NGƯỜI TÂY TẠNG

NGHĨ GÌ VỀ CÁI CHẾT

(NGƯỜI CHẾT ĐI VỀ ĐÂU)

 

Dịch từ bản tiếng Anh

The Tibetian Book of the Death

(Lạt-ma Kazi Dawa Samdup)

Nguyên tác: Bardo Thodol của Tây Tạng

 

NGUYÊN CHÂU - NGUYỄN MINH TIẾN Biên dịch

 

 

02.

 

LUẬN VÃNG SANH

 

Nam mô Thập phương thường trú Tam bảo

Nam mô A-di-đà Phật

Nam mô Ðại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát

Nam mô Ðại Từ Ðại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát

 

Luận vãng sanh này gồm ba phần: phần dẫn nhập, phần chính văn và phần kết luận.

Trong phần dẫn nhập, luận này sẽ đưa ra những lời khai thị, các thần thức thượng căn sẽ được giải thoát. Với những ai không được giải thoát, luận này sẽ dạy cách từ bỏ  ý thức, giúp các thần thức trung căn giải thoát ngay trước khi chết. Với những ai vẫn chưa được giải thoát, thần thức cần lắng nghe những lời khai thị tiếp tục để được giải thoát trong giai đoạn còn trong pháp thân thường trụ.

            Thần thức cần theo dõi diễn biến của cái chết. Ngay sau khi chấm dứt mọi liên hệ với thế giới vật chất, thần thức cần nhớ tới “bản chất của thức là không” và từ bỏ các thức, lập tức giải thoát. Nếu không thực hiện được, người sống cần đọc luận này một cách rõ ràng bên cạnh người chết.

            Nếu vì lý do nào đó, thi thể người chết ở một nơi xa, chủ lễ có thể ngồi bên cạnh giường ngủ thường ngày của người chết, dùng nguyện lực tưởng nhớ tới người chết và đọc luận này, xem như người chết đang ngồi bên cạnh. Lúc này không nên kể lể than khóc. Những người thân không kiềm chế được sự than khóc thì không nên có mặt. Nếu cầu nguyện bên cạnh người sắp chết, chủ lễ cần đọc luận này giữa lúc chấm dứt hơi thở và chấm dứt mạch tim.

            Nếu có phương tiện, nên cúng dường Tam bảo. Nếu không, cần dùng nguyện lực để cúng dường. Niệm danh hiệu Phật và Bồ Tát cầu cứu độ bảy lần hoặc ba lần,[1] niệm bài Kệ vãng sanh cho thân trung ấm,[2] rồi niệm bài Kệ vô thường.[3] Sau đó tụng Luận vãng sanh này bảy lần hoặc ba lần.

            Luận này có ba ý chính: Hướng dẫn thần thức trong hào quang của chân tâm ngay trước khi chết, lưu ý thần thức trong giai đoạn chuyển tiếp của pháp thân, và nhắc nhở thần thức tránh nhập mẫu thai trong cõi Ta-bà.

1.      Hướng dẫn thần thức ngay trước khi chết

Trước hết, cần khai thị cho thần thức trong lúc thấy hào quang của chân tâm ngay trước khi chết. Ðược khai thị như thế, phần lớn những người bình thường đã từng nghe pháp nhưng chưa chứng ngộ, hoặc ít tu tập, đều thể nhập và an trú trong chân tâm, đạt được cõi vô sanh vô tử.

a.      Thời gian khai thị

Hơi thở vừa ngưng, trí Bát-nhã thể nhập, thần thức sẽ thấy một luồng hào quang rực rỡ. Nếu trí Bát-nhã rời bỏ thần thức, thần thức sẽ rơi vào giai đoạn thân trung ấm, vì vậy cần tụng luận này trước khi trí Bát-nhã rời bỏ thần thức. Thông thường, từ lúc tắt hơi tới lúc bộ tuần hoàn ngưng hoạt động hẳn, kéo dài bằng khoảng thời gian một bữa ăn.

b.      Phương pháp khai thị

Chủ lễ tốt nhất là thầy của người chết, nếu không cũng nên là bạn đồng môn, hoặc bạn hữu cùng một kiến giải. Nếu không được như thế, chủ lễ cần là người có thể tụng luận này rõ ràng, nhiều lần, nhắc nhở lại những gì đã nghe từ thầy, bạn. Như thế thần thức sẽ thể nhập vào hào quang của chân tâm. Không còn nghi ngờ gì nữa.

Trước khi tắt hơi thở, cần làm cho thần thức thấy rõ tính vô thường của vạn pháp, bằng cách nói những lời sau đây:

“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên...), đây là lúc mà ngươi đi tìm một con đường mới. Khi hơi thở vừa tắt, ngươi sẽ thấy một luồng hào quang rực rỡ, chính là điều mà ngươi đã từng học biết. Ðây chính là chân tâm thường tịch, vắng lặng, trống rỗng như không gian, là thức vô biên xứ. Hãy nhận ra điều này và lưu trú trong chánh niệm đó, ta khai thị cho ngươi”.

Câu khai thị trên được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong lúc người chết chưa tắt hơi. Khi hơi thở sắp dứt, nên lật xác nằm nghiêng bên mặt theo thế nằm như sư tử ngủ, và bấm mạnh các mạch máu cho tới lúc mạch chấm dứt lưu thông. Làm như thế khí Bát-nhã đã nhập vào khí lực của người chết sẽ lưu lại thêm một thời gian và sau đó chỉ thoát ra ngoài bằng đỉnh đầu.

Trong giai đoạn này, thần thức trông thấy hào quang của pháp thân thường trụ sáng rực rỡ. Ðối với người sống thì chỉ thấy người chết đang mê man bất tỉnh vì khí Bát-nhã càng lúc càng giảm. Ðó là giai đoạn giữa lúc tắt thở và hệ tuần hoàn ngưng hoạt động. Giai đoạn này dài ngắn không đều, tùy thuộc năng lực tâm linh và trình độ chứng đạo của người chết. Nó đặc biệt kéo dài đối với những người đã tu tập thiền định hết sức bén nhạy. Ðối với những người này, cần khai thị bằng cách tụng đọc nhiều lần cho đến khi một thứ khí màu vàng nhạt tuôn ra thất khiếu.[4] Ðối với người có nhiều ác nghiệp, giai đoạn này rất ngắn ngủi, chỉ như búng ngón tay. Ðối với người thông thường thì sẽ kéo dài khoảng bằng thời gian một bữa ăn. Ðối với những người tu tập Mật tông và thiền định bậc cao như Sutra, Tantra thì giai đoạn này có thể kéo dài đến bốn ngày rưỡi. Chủ lễ cần tiếp tục khai thị để giúp thần thức thể nhập vào chân tâm.

Nếu người sắp chết đã từng tụng đọc luận này, chủ lễ chỉ cần nhắc lại. Nếu không, chủ lễ cần chỉ rõ tiến trình của cái chết như sau:

“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên...), đây là dấu hiệu của đất đang hoại diệt trong nước, nước đang hoại diệt trong lửa, lửa đang hoại diệt trong gió, gió đang hoại diệt trong thức... Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên...), đừng để tâm thức lưu lạc.”

Nói câu này vào bên tai người sắp chết. Rồi đọc tiếp như sau:

“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên...), cái gọi là sự chết đã tới, ngươi cần tự nhủ như thế này: ‘Thời điểm tử vong của ta đã tới, nhưng cái chết có thể giúp ta đạt được tâm thức giác ngộ. Trong tinh thần từ bi hỉ xả, ta sẽ đạt được giác ngộ, cứu độ mọi chúng sanh. Trong ước nguyện cứu độ chúng sanh, ta sẽ thể nhập chân tâm, đạt được tri kiến của Phật. Nếu không thể nhập được bây giờ, ta cũng sẽ thể nhập cõi Tịnh độ trong thân trung ấm, tất cả đều là vì chúng sanh trong vô lượng thế giới.’ Nhất tâm chánh niệm trong tư tưởng đó, ngươi cần nhớ lại pháp môn thiền quán đã từng tu tập.”

Vị chủ lễ cần đọc rõ tên người sắp chết, nhắc nhở tập trung vào thiền định, không để buông lỏng một phút nào. Rồi khi hơi thở vừa tắt, vị chủ lễ ấn mạnh vào các huyệt đạo. Nếu người chết là một vị thượng căn, chủ lễ nói:

”Thưa ngài, pháp thân đang bắt đầu chiếu sáng, xin ngài hãy thể nhập vào và lưu trú trong đó”.

Ðối với những người bình thường, vị chủ lễ khai thị như sau:

“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên...), giờ đây pháp thân đang chiếu sáng rực rỡ trước mắt ngươi, hãy nhận biết rõ. Giờ đây thức của ngươi đang trở về bản tánh chân như, rỗng không vắng lặng, vô ngã, vô tướng, không màu sắc, không âm thanh. Nhưng tâm thức này không phải là sự rỗng không của cái không. Nó tự tại, diệu dụng, biến hóa không cùng. Hai mặt này của chân như chính là từ bi và trí huệ, thể của nó là không. Nó chính là pháp thân bất hoại. Sắc và Không không rời nhau, trong dạng hào quang rực rỡ, vô sanh vô tử. Ðó cũng là Phật tính. Hãy nhận rõ điều này. Ðó là điều quan trọng duy nhất. Nếu ngươi nhận rõ tâm thức tịch tịnh của ngươi bây giờ chính là tâm Phật, thì ngươi đã thể nhập cõi Phật, cõi Tịnh độ.”

Chủ lễ cần nhắc lại ba lần hoặc bảy lần đoạn văn trên. Thần thức sẽ nhớ lại những gì đã tu học, đồng thời nhận ra rằng tâm thức của mình chính là luồng hào quang đang chiếu sáng rực kia, và nhận ra rằng mình với pháp thân là một không khác. Thần thức sẽ giác ngộ.

Có những trường hợp thần thức nhận ra ánh sáng của pháp thân không phải ngay trong lần đầu mà là lần thứ hai, thời gian có kéo dài hơn đôi chút. Nhưng nghiệp lực nặng nề có thể làm cho thần thức không thể nhập được.

Khi khí Bát-nhã bắt đầu rời bỏ khí lực của người chết, khi thì bên trái, khi thì bên mặt, tâm thức người chết lại như thức dậy. Như trên đã nói, giai đoạn từ lúc tắt hơi tới lúc này dài ngắn không đều, thông thường là như thời gian một bữa ăn. Thần thức thức dậy, phân vân không rõ mình đã chết hay chưa, và nhìn thấy rõ bà con quyến thuộc đang buồn rầu khóc lóc.

Trong giai đoạn này, khi nghiệp lực chưa gây tác dụng và ma vương chưa ám ảnh, chủ lễ cần tiếp tục khai thị. Tùy theo trình độ tu tập của người chết, nếu trước đây vốn không quen nương vào vị Phật hay Bồ Tát nào thì chủ lễ gọi tên ba lần rồi nhắc lại câu khai thị như trên. Nếu người chết trước đây thường hay quán tưởng đến một vị Phật hay Bồ Tát nào đó thì chủ lễ nhắc nhở như sau:

“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên...), hãy nhất tâm quán tưởng đến đức Phật... (hoặc Bồ Tát, nêu rõ danh xưng của vị ấy, chẳng hạn như Phật A-di-đà, Bồ Tát Quán Thế Âm...). Hãy hình dung ngài đang xuất hiện, không có thực thể, như bóng trăng trong nước, đừng hình dung ngài có sắc thể.”

Với đa số những người bình thường, có thể khai thị như sau:

“Hãy quán tưởng đức Ðại từ Ðại bi Quán Thế Âm Bồ Tát.”

Với cách khai thị này, nếu trong giai đoạn trước không thể nhập được pháp thân, thì giờ đây thần thức có thể nhận rõ ràng được cõi Phật và thể nhập vào.

Nhưng cũng có những người chưa từng tu tập thiền quán, hoặc đã từng có chánh kiến về pháp môn Tịnh độ, nhưng trước khi chết lại bị rơi vào những ý tưởng sai lầm, vì thế phải chịu đọa sanh nơi ác đạo.

Ðối với thần thức, tốt nhất là giác ngộ chân tâm, thể nhập pháp thân ngay sau khi ánh sáng đầu tiên xuất hiện. Không được như thế, thì nếu thần thức thấu hiểu được ánh sáng pháp thân khi xuất hiện lần thứ hai, thần thức cũng đươïc giải thoát. Như đã nói, trong lần này tâm thức bắt đầu tỉnh dậy và tự hỏi mình còn sống hay đã chết. Nếu ở giai đoạn này, thần thức ngộ được pháp thân thì giác ngộ được chân tâm, sẽ khôngbị nghiệp lực xoay chuyển. Như ánh sáng xóa tan đêm tối, nghiệp lực lẽ bị ánh sáng pháp thân xóa sạch, thần thức liễu ngộ. Ánh sáng pháp thân xuất hiện lần thứ hai chính là xuất phát từ thức sáng suốt rỗng rang vô ngại. Thần thức vào lúc đó có khả năng nghe biết như lúc còn sống. Nếu lời khai thị có kết quả, vô minh của nghiệp lực không còn, thần thức sẽ có đủ thần thông để tùy ý biến hiện khắp nơi.

Phương thức này có thể giúp thần thức liễu ngộ trong giai đoạn xuất hiện lần thứ hai của chân tâm. Tuy nhiên, nếu đến đây vẫn không giác ngộ, thần thức sẽ rơi vào thân trung ấm, có thể xem là giai đoạn thứ ba của tiến trình sau khi chết.

2.      Phương thức khai thị cho thân trung ấm

Ðây là giai đoạn mà nghiệp lực sẽ có tác động đến thần thức, cũng được xem là “giai đoạn chuyển tiếp của pháp thân”. Vị chủ lễ cần kiên trì tiếp tục việc khai thị.

a.      Ngày thứ nhất mang thân trung ấm

Vào lúc này, thần thức nhìn thấy rõ bà con quyến thuộc buồn rầu than khóc. Thần thức không còn thọ hưởng thức ăn. Thần thức nhìn thấy người ta thay áo quầncho mình, nhìn thấy giường ngủ của mình bị tháo dỡ đi. Thần thức nhìn thấy những người sống, nhưng họ không nhìn thấy thần thức. Thần thức nghe được người ta gọi tên mình, nhưng họ không nghe được thần thức trả lời. Thần thức cảm nhận một sự bất lực và do đó đau khổ tột độ. Ba yếu tố sau đây trở thành thế giới của thần thức: âm thanh, ánh sáng nhiều màu sắc và những luồng sáng rực rỡ. Thần thức vừa sợ hãi vừa hoang mang.

Vị chủ lễ cần khai thị trong giai đoạn thân trung ấm này bằng cách đọc lên thật rõ ràng như sau:

“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên...), hãy lắng nghe ta và đừng bị lung lạc. Có sáu giai đoạn chuyển tiếp cơ bản trong đời sống: giai đoạn sanh ra, giai đoạn trong giấc mộng, giai đoạn đại định trong thiền quán, giai đoạn ngay trước khi chết, giai đoạn thân trung ấm và giai đoạn thác sanh.

