Mấy lời khuyên của cổ đức,HT. Thích Thiền Tâm

Mấy Lời Khuyên Của Cổ Ðức

Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

 ---o0o---

Như trên, đức Phật đã nói có nhiều nhân duyên không nên ăn thịt chúng sanh, và bảo hàng đệ tử nên dùng những chất thanh đạm.  Từ xưa đến nay về việc nầy, chư cổ đức khuyên dạy cũng đã nhiều.  Nơi đây, xin tạm dịch lời văn phóng sanh của Liên Trì đại sư, để cho người học Phật thêm rõ điều nhân quả trong việc ăn chay giới sát.  Văn rằng:

Thảng nghe:  Thế gian rất quí trọng không chi hơn thân mạng.  Thiên hạ cực đau thảm chẳng gì bằng sát sanh.
Cho nên, gặp bắt liền trốn chạy, loài rận rệp còn biết thương thân.  Sắp mưa đã dời đi, lũ kiến bọ vẫn tham cuộc sống.
Thế sao, lưới nơi vực, bẫy trên non, nhiều phương đuổi bắt.  Lại nữa, cong thì câu, thẳng thì bắn, trăm kế săn tìm?
Khiến nên phách lạc hồn bay!  Xui nỗi mẹ lìa con mất!
Hoặc giam nơi lồng chậu, như bỏ chốn ngục tù.  Hoặc chặt bằng thớt dao, khác nào bị hình lục.
Nai thương con dại, liếm vết thương mà ruột đứt từng phân!  Vượn sợ bầy chia, trông cung uốn mà đôi hàng rỏ lệ! (1)
Cậy ta mạnh mãi hiếp kia ngu yếu, lý có hợp chăng?  Thịt nó ăn để mình tự bổ thân, lòng sao vội nỡ?
Bởi thế đất trời thương cảm.  Cho nên hiền thánh hành nhân.
Mở lưới, ân rộng thuở Thành Thang.  Nuôi cá, đức lập từ Tử Sản. (2)
Lưu Thủy đã nên thánh triết, tưới nước xuân nhuận cảnh khô khao.  Thích Ca rõ thật từ bi, cắt thịt quý cứu cơn nguy nạn. (3)
  Thiên Thai Trí Giả đào ao phước để phóng sanh.  Ðại Thọ Tiên nhơn hộ chim lành nơi định thể. (4)
Thả lân trùng mà đắc độ, Thọ thiền sư gương ưu ái hãy còn.  Cứu Long tử được truyền phương, Tôn chơn nhơn dấu từ bi chửa mất. (5)
Một phen vớt kiến, Sa di cải mạng vắn thành thọ cao, Thơ sanh đổi danh hèn lên thượng bảng.  Giây phút mua rùa, Mao Bảo nơi cảnh nguy mà thoát nạn, khổng Du từ tước mọn đến phong hầu. (6)
Khuất sư thả cá ở Nguyên thôn, thọ tăng một kỷ.  Tùy hầu cứu rắn nơi Tề dã, châu trả nghìn vàng. (7)
Cứu trạnh lớn chốn nhà trù, ả tỳ tử khỏi cơn dịch bịnh.  Vớt lằn xanh nơi hũ rượu, gả tử sinh được miễn gia hình. (8)
Ðối vật mạng chốn nhà đồ, Trương đề hình hồn siêu thiên giới.  Chuộc sanh linh nơi thuyền lưới, Lý Cảnh Văn giải độc đơn sa. (9)
Tôn Lượng Tự cứu nguy loài lông cánh, khi thọ chung chim đắp mả mồ.  Phan huyện đường lịnh cấm lưới sông hồ, lúc thuyên chức cá rền khóc cảm. (10)
Tín lão bãi sanh tế kẻ ngu dân, điềm bay cam vũ.  Tào khê mở lưới săn người lạp tử, đạo khắp thần châu. (11)
Chim sẻ biết ngậm vành mà báo ân.  Loài chồn hay đến giếng để truyền thuật. (12)
Cho đến thân tàn được sống, rết đeo vách trắng để nghe kinh.  Cảnh nạn cầu sanh, lương hiện áo vàng mà báo mộng. (13)
Thế nên ra ơn có trả, chuyện xưa há phải vô bằng.  Rõ ràng mắt thấy tai nghe, việc trước còn ghi sử sách.
Khắp nguyên khi thấy vật loại, phát lòng từ bi; bỏ tiền của không bền, làm việc lành có ích.
Nếu ra ơn cho nhiều mạng, thì chứa lớn âm công.  Hoặc làm phước cứu một con, cũng vẫn là việc tốt.
  Như thế ngày thêm tháng góp, hạnh cả đức to.  Chừng ấy lành khắp nhơn hoàn, danh thông thiên phủ.
Rửa tiêu oan chướng, thụy trưng đã dẹp đời nay.  Bồi đắp thiện căn, phước báo còn tươi kiếp khác.
Nếu lại giúp xưng hiệu Phật, thêm tụng văn kinh.  Ðể vì hồi hướng Tây Phương, khiến chúng xa lìa ác đạo.
Thì chỗ dụng tâm càng lớn, trồng đức càng sâu.  Ðạo nghiệp nhờ đó mà mau thành, liên đài sẽ sanh lên phẩm thượng vậy.

