sự tương đối là có và không có, như có ta và không có ta, có ta là hữu ngã, không có ta là vô ngã. Phật pháp là phải phá ngã chấp.
Tôi sắp đèn này là số 1, đèn kia là số 2, số 3, số 4, số 5… bây giờ tôi thay mặt cho đèn số 1 là ta; có ta là có ngã, nếu có ngã thì phải lập cái lý có ngã mới được. Ánh sáng của 5 cái đèn đã cùng khắp, nếu nói có ngã phải chỉ ra ánh sáng nào thuộc về cây đèn số 1 của ta? Nếu chỉ ra được thì chứng tỏ là có ngã, có ánh sáng đèn số 1 của ta. Nhưng tôi biết các vị chỉ không ra, vì nó đã cùng khắp. Chỉ không ra nên cái lý có ngã, ánh sáng đèn số 1 của ta không thể thành lập.
Nếu nói không có ngã, vậy các vị chỉ chỗ nào không có ánh sáng đèn số 1 của ta? Chỉ ra được là vô ngã thì lý vô ngã mới thành lập được. Chỉ ra được không? Chỉ không được. Cho nên, có ngã và vô ngã đều không thể thành lập. Tại sao? Vì ánh sáng đã cùng khắp. Có 100 cây đèn thì ánh sáng cũng cùng chung ánh sáng, chứ không thể phân biệt ánh sáng nào cây đèn số 1, ánh sáng nào của cây đèn số 2… 
Vì vậy, khi kiến tánh phát hiện bản thể cùng khắp, không có phân biệt ta với ngươi; không có phân biệt nên không có giành giựt chửi mắng, tất cả mọi người cùng hưởng chung một hạnh phúc. Đây là mục đích của Phật Thích Ca.
Cái biết của bộ óc không cùng khắp không gian thời gian, cái biết Phật tánh cùng khắp không gian thời gian. Cái biết Phật tánh gọi là chánh biến tri nhưng lấy gì để chứng tỏ? Vì cùng khắp không gian thời gian, cái biết cũng không có hình tướng; không gian thời gian mênh mông. 
Tôi phải dùng cơ thể này để ví dụ cho quý vị được dễ hiểu chứng tỏ cùng khắp: Cảm giác lớp da này phải cùng khắp cơ thể này không? Cảm giác lớp da có phải gọi là biết không? Vậy cái biết của lớp da này cùng khắp không gian cơ thể. Nếu đã cùng khắp cơ thể thì không có chỗ búng. Tại sao? Có chỗ búng thì búng tay tay biết, búng đầu đầu biết, những chỗ không búng không biết. Những chỗ không búng không biết, làm sao gọi là cùng khắp? Cho nên đã cùng khắp thì không có chỗ búng. Đây là về không gian.
Còn về thời gian thì không có lúc búng, nếu có lúc búng thì lúc búng mới biết, lúc không búng nên không biết. Lúc không búng, cảm giác lớp không mất mà nói không biết! Cảm giác lớp da ngày đêm luôn luôn như vầy, đâu phải nhờ búng mới biết, không búng lại mất! Rõ ràng cảm giác lớp da cùng khắp không gian và thời gian của toàn cơ thể. Nhưng bộ óc mình có thói quen đã nhận thức sai lầm cho là chỗ búng mới biết, chỗ không búng thì không biết; lúc búng mới biết, lúc không búng không biết.
Phật muốn mình đừng cho bộ óc làm chủ, phải cho Phật tánh làm chủ thì những tai họa không còn sanh nữa, mới được hưởng hạnh phúc mà không có sự khổ đối đãi. Như tất cả bao nhiêu đèn cùng chung một ánh sáng, tất cả bao nhiêu chúng sanh cùng chung một hạnh phúc. Lúc đó hạnh phúc mới là chân thật, Đại Thừa Tuyệt Đối Luận nói “nhập vào quốc độ tuyệt đối”.

Hỏi:
Thầy có nói “niệm Phật, trì chú là tạo cho nhân duyên mai sau, tham thiền mới là tu thật sự”. Kính xin Thầy khai thị?

Đáp:
Vấn đề này, ngài Lai Quả đã nói rõ trong Thiền Thất Khai Thị Lục. Pháp thiền trực tiếp của Phật Thích Ca thân truyền, muốn mọi chúng sanh tự ngộ; ngộ mới được giải thoát tất cả khổ. 
Muốn ngộ phải có nhân làm cho ngộ, nhân làm cho ngộ là nghi. Cho nên Phật Thích Ca truyền pháp môn này là từ nghi đến ngộ. Còn trì chú, niệm Phật không có nghi, không có nghi thì không có ngộ. 
Nếu tu đúng theo tông chỉ của tông phái đó, niệm Phật được bất thối (không lui sụt), ở nơi Cực Lạc chuyển qua thiền là từ nghi đến ngộ; Mật  tông cũng vậy, phải có nghi mới có ngộ. Bất cứ tông phái nào cuối cùng phải có nghi rồi được ngộ. 
Chỉ có Thiền tông bắt đầu phát nghi trước, còn pháp môn khác như tông Thiên thai đến Thể chơn chỉ rồi phát nghi. Cho nên, các pháp môn khác (ngoài Tổ sư thiền) chỉ gieo cái nhân để sau này được ngộ. 

Hỏi:
Thiền phải đến chỗ vắng vẻ, không cho mắt chạy theo cảnh, không cho tai chạy theo tiếng, đó là phương pháp bớt thâu chủng tử mới để có thì giờ loại những chủng tử cũ. Tại sao Thiền tông nói là định ở trong động?

Đáp:
Thiền tông có một câu là “bất phá trùng quan, bất bế quan”. Người Việt gọi bế quan là nhập thất, tức là nhốt mình ở trong phòng, không có tiếp xúc với ai. Đã ngộ (phá trùng quan) mới cho bế quan, bế quan là để bảo nhậm dứt trừ tập khí. Nếu chưa ngộ mà nhập thất rất có hại.
Có một Thầy ở trên núi, nuôi một đứa bé một tuổi; ở trên núi chỉ có hai thầy trò, nuôi đứa bé trai đến 20 tuổi không có gặp người nào khác, chỉ thấy các con thú rừng. 
Một ngày, Thầy dẫn đứa bé xuống chợ chơi, đứa bé thấy mọi thứ đều hỏi, Thầy đều trả lời. 
Đứa bé thấy con gái rồi hỏiThầy: đây là gì vậy? 
Thầy trả lời: đây là con cọp chợ, nếu mày gần nó có thể bị hại hơn cọp trên núi.
Đi chơi về, qua hai ngày sau, Thầy muốn thử đứa bé, hỏi: Trong cuộc đi chơi, mày có thấy cái gì thích nhất không?
Đứa bé đáp: Tất cả con không thích, nhưng chỉ thích con cọp chợ.
Công án này chứng tỏ mắt không tiếp xúc cảnh nên niệm thích không nổi lên. Đứa bé từ hồi nhỏ đến lớn không tiếp xúc với con gái, nhưng tập khí từ kiếp trước có sẵn, khi tiếp xúc thì tâm nổi lên ham thích. Vậy làm sao nhập thất cho là tu!
Theo kinh nghiệm của tôi thấy những người chưa vô thất thì tốt hơn, khi vô thất được một thời gian rồi ra thất càng tệ hơn nhiều. Bởi vì tâm đè nén một thời gian, lúc gặp cảnh bộc phát ra rất mạnh. Không được tránh cảnh mà tu, nên Thiền tông có câu “bất phá trùng quan, bất bế quan”, tức là chưa ngộ không cho nhập thất.

