Ăn Chay và  Sức Khỏe

Trần Anh Kiệt
Sydney, 1999

--- o0o---

Bài V

NGƯỜI ĂN CHAY SẼ CÓ LÀN DA TRẺ ĐẸP

Khi ăn chay đầy đủ và đúng cách, con người sẽ có làn tóc óng mướt và da dẻ mịn màng. Tiến trình lão hóa cũng sẽ chậm lại và các loại bịnh tật ở lớp tuổi về chiều như bịnh thấp khớp, bịnh đục nhân mắt, da nhăn và tóc bạc cũng giảm thiểu rất nhiều so với mức độ bịnh tật đã xảy ra cho những người già nua và ăn mặn.

Thực ra da của con người được cấu tạo bởi hàng triệu triệu các tế bào nhỏ li ti cũng giống như các bộ phận khác trong cơ thể. Tuy nhiên các tế bào này không thể chỉ được coi như các viên gạch để tạo thành các bức tường trong một ngôi nhà đồ sộ, mà chúng luôn luôn bận rộn với nhiều chức năng khác nhau như hàn gắn các vết thương và những trầy sướt lặt vặt, cũng như sẵn sàng đối phó với sự tấn công của môi trường chung quanh, ánh nắng mặt trời, các chất hóa học, rượu và thuốc lá vân vân.

Các tế bào da tuy rất mỏng manh nhưng chúng có sức sinh sản rất nhanh chóng bằng cách tự trực phân và tăng trưởng theo cấp số nhân như một thành hai và hai thành bốn vân vân. Tuy nhiên sự phát triển đó đến một mức độ giới hạn nào cũng phải dừng lại. Trung bình một tế bào có thể tự trực phân như vậy tối đa là 50 lần. Nhưng khoảng cách thời gian giữa hai lần trực phân mau hay chậm còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà phần lớn tùy vào sự ăn uống và sức khỏe. Nếu chúng ta không tự săn sóc da của mình mà để cho nó luôn luôn chạm trán với những tác hại từ môi trường sinh sống và từ sự ăn uống bừa bãi thì tế bào da phải tăng trưởng nhanh chóng để thay thế các tế bào bị hủy hoại. Cho nên thời gian cạn kiệt các tế bào mới sẽ nhanh hơn nên tiến trình già nua cũng sẽ đến sớm hơn.

Mặc dầu người ta có thể cho là da đen hay xấu, nhăn nheo hay mịn màng là bản chất tự nhiên của cơ thể, không làm sao sửa đổi được, nên mới dùng mỹ phẩm để trang điểm. Tuy nhiên sự trang điểm chỉ có tính cách che giấu tạm thời. Điều cần yếu là làm sao biến đổi bản chất của da được đẹp đẽ một cách tự nhiên mới là quan trọng.

Da cũng được cấu trúc bởi nhiều tuyến mồ hôi. Chúng có tác dụng làm thay cũ đổi mới cho da. Trong mồ hôi có chứa 1.5 phần trăm các tế bào hư hoại phần lớn là muối u-rê và acid. Những chất cặn bã đó mắt trần không thể thấy được. Nếu chúng tích tụ lâu ở trong da sẽ làm cho da bị nhăn nheo và đen sậm lại. Những người ăn thịt nhiều sẽ làm tăng chất u-rê trong máu. Nó sẽ theo mồ hôi lần ra ngoài da. Nhưng vì nó không thoát ra được, càng làm cho da không đủ sức bài tiết nên có nguy cơ gây cho da bị viêm, sanh ra mụn nhọt làm mất vẻ thẩm mỹ.

Để ngăn ngừa và làm giảm bớt các chất acid tổn hại cho da, chúng ta phải thanh lọc máu bằng phương pháp ăn chay, vì máu sẽ được kiềm hóa nhờ chất kiềm trong rau cải làm trung hòa acid. Lúc đó độ acid sẽ giảm thiểu, không làm hại sự bài tiết của da, nên da trông có vẻ mịn màng và trẻ đẹp một cách tự nhiên. Chất calcium cũng có tác dụng loại trừ các chất bẩn trong huyết dịch. Sau khi máu huyết đã được thanh lọc, các mao huyết quản toàn thân sẽ hoạt động một cách điều hòa. Lúc đó da sẽ được tươi nhuận hồng hào, duy trì được sức khỏe và trẻ đẹp lâu dài.

[^]


Bài VI

NHỮNG NGƯỜI SỐNG KHỎE VÀ SỐNG LÂU
TRÊN THẾ GIỚI

Hiện nay trên thế giới vẫn còn một số dân tộc sống một cách đơn sơ như người thượng cổ. Đó là các sắc dân Hunzas sống tại khu vực chân núi Hy Mã Lạp Sơn trong lãnh thổ Pakistan, dân Georgians và Abkhazians thuộc Nga và dân Vilicambamban của xứ Ecuador. Các dân tộc này thường rất khỏe mạnh và tỷ số những người sống trên trăm tuổi rất nhiều. Họ không bao giờ biết đến bệnh thấp khớp, bệnh tim hay bệnh ung thư là gì cả.

Dân chúng trong các xứ này ăn toàn rau quả và ngũ cốc. Số calories trong các thức ăn mà họ hấp thụ vào cơ thể từ các bữa ăn thường nhật chỉ vừa đủ ở mức độ trung bình và không hề thừa thãi. Họ là những người năng hoạt động về thể lực, hít thở không khí trong lành tại những vùng đồi núi hoang sơ. Đặc biệt họ lại là những người thích sống cô lập với thế giới văn minh bên ngoài. Họ cũng không hề sử dụng máy móc và các tiện nghi khoa học kể cả các loại thuốc men được bào chế bằng phương pháp tối tân hiện đại.

Các khảo sát cũng còn cho biết, dân chúng sống trên các hải đảo Thái Bình Dương cũng là những sắc dân khỏe mạnh và trường thọ. Tuy nhiên tại những nơi nào mà người Tây phương đã đặt chân đến thì không bao lâu nơi đó sẽ xảy ra các bệnh truyền nhim và những bệnh tật chưa từng thấy tại nơi đó bao giờ. Số người bi bệnh phì mập, bệnh cao máu, bệnh cao mỡ, bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường càng lúc càng gia tăng. Ngược lại những bộ lạc vẫn còn sống cách ly với thế giới bên ngoài và theo tập quán cổ truyền thì những bệnh tật này thường hiếm thấy xảy ra.

Tại Nhật Bản, người phụ nữ ít khi mắc bệnh ung thư nhũ hoa. Nhưng khi họ di dân sang Hoa Kỳ thì tỷ số phụ nữ Nhật mắc bệnh tật này vẫn ngang hàng với tỷ số phụ nữ Hoa Kỳ sở tại. Theo các khảo sát của chánh phủ Úc Châu, cứ mỗi giây đồng hồ thì có một số người mắc phải các chứng bệnh trầm trọng như sau: 1 trong 5 người bị bệnh thấp khớp; 1 trong 7 người bị bệnh suyn; 1 trong 10 người bị bệnh tim mạch và sau lớp tuổi 50 thì cứ trong số 5 người lại có 1 người bị bệnh tiểu đường.