   (Chú thích:  1- Hứa chơn quân lúc trẻ tuổi ưa đi săn.  Một hôm, ông bắn trúng con nai nhỏ, nai mẹ vội chạy đến liếm vết thương, giây lâu thấy không còn sống được, cũng ngã ra chết.  Chơn quân lấy làm lạ, mổ bụng nai mẹ ra xem, thấy ruột đứt từng phân đoạn, biết rằng vì thương con thái quá, đến đứt ruột mà chết.  Ông rất hối hận, tự thiết trách mình, rồi bẻ cung tên, bỏ nhà vào núi tu hành, sau được thành tiên.

  Sở vương cùng người tôi thân tín là Dưỡng Do Cơ đi săn.  Vua gặp một con vượn rất to, bảo Do Cơ bắn.  Vượn trông thấy Do Cơ liền sa nước mắt.  Bởi loài vượn nầy rất tinh khôn lanh lẹ, có thể bắt được tên bay, nhưng lại gặp Do Cơ là tay thần xạ, nó biết mình tất sẽ chết, nên mới bi thương rơi lệ.

  2- Vua Thành Thang đời nhà Thương cùng bầy tôi xuất du, gặp bọn thợ săn bủa lưới bốn mặt, vái rằng:  "Từ hư không bay xuống.  Từ hang bụi chạy ra.  Từ bốn phương chợt đến.  Ðều sa vào lưới ta!"  Vua liền bảo tùng nhơn mở ba mặt lưới, rồi vái lại rằng:  "Muốn sang tả thì sang.  Muốn qua hữu thì qua.  Muốn bay lên thì bay.  Muốn thoát ra thì ra.  Loài nào không thiết sống.  Mới vào lưới của ta!"
  Thầy Tử Sản khi làm quan Ðại phu nước Trịnh, có người thường đem cho loại cá thịt ngon, còn sống.  Ông không nỡ ăn, bảo người nhà thả xuống ao để nuôi.  Ðiều này cho ta thấy việc phóng sanh chẳng những riêng Phật giáo, mà bậc quân tử bên Nho giáo cũng phụng hành.

  3- Trong kinh Kim Quang Minh, Trưởng giả Lưu Thủy, một tín đồ nhà Phật, mùa nắng ra ngoài chơi.  Ðến một nơi, ông thấy có ao nước gần cạn, trong ấy các loài cá hơn vạn con ở trong cảnh nguy ngập sắp chết.  Ông vội trở về, dùng voi chở nước đem đến đổ đầy ao.  Kế đó, Trưởng giả lại vì nó thuyết pháp khiến cho hoan hỷ.  Loài cá nầy nhờ nghe pháp diệu, đều xả mạng được sanh lên cõi trời.

  Ðức Thích Ca Mâu Ni thuở tiền thân tu Bồ Tát hạnh, có một kiếp làm vị quốc vương.  Trời Ðế Thích muốn thử lòng Bồ Tát, mới hóa làm chim ó bay đuổi bắt con bồ câu.  Thấy bồ câu bay vào lòng quốc vương lánh nạn và được che chở, chim ó nói:  "Ông vì lòng từ bi muốn cứu nó, tại sao lại nỡ để cho tôi chết?"  Vua hỏi:  "Ngươi muốn ăn những gì?"  Chim ó đáp:  "Tôi muốn dùng thịt.  Xin ông thường tôi số thịt bằng cân lượng của chim bồ câu".  Vua liền bảo đem cân ra, và tự cắt thịt để đền, nhưng do sức thần thông của Ðế Thích, vua cắt hết thịt nơi thân mà dĩa cân bên chim bồ câu vẫn nặng hơn.  Thấy vua sắp chết, chim ó hỏi vua có hối hận không?  Vua đáp:  "Ta tu hạnh Bồ Tát vì cứu độ chúng sanh, chẳng có một mảy niệm hối hận.  Nếu như lời nầy không hư dối, xin cho thân thể nguyên lành như cũ".  Sau lời thệ nguyện ấy trời đất rung động, thân thể nhà vua liền được phục nguyên.  Trời Ðế Thích kinh hãi, hiện thân sám hối và lễ bái khen ngợi.