Hỏi:
Chúng con được biết: “Tu mà không học là tu mù, học mà không tu là đãy sách”. Vậy chúng con phải làm sao tu cho đúng?

Đáp:
Đó là lời của Giáo môn, còn Thiền môn là muốn phát hiện cái dụng của tự tánh. Tham thiền là tu cũng là học, như ngài Lai Quả nói “tham thiền có đầy đủ giới định huệ”. Bản tâm cùng khắp không gian thời gian, thần thông trí huệ sẵn đầy đủ, không thiếu sót một thứ gì. Kinh Pháp Hoa thí dụ hạt châu như ý là bản tâm có sẵn trong áo, tự cho mình nghèo rồi đi ăn xin các nơi, gặp người trí cho biết hạt châu thì không còn đi ăn xin.
Con dơi không có con mắt mà có ra đa, nhà khoa học bắt chước con dơi chế tạo ra đa; nhưng con dơi không có học, tự bản năng có sẵn. Con ong làm tổ, các nhà kiến trúc phải học cách làm tổ của con ong, kiến trúc mới được kiên cố; con ong cũng không có học. 
Kỳ thật, trong Giáo môn có phân biệt hữu và vô học, hữu học còn thấp, vô học mới cao. Tại sao còn nói phải học? Giáo môn là vừa học vừa tu, biết được bao nhiêu thì tu bấy nhiêu. 
Thiền môn không phải vậy, là giáo ngoại biệt truyền, chỉ cần phát hiện cái của mình sẵn có. Cho nên tôi dạy phải tin tự tâm đầy đủ tất cả thần thông trí huệ, năng lực bằng Phật Thích Ca, không kém Phật Thích Ca một chút nào. 
Nếu đã tin như vậy thì không cần phải học, chính tôi mà người ta cho rằng tôi học mới trả lời được. Nếu tôi học thì có cái không thể trả lời được, vì đâu thể nhớ hết và cũng không học hết. 
Hồi xưa chưa tham thiền, tôi muốn coi hết đại tạng kinh, tục tạng kinh. Tục tạng kinh có 150 cuốn, tôi coi suốt 1 năm được 7 cuốn, phải mất hơn 21 năm coi hết tục tạng; coi một lần cũng không nhớ hết, dù có nhớ hết cũng không dùng được. 
Cái của mình sẵn có, khỏi cần học khỏi cần nhớ; muốn dùng thì sẵn sàng dùng, có phải tốt hơn không! Bởi vì người nào cũng bằng nhau, Phật Thích Ca nói “Phật tánh bình đẳng bất nhị”. Do mình không tin, nếu mình tin chỉ cần phát hiện; chứ đâu cần học!

Hỏi:
Có người nói pháp môn này cao quá, xưa kia thời Phật Thích Ca chỉ có ngài Ca Diếp ngộ được. Chúng con tự nhủ thế này “bao giờ mới kiến tánh được, sợ chúng con đi lầm pháp môn chăng! Vì căn cơ chúng con yếu kém lắm”. Kính xin Thầy khai thị? 

Đáp:
Ngày xưa Phật Thích Ca đưa cành hoa trong hội hơn triệu người chỉ có Ma Ha Ca Diếp ngộ. Đó là vị đầu tiên, ấy cũng là nhân duyên. Sau này bên Trung Quốc, Lục Tổ có 43 người kiến tánh, Mã Tổ có 139 người kiến tánh; không phải Lục Tổ và Mã Tổ hay hơn Phật Thích Ca. Vì cơ duyên là người ta chưa tin, sau này người ta tin nhiều nên nhiều người ngộ. 
Nếu tin pháp môn tham thiền 100 %, tôi nói chưa được. Tại sao? Vì mới có phân nửa, còn chưa tin tự tâm. Nếu tin pháp môn Tổ sư thiền 100 %, mà không tin tự tâm, dù có siêng năng cách mấy cũng không thể kiến tánh. 
Bởi không tin tự tâm nên không thể phát hiện tự tâm. Cho nên phải tin tự tâm 100 % nữa mới đúng. Vì vậy, không phải người ngộ ít hay nhiều, mình phải gieo trồng thiện căn thì được phước, được tin, được ngộ.

Hỏi:
Trong phần nhân quả nghi ngộ của Đường Lối Tham Tổ Sư Thiền, Thượng tọa có nói rằng “tham thiền lúc nghi tình nặng thì ảnh hưởng đến nhức đầu, tức ngực, khó thở, đó là đại nghi; nhức đầu nhiều chừng nào tốt chừng nấy, đừng sợ”. Phật có dạy “tâm bệnh thì thân bệnh”, ở đây nhức đầu, tức ngực, khó thở là thân bệnh. Khi tham thiền có ảnh hưởng gì đến tâm hành giả không?

Đáp:
Do nghi tình ảnh hưởng đến nhức đầu, tức ngực, khó thở là do nghi tình nặng mới có; nếu bỏ nghi tình thì những trạng thái vừa kể liền hết, bệnh của thân mà bỏ nghi tình thì bệnh vẫn còn, cần phải đi bác sĩ trị. 
Do nghi tình làm cho đau đầu, tức ngực, khó thở… là do tâm lý tiến bộ rất mau nên sinh lý theo không kịp làm cho đau đầu, tức ngực, khó thở… qua năm bảy ngày tự hết, vì sinh lý đã theo kịp. 
Rồi một thời gian sau, tinh tấn tham thiền, sinh lý theo không kịp tâm lý cũng có những trường hợp như vậy nữa, qua năm bảy ngày sẽ hết. Đó là quá trình tham thiền bình thường, cho nên tôi nói cho biết đừng sợ.

Hỏi:
Phương pháp Tổ sư thiền của Thượng tọa có cần học thêm giáo lý của đức Phật để mở mang trí tuệ và học phương pháp chuyển nội tâm về điều thiện hay là chỉ cần giữ nghi tình mà thôi? Giữ nghi tình liên tục không cho tạp niệm hiện, trong khi nội tâm vẫn còn hỗn độn chưa được thanh tịnh sẽ có những phản ứng nguy hại không?