“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên...), ngươi đang trải qua ba giai đoạn: giai đoạn ngay trước khi chết, giai đoạn thân trung ấm và giai đoạn thác sanh. Trong giai đoạn trước hết, ánh sáng pháp thân đã rạng chiếu cho đến ngày hôm qua mà ngươi vẫn chưa thể nhập được, cho nên ngươi còn trầm luân nơi đây. Bây giờ ngươi đang ở hai giai đoạn tiếp theo. Hãy nhất tâm nghe lời khai thị của ta.

“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên...),  cái gọi là sự chết đã tới. Không phải chỉ một mình ngươi rời bỏ thế giới, mà ai ai cũng đều phải chết. Vì vậy, đừng luyến tiếc sự sống này nữa. Dù cho ngươi có tham ái sự sống, ngươi cũng không thể ở lại. Nhưng như thế chỉ khiến cho ngươi phải lưu lạc trong cõi Ta-bà mà thôi. Vì thế, đừng tham ái, đừng luyến tiếc, hãy quán tưởng Tam bảo.

“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên...), dù có những cảnh tượng ghê gớm xảy ra trong lúc ngươi mang thân trung ấm, đừng quên những lời này. Hãy nhớ nghĩ đến ý nghĩa của bài kệ này:

“Ta đang mang thân trung ấm.

Mong sao không sợ sệt.

Cần nhận biết rằng,

Tất cả đều từ chân tâm biến hiện.

Và biết rằng,

Ðó là cảnh tượng của thân trung ấm.

Ðã tới cảnh này rồi,

Ta sẽ không sợ sệt gì cả,

Thiện thần cũng như ác thần.

“Ngươi hãy đọc bài kệ này và hiểu thấu ý nghĩa của nó. Nhất là đừng quên rằng, với tâm vững chắc, tất cả những gì hiện ra dù đáng sợ tới đâu cũng chỉ là tâm thức của chính ngươi biến hiện ra đó thôi.

“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên...), khi thức rời bỏ thân, đó là lúc pháp thân hiện ra, thanh tịnh, sáng suốt. Nhưng cũng khó biết là pháp thân, sáng rực rỡ, sáng đến độ ngươi sẽ sợ hãi, sáng đẹp như một ngày mùa xuân. Ngươi đừng sợ sệt và đừng bị lung lạc. Ðó chính là ánh sáng của Phật tánh trong ngươi, hãy nhận rõ.

“Trong hào quang đó sẽ tuôn ra tiếng ồn ào như sấm dậy. Ðó là âm thanh tự nhiên của pháp thân, đừng sợ sệt, đừng bị lung lạc. Ngươi không còn sắc thân bằng xương bằng thịt nữa, ngươi chỉ có thức, nên dù âm thanh, ánh sáng gì cũng không đụng được tới ngươi, ngươi không thể chết. Chỉ cần nhận rõ rằng, đó chính là tâm thức của ngươi biến hiện ra. Cần biết rằng, ngươi đang ở trong thân trung ấm.

“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên...), nếu ngươi không nhận ra rằng đó chỉ là phản chiếu của tâm thức ngươi, thì dù ngươi thiền định đã bao đời, dù ngươi đã học hỏi những pháp môn gì, ngươi cũng sẽ sanh tâm sợ hãi đối với màu sắc, âm thanh, ánh sáng này, ngươi lại sẽ trầm luân trong cõi Ta-bà.

“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên...), sau bốn ngày rưỡi mê man, ngươi không biết bây giờ mình ở đâu. Hãy biết rằng ngươi đang mang thân trung ấm. Trong thời điểm này, cõi Ta-bà xuất hiện trong dạng Niết-bàn, tất cả đều là ánh sáng và hình ảnh.

“Toàn thể không gian có sắc xanh và Phật Ðại Nhật xuất hiện ở trung tâm. Ngài phát ra hào quang màu trắng, ngồi trên sư tử chúa, tay cầm bánh xe tám nhánh. Ngươi sẽ thấy sắc xanh thuần tịnh của thức uẩn, của tri kiến đúng đắn, thanh tịnh sáng suốt từ thân của Phật Ðại Nhật phát ra như xuyên thủng tim ngươi. Nghiệp ác của ngươi sẽ làm cho ngươi sợ sệt hào quang sắc xanh đó, làm cho ngươi muốn trốn chạy, và nghiêng về ánh sáng màu trắng nhạt của cõi trời.

“Trong lúc này, đừng sợ sệt trước hào quang sắc xanh. Ðó là hào quang trí huệ, hào quang của pháp thân thường trụ. Hãy quy y Phật Ðại Nhật, phát nguyện rằng: ‘Ðây là hào quang, trí huệ sáng suốt của Phật Ðại Nhật, con xin quy y.’ Ðó chính là đức Phật Ðại Nhật từ bi đang tới tiếp dẫn ngươi, không để cho ngươi rơi vào lục đạo.

“Ngươi đừng tha thiết gì tới ánh sáng trắng nhạt của cõi trời, đừng để ánh sáng đó thu hút, đừng nhớ tưởng gì đến. Nếu ngươi đi đến đó, ngươi sẽ lưu lạc trong cõi luân hồi, sẽ chịu khổ sanh tử. Cõi đó sẽ ngăn không cho ngươi vào Tịnh độ. Vì thế, ngươi nên hướng về hào quang sắc xanh và cùng ta đọc bài kệ tán thán Phật Ðại Nhật:

“Vì vô minh con lạc vào cõi Ta-bà,

Trong hào quang chánh tri kiến của Pháp thân,

Phật Ðại Nhật hiện đến tiếp dẫn,

Xin cứu độ con.

Xin tiếp dẫn con về cõi Tịnh độ.”

Ðọc xong bài kệ đó với lòng thành kính, thần thức sẽ được hóa sanh trong cõi Phật Ðại Nhật.

b.      Ngày thứ hai mang thân trung ấm

Nhưng nếu thần thức vì ác niệm căm thù giận giữ và bị nghiệp báo chiêu cảm, thì dù được khai thị thần thức cũng sẽ bỏ đi. Qua ngày thứ hai thần thức đi vào cảnh giới của Phật Bất Ðộng. Vào lúc này, nếu quá mê vọng thần thức có thể sẽ phải sa vào địa ngục. Vị chủ lễ cần gọi tên người chết và khai thị như sau:

“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên...), hãy lắng nghe. Qua ngày thứ hai ngươi sẽ thấy hào quang sắc trắng, đó là biến hiện của yếu tố nước, đồng thời Phật Bất Ðộng của thế giới phương đông xuất hiện. Thân của ngài màu xanh, tay cầm chày kim cương năm nhánh, ngồi trên voi trắng.

“Hào quang sắc trắng của sắc uẩn thuần tịnh, trong sạch, chói chang do chư Phật phát ra như muốn xuyên thủng tim ngươi, mắt ngươi hầu như không chịu nỗi. Ðồng thời ngươi cũng cảm nhận một thứ ánh sáng xám đục của cõi địa ngục mời mọc ngươi. Do ảnh hưởng của ác nghiệp căm thù giận giữ, có thể ngươi sẽ tìm cách xa lánh hào quang sắc trắng của chư Phật và tìm đến ánh sáng xám đục.

“Trong lúc này, hãy nhớ đừng sợ hào quang chói sáng. Phải nhận ra rằng đó là hiện thân của Ðại viên cảnh trí. Hãy quy y Phật Bất Ðộng bằng cách khởi niệm: ‘Ðây là hào quang của Phật Bất Ðộng từ bi, con xin quy y.’ Ðức Phật Bất Ðộng đã hiện đến để tiếp dẫn ngươi, ngươi hãy hướng tới ngài.

“Ðừng tha thiết gì tới ánh sáng xám đục của cõi địa ngục. Ðây là biểu hiện của vô minh trong ngươi, xuất phát từ sự căm ghét. Nếu ngươi tới đó, ngươi sẽ chìm đắm trong đau khổ vô hạn, không có lối ra. Nẻo đường đó sẽ ngăn cản ngươi đi vào Tịnh độ. Ðừng nhớ nghĩ tới nó, chỉ thiết tha mong cầu được thể nhập vào hào quang sắc trắng của đức Phật Bất Ðộng và cùng ta đọc bài kệ:

“Vì sân hận con lạc vào cõi Ta-bà.

Trong hào quang chánh tri kiến của pháp thân,

Phật Bất Ðộng ngự đến tiếp dẫn.

Xin cứu độ con.

Xin tiếp dẫn con về cõi Tịnh độ.”

Ðọc xong bài kệ với lòng thành kính, thần thức sẽ được Phật Bất Ðộng tiếp dẫn về cõi Tịnh độ phương đông.

c.       Ngày thứ ba mang thân trung ấm

Tuy nhiên, vẫn có nhiều thần thức vì quá sân hận, ngã mạn, bị mê vọng che kín, sẽ không nghe theo lời khai thị mà bỏ đi. Những thần thức này qua ngày thứ ba sẽ đi vào cảnh giới của Phật Bảo Sanh. Trong cảnh giới này cũng có cả biểu hiện của cõi người. Vị chủ lễ cần gọi tên người chết và khai thị như sau:

“Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên...), hãy lắng nghe. Qua ngày thứ ba ngươi sẽ thấy một luồng hào quang sắc vàng, đó là biểu hiện của yếu tố đất, đồng thời Phật Bảo Sanh của thế giới phương nam xuất hiện. Thân ngài màu vàng chói, tay cầm thất bảo, ngồi trên mình thiên mã.

“Hào quang sắc vàng của thọ uẩn thuần tịnh, của bình đẳng tánh trí, trong sạch, chói chang hầu như muốn xuyên thủng tim ngươi, mắt ngươi không dám nhìn. Ðồng thời trong hào quang mênh mông sắc vàng đó, một thứ ánh sáng xanh nhạt của cõi người sẽ đến với ngươi. Do ảnh hưởng của ác nghiệp ngã mạn, ngươi sẽ tìm cách xa lánh hào quang sắc vàng và đến với ánh sáng xanh nhạt.

“Trong lúc này, đừng sợ hãi hào quang sắc vàng, phải nhận ra rằng đó là biểu hiện của chánh tri kiến. Hãy giữ cho thức của ngươi yên tĩnh, không có chỗ mong cầu. Hãy nhận ra rằng đó là tướng trạng của chính tâm thức ngươi, hãy thể nhập vào đó và ngươi sẽ giác ngộ. Nếu không nhận ra đó chính là tâm thức ngươi, hãy xin quy y bằng cách phát nguyện rằng: ‘Ðây là hào quang của đức Phật Bảo Sanh từ bi, con xin quy y.’

“Ðừng tha thiết gì tới ánh sánh xanh nhạt của cõi người. Ðó chính là biểu hiện của ngã mạn trong tâm thức ngươi. Nếu rơi vào đó, ngươi sẽ thác sanh vào thế giới con người và chịu cảnh sanh lão bệnh tử, không bao giờ thoát ra được. Nẻo đường đó ngăn cản ngươi sanh về cõi Tịnh độ. Bởi vậy, đừng tha thiết gì tới thứ ánh sáng của ngã mạn, chỉ hết lòng cầu mong được thể nhập vào hào quang sắc vàng của đức Phật Bảo Sanh và cùng ta đọc bài kệ này:

 

“Vì ngã mạn con lạc vào cõi Ta- bà.

Trong hào quang chánh tri kiến của pháp thân,

Phật Bảo Sanh hiện đến tiếp dẫn.

Xin cứu độ con.

Xin tiếp dẫn con về cõi Tịnh độ.”

Sau khi đọc xong bài kệ này với lòng thành kính, thần thức sẽ được sanh về cõi Phật Bảo Sanh ở phương nam.

d.      Ngày thứ tư mang thân trung ấm

Ðược khai thị như trên, dù là thuộc hạng hạ căn thấp trí cũng sẽ được giác ngộ. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp khác do chưa từng gieo trồng căn lành, tạo nhiều nghiệp ác, nên vẫn chưa thể giác ngộ. Do bị nghiệp báo tham ái chiêu cảm, những thần thức ấy sẽ bỏ đi. Qua đến ngày thứ tư, những thần thức này sẽ đi vào cảnh giới của Phật A-di-đà. Trong cảnh giới này cũng có cả dấu hiệu của cõi ngạ quỷ, biểu hiện của lòng tham. Vị chủ lễ cần gọi tên người chết và khai thị như sau:

“ Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Qua ngày thứ tư ngươi sẽ thấy một luồng hào quang sắc đỏ, đó là biểu hiện của yếu tố lửa, đồng thời Phật A-di-đà của thế giới phương tây xuất hiện. Thân ngài màu đỏ, tay cầm hoa sen, ngồi trên thần điểu.

“Hào quang sắc đỏ của tưởng uẩn thuần tịnh, của Diệu quán sát trí, trong sạch, chói chang, hầu như muốn xuyên thủng tim ngươi, mắt ngươi không dám nhìn. Ðồng thời, ngoài những hào quang mênh mông sắc đỏ ấy, một thứ ánh sáng vành nhạt của cõi ngạ quỷ cũng sẽ đến với ngươi. Do ảnh hưởng của ác nghiệp tham lam, ngươi sẽ tìm cách xa lánh hào quang sắc đỏ và đến với ánh sáng vàng nhạt. Trong lúc này, đừng sợ hãi hào quang sắc đỏ, phải nhận ra rằng đó chính là biểu hiện của chánh tri kiến. Hãy giữ cho thức của ngươi yên tịnh, không có chỗ mong cầu. Hãy nhận ra rằng đó là tướng trạng của chính tâm thức ngươi, hãy thể nhập vào đó và ngươi sẽ giác ngộ. Nếu không nhận ra đó chính là tâm thức của ngươi, hãy xin quy y bằng cách phát nguyện rằng: ‘Ðây là hào quang của đức Phật A-di-đà từ bi, con xin quy y.’ Ðừng sợ hãi, đừng bỏ đi!

“Ðừng tha thiết gì tới ánh sáng vàng nhạt của cõi ngạ quỷ. Ðó chính là biểu hiện của sự tham lam trong tâm thức ngươi. Nếu rơi vào đó, ngưoi sẽ thác sanh vào thế giới ngạ quỷ và chịu cảnh đói khát khủng khiếp, không bao giờ thoát ra được. Nẻo đường đó ngăn cản ngươi thác sanh về cõi Tịnh độ. Bởi vậy, đừng tha thiết gì tới thứ ánh sáng của tham ái, chỉ hết lòng cầu mong được thể nhập vào hào quang sắc đỏ của đức Phật A-di-đà và cùng ta đọc bài kệ này:

“Vì tham ái con lạc vào cõi Ta-bà.

Trong hào quang chánh tri kiến của pháp thân

Phật A-di-đà hiện đến tiếp dẫn.

Xin cứu độ con.

Xin tiếp dẫn con về cõi Tịnh độ.”

Ðọc xong bài kện đó với lòng thành kính, thần thức sẽ được sanh về cõi Phật A-di-đà ở phương tây.

e.      Ngày thứ năm mang thân trung ấm

Ðược khai thị như trên, phần lớn thần thức đều sẽ giác ngộ. Tuy nhiên, còn có những người vì ác nghiệp nhiều đời nên sanh tâm sợ hãi đối với hào quang chư  Phật. Thần thức của những người này lạc qua ngày thứ năm của thân trung ấm, và đi vào cảnh giới của Phật Bất Không Thành Tựu. Trong cảnh giới này còn có yếu tố của a-tu-la, biểu hiện của tật đố, ganh ghét. Vị chủ lễ cần gọi tên người chết và khai thị như sau:

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Qua ngày thứ năm ngươi sẽ thấy một luồng hào quang sắc xanh lục, đó là biểu hiện của yếu tố gió, đồng thời Phật Bất Không Thành Tựu của thế giới phương bắc hiện đến. Thân ngài màu xanh lục, tay cầm chày kim cương, ngồi trên thần điểu Ca-lâu-la.