  4- Trí Khải đại sư ở núi Thiên Thai, được Dương Ðế nhà Tùy vì mến danh đức, thụy phong là Trí Giả.  Ðại sư đào nhiều ao lớn để phóng sanh, nhà vua sắc chỉ xuống quan địa phương cấm không cho dân câu lưới ở các nơi đó.

  Theo trong kinh, thuở nhơn thọ sống đến hai muôn tuổi, có một vị tiên nhơn ngồi nơi gốc cây nhập định.  Vì ngồi lâu ngày rễ cây phủ xuống thân, chim đến làm ổ nơi lòng.  Sợ chim kinh hãi, tiên nhơn ngồi yên không động, chờ nó dời đi nơi khác mới xuất định.

  5- Vĩnh Minh thiền sư, húy là Diên Thọ, khi chưa xuất gia làm chức Khố lại ở huyện Dư Hàng, triều Ngô Việt Vương.  Ngài thường lấy tiền kho mua tôm cá để phóng sanh.  Sau việc phát giác ra, bị ghép vào tội hành hình nơi chợ.  Trước khi gia hình, vua dặn quan giám sát xem ngài có đổi sắc không rồi trở lại phúc tấu.  Ðược biết ngài vẫn an nhiên, vua cho vời đến hỏi duyên cớ, ngài tâu rằng:  "Thần lấy tiền kho không phải để dùng riêng mà vì cứu độ sanh mạng.  Giả sử thân nầy có mất, linh thức cũng nhờ đó được sanh về Cực Lạc; như thế chẳng là vui hơn ư!"  Vua nghe tâu, tha cho về.  Từ ấy ngài xuất gia, sau ngộ đạo trở thành bậc danh đức.

  Tôn chơn nhơn khi chưa thành tiên, một hôm xuống núi gặp mấy đứa trẻ bắt con rắn lạ đem căng ra chơi, xem con vật tình thế nguy khốn sắp chết.  Chơn nhơn lấy tiền chuộc rắn, đem thả xuống nước.  Sau khi đó, ông gặp đồng tử áo xanh thỉnh đến một công phủ, hỏi ra là cung Thủy tinh.  Bên trong một vị vương giả bước ra đón chào, rước vào mời ngồi nơi bảo tọa, rồi thưa rằng:  "Gia nhi hôm trước đi dạo chơi, ngẫu nhiên mắc nạn, nếu chẳng gặp được tiên sanh chắc là tánh mạng không còn!"  Nhân bày yến tiệc thiết đãi, lại đem ra các thứ châu báu để đền ơn.  Chơn nhơn tạ từ không nhận, và nói:  "Tôi nghe ở long cung có nhiều bí phương.  Nếu có thể, xin truyền cho tôi đem cứu đời còn quí hơn là châu ngọc".  Vương giả liền trao cho một bảo cấp, trong ấy có 36 thần phương.  Nhờ đó, chơn nhơn y thuật càng tinh, sau chứng được tiên phẩm.

  6- Thuở xưa, có ông Sa di theo hầu vị A la hán.  La hán biết Sa di bảy ngày nữa sẽ mạng chung, liền cho về nhà viếng thăm cha mẹ.  Tám hôm sau, ông Sa di bình yên trở lại.  Vị La hán lấy làm lạ, nhập định để xem xét, thấy khi ông trở về nửa đường có dùng áo ca sa vớt một bầy kiến đang bị khốn giữa dòng nước, liền biết sở dĩ đệ tử mình được tăng thọ là do nhờ duyên phước đó.  - Lại một chuyện:  Tống Giao và Tống Kỳ, hai anh em đồng đi thi.  Một hôm trời mưa, Tống Giao thấy vô số kiến bị nước cuốn sắp trôi vào lổ hủng, liền lấy cộng trúc ngăn lại, bắc thành cầu để cho nó bò lên chỗ khô.  Trước khi vào thi, Giao gặp vị Tây tăng xem tướng và nói:  "Dường như ông đã vừa cứu vài trăm muôn sanh mạng thì phải?"  Giao từ tốn bảo mình nghèo, không có năng lực làm được việc công đức ấy.  Vị tăng nói:  "Chẳng phải thế đâu!  Loài vật dù nhỏ cũng đều là sanh mạng".  Giao đem việc cứu kiến ra thưa lại.  Vị tăng bảo:  "Ðúng như thế!  Kỳ thi nầy lệnh đệ sẽ đứng đầu hàng sĩ tử, còn địa vị của ông cũng không kém hơn đâu!"  Quả nhiên, sau khi kiểm danh, Tống Kỳ đỗ Trạng nguyên, Tống Giao vào hàng thứ mười.  Nhưng triều đình cho rằng em không nên đứng trước anh, đổi Tống Kỳ đỗ hàng thứ mười, Tống Giao lên hàng đệ nhứt.