Đáp:
Tham Tổ sư thiền là phát hiện năng lực thần thông của mình sẵn có, đó không phải do học mà có. Trong Thiền tông có công án: 
Một vị thợ đập đá cho nhà chùa, trụ trì là người kiến tánh, thợ đập đá không biết chữ, nghe người ta nói “kinh Pháp Hoa rất hay, nếu tụng có thể đạt đến thành Phật”, ông nghe vậy tin liền, cố gắng hỏi người ta từng chữ một, hỏi đến mấy năm thuộc hết bộ kinh Pháp Hoa. Lúc đập đá, ông thường tụng kinh ra tiếng.
Một hôm vị trụ trì thấy hỏi: miệng ông làm gì vậy?
Thợ đá đáp: tụng kinh Pháp Hoa.
Trụ trì hỏi: tụng để làm gì? 
Thợ đá đáp: để làm Phật.
Trụ trì hỏi: tụng như vậy biết chừng nào thành Phật?
Thợ đá nói: vậy mình sẽ làm sao?
Vị trụ trì dạy tham thoại đầu.
Thợ đá tốn bao nhiêu công sức để thuộc bộ kinh Pháp Hoa, nghe vị trụ trì nói liền bỏ chuyển qua tham thiền, rồi một thời gian sau ông được ngộ. Ông vừa đập đá vừa tham, có lần cục đá cứng, ra sức đập mạnh làm tia lửa phát lên, ông liền ngộ. Ngộ rồi ra hoằng pháp, nói “quý vị đều hay hơn tôi, tôi là người dốt nát không biết chữ, mà tôi cũng ngộ được vậy. Tại sao quý vị không tin tự tâm mình?”

Có công án khác:
Một tu sĩ theo đại chúng tham thiền, nhưng không biết thiền là gì; hỏi nhỏ người ngồi kế bên “thiền là gì?” Người ngồi kế bên biết ông ấy khờ ngốc, nói giỡn chơi rằng “thiền ở trên cây vào mùa hè đêm ngày kêu hoài đó!” (chữ thiền và con ve, tiếng Hán đồng âm). Ông ấy nói: vậy hả.
Ông ấy tưởng phải như vậy, nhưng bao lâu được kiến tánh. Kiến tánh rồi thì biết hết, không có gì thiếu sót. Chứng tỏ không phải cần học, khờ ngốc cũng được kiến tánh. Chuyện này ghi trong lịch sử Thiền tông Trung Quốc.

Hỏi:
Xin Thượng tọa dùng Duy thức học giải thích vai trò của các thức trong việc giữ nghi tình liên tục ngày đêm?

Đáp:
Tham thoại đầu, lấy cây viết ví dụ cho ý thức, đầu trên cây viết là thoại đầu, đầu dưới cây viết là thoại vỉ, từ thoại vỉ đến thoại đầu là đường đi ý thức. Hỏi câu thoại để khởi lên niệm không hiểu không biết và giữ niệm không biết (nhứt niệm vô minh), Thiền tông gọi là nghi tình.
Khởi lên niệm không biết là rời khỏi thoại vỉ tiến đến thoại đầu, đang đi ở giữa đường của ý thức. Nhờ ý thức tham thiền, đến đầu trên cây viết là thoại đầu (vô thỉ vô minh), nhưng chưa lìa ý thức, còn dính líu ý thức. Sát na lìa ý thức mới được kiến tánh, còn dính líu ý thức thì chưa kiến tánh. 
Cho nên, ngài Lai Quả nói “từ đầu sào trăm thước tiến thêm một bước là kiến tánh”, Thiền tông gọi nguồn gốc ý thức là đầu sào trăm thước, đến đây đường đi ý thức đã hết; chỗ này thanh thanh tịnh tịnh, không còn vọng tưởng; ngoại đạo, Tiểu thừa cho chỗ này là Niết bàn. 
Thiền tông phải phá vô thỉ vô minh, nên từ đầu sào trăm thước tiến thêm một bước lìa khỏi ý thức. Lúc giây phút lìa khỏi ý thức thì được kiến tánh, ngài Lai Quả nói “cảnh giới này lọt vào hư không té xuống cho chết, chết rồi sống lại (tuyệt hậu tái tô)”. Cái chết có hai thứ: tiểu tử tiểu hoạt và đại tử đại hoạt.

Hỏi:
Gần đây, nhiều người học Phật chuộng tham thiền, có lẽ thiền học hợp với căn cơ chúng sanh hiện tại. Chúng con đã được nghe dạy nhiều phương pháp thiền. Tổ sư thiền do Thượng tọa giảng dạy. Các vị đều cho pháp thiền của mình đúng và cao nhất, xin thượng tọa cho biết ý kiến?

Đáp:
Tôi giảng Tổ sư thiền này không thể nói là thiền của tôi, đây là thiền của Phật Thích Ca đích thân truyền, còn gọi là pháp thiền trực tiếp truyền cho sơ tổ Ma Ha Ca Diếp, sơ tổ truyền cho nhị tổ là Tôn giả A Nan, A Nan truyền cho tam tổ là Thương Na Hòa Tu, từ đời từ đời truyền xuống đến tổ Bồ Đề Đạt Ma thứ 28. 
Bồ Đề Đạt Ma truyền sang Trung Quốc làm sơ tổ, Đạt Ma truyền cho người Trung Quốc là Huệ Khả. Huệ Khả truyền cho Tăng Xán, Tăng xán truyền cho Đạo Tín, Đạo Tín truyền cho Hoằng Nhẫn, Hoằng Nhẫn truyền cho Huệ Năng (lục tổ).
Trước kia, mỗi Tổ có vài người kiến tánh, đến Lục Tổ có 43 người kiến tánh, Thiền tông được mở rộng ra, Lục Tổ là người không biết chữ, ngộ triệt để hơn những người biết chữ, thông suốt giáo lý. 
Trong Pháp Bảo Đàn có Ni sư Vô Tận Tạng đọc kinh Niết Bàn không hiểu, rồi hỏi Lục Tổ: chữ này là chữ gì vậy?
Lục Tổ nói: chữ thì không biết, nghĩa cứ hỏi.
Vô Tận Tạng nói: chữ còn không biết, làm sao biết nghĩa?
Lục Tổ nói: Diệu lý của chư Phật không dính dáng với văn tự.
Tổ sư thiền là phát hiện bản năng của mình sẵn có, tất cả năng lực thần thông, trí huệ bằng với chư Phật, không kém hơn Phật một chút nào.

Hỏi: 
Trong kinh nào phẩm nào, đức Phật nói về nhân nghi quả ngộ; trong các Tổ từ đức Phật Thích Ca cho đến Lục tổ Huệ Năng, có Tổ nào tham thoại đầu tham mà chứng ngộ không? Nếu có, các Tổ tham câu gì? Nghi gì?
 Ngài Ca Diếp mỉn cười khi thấy Phật đưa cành hoa lên, lúc ấy Ngài đã chứng ngộ. Trong kinh Phật không nói rõ cách tu hành của ngài Ca Diếp. Phật truyền tâm ấn cho ngài Ca Diếp, không thể vậy mà bảo Phật Thích Ca đích thân truyền pháp môn Tổ sư thiền?