Mặc dầu tuổi thọ trung bình của dân chúng Úc có gia tăng từ thập niên 1990, nhưng thực tế tử suất được giảm thiểu là nhờ khoa học tân tiến bảo toàn được mẹ tròn con vuông mỗi khi người phụ nữ lâm bồn sinh sản. Tuổi thọ trung bình của người đàn bà Úc tăng từ 10 năm và người đàn ông Úc tăng từ 5 năm. Tuy nhiên so với chiều dài của thế kỷ thì đây là một con số không có gì đáng kể.

Tóm lại, cái giá mà chúng ta phải trả bởi sự gia tăng các bệnh nan y trên thế giới là vì chúng ta thường ăn uống theo thói quen và sự thích thú của khẩu vị. Giả sử con người chỉ hưởng thụ một cách vừa phải các tiện nghi vật chất và không đua đòi theo các khẩu vị cầu kỳ được chế biến từ các thịt động vật thì biết đâu cuộc sống của chúng ta sẽ được nhàn hạ, không bon chen và sẽ an nhiên tự tại hơn.

[^]


Bài VII

ĂN CHAY VÀ THỂ LỰC

Người Lực Sĩ Ăn Chay Trường Nổi Danh Nước Úc

Ông Cliff Young, người lực sĩ chạy đường trường và nổi danh nước Úc năm nay đã 77 tuổi. Hiện ông vẫn còn tráng kiện và vẫn còn nuôi ý định thực hiện cuộc chạy bộ vòng quanh nước Úc với một lộ trình dài 15 ngàn cây số.

Cliff Young nổi tiếng về môn chạy đường trường và có một thể lực dẻo dai hơn các bạn lực sĩ chạy bộ khác. Năm 1993, ông đã vang danh về môn chạy bộ này từ Westfield, Sydney đến Melbourne. Tính đến năm 60 tuổi, ông đã đoạt được 6 giải thưởng về môn chạy đường trường trên thế giới.

Cliff Young là chủ nhân một nông trại trồng khoai tây, có một cuộc sống êm đềm và bình dị tại vùng Beach Forest ở Victoria. Ông là một người ăn chay trường từ thuở thanh niên. Được hỏi vì sao ông ăn chay và bằng cách nào mà có một sức khỏe dồi dào như vậy ? Ông bảo: "Bữa ăn sáng là bữa ăn chính của tôi. Tôi dùng toàn những thực phẩm chay tiện lợi chứa nhiều chất xơ như cốm giẹp bắp (corn flakes), lúa kiều mạch, lúa mì lứt, chế sữa vào rồi cho thêm một ít mật mía cùng sữa chua trên mặt. Cứ thế mà ăn và chạy bộ hàng ngày vẫn không thấy mệt. Bữa trưa tôi ăn bánh mì lứt với phó mát và trái cây. Buổi chiều tôi thường dùng spaghetti với nhiều loại rau cải, phó mát, trái cây tươi và sô cô la.

Tôi bắt đầu ăn chay trường là vì khi còn ở nông trại, tôi chăn nuôi bò. Tôi thường cho chúng ăn hàng ngày khi chúng mới vừa lọt lòng. Những con bò con này thường chạy theo tôi, quấn quít bên tôi và xem tôi như là mẹ của chúng. Đến năm sau, đàn bò con đã lớn. Tôi lùa chúng lên xe để đem bán cho lò sát sinh. Những đêm sau đó tôi không thể nào chợp mắt được vì cứ mãi suy nghĩ tới những con vật vô tội và đáng thương kia do chính bàn tay mình chăm sóc giờ đây đang bị người ta phanh thây xẻ thịt mà cảm thấy hãi hùng và rùng rợn. Sự tội nghiệp đã dày vò lương tâm tôi. Tôi xúc động và từ đó chán ngán không muốn ăn thịt nữa vì tôi không muốn liên tưởng đến cảnh sát sinh hãi hùng bởi những tên đồ tể. Tôi đã ăn chay trường từ hơn 25 năm nay?Một hôm chị tôi nấu thức ăn cho tôi đã lén bỏ vào một ít thịt bò rồi cho thêm hành tỏi để gia vị, khử mùi và nghĩ rằng tôi sẽ không hay biết. Nhưng sau khi ăn rồi, tôi buồn nôn và khó chịu suốt cả đêm, không sao ngủ được. Không phải ai xúi giục tôi mà chính lương tâm tôi bảo tôi phải kiêng ăn thịt vậy.

Sự ăn chay đã làm cho tôi được khỏe mạnh. Tôi nhớ khi còn bé, tôi thường cho một con ngựa gầy ăn cỏ. Cha tôi bảo nên cho nó ăn lúa kiều mạch (oats) hoặc gạo mì lứt tốt hơn. Sau đó vài tuần l, con ngựa đã trở lại bình thường, khỏe mạnh hơn xưa và tôi đã cỡi nó rong chơi trên những đoạn đường rất xa trong đồng cỏ.

Tôi cảm thấy ăn chay rất tốt cho sự dinh dưỡng. Hiện nay chưa chắc một thanh niên 30 tuổi bình thường lại có sức khỏe hơn tôi. Tôi thấy có nhiều người bị bệnh bại liệt phải ngồi trên xe lăn. Tôi nghĩ nếu như lúc thiếu thời họ biết ăn chay và năng hoạt động, thì giờ này đâu có gánh chịu một số phận đau thương như vậy".

Sau một thời gian ly dị, theo tin mới nhất của tạp chí Woman’s Day số xuất bản ngày 8/11/1999, Cliff Young sẽ thành hôn với cô Dominga 38 tuổi. Hiện mỗi ngày ông vẫn chạy bộ 25km đường trường để tự rèn luyện thân thể.

Một Cụ Già Ăn Chay Trường Đã Đoạt Huy Chương Vàng Về Môn Chạy Bộ

Cuộc thi chạy bộ đường trường dành cho các cụ già trong lớp tuổi bát tuần ở Úc năm 1998 đã về tay cụ Bob Horman. Cụ đoạt huy chương vàng với thành tích 3 giờ 38 phút 18 giây, phá kỷ lục hơn năm trước là 29 phút.

Cuộc thi vừa rồi được tổ chức tại Brisbane. Cụ Horman đã 80 tuổi và là người ăn chay trường duy nhất đạt được thành tích kỷ lục. Phát biểu với lực sĩ huy chương bạc của thế vận hội là Lisa Ondieki, cụ bảo: "Thấy không, tôi là một người ăn chay trường đấy ! Kể cả một giọt rượu tôi cũng không uống".