“Hào quang màu xanh lục của hành uẩn thuần tịnh, của Thành sở tác trí, trong sạch, chói chang hầu như muốn xuyên thủng tim ngươi, mắt ngươi không dám nhìn. Ðừng sợ hãi, đó chẳng qua là tâm thức ngươi biến hiện ra đó thôi. Vì vậy hãy cố giữ tâm vô niệm, không xa không gần, không yêu không ghét. Ðồng thời, bên cạnh hào quang sắc lục đó, hiện ra một thứ ánh sáng đỏ nhạt của a-tu-la, biểu hiện của tật đố, ganh tị. Hãy quán xét về yêu ghét, và nhận ra rằng chúng không sai khác. Nếu không hiểu rõ điều này, ngươi sẽ bị ánh sáng a-tu-la thu hút.

“Trong thời điểm này, do ảnh hưởng của tâm ganh tị, ngươi sẽ sanh lòng sợ hãi đối với luồng hào quang màu xanh lục và hướng về ánh sáng đỏ nhạt của a-tu-la. Ðừng sợ sệt luồng hào quang này, hãy nhận ra rằng đó chính là trí huệ. Hãy giữ tâm thức bình tĩnh và phát nguyện rằng: ‘Ðây là hào quang của đức Phật Bất Không Thành Tựu, con xin quy y.’ Ðó chính là hào quang của Thành sở tác trí, hãy nương vào đó và đừng trốn chạy.

“Ðừng tha thiết gì tới ánh sáng đỏ nhạt của a-tu-la. Ðó chính là biểu hiện của tật đố, ganh tị trong tâm thức ngươi. Nếu rơi vào đó, ngươi sẽ thác sanh vào thế giới a-tu-la và luôn luôn đấu tranh giành giật. Nẻo đường đó ngăn cản ngươi sanh về cõi Tịnh độ. Bởi vậy, đừng tha thiết gì tới thứ ánh sáng của a-tu-la, chỉ hết lòng cầu mong được thể nhập vào hào quang sắc xanh lục của đức Phật Bất Không Thành Tựu và cùng ta đọc bài kệ này:

“Vì tật đố ganh tị con lạc vào cõi Ta-bà.

Trong hào quang chánh tri kiến của pháp thân,

Phật Bất Không hiện đến tiếp dẫn.

Xin cứu độ con.

Xin tiếp dẫn con về cõi Tịnh độ.”

Ðọc xong bài kệ này với lòng thành kính, thần thức sẽ được sanh về cõi Phật Bất Không Thành Tựu ở phương bắc.

f.        Ngày thứ sáu mang thân trung ấm

Sau nhiều lần khai thị, cho dù không có nhiều thiện nghiệp, thần thức vẫn chắc chắn sẽ được giác ngộ. Tuy nhiên, với những người chưa từng được nghe biết đến Phật, sẽ sợ hãi và hoang mang, nên phải tiếp tục trầm luân. Thần thức của những người này qua ngày thứ sáu sẽ thấy năm vị Phật của năm cõi cùng xuất hiện, đồng thời với những ánh sáng biểu hiện của lục đạo.

Lúc này, vị chủ lễ gọi tên người chết và khai thị như sau:

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Ngươi đã được khai thị năm lần qua năm ánh hào quang của chư Phật, mà vẫn bị mê vọng lôi kéo nên còn ở nơi đây. Nếu ngươi nhận ra những luồng hào quang đó chính là trí huệ của ngươi biến hiện ra thì ngươi đã an trú trong chánh niệm và đã được giải thoát. Nhưng vì không nhận rõ như thế nên ngươi vẫn còn phải trôi nổi. Giờ đây, ngươi hãy lắng nghe.

“Lúc này, năm uẩn[5] và bốn trí[6] cùng xuất hiện để tiếp dẫn ngươi. Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), bốn luồng hào quang do tứ đại biến hiện, cùng với đức Phật Ðại Nhật ở trung tâm, đức Phật Bất Ðộng ở phương đông, đức Phật Bảo Sanh ở phương nam, đức Phật A-di-đà ở phương tây và đức Phật Bất Không Thành Tựu ở phương bắc đều xuất hiện.

“Tiếp theo, ngươi sẽ thấy bốn mươi hai vị thiện thần xuất hiện, hãy nhận rõ rằng các vị đó xuất phát từ trái tim ngươi, là biến hiện của chính tâm thức ngươi.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), những cảnh giới này không gì khác hơn mà chính là bốn cõi trong tâm, cùng với cõi trung tâm tạo thành năm cõi, từ trong tâm ngươi biến hiện ra trước mắt ngươi. Mọi hình ảnh không từ đâu đến, chỉ hoàn toàn do tâm thức ngươi biến hiện. Hãy nhớ rõ điều đó.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), những hình ảnh đó vô cùng diệu dụng, không ngăn ngại, cản trở nhau. Mỗi cõi đều có báu vật riêng, có màu sắc riêng, có sắc thái riêng, có quyến thuộc riêng. Toàn bộ Mạn-đà-la này gồm có năm cõi sẽ xuất hiện đầy đủ. Hãy nhận ra đó là các vị hộ pháp của chính ngươi.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), từ trái tim chư Phật chiếu ra bốn luồng hào quang của bốn trí, rất rực rỡ, như ánh mặt trời.

“Trước hết, đó là Phật trí. Một luồng hào quang trắng từ Phật Ðại Nhật chiếu sáng ra. Trong luồng hào quang đó hiện ra vô số ánh sáng trắng, không trung tâm, không biên độ.

“Từ nơi đức Phật Bất Ðộng, hào quang màu xanh của Ðại viên cảnh trí phát ra như một vòng sáng xanh biếc. Từ nơi đức Phật Bảo Sanh, hào quang sắc vàng của Bình đẳng tánh trí hiện ra như một cái đĩa vàng. Từ nơi đức Phật A-di-đà, hào quang sắc đỏ của Diệu quán sát trí hiện ra, không trung tâm, không biên độ. Các hào quang đó sẽ chiếu thấu tim ngươi.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), các hào quang đó thật ra cũng xuất phát từ tâm thức của ngươi, không từ đâu đến, vì vậy đừng lo sợ, cứ giữ mình trong vô niệm. Như thế, các hình ảnh và hào quang đó sẽ thể nhập vào ngươi, và ngươi sẽ giác ngộ.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hào quang sắc lục của Thành sở tác trí không xuất hiện, vì ngươi chưa đạt nổi năng lực của trí này.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ),  đây là cảnh tượng bốn trí huệ xuất hiện. Hãy nhớ lại những gì đã học hỏi về bốn trí này, nhớ lại nghĩa lý của nó, ngươi sẽ phát sanh lòng tin nơi những gì đã học, sẽ nhận ra, như mẹ gặp con, như bạn hữu lâu ngày gặp nhau, như dứt bỏ được một nghi vấn, ngươi sẽ nhận ra đó chính là tâm thức ngươi biến hiện ra. Ngươi sẽ đi trên đường chánh đạo, sẽ đạt được thiền định và sẽ thác sanh trong cảnh giới chư Phật, không còn sanh tử.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), xuất hiện đồng thời với hào quang của bốn trí là những ánh sáng vô minh của lục đạo: ánh sáng trắng nhạt của cõi trời, ánh sáng đỏ nhạt của cõi a-tu-la, xanh nhạt của cõi người, xanh lục nhạt của cõi súc sanh, vàng nhạt của cõi ngạ quỷ và xám nhạt của địa ngục. Ðừng bị các thứ ánh sáng đó lôi kéo, hãy giữ mình trong vô niệm. Nếu ngươi sợ hãi hào quang của bốn trí và bị những ánh sáng của lục đạo lôi kéo, ngươi sẽ thác sanh vào một trong sáu cõi, sẽ trầm luân mãi mãi trong luân hồi, không bao giờ thoát được.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), nếu không được minh sư khai thị, ngươi sẽ sợ sệt hào quang của bốn trí và bị lôi cuốn vào cõi luân hồi. Hãy thận trọng quán tưởng như sau: ‘Hào quang của bốn trí, của chư Phật từ bi đang đến tiếp dẫn con, con xin quy y.’

“Ðừng để bị ánh sáng của lục đạo lôi kéo, hãy cùng ta đọc bài kệ này:

“Vì năm thứ dục vọng con lạc vào cõi Ta-bà.

Trong hào quang của bốn trí hợp lại,

Cầu xin năm vị Phật,

Chư Bồ Tát hiện đến tiếp dẫn.

Cứu độ con khỏi rơi vào sáu nẻo vô minh.

Xin cứu độ con.

Xin tiếp dẫn con vào cõi Tịnh độ.”

Khi đọc xong bài kệ này, thần thức sẽ nhận ra thức mình. Và với tâm nhất nguyên, thần thức sẽ được giải thoát. Có nhiều người nhờ hết lòng quy y sẽ được giác ngộ, ngay cả những người hạ căn thấp trí cũng nhờ sự nhất tâm niệm Phật mà không bị tái sanh trong cõi Ta-bà và được siêu thoát.

g.      Ngày thứ bảy mang thân trung ấm

Nhờ sự khai thị rõ ràng như trên, rất nhiều chúng sanh đã được giác ngộ.

Tuy thế, vẫn còn có nhiều người, hoặc vì chưa bao giờ nghe pháp, hoặc vì đã từng tạo quá nhiều ác nghiệp, bị nghiệp lực lôi kéo, bị vô minh che phủ, nên không nhận được những lời khai thị và bỏ đi. Qua ngày thứ bảy, thần thức của những người này sẽ đến cảnh giới của Phật Minh Trì. Nơi đây đồng thời cũng có ánh sáng của cõi súc sanh, biến hiện của vô minh. Vị chủ lễ nên gọi tên người chết và khai thị như sau:

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Ngày thứ bảy ngươi sẽ thấy hiện ra một hào quang năm sắc, đó là biến hiện của yếu tố không. Ðức Phật Minh Trì hiện ra ở trung tâm, thân ngài có màu ngũ sắc, quyến thuộc của ngài cũng xuất hiện, trông rất đáng sợ. Từ bốn phương đông, tây, nam, bắc, đức Phật Minh Trì xuất hiện dưới bốn dạng khác nhau, có lúc hiền từ, có lúc giận giữ, và trong hào quang của ngài cũng hiện ra vô số các vị Bồ Tát, thiên tướng, hộ pháp... cũng như những hình ảnh có khi hiền từ, có khi đáng sợ.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hào quang đó phát ra từ tâm thức của ngươi, năm sắc chói chang, sáng rực rỡ, như muốn xuyên thủng tim ngươi, làm mắt ngươi không dám nhìn. Ðồng thời ánh sáng mờ mờ màu lục nhạt của cõi súc sanh bắt đầu chiếu đến. Do ảnh hưởng của nghiệp báo, người có thể bị ánh sáng ấy thu hút. Trong giai đoạn này, đừng sợ sệt hào quang ngũ sắc, hãy nhận rằng đó là biểu hiện của chánh tri kiến.

“Từ trong hào quang năm sắc đó sẽ xuất hiện rất nhiều tiếng ồn ào như sấm dậy, như tiếng vũ khí chạm nhau, nghe rất ghê sợ. Nhưng đừng sợ sệt, đừng bỏ chạy. Hãy nhận ra đó chính là tâm thức ngươi biến hiện. Ðừng bị ánh sáng của cõi súc sanh thu hút. Một khi sa vào đó, ngươi sẽ bị vô minh vây phủ, không có ý thức, câm nín, làm nô lệ, không bao giờ thoát được.

“Hãy hướng về hào quang năm sắc của đức Phật Minh Trì và khởi niệm như thế này: ‘Ðức Phật Minh Trì cùng quyến thuộc đang đến tiếp dẫn con vào cõi không. Cũng như những chúng sanh khác, vì chưa trồng căn lành, chưa được tiếp độ, mặc dù đã được năm vị Phật hiện đến tiếp dẫn. Con xin các vị Phật ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai cứu độ con và vô lượng chúng sanh. Lạy đức Phật Minh Trì, xin đừng để con phải thối chuyển, xin hãy cứu độ con vào cõi không, cõi Tịnh độ.’

“Hãy nhất tâm cùng ta đọc bài kệ sau đây:

“Cầu mong đức Phật Minh Trì từ bi cứu độ.

Vì ác nghiệp con lạc vào cõi Ta-bà.

Trong hào quang của chánh tri kiến,

Cầu mong đức Phật Minh Trì,

Cùng quyến thuộc đến tiếp dẫn.

Xin cứu độ con.

Xin tiếp dẫn con vào cõi Tịnh độ.”

Khi đọc xong bài kệ này với tâm thành kính, thần thức sẽ thể nhập trong hào quang đức Phật Minh Trì và vãng sanh về thế giới Tịnh độ của ngài, không còn nghi ngờ gì.

Tới đây chấm dứt phần khai thị cho thần thức trong giai đoạn ngay trước khi chếtgiai đoạn chuyển tiếp trong thân trung ấm, lúc mà các ác thần chưa xuất hiện.

3.      Khi các ác thần xuất hiện

Tới đây, thần thức đã trải qua tổng cộng bảy giai đoạn, với sự xuất hiện của chư Phật và các vị thiện thần. Với phương thức khai thị như trên trong mỗi giai đoạn, vô số chúng sanh đã được giải thoát. Mặc dù vậy, số lượng chúng sanh bị vô minh che lấp, bị nghiệp lực lôi kéo, vẫn còn rất lớn. Vô minh và nghiệp báo làm điều kiện cho nhau, khiến cho thần thức phải trầm luân mãi mãi.

Sau khi đã gặp các vị thiện thần, được thấy Phật Minh Trì và quyến thuộc, thần thức sẽ đến giai đoạn nhìn thấy xuất hiện 58 vị ác thần, mình đầy lửa, miệng hút máu. Ðây là biến dạng của các vị thiện thần. Khi gặp các ác thần, thần thức vô cùng sợ hãi, nên lại càng không nhận ra. Trong lúc này, thần thức tập trung cao độ vì căng thẳng.

Trong hoàn cảnh này, đối với người không được nghe pháp thì dù có một biển tri thức cũng không giúp ích được gì. Ngay cả những bậc thầy đã từng tu tập cũng có thể sẽ mù quáng và không biết là mình đang sắp lạc vào cõi luân hồi. Thông thường, thần thức trong giai đoạn này càng thấy sợ hãi hơn, nên phải đọa vào ác đạo và chịu khổ đau. Tuy nhiên, những người đã từng tu tập Mật tông sẽ có thể nhận ra được rằng các vị ác thần đó chính là những Bồ Tát bảo hộ cho mình. Vì thế, giống như người gặp lại bạn cũ đã lâu ngày, người ấy sẽ tin tưởng ngay vào các ác thần, thể nhập vào đó và được giải thoát. Sở dĩ như thế là vì những người tu tập Mật tông vốn đã thấy hình ảnh các vị ác thần này từ lúc còn sống, và khi hình ảnh của các vị xuất hiện, họ có thể nhận ra được ngay.