Đáp:
Tâm là Phật tánh vô hình vô thanh, lấy gì để truyền! Chỉ là dùng tâm ngộ của thầy để ấn chứng tâm của trò đã ngộ, gọi là truyền tâm ấn. Ấn là ấn chứng, không phải có một cái tâm đưa cho người này người kia. Còn nói tôi tự khoe pháp môn Tổ sư thiền là của tôi, không phải vậy, pháp môn này là do Phật Thích Ca truyền.
Trước đời nhà Tống (Trung Quốc) không có tham công án hay tham thoại đầu, chư Tổ dùng cơ xảo, như niêm hoa thị chúng của Phật Thích Ca. 
Công án hạt châu ma ni tùy sắc (hạt châu trên đời rất quý, không có màu sắc; nhưng tùy người xem mặc đồ màu gì thì hiện màu nấy, nên gọi là hạt châu ma ni tùy sắc): 
Phật cầm hạt châu ma ni tùy sắc hỏi Ngũ Phương Thiên Vương: hạt châu này màu gì? 
Ngũ Phương Thiên vương mà mỗi vị đều nói khác, người nói trắng, người nói đỏ, người nói vàng… 
Phật đem hạt châu cất đi, rồi đưa hai tay không, hỏi: hạt châu này màu gì? 
Ngũ Phương Thiên Vương nói: trong tay Phật không có hạt châu sao lại hỏi màu gì!
Phật nói: sao các ngươi điên đảo quá vậy! Tôi đem hạt châu thế gian hỏi thì nói màu này màu kia, tôi thị hiện hạt châu chân thật mà các vị đều không biết. Điên đảo quá!
Ngũ Phương Thiên Vương đều ngộ hết.
Đó là cũng là pháp thiền trực tiếp của Phật Thích Ca, hồi nảy tôi nói là cơ xảo.

Hỏi:
Nghiệp chướng phiền não là trong mở mắt chiêm bao mà có, khi thức tỉnh (chứng ngộ) mở mắt chiêm bao không còn, nghiệp chướng phiền não cũng không thật có. Sao Hòa thượng nói sau khi chứng ngộ rồi cần phải tu để dứt trừ tập khí nghiệp chướng thì cái dụng mới hiện ra?

Đáp:
Tập khí là thói quen, chứ không phải có hiện tượng gì để cho mình thấy. Vừa rồi tôi nói “bất phá trùng quan bất bế quan”, bế quan là bảo nhậm dứt trừ tập khí; người kiến tánh tự nhiên tập khí dứt lần lần, như tham thoại đầu khởi lên nghi tình, nghi tình là cây chổi automatic tự quét sạch, quét không bao nhiêu thì được cái dụng bấy nhiêu. 
Tập khí dứt được bao nhiêu thì cái dụng hiện ra bấy nhiêu, dứt hết tập khí thế gian, rồi dứt hết luôn tập khí xuất thế gian. Nếu tập khí xuất thế gian còn vẫn còn biến dịch sanh tử. Đến Đẳng giác dứt hết tập khí xuất thế gian thì cái dụng mới bằng Phật.
Trong Lịch sử Thiền tông có những người kiến tánh, tập khí vẫn còn nguyên, chưa có thần thông; đến khi dứt bớt tập khí thì thần thông của Phật tánh được hiện ra. Trong kinh Lăng Nghiêm nói “lý dù đốn ngộ, nhưng sự phải tiệm tu”, chứ đâu phải ngộ rồi tập khí hết luôn! Như nhắm mắt chiêm bao, lúc trong chiêm bao khóc chảy nước mắt; khi tỉnh dậy nước mắt vẫn còn, phải lấy khăn lau mới hết nước mắt; đâu phải thức tỉnh rồi nước mắt hết!

Hỏi:
Huệ Năng nghe Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, tâm liền sáng tỏ. Vậy Huệ Năng tu pháp môn gì? Có nhân nghi quả ngộ không? Nếu có nghi gì? Nếu không thì không thể nói đức Phật Thích Ca đích thân truyền từ đời từ đời truyền xuống. Xin Hòa thượng giải nghi giùm cho chúng con?

Đáp:
Ngày xưa, chư Tổ không khai thị không dạy bảo cũng là pháp Tổ sư thiền, đâu phải cần nói ra! Cơ xảo của Tổ mà người thường không thể tưởng tượng được, đánh đập chửi mắng cũng là pháp thiền trực tiếp của Phật Thích Ca, không có cái nào là phương pháp nhất định. 
Cho nên, kinh Kim Cang nói “không có pháp nhất định để cho Như lai thuyết, nếu ai nói Phật có thuyết pháp thì phỉ báng Phật”. Chính người hỏi trong kinh Kim Cang, không hiểu kinh Kim Cang, không tin lời trong kinh.
Ưng vô sở trụ là bản thể Phật tánh. Ví dụ cái tay là bản thể Phật tánh hoạt bát vạn năng có dụng vô lượng vô biên, lấy cái máy, cái tách, cây viết… đều được. Nếu cái tay trụ nơi cây bút (hoạt bát vạn năng của Phật tánh bị mất) thì lấy cái gì cũng không được (tham thiền khởi lên nghi tình là cây chổi automatic quét ra, khôi phục hoạt bát vạn năng Phật tánh), nên cần phải buông ra thì lấy thứ gì cũng được. 
Nhưng cái bút này là pháp có, lại trong tay trụ nơi không (tự làm nắm tay) thì cái hoạt bát vạn năng bị mất, muốn lấy cái gì cũng không được. Vì vậy cái không phải quét, mới khôi phục lại hoạt bát vạn năng. 
Có hoạt bát vạn năng là vô trụ, cho nên “ưng vô sở trụ” là không có chỗ trụ, “nhi sanh kỳ tâm” là cái dụng được dùng ra. Bản thể Phật tánh là như thế, Lục Tổ nghe Ngũ Tổ giảng đến chỗ này liền phát hiện Phật tánh gọi là ngộ, vậy đâu có gì lạ! Lục Tổ chưa ngộ đã có nghi rồi, Ngũ Tổ làm cho Lục Tổ nghi thì mình làm sao biết? Có người kiếp trước đã có nghi, chứ không chỉ có kiếp này. 
Như con nít từ nhỏ cũng có thể có nghi, nó hỏi cha mẹ nó “tại sao lại có thân con? Tại sao con là con trai? Tại sao con là con gái?” Nhiều người kiếp trước đã có nghi, như tôi có nói “kiếp trước đi được 99 bước, kiếp này chỉ đi 1 bước là đến nơi”. Người biết Phật pháp cũng biết có ba đời nhân quả là có quá khứ, hiện tại, vị lai; đâu phải chỉ có kiếp này thôi!

Hỏi:
Để trợ niệm người sắp chết, giúp người mới chết, trợ duyên người đã chết lâu rồi; người tham Tổ sư thiền có nên niệm Phật A Di Đà và cầu tha lực hoặc trì chú để giúp cho người đó không? 

