Lời Phật dạy về sự đoạn nhục thực, HT. Thích Thiền Tâm

Lời Phật Dạy Về Sự Ðoạn Nhục Thực

Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

(Phật Học TinhYếu)

 ---o0o---

Ngày nay tai nạn binh lửa lan tràn khắp thế giới, đó là do nghiệp sát của chúng sanh chiêu cảm.  Vì thế nên cổ đức đã bảo:  "Tất cả chúng sanh không nghiệp sát.  Lo gì thế giới động đao binh!"  Vậy muốn cho tai nạn chiến tranh tiêu giảm, không gì hơn dứt từ cái nhân của nó, nghĩa là mọi người đều nên ăn chay giới sát phóng sanh.  Nhưng về việc nầy phận sự thì dễ nhận biết, phần lý ít người suốt thông.  Bởi thế nhiều kẻ khi ăn chay giới sát phóng sanh, không thể phát tâm chí thành thương xót, nên công đức cũng vì đó mà trở thành kém ít.  Vậy khi làm các điều thiện trên, hành giả phải nhận hiểu phần lý của nó như bốn điểm ở đoạn trước đã nói.  Ngoài ra lại cần phải hiểu rằng:  tất cả chúng sanh đều có đủ đức tướng trí huệ của Như Lai, nhưng vì bị nghiệp hoặc che lấp tánh diệu minh nên chìm đắm vào hàng dị loại, chỉ biết tìm cầu món ăn, tránh sợ cái chết mà thôi.  Nếu những chúng sanh ấy ngày kia nghiệp chướng tiêu giảm, được nghe chánh pháp, đều có thể tiến tu và được thành quả Phật.  Lại nên nghĩ:  ta cùng tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay ở trong nẻo luân hồi, vì vô minh che lấp nên đổi thay sanh sát lẫn nhau.  Trong nhiều kiếp, các loài kia thường làm cha mẹ, anh chị em, chồng vợ, con cái của ta; và ta cũng đã từng làm cha me, anh chị em, chồng vợ, con cái của cái loài ấy.  Chúng sanh kia do sức nghiệp ác hoặc ở cõi người, hoặc ở trong hàng dị loại, thường bị ta giết hại; ta cũng do sức nghiệp ác, hoặc ở cõi người, hoặc ở trong hàng dị loại, thường bị nó giết hại.  Cảnh tương sanh tương sát như thế đã diễn ra từ vô lượng kiếp chẳng biết chừng nào dứt, phàm phu vì mê nên không hiểu, nhưng Như Lai thì thấu suốt rõ ràng.  Việc ấy nếu không nghĩ đến thì thôi, người biết nghĩ suy tất không xiết thẹn thuồng bi mẫn!  Nay ta do túc phước được làm người, nên giải trừ oan kết, ăn chay giới sát phóng sanh; lại vì cứu độ mình và muôn loài, niệm Phật hồi hướng cầu sanh Cực Lạc.  Xin dẫn một đoạn trong kinh Lăng Già về nhân duyên đoạn trừ nhục thực mà đức Thế Tôn đã dạy, để cho hàng Phật tử thêm sự suy gẫm trên bước đường ăn chay tu thiện:

"... Có vô lượng nhân duyên mà hàng Bồ Tát phải sanh lòng thương xót, không nên ăn tất cả các thứ thịt.  Ta nay vì ông nói ra đây một phần ít:

- Nầy Ðại Huệ!  Tất cả loài hữu tình từ vô thỉ đến nay ở trong vòng sống chết luân hồi vô tận, không có chúng sanh nào chẳng từng làm cha mẹ anh em con cái quyến thuộc, cho đến chủ tớ bạn bè thân thích lẫn nhau.  Vậy đối với chúng sanh đã vì nghiệp lực phải chịu đọa làm thân thủy tộc, cầm thú, nỡ nào bắt nó mà ăn thịt?  Bậc Bồ Tát ma ha tát phải quán sát xem tất cả loài hữu tình đồng với thân mình, nên nghĩ các thứ thịt kia từ những sanh mạng biết vui khổ thương đau mà có, đâu nỡ an nhiên mà ăn?

- Nầy Ðại Huệ!  Các bọn La sát nghe ta nói điều nầy còn nên dứt trừ sự ăn thịt, huống nữa là người ưa vui theo đạo pháp?  Trong mỗi đời, Bồ Tát quán thấy chúng sanh đều là quyến thuộc, thường nghĩ xem đồng như con, nên không ăn tất cả các thứ thịt.  Những người bán các thứ thịt trâu bò chó ngựa heo dê nơi chợ phố hàng quán, vì tâm tham lợi nên tạo nghiệp giết hại; thịt là sở do của tâm hạnh tạp uế như thế, làm sao Bồ Tát nên thọ dụng?

- Nầy Ðại Huệ!  Tất cả các thứ thịt đều là chất tinh huyết ô uế, người cầu thanh tịnh làm sao nên ăn?  Kẻ ăn thịt, chúng sanh thấy đều sợ hãi, người tu từ tâm làm sao nên ăn?  Khi gặp bọn thợ săn cùng kẻ hạ tiện làm nghề bắn giết, bẫy lưới tàn hại sanh linh, loài chó trông thấy kinh hãi sủa vang, tất cả cầm thú thảy đều dớn dác trốn chạy.  Sở dĩ như thế, bởi các chúng sanh ấy đều nghĩ rằng:  những người này lộ vẻ hung ác dường như quỉ La sát, nếu ta đến đó tất bị bắt giết, vậy phải nên xa lánh là hơn.  Cũng như thế, người ăn thịt thường bị chúng sanh ghét sợ xa lánh.  Vì lẽ đó, bậc Bồ Tát tu hạnh từ bi không nên ăn thịt.