Theo tin tức của hãng thông tấn Reuter loan tải gần đây cho biết số lượng các thức ăn chay nhất là Hamburger chay tiêu thụ gia tăng một cách mạnh mẽ tại Hoa Kỳ. Từ năm 1992 đến 1996, mức tiêu thụ đã tăng đến 50% . Trong khi đó cũng cùng thời gian này mức tiêu thụ của thịt đông chỉ gia tăng có 2 phần trăm mà thôi. Đặc biệt hiện nay nhà hàng Denny đã cho sản xuất một loại hamburger chay rất ngon và rất được nhiều người ưa chuộng, nên đã phân phối bán cho hơn 1600 chi nhánh khác. Một số trạm dừng chân của các xe vận tải và xe buýt cũng có bán các thức ăn chay này.

Hiện nay dân chúng Hoa Kỳ phần đông đã chán ngán với việc ăn thịt vì họ hiểu rằng thịt là nguyên nhân gây ra chứng phì mập, chứng cao mỡ trong máu và cũng là mầm móng gây ra nhiều loại bệnh tật khác. Đa số sinh viên tại Hoa Kỳ cũng thay đổi thói quen ăn uống bằng cách từ bỏ ăn thịt chuyển sang ăn chay vì họ e ngại thịt để lâu sẽ có nhiều độc tố và không tốt cho sức khỏe của con người. Chính cô Chelsea, ái nữ của Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton cũng là một người ăn chay trường.

Người Lực Sĩ Leo Núi Ăn Chay Trường

Tim Macartney-Snape, người lực sĩ leo núi nổi tiếng đã hai lần chinh phục đỉnh Everest của Hy-Mã-Lạp-Sơn cao nhấ trên thế giới. Ông là một người ăn chay trường và rất khỏe mạnh. Có lần ông đã khởi hành từ vịnh Bengal (Ấn Độ) để tìm đường leo núi và đã đi lạc vào biên giới của xứ Nepal, nên phải quay trở về điểm xuất phát với một đoạn đưòng dài 350 cây số. Hằng ngày ông phải lội bộ trung bình 60 cây số dưới cái nắng oi bức 35 độ C của khí hậu mùa hè nơi xứ Ấn.

Ngày 13 tháng 4 năm 1997, ông đã được Hội Ăn Chay và Sức Khỏe Tự Nhiên Úc Châu mời đến thuyết trình trong buổi hội thảo. Và sau đó cũng được một vài viện Đại Học mời đến din thuyết về khoa Dinh Dưỡng. Được phỏng vấn nguyên nhân nào khiến ông ăn chay và tại sao ông có một sức khỏe dẻo dai như vậy ?

Ông đáp: "Tôi là một người rất thích hoạt động. Lúc còn nhỏ, tôi sống chung với cha mẹ trong một nông trại chăn nuôi. Vào lứa tuổi học trò, tôi đã biết tự cầm dao để giết súc vật, xẻ thịt cung cấp cho nhu cầu của gia đình. Lúc đó tôi sát sanh một cách tự nhiên và thích thú mà không hề suy nghĩ gì cả. Nhưng đến khi đã trưởng thành, mỗi lần tôi cầm dao kề bên cổ con vật, tôi để ý thấy mắt của nó tỏ vẻ vô cùng buồn thảm, sợ hãi, dường như ngỏ ý cầu xin một sự khoan hồng và tha mạng. Tôi cảm nhận thấy con vật cũng có cảm giác đau đớn, kinh hoàng và tham sống sợ chết như con người. Tôi xúc động và hối hận về việc làm tàn nhẫn của mình rồi tự ý buông đi con dao đồ tể. Kể từ đó tôi bắt đầu ăn chay trường cũng như không muốn nhìn thấy hay nghe đến cảnh sát sanh hại vật nữa.

Ban đầu tôi không biết ăn chay có làm cho sức khỏe của mình bị suy yếu đi không. Nhưng lâu dần, tôi cảm thấy yêu đời, khoan khoái và khỏe mạnh hơn xưa. Khi đặt chân đến xứ Ấn Độ để chuẩn bị cho cuộc leo núi lần đầu tiên, tôi đã thuê mướn một vài người địa phương để khuân vác các dụng cụ cần thiết trong suốt cuộc hành trình. Tôi thấy họ là những người ăn chay trường nhưng lại rất cao lớn, khỏe mạnh, lực lưỡng và tay chân rất là gân guốc. Với kinh nghiệm bản thân cọng thêm sự nhận xét thực tin trong cuộc sống nơi xứ người, tôi khẳng định ăn chay không những làm cho con người được khỏe mạnh mà còn ít khi mắc phải một số các chứng bệnh hiểm nghèo hiện đang lan tràn trên thế giới.

Tôi không phải là một người đạo đức giả. Thật tình mà nói, giả sử từ lúc nhỏ tôi không sinh trưởng trong một gia đình nông trại chăn nuôi, có lẽ tôi chẳng hề biết cầm dao để sát hại súc vật là gì. Vả lại khi còn học ở bậc Đại Học, tôi rất thích khoa Nhân chủng. Tôi hiểu loài người từ thuở sơ khai chỉ biết đi thu nhặt các loại rau quả mà ăn. Dần dần họ mới có thói quen ăn thịt cho đến bây giờ. Từ đó suy ra tổ tiên của chúng ta vốn không phải là loài động vật ăn thịt mà họ vẫn khỏe mạnh bình thường. Tại sao chúng ta lại e dè không muốn trở về bản tính nguồn cội của mình.

Dù sao chăng nữa, tôi cảm thấy ăn chay đã làm cho tôi được khỏe mạnh và thu đạt được những thành tích đáng kể trong lãnh vực thể thao và mạo hiểm, cũng như tâm hồn tôi được an nhiên tự tại vì không dính dấp vào chuyện sát sinh. Đó là điều tôi mong muốn nhất trong cõi đời này".

[^]


Bài VIII

NGƯỜI ĂN CHAY CÓ KHẢ NĂNG
SỐNG TRƯỜNG THỌ

Cụ Eric Storm, sáng lập viên Hội Ăn Chay của người Úc đã tổ chức mừng l sinh nhật 102 tuổi vào ngày 4 tháng 3 năm 1998 vừa qua. Cụ vui vẻ xuất hiện trước bạn bè, thân nhân, quan khách và đã trả lời cuộc phỏng vấn của báo chí như sau:

"Tôi cảm thấy sức khỏe của tôi không khác gì khi còn ở tuổi 70. Tôi không có đau lưng, nhức mỏi hay bị bệnh thấp khớp như những người già cả khác. Mỗi sáng khi thức dậy, tôi cảm thấy sảng khoái bình thường".