Đáp:
Tất cả pháp môn của Phật dạy là Chư Tổ đều muốn mình nhất môn thâm nhập, tức là chuyên tu một phương pháp. Chuyên tu một pháp còn khó thành tựu, huống là đồng thời tu nhiều môn. Như pháp thế gian, học đến đại học rồi chọn chuyên môn; như máy bay cũng phải chia bộ phận để cho mỗi người chọn bộ phận riêng của mình mà học. 
Tham Tổ sư thiền cũng vậy, chỉ chuyên đề câu thoại đầu phát khởi nghi tình đến khi kiến tánh. Muốn ảnh hưởng đến người chết cũng đề câu thoại đầu, tâm lực mạnh mới ảnh hưởng đến người chết. Trước quan tài, người tham thiền đi hương và tọa hương.
Ngài Lai Quả nói: Có một người bán đậu hủ đem 100 miếng đậu cúng dường thiền đường, trong thiền đường có mấy trăm Tỳ kheo tọa hương đi hương; người bán đậu cũng theo chúng đi hương và tọa hương. Đến lúc người bán đậu chết, Diêm La Vương nói: ông ăn thịt chó mấy chục lần, bây giờ phải đầu thai con chó.
Thư ký của Diêm La Vương nói: người này có dự tọa hương đi hương ở thiền đường.
Diêm La Vương nghe vậy cho ông bán đậu đầu thai con chó trắng hai ngày và cho ông sống lại được 30 năm nữa.

Hỏi:
Thiền thế nào trong lúc lái xe và đi bộ?

Đáp:
Mình mới tập tham thiền, lúc lái xe phải nghĩ tham. Đến mức độ tham thuần thục, lúc lái xe tự nổi lên nghi tình mình không biết, lúc đó tự nhiên không biết mình đang lái xe, không thấy xe cộ thì không bị đụng xe. Nếu mình còn biết, mà ráng làm thì có thể đụng xe. Việc này bác sĩ Thuận có làm qua.

Hỏi:
Nghiệp di chuyển bằng cách nào, xin Thầy chứng minh?

Đáp:
Kiếp trước mình làm cái nhân chết đói, tâm lực chỉ có 1 độ; kiếp này mình không có tu thì tâm lực cũng 1 độ, nên kiếp này phải chịu quả chết đói. Phật nói “nhứt thiết duy tâm tạo”, tâm lực mạnh thì quả đến trước, tâm lực yếu nên quả dời lại sau. Các vị tham thiền, tâm lực từ 1 độ lên đến 10 độ, tuy tâm lực 10 độ mới làm nhưng quả phải đến trước. Tâm lực 1 độ mặc dù kiếp trước đã làm, nhưng nhân yếu nên quả dời lại sau.
Nếu tham thiền đến 10 độ, mà không tham thiền nữa thì cái quả 10 độ đến hết rồi xuống quả 9 độ, cứ thế xuống 1 độ thì cái quả phải trả. Từ 10 độ tiếp tục tham thiền đến 1 triệu độ thành Phật thì nhân 1 độ không có cơ hội trả quả, nhưng nhân 1 độ này chưa thể tiêu. Thành Phật có duyên độ chúng sanh, nhưng người mình làm họ chết đói được ưu tiên độ trước ra khỏi sanh tử luân hồi thì nhân đó mới tiêu. Như thế đó là sửa lại nhân quả, không phải khi không mà sửa được.

Hỏi: 
Thiền sư nói rằng “có các vị kiến tánh như Trương Quốc Anh chụp banh rất giỏi và một người khác đổ mực vào ruột viết trong một ngày được 80 cái”. Trong sách sử kiến tánh, như ngài Hám Sơn lại mô tả khác rằng “thấy tâm mình lúc đó an lạc phi thường, thấy các sự vật yên chìm quang minh chan hòa và thấy thời gian trôi lẹ như khảy móng tay”. Vậy xin Thiền sư minh định cho việc này?

Đáp:
Tôi kể Trương Quốc Anh, bác sĩ Thuận, người thanh niên bôm mực đều là mới tập thiền, chứ không phải kiến tánh. Tôi nói nghi tình là cây chổi automatic hiển bày nghĩa không, bởi vì quét không bao nhiêu thì hiển bày cái dụng được bấy nhiêu. 
Ví dụ cái tách có cái không thì mới đựng nước được, cái không rộng chừng nào thì cái dụng nhiều chừng nấy. Phật pháp nói đến chữ không là hiển bày cái dụng, chính nghi tình này là quét cho nó không (trống rỗng).

Hỏi:
Nhiều vị Tổ thiền Tây Trúc như ngài Mã Minh, lúc sắp nhập diệt thường hay thị hiện thần thông bay cao lên hư không chừng 7 cây đa la, hiện thân chói sáng như mặt trời, nửa phun lửa, nửa phun nước, bay một hồi lâu rồi đáp xuống đất thị tịch. Tại sao Tổ thiền Đông Độ lại không thi tiển thần thông như vậy trong lúc thị tịch?

Đáp:
Tại sao không có! Hôm trước tôi đã kể 2 chuyện rồi. Tôi sẽ kể thêm một chuyện nữa: Thiền sư Đặng Ẩn Phong là đệ tử của Mã Tổ, lúc thấy lính phản loạn đánh với lính của vua; hai bên đánh nhau chết rất nhiều. Ngài đi ngang đó thấy vậy liệng cây gậy trên không biến thành một cái cầu ở chính giữa hai bên quân lính đánh nhau, Ngài đi trên cái cầu đó, hai bên lính đều thấy nên không còn đánh nhau nữa.
Thiền tông không cho hiện ra thần thông cho người ta biết, vì sợ người ta mê thần thông. Cho nên Ngài hiện ra thần thông rồi liền tịch (chết). Trước khi chết, Ngài hỏi người ta: Các vị có nghe người ta chết ngồi không?
Người ta nói: có.
Ngài hỏi: có người đang đi chết không?
Người ta nói: có.
Ngài hỏi: có người chết trồng chuối không?
Người ta nói: không.
Ngài liền chết theo kiểu trồng chuối (đầu chóng xuống đất, hai chân dựng lên trên trời), nhưng quần áo vẫn xuôi theo thân mình, không tuột xuống.

Hỏi: 
Thiền đốn ngộ và pháp môn kiến tánh là một pháp môn thượng thừa, người thời nay đời mạt pháp thường chỉ là hạ căn hoặc trung căn, liệu có thể theo pháp môn thượng thừa này được không?

Đáp:
Lục Tổ và ngài Nguyệt Khê nói “Pháp vốn không có 4 thừa, tại chúng sanh chấp trước nên Phật chia làm 4 thừa”. Ngài Bác Sơn là Tổ của tông Tào Động nói “hạ căn chuyển thành thượng căn, mạt pháp chuyển thành chánh pháp”. 
Thượng căn, hạ căn, mạt pháp, chánh pháp cũng là do chấp của chúng sanh mới có, chứ trong Phật tánh vốn không có những thứ đó. Phật tánh bất nhị, hai còn không có làm sao lại có 4 thừa!
Cho nên, nói mạt pháp chuyển thành chánh pháp thì tôi chưa chứng tỏ, nhưng hạ căn chuyển thành thượng căn, ở Việt Nam có các Phật tử, tôi có chứng tỏ. Tại sao? Như những người ngu si dốt nát tham thiền một thời gian phát ra trí huệ, tức là vốn từ hạ căn chuyển thành thượng căn; trước kia họ coi kinh không hiều, tham thiền một thời gian rồi coi kinh hiểu hết.
Năm 1980, tôi dẫn một số Phật tử tham thiền đến thăm Phật học viện, các Phật tử tham thiền nói chuyện Phật pháp với các học Tăng thì kiến giải cao hơn. Chứng tỏ hạ căn chuyển thành thượng căn, chứ không phải có nhất định. Như thợ đá và ông khờ ngốc không biết thiền là cái gì đều những người hạ căn, nhưng chuyển thành thượng căn mau kiến tánh. 
Tổ sư thiền không phải cao, cũng không phải thấp. Con nít 6, 7 tuổi, bà già 8, 9 chục tuổi cũng tham thiền được; người thông suốt giáo lý hay người khờ ngốc ngu si dốt nát đều tham thiền được. Nếu cho Tổ sư thiền cao thì con nít 6, 7 tuổi và người dốt nát ngu si làm sao tham thiền được? Vì tự tánh là bất nhị, không có cao thấp.