Ðối với những người không hiểu được bản chất thực sự của hình ảnh các vị ác thần, sẽ hốt nhiên thấy những hình ảnh đó rất dữ tợn, tưởng rằng đó là kẻ thù của mình nên khởi niệm căm thù, và kết quả là đọa vào các nẻo ác.

Người đã từng tu tập và tạo nhiều thiện nghiệp, thường thì vừa tắt hơi thở đã thấy chư Phật hiện đến tiếp dẫn vào cõi Tịnh độ, đầy ngũ sắc, thiên nhạc, ánh sáng. Nhục thân của những vị ấy sẽ để lại xá lợi.

Nếu thần thức ngộ được tâm thức mình ngay trước khi chết, thần thức sẽ thể nhập vào pháp thân thường trú. Nếu ngộ được tâm thức mình trong giai đoạn mang thân trung ấm, thần thức sẽ thể nhập cõi Tịnh độ của chư Phật. Nếu ngộ được tâm thức trong giai đoạn đầu thai, thần thức sẽ gặp được pháp môn này trong đời sống tiếp sau đó.

Ðây là một pháp môn vi diệu, chỉ cần nghe tới đã có thể từ bỏ vô minh, trong một niệm đã chứng giác ngộ, không rơi trở lại các đường ác.

a.      Ngày thứ tám mang thân trung ấm

Khi đến giai đoạn các vị ác thần xuất hiện, chủ lễ gọi tên người chết ba lần rồi tiếp tục khai thị như sau:

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Mặc dù các vị thiện thần đã hiện ra, nhưng ngươi vẫn chưa nhận rõ nên còn trôi nổi đến đây. Hôm nay là ngày thứ tám, các vị ác thần hiện ra. Ngươi hãy nhận rõ.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), đức Phật Hoạt Bi[7] hiện rõ trước mắt ngươi. Thân của Ngài màu đỏ sậm, có ba đầu sáu tay, bốn chân dạng ra. Ðầu bên phải màu trắng, bên trái màu đỏ, ở giữa màu đỏ thẩm. Thân ngài như có lửa bốc ra, răng bóng loáng như đồng, miệng cười phát ra những âm thanh ‘a la la’, ‘ha ha’ và ‘su hu’. Tóc ngài màu đỏ, dựng ngược, mình đầy đầu lâu, rắn rết. Sáu tay của ngài cầm các món: bánh xe, giáo mác, kiếm sắc, chuông đồng, lưỡi cày và đầu lâu.

“Ðừng sợ hãi, đừng tán loạn. Ðó chính là biến hiện của tâm thức ngươi. Thực ra, đây cũng chính là đức Phật Ðại Nhật biến hiện ra. Nhận hiểu được như thế, ngươi sẽ giải thoát.”

Một khi biết rõ như vậy, thần thức sẽ thể nhập vào tâm thức mình và sanh về cõi Tịnh độ.

b.      Ngày thứ chín mang thân trung ấm

Mặt khác, nếu sợ sệt và chaïy trốn, qua ngày thứ chín thần thức sẽ thấy xuất hiện cõi Kim Cương[8] trước mặt. Chủ lễ gọi tên người chết rồi khai thị như sau:

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Hôm nay là ngày thứ chín, Phật Hoạt Bi Kim Cương[9] sẽ hiện rõ trước mắt ngươi. Thân của ngài màu xanh đậm, có ba đầu sáu tay, bốn chân dạng ra. Ðầu bên phải màu trắng, bên trái màu xanh, ở giữa màu đỏ thẩm. Sáu tay ngài cầm các món: chày kim cương, sọ người, giáo mác, chuông đồng và lưỡi cày.

“Ðừng sợ hãi, đừng tán loạn. Ðó chính là biến hiện của tâm thức ngươi. Thực ra, đây chính  là đức Phật Bất Ðộng biến hiện ra. Nhận hiểu được như thế, ngươi sẽ giải thoát.”

Một khi biết rõ như vậy, thần thức sẽ thể nhập vào tâm thức mình và sanh về cõi Tịnh độ.

c.       Ngày thứ mười mang thân trung ấm

Tuy thế, cũng có nhiều chúng sanh vì ác nghiệp nặng nề nên sợ sệt và chạy trốn. Thần thức của những chúng sanh ấy, qua ngày thứ mười sẽ thấy xuất hiện cõi Bảo Sanh trước mặt. Chủ lễ gọi tên người chết rồi khai thị như sau:

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Qua ngày thứ mười, Phật Hoạt Bi Bảo Sanh[10] sẽ hiện rõ trước mắt ngươi. Thân của ngài vàng sậm, có ba đầu sáu tay, bốn chân dạng ra. Ðầu bên phải màu trắng, beân trái màu đỏ, ở giữa màu vàng sậm. Sáu tay ngày cầm các món: bảo vật, khí giới, thịt người, chuông đồng và đầu lâu.

“Ðừng sợ hãi, đừng tán loạn. Ðó chính là biến hiện của tâm thức ngươi. Thực ra, đây chính là đức Phật Bảo Sanh biến hiện ra. Nhận hiểu được như thế, ngươi sẽ giải thoát.”

Một khi biết rõ như vậy, thần thức sẽ thể nhập vào tâm thức mình và sanh về cõi Tịnh độ.

d.      Ngày thứ mười một mang thân trung ấm

Nhưng dù được khai thị như trên, vẫn có những thần thức bị nghiệp lực lôi kéo nên không nhận ra tâm thức của mình. Qua ngày thứ mười một, những thần thức này sẽ thấy xuất hiện cõi Liên Hoa[11] trước mặt. Chủ lễ gọi tên người chết rồi khai thị như sau:

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Hôm nay là ngày thứ mười một, đức Phật Hoạt Bi Liên Hoa[12] sẽ hiện rõ trước mắt ngươi. Thân của ngài màu đỏ sậm, có ba đầu sáu tay, bốn chân dạng ra. Ðầu bên phải màu trắng, bên trái màu xanh, ở giữa màu đỏ sậm. Sáu tay ngày cầm các món: hoa sen, đinh ba, chùy sắt, chuông đồng, đầu lâu và trống nhỏ.

“Ðừng sợ hãi, đừng tán loạn. Ðó chính là biến hiện của tâm thức ngươi. Thực ra, đây chính là đức Phật A-di-đà biến hiện ra. Nhận hiểu được như thế, ngươi sẽ giải thoát.”

Một khi biết rõ như vậy, thần thức sẽ thể nhập vào tâm thức mình và sanh về cõi Tịnh độ.

e.      Ngày thứ mười hai mang thân trung ấm

Dù được khai thị nhiều lần như trên, vẫn có những thần thức bị nghiệp lực lôi kéo nên không nhận ra tâm thức của mình. Qua ngày thứ mười hai, những thần thức này sẽ thấy xuất hiện cõi Nghiệp Thức[13] trước mắt với vô số quỷ thần. Chủ lễ gọi tên người chết rồi khai thị như sau:

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Qua ngày thứ mười hai, đức Phật Hoạt Bi Nghiệp Thức[14] sẽ hiện rõ trước mắt ngươi. Thân của ngài màu lục sậm, có ba đầu sáu tay, bốn chân dạng ra. Ðầu bên phải màu trắng, bên trái màu đỏ, ở giữa màu lục sậm. Sáu tay của ngài cầm các món: gươm, đinh ba, chùy sắt, chuông đồng, đầu lâu và lưỡi cày.

“Ðừng sợ hãi, đừng tán loạn. Ðó chính là biến hiện của tâm thức ngươi. Thực ra, đây chính là đức Phật Bất Không Thành Tựu biến hiện ra. Nhận hiểu được như thế, ngươi sẽ giải thoát.”

Một khi biết rõ được như vậy, thần thức sẽ thể nhập vào tâm thức mình và sanh về cõi Tịnh độ.

Nhờ được nghe những lời khai thị như trên, thần thức sẽ có thể nhận rõ được mọi cảnh tượng mình trông thấy đều chính là do tâm thức biến hiện, và do đó được giải thoát.

Như có người thấy một con sư tử nhồi bông, sanh tâm sợ hãi. Nếu có ai chỉ rõ cho biết đó chỉ là một con thú nhồi bông, người ấy sẽ không còn sợ hãi. Ở đây cũng thế, tâm thức biến hiện ra những hình tù dữ tợn, choáng hết cả không gian, nhưng nếu nhận ra được đó chính là tâm thức của mình, như mẹ gặp con, như người quen biết lâu ngày gặp lại nhau, thần thức sẽ giải thoát.

Nếu không hiểu được những lời khai thị này, dù một người có thiện nghiệp cũng có thể sợ hãi và đi vào cõi luân hồi.

f.        Ngày thứ mười ba mang thân trung ấm

Ðến đây, nếu vẫn chưa nhận được tâm thức của mình, thần thức sẽ nhìn thấy tám loại ác thần với các hình dạng khác nhau xuất hiện trước mắt. Chủ lễ cần gọi tên người chết và khai thị như sau:

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Hôm nay là ngày thứ mười ba, tám vị ác thần đang hiện ra trước mắt ngươi. Ðừng sợ hãi.

“Từ phương đông, ác thần màu trắng xuất hiện, tay trái ôm xác chết, tay phải cầm đầu lâu. Ðừng sợ hãi.

“Từ phương nam, ác thần màu vàng xuất hiện, tay cầm cung tên.

“Từ phương tây, ác thần màu đỏ xuất hiện, tay cầm da cá sấu.[15]

“Từ phương bắc, ác thần màu đen xuất hiện, tay cầm chày kim cương và đầu lâu.

“Từ phương đông nam, ác thần màu da cam ăn thịt người xuất hiện.

“Từ phương tây nam, ác thần màu lục uống máu người xuất hiện.

“Từ phương tây bắc, ác thần màu vàng ăn thịt người xuất hiện.

“Từ phương đông bắc, ác thần màu xanh ăn thịt người xuất hiện.

“Tất cả các ác thần, tụ tập quanh năm vị thần đã nói ở trên[16] đều xuất hiện rất rõ ràng trước mắt ngươi. Ðừng sợ hãi.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Sau các vị ác thần đó, sẽ đến các loài quỷ thần mặt thú hiện ra.

“Từ phía đông, xuất hiện vị thần màu đỏ, đầu sư tử, tay cầm xác người.

“Từ phía nam, xuất hiện vị thần màu đỏ, đầu cọp, tay dài chỉ xuống chấm đất.

“Từ phía tây, xuất hiện vị thần màu đen, đầu chó sói, tay cầm lưỡi dao và thịt người.

“Từ phía bắc, xuất hiện vị thần màu xanh thẩm, đầu chó sói, ăn thịt người.

“Từ phía đông nam, xuất hiện vị thần màu vàng, đầu kên kên, mang trên vai xác chết, tay cầm xương khô.

“Từ phía tây nam, xuất hiện vị thần màu đỏ sậm, đầu chim ó, mang trên vai da người.

“Từ phía tây bắc, xuất hiện vị thần màu đen, đầu chim quạ, tay cầm đầu lâu và lưỡi kiếm, ăn thịt người.

“Từ phía đông bắc, xuất hiện vị thần màu xanh thẩm, đầu chim cú, tay cầm chày kim cương và lưỡi kiếm.

“Tám vị quỷ thần này, tụ tập quanh năm vị thần nói ở trên, cùng hiện rõ trước mắt ngươi.

“Ðừng sợ hãi, đừng tán loạn. Ðó chính là biến hiện của tâm thức ngươi. Nhận hiểu được như thế, ngươi sẽ giải thoát.”

g.      Ngày thứ mười bốn mang thân trung ấm

Cho đến lúc này, nếu thần thức vẫn chưa nhận ra được tâm thức của chính mình, chủ lễ cần tiếp tục khai thị như sau:

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hôm nay là ngày thứ mười bốn, sẽ có bốn vị hộ pháp hiện rõ trước mắt ngươi, hãy nhận ra.

“Từ phía đông, xuất hiện vị hộ pháp màu trắng, đầu cọp, tay cầm đầu lâu.

“Từ phía nam, xuất hiện vị hộ pháp màu vàng, đầu heo, tay cầm thòng lọng.

“Từ phía tây, xuất hiện vị hộ pháp màu đỏ, đầu sư tử, tay cầm dây sắt.

“Từ phía bắc, xuất hiện vị hộ pháp màu xanh lục, đầu rắn, tay cầm chuông đồng.

“Hãy nhận ra các vị đó là hộ pháp hiện đến bảo hộ cho ngươi.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), sau ba mươi vị ác thần kể trên, sẽ có hai mươi tám vị khác tiếp tục xuất hiện, đầu mình khác nhau, tay cầm các món đồ khác nhau. Ðừng sợ hãi. Bất cứ cảnh tượng gì hiện ra, đều là sự biến hiện của tâm thức ngươi. Ðây là lúc quyết định, hãy nhớ những lời khai thị của các vị đạo sư.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), pháp thân thường trụ xuất hiện dưới dạng thiện thần từ một phần của tánh không Bát-nhã, hãy nhận ra. Cõi Tịnh độ đã xuất hiện dưới dạng ác thần, từ một phần của hào quang chư Phật hãy nhận ra. Khi ngươi ngộ được rằng năm mươi tám vị ác thần vốn xuất phát từ tâm tưởng của ngươi, và hiểu rằng mọi cảnh tượng đều là xuất phát từ tâm thức ngươi, thì lập tức ngươi sẽ được giải thoát thể nhập vào Phật tánh.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), nếu ngươi không thấu hiểu điều đó, ngươi sẽ sợ hãi và trốn chạy, và tiếp tục chịu trầm luân khốn khổ. Không nhận ra điều đó, các ác thần đối với ngươi là thần chết, ngươi sẽ bỏ trốn, thậm chí bất tỉnh, ngươi sẽ tiếp tục trôi lăn trong cõi luân hồi. Nếu ngươi bình tĩnh, không bị những cảnh tượng đó lôi kéo cũng như không sợ hãi chúng, ngươi sẽ thoát khỏi luân hồi.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), thân thể lớn nhất của các vị thiện và ác thần to lớn như bầu trời, thân trung bình như núi Tu-di và thân nhỏ nhất cũng bằng mười tám thân người hợp lại. Ðừng sợ hãi. Tất cả hiện ra dưới dạng ánh sáng và hình ảnh. Ngươi chỉ cần hiểu đó chính là hào quang của tâm thức ngươi tỏa ra, hào quang đó sẽ thể nhập với những ánh sáng và hình ảnh, ngươi sẽ giác ngộ và được giải thoát. Hãy nhớ thế!

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), đừng sợ sệt bất cứ cảnh tượng gì mà ngươi nhìn thấy. Hiện nay ngươi chỉ có tâm thức với những khuynh hướng mà ngươi không tự ý thức hết, ngoài ra không có gì khác cả. Dù cho ngươi có bị treo cổ, bị hành quyết, ngươi cũng không thể chết. Trong thực tế, ngươi đang ở trong dạng tự nhiên nhất của tánh không, ngươi không phải sợ sệt gì cả. Ngay cả thần chết cũng xuất phát từ tâm thức ngươi, không có thực chất. “Cái không” không thể nào hủy diệt “cái không”. Ngươi có thể tin chắc cùng ta rằng: Tất cả thiện thần, ác thần đều không có thực thể, các vị đó xuất phát từ tâm thức của ngươi. Chỉ cần thấu hiểu như thế, ngươi sẽ giác ngộ giải thoát. Hãy tha thiết quán tưởng đến Tam bảo, hãy quy y Tam bảo. Hãy quán tưởng các vị Phật, Bồ Tát, các bậc đạo sư và tự nhủ: ‘Con đang ở giai đoạn chuyển tiếp, xin các ngài hãy cứu độ con.’