Cụ Eric Storm trông có vẻ hồng hào tráng kiện. Gương mặt của cụ không thấy xuất hiện các nếp nhăn. Nếu không nói ra thì chắc không ai biết được cụ đã trên 100 tuổi rồi. Tuy nhiên trong quá khứ, có thời kỳ sức khỏe của cụ cũng không được khả quan lắm. Khi cụ trên hai mươi tuổi thì Thế giới Đại chiến lần thứ nhất vừa chấm dứt. Cụ Storm hành nghề thương mại ở Java bằng cách đứng trung gian buôn bán các nhu yếu phẩm như trà, cà phê, gạo, đường và cao su vân vân. Bởi vì thời đó những mặt hàng này đang khan hiếm trên thị trường thế giới và giá cả tăng vọt như diều gặp gió. Cho nên cụ đã làm giàu một cách nhanh chóng. Vì thừa tiền lắm của, cụ sống một cuộc đời phóng túng xa hoa và rượu chè be bét.

Cụ bảo: "Khi tôi trở về Úc vào năm 1930, con người tôi vô cùng bệ rạc. Bởi vì tôi hút thuốc và uống rượu quá nhiều. Bụng của tôi thì phệ và sức nặng của tôi lên đến 110 kí lô. Điều đáng ngại hơn cả là lúc đó tôi mang phải chứng bệnh tim trầm trọng.

"Vào năm 34 tuổi, một buổi sáng, tôi cúi xuống để buộc sợi dây giày thì bị ngất xỉu bất thình lình. Sau đó bác sĩ điều trị bảo nếu tôi không chấm dứt hút thuốc và uống rượu bừa bãl thì tôi sẽ không còn sống được bao lâu nữa. Từ đó tôi cương quyết nghe theo lời khuyến cáo của bác sĩ, bỏ hút thuốc, bỏ uống rượu và ăn uống một cách có điều độ và phương pháp. Đến giờ phút này, tôi vẫn còn minh mẫn và vẫn còn có khả năng ngồi đây hầu chuyện cùng quý vị. Tôi không tin hoàn toàn vào sự di truyền của huyết thống. Vì cha tôi đã mãn phần rất sớm vào năm 48 tuổi. Còn mẹ tôi thì qua đời vào tuổi 59".

Là một sáng lập viên Hội Ăn Chay của người Úc, cụ Storm ăn chay một cách nghiêm chỉnh, đầy đủ và đúng cách. Cụ thường dùng các loại rau cải và trái cây thiên nhiên còn tươi tốt, ít khi được nấu chín. Mục dích để bảo toàn trọn vẹn phẩm chất dinh dưỡng của các thức ăn khỏi bị thất thoát. Cụ ăn mỗi ngày chỉ hai bữa. Buổi sáng cụ dùng các thứ trái cây tươi như đu đủ, trái bôm và trái lê xắt thành lát mỏng. Tùy theo mùa tiết, cụ dùng thêm các loại hạt như hạt gai, hạt bông quì đã xay nát. Còn hạt mè và hat bí rợ thì được ngâm vào nước cốt trai bôm cho mềm. Để thay đổi, thỉnh thoảng cụ ăn cháo nấu bằng hạt kê, trộn vào một ít nho, bằng cách cho vào sữa đậu nành và đun sôi trong vài phút.

Buổi chiều cụ ăn nhiều loại rau cải tươi khác nhau và các loại giá. Cụ cũng ăn đậu hủ, khoai tây luộc, bánh mì lứt và phó mát. Đặc biệt trong bữa ăn nào cụ cũng dùng thêm vài tép tỏi. Cụ bảo tỏi là một thứ trụ sinh thiên nhiên có khả năng phòng chống được nhiều loại bệnh tật.

Cụ Eric Storm đã ăn chay trường từ hơn 60 năm nay. Cụ thường uống nước lọc, sữa đậu nành và nước cốt trái cây do chính tay cụ vắt lấy. Cụ cho biết cũng có dùng mật ong và trà dược thảo bồ công anh (Dandelion) nữa.

Cụ nhấn mạnh cụ không có khuyên bảo mọi người ăn chay theo quy thức của cụ mà chỉ kể ra những gì cụ đã ăn hàng ngày mà thôi. Tùy theo sở thích riêng, mỗi người có thể tự đề ra cho mình cách thức ăn uống cá biệt min sao đúng cách, đầy đủ và giữ sao cho rau quả vẫn còn được tính bổ dưỡng thiên nhiên.

Cụ cũng tập thể dục nhẹ hàng ngày. Vào mỗi buổi sáng, cụ có thói quen dắt chó đi rong trên bãi cỏ và dưới ánh nắng của mặt trời ấm áp. Mục đích làm cho máu huyết lưu thông điều hòa và làm gia tăng đặc tính min nhim của cơ thể.

Vào năm 100 tuổi, cụ bị bệnh phổi. Nhưng bây giờ xét nghiệm đã thấy hoàn toàn khỏi hẳn. Cụ bảo nếu sống theo thuận lý thiên nhiên thì cơ thể của mình cũng có đặc tính bẩm sinh tự nhiên đề kháng lại với các loại bệnh tật.

Trong ngày l kỷ niệm sinh nhật Nữ Hoàng 14 tháng 6 năm 1999 vừa qua, cụ Eric Storm đã được tuyên dương về những đóng góp thiết thực cho các công tác từ thiện và nhân đạo. Trong nhiều năm qua, từ một số vốn 800 ngàn Úc kim mà cụ đã tích lũy được qua sự kinh doanh vất vả và buôn bán cổ phần, nay đã lên đến 20 triệu. Cụ đã cống hiến tất cả lợi nhuận trên số vốn này cho các cơ quan từ thiện, trong số đó có hội Sức Khỏe Tự Nhiên của Úc Đại Lợi cũng được chia phần thụ hưởng. Cách nay 57 năm, cụ là người hỗ trợ mạnh mẽ trong việc sáng lập ra hội Thanh Niên và Sức Khỏe và đã đóng góp rất nhiều tài chánh và công sức để phát triển hội này càng ngày càng thêm rộng rãi.

[^]

 

 

Bài IX

NHỜ ĂN CHAY VÀ NGỒI THIỀN, MỘT BỆNH NHÂN
UNG THƯ ĐÃ THOÁT CHẾT VÀ BÌNH PHỤC

Bác sĩ Thú y Ian Gawler bị bệnh ung thư xương vào năm 1975. Lúc đó ông vừa đúng 25 tuổi. Ông được đưa vào bệnh viện và kết quả bị cưa mất hết bên chân phải. Một năm sau, bệnh tái phát trầm trọng. Bác sĩ điều trị bảo ông chỉ còn sống sót được trong một thời gian từ 3 tới 6 tháng mà thôi. Trước tình trạng tuyệt vọng đó, ông Gawler không chịu ngồi bó tay và buồn rầu chờ chết mà cương quyết chống chọi với t?thần hầu tìm cho mình một con đường sống. Ông nghiên cứu các phép ăn chay và ngồi thiền của một số giáo phái Đông Phương rồi cương quyết đem ra áp dụng để tự chữa.