  Mao Bảo khi còn hàn vi, đi đường gặp người mang một con rùa, liền mua mà phóng sanh.  Sau ông làm tướng ra trận bị thua, té xuống sông bị nước lôi cuốn sắp chết chìm.  Ðang lúc nguy cấp, ông cảm thấy có con gì đỡ chân mình đưa sang bờ bên kia.  Chừng lên bờ, xem lại thì là một con qui rất lớn đang quay mình bơi đi.  - Lại một chuyện:  Khổng Du trước là một quan chức nhỏ, thường mua rùa để thả.  Mỗi lần phóng sanh, rùa đều quay đầu lại ngó chừng ông, rồi sau mới lần bơi đi xa.  Về sau Khổng Du nhờ may mắn lập nhiều công trạng, nên được phong hầu.  Khi đúc ấn, thì hình con rùa trên ấn quay đầu lại, phá hủy đến bốn năm khuôn để đúc lại, cũng vẫn y như trước.  Thợ đúc ấn kinh ngạc, đem việc ấy thưa lên Khổng Du.  Ông suy nghĩ bỗng nhớ lại việc xưa, và hoảng nhiên biết mình được phong hầu hôm nay là do nhờ phước báo của sự thả rùa khi trước.

  7- Khuất sư ở Nguyên thôn gặp người lưới được một con cá lý đỏ, liền mua mà phóng sanh.  Sau ông nằm mộng thấy Long vương mời đến thủy cung, bảo:  "Thọ số của ông vốn đã mãn, nhưng nhờ công đức cứu rồng, nên được tăng một kỷ".

  Tùy hầu đi qua nước Tề, giữa đường gặp một con rắn bị khổn ở bãi cát, đầu có máu chảy, xem dường như kiệt sức.  Ông liền lấy gậy vít thả nó xuống nước, rồi bỏ đi.  Khi trở về đến chỗ ấy, ông thấy rắn ngậm hạt châu bò đến trạng như muốn hiến dâng, song vì sợ nên không dám lại lấy.  Ðêm đến Tùy hầu nằm mộng thấy chơn đạp một con rắn, kinh hãi tỉnh giấc, tìm được bên mình hai hạt châu sáng rỡ.

  8- Có nhà họ Trình tánh ưa an thịt loài rùa trạnh.  Một hôm nhà nầy mua được con trạnh rất lớn, bảo người tớ gái đem giết để làm thức ăn.  Ðứa tớ thấy con trạnh lớn có ý hơn sợ, liền đem thả nơi ao.  Khi chủ nhà về thấy món ăn không có thịt trạnh, gạn hỏi, đáp là vì hơ hỏng để nó bò đi mất, do đó bị một trận đòn nên thân.  Sau đứa tớ gái mang bịnh dịch nặng, người nhà khiêng đến thủy các để chờ cho chết.  Ðêm ấy có con vật từ dưới ao bò lên mang bùn ướt đấp trên mình đứa tớ gái, nhờ đó sức nhiệt độc tiêu trừ, bịnh được thuyên giảm.  Sáng ra người chủ thấy đứa ở chưa chết, vẻ mặt lại tươi tỉnh, lấy làm lạ hỏi duyên cớ.  Cô tớ gái không dám dấu, đem sự thật thưa lại.  Chủ không tin, đến đêm rình xem, thấy chính là con trạnh đã thất lạc khi trước.  Cả nhà kinh ngạc than thở, từ đó không ăn thịt loài rùa trạnh nữa.