Hỏi:
Trong kinh Lăng Nghiêm có nói đến 4 tội địa ngục, trong đó cuồng vọng thuyết pháp là 1 trong 4 tội ấy. Xin Thầy cho biết thế nào là cuồng vọng thuyết pháp?

Đáp:
Thuyết pháp không đúng với ý Phật, cho ý mình là ý Phật gọi là cuồng vọng thuyết pháp. Tất cả kinh Đại thừa liễu nghĩa của Phật đều dùng phá chấp của chúng sanh, chứ không phải là chân lý tuyệt đối, cũng không phải là pháp nhất định. Chúng sanh chấp có là thật có nên Phật phải nói không, dùng cái không để phá chấp có. Nếu chúng sanh chấp không là thật không thì Phật dùng cái có để phá chấp không. 
Khi Phật nói có, ý của Phật không phải ở nơi có, không phải cái có là chân lý; lúc Phật nói không, ý của Phật không phải là không, không phải cái không là chân lý. Chỉ là tạm thời để phá chấp đương cơ đó thôi, nếu người không hiểu nghe Phật nói có, cho có là chân lý; nghe Phật nói không, cho không là chân lý. Đó là cuồng vọng thuyết pháp.

Lời khai thị III:

Kinh Đại thừa liễu nghĩa cho đến kinh bất liễu nghĩa, đều là giải phẩu Tâm linh. Bây giờ, người ta học Phật chỉ biết danh từ Tâm linh, nhưng Tâm linh như thế nào lại không biết cái thực thể? Tâm linh cùng khắp không gian thời gian. Tại sao không biết Tâm linh? Vì dùng ngũ giác quan nên không cảm nhận được.
Dùng ngũ giác quan cảm nhận được thì nhà khoa học mới thừa nhận, sau đó có tồn tại khách quan; nếu không có qua tai mắt, họ không nhìn nhận. Nay phát minh những máy móc tối tân là chỉ giúp cho tai mắt thấy rõ hơn, thấy xa hơn, nghe rõ hơn và nghe xa hơn. Còn Tâm linh của mỗi người sẵn có trí huệ, thần thông, năng lực đầy đủ; nhưng họ không phát hiện được và cũng không tin.
Tôi tham khảo từ ngữ lục của chư Tổ, kinh Đại thừa liễu nghĩa và các tác phẩm nhà khí công đặc dị công Trung Quốc, cùng những triết học đông phương, triết học tây phương, rồi soạn ra cuốn sách này. Tôi tặng cuốn này cho một người ở Los, họ đọc một hơi thấy hay, rồi hỏi tôi “muốn copy cho một người bạn?” Tôi nói “được”, vì muốn phổ biến chứ không giữ bản quyền. Bác sĩ Cữu coi rồi cũng thấy hay, rồi nói “ngày xưa đến nay không biết”.
Quyển này chia làm hai bộ phận: 
a- Vật lý sinh mạng công trình học. 
b- Triết lý mạng công trình học.
Vật lý là hiển tánh, triết lý là ẩn tánh. Ẩn tánh nghĩa là không thể dùng ngũ giác quan (tai, mắt...) để cảm nhận, nhưng có tồn tại sự khách quan của nó. Phật nói “mình ứng dụng hàng ngày mà chẳng tự biết”, như nhà khoa học không biết và không tin. 
Mình soi gương thấy mặt của mình, nhưng hình chỉ là bề mặt. Nhà khoa học giải phẩu sinh mạng, tuy nói giải phẩu sinh mạng, kỳ thật chỉ là giải phẩu thể xác. Thể xác là xe chở sinh mạng, chứ không phải chủ sinh mạng; chủ sinh mạng là Tâm linh, thể xác sau này hư hoại, đem thiêu thành tro, chôn thành đất.
Chủ sinh mạng không thể dùng ngũ giác quan để cảm nhận, nhà khoa học căn cứ hiện tượng vật chất để lập ra hệ thống khoa học, cho tất cả năng lượng là từ vật chất sinh ra. Nhưng theo Phật pháp thì ở sau lưng còn có Tâm linh điều khiển nó, tức “tất cả đều do tâm tạo” là năng lượng ở nơi tâm, chứ không phải ở nơi vật.
Ngày xưa cũng có người ta chứng tỏ, nhưng ít; ngày nay có mở nhiều lớp khí công theo sự luyện tập cũng hiển bày sức của tâm, mà không thể dùng khoa học để giải thích được. Như ánh sáng chiếu trên không gian thì chứng tỏ tồn tại của không gian (không gian là trống rỗng, như mình để đồ… tất cả đều phải nhờ không gian). Nhưng ánh sáng chiếu trên thời gian, không có thể chứng tỏ sự tồn tại của thời gian. Tại sao? Vì ngũ giác quan không thể phát hiện nó.
Nhà khoa học cũng biết năng lượng là bất diệt, từ xưa đến nay chỉ là chuyển hóa và vật chất cũng vậy, nên cũng đúng với Phật pháp. Phật pháp nói là “tất cả đều vô thỉ vô sanh”, vô thỉ nghĩa là không có sự bắt đầu, cũng là nghĩa vô sanh; không sanh thì không diệt, được gắn tên là Niết bàn. 
Tất cả danh từ Phật pháp đều hiển bày cái dụng của Tâm linh, như: Tại sao là Phật tánh? Phật tánh là danh từ, vì có tánh giác ngộ, nên gọi là Phật tánh. Nghĩa chữ Phật là giác ngộ. Tại sao gọi là Như lai? Tại Tâm linh khắp không gian, không có khứ lai nên gọi là Như lai, đúng như bản lai.
Các nhà triết học đông phương, tây phương đang dùng, nhưng họ không nhìn nhận vì tai mắt không thể tiếp xúc được. Các nhà khoa học dùng máy móc tối tân cũng không truy cứu ra được những người khí công có công năng đặc dị. Nhà khoa học biết được các việc là vật chất hiển tánh. 
Như âm thanh nói vô máy điện thoại, âm thanh đó truyền đến điện thoại kia, dầu xa, ở đây với Việt Nam, khi nói xong có tiếng liền, tức nó qua làn sóng điện làn sóng âm thanh thì cái máy của nhà khoa học qua lại hành lang không gian, ở trong máy vi tính, họ thấy rõ ràng, như máy bay đến chỗ nào đều thấy rõ khi nào gặp tai nạn thì họ đều biết.