Được sự hỗ trợ tinh thần của vợ là Grace Gawler, ông Ian Gawler ăn chay một cách nghiêm chỉnh và đúng cách, đồng thời cũng ngồi thiền một cách thành tâm và chăm chỉ. Kết quả bệnh tình của ông càng ngày càng thuyên giảm rõ rệt và cuối cùng đã hoàn toàn bình phục. Năm 1978, lần xét nghiệm y khoa cuối cùng đã chứng minh ông không còn mang mầm móng gì của bệnh ung thư nữa cả.

Ba năm sau kể từ ngày khỏi bệnh, ông bà Gawler chu du khắp nước Úc, đem những kiến thức và kinh nghiệm của mình để thuyết giảng và khuyến khích những bệnh nhân đồng cảnh ngộ hãy hun đúc lòng tự tin và áp dụng phương pháp tự chữa bằng cách ăn chay và ngồi thiền. Cũng dựa vào những kinh nghiệm của chính bản thân đó, ông Gawler đã cho xuất bản hai quyển sách liên quan tới dưỡng sinh và sức khỏe. Quyển thứ nhất có nhan đề là You can conquer Cancer (Bạn có thể Khống chế Bệnh Ung thư) và quyển thứ hai là Peace of Mind (Tâm Bình An). Được hỏi vì sao ông nghĩ ăn chay và ngồi thiền là phương pháp tốt để trị bệnh, ông bảo: "Ăn chay để cho cơ thể của chúng ta có cơ hội thanh lọc và đào thãi ra ngoài tất cả những độc tố đã tích lũy lâu ngày và gây bệnh cho chúng ta. Thịt vốn có những độc tố và những mầm bệnh không khác gì cơ thể của con người. Do đó chúng ta không nên hấp thụ thêm những gì có thể gây phương hại cho cơ thể. Vả lại ăn chay cũng phải dùng những loại rau quả tươi tốt để bảo toàn phẩm chất thiên nhiên. Nấu nướng cầu kỳ biến các thức ăn chay trở thành thơm ngon cho hạp với khẩu vị cũng làm mất đi rất nhiều các chất bổ dưỡng cần thiết. Tốt hơn hết chúng ta nên dùng các thức ăn chay giản dị, thuần khiết, chưa qua giai đoạn chế biến khoa học và đầy đủ phẩm chất bổ dưỡng theo nhu cầu của cơ thể".

- Quan niệm về vấn đề ngồi thiền, ông Gawler bảo: "Sự thiền định không những là một phương pháp tốt khiến cho tinh thần được an ổn mà còn gia tăng sức khỏe, củng cố đặc tính min nhim của cơ thể và làm cho cơ thể có khả năng bẩm sinh đề kháng lại một số bệnh tật. Việc ngồi thiền đòi hỏi chúng ta phải có lòng tự tin, thành tâm và ý chí cương quyết. Sự ích lợi của việc ngồi thiền giúp chúng ta có cơ hội trở về với trạng thái tĩnh lặng của tinh thần lẫn vật chất. Do đó cơ thể của chúng ta sẽ trở lại vị trí ban đầu còn thanh khiết của lúc sơ sinh:

- Quân bình thể chất là làm cho chúng ta có một sức khỏe tự nhiên nhờ ở trạng thái thư dãn của các cơ quan và ngũ tạng.

- Quân bình tinh thần khiến chúng ta có cách suy nghĩ rõ ràng và chín chắn, có khả năng tự chủ và tự quyết định mọi vấn đề một cách nhanh chóng và dứt khoát.

Quân bình tâm linh là sự hòa hợp của các bản thể nội tại. Trong lúc ngồi thiền, chúng ta sẽ trực giác được chính mình là ai và từ đó sẽ thấy tâm hồn của mình rất là đơn thuần. Đồng thời lòng vị tha và bác ái càng thêm phát triển. Ngoài ra thể nghiệm trực tiếp trong nội tâm cũng giúp chúng ta củng cố được lòng tin nội tại, sẵn sàng đối đầu với tất cả mọi thử thách kể cả khi cận kề với cái chết mà mình không thể tránh được.

Năm 1992, ông bà Gawler đã cho thành lập trung tâm điều dưỡng tại Yarra Valley ở về phía Đông và cách thủ phủ Melbourne 70 cây số. Trung tâm này có khả năng cung cấp nơi tạm trú cho một số khách thập phương đến tham khảo và thực tập phương thức dưỡng sinh để trị bệnh. Trung tâm cũng có khu riêng biệt cho các bệnh nhân thực tập ngồi thiền. Đặc biệt bà Grace Gawler phụ trách săn sóc và hướng dẫn các bệnh nhân phụ nữ mắc bệnh nan y tự chữa trị mà phần lớn là những phụ nữ bị bệnh ung thư nhũ hoa.

Trung tâm cũng mở các khóa hướng dẫn cách thức nấu ăn chay bổ dưỡng và thanh khiết. Hàng năm trung tâm cũng có tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế về phương pháp chữa bệnh nan y bằng cách ăn chay và ngồi thiền. Đặc biệt trong hai cuộc hội thảo hồi tháng 3 và tháng 9 năm 1997, bàn thảo về đề tài Phương pháp tự chữa bệnh ung thư hiện đang lan tràn trên thế giới.

Ông Gawler bảo thỉnh thoảng cơ quan y tế của chính phủ cũng có theo dõi kết quả của các bệnh nhân đã chữa bệnh ung thư bằng phương pháp ăn chay và ngồi thiền do chính vợ chồng ông chủ trương và điều khiển. Ông bảo chữa bệnh bằng phương pháp này thường không gây ra các phản ứng phụ. Tuy nhiên việc chữa bệnh nan y bằng phương pháp dưỡng sinh không được phổ biến lắm vì chỉ căn cứ trên kinh nghiệm rồi đem ra áp dụng và chờ kết quả, chớ không dựa trên cơ sở khoa học là phân tích, thí nghiệm, chứng minh rồi mới đem ra áp dụng sau. Vì lẽ đó phần đông các chuyên gia y tế đã thờ ơ trước những kết quả tốt đẹp mà phương pháp này đã mang lại khá nhiều ích lợi cho bênh nhân.

Tóm lại thảo luận về vấn đề ăn chay và ngồi thiền theo quan niệm tôn giáo sẽ gây ra nhiều tranh cãi. Tuy nhiên phương pháp tự chữa bệnh nan y bằng cách ăn chay và ngồi thiền đã đạt được nhiều kết quả khả quan và đã lôi kéo được sự chú ý của khá đông quần chúng Úc. Ngoài trung tâm chữa bệnh nan y bằng phương pháp dưỡng sinh do ông bà Gawler sáng lập ra ở Victoria, tại tiểu bang New South Wales, cũng có một trung tâm điều dưỡng tương tợ do các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng của Hội Sức Khỏe Tự Nhiên (Natural Health Association) thiết lập. Đó là trung tâm Hopewood tọa lạc tại khu vực Blue Mountain.