“Và hãy cùng ta đọc bài kệ này:

 

“Phải chăng chỉ vì vô minh,

Con phải trầm luân trong cõi Ta-bà?

Trong hào quang chiếu sáng,

Con dứt hết mọi nỗi sợ hãi.

 

Cầu mong các vị thiện thần, ác thần,

Hãy cứu độ con.

Hãy tiếp dẫn con vào cõi Phật.

 

Xa bạn bè thân yêu,

Con đang du hành đơn độc.

Tâm thức con biến hiện,

Thành những hình ảnh trống rỗng.

 

Cầu mong chư Phật đại bi,

Giúp con dứt hết mọi nỗi sợ hãi.

Hào quang của các trí chiếu hiện,

Cầu mong con sẽ nhận biết được,

Không sợ hãi!

Khi thiện thần, ác thần xuất hiện,

Cầu mong con sẽ nhận biết được,

Không sợ hãi!

Phải chăng con khổ đau vì ác nghiệp?

Cầu mong tâm thức con sẽ xóa sạch khổ đau.

Pháp âm rền vang như sấm dậy.

Cầu mong sẽ biến thành sáu âm[17] huyền diệu.

 

Nếu bị nghiệp lực lôi kéo,

Biết đâu là nơi an trú?

Cầu mong chư Phật đại bi

Giúp con an trú.

 

Nếu bị nghiệp lực lôi kéo,

Biết bao điều khổ đau!

Cầu mong con đạt được,

Ðại định trong hỷ lạc và chánh kiến.

 

Cầu mong năm yếu tố,[18]

Sẽ không trở thành thù nghịch.

Cầu mong con thấy được năm cõi Tịnh độ.

 

“Hãy đọc bài kệ này với lòng tin tưởng. Tất cả mọi nỗi sợ hãi sẽ biến mất và ngươi sẽ giác ngộ giải thoát, sanh về cõi Tịnh độ. Hãy nhớ kỹ, đừng để bị lung lạc.”

4.      Phần lưu ý đối với người sống

Chủ lễ cần đọc luận này ít nhất ba lần hoặc bảy lần. Dù cho ác nghiệp nặng nề đến đâu, thần thức cũng có cơ may được giải thoát khi lắng nghe luận này, nhờ nhận biết được tâm thức mình. Nếu thần thức nào không nhận ra sẽ phải tiếp tục bước sang giai đoạn thứ ba, tức là giai đoạn tái sanh trong cõi luân hồi. Ngay cả trong những trường hợp này, vị chủ lễ vẫn cần phải tiếp tục khai thị cho thần thức theo như sẽ trình bày ở phần tiếp theo của luận này.

Ða số con người, khi còn sống dù đã có được khả năng tập trung tư tưởng nhiều hay ít, thì trước khi chết cũng rất thường hay bị tán loạn, nên giai đoạn thứ hai vừa nói trên đây là rất quan trọng. Chỉ có những người nhất tâm tu tập thiền định thì mới thể nhập được pháp thân thường trụ ngay sau khi thần thức rời bỏ thân thể.[19] Ðó là những người nhận ra ngay tâm thức của mình khi hào quang vừa chiếu rọi, nhờ đã từng thiền định quán tưởng. Ðiều này cho thấy việc thiền định quán tưởng trong cuộc sống là rất quan trọng.

Ðể giải thoát cho người chết, hãy đọc to và rõ ràng luận này, mỗi ngày ba lần, kèm theo giảng rõ ý nghĩa cho thần thức nghe, với một tâm kiên định vững chắc. Hãy tưởng tượng, dù cho có trăm tên cướp hung bạo xuất hiện, vị chủ lễ cũng vẫn phải vững vàng chú ý đến với lời văn và ý nghĩa của luận.

Ðây là một pháp môn giải thoát dành cho bất cứ ai, chỉ cần nghe và hiểu, kể cả những kẻ đã tạo nhiều ác nghiệp cũng có thể được giải thoát. Vì thế nên luận này cũng có thể được đọc lớn cho cả đám đông cùng nghe.

Có những người chỉ cần được nghe luận này, dù là không hiểu, không tin, nhưng khi chết đi, tâm thức sáng suốt gấp chín lần thông thường, nên sẽ nhớ lại không quên chữ nào và có thể hiểu được, tin được. Vì vậy, rất nên đọc luận này cho người sống nghe, nhất là những người đau ốm trên giường bệnh, người già yếu, suy nhược.

Gặp được pháp môn này là một sự may mắn lớn lao. Nếu không tạo nhiều thiện nghiệp, nhiều công đức trong quá khứ, không dễ gì gặp được luận này. Chỉ cần lắng nghe sẽ được giải thoát, miễn là đừng sanh tâm nghi ngờ. Vì vậy, luận này rất đáng được tôn trọng.

Tới đây chấm dứt phần khai thị trong giai đoạn chuyển tiếp của pháp thân. Pháp môn này được gọi là “lắng nghe và giải thoát”, bởi vì nó giúp cho thần thức được giải thoát chỉ qua việc lắng nghe và tin nhận.

5.      Giai đoạn chuẩn bị tái sanh

Mặc dù được khai thị nhiều lần qua nhiều giai đoạn, nhưng với những thần thức có quá nhiều ác nghiệp sẽ không được giải thoát trong giai đoạn đã qua. Những thần thức này có nhiều khả năng sẽ bị nghiệp lực dẫn dắt đi tái sanh. Ðể giúp thần thức không chọn con đường tái sanh mà được giải thoát về các cảnh giới Tịnh độ của chư Phật, kể từ sau ngày thứ mười bốn trở đi, chủ lễ cần tiếp tục khai thị như sau:

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe và thấu hiểu. Chúng sanh trong cõi địa ngục, cõi trời và cõi chuyển tiếp này đều tự nhiên hóa sanh. Khi các vị thiện thần, ác thần xuất hiện, ngươi đã không nhận ra. Ngươi đã mê man nhiều ngày, đến lúc tỉnh dậy, tâm thức ngươi sáng suốt và có một thân giống như thân ngày trước[20] của ngươi đứng dậy. Luận này dạy rằng:

“Thân thể quá khứ và vị lai,

Trong giai đoạn tái sanh,

Có đầy đủ các căn,

Ði lại không ngăn ngại,

Với nghiệp lực thần thông diệu dụng,

Nhìn bằng đôi mắt của bậc thánh.[21]

“Vì ngươi nhớ lại thân quá khứ nên ngươi có một thân có vẻ như bằng xương thịt,[22] nhưng cũng phát ra ánh sáng. Thân xác này của ngươi thật ra là đã được tạo bằng tư tưởng. Nếu ngươi sẽ tái sanh ở cõi trời, chính lúc này ngươi sẽ nhận thấy dấu hiệu của cõi trời. Nếu là các cõi khác, như cõi a-tu-la, cõi người, cõi súc sanh, cõi ngạ quỷ hay cõi địa ngục, cũng đều như vậy, ngươi sẽ thấy dấu hiệu của những cõi đó.

“Nói quá khứ hay vị lai, nghĩa là thân ấy xuất hiện theo với những mong ước hoài niệm về quá khứ, trong đời sống trước, nhưng đồng thời cũng có cả những dấu hiệu của đời sống tương lai mà ngươi sắp tái sanh.

“Dù có bất cứ cảnh tượng gì hiện ra, cũng đừng theo đuổi nó. Ðừng để bị thu hút, đừng tưởng nhớ tới nó. Nếu bị lôi kéo, ngươi sẽ sa vào cõi luân hồi và phải chịu khổ đau.

“Cho tới ngày hôm qua, ngươi đã thấy xuất hiện những cảnh tượng do tâm thức ngươi biến hiện, nhưng ngươi đã không nhận ra, vì vậy ngươi vẫn còn lưu lạc nơi đây. Bây giờ, hãy kiên trì thiền định trong tâm thức sáng suốt, rỗng không, trong tánh không mà những bậc đạo sư của ngươi đã chỉ rõ, hãy an trú trong tâm xả bỏ và không mong cầu. Ðược vậy, ngươi sẽ giải thoát khỏi luân hồi, không phải nhập vào mẫu thai.

“Nếu ngươi vẫn không nhận ra được, hãy cố hình dung các bậc Bồ Tát hay đạo sư đang hiện ra trên cao và xin quy y với các vị đó. Ðây là lúc hết sức quan trọng, đừng để bị lung lạc.”

Khi chủ lễ đọc như thế, nếu nhận hiểu, thần thức sẽ được giải thoát, không sa vào cõi luân hồi. Nếu như ác nghiệp quá nặng nề vẫn làm cho thần thức không nhận hiểu, chủ lễ tiếp tục khai thị như sau:

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Trong luận nói: đầy đủ các căn, nghĩa là trong giai đoạn chuyển tiếp này ngươi có đầy đủ mọi giác quan. Dù lúc còn sống có bị mù hoặc điếc, hay tê bại, thì giờ đây mắt vẫn thấy sắc, tai vẫn nghe tiếng, mọi giác quan đều hoàn hảo. Ðây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ngươi đã chết và đang mang thân trung ấm. Hãy nhớ tới những lời khai thị.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Trong luận nói: không ngăn ngại, là vì giờ đây ngươi chỉ có tâm thức, đã lìa bỏ xác thân. Không còn sắc thân nên có thể đi lại khắp nơi, ngay cả xuyên qua núi Tu-di, chỉ không qua được mẫu thai người mẹ và Kim cương tòa.[23] Ðây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ngươi đã chết và đang mang thân trung ấm, vì vậy hãy nhớ tới lời dạy của các bậc đạo sư và khấn nguyện đức Bồ Tát Quán Thế Âm.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Trong luận nói: với nghiệp lực thần thôngdiệu dụng, nghĩa là hiện ngươi đang có những thần thông kỳ diệu, loại thần thông không phải do thiền định hay do trì giới mà đạt được. Ðó là loại thần thông do nghiệp lực sanh ra. Ngươi có thể trong nháy mắt đi xuyên qua bốn châu và núi Tu-di, có thể phân thân một lúc có mặt khắp nơi, chỉ cần ngươi khởi ý muốn làm những điều đó trong một thời gian như người ta co duỗi cánh tay. Nhưng những thần thông này vô ích, đừng quan tâm đến chúng. Bây giờ ngươi làm gì cũng được, nhưng điều quan trọng nhất là hãy quán tưởng về bậc đạo sư.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Trong luận nói: nhìn bằng đôi mắt của bậc thánh, nghĩa là ngươi có khả năng nhìn thấy rõ tất cả những chúng sanh cùng nghiệp lực như mình, chẳng hạn như những người cùng sanh về cõi trời đều sẽ nhìn thấy được nhau. Nhưng đừng tha thiết quan tâm đến những người ấy, ngươi hãy nhất tâm niệm tưởng Bồ Tát Quán Thế Âm.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Với tâm thức này, ngươi sẽ nhìn thấy nhà cửa, gia đình, quyến thuộc... như cảnh trong giấc mộng. Ngươi lên tiếng hỏi nhưng không được ai trả lời. Ngươi nhìn thấy người thân khóc lóc và ngươi tự hỏi: Ta đã chết, biết làm sao bây giờ? Và ngươi cảm thấy đau khổ vô hạn, như nỗi đau khổ của một con cá đang giãy dụa trên cát nóng. Nhưng đau khổ không giúp được gì cho ngươi! Ngươi hãy quán tưởng tới các bậc đạo sư, chư vị Bồ Tát, đức Quán Thế Âm. Dù ngươi có bám níu trông cậy vào bất cứ người thân yêu nào, cũng không có ai giúp được ngươi. Ðừng bám níu trông cậy vào ai hết. Hãy niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm, ngươi sẽ hết đau khổ và hết sợ hãi.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), do nghiệp lực xoay chuyển, tâm thức ngươi sẽ bị cuốn hút, đẩy đưa như một sợi lông tơ trong gió. Ngươi sẽ nói với những người thân đang than khóc: ‘Ta đây, đừng khóc nữa.’ Nhưng không có ai nghe hiểu được ngươi, rồi ngươi sẽ nghĩ: ‘Ta đã chết.’ Rồi ngươi đau khổ vô hạn. Ðối với ngươi, cõi trung ấm lúc nào cũng mờ mờ với ánh sáng xám nhạt như một ngày mùa thu, không phân biệt ngày đêm. Giai đoạn mang thân trung ấm này kéo dài một, hai, cho đến sáu hay bảy tuần, thậm chí có thể kéo dài đến bốn mươi chín tuần. Ðiều đó tùy theo nơi nghiệp lực quyết định.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), nghiệp lực giờ đây bùng lên theo đuổi ngươi thật dữ dội, ác liệt, đáng sợ. Nhưng đừng sợ hãi, đó chỉ là biến hiện tâm thức vô minh của chính ngươi. Ngươi bị lạc vào bóng tối dày đặc, có những tiếng la hét như ‘đánh nó, giết nó...’ Ðừng sợ hãi. Những kẻ tạo ác nghiệp sẽ thấy ma quỷ hiện ra với giáo mác, la hét bảo ‘giết đi, đánh đi...’ Ngươi sẽ có cảm giác như muôn nghìn thú dữ đang rượt bắt ngươi, hoặc bị một đội quân lùng kiếm trong tuyết giá, bão táp và tối tăm. Ngươi sẽ nghe thấy tiếng ồn ào như núi lở, như lũ lụt... khắp nơi lửa cháy, đầy bão táp. Trong lúc sợ hãi, ngươi sẽ thấy hiện ra ba hố sâu: mà trắng, màu đỏ và màu đen. Chúng sâu thẳm kinh khiếp và có vẻ như ngươi sẽ rơi vào trong đó.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), thật ra ba hố sâu đó chính là sân hận, ái dục và vô minh. Hãy nhận ra ngươi đang ở giai đoạn mang thân trung ấm và khấn nguyện: ‘Kính lạy đức Bồ Tát Quán Thế Âm, kính lạy ngôi Tam bảo, xin cứu giúp đừng để con rơi vào hố sâu.’ Hãy thành tâm cầu nguyện như thế.

“Những thần thức nào tạo nhiều thiện nghiệp, trì giới và tu học chính pháp, sẽ được thiện tri thức tiếp đón và được hưởng mọi sự hỷ lạc, an lành. Những thần thức nào không tạo thiện nghiệp hay ác nghiệp, thì không bị đau khổ cũng không có hỷ lạc, chỉ có vô minh xuất hiện.