- Nầy Ðại Huệ!  Kẻ ưa ăn thịt, thân thể hôi nhơ, tiếng dữ đồn xa, người lành bậc hiền thánh không thích gần gũi, vì thế Bồ Tát không nên ăn thịt.  Huyết nhục là chất chúng Tiên từ bỏ, các Thánh chẳng ưa, bởi thế Bồ Tát không nên thọ dụng.  Bồ Tát vì tâm từ mẫn, vì giữ gìn lòng tin của chúng sanh khiến cho Phật pháp không bị chê bai, nên không ăn thịt.  Nếu đệ tử của ta ưa an thịt, sẽ bị người tục đem lòng khinh báng nói rằng:  Tại sao hàng Sa môn tu nghiệp thanh tịnh, lại không bằng hạnh trong sạch của thiên tiên, mà như ác thú mang đầy bụng thịt cá đi dạo thế gian, làm cho chúng sanh thảy đều ghét sợ?  Và như thế là kẻ ấy đã phá hạnh thanh tịnh, mất đạo Sa môn, thiếu tư cách để điều phục người.  Cho nên, Bồ Tát vì lòng từ mẫn, muốn nhiếp hộ mọi người khiến cho không sanh tâm niệm ấy, chẳng thọ dụng đồ huyết nhục.

- Nầy Ðại Huệ!  Như khi thiêu người chết cùng thiêu thịt của loài vật, cả hai mùi khí vị không tinh sạch đồng như nhau, tại sao trong ấy thịt người không ăn, lại ăn thịt loài vật?  Vì thế, người ưa hạnh thanh tịnh không nên ăn thịt.  Các hàng thiện nam thiện nữ tu hành khổ nhọc chốn a lan nhã, hoặc trụ nơi từ tâm, hoặc trì chú thuật, hoặc cầu giải thoát, hoặc hướng về đại thừa, nhưng vì bởi còn ăn thịt nên bị nhiều sự chướng ngại, công hạnh không được thành tựu.  Cho nên Bồ Tát nếu muốn được lợi mình và lợi ích cho chúng sanh, quyết không nên ăn thịt.

- Nầy Ðại Huệ!  Kẻ ưa ăn thịt khi thấy hình dáng loài vật đã sanh tâm thèm mùi vị.  Bậc Bồ Tát phải thương nghĩ chúng sanh cũng như mình, tại sao vừa thấy hình đã muốn ăn thịt?  Bởi thế, Bồ Tát phải dứt trừ nhục thực.  Người ăn thịt thì nơi miệng thường hôi nên chư thiên lánh xa, hằng bị Dạ xoa ác quỷ đoạt mất tinh khí.  Kẻ ấy giấc ngủ không yên, khi tỉnh dậy lo lắng, tâm nhiều sợ hãi; do tham ăn không biết vừa đủ, nên thêm nhiều tật bịnh, dễ sanh ghẻ độc, bị các loài tế trùng cắn đúc, mà cũng vẫn không biết chán nhàm.

- Nầy Ðại Huệ!  Ta thường bảo:  ăn thịt chúng sanh chẳng khác chi ăn thịt con mình, vậy đâu phải thật Như Lai hứa cho đệ tử ăn thịt?  - Thịt chẳng phải thơm ngon, thịt không tinh sạch, ăn thịt sanh nhiều tội ác, làm hư các công đức, bị chư Tiên Thánh rời bỏ, làm sao Như Lai lại hứa cho đệ tử ăn thịt?  Bởi thế, kẻ nào nói Như Lai chấp nhận cho đệ tử ăn thịt, tức là phỉ báng ta.

- Nầy Ðại Huệ!  Nên biết thức ăn thanh tịnh là những thứ như:  lúa, nếp, đậu, bắp, đường, tô du...  Các thứ ấy chư Phật đời quá khứ đã hứa cho, ta nay cũng khuyên bảo như vậy".

Về danh mục

thân tặng tuổi trẻ đừng đem bản ngã của mình để dạy Thói Ngày Tết nói chuyên ăn chay Gió tính nhân bản của luật nhân quả Lúc nhỏ dị ứng dấu hiệu nguy cơ tim ta moi du tin yeu hôn nhân và niềm tin tôn giáo tinh tấn ba la mật thÁn đại an chay hay an man Làm gì để ngăn ngừa cảm cúm trong mùa Củ sen hạt sầu riêng kho tương đạo hiếu và duy trì lẽ sống hằng con duong di den thanh tuu chanh kien Rụng giáo dục thần Blogger và mẹ hoang tuong chu tam trong nghe day hoc theo quan diem phat tang sinh doc nhat vo nhi y nghia mà i Là Hệ 20 10 cai dep nao cung mong manh ky chữa giẠm co duyen voi duc phat voi cua chua ï¾ å giac lãi cua thoat tận mua Lúc ân thÃ Æ giao Chua đứa bßi tức học sinh Mẹ may