Theo đề nghị của một số độc giả, trong kỳ tái bản lần này, chúng tôi xin đăng địa chỉ của hai trung tâm điều dưỡng bằng phương pháp tự nhiên đó như sau:

- The Gawler Foundation, P.O.BOX 77G, Yarra Junction, Vic 3797, điện thoại (059) 671730. Riêng về những vấn đề liên quan đến bịnh ung thư nhũ hoa, xin gọi bà Grace Gawler, điện thoại số (059) 681977.

- Hopewood Health Centre, 103 Greendale Road, Wallacia, NSW 2745. Điện thoại (047) 738401.

[^]

 

Bài X

CƠ QUAN Y TẾ ANH QUỐC KHUYẾN CÁO :
ĂN THỊT NHIỀU SẼ BỊ BỆNH UNG THƯ

Sau 3 năm sưu tầm và nghiên cứu, toán chuyên gia khoa học đặc trách tìm hiểu về sự dinh dưỡng và bệnh tật do Bộ Y Tế Anh Quốc thành lập đã chánh thức tuyên bố và báo động với công chúng rằng ăn thịt động vật là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư nhiều nhất trên thế giới. Toán chuyên gia này bảo hàng ngày mỗi người ăn trung bình từ 140g thịt trở lên đã có rất nhiều nguy cơ mắc bệnh ung thư các loại. Những người ăn ít thịt từ 90g hoặc ít hơn mỗi ngày thì sẽ ít có nguy cơ mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo này hơn.

Mặc dầu bị nhiều áp lực bởi các nghiệp đoàn sản xuất thịt, nhưng sau nhiều cuộc bàn thảo, nhà cầm quyền Anh Quốc, vì sự an nguy đối với sức khỏe của dân chúng, đành phải loan báo kết quả cuộc nghiên cứu này một cách công khai.

Tuy nhiên tại Úc Châu, theo thống kê cho biết trong năm 1993-1994, trung bình mỗi người dân, hàng ngày tiêu thụ từ 218g thịt trở lên, vượt hơn mức báo động nguy hiểm đến 80g mỗi ngày cho mỗi đầu người. Trong khi chánh phủ Úc còn chậm chạp chưa loan báo rùm beng việc này ra cho công chúng biết, thì một số chuyên gia nghiên cứu, vì lương tâm chức nghiệp, đã có lời cảnh cáo.

Bà Kerin O’Dea, giáo sư về khoa Dinh Dưỡng tại trường Đại học Deakin bảo bà rất tán thành kết quả nghiên cứu của Bộ Y Tế Anh Quốc. Trong khi đó, giáo sư Bruce Amstrong thuộc hội đồng nghiên cứu bệnh ung thư của trường Đại học New South Wales khuyến cáo rằng chỉ có cách duy nhất để ngăn ngừa sự nguy hiểm của bệnh ung thư là phải ăn nhiều rau cải và trái cây trong khẩu phần hàng ngày. Ông còn bảo nước Úc hiện nay là một quốc gia có tỷ số dân chúng mắc bệnh ung thư trực tràng đứng vào hàng thứ nhì trên thế giới. Tuy nhiên theo tin cập nhật của nhà chức trách Y Tế (Health Authority) Úc Đại Lợi do công ty Dược Phẩm Norgine phổ biến, cứ 22 người dân Úc thì hiện nay đã có một người mắc phải bịnh ung thư đường ruột trước tuổi 75 và trung bình hàng năm có đến 4600 người dân Úc đã chết vì chứng bịnh nan y này. Đây là tỷ lệ cao nhất trên thế giới.

Một báo cáo khác của Cơ quan Nghiên Cứu bệnh Ung thư trên thế giới và Học viện Nghiên Cứu Bệnh Ung Thư Quốc gia Hoa Kỳ đã dựa vào 4500 kết quả sưu tầm và nghiên cứu của các khoa học gia và chuyên gia y dược đã loan báo rằng sự ăn uống không đúng cách là nguyên nhân gây ra 1/3 tỷ số của những bệnh nhân đã chết vì bệnh ung thư. Sự kiện nghiêm trọng này có thể ngăn ngừa được bằng cách phải thay đổi thói quen ăn uống của dân chúng và có thể giảm thiểu được từ 3 đến 4 triệu người có nguy cơ mắc bệnh ung thư trên thế giới.

Các khoa học gia bảo mỗi người trong chúng ta cần phải tự chọn lựa cho mình phương cách ăn uống thích hợp gồm có thành phần các loại rau, đậu, trái cây và các loại ngũ cốc. Họ còn chủ trương kêu gọi chánh quyền khắp nơi trên thế giới hãy chánh thức loan báo cho công chúng biết để có ý thức phòng ngừa hầu bảo vệ sức khỏe an toàn cho họ. Hiện nay sự gia tăng tỷ số dân chúng mắc bệnh ung thư khắp nơi trên thế giới là một lo ngại lớn nhất cho tất cả mọi quốc gia. Theo thống kê của cơ quan Y Tế Quốc Tế, hàng năm có thêm 10 triệu trường hợp những bệnh nhân ung thư mới được phát giác. Con số này sẽ gia tăng thêm mỗi năm và tính đến năm 2020 sẽ có tới 14 triệu rưởi người mắc phải chứng bệnh nan y này.

Tiến sĩ Phillip James, giám đốc học viện Sưu Tầm và Nghiên Cứu Rowett ở Aberdeen Tô Cách Lan bảo phần đông người ta cho rằng vấn đề phương pháp ăn uống để phòng ngừa bệnh ung thư là chuyện cá nhân của mỗi người. Tuy nhiên đó không phải là một việc đơn giản như vậy. Chánh quyền và cơ quan y tế của các quốc gia khắp nơi trên thế giới phải đóng góp một cách tích cực bởi vì tính chất của sự cải thiện phương pháp ăn uống sẽ bị ảnh hưởng các chính sách về nông nghiệp thuế khóa, kỹ nghệ thực phẩm và liên hệ đến nhiều vấn đề trọng đại khác. Bà Marion Nestle, chủ tịch phân khoa Nghiên Cứu về Thực Phẩm và Dinh Dưỡng của trường Đại học New York bảo rằng phần lớn chánh quyền các quốc gia không muốn bảo dân chúng của họ ăn ít thịt lại. Bà tiếp: "Mỗi khi chánh phủ Hoa Kỳ muốn đề nghị dân chúng ăn ít thịt lại hoặc từ bỏ việc ăn thịt thì các chính trị gia phản đối ầm ĩ. Rốt cuộc rồi nhà nước đành phải rút lại lời tuyên bố đó mà thôi. Mặc dầu từ cuộc nghiên cứu này đến hết cuộc nghiên cứu khác, các khoa học gia đều khuyến cáo dân chúng nên ăn ít thịt lại".