Nhà khoa học dùng máy để thử nhà khí công Trương Bảo Thắng, nhưng máy phát ra chỉ có làn sóng hoài. Trương Bảo Thắng dùng sức của tâm dời cái máy từ nhà bên này sang bên kia, khoảng từ bên này qua bên kia thì làn sóng điện bị mất; tức là nhà khoa học dùng máy móc tối tân không phát hiện ra được.
Nhà khoa học muốn truyền đạt việc gì, dùng máy truyền tin tức khắp toàn cầu và cũng phát hiện được, nhưng về tâm linh thì máy đó không thể phát hiện.
Vật chất nhỏ chừng nào thì tốc độ nhanh chừng nấy. Nguyên tử, điện tử và quang tử thì quang tử nhỏ nhất tức là ánh sáng, thuộc vật lý hiển tánh ở trong phạm vi ba chiều (dài, rộng, cao). Nói về vật lý ẩn tánh thì tốc độ ánh sáng là thấp nhất. 
Sức của tâm là thêm chiều thời gian (gồm không gian ba chiều), gọi là bốn chiều. Nhưng nhà khoa học bị nhốt trong không gian ba chiều, không có phát triển bốn chiều, nhìn nhận thời gian, mà không thể phát hiện thời gian, cho nên nói đến thời gian rất ít.
Tâm linh thì không có thời gian, như tốc độ máy bay bằng ánh sáng, theo nhà thiên văn tính khoảng cách, vì xa quá nên không dùng số dặm để tính, mà tính bằng quang niên (ánh sáng đi một năm). Ví như máy bay ở trên địa cầu bay qua hành tinh khác có thể mấy trăm quang niên mới tới, còn dùng tâm niệm thì chỉ một niệm đến. 
Tâm niệm không có chiếm không gian (vật chất ẩn tánh không có chiếm không gian). Vật chất hiển tánh có chiếm không gian, mà không có số lượng thời gian. Vì vậy, tốc độ ánh sáng là thấp nhất. Nhưng chuyện này, mà bộ óc không thể tưởng tượng được, nên nhà khoa học không tin nổi.
Bây giờ, nhà khoa học thí nghiệm các nhà khí công Trung Quốc có chứng tỏ được. Mỗi người đều có năng lực của Tâm linh, nên các nhà khí công hợp lại thì tâm lực càng mạnh thêm, vì vậy trị bệnh rất hay.
Ở Việt Nam, tại chùa Từ Ân có 6 lần đả Thiền thất, mỗi lần mấy trăm người, tôi cũng dùng hương công để thử cho những người dự Thiền thất đều tập mỗi ngày 2 lần sáng chiều, cùng một lượt đông người thì có sức mạnh hơn ở nhà tập riêng một mình. 
Cho nên, có người bị bứu cổ cũng được hết, có người bị bệnh đi bác sĩ lâu không hết, mà tập hương công lại hết, họ nói “hết bệnh, lý do như thế nào không biết”. Theo tôi tự tập thì không thấy gì, nhưng thấy trong người được khỏe hơn.
Tham Tổ sư thiền thì không cần khí công, vì công phu của mọi người, lòng tin tự tâm không đầy đủ, thành ra dụng công cũng yếu, nên kết hợp tập hương công giúp cho công phu được mạnh thêm, vì thế tôi mới dạy môn hương công.
“Không” là trống rỗng là bản thể của Tâm linh, có dụng vô lượng vô biên, không bị không gian thời gian hạn chế. Tất cả vũ trụ vạn vật, mặt trời, mặt trăng, cây cối… bất cứ cái gì đều phải nhờ cái “không” này mới hiển bày được dụng. Nếu không có cái “không” sẵn sàng thì không thể hiển bày được dụng. 
Như cái tách bị lấp bít hết thì không có cái “không” là tách chết, nên không thể dùng được; vì có cái “không” mới được đựng sữa, nước, cà phê… Cái dĩa không có cái “không” thì không đựng trái cây hay đồ vật khác. Cái bình không có cái “không” thì cũng không cấm hoa vô được. Cái nhà không có cái “không” thì chúng ta làm sao ngồi đây? Tất cả dùng đều phải nhờ cái không, không có cái nào để hiển bày mà không dùng đến cái không! 
Cho nên, Trung Quán luận nói “vì có nghĩa không, nên các pháp được thành tựu”. Như ông đang hỏi tôi, nếu không có cái không thì không thể hỏi được, tôi cũng không thể giải đáp cho ông. Tất cả đều nhờ cái không, nhưng mình ứng dụng hàng ngày mà chẳng tự biết.
Tất cả dùng đều phải nhờ cái “không”, mà không dính líu đến cái “không”. Tại sao? Như tách, dĩa bể, nhà hư sụp, nhưng đối với cái “không” chẳng có ảnh hưởng, vẫn y như cũ. Bom nguyên tử làm quả đất tan nát, nhưng cái “không” vẫn y như cũ, không có tổn giảm chút nào. 
Cái không sẵn sàng khắp không gian thời gian, nhưng thông minh của con người đem cái không sẵn sàng, hạn chế thành cái không của tách, bình, nhà; rồi giải thích nghĩa không của tách khác hơn nghĩa không của bình, khác hơn nghĩa không của nhà, muôn ngàn nghĩa không khác biệt, giải thích rất có lý. Nhưng cái không bổn lai sẵn sàng chẳng có nghĩa lý gì, mà lại tất cả đều nhờ nó.
Nếu không có cái không sẵn sàng thì cái nhà không dựng lên được và cũng không có cái tách. Cái không sẵn sàng là gì? Là Tâm linh của mọi người. Chỗ này người ta không tin, tôi giải phẩu Tâm linh, dùng những cái được phát hiện để chứng tỏ cho người ta sanh lòng tin.
Tâm của mình có tánh giác ngộ gọi là Phật tánh, khắp không gian gọi là Như lai, khắp thời gian gọi là Niết bàn, trống rỗng gọi là Tánh không. Cho nên, Tánh không, Như lai, Niết bàn đều là biệt danh của Tâm linh. Nhiều người học Phật mà không biết, chỉ biết những danh từ và nhất là đối với Tánh không càng không biết. 
Mình ứng dụng hàng ngày, không có một phút giây nào rời khỏi Tánh không, vì Tâm linh của mình là Tánh không; Phật tánh, Niết bàn, Như lai đều chính là mình, nhưng người ta không tin, cho đến Phật tử, Pháp sư cũng không tin. 

Hỏi:
Hương công có phải là Thái cực quyền không?