  Một anh chàng nấu rượu, mỗi khi có con lằn xanh sa vào hũ rượu liền vớt ra để chỗ đất khô, lại lấy tro đấp lên mình.  Tro rút nước, con lằn được sống.  Như thế lâu ngày, anh cứu loại lằn xanh rất nhiều.  Sau có người đem tội trộm vu báng, anh không thể tự biện bạch, sắp bị gia hình.  Khi quan chánh án cầm bút muốn phê quyết, thì có nhiều lằn xanh bay đến bu đậu vào ngòi, đuổi xong, nó bay lại như cũ, không xuống bút được.  Viên chánh án nghi có chuyện oan ức, cho đòi người vu báng đến gạn hỏi nhiều cách; kết cuộc kẻ ấy phải thú nhận chính mình là thủ phạm, và anh nấu rượu được tha về.  Việc nầy đồn ra, ai nấy đều lấy làm lạ.

  9- Quan Ðề hình họ Trương thường đến nhà đồ mua vật mạng để phóng sanh.  Ðến sau, lúc lâm chung, ông bảo người nhà rằng:  "Ta nhân cứu nhiều vật mạng, chứa phước đức đã sâu dày.  Nay có chư thiên đến rước, ta sắp sanh về cõi trên".  Nói xong, an nhiên mà qua đời.

  Lý Cảnh Văn thường đến thuyền lưới mua loài thủy tộc để phóng sanh.  Ông vốn ưa đạo tiên, thường luyện chất đơn sa để uống.  Nhân đó tích nhiệt thành bịnh, phát ung thư nơi lưng, không thuốc nào trị được, sắp chết.  Một hôm, trong lúc mơ màng, ông thấy có loài cá đến rút chất độc, nhã nhớt mát vào chỗ đau; khi tỉnh dậy thấy trong người mát mẻ thơ thới, bịnh lần lần lành.

  10- Tôn Lương Tự khi gặp loài chim bị lưới bắt, liền mua mà thả.  Sau khi chết, vì nghèo nên không có quan quách tẩn liệm.  Lúc ấy có vô số chim bay đến, ngậm đất đắp thành mồ.  Người xung quanh đều kinh hãi khen ngợi, cho là do đức từ chiêu cảm.

  Phan Công khi làm huyện lịnh, cấm không cho dân chúng vào những sông hồ trong vùng câu lưới cá, kẻ nào trái phạm liền bắt gia tội.  Sau ông đi trấn nhậm nơi khác, dân trong huyện nghe dưới nước có tiếng rền rĩ như khóc than luôn cả mấy ngày.  Ai nấy đều than thở cho là chuyện lạ.

  11- Nhân lúc trời khô hạn, Hoằng Tín đại sư thấy dân muốn sát sanh để đảo võ, thương xót cho thói mê tín, đến nơi bảo:  "Nếu các ngươi không sát sanh cúng tế, ta sẽ cầu mưa giùm cho".  Dân chúng hứa nhận, Ðại sư tinh thành cầu đảo, mưa lớn xuống nước đầy đồng.  Do đó người gần xa đều cảm hóa.

  Lục tổ khi được truyền y bát ở Hoàng Mai, vì cơ duyên chưa đến, mặc đồ thế tục ở ẩn trong bọn người săn bắn.  Thợ săn bảo ngài giữ lưới để họ đi đuổi thú.  Ngài nhân lúc họ đi vắng mở lưới thả bớt rất nhiều, như thế luôn cả 16 năm.  Sau Tổ mở đạo tràng ở Tào Khê, đức cao vọng trọng, độ người vô số, đạo pháp chia thành năm tông.

  12- Dương Bảo khi còn thơ ấu, thấy chim sẻ vàng bị chim cắt đánh rơi xuống đất, lại bị loài kiến làm khổn, liền đem vào nhà nuôi nấng, đợi cho lành mạnh mới thả đi.  Ít lâu sau, ông nằm mộng thấy đồng tử áo vàng đến bái tạ, tặng cho bốn vòng ngọc, và bảo:  "Tôi là sứ giả của Tây vương mẫu, nhờ ngài cứu mạng nên đến tạ ơn.  Nguyện cho con cháu của ngài hiền lương, lên ngôi tam công, như những chiếc vòng này vậy".  Quả nhiên về sau dòng dõi của ông được quí hiển đến bốn đời.