Tuy nhiên một khi đã biết được ăn thịt có liên quan mật thiết tới nguy cơ mắc bệnh ung thư mà người ta vẫn cứ lao đầu vào sự nguy hiểm thì đó là quyền tự do chọn lựa của mỗi người. Rất tiếc là thói quen ăn uống "bất cần đời" đó đã gây ra rất nhiều phiền toái và gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội.

[^]

 

Bài XI

ĂN CHAY ĐẦY ĐỦ VÀ ĐÚNG CÁCH

Bây giờ, chúng ta đã biết ăn chay là phương pháp dưỡng sinh tự nhiên nhằm để giữ gìn sức khỏe và phòng ngừa được một số bệnh tật. Tuy nhiên làm thế nào để chọn lựa các thức ăn cho có đầy đủ chất dinh dưỡng phù hợp với thể trạng của con người mới là một điều quan trọng. Theo sách Go Vegeterian của chuyên gia dinh dưỡng Chris Lehmann và Amanda Benham thì các thức ăn chay được chia ra làm bốn nhóm căn bản như sau :

1. Nhóm rau củ : Nhóm rau củ cung cấp cho chúng ta rất nhiều dưỡng chất cần thiết như sinh tố C, Beta-carotene, Riboflavin (Sinh tố B2), chất sắt, chất calcium, chất xơ (fibre) và nhiều loại chất bổ dưỡng khác. Các chất dinh dưỡng này thường tìm thấy trong các loại rau cải có lá màu xanh đậm như cải bông xanh (broccoli), cải bẹ dầy (spinach)...Đặc biệt những lọai rau củ có sắc vàng sậm và vàng cam như củ cà rốt, trái squach, khoai lang, và bí rợ cung cấp cho chúng ta một số lượng dồi dào về chất beta-carotene.

2. Nhóm cốc loại: Nhóm này gồm có bánh mì, gạo, bắp, hạt kê (millet), lúa mạch (barley) và lúa kiều mạch (oats). Thường thì cốc loại không nên chà trắng để còn giữ được trọn vẹn chất bổ dưỡng thiên nhiên. Đối với gạo thì đã có gạo lứt và bánh mì thì có bánh mì lứt tức whole meal bread bày bán đầy đủ trên thị trường. Cốc loại chứa nhiều chất xơ giúp điều hòa sự tiêu hóa, tránh táo bón và ngừa được chứng ung thư ruột già, ruột cùng và bao tử.

3. Nhóm trái cây : Nhóm này phần lớn chứa nhiều sinh tố C, beta-carotene, chất xơ...Mỗi ngày ít nhất chúng ta phải ăn một lần trái cây. Đặc biệt cam, chanh, quít và bưởi chứa nhiều sinh tố C, một loại sinh tố giúp cơ thể chống lại nhiều lọai bệnh tật như bệnh cảm cúm. Sinh tố C cũng còn được các nhà khoa học Pháp gọi là sinh tố của sức mạnh hay sinh tố của sự cố gắng (vitamines de l’effort).

4. Nhóm đậu : Nhóm này gồm các loại đậu có màu xanh mà chúng ta thường dùng như đậu Hòa Lan, đậu đũa, đậu que.... Đậu nành cũng thuộc nhóm này và thường được chế biến dưới dạng đậu hủ, tương, chao và sữa vân vân. Ngày nay sữa đậu nành được bày bán trong các siêu thị có nhiều loại rất tốt và bổ dưỡng vì nó đã được pha chế thêm sinh tố và các chất dinh dưỡng khác theo đúng nhu cầu của cơ thể.

Ngoài bốn nhóm thức ăn chay được phân loại một cách đại khái như trên, chúng ta cũng còn nhiều loại thức ăn khác nhưng cũng không ngoài các nhóm được phân loại vừa kể. Hàng ngày chúng ta nên ăn uống cách nào cho đầy đủ các loại rau quả phối hợp gồm cả 4 nhóm thì cơ thể sẽ không bị thiếu hụt chất dinh dưỡng nào.

Ngoài ra chúng ta cũng còn cần phải dùng thêm các loại hạt như hạt hạnh nhân, hạt rẻ (chestnut), hạt walnuts... Các loại hạt này thường chứa rất nhiều chất dinh dưỡng và nhất là chất béo. Tuy nhiên nếu lạm dụng các loại hạt này cũng có thể gây ra chứng thừa chất béo trong cơ thể hay gọi là bệnh cao mỡ.

Dầu ăn thảo mộc rất tốt nếu so sánh với mỡ động vật. Nhưng nếu chúng ta dùng dầu thảo mộc để chiên thức ăn xong rồi tiết kiệm để dành lại chiên thêm lần nữa thì dầu ăn này không còn thuần khiết. Nó lại trở thành một loại dầu khó tiêu trong cơ thể như mỡ động vật vậy. Tốt hơn hết chúng ta nên dùng dầu chiên qua thức ăn một lần rồi bỏ. Dầu thảo mộc tốt nhất theo thứ tự là dầu mè, dầu ô-liu, dầu bông quỳ, dầu đậu nành và các loại đầu thảo mộc thông thường khác.

Người ăn chay trường nên ăn các loại thực phẩm thiên nhiên còn tươi tốt. Những loại rau quả để lâu hay đóng hộp hoặc được chế biến bằng các phương pháp hóa học để có mùi vị thơm ngon hạp với khẩu vị, có thể coi là thực phẩm chay chớ không phải là thức ăn dinh dưỡng.

[^]

 

 

Bài XII

TÂM SỰ CỦA MỘT NỮ MINH TINH ĐIỆN ẢNH
ĂN CHAY TRƯỜNG

Cô Alicia Silverstone, nữ minh tinh xinh đẹp và duyên dáng của thủ đô điện ảnh Hollywood. Cô có vóc hình thon gầy trong vai Batgirl (cô gái người dơi) trong phim Batman, rất được nhiều khán giả hăm mộ. Tuy nhi? sau khi đóng xong cuốn phim đó rồi, cô chẳng may lên cân vùn vụt và bị thiên hạ chế giu đặt cho cái biệt danh là Fatgirl (cô gái mập). Hiện nay nữ tài tử Silverstone chẳng những đã lấy lại được thân hình xinh đẹp mà còn khỏe mạnh hơn xưa. Sau đây là tâm sự của cô đã kể trong tuần san New Idea số ra ngày 11 tháng 3 năm 2000 về bí quyết mà cô đã hồi phục lại sắc đẹp như sau.

Khi tôi bị người ta gọi là Fatgirl, phải nói tôi không lấy đó làm điều hổ thẹn mà còn được hãnh diện coi như là một động lực giúp tôi phấn đấu, rèn luyện bản thân để cương quyết lấy lại cho mình một sự quân bình.