Đáp:
Hương công là một môn của Khí công, hiện nay Khí công của Trung Quốc có mấy trăm môn phái, nhiều lắm, có cái thật có cái giả; nhưng cũng là hiện ra cái dụng của Tâm linh thôi. 
Thái cực quyển là chú trọng cái tâm, đi quyền rất chậm, không dùng sức tức là buông (thư giản); động tác đi tới đâu thì Tâm linh theo tới đó, làm động tác gì đều phải dùng cái tâm. Khi tập luyện mức cao chỉ cần đẩy nhẹ là người ta ngã, không những ngã mà có thể làm cho bị thương.
Sức mạnh nhất là tâm, tất cả mọi vật chất vận động, nguồn gốc là tâm, nhưng nhà khoa học không tin. Mỗi vật chất đều có từ trường. Như trái chuối có bao nhiêu nguyên tử, điện tử đang xoay xung quanh hột nguyên tử; cái bàn hay vật chất nào đều cũng vậy. Nhà khoa học cho là nhiều nguyên tử tổ chức thành vật chất, hiện đang vận động; mình thấy nó yên tịnh, không có vận động. 
Nhưng sự thật có hai thứ động: 
Một thứ là quả đất xoay xung quanh mặt trời, hiện giờ mình ngồi đây thấy yên tịnh, như ngồi trên chiếc phi thuyền đang bay với vận tốc 180.000 km/giờ, mà mình không biết. Chiếc xe hơi chạy vận tốc 80 mile, thấy đã nhanh quá rồi. 
Một thứ nữa là điện tử xoay xung quanh cái nhân của nguyên tử, tốc độ lại nhanh nhiều hơn từ 1/3 (100.000 cây số/giây) đến ½ (150.000 cây số/giây) tốc độ ánh sáng. Tốc độ ánh sáng là 1 giây = 300.000 cây số.
Vậy sức năng lượng từ đâu lại? Như chiếc xe chạy được phải có xăng đốt ra năng lượng. Cái nguyên tử, điện tử đang xoay ngày đêm, không có bắt đầu và cuối cùng, ai mang kính hiển vi đều thấy rõ. Vậy năng lượng từ đâu mà ra? Nhà khoa học cho là mỗi vật chất có từ trường do vật chất sanh ra, Phật nói từ cái tâm sanh ra. 
Kinh Hoa Nghiêm nói “nhất thiết duy tâm tạo”, chỉ là nói tổng quát. Pháp Bảo Đàn nói rõ hơn “chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động là tâm của ông động; tại tâm của ông động nên gió mới động, tâm của ông động nên phướn mới động”. Mình thấy gió động, phướn động là do tâm động, các vị đọc Pháp Bảo Đàn mà không biết!

Hỏi: 
Trong cuốn sách này, Thầy có viết đến bộ lạc Nam Mỹ. Vậy như thế nào?

Đáp:
Bộ lạc này thực hành theo giới luật của Phật 99%, hội nghị của họ là 100%, giống như yết ma của Phật; khi 7 tuổi rời cha mẹ (làm Sa di), 21 tuổi theo các Trưởng lão học tập (làm Tỳ kheo), họ chỉ khác với Tăng đoàn là có lập gia đình, nhưng gia đình của họ khác hơn gia đình ở đời thường, gia đình của họ giống như không có gia đình, chỉ là một đoàn viên của một đoàn thể.

Hỏi:
Bộ lạc này sống chỉ 100 năm, so với Thần tiên có thể sống trên 1.000 năm. Vậy việc ấy như thế nào?

Đáp:
Họ sống khoảng 100 năm, vì mục đích họ không phải để sống lâu! Tại cuộc sống của họ tự nhiên sống lâu như vậy. Những người kiến tánh cũng tùy theo nhân quả nhân duyên. 
Như tổ Bá Trượng sống 120 năm, ngài Hư Vân sống 120 năm; nhưng tổ Bạch Vân sống 48 năm, là một tổ danh tiếng của phái Lâm Tế. Vì không theo tư tưởng người thường, sự thật sanh tử vốn không có. Như Bát nhã Tâm kinh nói “vô lão tử, diệc vô lão tử tận”.

Hỏi: 
Có phải tu Tiên đạt đến trường sanh bất lão không?

Đáp:
Tu tiên có tưởng chấp thật, nên họ không được giải thoát mà chỉ được sống lâu. Còn dân tộc Cogy không có luyện tâm, sống một cách tự nhiên, không có pháp luật, không có ai quản lý ai, họ sống theo hội nghị, giống như pháp yết ma của nhà Phật.

Hỏi:
Thế nào tìm chân lý Phật giáo là chỗ không Phật giáo?

Đáp:
Kỳ thật, Phật giáo vốn không phải tôn giáo, Phật giáo là giải phẩu Tâm linh; tất cả chúng sanh đều có Tâm linh, chứ không phải chỉ loài người mới có. Mà mọi chúng sanh đều bằng nhau, như con dơi có ra đa, nhà khoa học nghiên cứu con dơi rồi bắt chước chế tạo máy ra đa. 
Mình cũng có ra đa vậy, nhưng theo nghiệp mình không hiện ra đa mà hiện cấu tạo tinh vi bộ óc. Nhà khoa học học theo bộ óc làm ra máy vi tính, phần nhiều cấu tạo sự ghi nhớ để dùng; nhiều bộ phận khác họ còn chưa biết, mặc dù máy tính có nhiều chức năng; những cái nào phát minh thì làm được, cái nào chưa phát minh nên làm không được.
Tham Tổ sư thiền là cuối cùng phát hiện ra hết, làm ra ra hết, tất cả năng lực đều đầy đủ, không thiếu sót. Cho nên, tất cả bao xa thành lập tin tức trong một niệm, mới nói tốc độ ánh sáng thấp nhất.
 
 
 

ML
01
02
03
04
05
06
07
08
09
Xem Thêm: 
Duy Lực Ngữ Lục Quyển Thượng
Duy Lực Ngữ Lục Quyển Hạ
Khai Thị Thiền Thất Tại Chùa Tam Bảo, HT. Duy Lực
Giảng Kinh Lăng Nghiêm, HT. Thích Duy Lực
c

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Chuyến đi bất ngờ Kỳ cuối Ngày Doanh nhân theo Phật giáo s trẻ 燒指 Cây hoa gạo ngôi tháp cổ và Thầy tôi nhân Tỉ ÄÆ van vat huu linh vay an chay co ich gi roi thieu khủng le chương ii thích ca thế Quảng Trị Giỗ Tổ khai sơn chùa Sắc 惡曜意思 doi Khánh Ngua Khám của 白骨观 危险性 î ï 佛教中华文化 妙蓮老和尚 Hà Nội Lễ tưởng niệm 18 năm Đệ 放下凡夫心 故事 Thực phẩm chay Dai giòn do phụ gia Lại thấy nôn nao hình bóng quê nhà 人生是 旅程 風景 Thực phẩm chay Dai nguyen tac cua hoa binh la ung xu bat bao dong Cẩn Lý do gây mất ngủ khi trưởng thành 五痛五燒意思 Lý do gây mất ngủ khi trưởng thành 13 triết lí nhân sinh nhất định phải vào con mat thu hai chuong ngai tren con duong tu làm sao để sống với 2 chữ tuỳ duyên Món chay Cuốn diếp thÕ lრà Š地风升 般若蜜 çŠ