Nhưng này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), dù có được hỉ lạc hay bất cứ điều gì quý báu, ngươi cũng đừng quan tâm đến, đừng để bị thu hút. Chỉ một lòng quán tưởng các bậc đạo sư và ngôi Tam bảo. Ðừng để sự ràng buộc và thèm khát xâm chiếm trong nguơi.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), lúc này ngươi sẽ nhìn thấy những cầu cống, nhà cửa, chùa chiền... mà ngươi có thể đến ẩn náu, nhưng sẽ không ở được lâu. Vì tâm thức đã từ bỏ xác thân, ngươi sẽ không ở yên được nơi đâu cả. Ngươi cảm thấy thật lạnh lẽo. Tâm thức ngươi như một sợi dây mong manh, bất định. Rồi ngươi lại thấy đau khổ vô vàn, và thấy trống rỗng, lạnh lẽo. Vì cứ mãi lang thang lưu lạc, ngươi sẽ nghĩ ngợi đủ mọi việc. Hãy tránh điều đó, hãy giữ cho tâm thức định tĩnh trong một trạng thái vững chắc.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), ngươi không có thức ăn nào khác ngoài thức ăn do người sống hiến cúng cho ngươi. Ngươi không biết được mình có bạn hữu hay không. Ðó là dấu hiệu chắc chắn đang mang thân trung ấm, vì vui buồn đều do nghiệp lực quyết định. Ngươi nhìn thấy nhà cửa, người thân và xác chết của chính mình, ngươi lại đau khổ: ‘Ta đã chết rồi! Làm sao bây giờ?’

“Tâm thức ngươi đau khổ và bỗng khởi lên nghĩ: ‘Tại sao ta không đi tìm một thân xác mới?’ Và ngươi chạy khắp nơi để tìm một thân xác. Nhưng dù ngươi có chui chín lần vào lại trong thân xác cũ, thì nó cũng đã hoại rửa đi vì thời gian, hoặc đã bị người thân đem đi thiêu đốt, chôn cất... Thân trung ấm của ngươi đã kéo dài khá lâu, không thể nào ngươi chui vào thân xác cũ được nữa. Ngươi tuyệt vọng và có cảm giác như bị ép giữa đá tảng. Nổi đau khổ tột cùng là khi thân trung ấm đi tìm một thân xác. Không có gì khác hơn ngoài sự đau khổ. Vì vậy, đừng đi tìm một thân xác mới. Hãy kiên trì giữ tâm buông xả không mong cầu.”

Ðược khai thị như trên, rất nhiều thần thức sẽ nhận hiểu và đạt được giải thoát. Nếu không, chủ lễ tiếp tục gọi tên người chết và khai thị như sau:

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Chính nghiệp lực ngươi đang làm cho ngươi đau khổ, đừng trách móc ai. Hãy quán tưởng về ngôi Tam bảo, Phật pháp sẽ bảo hộ cho ngươi. Nếu không, ngươi sẽ nhớ lại những gì tốt xấu đã làm, rõ ràng như những viên sỏi trắng và đen. Ngươi sẽ sợ sệt trước những nghiệp xấu ác, rồi ngươi run rẩy, rồi dối trá: ‘Không, tôi không phạm tội.’ Khi đó, ngươi sẽ thấy thần chết xuất hiện và nói: ‘Ta sẽ xem tấm gương nghiệp báo của ngươi. Và qua đó, tất cả tội lỗi của ngươi sẽ hiện ra, không thể nào chối cãi.’ Rồi thần chết sẽ cột cổ ngươi, xé xác ngươi, ăn thịt ngươi... Nhưng ngươi không thể chết, dù thân xác ngươi bị xé ra làm trăm ngàn mảnh...

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), đừng dối trá và cũng đừng sợ hãi. Ngươi không thể chết được nữa, vì bây giờ ngươi chỉ là tâm thức. Thật ra ngươi đang là biến hiện tự nhiên của cái không, vì vậy đừng sợ sệt. Thần chết cũng là một biến hiện của cái không, của tâm thức ngươi đang bị vô minh xâm chiếm. Cái ‘không’ không thể đàn áp cái ‘không’, cái ‘phi tính chất’ không thể làm thương tổn cái ‘phi tính chất’. Thần chết, thiện thần, ma quỷ... đều không có thực chất, chúng chỉ là biến hiện từ tâm thức vô minh của ngươi. Hãy nhận ra chúng. Hãy nhận ra ngươi đang mang thân trung ấm!

“Hãy quán tưởng đại định. Nếu ngươi không biết cách thiền định, hãy suy xét về thực chất những loại quỷ thần đang làm ngươi lo sợ, và ngươi sẽ thấy tánh không của họ: không có tính chất, vô ngã. Ðiều đó được gọi là ‘tánh không Bát-nhã’, nhưng tánh không này không có nghĩa là hoàn toàn phủ định, cái dụng của nó đáng sợ, nhưng cái thể của nó chính là tâm thức vắng lặng. Sắc và không không phải xa rời nhau, tánh của không là sắc, tánh của sắc là không. Bây giờ, thể của sắc và không đang hiện tiền là tâm thức trong trạng thái không cấu nhiễm. Năng lực của thể sắc và không này tràn đầy khắp nơi: đó là thể tánh từ bi của sắc thân chư Phật.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy nhìn xem! Nếu ngươi thấy hiểu ra điều đó, ngươi đạt được giác ngộ và giải thoát. Ðừng bị lung lạc. Ðây là chỗ cách ly giữa vô minh và giác ngộ, giữa chư Phật và chúng sanh. Hãy nghe bài kệ này:

“Chỉ trong một niệm, đã bị cách ly.

Chỉ trong một niệm, đã thành giác ngộ.

“Ðến ngày hôm qua, ngươi vẫn còn bị lung lạc, dù rất nhiều cảnh trong thân trung ấm đã xuất hiện, nhưng ngươi vẫn còn sợ hãi. Nếu ngươi còn tiếp tục chìm trong vô minh, sợi dây từ bi sẽ bị cắt đứt, ngươi sẽ không được giải thoát. Hãy chú ý!”

Khi được khai thị như thế, nhiều thần thức sẽ nhận hiểu ra và đạt được giác ngộ, giải thoát. Nếu người chết là người trước đây chưa hề biết cách thiền định, chủ lễ khai thị như sau:

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), vì ngươi không biết cách thiền định, hãy quán tưởng đức Quán Thế Âm và cầu nguyện với ngài. Hãy quán tưởng rằng tất cả những hình ảnh đáng sợ kia chính là đức Quán Thế Âm, hoặc chính là chư Phật, Bồ Tát mà ngươi đã quy y. Hãy nhớ tới lời dạy của bậc đạo sư, hoặc nhớ tới bất cứ danh hiệu Phật, Bồ Tát nào mà ngươi đã từng nghe trước đây, và hãy niệm danh hiệu đó trước thần chết. Ðừng sợ hãi, bởi cho dù ngươi có rơi vào hố sâu, ngươi cũng không thể chết!”

Ðược khai thị như thế, nhiều thần thức sẽ nhận hiểu ra và đạt được giác ngộ, giải thoát. Tuy vậy, cũng có nhiều trường hợp thần thức không nhận hiểu được, chủ lễ cần kiên trì tiếp tục gọi tên người chết và khai thị như sau:

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), những cảnh tượng sắp hiện ra sẽ làm cho ngươi hạnh phúc hay đau khổ, điều đó thay đổi rất nhanh chóng. Trong mọi trường hợp, đừng sanh tâm thèm khát hay sân hận.

“Nếu ngươi sẽ thác sanh trong cõi an lạc, lúc này là lúc tâm tưởng an lạc hiện ra. Nhưng cũng lúc này, có thể bà con quyến thuộc của ngươi đang giết trâu, bò, súc vật... để cúng tế ngươi. Ðiều đó có thể làm cho ngươi sanh tâm tức giận, phẫn nộ. Chính tâm sân hận đó sẽ khiến ngươi phải thác sanh vào cõi địa ngục. Vì vậy cố gắng đừng để tâm sân hận phát khởi, cho dù ngươi có nhìn thấy bất cứ điều gì không hài lòng xảy ra trong lúc cúng tế. Chỉ nên quán tưởng tới tâm hỉ lạc.

“Nếu ngươi có tâm chấp thủ, tham tiếc, bây giờ ngươi sẽ thấy người khác làm chủ của cải của ngươi và y đang vui mừng. Ðiều đó có thể làm ngươi nổi tâm sân hận. Tâm sân hận này sẽ khiến ngươi phải sanh vào địa ngục hay làm ngạ quỷ, cho dù lẽ ra ngươi đã được thác sanh trong một cõi tốt đẹp hơn. Hãy nhớ rằng, dù cho ngươi thèm khát của cải, bây giờ ngươi cũng không thể làm chủ nó được nữa. Vì vậy, hãy xả bỏ tâm chấp thủ, tâm thèm khát sở hữu. Hãy quyết tâm như thế. Dù ai chiếm hữu tài sản của ngươi, cũng đừng ganh tị, hãy buông xả, xem như biếu tặng cho họ. Hãy quán tưởng đến bậc đạo sư và ngôi Tam bảo, giữ tâm ý trong trạng thái không tham tiếc.

“Khi người sống lễ cúng ngươi, nhờ vào thần thông đang có ngươi có thể sẽ nhận thấy người ta đang hành lễ một cách cẩu thả, nhơ nhớp, không đúng phép tắc... Hoặc ngươi thấy rõ người cúng thiếu lòng tin, thiếu hiểu biết... Ngươi có thể khởi niệm rằng: ‘Ðau đớn thay, họ đang lừa dối ta, họ lừa dối ta thật sự!’ Ý nghĩ này sẽ làm ngươi đau buồn và thất vọng, thậm chí cũng có thể mất đi niềm tin nơi chánh pháp. Tâm niệm này sẽ dẫn dắt ngươi thác sanh trong các cõi thấp kém. Vì thế, cho dù người ta lễ cúng như thế nào, ngươi cũng hãy cố giữ tâm trong sạch và tự nhủ: ‘Tâm con có thể bị nhiễm ô chứ pháp Phật không thể nhiễm ô, con xin quy y Tam bảo.’ Hãy nhớ luôn giữ tâm thanh tịnh, cho dù thấy biết bất cứ chuyện gì xảy ra.

“Nếu ngươi phải thác sanh vào ba cõi thấp kém[24] thì đây là lúc những dấu hiệu của các cõi đó hiện ra. Cũng có thể đây là lúc mà người sống sẽ lễ cúng ngươi một cách thanh tịnh, đạo sư hay chủ lễ sẽ giảng giải Phật pháp, giảng về nghiệp do thân khẩu ý gây ra. Nhờ vậy ngươi sanh tâm hoan hỉ, và tâm hoan hỉ đó sẽ đưa ngươi thác sanh vào một cõi tốt đẹp hơn. Cho dù cho ngươi có phải đọa vào ba đường ác,[25] thì sự lễ cúng như trên cũng rất quí báu cho ngươi. Quan trọng nhất là phải giữ tâm thanh tịnh, thành kính, không nghi ngờ. Hãy chú ý như thế!

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy đúc kết lại: Trong thân trung ấm, tâm thức ngươi không có chỗ nương tựa cũng như ràng buộc, nên nhẹ nhàng linh hoạt, và mỗi niệm khởi lên dù tốt hay xấu đều có sức mạnh rất lớn lao, mãnh liệt. Cố gắng đừng khởi lên những tâm niệm xấu ác. Cố gắng duy trì, giữ lấy thiện tâm. Nếu chưa từng tu tập hành trì, hãy thành kính và giữ tâm thanh tịnh khấn nguyện cùng chư Phật, Bồ Tát và đức Quán Thế Âm. Hãy cùng ta đọc bài kệ này:

“Xa bạn bè thân yêu,

Con đang du hành đơn độc.

Tâm thức con biến hiện,

Thành những hình ảnh trống rỗng.

 

Cầu mong chư Phật đại bi,

Giúp con dứt hết mọi nỗi sợ hãi.

 

Phải chăng con khổ đau vì ác nghiệp?

Cầu mong chư Phật và Bồ Tát,

Giúp con xóa sạch khổ đau.

Pháp âm rền vang như sấm dậy.

Cầu mong sẽ biến thành sáu âm huyền diệu.

Nếu bị nghiệp lực lôi kéo,

Biết đâu là nơi an trú?

Cầu mong chư Phật đại bi.

Giúp con an trú.

 

Nếu bị nghiệp lực lôi kéo.

Biết bao điều khổ đau!

Cầu mong con đạt được,

Ðại định trong hỷ lạc và chánh kiến.

 

“Thành kính đọc bài kệ này, ngươi sẽ được tiếp dẫn trong chánh đạo. Ðừng nghi ngờ, hãy tin tưởng. Ðiều này rất quan trọng!”

Ðược khai thị như thế, thần thức sẽ nhận hiểu ra và đạt được giác ngộ, giải thoát. Tuy thế, cũng có những thần thức quá nhiều ác nghiệp, vẫn chưa thể nhận hiểu được, chủ lễ cần kiên trì khai thị nhiều lần nữa. Chủ lễ tiếp tục gọi tên người chết và khai thị như sau:

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), ngươi vẫn chưa hiểu được những gì đã và đang xảy ra. Từ bây giờ, cảm giác về thân thể của đời sống trước đang phai nhạt dần, và xác thân của đời sống tiếp sau bắt đầu rõ rệt. Ngươi sẽ tự nhủ: ‘Vì ta đau khổ, thèm khát một xác thân, nên giờ đây xác thân đang xuất hiện.’

“Những gì đang xuất hiện làm ngươi hồi hộp, lo lắng. Sáu ánh sáng của sáu nẻo lục đạo bắt đầu xuất hiện, và nếu ngươi thác sanh cõi nào thì ánh sáng của cõi đó sẽ chiếu sáng nhất.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Ngươi muốn hiểu về các loại ánh sáng đó chăng? Cõi trời có ánh sáng màu trắng, cõi a-tu-la có ánh sáng màu đỏ, cõi người có ánh sáng màu xanh, cõi súc sanh có ánh sáng màu xanh lục, cõi ngạ quỷ có ánh sáng màu vàng, cõi địa ngục có ánh sáng màu khói xám. Ðó là sáu loại ánh sáng. Trong lúc này, thân ngươi sẽ tự nhiên có màu ánh sáng của cõi mà ngươi sắp thác sanh.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy nhớ kỹ rằng lúc này chỉ có một điều quang trọng: dù cho ánh sáng gì chiếu rọi, hãy quán tưởng ánh sáng đó là đức Quán Thế Âm. Hãy quán tưởng đức Quán Thế Âm! Quán tưởng như thế hết sức quan trọng, vì có thể giúp ngươi không phải tái sanh.

“Hãy quán tưởng về vị Phật hoặc Bồ Tát mà ngươi đã từng quy y, hãy quán tưởng về một hình ảnh vô ngã. Sau một lúc quán tưởng, ngươi hãy cố duy trì tâm vô niệm. Sau đó lại quán tưởng Phật, Bồ Tát. Cứ quán tưởng thay đổi như thế, và giữ tâm thức hòa nhập với không gian, hòa nhập với pháp thân vốn giản đơn và vô ngã.”

Ðược khai thị như thế, thần thức sẽ không tái sanh và giác ngộ, được giải thoát. Tuy thế, vẫn có nhiều khi vì nghiệp lực và vô minh che lấp nên thần thức không nhận hiểu được, sẽ tìm đường nhập mẫu thai. Chủ lễ cần khai thị để thần thức tránh nhập vào mẫu thai, bằng cách gọi tên người chết và nói như sau:

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), ngươi vẫn chưa hiểu được điều gì đang xảy ra. Ðây là lúc ngươi sẽ có cảm giác nghiệp lực đang tác dụng. Bây giờ cần quán tưởng đến đức Quán Thế Âm, hãy nhớ kỹ!