Theo tôi, nhan sắc, địa vị, áo quần xinh đẹp và xe cộ đắt tiền chẳng phải là những thứ quan trọng. Vấn đề là mình có tốt với chính bản thân mình, với mọi người và những liên hệ ràng buộc chung quanh không.

Bạn trai của tôi, Chris Jarecki, là một người ăn chay trường. Chúng tôi đã quen nhau từ mấy năm nay rồi. Tôi nghĩ con đường duy nhất để tìm hiểu người khác là tự mình phải xét coi mình có tốt hay không, tâm hồn mình có cởi mở hay không rồi mới xem người ta phản ứng lại như thế nào.

Hiện giờ tôi cảm thấy thoải mái, khỏe mạnh, vui tươi và yêu đời hơn bao giờ hết. Lý do là vì hai năm trước đây tôi đã quyết định trở thành một người trường chay thuần túy (vegan). Chuyện này hồi đó đối với tôi thật là khó khăn nhưng bây giờ đã là sự thật. Ban đầu hai động lực mạnh nhất thúc đẩy tôi trở thành một người ăn chay trường là luân lý và đạo đức. Sau đó tôi mới biết thêm sự ăn chay sẽ tạo cho mình có được một kho tàng sức khỏe.

Từ nay về sau, tôi sẽ không còn lo lắng về chuyện lên cân nữa. Thú thật tôi không biết mình đã mất được bao nhiêu kí lô vì không bao giờ tôi dám đếm số kí của tôi. Điều tôi muốn nói ở đây là tôi không còn bận tâm về chuyện sức khỏe, vì các thức ăn của tôi hiện giờ đều là những thực phẩm lành mạnh.

Một chuyện đáng nói khác là ngay từ lúc tôi bắt đầu ăn chay, thì thường đêm đều có một giấc ngủ êm đềm và không mộng mị bởi vì những thức ăn chay được tiêu hóa một cách d dàng hơn. Năng lực của tôi cũng được phát triển. Tóc của tôi cũng biến thành óng mướt. Da dẻ mịn màng và tôi có cảm giác nhẹ nhàng hơn trong khi đi đứng.

Tôi bắt đầu ăn chay trường từ năm 21 tuổi. Nghĩa là tôi đã từ bỏ thịt, cá, đồ biển, sữa và các sản phẩm của sữa. Điều đó đối với tôi khó khăn vô cùng nhưng tôi cứ cương quyết. Sở dĩ tôi lãnh hội được ý nghĩ để trường chay là vì tôi đã đọc được các tài liệu nói về sự tàn bạo bất công mà loài người chúng ta đã đối xử với các loài cầm thú trong các trại chăn nuôi nên tôi cương quyết bỏ tất cả thịt động vật ra khỏi thực đơn của mình.

Gần đây hầu hết các quán ăn nhỏ, các nhà hàng lớn đều có những món ăn đặc biệt cho người ăn chay trường. Nó được chế biến có hương vị giống như các thức ăn mặn, nhưng thành phần nguyên liệu đều là rau cải, đậu nành hay mì căn.

Vì thấy tôi càng ngày càng khỏe và đẹp hơn nên hầu hết bạn bè của tôi giờ đây cũng đã chuyển hướng ăn chay. Cha và mẹ của tôi cũng đang cố gắng để trở thành những người trường chay hoàn hảo. Tôi hết sức vui mừng vì gần đây cha tôi điện thoại bảo ông đã hoàn toàn từ bỏ các loại thịt thú vật. Chỉ còn đồ biển như tôm, cua, cá, tép thì ông tập từ bỏ dần dần để không còn vương vấn. Tôi quá sung sướng vì đây là một biến đổi lớn lao trong cuộc đời của cha tôi, một người đã ăn thịt gần suốt cả cuộc đời mình.

Sự ăn chay trường đã đưa tôi tới một cương vị tốt. Thánh Ghandi và khoa học gia Albert Einstein lúc sinh tiền đều là những vị ăn chay trường nổi tiếng trên thế giới. Linda McCartney, vợ quá cố của nhạc sĩ Paul McCartney của ban nhạc lừng danh The Beatles, hồi còn sống cũng là một người trường chay. Nhưng rất tiếc tôi chưa hề diện kiến được bà. Cũng đồng quan điểm với Linda, tôi nghĩ dân chúng cần nên được giáo hóa về sự đau khổ và khiếp đảm của súc vật trong khi được loài người nuôi nấng cũng như khi được đưa vào lò sát sinh. Mọi người cần phải được hiểu loài vật cũng cảm nhận được sự đau đớn về thể xác, cũng kinh hoàng la hét trước khi bị hành quyết như con người vậy. Tôi nghĩ sát hại súc vật để làm thức ăn cho loài người là một điều không cần thiết.

Nhưng bất kể vì lý do gì, một khi bạn đã chọn con đường trường chay để tránh sát sinh thì sự ích lợi thiết thực đầu tiên là có sức khỏe và trở thành một con người có đạo đức.

[^]


--- o0o ---

[Mục lục] [Bài kế]

--- o0o ---

[Mục lục] [Giới thiệu tổng quát] [Phần 01] [Phần 02]
[
Phần 03] [Phần 04] [Tham khảo]

Về danh mục

lan dau cong bo anh ve cuoc dau tranh chong dan ap những thiền viện đẹp khu vực miền nam phận nhung thien vien dep khu vuc mien nam úng truyen ngan thang minh da cam bài học ý nghĩa từ những việc trong vì sao lễ hội văn hoá lại biến thành vi sao le hoi van hoa lai bien thanh le hoi phi chá tuổi trẻ và lý tưởng phụng sự xã dục tuoi tre va ly tuong phung su xa hoi nha lanh dao ton giao the gioi thich nguyen tang Quả tam nan chang duoc tu hanh pham tùy năm nang hoc buong xa nhung qua khu dau thuong va thu han học buông xả những quá khứ đau thương 白佛言 什么意思 Tản mạn về mứt gừng ngày Tết muoi ba nam gap lai co mười ba năm gặp lại cô mưa Giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng thang ngay yen a tháng ngày yên ả truyện tháng ngày yên ả thú TẠChùa Pháp Lâm Thiền là sống tỉnh thức trong từng tieng chuong lanh lung vô cảm xã hội và thái độ của người vach tran su that cua loi tien tri tan the vo cam xa hoi va thai do cua nguoi phat tu 7 công dụng tuyệt vời của tỏi với rÙn cuộc sống đầy đủ các vấn đề Phần 1 cuoc song day du cac van de Thuốc lá điện tử cũng gây hại hat com nay con xin dang me Ăn chay Vì mỗi loài đều biết đớn ngai a ngài a vi thi gia tan tuy cua duc phat vị thị giả tận tụy của đức phật