  Một ông đạo nghe nói ăn củ Huỳnh tinh có thể sống lâu, muốn thí nghiệm, để nhiều Huỳnh tinh dưới giếng khô, dụ người xuống giếng, rồi rút mất thang dây, đậy nắp giếng lại chỉ chừa một lỗ thông hơi.  Người nọ trong lúc nguy nan vô kế, chợt thấy một con chồn ló đầu xuống bảo:  "Ðừng lo sợ, tôi sẽ có cách cứu ông.  Loài chồn chúng tôi khi học phép thông thiên đào huyệt nơi gò mả, rồi nằm dưới đáy huyệt tụ thần chăm chỉ ngó ngay miệng hang, lâu lâu thân hình tự nhiên bay ra khỏi mặt đất.  Trong Tiên kinh gọi "thần hay đưa hình bay đi" chính là phép nầy.  Vậy ông nên quên hết mọi duyên chỉ chăm chú nhìn nơi lỗ thông hơi, tự sẽ được thoát nạn.  Khi trước tôi bị thợ săn bắt, nhờ ông chuộc đem thả, nên nay đến báo ơn".  Người ấy làm y lời, hơn một tuần sau, thân hình bay ra khỏi giếng.  Ông đạo trông thấy rất mừng, cho đó là sự ứng nghiệm của vị Huỳnh tinh, đem một mớ củ nầy xuống giếng, ước với các đồng bạn sau một tháng sẽ mở nắp giếng ra.  Tới kỳ, đồng bạn đến xem thì ông đã chết mất.

  13- Liên Trì đại sư một hôm đi dạo bên ngoài, thấy có người bắt mấy con rết, dùng những mảnh tre mỏng uốn cong lại căng đuôi đầu.  Ðại sư liền chuộc mà thả, thì duy có một con còn mạnh chạy đi, kỳ dư đều ngất ngư muốn chết.  Sau ban đem đại sư ngồi nói chuyện với người bạn trong am, có một con rết bò nơi vách kề bên mình.  Ngài dùng cây thước gõ mạnh nhiều lần ra ý đuổi, song nó vẫn ở mãi không chịu đi.  Ðại sư trực nhớ lại việc trước, liền bảo:  "Có phải khi xưa ngươi nhờ ta cứu mạng, nên đến đây tạ ơn chăng?  Nếu quả thế, hãy lặng yên nghe ta thuyết pháp để được siêu thoát".  Liền thuyết rằng:  "Tất cả hữu tình, do tâm tạo ra.  Tâm hung dữ hóa ra cọp sói, tâm sân độc hóa thành rắn rết.  Ngươi hãy trừ tâm nóng độc, tất sẽ thoát được thân hình nầy!"  Nói xong bảo đi, thì không đợi xua đuổi mà nó lần lần bò ra cửa sổ.  Người bạn mục kích cảnh tưởng ấy, kinh ngạc cho là việc hy hữu.

Hồ Dã Can ở Hàng Châu, nhân người hàng xóm bị trộm, sai con gái đến thăm và cho một rổ lươn.  Ông hàng xóm tiếp nhận đem rộng vào chiếc hũ lớn, lâu ngày rồi quên đi.  Một đêm người ấy nằm mộng thấy có mười vị mặc áo vàng, đội mũ nhọn, đến quì xin cứu mạng.  Thức dậy trong lòng nghi sợ đến hỏi thầy bói, được quẻ ứng rằng:  "Ðó là có loài vật muốn cầu phóng sanh, nên trở về tìm trong nhà sẽ biết".  Người hàng xóm về nhà tìm trong hũ, thấy có rộng mấy con lươn vàng lớn, đếm ra đủ mười con.  Ông ta kinh hãi, liền đem thả hết.  Ðây là sự việc trong năm Vạn Lịch thứ chín, đời nhà Minh.

Về danh mục

Đăk Nông Chùa Hoa Khai đúc đại hồng chua thanh an Æ Công đâu phải anh hùng từng nguyện trước Ä Bệnh Sống va dao phat hanh trinh gieo chu cua thay giao tat nguyen ChẠtinh tấn tu hành có thay đổi được Nhẫn Thầy Mối quan hệ tình bạn theo tinh thần 1970 hà luÃÆn Sức mạnh của sự vui sống Tu vi Học Thích Cồn tam tu bi cua bo Đậu hủ chưng tương a friend dinh nghia qua 24 chu cai sen làng hằng long môn động ngà không hieu so 3 Mộng mon nguồn tin cau sieu phòng Lễ Bầu Ông và tục thờ Bạch hổ ç¾ phật ChÃ Ã Æ cam mc xuân hẠu Linh bất linh tại ngã ơn Giữ tâm thanh thản GiẠhạt cơm này con xin dâng Quảng Trị Lễ giỗ tổ khai sơn tổ