“Rồi ngươi sẽ có cảm giác như bão tố, mưa tuyết, tối tăm và bị rượt bắt. Nếu ngươi không có nghiệp lành, ngươi sẽ có cảm giác lạc vào một nơi khổ đau. Ngược lại, ngươi sẽ đạt tới một cảnh giới an lành.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), đây là lúc mà cảnh giới nơi ngươi sẽ đầu thai đến hiện ra rõ ràng. Hãy nghe đây, những lời khai thị quan trọng! Mặc dù trước đây ngươi chưa hiểu, nhưng có thể bây giờ ngươi sẽ hiểu.

“Ngươi cần đạt một trong hai cách tránh nhập mẫu thai: Một là tự giữ thân lại, hai là khép kín cửa tái sanh.

“Thế nào là tự giữ thân lại?

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), ngươi hãy quán tưởng Phật hay Bồ Tát, rõ ràng như ánh trăng hiện trong nước. Thông thường ngươi có thể quán tưởng đức Quán Thế Âm, hình dung ngài hiện ra sống động trước mắt ngươi. Sau một lúc quán tưởng, ngươi hãy cố giữ tâm vô niệm, không để bất cứ ý niệm nào khởi lên. Ðó là cách bí truyền giúp ngươi không phải nhập vào mẫu thai.

“Nếu ngươi không quán tưởng được như thế, ngươi sắp sửa phải nhập vào mẫu thai. Ðây là lời khai thị giúp ngươi khép kín của tái sanh. Hãy cùng ta đọc bài kệ này:

Ta đang sắp sửa tái sanh.

Hãy tập trung tâm thức.

Hãy kéo dài thiện nghiệp sẵn có.

Hãy khép kín cửa tái sanh!

Hãy từ chối nó!

Ðây là lúc kiên trì và chánh niệm.

Từ bỏ ái dục, quán tưởng đấng đạo sư.

“Hãy đọc nhiều lần bài kệ này và suy xét về ý nghĩa, rồi thực hiện theo ý nghĩa đó.

“Ý nghĩa của bài kệ này như sau:

“Ta đang sắp sửa tái sanh, nghĩa là ngươi đang mang thân trung ấm. Một dấu hiệu rõ ràng là, ngươi không có hình bóng. Nếu soi vào mặt nước sẽ không thấy bóng. Thân ngươi không có bóng. Ngươi không còn thân bằng xương thịt, ngươi chỉ có thân bằng tâm tưởng đang lưu lạc. Lúc này, tập trung tâm thức được là điều tối quan trọng. Như người đang cầm cương ngựa, cũng như thế, ngươi đang lèo lái tâm thức ngươi. Bất cứ ý niệm nào được khởi lên trong tâm ngươi, sẽ tức khắc trở thành hiện thực. Vì vậy, đừng nghĩ tới điều xấu ác. Hãy nhớ đến chánh pháp, đến những gì đã từng tu học, đến kinh vãng sanh mà ngươi đã từng nghe trong đời sống trước, và cố kéo dài tác động của thiện nghiệp. Chỗ này rất quan trọng, là chỗ cách ly giữa thăng và trầm. Ðây là lúc mà chỉ một chút sơ sẩy có thể đưa lại vô vàn khổ đau mãi mãi, nhưng đây cũng là lúc chánh tinh tấn có thể mang lại an lạc lâu dài.

“Hãy khép kín cửa tái sanh! Hãy từ chối nó! Ðây là lúc kiên trì và chánh niệm. Những điều đó có ý nghĩa gì?

“Ðã đến lúc cần khép kín cửa tái sanh. Có năm phương pháp, hãy lắng nghe:

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), trong thời điểm này, ngươi sẽ thấy hình ảnh nam nữ giao hợp với nhau. Nếu thấy vậy, ngươi đừng xen vào đó. Hãy quán tưởng tới Phật, Bồ Tát cầu xin tiếp độ. Nếu được như thế, ngươi sẽ không phải nhập vào mẫu thai.

“Nếu ngươi vẫn bị lôi kéo, hãy quán tưởng tới Phật, Bồ Tát, khấn nguyện được trở thành thiện tri thức. Nếu được như thế, ngươi sẽ không phải nhập vào mẫu thai.

“Tiếp nữa, nếu ngươi vẫn bị lôi kéo, ta khai thị cho ngươi lần thứ ba để tránh ái dục và sân hận. Có bốn cách sanh ra: có loài sanh trứng, có loài sanh con, có loài sanh từ nơi ẩm thấp và có loài do biến hóa sanh ra.[26]

Sanh trứng và sanh con khá tương tự với nhau. Như đã nói, ngươi sẽ thấy biến hiện ra cảnh nam nữ giao hợp. Lúc này, tùy theo nghiệp lực của ái dục hay sân hận, ngươi sẽ phải nhập vào mẫu thai và sanh thành loài ngựa, loài chim, loài chó, loài người hay các loài khác. Nếu ngươi sẽ trở thành man giới, ngươi sẽ tự thấy có cảm giác ganh tị với người cha và yêu mến người mẹ, và ngược lại.[27] Ái dục này dẫn dắt ngươi đến nhập vào mẫu thai, trong đó tinh cha huyết mẹ tạo thành thân thể mới của ngươi. Ngươi cảm thấy vô cùng mãn nguyện. Trong giai đoạn sung sướng này, ngươi sẽ quên mất tâm thức mình vốn có. Thai nhi ban đầu hình tròn, rồi dài dần, lớn dần cho tới lúc thân thể mới phát triển đầy đủ và chào đời. Ngươi sẽ mở mắt ra và chợt thấy mình đã thành một con chó con. Mặt dù trước đó ngươi là một con người, nay đã là oài chó và đau khổ theo kiếp chó; hoặc kiếp heo, hoặc loài ong, kiến, hoặc côn trùng, hoặc thành bò con, lừa con, hoặc cừu con... hoặc tương tự. Từ đây không còn có thể trở lui, trong vô minh và câm nín, ngươi chịu nhiều khổ đau. Trầm luân mãi trong sáu cõi luân hồi, trong cõi địa ngục, trong cõi ngạ quỷ, ngươi sẽ đau khổ vô hạn. Không có gì mãnh liệt hơn và đáng sợ hơn điều này. Thật đáng thương cho ngươi. Những người không tu học dưới sự hướng dẫn của một minh sư sẽ rơi vào hố sâu của luân hồi và chịu vô vàn khổ đau. Vì vậy hãy nghe và hiểu những lời khai thị của ta.

“Ðây là những lời khai thị tránh nhập mẫu thai bằng cách từ bỏ ái dục và sân hận, hãy nghe và hiểu thấu:

“Hãy khép kín cửa tái sanh!

Hãy từ chối nó!

Ðây là lúc kiên trì và chánh niệm,

Từ bỏ lòng ái dục, quán tưởng đấng đạo sư.

“Như đã nói ở trên, ngươi sẽ có cảm giác ganh tị trong thời điểm này. Nếu ngươi sanh thành nam giới, ngươi sẽ yêu mẹ ghét cha; nếu ngươi sanh thành phái nữ, ngươi sẽ yêu cha ghét mẹ.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), nếu ái dục và sân hận nổi lên, hãy quán tưởng như sau: Ðau khổ thay, ta bị ác nghiệp dẫn dắt, bị ái dục và sân hận lôi kéo mãi trong cõi Ta-bà. Nếu cứ bị hai thứ này lôi kéo, ta sẽ mãi mãi lưu lạc nơi đây, trầm luân trong bể khổ. Ta muốn không còn ái dục và sân hận. Từ nay về sau, nhất định không còn ái dục và sân hận.

“Với tâm thức tập trung vào ý niệm đó, ngươi sẽ không phải nhập vào mẫu thai. Nay thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên...), đừng bị lung lạc, hãy tập trung tâm thức vào điều đó.

“Tuy thế, nếu ngươi vẫn thấy mẫu thai lôi kéo ngươi, hãy quán tưởng về tính vô ngã, vô thường của sự vật. Hãy quán tưởng như sau:

“Hãy xem người nam cũng như người nữ, bão tố cũng như sấm động, tất cả mọi cảnh tượng vốn không có thực thể. Dù xuất hiện thế nào, tất cả đều là một sự giả hợp. Tất cả sắc thể đều giả hợp. Như một bóng ma, chúng không thường còn, chúng chịu dưới quy luật vô thường. Thèm khát để làm gì? Sợ hãi vì lý do gì? Ðó chỉ là nhận cái không thật làm cái có thật. Tất cả chỉ là biến hiện của tâm thức ta, mà chính tâm thức ta cũng vô ngã và giả hợp, thì chúng có nghĩa gì đâu? Cho tới nay ta vẫn không hiểu điều đó, lấy cái không thể làm cái có thể; lấy cái mê vọng làm cái chân thật; lấy cái ảo tưởng làm cái thực thể; vì vậy mà phải trầm luân trong cõi Ta-bà. Và nếu ta không nhận ra những cái đó chỉ là ảo giác, ta sẽ tiếp tục lưu trú trong cõi luân hồi, sẽ rơi vào vũng bùn lầy của khổ đau. Chúng chỉ là giấc mộng, là ảo giác, là tiếng vọng, như hoa giữa hư không, như bóng trăng trong nước. Chắc chắn chúng không có thực thể, chỉ là ảo ảnh.

“Hãy tập trung vào lời khai thị này. Niềm tin của ngươi vào sự chắc thật của chúng sẽ bị phá vỡ, và như thế ngươi sẽ tin nơi khả năng giác ngộ của ngươi nhiều hơn. Hiểu rõ tính giả hợp của sự vật, ngươi sẽ tránh khỏi sự tái sanh.

“Tuy nhiên, nếu người không đạt được sự thấu hiểu, và mẫu thai vẫn thu hút ngươi, còn có một cách quán tưởng thứ năm để giúp ngươi không bị nhập vào mẫu thai. Ðó là hãy quán tưởng về chân tâm: Tất cả sự vật đều xuất phát từ tâm thức ta. Tâm thức ta vốn là không. Không sanh diệt, không ngăn ngại. Hãy giữ tâm thức ngươi trong một trạng thái tự nhiên, không tạp niệm; trong một trạng thái hồn nhiên, như lấy nước đổ vào trong nước, tự nhiên thoải mái. Trong tâm thức hồn nhiên này, ngươi biết chắc mình sẽ không tái sanh trong bốn cách sanh.

Với những phương thức khai thị như đã trình bày từ trước đến đây, thần thức sẽ được giải thoát, cho dù là thuộc hạng thượng căn, trung căn hay hạ căn. Tại sao vậy? Thứ nhất, vì thần thức trong  giai đoạn này có được thần thông, nghe hiểu được những điều giảng nói. Thứ hai, dù khi làm người có bị câm điếc, thì giờ đây vẫn có đủ các căn, nghe hiểu được tất cả. Thứ ba, bị sợ hãi đã nhiều, thần thức chắc chắn sẽ tự hỏi: “Biết làm gì bây giờ?” Và sẽ lắng nghe những gì được giảng nói. Thứ tư, thần thức không còn bị xác thân trói buộc, hết sức linh hoạt, hướng tâm tới đâu, tâm tới đó ngay. Tâm thức bây giờ sáng suốt gấp chín lần thông thường, nên dù trước đây ngu si tới đâu thần thức cũng có thể nghe và quán tưởng được những điều căn bản trên đây. Vì vậy, thực hiện nghi thức khai thị cho người chết theo cách này là hết sức quí báu.

Chủ lễ cần đọc luận này thật nhiều lần. Dù cho hôm nay chưa giác ngộ, ngày mai thần thức có thể sẽ giác ngộ. Ðó là lý do vì sao những lời khai thị cần phải lặp lại thật nhiều lần.

6.      Giai đoạn phải đi tái sanh

Tuy thế, cũng có những người ác nghiệp nặng nề, không được giải thoát qua những lời khai thị như trên, dù cho đã nghe tụng đọc rất nhiều lần. Những thần thức này sẽ phải đi tái sanh. Ðây là lúc chủ lễ cần khai thị cho thần thức cách lựa chọn cõi xứ mình sẽ đầu thai.

Chủ lễ niệm danh hiệu Phật và Bồ Tát, niệm quy y Tam bảo, rồi gọi tên người chết ba lần và nói như sau:

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), hãy lắng nghe. Dù đã được khai thị nhiều lần nhưng ngươi vẫn chưa giác ngộ. Giờ đây đã đến lúc ngươi phải đi tái sanh; đã đến lúc ngươi phải chọn một thân xác mới. Sẽ có nhiều lời khai thị cho ngươi, hãy lắng nghe, đừng để bị tán loạn. Hãy tập trung lắng nghe!

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), lúc này là lúc xuất hiện dấu hiệu của một trong bốn châu, nơi mà ngươi sẽ tái sanh. Hãy chú ý nhận rõ. Hãy xem xét ngươi sẽ sanh về châu nào và tỉnh táo lựa chọn.

“Nếu ngươi sanh về Ðông Thắng Thân Châu ngươi sẽ thấy một cái hồ và một cặp thiên nga bơi lượn trên hồ. Ðừng đến đó! Hãy quyết tâm chớ đi về đó. Dù đó là một cõi xứ an lạc, nhưng ở đó Chánh pháp không được tuyên giảng. Ðừng tới đó.

“Nếu ngươi sanh về Nam Thiệm Bộ Châu, ngươi sẽ thấy nhà cửa cung điện huy hoàng. Nếu phải tái sanh, ngươi nên cầu sanh về châu này.

“Nếu ngươi sanh về Tây Ngưu Hóa Châu, ngươi sẽ thấy trâu, bò, ngựa... gặm cỏ bên một cái hồ. Ðừng đến đó! Ở đây dù là một cõi xứ an lạc nhưng không có giáo pháp.

“Nếu ngươi sanh về Bắc Câu Lô Châu, ngươi sẽ thấy một cái hồ, trên bờ cỏ cây xanh tốt, hoặc có thú vật nhởn nhơ. Ðừng đến đó! Dù là một cõi xứ trường thọ sung sướng, nhưng ở đó Chánh pháp không được giảng dạy.

“Nếu ngươi sanh về cõi trời, ngươi sẽ thấy cung điện huy hoàng nhiều tầng. Hãy cầu sanh vào đó.

“Nếu ngươi sanh làm a-tu-la, ngươi sẽ thấy vườn trái cây tươi tốt hoặc như có bánh xe lửa quay tròn. Ðừng sanh vào đó.

“Nếu ngươi sanh làm súc sanh, ngươi sẽ thấy có hang động mờ mịt, có lỗ chui xuống đất. Ðừng sanh vào đó.

“Nếu ngươi sanh làm ngạ quỷ, ngươi sẽ thấy những thân cây cụt đầu, những vật thể chỉa lên cao, sắc đen, hang động, bóng dáng tối tăm. Nếu sanh vào đó, ngươi sẽ khổ sở vì đói khát. Phải hết sức tránh cõi xứ này. Hãy kiên tâm chối bỏ!

“Nếu ngươi sanh vào địa ngục, ngươi sẽ nghe như có tiếng người hát, hoặc ngươi bị đẩy vào, hoặc ngươi thấy một cõi xứ của màu đỏ hoặc đen, những mồ mã màu đen, đường xá màu đen... Ðừng đến đó, hết sức chống cự lại, vào đó ngươi sẽ khổ trăm điều.

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), bây giờ dù muốn dù không ngươi cũng phải đi tái sanh, không sao cưỡng lại được. Phía sau thì nghiệp lực theo đuổi, phía trước thì đao phủ chờ đợi. Tối tăm, bão táp, mưa gió, âm thanh cuồng nộ làm ngươi sợ hãi bỏ chạy. Trong lúc chạy trốn ngươi sẽ tìm nơi trú ẩn, và ngươi sẽ thấy hoặc là cung điện như trên đã nói, hoặc hang động, hoặc lỗ chui xuống đất, hoặc dưới gốc cây, hoặc lá sen... Ngươi sẽ bám giữ chỗ đó, không dám ra ngoài nữa và nhận nơi đó làm cõi xứ của mình, lấy một thân của cõi đó làm thân mình. Ðây chính là lúc ác nghiệp tác động, hãy nghe lời khai thị:

“Trong giai đoạn này, lúc nghiệp lực đang tác động mãnh liệt, hãy đem hết tâm thức ra mà cầu đức Quán Thế Âm, hoặc vị Phật, Bồ Tát nào mà trước đây ngươi thường niệm danh hiệu. Hãy hình dung các vị đó với thân thể, thần thông diệu dụng, đứng ra chống lại những ác nghiệp của ngươi. Nhờ lòng từ bi của các vị Phật, Bồ Tát, ngươi sẽ không còn bị ác nghiệp theo đuổi. Ngươi sẽ lựa chọn được cõi xứ để tái sanh. Ðây là lời khai thị quan trọng, hãy nhớ lấy!

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), chư thiên cõi trời được sanh ra từ đại định và thiền quán. Có một số quỷ thần như loài ngạ quỷ, thay đổi được tâm thức trong giai đoạn trung ấm, tự biến dạng từ xấu ác ra dạng của tâm thức mới. Có loài quỷ đói sống dưới đáy biển, có loài bay trong không gian, có tám mươi ngàn loài xấu ác, khi mang thân trung ấm thay đổi tâm thức và mang dạng mới. Vì vậy, lúc này ngươi cần quán tưởng chân tâm. Nếu không đủ khả năng quán tưởng chân tâm thì có thể theo dõi ảo ảnh đang hiện tiền với tâm hiểu biết. Nếu không làm được, ngươi cũng không nên chấp thủ điều gì mà nên quán tưởng các vị hộ pháp bảo hộ cho ngươi, quán tưởng đức Quán Thế Âm và có thể giác ngộ.

Này thiện nam, nếu đây là lúc phải nhập mẫu thai thì hãy lắng nghe ta khai thị. Không nên nhập ngay vào bất cứ mẫu thai nào vừa xuất hiện, mà hãy quán tưởng để hiểu biết. Vì ngươi đang có thần thông, ngươi có thể thấy các khả năng lựa chọn khác nhau, hãy chọn kỹ. Có hai điều cần phân biệt: chọn để hóa sanh vào xứ Phật, hay phải thác sanh vào cõi luân hồi. Hãy làm như sau:

“Ðể được hóa sanh về Tây phương Cực Lạc, ngươi hãy khởi niệm: ‘Ðau đớn thay nếu ta phải trôi lăn trong cõi luân hồi, chịu khổ vô lượng kiếp, trong lúc nhiều chúng sanh khác đã được giải thoát. Kể từ nay ta nhàm chán sanh tử. Ðây là lúc phải chuẩn bị giải thoát, xin được hóa sanh trong hoa sen, dưới chân Phật A-di-đà của thế giới Cực Lạc phương tây.’ Phải đem hết lòng thành khẩn cầu đức Phật A-di-đà tiếp độ.

“Hoặc là hãy đem hết tâm thành kính ra tưởng nhớ tới một cõi tịnh độ nào mà ngươi đã từng nghe biết, ngươi sẽ được hóa sanh lập tức về cõi đó. Hoặc là hãy quán tưởng Bồ Tát Di Lặc ở cung trời Ðâu-suất, xin được hóa sanh. Ngươi sẽ lập tức được hóa sanh.

“Nếu ngươi không làm được thế và chấp nhận tái sanh trong cõi Ta-bà, hãy lắng nghe. Dùng thần thông để lựa chọn châu nào mình sẽ tái sanh, và chỉ tái sanh nơi có Phật pháp hiện hành.

“Giả sử nghiệp lực khiến ngươi phải sanh trong đống phân thì lúc này ngươi sẽ thấy ở đấy có mùi thơm tho ngọt ngào, ngươi sẽ thác sanh vào đó. Vì vậy, dù có cảm giác gì, đừng tin vào đó. Hãy cố gắng tránh bỏ ái dục, sân hận và chủ động lựa chọn mẫu thai.

“Hãy phát nguyện như sau: ‘Vì lợi lạc cho chúng sanh, ta muốn sanh làm người có uy quyền, hoặc làm người có tri thức, hoặc trong gia đình thích nghe Chánh pháp, hoặc cha mẹ ta là người mộ đạo. Vì lợi lạc cho chúng sanh, ta muốn có một thân thể đầy đủ. Ta sẽ tạo nhiều thiện nghiệp.’

“Với tâm thức này, ngươi nhập vào mẫu thai, quán tưởng tới chư Phật, Bồ Tát mười phương, và nhất là đức Quán Thế Âm.

“Vì một nghiệp xấu nào đó, có thể ngươi sẽ phạm sai lầm khi chọn lựa nơi tái sanh. Khi ấy, một ác đạo có thể được nhìn thấy như tốt đẹp hoặc ngược lại. Vì vậy cần có thái độ như sau: dù cho một chỗ tái sanh có vẻ tốt đẹp, ngươi đừng vội tin tưởng; một chỗ khác có vẻ xấu ác, ngươi đừng vội chối bỏ. Thái độ quan trọng nhất là cố giữ tâm tự tại, không tốt không xấu; không vồ vập, không chối bỏ; không ái dục và không sân hận.”

Có những trường hợp được khai thị như vậy nhưng một số thần thức vẫn bị ác nghiệp theo đuổi. Chủ lễ cần giúp cho những thần thức có căn cơ thấp kém này tìm được một nơi an trú, mặc dù họ không dứt được ái dục và sân hận. Chủ lễ gọi tên người chết và nói:

Này thiện nam (hoặc tín nữ, nói rõ tên... ), nếu ngươi không rủ bỏ được ái dục và sân hận, nếu ngươi không biết lựa chọn chỗ tái sanh, thì hãy quán tưởng Tam bảo và xin quy y. Hãy vững bước đi tới. Ðừng để bị bà con thân thuộc níu kéo. Ngươi hãy đi vào ánh sáng xanh của cõi người hoặc ánh sáng trắng của cõi trời. Hãy đi vào những đền đài đẹp đẽ, hoặc những nơi vườn tược xinh tươi.”

Chủ lễ nhắc nhở như thế bảy lần, sau đó niệm danh hiệu Phật và Bồ Tát rồi tụng bài Kệ vô ngại,[28] bài Kệ vô thường,[29] bài Cầu Phật và Bồ Tát cứu độ[30] bảy lần.

7.      Kết luận

Khi được chủ lễ khai thị như luận này trình bày, các vị tu thiền định đã thuần thục sẽ nhận rõ được chân tâm ngay trước khi chết. Các vị này không phải mang thân trung ấm, chứng ngay được vô sanh pháp nhẫn.

Một số thần thức tỉnh dậy sau khoảng bốn ngày, nhận ra được hào quang của chân tâm, cũng giác ngộ giải thoát. Ngoài ra, một số thần thức khác tùy theo nghiệp lực, kẻ sớm người muộn, trong những tuần kế tiếp theo sau sẽ nhận ra hình ảnh các vị thiện thần hoặc ác thần chính là biến hiện của tâm thức mình. Những thần thức này cũng giác ngộ, tùy theo trình độ, nhưng đều được sanh về các cõi tịnh độ và thoát khỏi sanh tử luân hồi.

Nhưng vẫn còn có nhiều thần thức bị ác nghiệp lôi kéo, đi vào giai đoạn tái sanh. Nhờ được khai thị, cũng có nhiều thần thức giác ngộ, tùy mức độ khác nhau, như trên nhiều bậc thang khác nhau. Có những thần thức khác thấp kém hơn, vì quá sợ hãi, vì nghiệp báo quá nặng nề, đến lúc sắp tái sanh mới được giác ngộ. Những thần thức này thường nhờ vào việc quán tưởng và cầu nguyện mà được giải thoát.

Cuối cùng là những người hạ căn, nhờ biết quy y Tam bảo mà được tái sanh làm thân người quí báu, được mọi sự tự tại và có cơ hội gặp các bậc thiện tri thức hoặc minh sư để được khai thị và giải thoát.

Trong giai đoạn sắp tái sanh, nếu thần thức được nghe pháp môn này, thì nhưõng lời khai thị sẽ giúp kéo dài, tăng thêm những thiện nghiệp, như thêm một ống nước trong một vòi nước. Ðược nghe luận này, ai cũng có thể được giải thoát, ngay cả những kẻ đã gây nhiều ác nghiệp.

Tại sao vậy? Vì trong giai đoạn mang thân trung ấm này, các thiện thần và ác thần đều xuất hiện, đều có khuynh hướng cám dỗ, lôi kéo thần thức. Thần thức trong giai đoạn này chỉ cần nghe là hiểu, lại rất linh hoạt vì không còn bị ràng buộc bởi xác thân bằng xương thịt. Thần thức có đầy đủ thần thông, có thể lắng nghe hoặc nhìn thấy từ xa và có mặt tức khắc. Ðây là thời điểm rất quí báu vì thần thức có khả năng hiểu ngay những lời khai thị và tức khắc có hiệu quả. Như một thân cây đồ sộ trăm người lay không nỗi nhưng khi nổi lên trong nước thì có thể đẩy đến bất cứ đâu. Những lời khai thị trong lúc này giống như sợi dây cương giúp người ta dễ dàng điều khiển con ngựa.

Vì vậy, cần nói chuyện với người sắp chết về những điều đã học được trong luận này. Và nếu xác chết còn hiện tiền, chủ lễ hoặc người thân nên đọc nhiều lần luận này bên cạnh xác chết cho đến lúc thấy máu và một chất khí màu trắng thoát ra nơi lỗ mũi.

Trong suốt thời gian này cần để cho xác chết được yên tĩnh. Ðặc biệt cần chú ý không được giết hại sanh vật để cúng tế. Không được khóc lóc, kêu la hoặc nói chuyện ồn ào bên cạnh xác chết. Cần chú tâm làm nhiều điều phước thiện.

Cần đọc thêm các bản văn phụ đính của Luận vãng sanh này. Nên đọc nhiều lần để hiểu ý nghĩa từng câu văn, và khi cái chết gần kề, nếu tình trạng sức khỏe cho phép, người sắp lâm chung nên tự mình đọc rõ và quán tưởng. Nếu không thể tự đọc được, nên có một người bạn cùng kiến giải đến tụng đọc cho nghe, chắc chắn người chết sẽ được giải thoát.

Pháp môn này không đòi hỏi nhiều công phu tập luyện, vì những lời khai thị này chỉ cần được nghe thấy, đọc hiểu là đã có thể dẫn đến giải thoát. Những lời này cũng giúp ta từ bỏ các nghiệp xấu ác, quay trở về chánh đạo.

Chỉ cần đừng quên đi câu văn và ý nghĩa của luận, ngay cả trong trường hợp bị thú dữ rượt đuổi, pháp môn này vẫn có thể giúp người ta đạt được giải thoát trong giai đoạn trước khi chết.

Chư Phật ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai đều tán thán pháp môn này.

Luận này là những lời khai thị cho chúng sanh cõi người. Ðây là những lời khai thị tinh yếu nhất, được gọi là pháp môn “lắng nghe và giải thoát”.

Báu vật này được đức Siddha Karma-Lingpa tìm thấy trong núi Gampo-Dar. Cầu mong tập luận này có ích cho đạo pháp và cho tất cả chúng sanh.

] ] ]

 


 

[1] Xem Phụ đính A

[2] Xem Phụ đính B

[3] Xem Phụ đính C

[4] Thất kiếu: bảy lỗ thông ra bên ngoài của cơ thể, gồm 2 lỗ mũi, 2 mắt, miệng, 2 đường đại tiện và tiểu tiện.

[5] Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn.

[6] Ðại viên cảnh trí, Bình đẳng tánh trí, Diệu quan sát trí, Thành sở tác trí.

[7] Hekura

[8] Vajra

[9] Vajra Heruka

[10] Ratna Heruka

[11] Padma

[12] Padma Heruka

[13] Karma

[14] Karma Heruka

[15] Makara

[16] Tức là 5 vị ác thần hình dạng hung tợn nhưng thực ra là do chư Phật biến hiện, đã nói ở đoạn trước.

[17] Sáu âm: Tức là Ðại Minh chân ngôn: Án ma ni bát di hồng. Với người tu Tịnh độ thì sáu âm này là Nam mô A-di-đà Phật.

[18] Năm yếu tố chỉ tứ đại và tính không.

[19] Tức là giai đoạn thứ nhất.

[20] Thân do tâm thức biến hiện, giống với khi còn sống.

[21] Ðây là những khả năng tự nhiên của thân trung ấm khi chưa bị nghiệp lực xoay chuyển. Tuy nhiên, thân này không được người bình thường nhìn thấy.

[22] Chỉ là thân do ảo giác, mong ước mà hình thành. Nó không thật và được gọi là thân ước vọng.

[23] Kim cương tòa là tòa của mỗi vị Phật ngồi khi thành đạo.

[24] Tức là các cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.

[25] Tức là ba cõi thấp kém vừa nói trên.

[26] Ðó là: thai sanh, noãn sanh, thấp sanh và hóa sanh.

[27] Nếu là nữ giới sẽ có cảm giác ganh tỵ với mẹ và yêu mến cha.

[28] Xem phụ đính D

[29] Xem phụ đính C

[30] Xem phụ đính A

 

---o0o---

 

Mục Lục >> 01  >> 02  >> 03  >> 04 >> 05

Nguồn: www.quangduc.com

Về danh mục

Ã Æ tu Âm Ä Ã² trÃ Æ tieu su hoa thuong thich hue hung Nghi thuc tung kinh Tin dừng Tây An Cổ Tự Chùa Tây An cau chuyen ve niem phat va cau nguyen theo phong 17 lời khuyên dạy đáng suy ngẫm của 不空羂索心咒梵文 phong thuy tot nhat chinh la ban than tu luyen tam thờ cúng cha mẹ hay ông bà quá vãng nt kien thuc va tri tue trong dao phat mau hoa nao cho mua vu lan môn nam duc phat khong tu dau den va cung khong di ve dau ï¾ biệt chỉ cai duyen that ky dieu cái duyên thật kỳ diệu vai tháºn Nguyên nhân nhiều người trẻ bị bộ 妙蓮老和尚 cuoc lễ soi day chuyen dinh menh Hoằng mo phat moi luc moi noi Canh ngủ vong phi benh Cái giá của người xa quê 泰卦 vo nga ac phap Hiến Giỗ dat Người mắc bệnh gì muốn tự sát nhiều Thực kiều trần như Nam tương vung ben trong giao phap cua phat Sóc niệm bメケi Tuá 因地當中 Cái chữ của mạ sự thật đường tu va L廙 best tây sóng